CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

TÌNH XƯA - NHẠC THẢO NGUYÊN – THƠ LA THỤY








TÌNH XƯA
NHẠC :THẢO NGUYÊN
THƠ: LA THỤY

HÒA ÂM: TRẦN NHÀN
CA SĨ: THANH HOA

VIDEO CLIP: PHÚ ĐOÀN



TÌNH XƯA
Sầu thu mênh mang thương rừng phai
Tương tư bâng khuâng nhiều canh dài
Lời trăng vương gieo hờn lên môi
Đêm đêm mơ ai nhìn mây trôi

Đêm đêm mơ ai nhìn mây trôi
Chừ đây uyên ương không còn đôi
Rồi em sang ngang trên thuyền hoa
Giang hồ phiêu bồng ru đời ta

Giang hồ phiêu bồng ru đời ta
Lênh đênh trùng khơi đùa phong ba
Vàngt rang giăng tơ khơi tình xưa
Tình ơi! Tình ơi ! Đừng đong đưa

    LA THỤY

Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

MẬN TRUNG LƯƠNG, TRÁI CÂY MỘT THỜI VANG BÓNG

















Bài 7. MẬN TRUNG LƯƠNG, TRÁI CÂY MỘT THỜI VANG BÓNG


KHA TIỆM LY

Váo thập niên 60 - 70, dọc theo đường lên Sài Gòn, hai bên đường từ “Thành Mỹ”(cầu Đạo Ngạn) đến khỏi Câu Đôi (Cầu Sắt) một đổi; rồi sâu vào miệt vườn Đạo Thạnh, Trung An, nhà nhà đều trồng một loại mận có tên rất nên thơ : Hồng Đào!

Đúng như cái tên, mận Hồng Đào có màu da hồng nhạt, trái không thon hình quả chuông như các loại mận khác, mà hình hơi tròn, có nhiều trái bề ngang lại lớn hơn cả bề dài! Đặc biệt là mình mận cứng, ăn giòn, ít nước nhưng vị ngọt thì đậm đà, chưa thấy một loại mận nào “qua” được; đó là nói về “Hồng Đào Sọc”; với “Hồng Đáo Đá”, thì da hồng hơn, thân càng cứng hơn (đá mà!); đây là điểm ưu việt giúp cho thân mận khỏi bị giập trong việc thu hoạch hay di chuyển xa. Khi “chín tới”, cầm trái mận ta lắc lắc thì nó kêu lụp cụp vì những hột bên trong đã “nhả ruột” (hột không còn dính vào ruột mận nữa); lúc nầy hột đã chuyển từ màu trắng qua màu nâu sậm.

Tên mận là Hồng Đào, nhưng sao lại thường gọi là “mận Trung Lương”? Câu trả lời cũng giống như “Vú sữa Lò Rèn”, “xá lị Bắc Mỹ Thuận”… , tức là địa danh trồng và được tập trung bán loại trái cây ấy nhiều (mà phải ngon, nổi tiếng) mà thôi!

Mọi loại xe ngược xuôi qua Trung Lương, hầu hết đều ghé nơi nấy và ít ai lại không nghĩ tới mua vài kí mận, là đặc sản, lại vừa rẻ tiền, vừa ngon, vừa nổi tiếng để biếu người thân, hay ít nhất cũng mua một vài gói mà thưởng thức cho vui miệng trên bước hành trình thiên lý.

Những năm đó ngã ba Trung Lương đường sá còn chật hẹp; thế mà các xe, nhất là xe đò, tài xế phải dừng lại nơi đấy theo lời yêu cầu của hành khách để … mua mận. Dòng lên, dòng xuống, xe đậu chật ních cả một quãng đường, để tha hồ chọn mua hàng chục món hàng của đội quân bán rong theo xe rao ỏm tỏi, nhưng nhiều nhất vẫn là: “Mận đây! Mận đây! Mận mới hái đây!”

Hồi ấy chưa phát minh ra túi nylon, mận được gói vào một miếng là chuối lớn hay mảnh nhật trình, kèm với gói muối ớt., (cũng gói bằng giấy nhật trình) So với giá các loại thức ăn khác thì gói mận tương đối “coi được”, nhưng so với mua thẳng tại vườn thì vốn một lời … mười!

Ai từng là học sinh, dù là học sinh chuyên cần đến mấy cũng khoái những giờ nghỉ đột xuất khi mà giáo sư (từ gọi giáo viên bậc trung học thời đó), bận việc không đến lớp được; thế là nhà trường cho lớp ấy về sớm! Thừa dịp nầy, chúng tôi đèo nhau trên xe đạp chạy thẳng đến Trung Lương, vào vườn mua mận và “xực” liền tại chỗ! Chủ vườn thấy học sinh, mặt mày sạch sẽ (mà túi ít tiền!) sẵn mận đã hái từng đống lớn, cứ hốt mà bán cho chúng tôi cho có lệ với số lượng tượng trưng, còn cứ ăn cho “đã”, chừng nào… bể bụng thì thôi! Chủ vườn cũng không quên tặng cho một chén nước mắm đường và một ít ớt hiểm để tự ý dầm vào theo khẩu vị.

Ăn mận Trung Lương mà lấy hai ngón tay cái bấu vào đít (mận) để tách hai ra là không đúng điệu nghệ; mà phải cho trái mận vào lòng hai bàn tay rồi ép mạnh; nó sẽ kêu cái “rốp”, đồng thời bể ra làm tư, làm năm tạo thành những cái ngao nhỏ; lấy ngao nầy múc nước mắm đường ớt, cho vào miệng thì các mùi vị của ngọt, mặn, cay hòa lẫn nhau, vừa ăn vừa hít hà, nước miếng nước mồm tuông ra mỏi cả hai má!

Chỉ cần trịch qua hông nhà, chúng tôi có thể chiêm ngưỡng được một vùng cây trái no lành. Cây nọ giáp lá với cây kia: Mận ơi là mận! Mận đỏ trên cây, mận oằn cả nhánh, mận rụng nghẹt đất, nghẹt mương; không cơ man nào nói hết!

Mận Trung Lương đi vào lòng người dân khắp cả các tỉnh miền đông , miền tây nam bộ; mận đã đi vào thơ ca, Nhiều người “rành sáu câu” với bài vọng cổ “Quả Mân Trung Lương” của soạn giả Viễn Châu.

Lại thuở đó, người ta thường nghe câu hát bên tiếng võng đu đưa: “ Ầu ơ… Bánh canh trắng, cọng vắn cọng dài / Bánh tằm xe, cọng dài cọng vắn…Ầu ơ… / Xứ Mỹ Tho gạo trắng nước trong…ờ… / Gái Mỹ Tho tuy dang nắng / (Mà) má vẫn hồng như điểm phấn tô son… Ơ hờ… / Anh ơi! Muốn chơi hoa thì kiếm gái Sài Gòn… ờ hơ … / Còn (như) muốn tìn người vợ hiền dâu thảo… Ầu ơ… / Thì anh hãy xuống miệt vườn Trung Lương… Ầu ơ!...”

Chúng tôi không biết đó là ca dao hay bài thơ của tác giả nào, nhưng chắc chắn nó phải có xuất xứ từ “miệt vườn Trung Lương”, và chắn chắn hơn nữa là các cô gái Trung Lương rất hãnh diện vì bài hát ru em (hay bài thơ ) ấy, ngược lại các cô “gái Sài gòn” mà nghe qua chắc phải tức điên người!

Chúng tôi dù có tâm hồn hoài cổ, nhưng không phải như vậy mà cứ khen bừa những chuyện xưa. Công tâm mà nói, dù ngày nay có nhiều giống mận được cấy ghép, pha giống để cho năng suất và chất lượng hoàn hảo nhất (như mận An Phước chẳng hạn), nhưng nếu để trên bàn cân với mận Hồng Đào, thi đòn cân chắc chắn sẽ nghiêng về phía mận có cái tên mà khi xưa đã một thời vang bóng!

KHA TIỆM LY


Nguồn: từ email  của  TG KTL gửi lamngoc.
Đây là một bài trong loạt bài  viết sưu khảo về  vùng  đất Mỹ Tho xưa (tỉnh Tiền Giang bây giờ)
NM xin giới thiệu ‘’ hương vị miền Nam xưa’’ đến bạn đọc blog NM và cảm ơn Kh
a huynh.


Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

ĐÔNG HÀ CÓ GÌ VUI KHÔNG EM- THƠ HOÀNG YÊN LINH



Hình ảnh Thành cổ Quảng Trị - Khách sạn Newcenter


Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

LAS VEGAS



Với sức nóng 106 độ F, NEVADA như một lò lửa nhưng thành phố Lasvegas về đêm thật là khu du lịch tuyệt vời.
Lasvegas là thành phố đông dân nhứt của tiểu bang Nevada và là quận lỵ của Clark Country.
Lasvegas được biết đến như một khu vui chơi chủ yếu là đánh bạc , mua sắm , ăn uống giải trí về đêm và còn là trung tâm tài chánh văn hóa
hàng đầu của Southem Nevada.


 Thành phố này cũng là một trong ba địa điểm hàng đầu trong nước dành cho các hội nghị , hội họp của các doanh nghiệp , ngày nay Lasvegas còn là một trong những điểm du lịch lớn hàng đầu thế giới.
Được thành lập năm 1905 đến năm 1911 Lasvegas là thành phố đông dân nhứt nước Mỹ ở thời điểm đó.
Sinh hoạt chính của thành phố là các loại hình vui chơi giải trí dành cho người lớn Được mệnh danh là Sin City, Las VeGas  còn là nơi thu hút cho các bộ phim và chương trình truyền hình…

**Ảnh của Nhã My Sương Lam










CÓ RẤT NHIỀU DU KHÁCH TỪ KHẮP NƠI ĐỔ VỀ ĐÂY





                                                       LA TOUR EIFFEL





                                    
                                                       DÒNG SÔNG XANH


                                      

                       

NGHỆ SĨ ĐƯỜNG PHỐ                

                                           

                                              

ĐÂY LÀ MỘT NHÀ ẢO THUẬT ĐANG NGỒI GIỮA ‘’THINH KHÔNG’’ BÊN DƯỚI VÀ TRÊN ĐẦU KHÔNG CÓ GÌ



                                               
                                       VÀ ĐÂY LÀ MỘT CÔ GÁI ‘’BODY ART ‘’ (VẼ TRÊN  DA THAY QUẦN ÁO) LẤY MỘT CÂY QUẠT LỚN CHE PHẦN NHẠY CẢM KHI BỊ CÁC DU KHÁCH CHỤP HÌNH



                                                



                 

BÊN TRONG SÒNG BÀI                 

                                       

                                         

                                           

                                             
CÁC CỬA HÀNG ĐỒ HIỆU TRONG KHU MUA SẮM

                                               

                                               

                                                

 

                                           
                                                           VÀI SÒNG BÀI CHÁNH




                         
         LASVEGAS VỀ ĐÊM VỚI CÁC CỘT NƯỚC ĐẸP LUNG LINH VÀ TẠO NÊN SỰ MÁT MẺ







                                 
NHỮNG CỘT NƯỚC PHUN CAO HƠN CHIỀU CAO CỦA TÒA LÂU ĐÀI
             








PHÁO HOA TRONG NGÀY LỄ ĐỘC LẬP (INDEPENDENCE DAY ) CỦA HOA KỲ

                                                 

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

UỐNG RƯỢU VỚI LA HÁN -THƠ KHA TIEM LY









UỐNG RƯỢU VỚI LA HÁN
 (Cảm đề phim Tế Công)

Uống với lưu linh con chán quá trời,
Mời La Hán làm với con vài xị.
Con bảo đảm xỉn say con không quậy,
Ngài vị tình nhấm chút cho vui!

Ngài dụng thần thông độ người oan trái,
Con sớm hôm vỗ bụng rượu ngang tàng.
Ngài đem Pháp cứu đời đầy khổ ải,
Con khinh thường lũ mắt đục nhân gian!

Con muốn thưa ngài, con có tội,
Vì bỗng dưng con lại hóa thằng hèn,
Có miệng mồm lại lặng câm như hến,
Bịt mắt bưng tai, mặc trắng trắng đen đen.

Nghề bán chữ đã đến hồi vận bĩ,
Sĩ khí ngất ngư, ngòi bút chẳng ra chi.
Thời Mạt Pháp hiền nhân chào thua ác quỷ.
Chân lý chơi vơi dưới dòng nước đen sì.

Thức viết bao đêm, mình như cây sậy.
Tiền lượm từ thơ, thua một đứa ăn mày!
Cơm gạo nước nôi, ngày nào chẳng vậy,
Thì tội gì không một trận cho say?

Ngài thanh thản, sắc không, không sắc,
Con chẳng bán linh hồn để đổi phù danh.
Con cơm đói, ngài quạt tơi, áo rách,
Giữa bầy người áo gấm hôi tanh.

Ngài một bồ thần thông quảng đại,
Cho con xin vài phép lộn lưng chơi.
Bởi chốn ta bà thằng khôn thằng dại,
Để con biết coi ai ngợm ai người.

Hề hề!
Con ham nhậu, mới đây mà chục xị,
Tưởng bớt buồn mà lại thấy buồn hơn.
Vậy xin phép ly nầy con xin nghỉ,
Rượu pha cồn con cũng muốn lên cơn!

KHA TIỆM LY


--
KHA TIỆM LY

99/5 Đinh Bộ Lĩnh Phường 2, tp Mỹ Tho Tiền Giang

Tel: 0987  701  952   -   01229  880  130

Email: khatiemly@gmail.com

NGUỒN: TỪ EMAIL CỦA TG KTL GỬI LAMNGOC ĐỂ CHIA XẺ VỚI BẠN ĐỌC BLOG NM
NM CẢM ƠN KHA HUYNH

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

THƯ PHÁP LÊ ĐĂNG MÀNH


PHỤ BẢN TẬP THƠ KHƠI XA CỦA NHÃ MY

TRĂNG LẠC TRỜI KHUYA SẦU CỔ ĐỘ

MÂY ĐÙN VẠN NẺO CỐ HƯƠNG XA






SÁCH NẰM HỜ HỮNG TRÊN TAY
LẬT TRANG NHÂN THẾ THÁNG NGÀY MỘNG DU

NM CHÂN THÀNH CẢM ƠN LÊ HUYNH ĐÃ TẶNGHAI BỨC THƯ PHÁP TUYỆT ĐẸP




HÀNG RONG MỸ THO XƯA- KHA TIỆM LY








Không biết nghề bán ràng rong có từ đời nào nhưng chắc chắn nó xuất hiện từ xa xưa lắm,

Hàng rong là những món hàng mà người bán phài gánh, phải bưng, phải đội, hay khá hơn là được đẩy từ một chiếc xe hai bánh thô sơ… đi rong từ chỗ nọ đến chỗ kia cho đến khi hết hàng thì mới quay về. Cũng là một gánh xôi, nhưng với người bán phải còng lưng gánh đi khắp ngõ đường, và một người ngồi tai chỗ ở một góc phố nào đó, thì trường hợp thứ nhất mới được gọi là “hàng rong” mà thôi.. Nếu định nghĩa nầy được chấp nhận thì hàng rong đồng nghĩa với “bán dạo”.

Đặc biệt của hàng rong là người bán phải luôn miệng rao hàng. Rao hàng không những là một tín hiệu cho người có nhu cầu … ăn uống biết là món mình khoái khẩu đã tới, mà còn đánh thức tuyến nước bọt của người nghe. Đang lúc cơ thể thiếu chất béo mà nghe giong lảnh lót kéo dài: “ Ai… ăn chè… đậu đen… nước cốt dừa… đường cát ….ho…ong?”, hoặc đang lúc “mưa bay lất phất” lại nghe văng vẳng ở đầu hẻm: “Ai… ăn … tàu hủ… ho…ong?”, thì không mấy ai không liên tưởng đến chén tàu hủ bốc khói được chan nước đường gừng mà chẳng chờ sẵn trước cửa hay lại không tốc mền ngồi dậy!

Với người nam bán, thì tiếng rao lại thường cô đọng lại chỉ còn vài từ cộc lốc và chát chúa: “Mía hấp! Mía hấp!”. “Tiếng rao” cũng có thể là… tiếng chuông rung leng keng , hay hai thanh tre gõ vào theo một nhịp điệu hai nhặt một khoan liên tục: “Cốc cốc! Cốc! Cốc cốc! Cốc!....” của người bán cà rem hay anh “hủ tiếu gõ”! Dù vậy, hiệu quả của nó không vì vậy mà suy suyễn!

Hàng rong thường là những món thực phẩm để ăn chơi, ăn cho vui miệng, một loại quà ăn vặt, cho nên chỉ đắt hàng với những thực khách có chút tiền rủng rỉnh; còn với những tầng lớp ngày hai buổi còn lo chưa xong thì hàng rong không có đất dụng võ!

Hàng rong ở Mỹ Tho xưa so với ngày nay thì không được phồn thịnh hơn, nghĩa là ít mặt hàng hơn, ít người bán hơn. Nhưng có những món và những nhân vật mà người bây giờ nghe đến cũng phại ít nhiều ngạc nhiên, thú vị.

Trước công viên Dân Chủ (nay là Cung Thiếu Nhi) có nhiều xe … “tứ cấp”, là xe được thiết kế bốn bậc (giống như bậc thềm), mỗi “cấp” được trưng bày những keo dựng đầy nhiều loại bánh kẹo. Bậc thấp nhất, cũng là bậc có diên tích rộng nhất, có những keo lớn đựng đầy những cóc ghim, ổi ghim ngâm vào một thứ nước vàng khè mà chủ hàng bảo là cam thảo! (sau nầy mới biết chúng được ngâm vào đường hóa học và chút màu). Đây là món hàng đắc khách nhất đối với đám học sinh chúng tôi: Cầm môt trái cóc được “tách bông” hay một một phần trái ổi được chẻ ra làm ba, phếch lên chút muối ớt đỏ au trên một màu vàng gởi cảm; cắn một miếng, vị ngọt ngọt, chua chua, cay cay, chưa nhai thì nước bọt tuôn ra làm rần cả hai má! Thú vị hơn là được tận mắt nhìn chú A Tỷ biểu diễn gọt cóc, ổi: Cầm một lượt hai trái trong một tay; tay kia chú thoăn thoắt con dao gọt bén ngót, chỉ trong chớp mắt là xong! Bởi vậy, dù ổi vẫn luôn ngâm sẵn đầy trong keo, nhưng chúng tôi vẫn đòi “ổi mới” để có dịp nhìn chú trổ tài!

Khu vực chợ Mỹ tho thì có “chí mà phủ” (chè mè đen) của thím Xẩm. Thiếm thư thả gánh một gánh từ đầu chợ đến cuối chợ và luôn miệng rao “chí … mè … phu… u…”, kể cả khi “múc không kịp” cho đám thực khách vây quanh! Đây là một món chè độc đáo của người Hoa, ai đã từng thưởng thức một lần rồi sẽ không quên cái hương vị béo ngọt bùi lẫn lộn, ngon tới ruột tới gan!

Cà rem quây tay Hữu Danh, Hữu Tiếng một thời, mà mỗi lần nghe tiếng chuông leng keng thì ít ai “cầm lòng cho đậu (đặng)”, vì mút một cái thì vị béo ngậy của nước cốt dừa, đâu xanh, hòa với hương thơm của “sầu riêng thiệt” (không phải hương sầu riêng) nó thấm tới từng kẽ răng, ê rần hai má! Có thể nói đến giờ nầy không có hãng cà rem nào “qua” được! Người bán cà rem thì nhiều, nhưng không ai có thề quên hình ảnh “ông Tiều” dáng luộm thuộm với thùng cà rem vai mang vừa rung chuông vừa lập đi lập lại câu “rao” độc đáo: “Cà lem cục cục – sàu dieng – cà lem cục cục / cà lem cục cục - sàu diêng – cà lem cục cục”

“Pò Pín” – không hiểu là gì - nhưng đó là những món bán cũng của một “ông Tiều” được đựng trong một cái khai cây đeo trước ngực, nó gồm khô bò, mè xửng và cổ vịt (một loại kẹo). Tiếng rao của ông chủ yếu là tiếng “xấp” kéo liên tục. “Pò Pín, Pò Pín” chỉ được “rao”, khi ông … mỏi tay mà thôi!

Đêm đêm trên đường Hùng Vương, người ta thường nghe tiếng rao “Mía hấp! Mía hấp” của “chú mắt kiếng”. Vừa rao, thỉnh thoảng chú vừa giở nồi ra; mùi thơm đặc thù của mía hấp làm người đi đường ít ai không quay xe lại! Cũng như chú A Tỷ gọt cóc ổi, “chú mắt kiếng” rọc vỏ mía, chặt mía ra từng đoạn nhỏ (như mía ghim) đã đến mức thượng thừa! Loáng một cái là xong! Coi róc mía “rẹt rẹt” cũng đáng đồng tiền! Có lẽ ở TP Mỹ Tho, mía hấp là mặt hàng duy nhất không “đụng hàng”, nên đến nay đã trải qua ba đời mà vẫn còn tồn tại!

Khác với ngày nay, kẹo kéo câu khách bằng nhạc sống “tự biên tự diễn”; chiêu câu khách của kẹo kéo ngày xưa là quay số: Đó là một khung tròn bằng cây, trên đó có nhiều khoảng trống được phân định bằng nhiều cây đinh nhỏ đóng đều khoảng cách với nhau. Giữa mỗi hai cây đinh được ghi xen kẽ các số từ 1 đến 20 (số 1 nhiều nhất). Quây trúng số 1 thì được thì được chung một tấc kẹo; quay trúng số 2 thì chung được hai tấc, nhưng kẹo lại bị kéo ra dài, mỏng manh hơn! (bài bạc mà lỵ!).

Một nhân vật độc đáo lá “anh gù” bán thuốc lá dạo. Địa bàn của anh là mấy “tiệm nước”, trước cỗng rạp hát, dãy bar ở khu vực bờ kè bây giờ và vườn hoa Lạc Hồng. Đến nay đã hơn năm mươi năm mà vẫn thấy anh còn hành nghề, có điều lưng anh có vẻ gù hơn, bước đi lụm cụm hơn, và tóc đã đổi màu trắng toát!

Cứ khoảng năm giờ sáng, người ta đều thấy đội quân bán bánh mì với chiếc xe đạp và cần xé được ràng rịt cẩn thận ở bên sau tụ tập trước lò bánh mì Quảng Tường - đường vào chợ Mỹ Tho, gẩn HTX mua bán Phường 1 bây giờ - để lấy bánh. Họ đủ thành phần, trong đó có những học sinh “quần xanh áo trắng” với mặt mày hiền hậu dễ thương. Từ đó, họ túa đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố với tiếng rao không kém phần chuyên nghiệp: “ bánh – mì – nóng – do… ò… n… đâ … ây…”

Nói bán hàng rong Mỹ tho xưa mà không kể đến “Tầu phộng dang… hạt pí… đây!” của bà Xẩm ngày đêm quanh quẩn ở khu vực vườn hoa Lạc Hồng. Trên tay chỉ có cài rổ nhỏ chứa nhiều gói đậu phộng rang hạt bí rang; nếu bán hết cả rổ thì cả vốn lời cũng chẳng bao nhiêu, nên ai cũng động lòng mà mua giùm bà vài gói! Thế mà bà kiên trì từ ngày nầy qua ngày nọ, để rồi một ngày mọi người phải té ngửa khi thấy bà xây một cái nhà “hết hồn” ở cuối đường Lê Lợi! Từ đó ở khu vực vườn hoa, tiếng rao : “Tầu phộng dang… hạt pí… đây” cũng mất theo bóng bà Xẩm già nua lụm cụm!

Có ba nghề “rong” dù không được liệt vào hàng thức phẩm, nhưng nó quá “nổi tiếng”; người viết mạn phép cho chúng được có tên vào… “bảng phong thần”; đó là tiếng “lung tung, lung tung…” của chú nhuộm dạo và tiếng rao lảnh lót của bà Hai quê ở Thạnh Phú (Bến Tre): “Xỏ…ỏ…lổ tai… đeo bông liền, ho… o… ng!” với ông già vai vác một băng bằng cây với hai chân trước ngắn hơn hai chân sau: “Mài kéo! Mài dao!”

Hàng ăn uống rong dù có hấp dẫn thế mấy nhưng khâu vệ sinh chắc chắn không thế nào bảo đảm được. Thứ nhất là bụi bám. Ta thử tưởng tượng sau một chuyền xe chạy qua, nhất là xe… rác, thì gánh hàng đã hứng biết bao vi khuẩn, vi trùng! Thứ hai là việc rửa chén đĩa: Môt sô nước mang theo có thể sử dụng cả hàng trăm lượt rửa! Kế đó là chuyện chế biền vô tội vạ, như cóc ổi ngâm “cam thảo” như đã nói ở trên. Đó là chưa nói hàng rong còn làm cho bộ mặt thành phồ mất vẻ mỹ quan.

Có nhiều ý kiến là cho hay cấm nghề hàng rong. Mỗi bên đều có lý lẽ riêng của mình, và cuối cùng vẫn là quyết định của chánh quyền. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, nghề hàng rong xưa đã nuôi sống cho nhiều gia đình, có nghề đã “gia truyền” cho nhiều thế hệ. Có nhiều người đã nhờ gánh hàng rong mà nuôi con thành đạt; và cũng có nhiều người tự mình nhờ bán hàng rong mà được bước vào cửa giảng đường đại học, hoặc hơn thế nữa; như kẻ viết bài nầy.

KHA TIỆM LY
 


Nguồn :từ email của TG KTL gửi lamngọc
NM cảm ơn Kha huynh

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

THƠ ĐƯỜNG XƯỚNG HỌA- LÊ ĐĂNG MÀNH VÀ CÁC THI HỮU

BÀI XƯỚNG

BUÔNG !

Buông bớt thiệt hơn ngẫm sự đời
Buông điều đố kỵ giảm đầu môi
Buông điêu toa bịt lòng gian dối
Buông đãi bôi nuôi lưỡi kiệm lời
Buông ghét ganh cho gần gũi bạn
Buông cừu hận để cận thân người
Buông đi để được cầm thanh thản
Buông thả hết rồi thiệt thảnh thơi !

        LÊ ĐĂNG MÀNH




HỒNG HẠC ( ảnh của Nhã My )




CÁC BÀI HỌA



 1-HÃY

Hãy giữ lòng tin bạn ở đời
Hãy cho nàng mãi dáng hồng môi
Hãy cùng làm lụng gây yên dạ
Hãy gắng lo toan nói nhẹ lời
Hãy tạo niềm tin sâu mắt họ
Hãy ghi nét đẹp đậm tim người
Hãy làm gương để con yêu kính
Hãy thả tâm hồn mọi lúc ...thơi

         TRẦN NHƯ TÙNG



 2-BỎ

Nhớ chi quá khứ sống yêu đời
Bỏ lối chua ngoa tại miệng môi
Bỏ hết tham lam mưu kiếm chác
Bỏ đi lợi lộc kể làm lời
Bỏ qua thù hận tăng bè bạn
Bỏ lối giận hờn khỏe khoắn người
Bỏ lại những gì còn vướng bận
Đẩy lùi buồn chán dạ thảnh thơi

        HỒ ĐẮC HẢI



3-XẢ !

Xả bỏ đừng sai những thói đời
Xả buồn cho mướt thắm làn môi
Xả bao ức chế cho thơm giọng
Xả mấy cuồng mê giữ ngọt lời
Xả nghiệp trao tình là trọn đạo
Xả thân vì nghĩa bởi thương người
Xả buông một kiếp thuần ô trược
Xả hết trong lòng mát giếng thơi !

       PHAN TỰ TRÍ

 
Giếng thơi (có nơi gọi là '' giếng khơi''): Giếng sâu
  Thanh thơi: trong và sâu




 4-BỎ

Bỏ hết hơn thua chuyện ở đời
Bỏ bao dè xiểm ở trên môi
Bỏ lòng đố kỵ câu ganh ghét
Bỏ thói a dua nói lựa lời
Bỏ chuyện thị phi chào hỏi bạn
Bỏ điều oán hận ủi an người
Bỏ buông sẽ thấy nhiều vui vẻ
Bỏ được '' thất tình'' lắm thảng thơi

        NHÃ MY

*thất tình
Hỷ: vui mừng hớn hở trước sự việc như ý
Nộ : Quát tháo giận dữ trước việc bất như ý
AI : Đau đớn khổ sở trước cảnh tang thương
Cụ :Sợ sệt , thấy cảnh kinh khủng sanh run sợ
Ái : Yêu thương ta , thương người, vật
Ố : Ghét, ghét vật vì không làm theo ý mình , hoặc gây đau thương cho mình
Dục :Tham muốn mọi thứ theo sở cầu của mình , tham muốn hoài chẳng muốn dừng





 5-ĐỪNG !

Đừng mất tình yêu với cuộc đời
Đừng lưu chữ '' ghét'' ở trên môi
Đừng nên giận dỗi mà to tiếng
Đừng có hờn căm lại nặng lời
Đừng muốn vượt qua đầu các bạn
Đừng mong đứng trước mặt bao người
Đừng nêu gương xấu cho con cháu
Đừng để tâm hồn chẳng thảnh thơi ...

         LÊ TRƯỜNG HƯỞNG




 6-NHẪN

Nhẫn thì qua mọi chuyện trong đời
Nhẫn để nghĩa tình mãi thắm tươi
Nhẫn xóa thị phi còn khắc cốt
Nhẫn tan phiền muộn đã ghi lời
Nhẫn xây hạnh phúc tôi cùng bạn
Nhẫn tạo thân yêu sống với người
Nhẫn được một giờ vui vạn kiếp
Nhẫn thêm tuổi thọ trí nhàn thơi

          TRẦN NGỘ 

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

TÌNH ĐƠN PHƯƠNG-THƠ KHA TIỆM LY


















TÌNH ĐƠN PHƯƠNG


Như mọi người ta chỉ một lần
Lần yêu ( dù tuổi chẳng còn xuân )
Quen nhau một chốc mà như đã...
Mới gặp sao mà như cố nhân

Vì mắt em là của diễm xưa
Thuyền ta chìm đắm tự bao giờ?
Ru ta vào giấc thần tiên ấy
Bên tóc em bồng muôn ý thơ

Bởi tóc em buông xõa sợi dài
Sầu ta để rụng cả hai vai
Để lê la sống đời cô quạnh
Bằng gót chân trơn, chẳng gót hài

Bởi kiếp ta là kiếp lạnh lùng
Như mùa gió cuốn rụng sầu đông
Cũng như bèo vỡ tan trên sóng
Hay hạt nắng vàng rơi cuối sông



Ta biết yêu em chỉ khổ đau
Là mò trăng đáy nước sông sâu
Rồi tình tan vỡ, như trăng vỡ
Thì có mong chi chuyện bạc đầu

Trách gặp nhau chi quá muộn màng
Để tình như lá úa thu sang
Để tình sẽ chết theo màu lá,
Nào chén giao bôi, với tiếng đàn

Ta biết ly tan ,chuyện sẽ rồi...
Ước mơ, thì chỉ ước mơ thôi
Ngày mai, ngày mốt, em xa lắm,
Hãy giữ cho ta một nụ cười

Tôi biết tình yêu , chuyện của người,
Cô đơn, là phận của riêng tôi
Và xương rồng vẫn cùng sa mạc,
Năm tháng thi gan với mặt trời

       KHA TIỆM LY


Nguồn: từ email của TG KTL gửi lamngoc
NM cảm ơn Kha Huynh thường xuyên chia xẻ những bài thơ hay.



Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

TIÊU TƯƠNG- THƠ NGUYỄN KHÔI





       
       ảnh TG Nguyễn Khôi


TIÊU TƯƠNG
     "Quân tại Tương giang đầu"...
             Tặng : Nhã My
                      -----
Sao Tiêu Tương lại là buồn thương ?
Để mưa rơi ướt cả dặm trường
Chia ly như thể không gặp lại
Để Trúc bên sông đốm võ vàng...
                      *
Sao Tiêu Tương lại là bi thương ?
 Nỗi đời hai ngả biệt âm dương
Tình em như nước Trường Giang ấy
Sớm tối theo anh tới mộ vàng...
                      *
Sao Tiêu Tương cho lòng tổn thương ?
Trái tim sẻ nửa giữa đoạn trường
Một nửa nát tan chìm đáy sóng
Một nửa cầm tù nơi cố hương...
                      *
Sao Tiêu Tương để người trúng thương ?
Dưỡng thương hao tổn mấy năm trường
Cho  hồn dậy lớn Thơ mọc cánh
Chắp với hồn ai lạnh hơi sương...   
                       *
Sao Tiêu Tương nên  tình  vấn vương ?
Vượt cả ngục tù, vượt đại dương
Tới  một chiều nao im lặng sóng
Đôi trái tim một nhịp thương thương...
                       *
Sao Tiêu Tương muôn đời sầu vương ?
"Đa tạ Quân Vương : thiếp phụ chàng"
Tựa bờ Lau trắng tình ngây ngất
Thơ đà kiệt sức, hồn lang thang...

          Bên bờ Tiêu Tương , quê Từ Sơn
                 mùa Vu Lan 2014
                    NGUYỄN KHÔI


Nguồn; từ email của TG Nguyễn Khôi gửi lamngoc
NM chân thành cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khôi đã gửi tặng những bài thơ hay

GHI CHÚ
*Câu thơ bác Nguyễn Khôi bỏ trong ngoặc kép mượn ý " Gió thu '' của Tản Đà và ''Màu thời gian '' của Đoàn Phú Tứ
''Đa tạ Quân Vương: thiếp phụ chàng''

Trận gió thu phong rụng lá vàng
Lá rơi hàng xóm lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm già nửa
Hờ hửng ai xui thiếp phụ chàng''
Tản Đà

Tóc mây món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Đoàn Phú Tứ
(chú thích của La Thụy)

**Tình em như nước Trường Giang ấy
Sớm tối theo anh tới mộ vàng...
                      (NK)





Cây trúc đốm


ĐIỂN CỐ  SÔNG TƯƠNG
-Mạch tương
Mạch tương, nước mắt.
Đây là một điển cổ, xuất phát từ truyện hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh khóc vua Thuấn. Tục truyền rằng vua Thuấn tuần thú phương Nam, bị mất ở đất Thương Ngô, là một quận của tỉnh Quảng Tây về sau. Hai bà vợ là hai chị em ruột cùng khóc chồng đến chảy máu mắt trên bến Tiêu Tương. Người đời sau có lập đền thờ hai bà tại Đông Tương và kể rằng giọt lệ hai bà rỏ trên bờ trúc ven sông làm trúc nổi vân thật đẹp. Từ đó về sau, trúc mọc trên bờ Tiêu Tương nổi tiếng có vân quý và nước mắt đàn bà mới gọi là mạch tương.(1)
Truyện Kiều có câu:
"Vâng lời khuyên giải thấp cao
Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch tương".
(Câu 237, 238. Kiều sau giấc mơ thấy Đạm Tiên)
Là danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong hội họa và thi ca Trung Hoa, Tiêu Tương thực ra là khúc hai con sông Tiêu và Tương hợp nhất, thuộc tỉnh Hồ Nam. Sông Tương phát nguồn từ Dương hải sơn ở tỉnh Quảng Tây, chảy ngược lên Hồ Nam qua huyện Trường Sa và rót vào Động Đình Hồ. Vì trúc Tiêu Tương có vân đẹp nên thợ khéo tỉnh Hồ Nam hay đến sông này mua về làm mành. Và cũng vì xuất xứ bi thảm của sông Tương, chữ mành tương là chỉ tấm màn cách trở tình yêu, và sông Tương chỉ sự chia ly, nhung nhớ.
"Mành Tương phất phất gió đàn
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình."
(Câu 255, 256. Kim Trọng tương tư Kiều)
Sông Tương còn là điển tích từ mối tình buồn giữa Lương Ý Nương và người anh con cô con cậu là Lý Sinh, thời nhà Chu, đời Ngũ Quý. Mối tình vụng trộm của họ bị phát giác và ngăn cản, Ý Nương bị nhà đẩy xuống phía Nam sông Tương, Lý Sinh ở mạn Bắc. Lương Ý Nương hớp từng hụm nước sông mà nhớ đến người tình trên đầu nguồn, và làm bài thơ nói về sông Tương dù sâu cũng còn có đáy chứ nỗi nhớ nhung của nàng thì bất tận.
Một nguồn khác giải thích bài thơ Trường Tương Tư như dưới đây.
Trong "Tình sử" có chép như sau: vào triều nhà Chu đời Ngũ Quý (Ngũ Đại), có người con gái của Lương Tiêu Hồ 梁 瀟 湖 tên Ý Nương 意 娘, cùng với Lý Sinh 李 生  là họ hàng con cô con cậu. Lý Sinh thường qua lại rất nhiều. Nhân ngày trung thu ngắm trăng, ngầm hẹn ước với Ý Nương, lưu luyến không rời. Sự việc lâu ngày lộ ra, Tiêu Hồ nổi giận, ngăn cấm hai người gặp nhau. Gặp ngày trời thu, Ý Nương viết bài thơ Trường Tương Tư gồm 7 đoạn, mỗi đoạn có 4 câu. (2)
Trích dẫn hai đoạn 4 và 5 như sau:
長相思
人道湘江深
未抵相思畔
江深終有底
相思無邊岸
我在湘江頭
君在湘江尾
相思不相見
同飲湘江水
Trường Tương Tư
Nhân đạo Tương Giang thâm,
Vị để tương tư bạn.
Giang thâm chung hữu để;
Tương tư vô biên ngạn.
Ngã tại Tương Giang đầu,
Quân tại Tương Giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương Giang thủỵ
 
Nhớ nhau hoài
Người bảo sông Tương sâu
Tương tư sâu gấp bội
Sông sâu còn có đáy
Tương tư chẳng bến bờ
Thiếp ở đầu sông Tương
Chàng ở cuối sông Tương
Nhớ nhau không gặp mặt
Cùng uống nước sông Tương

Điển tích Sông Tương còn được dùng làm đề tài và cảm hứng sáng tác cho một số nhạc phẩm trong đó có 2 bản nhạc nỗi tiếng Ai về Sông Tương của Thông Đạt (nhạc sĩ Văn Giảng) và Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước
(Chú thích của Nhã My )

TIÊU TƯƠNG - Nguyễn Khôi

 "Quân tại Tương giang đầu"...


             (Tặng : Nhã My)  



                      *
 

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

TÌNH XA - THƠ NHÃ MY




Kết quả hình ảnh cho ẢNH NGƯỜI CON GÁI UỐNG RƯỢU


TÌNH XA
( Cảm tác  bài Hoài Tình của Kha Tiệm Ly)


Xin cạn đêm nay một chén này
Bên hoa cùng nguyệt ngã nghiêng say
Về đâu muôn nẻo tình xa vợi
Ai biết   bao giờ chuyện gió mây

Bèo nước tương phùng chỉ phút giây
Nên hồn hoa lạnh dáng hoa gầy
Trăm năm khó buộc thân hồ hải

Chăn gối thẹn thùng một tối nay

Sợi tóc tình yêu lưu luyến mãi
Biết người còn có nhớ mùi hương
Phải như chỉ thắm  tơ hồng nhỉ
Bóng nguyệt theo ai nối dặm trường

Nửa mảnh trăng treo sầu vạn lý
Nửa đời hương phấn xót tình đau
Chiều xa ngã bóng mây biền biệt
Nhớ áo ai bay nắng nhạt màu

Xin cạn đêm say một chén sầu
Xin thời gian chớ vội qua mau
Người ơi chớ để ‘’ hồn tôi chết’’
Dẫu biết mai rồi cũng mất nhau…

NHÃ MY




HOÀI TÌNH


Hoa gối chưa nhòa mấy hạt châu
Mà trăng đã chếch mái tây lầu
Nến tàn nhỏ cạn dòng dư lệ
Tóc rối che ngang nưả mặt sầu

Ánh mắt liêu trai còn gởi lại
Cho ngàn đêm nhớ một đêm quen
Trách cho chăn chiếu còn lưu luyến
Giữ lại làm chi sợi tóc em?

Lá liễu dằm dề mấy hạt sương
Tình hoa còn đắm, mặt hoa buồn
Em đi mang cả trời thương nhớ
Để lại làm chi chút phấn hương ?

Cứ rót tràn ly, thơ khép lại
Say đi! Cho rượu ngọt, môi mềm
Trăm năm khó hẹn thân bèo nước
Em gởi làm chi một chút duyên?

Thơ rượu cùng ta, đêm với đêm
Thơ chưa lên ý, rượu say mèm
Bởi thuyền ta cuốn theo giông bão
Một nửa lênh đênh, một nửa chìm

 KHA TIỆM LY