CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

ĐI QUA NHỮNG NGÀY BÃO DÔNG - THƠ NGUYỄN AN BÌNH

 




                     ĐI QUA NHỮNG NGÀY BÃO DÔNG



Sài Gòn những ngày bão dông

Phố phường từng khu phong tỏa

Phải đâu xa mặt cách lòng

Phân chia vùng xanh vùng đỏ.

 

Sài Gòn cà phê đóng cửa

Bạn bè nhìn trước ngó sau 

Hình như tim mình ai cứa

Ngày mai biết còn gặp nhau. 

   

Sài Gòn ngày cũng như đêm

Cách ngăn qua từng chốt chặn

Hắt hiu vàng mấy cột đèn

Thời gian trôi đi im vắng.


Sài gòn xe tang lặng lẽ

Tiễn đưa không trống không kèn

Tàn tro bay theo vàng mã 

Nỗi buồn xám lạnh trời đêm.


Sài Gòn đâu những ngày xưa

Bốn mùa ngựa xe tấp nập

Chỉ thấy ào ạt cơn mưa

Cành khô oằn mình gãy gập.


Sài Gòn thênh thang lặng ngắt

Đêm dài đau giấc ngủ sâu

Bao giờ bình minh thức giấc

Ngậm ngùi qua mấy bể dâu.



31/8/2021   

NGUYỄN AN BÌNH


QUA PHAN RANG NGHE KHÚC DÂN CA CHÀM - THƠ LA TOÀN VINH , NHẠC PHAN NI TẤN








Ca Khúc : QUA PHAN RANG NGHE KHÚC CA CHÀM
Thơ : La Toàn Vinh
Nhạc :  Phan Ni Tấn
Hòa Âm : Phạm Hồng Biển
Trình Bày : Hán Văn Trà
Hình Ảnh Video : Hán Văn Trà



Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

SAIGON ĐÃ NGỦ - THƠ MAI XUÂN THANH & THI HỮU

 






SÀI GÒN ĐÃ NGỦ...-Thơ MAI XUÂN THANH và Thơ Họa


SÀI GÒN ĐÃ NGỦ...

 

Sài Gòn đã ngủ tái tê rồi

Phố xá vắng tanh chẳng thấy người

Phong tỏa từng khu nhìn mất sức

Cấm ngăn mỗi phố thấy hao hơi

Ai về nguyên quán xe "phương tiện"

Kẻ ở thị thành giấc nghỉ ngơi   (1)

"Hòn Ngọc Viễn Đông" xưa,... mắc dịch

Delta, Covid, nhiễm,... kêu Trời...!

MAI XUÂN THANH

 August 06, 2021

(1) là thất nghiệp

 

Thơ Họa:

 

SÀIGÒN IM ẮNG

     (Họa 4 vần)

 

Sài Côn kiệt quệ quá đi rồi

Phố thị im hơi vắng bóng người

Từng xóm từng khu đều cấm chỉ

Không đi không lại hết còn hơi

Tìm về nguyên quán là chân lý

Ở lại nơi nầy bị …nghỉ chơi (1)

Quang cảnh phồn hoa xưa vướng Dịch

Dân gian hết thảy phải than Trời…!

TRỊNH CƠ

 

TỘI KIẾP NGƯỜI 

 

Thành phố đèn hoa đã vắng rồi

Nạn tai thảm họa biết bao người

Công nhân rảnh việc... đâu còn sức

Kỷ thuật rỗi nghề, cũng cạn hơi

Kẻ tử thân đơn không quán trọ

Mạng vong, bóng chiếc chẳng cơ ngơi

Ngành y mòn mỏi hao tâm trí 

Cất tiếng buồn than vọng đất trời...!

 7/8/2021

HỒNG VÂN

 

CẦU BÌNH AN CHO SÀI GÒN 

 

VIỄN ĐÔNG danh đã mất lâu rồi

HÒN NGỌC đìu hiu vắng bóng người 

THÀNH PHỐ đảo điên vì hụt sức

SÀI GÒN ủ  rũ bởi cầm hơi

ĐỚN ĐAU chất ngất tâm nào nghỉ

KHỔ SỞ trùng trùng trí chẳng ngơi

CẦU NGUYỆN dịch tan nhân loại thoát

BÌNH AN thế giới, khẩn xin Trời…

PHƯƠNG HOA

AUG 7th 2021

 

THƯƠNG QUÁ DÂN TÔI!

 

Chua xót nhìn quanh thật khổ rồi!

Dân lành trốn dịch thảy mòn hơi

Buồn tênh khoá cửa im lìm bóng 

Lặng lẽ dừng xe chật ních người

Tối lạnh ven đường đêm khó ngủ

Canh dài cuối ngõ phút nào ngơi 

Cầu sao hiểm họa không còn bám

Đừng trách rồi than lỗi tại Trời!

 NHƯ THU

08/07/2021

 

SÀI GÒN ƠI !

 

Rõ nét ai ai cũng tái rồi

Nỗi đau nhức buốt phận con người

Bó chân cô bác-buồn xìu mặt

Nghỉ việc công nhân-đói rã hơi

Phố xá vắng tanh-không thể tưởng

Quán hàng lạnh lẽo-lấy chi ngơi …?

Cầu mong mọi sự mau qua khỏi

Cậy sức ta ư-chỉ có Trời ! 

THÁI HUY

  7/8/21

 

SAIGON TRONG DỊCH HỌA

 

Dịch họa tràn lan mấy tháng rồi

Đau thương chồng chất ngập tâm người

Đìu hiu phố xá như tàn sức

Ảm đạm cuộc đời tựa hết hơi

Kẻ sống chẳng xong đành rút chạy (*)

Người qua không nổi phài an ngơi (**)

Saigon khắc khoải từng giây phút

Chỉ biết cầu xin khấn vái Trời

 SÔNG THU

( 08/08/2021 )

(*) Từng đoàn người " di tản " về quê

(**) chết


SÀI GÒN TRỌNG BỆNH

 

Tâm dịch Đen - ta tấn mạnh rồi

Sài gòn trọng bệnh khổ muôn người

Đường giăng ngõ chắn thời ai muốn

Phố cấm lối rào nghĩ dỡ hơi

Bấy tháng cách ly nào chẳng ổn

Bao lần phong tỏa há đâu ngơi

Thương vong cứ thế theo đà tiến

Bệnh nhiễm lan nhanh ớn quá trời!!!

     Quảng Trị, 09/8/2021.

VĂN THIÊN TÙNG

 

KHÔNG ĐỀ

 

Sài đô  bùng dịch đã lâu rồi,

Cảnh sắc trầm tư tạnh bóng người

Tủi khổ mùa vơi,... tồn giữ vía,

Bần hàn bữa tạm sống cầm hơi!

Tiễu trùng covid quên ngày nghỉ...

Diệt chủng Delta chẳng phút ngơi...

PHẬT-THÁNH-CHÚA thiêng ĐỪNG NỠ BỎ

Chúng nhân rên xiết dưới gầm trời!!!

       9-8-2021

NGUYỄN HUY KHÔI

 

" GIÃN CÁCH"

 

Một nhóm Công Y đóng cửa rồi 

Thênh thanh đường vắng thấy không người

Tiếng còi xe chở quên buông tiếng

Hơi thở người nằm sắp hết hơi

Quán bán thức ăn đều phải nghỉ

Tiệm buôn thuốc uống cũng đành ngơi

Phố phường giờ chỉ toàn dây chắn

"Giãn cách" làm sao ... biết có trời?.

2021-08-09

  VÕ NGÔ



BẮC NINH THI THOẠI - NGUYỄN KHÔI (KỲ 5)

 




BẮC NINH THI THOẠI (KỲ 5) - Nguyễn Khôi 

Bắc Ninh thi thoại của Nguyễn Khôi (Đình Bảng) đã tái bản nhiều lần ở Việt Nam, độc giả trong và ngoài nước đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Xin trích một số chương giới thiệu cùng bạn đọc.
 



Tập II (Phần ngoại biên)
Tặng Người em đồng hương – Tiến sỹ Nguyễn Văn Hoa
 
Bài 1:
 
VĂN NHƯ SIÊU QUÁT...?
 
Vào giữa thế kỷ 19, tại đất Thần Kinh (Huế) xuất hiện “Trường An tứ kiệt” với hai câu nhận xét cho là của Vua Tự Đức:
 
Văn như Siêu Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường
 
Tạm dịch:
 
Văn như Siêu và Quát, thì đến văn đời tiền Hán cũng không có giá trị gì; Thơ đến Tùng Thiện công và Tuy Lý công thì như bỏ qua cả thời Thịnh Đường.
 
Sở dĩ, cho là của Tự Đức là hai câu trên nói theo khẩu khí Đế Vương, gọi xách mé tên tục Phó bảng Nguyễn Văn Siêu là “Siêu”; cử nhân Cao Bá Quát là “Quát” thì chỉ có Đức Kim Thượng (Vua đương thời) mới dám gọi “thần Siêu, thánh Quát” như thế; còn bình thường tôn trọng đều gọi “Nguyễn Phương Đình” và “Cao Chu Thần”. Tùng ở đây là Tùng Thiện công (Nguyễn Phúc Miên Thẩm) và Tuy là Tuy Lý công (Nguyễn Phúc Miên Trinh) - sau hai vị này được truy tặng là Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương (1936) đều là con Vua Minh Mạng, ở vào hàng chú của Vua Tự Đức.
 
Vừa qua, nhân chuyến di khảo miền Trung của Hội VNDG Hà Nội. Đoàn có đến viếng Phủ Tùng Thiện Vương và phủ Tuy Lý Vương ở Huế. Tại đây, rõ ràng hai câu trên đều không ghi tác giả, con cháu trong Phủ của hai Vương đều nói: Đó là của người đời! (dân gian truyền tụng). Đối với các danh sĩ đương thời thì “Trường An tứ kiệt”là những nhà văn, nhà thơ bậc thầy, chữ nghĩa nhiều như Vua Tự Đức mà còn “nhờ” Miên Thẩm duyệt thơ hộ nữa là… “Trường An tứ kiệt” không những nổi tiếng trong nước, các vị còn được các nhà thơ, nhà văn Trung Hoa ngày ấy đánh giá rất cao. Tiến sĩ Lao Sùng Quang, sứ thần nhà Thanh khi tựa đề “Thượng Sơn thi tập” đã nhận xét Miên Thẩm (Tùng Thiện Vương) là người luôn tự bồi dưỡng về đạo đức nên thơ ông đã đề cao được tính giáo hoá của nó. Nhan Sùng Hoành ở “Việt Đông thi xã” (Quảng Đông) thì cho tài thơ của Miên Thẩm không hề thua kém Tào Thực, con trai Tào Tháo (đi bảy bước làm một bài thơ). Về số lượng thơ Miên Thẩm sáng tác đứng đầu thời bấy giờ (14 thi tập với 2200 bài) – còn chất lượng của “Trường An tứ kiệt” là bốn đỉnh cao văn thơ thời Tự Đức. Điều độc đáo là tình bạn, tình thơ của các vị thật trong sáng (không phân biệt tầng lớp xuất thân, địa vị xã hội, sự khác nhau về khuynh hướng tư tưởng và con đường đời). Khi Cao Bá Quát bị bắt đi hiệu lực ở Giang Lưu Ba, Miên Thẩm là người duy nhất dám “rút kiếm, vì anh hát một khúc bi ca”. Khi Cao Bá Quát bị Vua Tự Đức hạ lệnh chém đầu, Phương Đình (án sát Siêu) vẫn có đôi câu đối viếng:
 
Ta tai! quán cổ tài danh, nan đệ nan huynh, bán thế ngẫu sinh hoàn ngẫu tử;
Dĩ kỹ! đáo đầu sự thế, khả liên khả ố, hồn trần lưu xú diệc lưu hương.
 
Tạm dịch:
 
Thương thay tài điệu tót vời, khó anh khó em, một cặp cùng sinh lại cùng thác;
Thôi nhỉ sự có đến vậy, đáng yêu đáng ghét, dây xấu cũng dây thơm.
 
“Chữ tài liền với chữ tai một vần” cứ như một định mệnh?
 
Còn câu:
 
Một người làm quan cả họ được nhờ;
một người làm thơ cả họ bơ phờ…
 
Xưa nay, âu cũng có phần chí lý!
 
                                                    Viết tại Huế, 10 tháng giêng 2007
 
Bài 2:
 
CÂU ĐỐI “NHẤT SINH ĐÊ THỦ BÁI MAI HOA” CÓ PHẢI CỦA CAO BÁ QUÁT?
 
Trong tạp chí Diễn đàn văn nghệ VN số 3/2006, nhà thơ nổi tiếng Phạm Tiến Duật (Tổng biên tập) có đăng bài thơ “cây mai trắng trong phòng Tổng Biên tập” tặng nhà văn, thiếu tướng Hữu Ước, có dẫn ở phần “đề từ” câu đối của Cao Bá Quát:
 
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
 
Dịch là:
 
Mười năm lặn lội tìm cây kiếm cổ
Một đời chỉ biết lạy hoa mai
 
Theo các tài liệu đã được các nhà nghiên cứu tiền bối công bố, thì đôi câu đối trên có xuất xứ như sau:
 
Theo “Như Thanh Nhật ký” năm Mậu Thìn (1868) vua Tự Đức cử đoàn sứ bộ sang triều cống nhà Mãn Thanh: cầm đầu là chánh sứ Lê Tuấn (đỗ Hoàng Giáp năm 1853); phó sứ là Nguyễn Tử Giản (Hoàng Giáp năm 1884); phó sứ thứ 2 là cử nhân Hoàng Tịnh.
 
Hành trình của sứ bộ theo lối xưa từ ải Nam Quan đến Yên Kinh “bộ khôn bằng ngựa, thuỷ khôn bằng thuyền” mất 181 ngày (lưu trú 64 ngày đi 117 ngày trong đó 44 ngày đường bộ, 73 ngày đường thuỷ). Khởi hành ngày 1/8 Mậu Thìn, sau 125 ngày thì đến huyện thành Hà Dương tỉnh Hồ Bắc, ở đó đoàn Sứ bộ Việt Nam được viên tri phủ Hán Dương là Ngải Tuấn Mỹ đón tiếp và tặng đôi câu đối cho chánh sứ Lê Tuấn:
 
Hữu Khẩu tu ngôn thiên hạ sự
Kháng hoài bất nhượng cổ chi nhân
 
Tạm dịch:
 
Có miệng nên nói việc thiên hạ
Nghị lực không chịu nhường người xưa.
 
Câu đối tặng Nguyễn Tử Giản:
 
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
 
Tạm dịch:
 
Mười năm chọn bạn như tìm thanh kiếm cổ
Một đời chỉ biết cúi đầu lạy hoa mai
 
Câu đối tặng Hoàng Tịnh:
 
Truyền thần cổ hữu Lý Tư Huấn
Vấn tự kim vô Dương Tử Vân
 
Tạm dịch:
 
Truyền thần xưa có Lý Tư Huấn
Hỏi chữ nay không Dương Tử Vân.
 
Sự kiện trên được chép trong “Yên thiều bút lục” của Nguyễn Tử Giản (1823-1890) sách viết tay của thư viện khoa học Trung ương, số A.852 tờ 18a-b; Cứ liệu trên đã được các học giả Tảo Trang và Hoa Bằng đưa ra trên tạp chí văn học số 2 - Hà Nội năm 1972, trang 61 và 64).
 
Câu đối “… bái mai hoa” của Ngải Tuấn Mỹ tặng Nguyễn Tử Giản là vào năm 1868, trước đó 14 năm, Cao Bá Quát đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (Giáp Dần 1854)… phải chăng người đời do quá yêu Cao Chu Thần nên cứ thích tương truyền câu “nhất sinh đê thủ bái mai hoa” là của ông như một giai thoại để đời?
 
                                        Góc Thành Nam – Hà Nội ngày 5-12-2006
 
Bài 3:
 
ĐÔI LỜI VỀ NGƯỜI DỊCH BÀI THƠ “PHONG KIỀU DẠ BẠC”
 
Bài PHONG KIỀU DẠ BẠC của Trương Kế viết khoảng trước năm 754 là một bài thơ rất nổi tiếng và được nhiều người yêu thơ Việt Nam biết đến, nhất là qua bản diễn Nôm:
 
Đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều
Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
 
Đến nay đã có nhiều bản dịch nhưng không có bản nào dịch hay bằng bản đã chép ở trên (dù rằng câu thứ ba chỉ dịch thoát ý) nhưng âm điệu của giọng thơ lục bát lững lờ, kì ảo đi vào lòng người Việt Nam ta thật khó mà thay đổi được !? Vậy ai là tác giả bài dịch thơ trên? Trước đây, Trần Trọng San (1957) và Lý Văn Hùng (1961) đều ghi là Tản Đà dịch. Đến năm 2003 Nguyễn Quảng Tuân khi khảo lại di cảo của Đinh Nhật Thuận (1841) đỗ Tiến Sĩ thời vua Minh Mạng (là bạn của Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh) là tác giả “Thu dạ lữ hoài ngâm”. Thời gian Cao Ba Quát bị nạn, ông bị giam lỏng ở Huế… một đêm ngồi trong thư phòng bên bo sông Hương, ông nhớ đến Trương Kế với bài Phong kiều dạ bạc… Ông hạ bút:
 
Đăng tiền độc đối thư trai
Thương tâm khách địa hữu hoài cố nhân
Hương thuỷ ngoại hốt văn ngư vận
Tòng hà lai trạo tấn giang biên
Bồi hồi nguyệt dạ sương thiên
Hàn San ám nhận khách thuyền cánh phi.
 
Đại ý là:
 
Trong phòng văn một mình ngồi trước ngọn đèn, chạnh lòng đất khách, sực nhớ đến người xưa (Trương Kế). Ngoài sông Hương chợt nghe hò mái đẩy của kè Phường chài từ đâu mà chèo tới bến sông thế nhỉ? Đêm trăng trời sương, lòng luống những bồi hồi, đoán chúng là thuyển khách bên chùa Hàn Dan (Trương Kế) nhưng đó chỉ là mơ…
 
Cái độc đáo của Đinh Nhật Thân ở đây là mượn lời thơ của Trương Kế tả cảnh “Nguyệt dạ sương thiên” và thay vào tiếng chuông chùa Hàn San bằng tiếng chuông chùa Diệu Đế (ở Huế) “Dạ văn Diệu Đế chung thanh” không bằng chữ Nôm mà bằng chữ Hán theo thể song thất lục bát. Đây là trường hợp đặc biệt duy nhất trong văn học Việt Nam xưa nay. Chia sẻ với nỗi lòng của bạn, Nguyễn Hàm Ninh đã diễn Nôm Phong Kiều dạ bạc, nguyên gốc là:
 
Quạ kêu, trăng lặn, trời sương
Lửa chài le lói, sầu vương giấc hồ
Thyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
 
Thật đúng là “diễn Nôm” như Tố Như với truyện Kiều, thi sĩ đã không bám câu bám chữ để dịch như nguyên tác… mà là mượn văn bản gốc, diễn ra tiếng Việt lấy cái hồn của tác phẩm để thoả mãn một nhu cầu (một tâm trạng) để gửi gắm nỗi lòng… Hiểu như vậy, chia sẻ như vạy thì ta sẽ không bắt bẻ “dịch sai”, văn chương nhất là thơ vốn là một trò mua vui, âu cũng chí lí là vậy.
 
So nhiều bản dịch xưa nay thì bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh đáng là “tài hoa tột bậc”, chỉ tiếc là ông đã để rơi mất chữ “Phong” kèm chữ “Giang” (theo mô típ thơ xưa thì “Phong” là biểu hiện mùa thu, “Phong lạc ngô giang lãnh” – lá phong rụng làm sông Ngô lạnh. “Giang Phong” ở đây cùng với “sương đầy trời” là cảm nhận “khí thu”, đồng thời để diễn tả một cách kín đáo nỗi sầu của thi nhân lãng tử. Tuy nhiên, trong một bài thơ 4 câu (dịch) lại có 2 chữ “bến” thì không thể gọi là toàn bích được.
 
Chao ơi, dịch thơ phải đạt “tín-đạt-nhã” rồi là “hớp” hồn mà cái “tuyệt” nhất lại là cái hồn thơ ai do chop được cái “thần” do diễn giải ra bằng chữ nghĩa (ngôn từ) để lại các áng thơ bất hủ như Phong Kiều Dạ Bạc, Hoàng Hạc Lâu, Tỳ Bà Hành… thì cũng bõ công dịch thuật, mà xưa nay như vậy phỏng được mấy người?
 
                                                                 Hà Nội 19/7/2006
                                                                           NGUYỄN KHÔI
 

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

GÓC VIỆT THI : THƠ VUA LÊ THÁNH TÔNG (6). - ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 



Góc Việt Thi : 
               Thơ vua LÊ THÁNH TÔNG (6)

                 Inline image
                     
26. Bài thơ HẠ LẠI :

     下瀨                             HẠ LẠI
黃頭下瀨疾如飛,    Hoàng đầu hạ lại tật như phi,
潦委浮春日夜馳。    Lạo ủy phù xuân nhật dạ trì.
光景漸隨流水去,    Quang cảnh tiệm tuỳ lưu thuỷ khứ,
世間恐未有人知。    Thế gian khủng vị hữu nhân tri !

      Inline image

* Chú thích :
    - Hạ Lại 下瀨 : HẠ là Đổ xuống; LẠI là Nước chảy xiết. Nên HẠ LẠI là Dòng nước chảy xiết từ trên đổ xuống, tức là chỉ Thác Nước.
    - Hoàng Đầu 黃頭 : Chỉ Người trẻ tuổi, chỉ Ý chí Kiên cường. Ở đây HOÀNG ĐẦU HẠ LẠI chỉ Thác nước mạnh mẽ.
    - Tật 疾 : Danh từ là Bệnh; Trạng từ là Nhanh; TẬT NHƯ PHI 疾如飛 là Nhanh như bay.
    - Lạo 潦 : Nước đọng tràn bờ. 
    - Trì 馳 : chỉ ngựa phóng nhanh.
    - Tiệm 漸 : là Từ từ, dần dần.
    - Khủng 恐 : là Sợ, là E; KHỦNG VỊ HỮU 恐未有 là E rằng chưa có...

* Nghĩa bài thơ :
                                THÁC NƯỚC
       Thác nước mạnh mẽ từ trên cao đổ xuống nhanh như bay, nước tràn đọng tựa dòng xuân đang ngày đêm chảy băng băng như ngựa phi. Cái quang cảnh nầy cứ dần dần ngày một qua đi theo dòng nước chảy, mà trên thế gian nầy e rằng chẳng có ai thèm biết tới đâu !
       Cảnh trí thiên nhiên cứ diễn ra một cách mạnh mẽ hùng vĩ rầm rộ trong núi rừng, nhưng cũng rất âm thầm lặng lẽ, vì người đời há có ai thèm biết tới đâu !

* Diễn Nôm :
                         HẠ LẠI 

                 Inline image

                 Mạnh mẽ tuôn nhanh kìa hạ lại,
                 Đêm ngày cuồn cuộn cuốn như bay.
                 Cảnh quang cứ thế trôi trôi mãi...
                 Nào biết trên đời mấy kẻ hay !...
      Lục bát :
                 Thác kia nước chảy như bay,
                 Dòng xuân cuốn hút đêm ngày tựa phi.
                 Cảnh quang theo nước trôi đi,
                 Thế gian mấy kẻ biết gì tới đâu !...
                                         Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

   27. Bài thơ  KINH ĐIỆP SƠN :         

   經叠山                KINH ĐIỆP SƠN
江因潮上黃流合,   Giang nhân triều thướng hoàng lưu hợp,
柳得春多翠色明。   Liễu đắc xuân đa thúy sắc minh.
詩客幾回傷往事,   Thi khách kỷ hồi thương vãng sự,
艤舟石畔問山名。   Nghĩ chu thạch bạn vấn sơn danh.

     Inline image

* Chú thích :
    - KINH ĐIỆP SƠN 經叠山 : KINH là Đi ngang qua; ĐIỆP SƠN là Núi Tam Điệp; Nên KINH ĐIỆP SƠN là Đi ngang qua núi Tam Điệp.
    - Hoàng Lưu 黃流 : Chỉ chung dòng nước lớn chảy cuồn cuộn. HOÀNG LƯU HỢP : Ở đây chỉ nước sông Hồng và Hoàng Long khi thuỷ triều lên thì hoà vào nhau và dâng cao, thuận tiện cho thuyền bè đi lại. Sông Hoàng Long chảy qua Ninh Bình, là đường thuỷ đi tới Thanh Hoá. (Chú thích trong Thi Viên).
    - Thúy Sắc 翠色 : là Màu xanh biếc.
    - Nghĩ Chu 艤舟 : là dừng thuyền lại; ghé thuyền lại.

* Nghĩa bài thơ :
                        ĐI NGANG QUA NÚI TAM ĐIỆP
       Nhân nước thuỷ triều lên, con nước lớn hòa quyện vào dòng chảy, cũng như cây dương liễu kia hưởng được ánh nắng xuân mà xanh biếc hơn lên. Làm cho khách thơ phải bồi hồi thương cảm những chuyện đã qua, mà phải đỗ thuyền lại bên bờ đá để hỏi thăm tên núi.

* Diễn Nôm :
                        KINH ĐIỆP SƠN
      
                   Inline image

                Hòa quyện triều lên nước cuốn nhanh,
                Liễu nương xuân sắc biếc như tranh.
                Khách thơ mấy lượt hờn xưa cũ,
                Bờ đá đỗ thuyền hỏi núi xanh !
    Lục bát :
                Triều lên nước quyện sông Hoàng,
                Bên bờ xuân sắc liễu càng biếc xanh,
                Bồi hồi chuyện cũ vờn quanh,
                Khách thơ bờ đá hỏi rành núi chi ?!
                                             Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
         
28. Bài thơ KINH HƯNG BANG QUAN :

    經興邦關                KINH HƯNG BANG QUAN
霧猿恨竹怨斜陽,     Vụ viên hận trúc oán tà dương,
枕上繁花夜雨涼。     Chẩm thượng phồn hoa dạ vũ lương.
閱世老盆庚甲古,     Duyệt thế lão bồn canh giáp cổ,
羊公湛湛斷人腸。     Dương công trạm trạm đoạn nhân trường !

    Inline image

*Chú thích :
   - KINH HƯNG BANG QUAN 經興邦關 : QUAN là Quan ải, nên KINH HƯNG BANG QUAN là đi ngang qua cửa ải Hưng Bang.
   - Vụ Viên 霧猿 :là con vượn trong sương mai. Theo thơ tả cảnh đẹp trong núi của Đào Hoằng Cảnh thời Nam Bắc Triều 南北朝 陶弘景 : Hiểu vụ tương yết, viên điểu loạn minh; Tịch nhật dục thốc, trầm lân cạnh diệu 曉霧將歇,猿鳥亂鳴;夕日欲頹,沉鱗競躍. Có nghĩa : Sương mai sắp tan, vượn chim cùng hót; Nắng chiều sắp tắt, muôn cá quẩy đuôi.
   - Lão Bồn 老盆 : là Cái bồn già, ý chỉ Cái Bồn Tắm đã cũ. Theo Sách Lễ ký, chương thứ ba của sách Đại Học chép: Vua Thành Thang nhà Thương cho khắc vào bồn tắm câu “Cẩu Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân 苟日新,日日新,又日新” (Để ngày mới, ngày ngày thêm mới, mỗi ngày một mới).
   - Canh Giáp 庚甲 : là 2 ngôi của Thập Vị Thiên Can, thường dùng để chỉ niên đại, năm tháng.
   - Dương Công 羊公 : là Ông già họ Dương, Chỉ Dương Hỗ 羊祜 đời Tấn Vũ Đế 晉武帝, thời Tây Tấn làm thái thú quận Tương Dương, rất thanh liêm. Có người biếu cá, không đừng được phải nhận, song treo cá lên mà không ăn. Người biếu cá lại đem cá biếu, ông chỉ chỗ cá treo, người đó xấu hổ ra về. Từ đó không ai dám quà cáp hối lộ. Ông mất, dân lập bia kỷ niệm, ai tới xem bia cũng phải nhỏ lệ, vì vậy, sử gọi bia này là Truỵ lệ bi (Bia rơi lệ).

* Nghĩa bài thơ :
                     Đi Ngang qua cửa ải Hưng Bang
       Như con vượn hú lên buổi sáng hận rừng trúc và oán ánh nắng lúc chiều tàn. Đêm mưa gió lạnh chập chờn bên gối mộng phồn hoa, sáng ra nhìn chậu nước rửa mặt lại chạnh nhớ đến cái Lão Bồn có niên đại rất xưa (nhưng trên đó lại có câu "Cẩu nhựt Tân, nhựt nhựt tân, hựu nhật tân" của vua Thành Thang), lại chợt nhớ đến sự liêm khiết của Dương Công càng làm cho người ta thêm đứt ruột !

* Diễn Nôm :
                     KINH HƯNG BANG QUAN
                   Inline image

               Vượn sương hú trúc giận chiều buông,
               Bên gối phồn hoa mưa lạnh suông.
               Trải đời bồn cũ nhiều năm tháng,
               Chợt nhớ Dương Công những đoạn trường !
    Lục bát :
               Bâng khuâng tiếng vượn sáng chiều,
               Đêm mưa bên gối tiêu điều phồn hoa.
               Bồn xưa năm tháng trôi qua,
               Dương Công chợt nhớ xót xa đoạn trường !
                                                     Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
                                    
29. Bài thơ LỘNG NGUYỆT THI :

   弄月詩               LỘNG NGUYỆT THI
六卒不驚哮虎臥,     Lục tốt bất kinh hao hổ ngoạ,
清光倒浸水晶宮。     Thanh quang đảo tẩm thuỷ tinh cung.
林泉興少無新夢,     Lâm tuyền hứng thiểu vô tân mộng,
萬象乾坤玉鏡中。     Vạn tượng càn khôn ngọc kính trung.

       Inline image

* Chú thích :
    - LỘNG NGUYỆT THI 弄月詩 : LỘNG là Thao tác, là Chọc ghẹo, là Đùa giởn, nên LỘNG NGUYỆT THI là Bài thơ giởn trăng.
    - Lục Tốt 六卒 : như LỤC QUÂN 六軍 là 6 cấp quân binh ngày xưa : là Lãnh Quân, Hộ Quân, Tả Hữu nhị vệ, Kiêu Kỵ và Du Kích 領軍、護軍、左右二衞、驍騎、遊擊為“六軍”。 thường được gọi tắt cho gọn là TAM QUÂN 三軍, gồm có Tiền Quân, Trung Quân và Hậu Quân, ta gọi Ba Quân. Còn TAM QUÂN thời bây giờ là Hải, Lục và Không Quân.
    - Hao 哮 : Tiếng gầm, tiếng Rú, Tiếng Hú của muôn thú.
    - Đão Tẩm 倒浸 : là Ngâm ngược ở dưới nước; ở đây chỉ bóng dáng của cảnh vật bị đão ngược ở dưới nước.
    - Ngọc Kính 玉鏡 : Chỉ tấm gương bằng ngọc trong suốt.

* Nghĩa bài thơ :
                       BÀI THƠ GIỞN TRĂNG
        Sáu cấp binh lính theo hầu vua đều im thinh thích không chút kinh động như con hổ nằm yên không gầm thét. Ánh trăng trong vắt chiếu ngược cảnh vật in trong mặt nước lung linh như thuỷ tinh cung. Ở nơi chốn lâm tuyền nầy không có nhiều hứng thú nên cũng không có thêm mộng mơ gì. Cả vũ trụ đất trời vạn vật như chìm trong tấm gương trong suốt bằng ngọc thủy tinh.

* Diễn Nôm :
                    LỘNG NGUYỆT THI  

                  Inline image

               Ba quân tựa hổ không gầm thét,
               Cảnh vật đắm chìm dưới thuỷ cung.
               Rừng suối thôi mơ chùn cảm hứng,
               Đất trời vạn vật tựa gương trong !
     Lục bát :
               Lục quân tựa hổ im hơi,
               Ngược chìm đáy nước sáng ngời thuỷ cung. 
               Lâm tuyền ít hứng mộng không,
               Càn khôn vạn vật đắm trong gương trời !
                                                    Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm  

30. Bài thơ LƯƠNG SÀNG :

      涼床                         LƯƠNG SÀNG
興時花畔閑憑月,    Hứng thời hoa bạn nhàn bằng nguyệt,
倦裡窗前獨臥風。    Quyện lý song tiền độc ngọa phong.
保護處無傷折患,    Bảo hộ xứ vô thương chiết hoạn,
百年長伴白頭翁。    Bách niên trường bạn bạch đầu ông.

      Inline image

* Chú thích :
    - LƯƠNG SÀNG 涼床 : Giường nằm mát, giường nằm hóng gió.
    - Quyện Lý 倦裡 : Trong lúc mõi mệt.
    - Thương Chiết Hoạn 傷折患 : Cái hoạn nạn do bị thương bị gãy.
    - Trường Bạn 長伴 : Làm bạn dài hạn.

* Nghĩa bài thơ :
                          CHIẾC GIƯỜNG NẰM MÁT
       Khi hứng thú thì làm bạn với hoa, khi nhàn nhã thì bạn cùng ánh trăng. Lúc mõi mệt thì nằm trước song cửa một mình mà hóng gió. Cố giữ sao cho đừng bị cái nạn gãy đổ tổn thương, thì trăm năm vẫn mãi làm bạn với ông già đầu bạc.

* Diễn Nôm :
                         LƯƠNG SÀNG
                  Inline image

                 Nhàn ngắm trăng lên hứng ngắm hoa,
                 Mệt ngã bên song đón gió qua.
                 Giữ sao cho khỏi nghiêng rồi gãy,
                 Bạn mãi trăm năm với lão già !
       Lục bát :
                 Hứng ngắm hoa, nhàn ngắm trăng,
                 Mệt thì đón gió ta nằm bên song.
                 Giữ cho chẳng gãy chẳng long,
                 Trăm năm bạn mãi cùng ông bạc đầu !
                                                       Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

     Hẹn bài dịch tới !
                    Góc Việt Thi : 
                                        Thơ vua LÊ THÁNH TÔNG (7)

                                                                       杜紹德
                                                                     ĐỖ CHIÊU ĐỨC