CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

THÔI ĐÀNH - XƯỚNG HỌA TRẦN NGỘ , NHÃ MY VÀ THI HỮU






THÔI ĐÀNH

Chẳng phải duyên nhau chớ bận lòng
Chúng mình đôi ngả thế là xong
Em quên nối vết đường cung gãy
Anh sẽ vá chằm khúc phím cong
Nghĩa cũ xem như còn tủi hận
Tình xưa nghĩ lại có buồn không
Sông dài cá lặn mờ tăm bóng
Ngáy tháng phôi pha giọt nắng hồng

TRẦN NGỘ


TỦI PHẬN

 Đành thôi người đã nhạt phai lòng
Duyên nợ đôi đường thế cũng xong
Cam phận lệ trào mi mắt ướt
Xót đời son héo khóe môi cong
Vầng trăng thề hẹn còn nguyên vẹn
Khúc hát ân tình đã hóa không
Tóc bạc bẽ bàng bên gối mộng
Đài trang ngày cũ tủi xuân hồng !

NHÃ MY

NM cảm ơn thi hữu GIÁC MINH  và NGỌC LIÊN NGUYỄN đã góp họa.


HIU HẮT CHIỀU
Gĩa biệt tình nhau cũng khổ lòng
Thôi đành chịu vậy thế cho xong
Người theo pháo nổ vui duyên mới
Rượu cạn ta về tủi phận cong
Hẹn biển non thể chừ bỏ lại
Lời thương ý mến ấy giao không
Lòng ơi! giọt lệ xuân năm cũ
Hiu hắt chiều đi một nhánh hồng!

GM.NGUYỄN ĐÌNH DIỆM


BẾN MỘNG
Yêu thương chất chứa mãi trong lòng
Phó thác dòng đời thế cũng xong
Đã trót cầu mong tròn quả mọng
Sao còn ước vọng mảnh tình cong
Gần nhau phải chịu nghe điều khó
Trĩu dạ thôi đành chấp nhận không
Sợi tóc làm vương sầu gối mộng
Gì đâu má thắm nhạt môi hồng..

NGỌC LIÊN NGUYỄN

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

TÌNH BẢO LỘC - THƠ HOÀNG YÊN LYNH




Ảnh từ TG HYL gửi


TÌNH BẢO LỘC

                    

Không còn em  hương mùa thu vẫn đến
Nắng hoe vàng Bảo Lộc đẫm mù sương
Còn riêng anh với khung trời kỷ niệm
Những con đường lặng lẽ bước chân đêm.

Ta mất nhau giữa dòng đời giông bão
Có bao giờ lòng chạnh hỏi vì sao
Chuyện cuộc đời bao quẩn quanh trói buộc
Chuyện tình yêu là dấu hỏi ở đời .

Bảo Lộc không em hàng cây nghiêng ngái ngù
Anh cũng đã già mòn mỏi chốn sơn khê
Suy nghĩ về nhau biết bao điều cất giữ

Để chuyện mình đẹp tựa ánh sao băng .


HOÀNG YÊN LYNH

Nguồn :từ email của tác giả Hoàng Yên Lynh gửi nhamyngocsuong.
NM cảm ơn nhà thơ HYL thường xuyên chia  những bài thơ hay.

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

VÁ ÁO CHO CON - THƠ KHA TIỆM LY








VÁ ÁO CHO CON



Bữa đói bữa no, nắng sớm mưa chiều,
Đời ba te tua nên quanh năm con áo rách.
Thôi thì “rách cho thơm, lành sao cho sạch”
Bếp lửa mập mờ thay ngọn đèn khêu!

Mũi thẳng, mũi cong, mũi thưa mũi nhặt,
Như đường đời ba đã bước đi qua.
Không đủ vải, miếng sậm màu, miếng lợt,
Như nhọc nhằn vá víu cuộc đời ba!

Không có mùng, đành lấy củi rừng un muỗi,
Manh chiếu tả tơi mà con an giấc thiên thần.
Còn thơ dại mà con dạn dày trước tuổi,
Cũng bởi đời ba nhiều bão tố gian truân!

Gà trống nuôi con trăn bề vất vả,
Bươi móc rã rời từ sáng sớm mù sương,
Chỉ mơ ước, một ước mơ bé nhỏ:
Con được ấm no, ngày hai buổi đến trường!

Khói bếp không cay, tự dưng dòng lệ nhỏ.
Kim chích vào tay, đau như một vết thương!

KHA TIỆM LY

Nguồn : từ email của TG Kha Tiệm Ly gửi lamngoc
NM cảm ơn Kha huynh đã chia xẻ một bài thơ hay.

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

PHÓNG SINH -THƠ NGUYỄN KHÔI






P HÓNG SINH


(Tặng Bùi Cửu Trường & Bùi Kim Anh)
                      -------
- Tự do hay là chết ? (Fidel Castro)
-Hãy tự cứu lấy mình trước khi Trời cứu ( NVL)
-Há miệng chờ sung ( Thành ngữ)
                         *
Ngày Phật đản
Lũ Cá chậu, Chim lồng
được phóng sinh
thả ra nước / trời TỰ DO...
(tưởng là sống
thực là bị đuổi về CÕI CHẾT.
vì không ai cho chúng ăn...)
              
Có lũ Người nghèo đói
bên ruộng đất bỏ hoang
ngồi chờ
Người Thủ Đô lên làm "từ thiện "...
               
Lũ chúng tôi
ở Khu nhà tập thể - chung cư
luôn tự hào là "Người Văn Minh"
tự nhốt mình trong "chuồng Cọp"...
Ai
đến 
Phóng Sinh đây ?

             
       Viết nhân  ngày Phật Đản 2016
tại Khu chung cư Trung Hòa-Nhân Chính (Hà Nội)

                   NGUYỄN KHÔI

Nguồn: từ email của tác giả Nguyễn Khôi gửi lamngoc
NM cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khôi thường xuyên chia xẻ những bài thơ hay.


Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

ĐÀ NẴNG - BÀ NÀ HILL






    Không biết tự lúc nào mà trong dân  gian có câu vè’’ Chưa đi chưa biết Bà Nà.Đi rồi mới biết ở nhà sướng hơn “. Theo đoàn người trong gia đình đang náo nức chuyến đi chơi Bà Nà , tôi thật sự cảm nghiệm được sự thú vị khi viếng thăm khu  du lịch nổi tiếng ở  Đà Nẵng này  .Dưới cáp treo là khu rừng nguyên sinh tươi tốt có dòng suối chảy dài và càng lên cao không khí càng mát mẻ ,trong lành. Mây bay sà sà theo đường dây cáp lên núi , đôi khi chui hẳn vào cabin ,mây sà xuống thấp bao trùm cảnh vật và các tòa lâu đài trên núi Chúa rồi nhanh chóng bay đi, không gian trở nên vô cùng kỳ thú ,lúc mờ ảo , khi sáng sủa khiến khách du như đang đi lạc vào một cảnh giới khác , lòng lâng lâng thanh thản.

Núi Bà Nà toạ lạc 1 khu vực thuộc về dãy núi Trường Sơn nằm ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, cách Đà Nẵng 25 km về phía Tây Nam. Trung tâm du lịch của Bà Nà nằm trên đỉnh Núi Chúa có độ cao 1489 m so với mực nước biển.

Khu quy hoạch Bà Nà được Khâm sứ Trung Kỳ phê duyệt vào 23-7-1921.
Tiếp nối sự khám phá và xây dựng Đà Lạt, vào tháng 2-1900, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cử đại úy Victor Adrien Debay thuộc Quân đội Pháp thám sát vùng núi lân cận khu vực Đà Nẵng - Huế để tìm kiếm thêm điểm nghỉ mát, dưỡng sức và chữa bệnh. Sau nhiều đợt thăm dò, đến tháng 4-1901, đoàn thám hiểm của Debay đã tìm ra núi Chúa, tức Bà Nà, trên đỉnh địa hình khá bằng phẳng, khí hậu tương tự như Đà Lạt và chỉ cách thành phố Đà Nẵng về phía tây chừng 46 km.

Từ ngôi lều chính người ta nhìn thấy đồng bằng Đà Nẵng đến tận chân các dãy núi và nhìn thấy đồng bằng Quảng Nam. Cao hơn cây rừng, ở các đỉnh 1.370, 1.376, 1.403; từ đó có cái nhìn toàn cảnh bao la, từ những phá ở Quảng Trị đến phá Quảng Ngãi và về hướng Tây, đến tận những rặng núi ở nguồn sông Sékông (Sông Kôn hiện nay) - Phần kết luận của Debay -
Nhưng mãi đến năm 1912, khi toàn quyền Đông Dương ra nghị định biến Bà Nà thành một khu bảo tồn lâm nghiệp thì việc nghiên cứu rặng núi này mới được đẩy mạnh. Và rồi tháng 5 năm 1919, luật sư Beisson trở thành người đầu tiên xây dựng nhà nghỉ ở Bà Nà.

Nguồn gốc tên gọi Bà Nà, có người cho rằng khi người Pháp đặt chân đến vùng này thấy rất nhiều cây chuối nên gọi là núi Banane, lâu dần người Việt đọc chệch thành Bà Nà. Còn nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng chữ Bà Nà là tiếng Người Katu nghĩa là "núi của tui". Một truyền thuyết khác cho rằng tên núi là tên viết tắt của Bà Ponagar hay bà Thiên Y A Na Thánh Mẫu.

Đến năm 1912, người Pháp tiến hành quy hoạch khu Bà Nà, có chính sách bảo vệ động thực vật, điều tra và nắm bắt dân cư chung quanh khu vực Bà Nà. Sau Thế chiến thứ nhất (1914-1918), người Pháp đẩy mạnh xây dựng khu nghỉ mát Bà Nà, hoàn tất con đường nối Bà Nà với đường thuộc địa số 1 (sau này là quốc lộ 1) trong năm 1919, tạo điều kiện dễ dàng cho những công sở, quan chức và kiều dân Pháp đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, kinh doanh ở Bà Nà. Tính đến 23-7-1921, tại Bà Nà đã có 39 lô đất được cấp phép xây dựng của 36 chủ đầu tư, phân bố trải đều theo cụm.

Lúc đầu, xe hơi chạy từ Đà Nẵng đến Bà Nà phải dừng ngang tại cây số 28 ở Phú Thượng; đoạn còn lại đi bằng kiệu ghế hoặc ngựa, mất khoảng 3-4 giờ mới đến khu nghỉ mát. Năm 1928, đoạn đường cuối cùng lên đỉnh Bà Nà hoàn tất, với hơn 15 km đường đất quanh co, uốn lượn. Lượng du khách đến Bà Nà trong thời gian đầu vẫn còn khá ít ỏi.

Thống kê của Pháp năm 1925 cho biết, chỉ có chừng 120 du khách chọn Bà Nà để nghỉ ngơi. Sau khi đường lên đỉnh núi được hoàn tất, số du khách mới tăng dần, đến năm 1937 đã đạt được con số hơn 1.000 người, phần lớn là người Pháp và quan chức người Việt. Các dịch vụ như điện, nước, bệnh viện, bưu điện, ngân hàng, khách sạn... đã được đưa vào phục vụ du khách. Bà Nà dần trở thành một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng không chỉ ở Trung Kỳ mà ở toàn khu vực Đông Dương. Năm 1938, Bà Nà đã được Phòng Du lịch Đông Dương đưa vào tour du lịch 8 ngày bằng xe hơi tuyến Sài Gòn - Đà Lạt - Nha Trang - Quy Nhơn - Đà Nẵng - Huế - Vinh - Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại. Kiệu ghế được xem là một phương tiện di chuyển đầy lý thú và rất điển hình cho du lịch Bà Nà xưa với lượng du khách ngang với những khu nghỉ mát thời đó như Le Bockor (Campuchia), Mũi Saint Jacques (Vũng Tàu), Tam Đảo, Sapa…

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Bà Nà dần vắng bóng người. Khi Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ 2, nhân dân địa phương thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến nên đã triệt hạ các công trình xây dựng ở Bà Nà. Từ đấy, khu nghỉ mát hoang phế dần và bị cây rừng che phủ trong quên lãng gần nửa thế kỷ. Đầu năm 1998, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định xây dựng lại Bà Nà thành một khu du lịch sinh thái có quy mô lớn với hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng, khu bảo tồn... Con đường từ chân núi lên đỉnh Bà Nà dài 15 km đã được rải nhựa, thuận tiện cho giao thông. Sau năm 2 000, Bà Nà đã được đánh thức và tái tạo vị thế một thị trấn du lịch và nhanh chóng trở lại ngôi vị của một trong những khu du lịch nổi tiếng nhất của thành phố Đà Nẵng.

Rặng núi này có chế độ khí hậu nhiệt đới với nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 15-20 °C, cao nhất chỉ đến 22 - 25 °C, còn về đêm, nhiệt độ trung bình về đêm khoảng 15 - 17 °C

Bà Nà có những giá trị sinh thái và du lịch to lớn,. Càng lên cao, nhiệt độ càng giảm và độ ẩm càng tăng.

Hệ thực vật đa dạng và độc đáo với khoảng 136 họ, 379 chi và hơn 543 loài (có 251 loài cây thuốc).
Hệ động vật: 256 loài động vật có xương sống (61 loài thú, 178 loài chim và 17 loài bò sát)
Năm 1986, Bà Nà đã được Chính phủ công nhận là khu dự trữ thiên nhiên, đối tượng bảo vệ và là rừng nhiệt đới gồm nhiều loại động thực vật quý hiếm cần được bảo vệ như trầm hương, gụ lậu, sến mặt, thông chàng, trĩ sao, gấu đen châu Á, vượn má hung... Bà Nà có nhiều khu rừng nguyên sinh được phân bổ theo các sườn dốc khá hiểm trở.

     Ngày nay, cùng với sự đầu tư du lịch ngày càng hoàn chỉnh, Bà Nà đã thu hút số lượng du khách  Việt Nam và ngoại quốc rất lớn với nhiều điểm tham quan như: Chùa Linh Ứng, vườn hoa , hầm rượu, khu vui chơi , mua sắm , khu trưng bày các tượng sáp ...,các khách sạn ,nhà ga, nhà hàng xây cất theo phong cách cổ Tây phương .Tuy lượng khách đông và giá vé tham quan tương đối đắc nhưng đúng tiêu chuẩn ''' sạch và xanh''  khu du lịch Bà Nà đã để lại trong lòng du khách những phút giây thư dản , thú vị.

( Phần tài liệu trích  từ WIKIPEDIA )
ẢNH CỦA NM



 

(Trong mây mù buổi sáng)













(Khu tượng sáp )


                   


Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

NHƯ MỘT CHUYỆN TÌNH - XƯỚNG HỌA THÁI QUỐC MƯU , LÝ NGUYỆT HOA






NHƯ... MỘT CHUYỆN TÌNH



Khoảng 6, 7 năm trước, khi tôi còn là chủ nhiệm trang nhà lieutiensinh.com (sau đổi thành lieutiensinh.org). Tôi lấy bút hiệu Liêu Tiên Sinh của mình đặt tên cho trang nhà. Liêu Tiên Sinh, một trang website chuyên về văn học nghệ thuật. Với tôn chỉ như vậy, nên ra đời chưa bao lâu rất được giới ái mộ văn học cộng tác đông đảo.

Một hôm, tôi nhận được cái email của một vị, gởi đến tôi một bài thơ Đường luật với nội dung như sau:

HẬN CỐ NHÂN I
(gởi Thái Quốc Mưu)

Nếu quyết lòng be, nước chẳng chan
Mặc vuông ruộng thấp mạ khô tàn,
Biết tay dù cắt tay bao nỡ
Thì ruột dẫu lìa ruột cũng đang!
Điều tiếng thị phi thân gái goá,
Đâu hơi dị nghị xác cô hàng!
Chỉ e ai đó mang danh sĩ
Bạc trắng, lửa hồng lại hoá than...
Lý Nguyệt Hoa

Đọc xong bài thơ, tôi “tá hỏa tam tinh”, lòng không khỏi bàng hoàng, cố moi trong trí nhớ xem trong cuộc đời tình ái lăng nhăng, mình có quen với nàng nào tên Lý Nguyệt Hoa không? Tuyệt đối không! Lại nghĩ, hay có “Bà cụ” nào đó muốn mượn vần thơ để mua vui trong tuổi già cô đơn? Tôi cũng không loại trừ có thể Lý Nguyệt Hoa là một đấng “tu mi nam tử” lúc rảnh rỗi làm thơ gởi “chọc phá” cho vui.

Thế là tôi nhập cuộc, phụng họa để làm vui lòng “Nhà thơ vui tính” chưa quen. Tôi viết:

NỖI LÒNG
(gởi Lý Nguyệt Hoa)

Thương người mưa gió dập vùi chan
Thương sắc hương hoa sớm lụn tàn
Ôm phận lao đao trong nắng táp
Xót đời lận đận giữa hồi đang...
Vai gầy trĩu trịt đời dâu bể
Tóc trắng gian nan chốn cửa hàng
Giận dỗi làm chi cho nhạt sắc
Chi bằng nhóm lửa thổi hồng than!
Thái Quốc Mưu

Vừa làm bai thơ họa xong, tôi liền post lên trang lieutiensinh... hôm sau tôi “bị” Lý Nguyệt Hoa “bồi” thêm cú nữa.

HẬN CỐ NHÂN 2 *
(Gởi Thái Quốc Mưu)

Cố nén dòng châu, vẫn chứa chan!
Gió mưa vùi dập cánh hoa tàn.
Năm đường bảy chợ dù bương bả,
Bốn đức ba tòng vẫn đảm đang.
Sao nỡ vò tơ đan vạn mối,
Mà không lau lệ nhỏ đôi hàng?
Liễu bồ một chốc mang thương hận,
Sỏi đá nghìn năm cũng thở than!
Lý Nguyệt Hoa

(*) Và hận dài dài, anh hãy liệu hồn!

Từ đó, tôi “nhập vai người tình không chân dung” cứ mỗi lần Lý Nguyệt Hoa gởi bài xướng là tôi làm liền bài họa, làm “y như thật” giống như mới gặp lại người tình năm xưa vậy! Mãi đến nay, chúng tôi chưa hề biết nhau.

Trò chơi văn học rất tao nhã, nhưng, đôi khi cũng làm cho người khác nhũn lòng, mơ tưởng viễn vông cùng... mây gió. Tôi nhập vai.


CẢM THÔNG
(họa bài Hận Cố Nhân 2 của Lý Nguyệt Hoa)

Tuyết sương muôn thuở vẫn hòa chan
Mong giữ Hoa sao chẳng lụn tàn!
Nắng sớm nồng nàn cơn sóng vỗ
Mưa chiều lạnh ngắt chữ tình, đang...!
Nếu không gấm vóc tô mày liễu
Thì cũng trăng sao kết lụa hàng
Giá lạnh gây sầu đau dáng hạc
Đâu đành để Lý Nguyệt Hoa than!
Thái Quốc Mưu

***

NỖI NIỀM
(gởi Thái Quốc Mưu)

Lòng như giữa trận nắng chan chan
Lá úa, cây khô, cỏ héo tàn...
Sầu cứ nối dây sầu chẳng dứt
Nhớ luôn dồn mối nhớ sao đang?
Chân trần chạy chợ nào quên buổi,
Nọc cấy bầm tay dám bỏ hàng!
Ai ở phương nào vui có biết
Thương người cùng cảnh sống lầm than?
Lý Nguyệt Hoa


GỞI LÝ NGUYỆT HOA
(Họa bài Nỗi Niềm của Lý Nguyệt Hoa)

Chuyện ngày xưa ấy vẫn hòa chan
Thương bấy xuân xanh sớm úa tàn
Nắng hạ đốt cành buồn chẳng hết
Hồn thu giũ nỗi nhớ khôn đang!
Hận đời gió bão dồn hai ngả
Ôm mối riêng tư nhỏ mấy hàng
Dù ở phương trời xa diệu vợi
Nào ai dấu được nỗi buồn than!
Thái Quốc Mưu

***

GỞI CỐ NHÂN THÁI QUỐC MƯU

Nước mắt cùng mưa đọng chứa chan
Nhớ hoa ngày ấy có đâu tàn
Tấm tình nguyên vẹn không từng nói
“Tâm sự” một bầu bỏ vậy, đang?
Xuống bến mà lòng sao nghẹn nghẹn
Cầm tay mà lệ cứ hàng hàng
Con tàu vừa khuất là quay ngoắt
Bôi mặt những toàn bụi xỉ than!
Lý Nguyệt Hoa


NHỚ CỐ NHÂN
(Họa bài Gời Cố Nhân Thái Quốc Mưu của Lý Nguyệt Hoa)

Tiếng ve cùng với tiếng thu chan... (hòa)
Thương tiếc, rừng xưa lá úa tàn
Môi ngọt còn thơm, mùi vẫn đọng
Tình xưa chưa dứt, nghĩa còn đang…
Nhớ làn gió đẩy rung mây tóc
Thương cánh phượng rơi vẫy mấy hàng
Thao thức từng đêm ôm nỗi nhớ
Bên trời sương gió lạnh sầu than!
Thái Quốc Mưu

Tôi viết những dòng nầy để hồi tưởng lại một kỷ niệm trong đời cầm bút của mình. Một kỷ niệm nhẹ nhàng như giấc mộng ngày xanh. Tôi hy vọng, tình cờ Nhà thơ Lý Nguyệt Hoa đọc “đôi dòng tâm sự” trên đây, sẽ không ngần ngại tiếp tục phóng bút cho tôi được đọc những câu thơ “êm như tiếng ru Hời”  để tôi có cơ hội họa lại hầu hong ấm tuổi già đang lưu vong trên xứ lạ quê người.

Mong thay!

Atlanta, May 09, 2016
THÁI  QUỐC  MƯU

Nguồn : từ email của TG Thái Quốc Mưu gửi nhamyngocsuong
NM cảm ơn nhà thơ Thái Quốc Mưu đã chia xẻ những bài xướng họa rất hay



Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

LÊN ĐÊ NHĨ HÀ -CẢM TÁC - THƠ NGUYỄN KHÔI





                                               Ảnh do nhà thơ Nguyễn Khôi gửi

                    ------
Lời dẫn : sông Hồng (Hồng Hà) dài 1149 Km khởi từ Vân Nam (bên Trung Quốc gọi là Nguyên Giang), sang ta : từ Lào Cai tới Việt Trì gọi là sông Thao, đoạn qua Hà Nội gọi là Nhĩ Hà (sông Vành tai hay Nhị Hà, sông Phú Lương). Năm 1108 vua Lý Nhân Tông cho đắp đê ở phường Cơ Xá (Nghi Tàm ngày nay), đã qua hơn 1000 năm mà vẫn vững như thành Thăng Long - Hà Nội  kiên hùng của chúng ta... NK lên chơi , nghe vỉa hè lùng sùng "nhóm lợi ích" đang mưu mô "dự án sông Hồng" nhiều ngàn tỷ...? NK có đôi vần cảm tác :



  LÊN ĐÊ NHĨ HÀ - CẢM TÁC
"Thế sự như giang nhật giáng thăng" (1)
            -thơ Đào Sư Tích

Quá bộ lên Nghi Tàm, Quảng Bá
đi dọc đê Cơ Xá đã nghìn năm
Xưa vua Lý - tầm nhìn thiên niên kỷ
khuyến con dân trị thủy sông Hồng...
                    *
Thời Bác Hồ khơi thông Bắc- Hưng Hải
Thời anh Ba làm  thủy điện sông Đà
Nước có Vua lo tương lai con cháu
Đưa hải thuyền ra canh giữ Hoàng Sa...
                     *
Ơi sông Hồng - bầu sữa Trời vĩ đại
Nuôi tộc Người Giao Chỉ kiên hùng
Đôi bờ lúa, ngàn Dâu xanh ngát
Cánh Cò vàng chở nắng tới miền Trung...
                      *
Thế sự thăng trầm như đời Dân tộc
Vua thánh minh là Đê vững như Thành
Dù quân giặc có lăm le xâm lược
Cọc Bạch Đằng hóa Tên Lửa giữ trời xanh...
----
Thơ Trạng nguyên Đào Sư Tích (1348-1396) đời vua Trần Duệ Tông (người Cổ Lễ- Nam Định) :"Thế sự như sông nước xuống, dâng"...


       Hà Nội 7-5-2016
  Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ
         NGUYỄN KHÔI


Nguồn : từ email của tác giả Nguyễn Khôi gửi lamngoc
NM cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khôi thường xuyên chia xẻ những bài thơ hay.


Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

ĐÀ NẴNG - PHỐ CỔ HỘI AN








 ĐÔ THỊ HỘI AN   (DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI )

Hội An là một thị xã cổ của người Việt, nằm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía nam. Hội An từng được biết đến trên thương trường quốc tế với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo, Hoài Phố và Hội An.

Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, Hội An giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ... Các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây. Trải qua nhiều thế kỷ, những phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng cũng như các món ăn truyền thống vẫn lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ. Hội An còn có một môi trường thiên nhiên trong lành, êm ả với những làng nhỏ ngoại ô xinh xắn, có nghề thủ công như mộc, làm đồ đồng, gốm…








Các nhà nghiên cứu cho rằng kiến trúc cổ ở Hội An hầu hết được làm lại mới từ đầu thế kỷ 19, mặc dù năm khởi dựng có thể xưa hơn nhiều. Kiến trúc cổ thể hiện rõ nhất ở khu phố cổ. Nằm trọn trong địa bàn của phường Minh An, Khu phố cổ có diện tích khoảng 2km², tập trung phần lớn các di tích nổi tiếng ở Hội An. Đường phố ở khu phố cổ ngắn và hẹp, có độ uốn lượn, chạy ngang dọc theo kiểu bàn cờ. Địa hình khu phố cổ có dạng nghiêng dần từ bắc xuống nam. Các công trình kiến trúc trong khu phố cổ được xây dựng hầu hết bằng vật liệu truyền thống: gạch, gỗ và không có nhà quá hai tầng. Du khách dễ nhận ra dấu vết thời gian không chỉ ở kiểu dáng kiến trúc của mỗi công trình mà có ở mọi nơi: trên những mái nhà lợp ngói âm dương phủ kín rêu phong và cây cỏ; những mảng tường xám mốc, xưa cũ; những bức chạm khắc về một con vật lạ hay diễn tả một câu chuyện cổ... Nơi đây hẳn đã thu hút được các nghệ nhân tài hoa về nghề mộc, nề, gốm sứ của người Hoa, người Nhật, người Việt, người Chăm... cho nên mỗi công trình để lại hôm nay còn in dấu ấn văn hoá khá đa dạng, phong phú của nhiều dân tộc.

Trong nhiều thế kỷ, Hội An đã từng là nơi gặp gỡ, giao lưu của nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới. Bên cạnh những phong tục tập quán bản địa của người Việt còn có thêm những tập tục của cộng đồng cư dân nước ngoài đến định cư như tục thờ đá; thờ Cá Ông của cư dân ven biển Trung bộ; thờ các hiện tượng tự nhiên như mưa, gió, sấm, sét hay vật thiêng (cây cổ thụ),...







Cộng đồng người Hoa ở Hội An có tục thờ các vị thần bảo trợ như Thiên Hậu, Quan Công, Bảo Sinh Đại Đế, Quan Âm Bồ Tát. Họ thường xuyên tổ chức các kỳ lễ hội hay sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng khác trong các ngày vía thần như tết Nguyên Tiêu (16/1 âm lịch), Thanh Minh (tháng 3 âm lịch), Đoan Ngọ (5/5 âm lịch), Trung Thu (15/8), Trùng Cửu (9/9 âm lịch), Hạ Nguyên (15/10 âm lịch).

Những yếu tố về mặt xã hội cũng như văn hoá đa dạng này tạo nên nét riêng cho cộng đồng cư dân ở Hội An.

Người Hội An vốn giàu truyền thống văn hoá lại sớm giao lưu với thế giới bên ngoài, không biết tự bao giờ đã hình thành một bản sắc văn hoá độc đáo riêng và được giữ gìn, bảo tồn qua bao thế hệ cho đến hôm nay. Cuộc sống của con người nơi đây thiên về nội tâm, phảng phất nét trầm lắng. Với họ đô thị Hội An như một mái nhà lớn cổ kính mà trong đó đang chung sống một đại gia đình đông đúc con cháu với những người thị dân hiền hoà gần gũi và hiếu khách; những chủ gia đình ân cần, thân thiện; những phụ nữ dịu dàng, khéo tay, nhân hậu; những trẻ em lễ độ, ngoan ngoãn... tạo nên một cộng đồng cư dân hoà thuận sống bình dị, êm đềm bên nhau qua bao thế hệ và cứ như vậy tiếp nối.

Sự phong phú, đa dạng về tâm hồn giàu bản sắc văn hoá của người Hội An còn được biểu hiện ở các món ăn truyền thống như cao lầu, hoành thánh, bánh tổ, bánh ít gai... từ bao đời nay vẫn được lưu truyền để hôm nay thực khách bốn phương vẫn có cơ may được thưởng thức. Cuộc sống đã bao đổi thay qua năm tháng nhưng người Hội An không bị mất đi những điệu hò quen thuộc, những lễ hội văn hoá đã có từ ngàn xưa, tất thảy vốn cổ ở đây đều được trân trọng giữ gìn... Một đêm hội được tổ chức hằng tháng vào tối 14 âm lịch và đây cũng là dịp du khách khắp nơi được sống trong bầu không khí mang đậm bản sắc truyền thống của Hội An.

Tại kỳ họp thứ 23 từ ngày 29/11 đến 4/12/1999 ở Marrakesh (Maroc), Tổ chức Văn hoá - Khoa học - Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ghi tên Hội An vào danh mục các Di sản Văn hoá Thế giới.

Tại khu phố cổ lúc nào cũng đông đảo du khách (VN và ngoại quốc) và có rất nhiều địa điểm tham quan , những di tích văn hóa , tín ngưỡng như:


*    Chùa Cầu
*    Nhà cổ: — Nhà cổ Quân Thắng (77 Trần Phú); — Nhà cổ Diệp Đồng Nguyên (80 Nguyễn Thái Học); — Nhà cổ Tấn Ký (101 Nguyễn Thái Học); — Nhà cổ Phùng Hưng (4 Nguyễn Thị Minh Khai); — Nhà thờ tộc Trần (21 Lê Lợi)
*    Giếng cổ: — Giếng Bá Lễ (hẻm Kiệt Giếng, phường Minh An)
*    Hội quán: — Hội quán Quảng Đông (17 Trần Phú); — Hội quán Phước Kiến (46 Trần Phú); — Hội quán Triều Châu (157 Nguyễn Duy Hiệu); — Hội quán Hải Nam (10 Trần Phú)
  *    Bảo tàng: — Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch Hội An (80 Trần Phú); — Bảo tàng Văn hoá Sa Huỳnh (149 đường Trần Phú); — Bảo tàng Lịch sử văn hoá Hội An (7 Nguyễn Huệ); — Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An (33 Nguyễn Thái Học)
  *   Và rất nhiều cơ sở sản xuất, buôn bán đèn lồng

(TÀI LIỆU TỪ INTERNET)

ẢNH CỦANHÃ MYSƯƠNGLAM




Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

CUỐI CÙNG MÌNH GẶP LẠI NHAU - THƠ HOÀNG YÊN LYNH




        
Ảnh TG HYL



  
 CUỐI CÙNG MÌNH GẶP LẠI NHAU
                                   
(* Hơn 40 năm thời gian dài thăm thẳm
 với đời người từ cuộc chia ly ở bến cảng Tiên Sa Đà Nẵng.
Rốt cuộc rồi mình cũng gặp lại nhau
 dẫu mỗi người nay đã trời riêng định phận.
Xin được cảm ơn đời và cảm ơn em...)
HYL.

Cảm ơn em
Và  anh cảm ơn đời
Bốn mươi năm vẫn có ngày gặp lại ...
Chuyện trong đời
Như chuyện thực trong mơ
Cho đoạn kết bài thơ
Tròn yêu dấu ...

Bốn mươi năm cuộc chia ly vội vã
Em xa rồi theo sóng biển Tiên Sa

Bốn mươi năm đường đời xa ngái
Em lại về
Như thuở em đi
Em lại về
Nhắc lại chuyện phân ly
Và hát lại bài ca thời áo trắng ...

Cảm ơn em
Cảm ơn đời
Dẫu hai ta không nói nên lời
Bốn mươi năm biết bao điều muốn nói ...
Ừ thôi cạn chén quỳnh tương
" Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng ..." *

Rốt cuộc rồi mình lại gặp nhau
Khi đã chạm tay bến cuối cuộc đời
Khi thời gian chỉ còn thước đo ngắn ngủi
Dẫu hai ta đã xa nhau vời vợi
Một thoáng trong đời cũng ấm lại bờ môi.

Cảm ơn đời
Và anh cảm ơn em
Hạnh phúc là đây dẫu mai này cách biệt
Nghĩ về nhau trong ân tình tha thiết
Cả một đời ... cũng đến bến tình yêu ...

* Thơ Nguyễn-Du

HOÀNG YÊN LYNH


Nguồn : từ email của TG Hoàng Yên Lynh gửi nhamyngocsuong
NM cảm ơn nhà thơ HYL thường xuyên chia xẻ nhửng bài thơ hay.



Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

ĐÔNG HÀ CHÚT TÌNH RIÊNG - THƠ HOÀNG YÊN LYNH








ĐÔNG HÀ  CHÚT TÌNH RIÊNG

                             

Đông Hà ơi! Sông Hiếu ơi !
Con sông quê vẫn tràn nỗi nhớ
Tôi gọi mãi con đò
Ai đưa tôi bên ni qua bên nớ
Nối đôi bờ hai bến đò xưa.

Em lấy chồng
Thời gian qua đã bao mùa sương nắng
Trong bến đời
Có bến nào bến đục bến trong.

Tôi lỡ hẹn rồi đời bão tố mưa giông
Mà con sông xưa vẫn chảy xuôi dòng
Bên lở bên bồi chạnh lòng người trở lại.

Bến xưa cách trở đôi bờ
Tôi về ngóng đợi ngóng chờ mình tôi
Đò ơi tôi gọi đò ơi
Sông xưa bến cũ lẽ loi tôi về ...

Tôi đã già tóc đã úa màu phai
Vẫn ươm mơ một mái tóc thề
Ngỡ đôi ta như thời vụng dại
Ghép lời yêu sao vẫn mãi chưa tròn

Tôi tìm về bên phố lạ người đông
Bạn bè xưa đã ngàn trùng khuất bóng
Con phố xưa liêu xiêu người trở lại
Nhớ một thời áo trắng tóc ai bay.

À ơi  khúc hát à ơi
Thương ai mắt biếc môi cười nón nghiêng
Biết rằng thôi chẳng là duyên
Cũng xin giữ lại tình riêng ... cuối đời.
Đông Hà ơi tôi lại ra đi .

HOÀNG YÊN LYNH

Nguồn : từ email của TG Hoàng Yên Lynh gửi nhamyngocsuong
NM cảm ơn nhà thơ Hoàng Yên Lynh đã thường xuyên chia xẻ những bài thơ hay.


                                  

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

ĐÀ NẴNG - THÁNH ĐỊA MỸ SƠN











KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN   (DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI)


Mỹ Sơn thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70 km về hướng tây nam, cách thành phố Hội An khoảng 40km.

Khu đền tháp Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng có đường kính khoảng 2km, xung quanh là đồi, núi, trong mạch núi cao khoảng 100m đến 400m từ Đông Trường Sơn qua Mỹ Sơn đến kinh đô Trà Kiệu.







Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chămpa. Mỗi vị vua, sau khi lên ngôi, đều đến Mỹ Sơn làm lễ thánh tẩy, dâng cúng lễ vật và xây dựng đền thờ. Mỹ Sơn là điểm duy nhất của nghệ thuật Chăm có quá trình phát triển liên tục từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13. Vào đầu thế kỷ thứ 7, vua Sambhuvarman đã xây dựng ngôi đền bằng những vật liệu rất bền vững, còn tồn tại đến ngày nay. Các triều vua sau đó đều tu sửa các đền tháp cũ và xây dựng đền tháp mới để dâng lên các vị thần của họ.

Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva - Ðấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadrésvara, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ 4 kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - vua và tổ tiên hoàng tộc.

Vào năm 1885, di tích Mỹ Sơn được phát hiện bởi một toán lính Pháp. Năm 1898 - 1899, hai nhà nghiên cứu của Viễn thông Pháp là L.Finot và L.de Lajonquière và nhà kiến trúc sư kiêm khảo cổ học H. Parmentier đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu văn bia và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm. Cho đến những năm 1903-1904 những tài liệu cơ bản nhất về bia ký và nghệ thuật kiến trúc Mỹ Sơn đã được L.Finot chính thức công bố.

Đền tháp ở Mỹ Sơn được chia thành nhiều cụm, xây dựng theo cùng một nguyên tắc. Kết cấu mỗi cụm gồm có một ngôi đền thờ chính (Kalan), bao quanh bằng những ngôi tháp nhỏ hoặc công trình phụ. Ngôi đền chính tượng trưng cho núi Meru - trung tâm vũ trụ, là nơi hội tụ của thần linh và thờ thần Siva. Các đền phụ (miếu phụ) thờ các vị thần trông coi hướng trời. Ngoài ra còn có những công trình phụ là những ngôi tháp thường có mái lợp ngói, là nơi khách hành hương sửa lễ, cất giữ đồ tế lễ. Đền thờ của người Chăm không có cửa sổ, chỉ các công trình tháp phụ mới có cửa sổ.

Đền, tháp Chăm xây bằng gạch, ghép với những mảng trang trí bằng sa thạch. Chúng được xếp khít với nhau và ngày nay chưa có công trình nghiên cứu nào xác định được chất kết dính. Sau khi tường tháp được xây lên, những nhà điêu khắc mới bắt đầu chạm trổ hoa lá, hình người, hình thú... lên tháp. Kỹ thuật điêu khắc trên gạch của người Chăm rất ít xuất hiện trong các nghệ thuật khác ở khu vực.






Mỗi ngôi đền tháp ở Mỹ Sơn có 3 bộ phận chính: đế tháp, thân tháp và mái tháp:Đế tháp: theo quan niệm của người Chămpa, đế tháp tượng trưng cho thế giới trần tục, thường được xây trên nền hình vuông hoặc hình chữ nhật, bằng gạch hoặc đá phiến to. Xung quanh đế được trang trí các môtip hoa văn, hình con thú, hình người cầu nguyện đứng trong các vòm cuốn nhỏ…
Thân tháp: cũng theo quan niệm của người Chămpa, thân tháp tượng trưng cho thế giới tâm linh, nơi con người gột rửa bụi trần được thoát tục để có thể tiếp xúc với tổ tiên và hoà nhập với thần linh.

Mái tháp: mái tháp tượng trưng cho thần linh, thường có ba tầng càng lên cao càng thu hẹp. Mỗi tầng lại mô phỏng đầy đủ cấu trúc cửa chính và cửa giả giống tầng dưới và được trang trí những ngẫu tượng, vật cưỡi của các vị thần trong Ấn Độ Giáo như: chim thần, ngỗng thần, bò thần, voi, sư tử... Tầng một và hai ở mỗi góc thường trang trí các tháp nhỏ.

Theo các nhà nghiên cứu tháp Chàm cổ, nghệ thuật kiến trúc tháp Chàm tại  Mỹ Sơn hội tụ được nhiều phong cách, mang tính liên tục từ phong cách cổ thế kỷ 7 đến thế kỷ 8, phong cách Hoà Lai thế kỷ 8 đến thế kỷ thứ 9, phong cách Ðồng Dương từ giữa thế kỷ 9, phong cách Mỹ Sơn và chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn và Bình Ðịnh, phong cách Bình Ðịnh

Lâu nay người ta vẫn gọi các đền tháp ở Mỹ Sơn theo vần A, A', B, C, D... là theo qui ước phân chia và đặt tên của Henri Parmentier. Ông đã dựa vào những tường bao quanh cụm đền tháp để xếp chúng cùng nhóm mang một chữ cái. Quan sát trực tiếp, người ta thấy rằng việc đánh số trong mỗi nhóm của ông dường như dựa vào công năng của mỗi đền, tháp. Bắt đầu từ ngôi đền chính - tháp quan trọng nhất của nhóm, mang số 1; tháp cổng số 2; các tháp còn lại tuỳ theo chức năng trong nhóm được gán các số kế tiếp. Phương pháp đặt tên của ông rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu và quản lý khu di sản Mỹ Sơn trong nhiều năm qua.

Trong số 225 di tích Chăm được phát hiện tại Việt Nam, riêng Mỹ Sơn có khoảng 70 đền tháp, 32 bi ký tồn tại ở dạng này hay dạng khác. Những đền tháp ở đây tuy không còn cái nào nguyên vẹn nhưng vẫn là những cứ liệu tốt nhất để tìm hiểu quá trình phát triển của nghệ thuật Chăm. Nghệ thuật điêu khắc Chăm tiếp nhận sâu sắc ảnh hưởng của Ấn Độ, nhưng trong quá trình phát triển tính bản địa ngày càng đậm nét và tính dân tộc ngày càng khẳng định, tạo nên vẻ độc đáo, sức hẫp dẫn kỳ lạ. Điêu khắc Chăm cũng có những hình ảnh thầy tu, vũ nữ khắc kỷ và khoái lạc nhưng nổi bật lên là đặc điểm về sức sống mãnh liệt của con người với nội tâm lúc bay bổng sảng khoái, lúc trầm tĩnh ưu tư, lúc trăn trở day dứt...

Tháng 12/1999, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Di sản thế giới được tổ chức ở Marrakesh (Maroc), Khu đền tháp Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong các Di sản Văn hóa thế giới theo tiêu chuẩn 2 như là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hoá và theo tiêu chuẩn 3 như là bằng chứng duy nhất của một nền văn minh châu Á đã biến mất.
(TÀI LIỆU TỪ INTERNET)

ẢNH CỦA NMSL




RẤT NHIỀU ĐOÀN DU KHÁCH NGOẠI QUỐC THAM QUAN THÁNH ĐỊA








MỘT SỐ CỔ VẬT ĐIÊU KHẮC BẰNG ĐÁ






CHÙM ẢNH Ở NGŨ HÀNH SƠN