CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

RU TÌNH - THƠ LÊ KIM THƯỢNG



Tranh Đinh Trường Chinh



RU TÌNH 1-2

 

 

1. 

 

Yêu nhau biết mấy cho vừa

Yêu nhau nhiều thế… vẫn chưa bằng lòng

Những ngày mưa gió, bão giông

Vẫn chờ, vẫn đợi, vẫn mong… gặp Mình

Ngày lặng thinh, tháng lặng thinh

Lá reo xào xạc, ru tình đong đưa

Giờ trời hửng nắng, dịu mưa

Đường quê xa lắm… Em chưa muốn về?…

Cho nhau câu ước, câu thề

Cho nhau ngày ấy bộn bề câu thơ

Mắt nhìn trong mắt ngu ngơ

Ôm em là cả non tơ ngọt tình

Yêu em vóc dáng xinh xinh

Áo Bà Ba xẻ… ôm mình thanh cao

Đếm đong nỗi nhớ bằng sao

Nhớ em câu hát ngọt ngào tình ca

Ngày qua, rồi lại ngày qua

Nhớ em thỏ thẻ:  “Anh à… Anh ơi…”

Vay thương, trả nhớ rối bời

Nợ nhau, nợ cả một thời… “Xứ Quê”…

 

2. 

 

Mong manh… là những câu thề

Mong manh là những lối về… mình anh

Một lần thôi, níu mong manh

Để rồi, anh nhận ra anh… một mình

Còn đâu lời hứa đinh ninh

Tình ta đã tạc bóng hình Vọng Phu

Quanh tôi trời đổ mây mù

Hình như tình lỡ… mùa Thu héo già…

Thì em cứ với người ta

Mặc tôi cứ thế, bôn ba với đời

“Đừng về… Người ở… Người ơi…”

Rưng rưng câu hát, thay lời…biệt ca…

Ước gì… hai đứa chia xa

Bóng hình em sẽ nhạt nhòa phai phôi

Ước gì… quên thuở chung đôi?

Vẫn không quên được một thời “Em – Tôi…”

Vẫn là “Anh của Em…” thôi

Dù cho xa cách, ngược xuôi… vẫn là

Một xa… tình cũng đã xa

Gặp nhau chi nữa mà xa… hai lần?…

 


             Nha Trang, tháng  01. 2024

                  LÊ KIM THƯỢNG      


THƠ DƯƠNG GIỐC AI VÀ TẢ BÁ ĐÀO - ĐỖ CHIÊU ĐỨC DIỄN NÔM

 


DƯƠNG GIỐC AI và TẢ BÁ ĐÀO


Giai Thoại Văn Chương : 

           DƯƠNG GIỐC AI và TẢ BÁ ĐÀO
                                       

      Như ta đã biết, cặp TRI KỶ nổi tiếng ở thời Xuân Thu là QUẢN TRỌNG 管仲 và BÀO THÚC NHA 鲍叔牙. Cả hai đã chơi với nhau và kết giao với nhau từ thuở nhỏ. Sau Bào Thúc Nha hiển đạt nhờ theo phò Tề Hoàn Hoàn. Tề Hoàn Công định phong cho Bào Thúc Nha làm Tể Tướng. Bào Thúc đã giới thiệu và nhường chức vụ đó cho Quản Trọng. Hai người cùng nhau phò Tề Hoàn Công trước sau như một. Quản Trọng đã có câu nói như sau : Ta từng ba lần ra trận, ba lần thua chạy trước, Bào Thúc chẳng cho là ta nhát gan, vì biết ta còn mẹ già; Ta từng ba lần xin ra làm quan đều bị từ chối, Bào Thúc không cho là ta bất tài, vì biết ta chưa gặp thời; Ta từng cùng Bào Thúc đi buôn và luôn chia phần lãi nhiều hơn, Bào Thúc chẳng cho là ta tham, vì biết ta nghèo. Sanh ra ta là cha mẹ, còn hiểu được ta là chỉ có Bào Thúc mà thôi! 

                           

                             QUẢN TRỌNG 管仲 và BÀO THÚC NHA 鲍叔牙.

      Từ xưa đến nay hễ nhắc đến bạn bè TRI KỶ kết giao, là người ta nhớ ngay đến QUẢN BÀO CHI GIAO 管鲍之交, là sự kết giao giữa Quản Trọng và Bào Thúc Nha. Hôm nay ta cũng nói đến hai người bạn tình cờ gặp gỡ, rồi cùng kết giao huynh đệ và cùng chết để bảo vệ cho nhau, lưu lại tiếng thơm muôn thuở. Đó là tình bạn kết giao sinh tử giữa TẢ BÁ ĐÀO 左伯桃 và DƯƠNG GIỐC AI 羊角哀 như sau :
       
        Theo "Quyển thứ 7 của Dụ Thế Minh Ngôn 喻世明言·第七卷" truyện "Dương Giốc Ai xả mệnh toàn giao 羊角哀捨命全交" của Phùng Mộng Long 馮夢龍 đời Minh. 
Truyện kể...
       Vua nước Sở là Sở Nguyên Vương 楚元王 rất sùng Nho trọng Đạo, chiêu hiền đãi sĩ. Người trong thiên hạ nghe tiếng tìm đến rất đông.
      Thuở ấy, tại núi Tích Thạch xứ Tây Khương có một hiền sĩ họ Tả 左 tên Bá Đào 伯桃, cha mẹ đều mất sớm, nhưng có chí học hành, sớm trở thành người có tài an bang tế thế. Nghe tiếng Sở Vương cầu hiền bèn khăn gói từ biệt hương thân lên đường tìm đến nước Sở. 
      Một hôm vừa đến đất Ung Châu khi trời đã vào đông, gió bấc mưa phùng trời mây u ám gió lạnh căm căm. Tả Bá Đào đội mưa đi suốt một ngày, khi thấy trời đã hoàng hôn, định tìm nơi nghỉ trọ qua đêm. Nhìn ra phía trước mặt trong rừng trúc xa xa thấy có ánh đèn nhấp nháy, bèn lần mò tìm đến căn nhà cỏ sau hàng rào tre xiêu vẹo. Một người thanh niên cường tráng, mày thanh mắt sáng, ra mở cửa mời vào. Sau khi hàn huyên tâm sự thì biết người thanh niên đó họ Dương 羊 tên Giốc Ai 角哀 cũng mồ côi từ nhỏ. Thấy bàn tủ trong nhà chứa toàn là sách, cả trên giường ngủ cũng đều có sách vở ngổn ngang. Đồng thanh tương ứng hai người cùng đàm đạo trao đổi nhau càng thấy tâm đầu ý hợp. Vốn định chỉ ở trọ qua đêm không ngờ nấn ná đến ba ngày. Vì mến tài nhau nên cùng nhau kết nghĩa kim bằng. Tả lớn hơn Dương 5 tuổi nên làm anh, Dương kính Tả như là một huynh trưởng, Đoạn 2 anh em rủ nhau cùng lên kinh đô nước Sở để tìm chữ công danh.
       Dọc đường, đang lúc trọng đông, gặp lúc thời tiết khắc nghiệt, mưa tuyết bảo bùng mà phải băng rừng vượt núi. Tả Bá Đào càng ngày càng kiệt sức, tự biết sức mình khó lòng vượt qua được đoạn đường dài gian nan hiễm trở nầy, hơn nữa cũng tự biết rằng tài học vấn của mình không sao bằng được Dương Giốc Ai và điều quan trọng nhất là lương thực mang theo chỉ còn đủ dùng cho một người khỏe mạnh cố gắng vượt qua đoạn đường hiễm trở lạnh lẽo nầy, nếu nấn ná cho cả 2 người thì có nguy cơ cả 2 đều phải chết lạnh chết đói trong vùng rừng núi mịt mùng gió tuyết nầy. Nên, Tả quyết định hi sinh bản thân mình mà thành toàn cho người em kết nghĩa hoàn thành tâm nguyện thi thố tài năng để cầu chút công danh.
        Thừa lúc Dương đi tìm củi sưởi ấm trong cơn bão tuyết, Tả bèn cởi hết quần áo ra, nhường áo để Dương mặc thêm cho đủ ấm. Khi Dương về đến thì Tả mới thều thào nói cho người em kết nghĩa biết Ý định của mình và khuyên Dương hãy tranh thủ lên đường, khi nào cầu được công danh hãy trở lại an táng cho mình, nói xong thì tắt thở. Dương đành phải gạt lệ lên đường. Người đời sau có thơ khen Tả Bá Đào như sau :

                寒來雪三尺,    Hàn lai tuyết tam xích,
                人去途千里。    Nhân khứ đồ thiên lý.
                長途苦雪寒,    Trường đồ khổ tuyết hàn,
                何況囊無米?    Hà huống nang vô mễ ?
                 並糧一人生,    Tịnh lương nhất nhân sinh,
                同行兩人死;    Đồng hành lưỡng nhân tử.
                兩死誠何益?    Lưỡng tử thành hà ích ?
                一生尚有恃。    Nhất sinh thượng hữu thị.
                賢哉左伯桃!    Hiền tai Tả Bá Đào !
                隕命成人美。    Vẫn mệnh thành nhân mỹ.

     Có nghĩa :

              

                  Trời đông ba thước tuyết rơi,
                  Người đi ngàn dặm ngược xuôi chập chùng.
                  Đường dài trước mặt mông lung,
                  Trong nang gạo chỉ đủ dùng một thôi.
                  Huống chi mình đến hai người,
                  Cùng đi thì chết cả đôi ích gì ?
                  Một người sống còn có khi...
                  Bá Đào hiền sĩ chết vì bạn thân,
                  Thương thay lặng lẽ âm thầm,
                  Chết vì tri kỷ muôn phần đẹp thay !

      Khi đến nước Sở nhờ có Thượng Đại Phu Bùi Trọng 裴仲 tiến cử, sau khi đã thử tài của Dương Giốc Ai, nên mới sớm được yết kiến Sở Vương và sau khi ứng đối lưu loát những vấn đề của Sở Vương nêu ra, Dương còn dâng lên 10 sách lược rất thiết thực để làm cho nước Sở phú cường. Nhà vua tỏ ra rất vui mừng, bày ngự yến thết đãi rồi phong Dương  Giốc Ai làm chức Trung Đại Phu. Dương khóc và kể lại chuyện Tả Bá Đào đã hy sinh ở giữa đường để cho mình đi lập công danh. Sở Vương nghe xong rất cảm động và thương tình cũng truy phong cho Tả Bá Đào làm Trung Đại Phu và cho Dương Giốc Ai dắt đoàn tùy tùng đi cải táng cho Tả Bá Đào.                                                                 
     Truyện được kết thúc bằng cách cho Dương Giốc Ai tự sát sau khi nằm chiêm bao thấy Tả Bá Đào về cho biết là mình bị Kinh Kha của ngôi mộ kế bên đến ức hiếp. Chết để cùng với Tả Bá Đào chống lại Kinh Kha và Cao Tiệm Ly. Truyện có vẻ hoang đường, nhưng kết thúc như thế cho trọn nghĩa kim bằng của tình anh em TRI KỶ : Sống chết đều có nhau !
      Tùy tùng về báo lại với Sở Nguyên Vương, Vương thương cho cái nghĩa khí của tình anh em kết bái mà truy phong cho cả hai thành Thượng Đại Phu và cho lập miếu tế tự với sắc ban bốn chữ "TRUNG NGHĨA CHI TỪ 忠義之祠", là Từ miếu thờ người Trung Nghĩa.
     Sau Quản Trọng và Bào Thúc Nha thì đây cũng là một cặp TRI KỶ nổi tiếng trong văn học dân gian Trung Hoa xưa. Người đời sau có thơ tán dương như sau :  

               古來仁義包天地,  Cổ lai nhân nghĩa bao thiên địa,
               只在人心方寸間。  Chỉ tại nhân tâm phương thốn gian.
               二士廟前秋日淨,  Nhị sĩ miếu tiền thu nhật tịnh,
               英魂常伴月光寒。  Anh hồn thường bạn nguyệt quang hàn.
     Có nghĩa :
                   Xưa nay nhân nghĩa trùm trời đất,
                   Chỉ tại lòng người tấc dạ thôi.
                   Nghĩa sĩ đệ huynh còn trước miếu,
                   Hương hồn còn mãi ánh trăng trôi !

 
                   
      Hẹn bài viết tới !

                                        杜紹德
                                 ĐỖ CHIÊU ĐỨC   


Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

GÓC ĐƯỜNG THI : TỐNG TỪ NGỌC LÂU XUÂN - ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 



Góc Đường Thi :  

                          Tống Từ  NGỌC LÂU XUÂN

                        

                     
               Kỷ Mão Tuế Nguyên Nhật     
   
       MAO BÀNG 毛滂(1056—1124)tự là Trạch Dân 澤民. Người đất Thạch Môn Cù Châu (thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay). Thi nhân đời Bắc Tống. Lớm lên trong một gia đình Nho gia thế tộc, cha là Duy Chiêm, Bác là Duy Phiên, chú là Duy Phủ đều đậu Tiến sĩ. Từ nhỏ Mao Bàng đã thích thi từ ca phú. Năm Nguyên Phong thứ 2 đời Bắc Tống kết duyên cùng Triệu Anh ở Tây An. Mất vào cuối năm Tuyên Hòa, để lại 10 quyển Đông Đường Tập. Dưới đây là bài thơ Tết của ông.

玉樓春。         Ngọc Lâu Xuân.
 己卯歲元日。          KỶ MÃO TUẾ NGUYÊN NHẬT

一年滴盡蓮花漏。    Nhất niên trích tận liên hoa lậu,
碧井酴酥沉凍酒。    Bích tỉnh Đồ Tô trầm đống tửu.
曉寒料峭尚欺人,    Hiểu hàn liệu tiễu thượng khi nhân,
春態苗條先到柳。    Xuân thái miêu điều tiên đáo liễu.
佳人重勸千長壽。    Giai nhân trùng khuyến thiên trường thọ,
柏葉椒花芬翠袖。    Bách diệp tiêu hoa phân thúy tụ.
醉鄉深處少相知,    Túy hương thâm xứ thiểu tương tri,
只與東君偏故舊。    Chỉ dữ đông quân thiên cố cựu.
              宋.毛滂                               Tống. Mao Bàng



* Chú thích :
    - Ngọc Lâu Xuân 玉樓春 : là tên một loại Tống Từ. Ngọc Lâu Xuân còn có tên là Trình Tiêm Thủ 呈纖手, Xuân Hiểu Khúc 春嘵曲, Tích Xuân Dung 惜春容, Quy Triều Hoan Lệnh 歸朝歡令... Ngọc Lâu Xuân song điệu gồm có 56 chữ. Bốn câu trước và bốn câu sau đều gieo ba vần trắc. Biến điệu thì bốn câu sau chỉ gieo hai vần trắc mà thôi.
    - KỶ MÃO TUẾ NGUYÊN NHẬT 己卯歲元日 : là Tựa chính của bài Từ nầy : NGÀY ĐẦU CỦA NĂM KỶ MÃO.
    - Liệu Tiễu 料峭 : Bén nhọn; 曉寒料峭 Hiểu Hàn Liệu Tiễu : chỉ Cái lạnh của buổi sáng còn se sắt, buốc giá.
    - Miêu Điều 苗條 : là Ẻo lả, mảnh khảnh; 春態苗條 Xuân Thái Miêu Điều : là Cái Dáng vẻ ẻo lả yểu điệu của mùa xuân.
    - Bách Diệp Hoa Tiêu 柏葉椒花 : Lá của cây Bách, hoa của cây tiêu, 2 chất dùng để ủ rượu uống cho ấm những ngày Tết.
    - Thúy Tụ 翠袖 : Tay áo màu xanh biếc của các nữ nhân ngày xưa;  nên THÚY TỤ cũng có nghĩa là người đẹp.
    - Túy Hương 醉鄉 : là Làng say, là Quê hương của những người say, chỉ chung các tay bơm nhậu với nhau. 
    - Đông Quân 東君 : là Ông vua ở hướng Đông, là Chúa Xuân đó.

* Nghĩa bài thơ :
     - Cái đồng hồ có hình hoa sen đã nhỏ hết nước của một năm.
     - Rượu Đồ Tô ngâm trong giếng biếc cho đong lại.
     - Cái lạnh da diếc của buổi sáng còn ập vào người.
     - Vẻ yểu điệu của mùa xuân thấm vào cây liễu trước tiên.
     - Người đẹp cứ mời rồi lại mời rượu uống cho trường thọ.
     - Mùi lá bách, hoa tiêu ướp trong rượu lẫn với mùi tay áo xanh của người đẹp (dễ làm say lòng người).
    - Sâu thẩm trong làng say, người say chung thì nhiều mà người tri kỷ thì có được mấy ai đâu ! Thôi thì đành phải...
    - Cùng với Chúa Xuân mà nhận tình cố cựu. Chúa Xuân mới là người bạn tri kỷ vì mỗi năm cứ đúng hẹn lại về, không sai chạy bao giờ !
   
* Diễn Nôm :



                NGỌC LÂU XUÂN :
                         KỶ MÃO TUẾ NGUYÊN NHẬT
    
                      Suốt năm dài đồng hồ sen nhễu,
                      Rượu Đồ Tô giếng ngâm không thiếu.
                      Sáng xuân hơi lạnh buốt lòng người,
                      Dáng xuân yểu điệu như nhành liễu !

                      Người đẹp mời ngàn ly trường thọ,
                      Tay áo xanh bách tiêu hương lạ.
                      Làng say sâu thẳm thiếu tri âm,
                      Chúa xuân tri kỷ đà bao nả !

* Song thất Lục bát :
                      Đồng hồ sen một năm nhỏ suốt,
                      Giếng nước ngâm lạnh buốt Đồ Tô.
                      Sáng xuân hơi lạnh đổ xô,
                      Vẻ xuân yểu điệu như bờ liễu xanh.

                      Rượu trường thọ khuyên anh uống cạn,
                      Bách tiêu hoa thoang thoảng hương xanh,
                      Làng say tri kỷ mong manh,
                      Đông Quân đúng hẹn đành rành cố nhân !
                                                              Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

              Hẹn bài dịch tới  !

                                                            

                                        杜紹德
                                        ĐỖ CHIÊU ĐỨC


RÓT ĐẦY VÀO XUÂN - THƠ MẶC PHƯƠNG TỬ

 





RÓT ĐẦY VÀO XUÂN

Chong đôi mắt vào đêm
Giữa mênh mông rót nỗi niềm bao la.
Quê hương rót chén quan hà
Trà suông rót, lại mời ta một mình.

Rưng rưng rót chén ân tình
Đêm huyền diệu, rót bóng hình ngả nghiêng.
Bể dâu rót xuống ưu phiền,
Ta mang dâu bể rót miền suy tư.

Đảo điên rót vào thực hư
Cuộc rong chơi,
Rót bao giờ mới thôi.!
Ai đang rót mộng vào đời,
Trăm năm,
Rót giữa nụ cười thế nhân.

Trong đêm lòng thấy bâng khuâng
Chuyện xa xưa, với nỗi gần đâu đây.
Đất trời rót mộng vào mây,
Buồn vui, ta cứ rót đầy vào xuân.



MẶC PHƯƠNG TỬ.


LIÊN KHÚC NỖI LÒNG THA HƯƠNG 7- NHẠC KHÊ KINH KHA







LIÊN KHÚC NỖI LÒNG THA HƯƠNG 7 
NHẠC KHÊ KINH KHA
TRÌNH BÀY CA SỸ QUỲNH LAN

Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2024

MAI RỪNG MỘT THỜI ĐỂ NHỚ - TRẦN HỮU NGƯ

 



MAI RỪNG MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
Mỗi năm cứ đến 25 tháng Chạp, dạo một vòng quanh Saigon là thấy mai. Những chậu mai lớn nhỏ đủ kiểu, miền Trung xuôi Nam, miền Tây “ghé bến Saigon”.
Nhìn mai, tôi nhớ quê tôi da diết! Nhớ Ấp Cây Găng xã Văn Mỹ, quận HàmTân, tỉnh Bình Tuy, một vùng đất có biển, có những đồi cát trắng, có những cánh rừng cho nhiều cây trái, hoa thơm quả lạ. Một vùng đất “xôi đậu”, ban ngày thì M 16, ban đêm thi AK!
Miền Bắc có đào, Trung, Nam có mai. Ba miền ngược xuôi, xuôi ngược, mang đào, mai đi khắp mọi miền đất nước.
Có những chậu mai là những cây mai người chơi mướn chủ nuôi, đến Tết nhà vườn mang đến cho chủ, chơi Tết xong, nhà vườn mang về. Lại có những cây mai mướn, nghe đâu tới vài ba chục triệu “là chuyện nhỏ” đem về nhà, cơ quan… chơi trong mấy ngày Tết để gọi là “bằng chị bằng em”, khoe quyền lực. khoe tài, khoe của!
Người nghèo thì cũng vui, nhưng “vui ké” khi nhìn cây mai ngàn hoa của nhà giàu và tiếc những bông mai rụng theo những đồng bạc triệu!
Mỗi năm, cứ đến gần ngày Tết, tôi lại nhớ mai rừng, nên điện thoại về quê xin thằng bạn mấy cành mai rừng.
Quê tôi, nếu có dịp bạn xuôi Trung một chuyến, trên quốc lộ 1A từ căn cứ 5 đến Phan Thiết, bạn sẽ thấy nhà nào trước sân cũng có một cây mai rừng, có nhà trồng đến vài ba cây (phần đông những cây mai bứng từ rừng) nên Tết đến, như một rừng mai trăm hoa đua nở. Nhưng năm nay nó bảo khó kiếm lắm. Rừng mỗi ngày một xa, còn người chơi mai thì muốn đào cả gốc đem về trồng hoặc bán cho những tay chuyên săn lùng mai. Thằng bạn tôi nó bảo, bây giờ tìm mai như thể tìm trầm, cái thời vác rựa vào rừng chừng vài cây số chặt mai, bó một bó đem về tha hồ chơi…chỉ là chuyện cổ tích! Không khéo, chỉ một thời gian gần đây thôi, mai rừng sẽ tuyệt chủng?
Thằng bạn tôi, tuy nhà quê, ít học, quanh năm suốt tháng biển giả, ruộng vườn, nhưng nó nói một câu rất ư là văn hóa mà trong đó còn thể hiện tính “hoài cổ” của thôn làng quanh năm bám rừng mà thở, bám biển mà sống:
-“…Tết ở vùng quê này, chỉ có một thú vui là đợi đến ngày Rằm tháng 12 âm lịch vào rừng chặt mấy cành mai đem về chưng chơi trong ba ngày Tết, mỗi nhà đều có một cành mai rừng, để nhớ rừng vì rừng đã nuôi sống mình trong những năm chiến tranh và nhớ ông bà cha mẹ mình nâng niu cành mai rừng trong những ngày Tết. Đây cũng là một thói quen, nếu không nói là phong tục tập quán vào dịp Tết ở cái làng này…Nhưng, bây giờ tìm mai như thể lặn xuống biển tìm ngọc trai…”
Sau một hồi ra vẻ “ta đây” với tôi, rồi nó trách cứ:
-“… Ông đã bỏ quê lên thành thị lâu rồi, sao lại thích mai rừng, tưởng ông quên rồi chứ? Thành phố nơi ông ở thiếu gì mai, mà toàn là mai đẹp, nhân giống, chiết cành, lai tạo, uốn éo… sao không mua lấy một chậu? Vớ-vẩn… vớ- vẩn?...”.
Đúng! Tôi vớ vẩn thật! Nhưng dù xa quê lâu ngày, nhưng tôi vẫn thích mai rừng. Một cành mai rừng đơn sơ, hoang dã, nở hết mình, vàng hực… khi trên cành còn những chiếc lá nuối tiếc chưa chịu rụng mà thỉnh thoảng tôi vào rừng hái củi những năm còn chiến tranh tôi nhìn thấy. Chúng tôi, dân quê không phải là “nghệ nhân” nên không biết thế nào là “thế” là “nét”, gốc, cành… chỉ biết cành nào có hoa nhiều, nụ lớn là chặt, và nương tay với những cành khác để năm sau tìm đến. Vì vậy, muốn có một cành mai ưng ý thì phải chịu khó lục lọi, tìm kiếm trong các cánh rừng có đôi khi mất cả ngày mới có được, và dù xấu hay tốt, những người chặt mai chưa bao giờ vác rựa về tay không!
Mai rừng là loại “mai sạch”, sống hồn nhiên và vô tư theo quy luật đất trời, cứ đến Tết là nở, không nở trái khoáy, bất kham như những chậu mai được con người chăm sóc, tưới bón. Mai chậu, nếu thời tiết thay đổi bất thường thì “nở chơi” cho “bõ ghét” những ông chủ tiêu tan bạc tỷ vì đã kềm hãm đời mai trong chậu!
Hằng năm, dù đời sống có thiếu thốn vất vả, những năm chiến tranh chết chóc nhà tan cửa nát… vậy mà cứ đúng ngày Rằm, nghĩa là trước Tết hơn mươi ngày, chúng tôi không hẹn mà gặp nhau cùng vác rựa vào rừng tìm mai, thế mới biết dân làng quê tôi đã một thời dù nghèo đói đến đâu, nhưng năm ba ngày Tết cũng ráng tìm cho được một cành mai rừng! Đó là nét văn hóa của dân làng quê bao đời bám đất mà sống, bám rừng để thở.
Đợi Tết, chặt mai rừng là một thú chơi không thể thiếu ở một vùng quê có núi, rừng, suối, biển… Mai rừng hiện diện khắp nơi, từ trong hốc đá bên bời suối, ở những đồi cát ven biển. Có đôi khi bắt gặp một cây mai trơ trọi còn sót lại của những mùa phá rừng đốt rẫy nhưng vẫn nở hoa:




“… Đồn anh đóng ven rừng mai
Nếu mai không nở
Anh đâu biết Xuân về hay chưa !...”
(Đồn vắng chiều Xuân – Trần Thiện Thanh)
Mai rừng chặt về lặt lá thui gốc… (Cành mai chặt về đem dí vào lửa, tro nóng thui gốc, chúng tôi sợ nó chết, nhưng vẫn phải làm, vì chỉ bắt chước những gì người lớn đã làm, sau này lớn lên đi học ban A Vạn-vật, chúng tôi mới biết tại sao phải thui gốc), tất cả ngâm gốc vào cái chậu lớn, mỗi ngày thay nước. Đợi đến 30 Tết cắm vào chiếc bình đem chưng trên bàn. Từ sáng 30 Tết cho đến mùng Một, một thời khắc rất “thiêng-liêng” dành cho mai, dù chỉ một thời gian ngắn nữa nhưng sao cảm thấy quá lâu. Những người mê mai rừng có thể thức trắng đêm để chờ sáng mùng Một. Nhìn thấy mai nở một nụ, hai nụ, ba nụ… là báo hiệu điều lành cho một năm. Những cành mai rừng có thể chơi đến mùng Bảy mùng Tám, nhiều người tiếc, cứ để cho đến khi nào mai héo mới đem bỏ và hẹn một mùa Tết năm sau.
Năm ba ngày Tết, trước những chậu “mai nuôi” rực rỡ , tôi lại nhớ mai rừng… dù sao đó là kỷ niệm của một đã xa tít mù, một thời ăn rừng, ở rừng, ngủ rừng, và sinh ra từ rừng!


TRẦN HŨU NGƯ


Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

ĐỌC ''ĂN MÀ KHÔNG CHƠI'' CỦA ĐỖ DUY NGỌC - SONG THAO

 

               Ảnh tác giả Song Thao



ĐỌC “ĂN MÀ KHÔNG CHƠI” CỦA ĐỖ DUY NGỌC


Nhà văn Đỗ Duy Ngọc ra đời tại Quảng Bình, di cư năm 1954, học hành tại Đà Nẵng, trưởng thành tại Sài Gòn. Tôi ra đời tại Hà Nội, di cư năm 1954, sống tại Sài Gòn. Chúng tôi có những điểm chung trừ sanh quán. Vậy mà sao ông lại có những hồi ức về ăn uống thời trẻ giống tôi. Chẳng hạn như ông tàu bán đậu phụng rang húng lìu. “Đó là một ông người Hoa khoảng năm sáu chục tuổi, người hom hem, mặc bộ đồ “xá xẩu” đen, có khi màu xám cũ kỹ. Áo có hai vạt như như áo cánh, tay lửng, nút áo bằng vải, cài ở giữa, ông mặc cái “quần tiều” dài quá đầu gối một chút, ống rộng. Ông đội cái nón rộng vành đan bằng tre, đỉnh nón nhọn, nhìn như các hiệp khách giang hồ trong phim kiếm hiệp Hồng Kông. Ông mang trước ngực một thùng thiếc vuông, có lẽ là thùng bánh biscuit Lu, một loại bánh tây nổi tiếng thời ấy. Trong thùng đựng đậu phụng rang. Khi có khách ông lấy ra một gói giấy cuốn nhọn đầu bé tí, bỏ vào khoảng hai chục hạt đậu rang. Ít thế nên lúc nào ăn cũng còn thèm…Đậu rang của ông thơm húng líu, mùi từa tựa như ngũ vị hương… Đậu phụng rang húng lìu của ông này ngon lắm, thơm, bùi,béo giòn ăn mãi không ngán. Nó có một mùi thơm rất đặc biệt. Nó cũng là món ăn vặt của tuổi thơ tui”. Nếu ông Đỗ Duy Ngọc rộng lượng mang ông già tầu này từ Đà Nẵng ra Hà Nội, đặt vào tháp Hòa Phong bên hồ Hoàn Kiếm Hà Nội thì đúng là ông tầu bán phát xa húng lìu thời thơ ấu của tôi. Trên đường tới trường Dũng Lạc, hầu như ngày nào tôi cũng phải ghé tới tháp Hòa Phong nộp tiền cho ông già có bộ răng lúc nào cũng nhe ra như cười. Sao cái bốc tay của ông đểu tới như vậy. Thọc sâu vào hộp lạc rang một cách mạnh bạo nhưng móc ra chỉ chục hột cho vào cái tổ sâu kèn bằng giấy.
Những ngày Hà Nội đó, chuyện ăn uống của chúng tôi quanh bờ hồ hay trước cửa trường Dũng Lạc ngày đó vẫn bám lấy ký ức của tôi. Món bánh mì của mấy đứa trẻ ôm bao bố chứa những chiếc bánh mì nho nhỏ bán dạo quanh hồ, phía trước cửa báo Cải Tạo, ngon hết biết. Chú nhỏ rọc bánh theo chiều dọc, nhét vào miếng ba-tê mỏng dính, rắc muối tiêu, vậy là xong. Chỉ có vậy sao ngon ơi là ngon. Bánh mì giò chả của anh chàng Lý bán trước cửa trường còn ngon ác ôn hơn. Nhưng dễ chi gặm được ổ bánh mì của chàng Lý được chúng tôi gọi thân mật là Lý Toét dù mắt anh không toét! Phải chi ra số tiền gấp bội bánh mì bờ hồ. Ông Đỗ Duy Ngọc cũng nhắc tới “thần tượng” của chúng tôi ngày đó. Nhưng ông chỉ biết ông Lý Toét khi ông đã di cư vào Sài Gòn, trở thành cụ Lý Toét. Từ Hà Nội vào Sài Gòn, bánh mì Lý Toét vẫn là bánh mì Hà Nội. “Bánh mì cụ Lý ngon mà giá bình dân. Chả đủ loại: chả lụa, chả chiên, giò thủ, chả mỡ. Chả nóng hổi, phảng phất mùi hương của thì là. Chả của cụ Lý không cắt lát như những xe bánh mì khác mà cụ cắt từng miếng lớn, lộn xộn để lung tung trên mẹt lót lá chuối xanh rờn. Từ lúc dừng xe dựa vào hàng rào, cụ cắt không ngơi tay, khách hỏi chuyện, cụ lại nhón miếng chả đưa khách ăn chơi. Xé ổ bánh mì, hồi trước bánh mì nướng củi, vỏ bánh vàng, ruột bánh trắng phau chứ không như bánh mì bây giờ, cụ nhét đại mấy miếng chả vào, bốc một nắm hành tây, rắc chút muối tiêu, xì dầu hay nước mắm theo yêu cầu của khách, thế là xong một ổ bánh, không ba-tê, chẳng dưa chua, hành ngò chi cả. Khách chen nhau, lần lượt. Cầm ổ bánh mì nóng, chả tràn trề, cắn một miếng, ngon nhức xương”.
Di cư vào Sài Gòn năm 16 tuổi, thế hệ của tôi dễ hòa nhập vào Sài Gòn. Nếu tuổi thơ của tôi là Hà Nội thì tuổi thanh niên là Sài Gòn. Cả hai nơi đều là những tháng ngày hạnh phúc mà chuyện ăn uống góp một phần lớn vào hạnh phúc đó. Cụ Lý Toét là cái gạch nối giữa hai thành phố, nhưng phá lấu, nước mía thì đặc sệt Sài Gòn. Hơn hai chục năm sống ở Sài Gòn, đi học rồi đi làm, cu ky một mình rồi bồ bịch, thú “ăn mà không chơi” vẫn dính lấy những người Hà Nội chuyển sang Sài Gòn thời đó. Ông Đỗ Duy Ngọc “ăn mà không chơi”. Chữ “chơi” của ông được giải thích như sau: “Đặt tên sách “Ăn Mà Không Chơi” vì tôi chỉ rành ăn mà không biết gì các món chơi bời của Sài Gòn”.
Khi mới tới nhà ông Luân Hoán nhận cuốn sách, đọc cái tựa, tôi lại nghĩ khác. Người ta thường nói “ăn chơi ngon hơn ăn thiệt” để diễn tả cái “chơi” ăn đứt cái “thiệt”. Những ngày những năm Sài Gòn, ăn chơi không thể nào bỏ qua món phá lấu, bò khô, nước mía tại góc đường Lê Lợi – Pasteur. Thỉnh thoảng, nhớ Sài Gòn, tôi vẫn vào YouTube coi các clip quay cảnh phố phường Sài Gòn. Khi ống kính quay tới cái ngã tư “ăn chơi” này, tôi không thể nén tiếng thở dài. Tòa nhà có hai chữ “Viễn Đông” nghễu nghện nay đã không còn dấu vết. Đó là thiên đàng ăn chơi, hiểu theo nghĩa ăn chơi ăn thiệt, của chúng tôi ngày đó. Chúng tôi đây nhất định không thể thiếu ông sành ăn Đỗ Duy Ngọc.
Tôi phải thú nhận chết mê chết mệt với món bò khô, còn gọi là gỏi khô bò. Từ những ngày Dũng Lạc. Hồi đó ít có ngày tôi không mải mê với tiếng kéo lách cách rao hàng của ông bán bò khô trước cửa trường. Chỉ là những lát đu đủ, chút rau thơm, khô bò, thêm xì dầu, giấm, tỏi, ít tương ớt mà sao ngon lạ ngon lùng. Nhìn hai tay ông điệu nghệ hai chai, một trắng chứa giấm tỏi, một nâu sậm xì dầu, rắc đều xuống đĩa gỏi, đã thấy ngon. Cái ngon đó tôi bắt gặp lại tại Sài Gòn. Ông Đỗ Duy Ngọc cũng rứa. Cho tới nay tôi đã từng nếm thử gỏi khô bò tại nhiều tiệm ở Montreal này mà chưa bắt được cái vị của bò khô Pasteur. Ông Đỗ nhem thèm: “Chủ chiếc xe bò khô là một ông Bắc kỳ tuổi trung niên, chuyên mặc bộ đồ đen, đôi khi hiếm hoi cũng mặc chiếc áo nâu. Chiếc xe đẩy của ông chứa trọn bộ đồ nghề. Ở giữa là những chiếc đĩa nhôm, một bên đựng bò khô, bên kia chứa đu đủ bào. Phần còn lại để mấy chai nước tương, ớt, giấm. Khô bò của ông ngon vô phương. Vừa bùi lại vừa giòn, ngòn ngọt, cay cay. Miếng bò khô thơm phức, dày, hơi đen cháy cạnh chứ không đỏ như khô bò của người Hoa. Khô của ông được chế biến từ lá lách bò, thịt ở má bò vì má bò có gân nên vừa mềm vừa dai, nhai sướng miệng lắm. Hồi đó xe gỏi của ông nổi tiếng Sài Gòn không chỉ khô bò ngon đặc biệt mà nước chan giấm ớt, nước tương cũng ngon hết biết. Ăn một đĩa chưa đã thèm, ăn thêm đĩa nữa lại muốn ăn thêm. Miệng đã thấy cay, má đã hơi bừng bừng, mồ hôi rịn trên mắt, đã gì đâu”.
Xe nước mía Viễn Đông kế bên là thứ nước làm dịu đi cái cay cay xoắn xuýt miệng lưỡi. Ly nước mía vừa ép ra, tươi mát, ngọt thanh, bọt trắng bám quanh thành ly, uống tới đâu ruột gan nở ra tới đó.
Linh hồn của khu ăn chơi này là những mẹt phá lấu. “Trên khay để đầy phá lấu nhiều màu, toàn những màu sẫm là lòng heo, dồi trường, tim, lưỡi, lá sách, bao tử, gan, ruột non, phèo, phổi. Nói chung là toàn bộ đồ lòng của con heo lại thêm lòng gà đầy đủ gan, tim, ruột lòng thòng xoắn xoắn. Miếng phá lấu được cắt nhỏ lủm một miếng chưa đầy miệng, cắm một cây tăm. Trên khay còn có tương đen, tương đỏ. Khách lái xe xuôi đường Pasteur, thắng xe ghé lại, thích gì ăn nấy, cây tăm khi đã bỏ miếng phá lấu vào miệng thì chú Ba Tàu lại ghim một cây tăm khác vào cổ tay của ông, có sợi cao su buộc ngang. Khách ăn xong chú Ba căn cứ vào số tăm trên tay mà tính tiền. Miếng phá lấu ở đấy bây giờ nhớ lại thấy ngon lạ lùng. Miếng lá sách có gai như miếng khăn lông nhai sần sật, miếng ruột non, ruột già beo béo, miếng gan bùi bùi, miếng lưỡi, miếng phèo hơi dai càng nhai càng ngọt mùi… Gần nửa thế kỷ rồi, nhắc lại món phá lấu ở địa chỉ ấy bỗng dưng trên đầu lưỡi phảng phất cái mùi ngũ vị hương, cái mùi húng lìu, nước tương hòa lẫn vị béo, dai, bùi của phá lấu năm xưa. Nhắc để gậm nhấm kỷ niệm của một thời chở cô bạn gái ghé vào đây, hoặc đi với mấy thằng bạn, chấm chấm, nhai nhai sao đời nghèo mà vui thế”. Bao nhiêu năm ở Sài Gòn là bấy nhiêu năm tôi la cà nơi chốn “thiên đàng” này. Từ những ngày học sinh dắt chiếc xe đạp, tới những ngày trưởng thành đi làm, lên đời xe máy rồi xe vespa. Từ những lao xao bạn bè tới những hân hoan người tình, những ngày tháng chẳng bao giờ quên được.
Ông Đỗ Duy Ngọc chơi ác. Vết nhớ chưa liền da đã bị ông vực dậy làm thêm phần ray rứt. Thành phố đó đã chở chuyên những tháng ngày ngọt lịm của thế hệ tôi, thư sinh rồi râu tóc vào đời. Trách ông nhưng cũng ơn ông đã cho tôi một lần sống lại quá khứ ngọt ngào của lớp tuổi đẹp nhất trong đời.
Trong 350 trang sách gồm 85 bài viết, tác giả đã bàn tới nhiều món ăn chơi cũng như ăn thiệt. Thiệt là một tay hảo ăn. Tôi vốn khoái nước mắm và các thứ mắm, từ mắm tôm mắm tép tới mắm ruốc mắm rươi nên không thể không đu đưa về những bài ông viết về nước mắm và mắm. Có tới bốn bài lận. Nước mắm là thứ được chế biến từ cá và muối. Đó là thứ nước mắm truyền thống. Ngày nay người ta giết chết nước mắm khi thứ nước mắm bán trên thị trường phần lớn là nước mắm công nghiệp pha bằng hóa chất. Ông gọi đó là thứ nước mắm giả của những kẻ thiếu lương tâm. Tôi cũng đã nhiều lần viết về chuyện giả thật của nước mắm, điều mà ngay các bà nội trợ nhiều bà vẫn không phân biệt được. Ông Đỗ coi bộ phẫn nộ hơn tôi. “Trước 1975, ở miền Nam, luật pháp khá rõ ràng, kỷ cương còn được tôn trọng. kẻ phạm pháp sẽ bị trừng trị đích đáng, do đó việc làm giả nước mắm khó hoạt động và không phổ biến. Giờ đây, chính những kẻ cầm cân nảy mực, thi hành luật pháp lại tiếp tay mở đường cho nước mắm giả với cái tên mỹ miều là “nước mắm công nghiệp” và họ tìm mọi cách để những thứ giả này xuất hiện trên bàn ăn của những gia đình người Việt. Loại này không thể gọi là nước mắm bởi nó không làm ra từ cá và muối mà từ những hương liệu và hóa chất. Gọi tên cho đúng thì đó là “nước chấm công nghiệp”. Một chai gọi là nước mắm đó cõng trên nó 17 lọai hóa chất, thế thì sao gọi là nước mắm được”.
Tôi mê phở, chuyện thường. Dân Hà Nội mà không mê phở mới là chuyện đáng nói. Nhưng dân Quảng Bình, sống tại Đà Nẵng và Sài Gòn như ông Đỗ Duy Ngọc mê phở như mê người tình mới là chuyện lạ. Ông viết về Phở Hoàng, Phở Minh, Phở “Cậu Hai Sài Gòn”, Phở Kỳ Đồng, Phở Lý Quốc Sư, Phở gà Hà Nội, Phở Cao Thắng nhưng tâm ông dành trọn cho Phở Dậu. Chà! Phở Dậu! Tôi với ông ý hợp tâm đầu dữ.
Nhà văn Đỗ Duy Ngọc đã trên năm chục năm liên tục say đắm phở Dậu, trừ ít năm qua Pháp. Tôi cũng là fan cứng chỉ ít lâu sau khi phở Dậu ra lò vào năm 1958 cho tới khi tôi đi Canada vào năm 1985. Bà Dậu là người tiên phong mở quán nhưng sau đó nhường tiệm lại cho bà Uy. Tiệm ngày đó xộc xệch, bàn ghế vá ráp, không tên tuổi chi. Gọi phở Dậu là thực khách truyền miệng nhau thôi. Còn tiệm không bảng hiệu chi cả. Gọi là tiệm cũng là khiên cưỡng. Nó như một quán nhỏ thân tình, thực khách hầu như đều biết nhau. Bà Uy thì biết từng sở thích của khách. Ông Đỗ nhớ lại: “Hồi đó chỉ là một quán phở nhỏ lợp tôn, trên có chừa một khoảng trống lớn, nắng dọi vào làm thành một vệt ánh sáng mà mấy cha nhiếp ảnh rất mê. Luồng sáng dọi xuống trên người hai bà cụ với làn khói xanh từ bếp củi bay lên rất là nhiếp ảnh. Người bán là hai bà cụ già, nên tôi gọi là phở bà cụ. Ngày trước dân văn nghệ thường ăn sáng tại đây. Tui thường gặp họa sĩ Đinh Cường, Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”.
Phở Dậu ngày cũ là phở nhà, nơi ai cũng biết nhau. Sau 1975, muốn biết tin tức bạn bè, ai dzọt được, ai đi tù chưa về, ai vượt biên bị tóm, cứ tới phở Dậu khắc biết. Trong một bài viết về phở Dậu, tôi đã ghi: “Sau 1975, phở Dậu là ngã ba hẹn hò của giới ăn phở Dậu trước đó, khi thành phố chưa đổi tên. Ngày đó, bạn bè chúng tôi tan tác sau cơn bão dữ, ai còn, ai đi thoát, ai chưa “cải tạo” về, cứ tới phở Dậu là biết hết. Gọi là “ngã ba hẹn hò” cho thêm phần tình cảm chứ thật ra chúng tôi chẳng ai hẹn ai. Cứ thuận chân tới. Tới sẽ gặp. Gặp rồi đấu láo chửi thề. Thường chúng tôi mắng mỏ nhau sao chậm lụt thế. Trông thấy cái mặt nào còn trình diện là thêm một ngao ngán. Chuyện đi đứng có lẽ là chuyện rổn rảng nhất. Tôi có giấy bảo lãnh đi Canada. Bà Uy mà ai cũng mặc nhiên tưởng bà tên Dậu, cũng cùng một trường hợp. Bà và tôi có thêm thân tình của người đồng hội đồng thuyền. Bà ôm riết tiệm chẳng có thời giờ. Tôi rảnh chân chạy chỗ này chỗ kia nên có một số tin tức. Mỗi lần tôi tới, bà ngước mắt hỏi. Chúng tôi lại to nhỏ. Có lần bà xếp tôi ngồi vào góc chiếc bàn trong bếp, bên cạnh những hành ngò, nằm bẹp giữa những thùng bánh phở, những chậu xương còn máu me đỏ lòm. Chẳng phải để bàn chuyện bí mật quốc gia chi mà chỉ vì tiệm hết chỗ”.
Viết tới đây tôi thấy mình vô duyên hết cỡ. Tôi đã lợi dụng cuốn “Ăn Mà Không Chơi” của nhà văn Đỗ Duy Ngọc để mang chuyện ăn uống của tôi hồi nhỏ ra chèn ép cuốn sách. Sách không chỉ bàn tới phát xa húng lìu, bánh mì Lý Toét, bò khô, phá lấu và nước mía Viễn Đông, nước mắm và mắm, hay phở Dậu. Trong 85 bài viết, tác giả đã dành nhiều trang cho các món khác. Món cá chuồn, các món xứ Quảng, bún suông, mì Cao Vân, món Huế, cháo huyết, cháo lòng, rươi, con bù tọt, xe mì, khoai lang khô ngào đường, bún cá ngừ, cá kình, cá đối cồi, cá ồ, cá hố kho dưa cải, cá he, hủ tiếu sa tế nai, lòng heo xào nghệ, bún bò Huế, canh mít non, bún ốc, hủ tiếu Thanh Xuân, bánh canh, chả cá, mắt cá ngừ đại dương hầm thuốc bắc, thịt vịt, món xà bần, bún vịt, canh cá giếc nấu rau răm, hột vịt lộn, cá chép cá trắm kho. Đủ thập bát ban đớp hít.
Nhà văn Đỗ Duy Ngọc hiện sống tại Sài Gòn, đánh bạn với hai ông Tiến Chỉnh và Đỗ Trung Quân. Ông Tiến Chỉnh trước đây là tay guitar bass trong ban nhạc trẻ nổi tiếng Spotlight hát hò cùng với các ông Đức Huy, Billy Shane. Sau chán cây đàn ông gia nhập không quân lái máy bay chiến đấu Skyraider bắn đì đoàng. Ông này cũng là đệ tử ruột của phở Dậu, luôn rủ tôi về tới Dậu ăn cho thỏa chí tang bồng. Ông Đỗ Trung Quân, chắc cũng có máu Bắc kỳ vì ông là dân Ngã Ba Ông Tạ, lại chống phở Dậu mà phò mì Quảng. Xin mách với ông là trong cuốn sách này ông Đỗ Duy Ngọc có tới hai bài viết về mì Quảng. Thấy chưa, ông Đỗ chơi với bạn rất chí tình, cỡ nào ông cũng chiều được!
Đọc xong cuốn “Ăn Mà Không Chơi” tôi khoái ông Đỗ Duy Ngọc hơn. Chúc ông răng cứng lưỡi mềm để tiếp tục nếm các món ngon vật lạ, độc giả của ông, trong đó có tôi, sẽ lại được ăn hàm thụ. Ăn giả mà ngon như ăn thiệt!


SONG THAO
01/2024

PHÚC LỘC THỌ - PHIẾM LUẬN CỦA ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 


Tạp Ghi và Phiếm Luận :  

                                   PHÚC LỘC THỌ

                       

                                     Phước              Lộc             Thọ

       Người miền Bắc bảo là PHÚC 福, còn người miền Nam thì nói là PHƯỚC. Hữu Phúc 有福 là Có Phước, mà Có Phước là có Tất cả ! Theo "CHỮ NHO... DỄ HỌC" chữ PHÚC thuộc dạng chữ Hình Thanh, có diễn tiến chữ viết như sau :

                     Giáp Cốt Văn   Kim Văn      Đại Triện    Tiểu Triện      Lệ Thư   



Ta thấy :
        Chữ PHÚC 福 là do bộ THỊ 礻= 示 là Biểu Thị 表示 có nghĩa là "Bày tỏ, là Tỏ ra"; và chữ PHÚC 畐 có nghĩa là "Đầy đủ, Sung túc". Nên chữ PHÚC 福 được đọc theo âm chữ PHÚC 畐 là Đầy đủ, nên gọi là chữ Hình Thanh. PHÚC 福 còn có nghĩa Hội Ý là : "Tỏ ra đầy đủ sung túc". Vâng, "Tỏ ra đầy đủ sung túc" là "Có Phước" rồi ! 
      Đó là nói theo sách giáo khoa và tự điển giảng về chữ PHÚC 福, còn đối với dân gian thì bà con ta nhìn Bộ THỊ 礻 thành Bộ Y 衤= 衣 là Y PHỤC 衣服 có nghĩa là "Áo Quần". Còn chữ PHÚC 畐 nhìn từ trên xuống là : Chữ NHẤT 一 chữ KHẨU 口 rồi chữ ĐIỀN 田. NHẤT KHẨU ĐIỀN 一口田 có nghĩa là :"Một thửa Ruộng". Nên mới chiết tự chữ PHÚC 福 thành : NHẤT BÁN Y SAM NHẤT KHẨU ĐIỀN 一半衣衫一口田. Có nghĩa là : Một nửa là ÁO XỐNG  (Y sam), nửa kia là MỘT THỬA RUỘNG. Với hàm ý là : Có quần áo để mặc, có ruộng để cày; Cũng có nghĩa là "Có cơm ăn áo mặc là đã CÓ PHƯỚC rồi !". Nên ...

       CÓ PHÚC là CÓ PHƯỚC, là có cuộc sống sung túc đầy đủ cơm ăn áo mặc; Nhưng  dần dà theo nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống, nên chữ PHÚC cũng được nhân rộng ra thành nhiều mặt để đáp ứng lòng tham không đáy của con người. Như trong ngày Tết âm lịch, ta thường thấy người ta hay dán bốn chữ NGŨ PHÚC LÂM MÔN 五福臨門 lên ngay trước cửa ra vào và thường hay chưng một cành hoa mai, vì hoa mai nở ra năm cánh tượng trưng cho năm điều Phước, gọi là MAI KHAI NGŨ PHÚC 梅開五福. Năm điều PHƯỚC mà mọi người hằng mơ ước đó là : 
             
                 Thọ, Phú, Khang ninh, Du hảo đức và Khảo chung mệnh. 
                   寿, 富,      康寜,        攸好德,             考终命。          
Có nghĩa :
        Sống lâu, giàu có, mạnh khỏe, được tiếng có đức tốt và chết an lành, là thiện chung. Nói cho gọn lại là : Thọ 壽, Phú 富, Khang 康, Đức 德 và Thiện 善. Đó là 5 cái phước mà mọi người thời xưa đều mong mỏi. Còn bây giờ thì sao ? Xã hội ngày một thay đổi và tiến hóa, nên mơ ước và  mong mỏi của con người cũng có khác. Theo như sưu tầm tìm thấy trên mạng thì NGŨ PHÚC của hiện nay là : Hòa hài 和諧,Hưng vượng 興旺,Phú qúy 富貴,Bình an 平安,Kiện khang 健康。Có nghĩa là : Gia đình hòa thuận, Làm ăn phát đạt, Trở nên giàu sang, Gia đình bình an và Mọi người đều khỏe mạnh. Rất thực tế và rất phù hợp với cuộc sống của xã hội trước mắt.
     
        CÓ PHƯỚC còn có nghĩa là "Tránh khỏi được những xui xẻo tai nạn làm thương tổn đến bản thân hay gia đình" Nên ông bà xưa thường nói là :

                    有福傷財,   Hữu PHÚC thương tài,
                    無福傷己。   Vô PHÚC thương kỷ.
Có nghĩa :
       - CÓ PHƯỚC thì chỉ bị thương tổn mất mát về tiền của tài sản mà thôi, Còn...
       - Không CÓ PHƯỚC thì sẽ bị thương tổn đến bản thân, sức khỏe, thậm chí đến cả tính mạng của mình nữa.
         Ông bà ta thường nói : Của đi thay ngưởi mà!  



      PHÚC 福 còn có nghĩa là May Mắn. Như PHÚC TINH 福星 là Ngôi sao may mắn. Ta có thành ngữ PHÚC TINH CAO CHIẾU 福星高照 để chỉ những người thật may mắn, luôn luôn có một ngôi sao may mắn từ trên cao chiếu xuống, nên làm việc gì cũng thuận lợi suông sẻ, kể cả đầu tư, kinh doanh, cờ bạc... Còn ...
      
     NHẤT LỘ PHÚC TINH 一路福星. Thành ngữ nầy vốn dĩ dùng để chỉ một ông quan tốt, như là một ngôi sao may mắn đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Có xuất xứ từ bài viết《Tiên Vu Tử Tuấn hành trạng 鲜于子骏行状》 của Tần Quan đời Tống 宋·秦觀 như sau :

      TẦN QUAN 秦觀 tự là Thiếu Du 少游, danh sĩ đời nhà Tống, kể lại chuyện Tiên Vu Tử Tuấn được bổ nhiệm đi làm Chuyển Vân sứ lộ Kinh Đông; Vì là một vị quan thanh liêm hết lòng lo cho dân, nên trước khi đi Tư Mã Quang đã than rằng :" PHƯỚC TINH đã đi rồi ! Nếu như triều đình có được một trăm người như Tử Tuấn thì các nơi sẽ tốt biết mấy !" Vì thế mà mọi người đều gọi Tử Tuấn là NHẤT LỘ PHÚC TINH và làm thơ ca ngợi như sau :

                 福星一路之歌謠,  PHÚC TINH NHẤT LỘ chi ca dao,
                 生佛萬家之香火。  Sanh Phật vạn gia chi hương hỏa.
Có nghĩa :
                 PHÚC TINH NHẤT LỘ ngợi ca,
             Là thân Phật sống vạn nhà khói hương.

       Trong tác phẩm "SÃI VÃI", cụ Nguyễn Cư Trinh đã cho bà VÃI khen ông SÃI như sau : 

                 Ông nầy tu luyện, có chí anh hùng:
                 Thuộc sử kinh chứa để đầy lòng; 
                 Mang y bát chơn truyền phải mặt.
                 Dầu chẳng “VẠN GIA SANH PHẬT”, 
                 Cũng là “NHẤT LỘ PHÚC TINH”...




       Nhưng sau nầy dùng rộng ra thì NHẤT LỘ PHÚC TINH còn dùng để người ở lại chúc cho người đi xa được "May mắn suốt cuộc hành trình".
Còn...
       PHƯỚC TƯỚNG 福將 là chỉ các Tướng lãnh may mắn, hễ ra trận là đánh thắng, gặp nguy hiễm cũng thoát nạn không chết. Tiêu biểu như 3 ông tướng sau đây :

      * Triệu Vân 趙雲(?—229)là Thường Sơn Triệu Tử Long 常山趙子龍, một trong Ngũ Hổ Tướng của Lưu Bị thời Tam Quốc. Ông là vị tướng trăm trận trăm thắng và chưa hề bị thương lần nào kể cả trận chiến ở Đương Dương Trường Bản, ra vào bảy lần trong vòng vây mấy vạn quân của Tào Tháo lại phải phò ấu chúa, nhưng vẫn an toàn về đến trại mà không hề có thương tích gì cả ! Trên 70 tuổi mới mất vì bệnh.
      * Trình Giảo Kim 程咬金(589-665)trong Tùy Đường Diễn Nghĩa gia nhập Ngõa Cang Trại, Ba búa cướp hoàng cống (tiền thuế cống nạp cho vua) làm phản ở Sơn đông, xưng là Hỗn Thế Ma Vương... Sau theo Tần Vương Lý Thế Dân lần lượt đánh bại Tống Kim Cương, Đậu Kiến Đức, Vương Thế Sung... lập được nhiều công trạng, được phong làm Lỗ Quốc Công khi Đường Thái Tông lên ngôi. Qua sự kiện Võ Hậu soán ngôi, Tiết Cương làm phản, mãi cho đến khi Lý Đán đăng cơ là Đường Tuấn Tông (662) Trình Giảo Kim mới cười chết ở tuổi 148 (Theo chính sử thì Trình Giảo Kim chỉ sống đến 76 tuổi mà thôi).
      * NGƯU CAO 牛皋(1087—1147): Cũng là một PHÚC TƯỚNG truyền kỳ có nhiều thành tích giống như là Trình Giảo Kim vậy. Ngưu Cao là bạn kết nghĩa của danh tướng Nhạc Phi. Khi Nhạc Phi mất, Ngưu Cao theo giúp con của Nhạc Phi là Nhạc Lôi đi bắc chinh để đánh Kim Ngột Truật. Cao đã mấy lần giúp cho đoàn quân gặp dữ hóa lành, cuối cùng đại phá Ô Long Trận, cởi trên mình Kim Ngột Truật làm cho Kim Ngột Truật giận qúa mà tức chết và bản thân Ngưu Cao đắc ý nên cũng phá lên cười lớn rồi cũng... chết luôn !



                  Triệu Tử Long          Trình Giảo Kim             Ngưu Cao

       Đó là ba PHƯỚC TƯỚNG tiêu biểu của 52 bộ Truyện Tàu ngày xưa do nhà xuất bản Tín Đức Thư Xã khoảng thập niên 1950 đã xuất bản và bán đầy cả Sài Gòn Chợ Lớn và Nam Kỳ Lục Tỉnh. Còn...

      PHÚC TƯỚNG 福相 : Chữ TƯỚNG nầy là TƯỚNG MẠO 相貌; nên PHÚC TƯỚNG có nghĩa là :"Người có tướng mạo phúc hậu, hiền lành, dễ thương"...

      * ĐÀN ÔNG có PHÚC TƯỚNG là người có khuôn mặt đầy đặn nhân từ, tánh tình hòa hoãn đôn hậu trầm tĩnh, dễ thân cận.
      * ĐÀN BÀ có PHÚC TƯỚNG là Đàn bà có khuôn mặt dễ nhìn, "khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang" là người có tính tình nhân hậu hòa ái, vượng phu ích tử.

      Nói thực tế một chút, người có PHÚC TƯỚNG phải là người có gia thế hơn người, tài mạo hơn người một chút, thì mới thể hiện được cái PHÚC của TƯỚNG MẠO. Chớ nghèo khổ bửa đói bửa no, nợ đòi con khóc, chạy gạo hằng ngày, mặt ủ mày chau, thì làm sao có PHÚC của TƯỚNG cho được ! Trong Truyện Kiều, khi Kim Kiều mới lần đầu tiên hẹn ước, vừa gặp gỡ nhau Thúy Kiều đã đánh giá Kim Trọng là :

                        Nàng rằng : Trộm liếc dung quang,
                   Chẳng sân Ngọc Bội, cũng phường Kim Môn.

      Rồi khi Kim Trọng nhờ Thúy Kiều đề thơ lên trên bức họa của mình, Thúy Kiều đã rất tài hoa thiện nghệ với "Tay tiên gió táp mưa sa, khoản trên dừng bút thảo và bốn câu" khiến cho Kim Trọng phục sát đất và thốt ra lời khen rất thành thực là :

                       Khen tài nhả ngọc phun châu,
                     Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế nầy.
                         Kiếp xưa tu ví chưa dầy,
                 PHÚC nào bắt được giá nầy cho ngang ?!

      Nên PHÚC còn là việc làm tốt, là cái âm đức, cái PHƯỚC PHẦN 福分 của con người do hành vi việc làm của mình hay của cha ông dòng họ mình làm, tạo nên cái Phần Phước mà mình được hưởng hay phải chịu hưởng. Khi nhảy xuống sông Tiền Đường để quyên sinh, thì hồn ma của Đạm Tiên lại hiện ra  báo mộng nói với Thúy Kiều là :

                    Chị sao PHẬN MỎNG PHÚC DẦY,
                    Kiếp xưa đã vậy, lòng này dễ ai ?
                     Tâm thành đã thấu đến trời,
                 Bán mình là hiếu, cứu người là nhân...

      PHÚC DẦY là do biết bán mình để trả hiếu cho cha mẹ và do khuyên Từ Hải quy hàng triều đình để tránh cảnh chiến tranh làm cho dân lành phải lầm than chết chóc . Nên chi ...

                      Đoạn trường sổ rút tên ra,
               Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau.
                      Còn nhiều hưởng thụ về lâu,
                Duyên xưa đầy đặn, PHÚC SAU dồi dào !

      Và cũng giống như lời Tam Hợp đạo cô tiên đoán với sư Giác Duyên về thân phận của Thúy Kiều :

                     Sư rằng :"PHÚC HỌA đạo trời,
                Cỗi nguồn cũng bởi lòng người mà ra.
                       Có trời mà cũng tại ta,
                 Tu là CỖI PHÚC, tình là dây oan !



                                 Đạm Tiên và Thúy Kiều

      PHÚC còn là cái điềm báo trước về những điều may mắn sắp xảy ra, như câu thành ngữ PHÚC CHÍ TÂM LINH 福至心靈 là khi điều Phước sắp đến tự nhiên lòng con người cảm thấy linh động, thoải mái hơn, nên quyết định chuyện gì cũng nhanh nhạy sáng suốt và đúng đắn hơn. Câu nói nầy có xuất xứ từ《Tư Trị Thông Giám 資治通鑑· Ngũ Đại hậu Hán Cao Tổ Thập nhị niên 五代後漢高祖天福十二年》: "Bỉ ngữ hữu chi : Phúc chí quy linh, họa lai thần mị 鄙語有之:福至歸靈;禍來神昧"。Có nghĩa : "Tục ngữ có câu rằng : Hễ phước đến thì sự linh động sẽ trở về, và hễ họa đến thì tâm thần bị ám muội u mê". Nên...
      PHÚC CHÍ TÂM LINH 福至心靈 là khi cái điềm may mắn đã đến thì nghĩ gì sẽ được nấy, làm gì cũng sẽ thành công, toan tính làm sao thì sẽ được làm vậy !

       Nhớ hồi nhỏ, khi mới vừa lỏm bỏm học được vài chữ Nho, thì một hôm ông Sáu hàng xóm đã chặn lại hỏi rằng : Mầy học chữ Nho chứ có biết câu "Cuốc đất trồng khoai, Quạ vô ăn bí" không ? Tôi rất ngạc nhiên và không hiểu gì cả, bèn chạy đi hỏi thầy. Thầy cười và bảo rằng : Ông Sáu chỉ hỏi cho vui thôi, đó chính là câu :

                  福不重來,   Phúc bất trùng lai,
                  禍無單至。   Họa vô đơn chí.
Có nghĩa :
         - PHƯỚC chẳng đến rồi lại đến nữa, còn...
         - HỌA thì không đến đơn độc một mình.
    Ý là :
          Chuyện PHƯỚC là chuyện may mắn, chuyện tốt, ít khi đến hai ba lần cùng một lúc; còn chuyện xui chuyện rủi thì cũng ít khi xảy ra đơn độc mà thường thì hết chuyện xui nầy đến chuyện xui khác xảy ra liên tục luôn. 
      Đây là kinh nghiệm đã từng trải trong cuộc sống hằng ngày của ông bà để lại, để khuyên răn và cảnh giác con cháu đừng qúa vui vẻ khi đắc ý mà quên mất hiện tại; cũng như phải luôn luôn đề phòng sẵn sàng đón nhận những chuyện xui rủi không may thường xảy ra một cách liên tục !
      Cũng câu nói trên, nhưng người Hoa thì nói thành :

                  福無雙至,   PHÚC vô song chí,
                  禍不單行。  HỌA bất đơn hành.
Có nghĩa :
         - PHƯỚC không đến một đôi (hai lần), còn...
         - HỌA thì không đi đơn độc.

      Nói cách nào thì cũng diễn cùng một ý như trên mà thôi. Thường thì PHÚC HỌA, HỌA PHÚC hay đi liền với nhau và nhất là hay xảy ra một cách bất chợt khiến cho người ta đôi lúc không kịp trở tay. Nên ông bà lại cảnh giác :

               天有不測風雨,   Thiên hữu bất trắc phong vũ,
               人有旦夕禍福。   Nhân hữu đản tịch họa phúc.
Có nghĩa :
            - Trời thì có mưa gió thất thường, còn...
            - Người thì có họa phước sớm chiều.

      Nhiều lúc vừa thấy nắng ráo đó, bỗng nhiên nổi gió và đổ mưa ngay; Cũng như niềm vui mới đến từ buổi sáng đó thì buổi chiều đã có chuyện buồn rầu lo lắng ập đến ngay rồi. Sự BẤT TRẮC của Gió Mưa và Họa Phước là không thể lường trước được. Như gia đình của Vương Viên Ngoại trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, mới vừa vui vẻ, khi ...

                  Một đoàn mừng thọ ngoại hương mới về,
       và...
                  Hàn huyên chưa kịp giãi giề,
       thì...
                  Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao
                  Người nách thước kẻ tay đao,
                  Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi. 
       rồi...
                  Già giang một lão một trai,
                  Một dây vô lại buộc hai thâm tình !

       Ta thấy, mới dự tiệc vui vẻ về đó, vừa tới nhà đã bị sai nha trói gô lại ngay. Quả là HỌA PHÚC BẤT THƯỜNG 禍福不常. Còn trong Cung Oán Ngâm Khúc thì Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều lý luận một cách cao xa hơn theo thuyết của Lão Trang là :

                   Quyền HỌA PHÚC trời tranh mất cả,
                   Chút tiện nghi chẳng trả phần ai,
                   Cái quay búng sẵn trên trời,
                   Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm !



   
        PHÚC 福 còn đi với LỘC 祿 thành PHÚC LỘC 福祿, là vừa có Phước vừa có Lộc. Thực ra trong chữ PHÚC đã có sẵn chữ LỘC trong đó rồi. Vì LỘC 祿 là Bổng Lộc 俸祿, mà Bổng Lộc ngày xưa là Lương Thực, còn Bổng Lộc ngày nay là Tiền Lương. Chức vụ càng cao thì Bổng lộc càng nhiều. Nên "Có phước" mới "có Lộc" và ngược lại "Có lộc" tức là đã "Có phước" rồi đó. Nên ta lại có thành ngữ...
      PHÚC LỘC SONG TOÀN 福祿雙全 là Phước và Lộc đều đầy đủ cả, có nghĩa tiền tài danh vọng, của cải vật chất và tiếng tăm đều đầy đủ. Trong Truyện Kiều để kết thúc câu chuyện cho có hậu, cụ Nguyễn Du đã viết về gia đình Kim Trọng như sau :

                     Một nhà PHÚC LỘC gồm hai,
                 Nghìn năm vằng vặc quan giai lần lần.
                    Thừa gia chẳng hết nàng Vân,
                   Một cây cù mộc một sân quế hòe.

      Ông bà ta thường nói "Có PHƯỚC làm quan, có GAN làm giàu". Nhưng trong thời buổi hiện nay, chỉ cần có PHƯỚC để làm quan thôi. Làm quan rồi không có GAN vẫn làm giàu được như thường ! Như tất cả các quan lớn quan nhỏ hiện nay ở Việt Nam đều cất biệt phủ hoặc lâu đài, chứ không ông quan nào thèm cất "nhà" nữa cả !


                                 Phúc Lộc Song Toàn

      Có PHƯỚC có LỘC rồi, nghĩa là có giàu sang phú qúy danh vọng rồi, thì con người ta lại muốn sống lâu để hưởng thụ; tức là muốn có thêm THỌ 壽 nữa cho đủ bộ TAM VỊ CÁT TINH 三位吉星 là PHÚC LỘC THỌ 福祿壽 như câu đối Tết ngày xưa ở quê tôi : Cái Răng, Ba láng, Vàm Xáng, Phong Điền... của vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh là :

                 福祿壽三星拱照,   PHÚC LỘC THỌ tam tinh củng chiếu,
                 天地人四海同春。   Thiên Địa Nhân tứ hải đồng xuân.
Có nghĩa :
             - Ba sao Phước Lộc Thọ cùng chiếu về nơi đây,
             - Trời Đất Người bốn biển cùng đón xuân sang.



nên...
        PHÚC 福 cũng đi đôi với THỌ 壽 thành cặp đôi PHÚC THỌ SONG TOÀN 福壽雙全 là Có đầy đủ cả PHƯỚC và THỌ. Như ta đã biết ở phần đầu của bài viết là trong NGŨ PHÚC 五福 đã có cả LỘC 祿 và THỌ 壽 trong đó rồi; Nên HỮU PHÚC HỮU THỌ 有福有壽 Có Phước Có Thọ chỉ là một lời chúc nói cho tròn trịa đầy đủ êm tai cho dễ nghe mà thôi. Lời chúc nầy lại làm cho ta nhớ lại giai thoại giữa Tô Tiểu Muội 蘇小妹 và Tần Thiếu Du 秦少游 như sau :     
 
       Tô Tiểu Muội  蘇小妹 tên thật là Tô Chẩn 蘇軫, em gái của Tô Đông Pha 蘇東坡, tuy mang tiếng là xấu gái, nhưng văn tài thì vang vội khắp nơi. Rất nhiều vương tôn công tử ngắm nghé cầu hôn. Tô Tiểu Muội có định lệ là hễ ai muốn cầu hôn thì phải nạp văn bài của mình cho nàng xem trước.
      Lúc bấy giờ, có một thư sinh họ Tần 秦 tên Thiếu Du 少游, cũng thuộc gia đình thế phiệt trâm anh, cũng nổi tiếng văn hay chữ tốt. Thiếu Du cũng định nộp bài của mình cho Tiểu Muội, nhưng nghe đồn nàng ta trán vồ, mặt dài, xấu gái, nên còn do dự.
      Một hôm, dọ biết tin là Tô Tiểu Muội sẽ đi lễ chùa vào ngày rằm sắp tới. Thiếu Du bèn quyết định cải trang thành một đạo sĩ, để tận mắt xem nàng ta xấu đẹp ra sao.
     Hôm đó, đứng xa xa nhìn thấy Tiểu Muội từ trên kiệu bước xuống, dáng người yểu điệu thướt tha, tuy trán có hơi vồ, mặt có hơi dài, nhưng rất thanh tú, tuy không gọi được là giai nhân, nhưng trông cũng trang nhã, tươi trẻ, thanh thoát khác thường. Nhan sắc thì cho qua rồi, còn văn tài thì sao ?. Phải đích thân thử một chuyến mới được.
     Quyết định xong, chàng bèn đợi khi Tiểu Muội vừa lễ Phật xong bước ra khỏi chánh điện, thì chàng cũng bất thần bước tới, những người tùy tùng chưa kịp cản ngăn, thì chàng đã chấp tay xá dài, miệng thì đọc :

                 "Tiểu thư hữu phúc hữu thọ, nguyện phát từ bi"
                        小  姐  有  福  有  壽 , 愿  发  慈  悲 。
Có nghĩa :
           - Tiểu thơ ơi, cô có phước có thọ, mong cô mở lòng từ bi.

     Tô Tiểu Muội nhìn thấy một ông đạo sĩ non choẹt, da mặt hồng hào, không có vẻ khắc khổ của một nhà tu hành gì cả, thì biết ngay là có ý trêu mình, bèn đáp :

                "Đạo nhân hà đức hà năng, cảm cầu bố thí " 
                      道  人  何  德  何  能, 敢  求  布  施。
Có nghĩa :
             - Ông đạo có tài gì, đức gì, mà dám xin ta bố thí.

       Đáp xong, Tiểu Muội bèn bước xuống bậc tam cấp. Thiếu Du vội vàng bước theo đọc tiếp :

              "Nguyện tiểu thư thân như dược thọ, bách bệnh bất sinh,"
                       愿  小  姐  身  如  藥   樹,  百  病  不  生 。
Có nghĩa : 
           - Mong tiểu thơ mình như cây thuốc, trăm bệnh không sanh. 

      Đây là câu nói nịnh để tán tỉnh tiểu thơ . Tô Tiểu Muội bèn đáp rằng :

              "Tùy đạo nhân khẩu xuất liên hoa, bán văn bất xả."
                   随  道  人  口  出  蓮  花, 半  文  不  捨 。
Có nghĩa : 
           - Cho dù đạo nhân có nói ra được bông sen, thì nửa đồng điếu cũng không cho nữa. (Khỏi mắc công phải nói nhiều!).

      Đáp xong bèn quay mình đi thẳng ra kiệu, Thiếu Du lại vội vàng bước theo vớt một cú chót :

                  "Tiểu nương tử nhất thiên hoan hỉ, như hà triệt thủ bảo sơn?"
                           小  娘  子  一  天  歡  喜,  如  何  撤  手  寶  山 。
Có nghĩa : 
         - Này cái nàng nho nhỏ kia ơi, hôm nay được một ngày vui vẻ, sao lại nở giữ chặc hầu bao thế kia ? (Triệt Thủ 撤手 là Giữ chặc tay. Bảo Sơn 寶 山 là Núi châu báo, ở đây chỉ Túi tiền).

      Tô Tiểu Muội vừa bước lên kiệu vừa mắng vọng xuống :

               "Phong đạo nhân nhậm địa tham si, na đắc tùy thân kim huyệt."
                         瘋  道  人  恁  地  貪  痴,  哪  得  随  身  金  穴。
Có nghĩa :
         - Ông đạo nhân khùng kia, ông còn tham sân si như thế, thì làm sao mà thành chánh quả cho được. (kim Huyệt 金 穴 là Huyệt Vàng nơi để chôn những người tu hành đắc đạo).

      Tần Thiếu Du đứng nhìn theo sau kiệu, cởi áo mão đạo sĩ đưa cho tiểu đồng đứng bên cạnh, cười rằng : "Phong đạo nhân" mà đối được với "Tiểu nương tử" thì cũng vinh hạnh lắm thay.!

     Sau khi đã biết được tài sắc của Tô Tiểu Muội rồi, Tần Thiếu Du quyết định nộp quyển văn bài của mình cho nhà họ Tô để cầu hôn. Khoa thi năm đó, chàng lại đậu Tiến sĩ, và Tô Tiểu Muội cũng chọn đúng quyển văn bài của chàng, mặc dù khi đưa các quyển văn bài cho con gái, Tô Lão Tuyền đều gỡ đi trang bìa có tên họ của người cầu hôn. Đại đăng khoa rồi tiểu đăng khoa, chàng Thiếu Du nhà ta phen nầy một bước lên mây nhé.

       Do câu chúc "HỮU PHÚC HỮU THỌ 有福有壽" mà làm nên mối lương duyên giữa tài tử và giai nhân, âu cũng là một giai thoại đáng được để đời.         

                

                            Tần Thiếu Du và Tô Tiểu Muội 
  
Trở lại với chữ...
      PHÚC 福 là PHƯỚC, ta lại có chữ CHỈ 祉 cũng là PHƯỚC, nên từ kép PHÚC CHỈ 福祉 ngày xưa thường dùng để chỉ những điều may mắn, ân huệ, hạnh phúc do Vua Chúa, Thượng Đế, Thần Thánh, Tiên Phật ban cho con người. Có xuất xứ từ bài thơ Lục Nguyệt, chương Tiểu Nhã trong Kinh Thi《詩·小雅·六月》:Tả lại hiền thần Doãn Cát Phủ dẫn quân bắc phạt chiến thắng rợ Hiểm Duẫn 玁狁, là bộ tộc Hung Nô thời thượng cổ, nên mở tiệc ăn mừng, tất cả các tướng sĩ đều được hưởng cái PHÚC CHỈ, tức cái ân huệ nầy của vua ban. Trong bài thơ có câu “Cát Phủ yến hỉ, Ký đa thụ CHỈ 吉甫燕喜,既多受祉。” Có nghĩa :

                     Cát Phủ mở tiệc ăn mừng,
                 Tất cả tướng sĩ đều cùng hưởng ơn.

      Trong tác phẩm SÃI VÃI của cụ Nguyễn Cư Trinh, ông đã cho ông SÃI luận về chữ TU như sau :

             ... Tu cung, tu kính; tu tín, tu thành.
                 Đã phải đạo tu hành, lại thêm nền PHƯỚC CHỈ.
                 Tự nhiên: đắc lộc, đắc vị; đắc thọ, đắc danh.
                 Đắc phú quý hiển vinh. Ấy Thiên đàng là đó...
     
      Còn PHƯỚC CHỈ của ngày nay tức là chính sách về chương trình của AN SINH XÃ HỘI. Có xuất xứ từ "Tuyên Ngôn Đồng Minh Hội" của Tôn Trung Sơn tiên sinh 孫中山先生《同盟會宣言》là :“Phục tứ thiên niên chi Tổ quốc, Mưu tứ vạn vạn nhân chi PHÚC CHỈ 復四千年之祖國,謀四万万人之福祉”. Có nghĩa : "Phục hồi lại Tổ quốc của bốn ngàn năm và Mưu cầu HẠNH PHÚC cho bốn trăm triệu dân". (Đầu thế kỷ 20 khoảng thập niên 1900-1910 dân số Trung Hoa chỉ khoảng bốn trăm triệu mà thôi).
      Trước mắt, Đài Loan và Nhật Bản vẫn còn sử dụng bốn chữ XÃ HỘI PHÚC CHỈ 社會福祉 để chỉ chương trình AN SINH XÃ HỘI của dân chúng trong nước. Mưu cầu PHÚC LỢI 福利 cho trẻ em, người già và người tàn tật nghèo khổ có hoàn cảnh khó khăn.


      PHÚC 福 là PHƯỚC, Phước Lớn không gọi là ĐẠI PHÚC 大福 (vì ĐẠI PHÚC 大腹 theo Tập Quán Ngôn Ngữ của chữ NHO có nghĩa là BỤNG BỰ), Phước Lớn phải gọi là HỒNG PHÚC 洪福 . Chữ HỒNG 洪 nầy có ba chấm thủy ở bên trái là Hồng Thủy 洪水, là nước lụt mênh mông, Nên HỒNG PHÚC là PHƯỚC nhiều mênh mông như là một cơn Hồng Thủy vậy. Thế nhưng lòng tham của con người thấy còn chưa đủ, nên lại phát sinh thêm thành ngữ HỒNG PHÚC TỀ THIÊN 洪福齊天. Có nghĩa : PHƯỚC đã như nước đại hồng thủy mênh mông rồi, bây giờ lại muốn lên ngang bằng với TRỜI luôn; là PHƯỚC LỚN BẰNG TRỜI ! Qủa là lòng tham không đáy.  
       
       PHÚC ÂM 福音 là "The Gospel". Từ Phúc Âm bắt nguồn từ một danh từ Tiếng Hy-lạp là εὐαγγέλιον euangelion (Có nghĩa : Tin tức vui mừng hay tốt lành) và động từ euaggelizo (loan báo tin mừng/tin lành). Đây là từ chuyên dùng của Thiên Chúa Giáo, là thông điệp về Nước Trời (Vương quốc của Thiên Chúa), và về sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, cũng như về sự hòa giải của loài người với Thiên Chúa.

                  

      Theo thực tế địa lý của Trung Hoa và Việt Nam thì hướng đông của hai nước đều tiếp giáp với Thái Bình Dương mênh mông vô tận. Vì thế mà người Hoa và người Việt đều cho Biển Đông là biển lớn nhất trên đời, nên lại chúc nhau bằng câu : PHÚC NHƯ ĐÔNG HẢI 福如東海 ! Và những người sống được MỘT HOA GIÁP (60 năm) trở lên thì lại được mừng THỌ bằng đôi câu đối sau đây :  
              
                   PHÚC như Đông Hải,   福如東海,
                   THỌ tỉ Nam Sơn.         壽比南山。
Có nghĩa :
             - PHƯỚC lớn như Biển Đông mênh mông, và...
             - THỌ thì cao bằng với Núi Nam ngất ngưỡng !

             

       Ai cũng mong mỏi cho CÓ PHƯỚC, ĐƯỢC PHƯỚC, làm sao cho PHƯỚC đến nhà, nên tìm hết cách nầy cách kia để thể hiện là PHƯỚC đang đến nhà mình, đang ở nhà mình . Ngoài việc viết chữ PHƯỚC 福 thật to dán ở ngay trước hai cánh cửa hay viết bốn chữ NGŨ PHÚC LÂM MÔN 五福臨門 dán ngang trước cửa nhà ra, một số người còn DÁN NGƯỢC chữ PHƯỚC ngay cửa ra vào. Vì âm Quan Thoại của tiếng Hoa chữ ĐÁO 到 là ĐẾN với chữ ĐÃO 倒 là NGƯỢC đọc cùng một thanh sắc với nhau là ĐÁO (dào), nên PHÚC ĐẢO của chữ Nho thì Âm Quan Thoại đọc là PHÚC ĐÁO. Có nghĩa là PHƯỚC đã ĐẾN rồi ! Nên rất nhiều nhà đã cố ý dán ngược chữ PHƯỚC để cho mọi người đều đọc là :"PHÚC ĐÁO RỒI 福到了!"


       Với Chương trình An Sinh Xã Hội trước mắt ở nước Mỹ, những người cao niên già cả đều có tiền SSI, tiền Food stamps, tiền yễm trợ y phí... nên đều có thể nói rằng vừa có PHƯỚC, vừa có LỘC nên đều sống THỌ cả !  Mong rằng tất cả các bạn già đều sống vui, sống khỏe, sống THỌ để mà hưởng hết cái  PHƯỚC cái LỘC của nước MỸ nầy !
        
       Năm hết Tết đến, cầu chúc cho tất cả mọi người, mọi nhà đều có được cuộc sống ấm no hạnh phúc và đón về đầy đủ PHÚC LỘC THỌ trong năm Giáp Thìn 2024 nầy.

       Mong lắm thay !


                                   杜紹德
                           ĐỖ CHIÊU ĐỨC