CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Góc Đường Thi : THÙ TRƯƠNG THIẾU PHỦ - VƯƠNG DUY - ĐỖ CHIÊU ĐỨC

Góc Đường Thi : THÙ TRƯƠNG THIẾU PHỦ Vương Duy
Hộp thư đến
x

Chieu Duc
13:54, Th 5, 23 thg 7 (6 ngày trước)


1. Bản chữ Hán cổ của bài thơ THÙ TRƯƠNG THIẾU PHỦ :

  Inline image


 酬張少府       THÙ TRƯƠNG THIẾU PHỦ

晚年唯好靜,    Vãn niên duy hiếu tĩnh,
萬事不關心。    Vạn sự bất quan tâm.
自顧無長策,    Tự cố vô trường sách,
空知返舊林。    Không tri phản cựu lâm.
松風吹解帶,    Tùng phong xuy giải đới,
山月照彈琴。    Sơn nguyệt chiếu đàn cầm.
君問窮通理,    Quân vấn cùng thông lý,
漁歌入浦深。    Ngư ca nhập phố thâm.
       王維                      Vương Duy

    
Inline image


2.Xuất Xứ của bài thơ :
       Năm Khai Nguyên thứ 29 đời Đường Huyền Tông (741), Vương Duy làm bài thơ nầy để trả lời cho Trương Thiếu Phủ. Từ chữ "THÙ 酬" : là Chén rượu của chủ mời khách. Ở đây có nghĩa là Hồi Đáp (Thù Đáp 酬答). Ta biết được trước đó Trương Thiếu Phủ tức Thừa Tướng Trương Cửu Linh 張九齡, cũng là một nhà thơ đời Đường, đã có gởi cho Vương Duy một bài thơ rồi. Khi Trương còn làm Thừa Tướng, Vương Duy là một thành viên đắc lực ủng hộ cho chủ trương chính sách của Trương; sau Trương Cửu Linh bị lý Lâm Phủ dèm pha bài xích, bị cách chức Thừa Tướng về quy ẩn, kết thúc khoảng thời gian chính trị tốt đẹp của đời Đường Huyền Tông. Vương Duy cùng các quan viên khác cũng từ quan quy ẩn theo. Đây là bài thơ trao đỗi giữa Vương Duy và Trương Cửu Linh bày tỏ sự chán nản và thất vọng trước triều chính và thời cuộc lúc bấy giờ.

3. Chú Thích :
    - Hiếu 好 : là Thích; cũng chữ nầy nếu đọc là HẢO thì có nghĩa là Tốt.Nên HIẾU TĨNH 好靜 là Thích Yên Tịnh.
    - Tự Cố 自顧 : là Tự nhìn lại mình; Tự đánh giá mình.
    - Phản 返 : có bộ Xước 辶(辵) là Đi lòng vòng; nên PHẢN 返 có nghĩa là Đi ngược trở về.
    - Giải Đới 解帶 : là Dây buộc áo được mở ra (ngày xưa không có gài nút áo).
    - Cùng Thông 窮通 : CÙNG là Hết đường (để làm quan); THÔNG là đường được mở ra (để làm quan). nên CÙNG THÔNG LÝ 窮通理 là Cái lẽ cùng thông, gặp thời và hết thời ở đời.
    - Ngư Ca 漁歌 : là Tiếng ca hát của người câu cá, đánh bắt cá ở ven sông. Ở đây mượn để chỉ người ở ẩn. 

4. Nghĩa bài thơ :
                                      Đáp Lời của Trương Thiếu Phủ
        
          Những năm càng về già càng thấy thích với cảnh yên tịnh hơn, nên muôn việc đều không muốn quan tâm đến nữa. Tự nhìn lại mình thì thấy mình cũng chẳng có kế sách hay ho gì khác, thì thôi, chỉ còn biết trở về với mái rừng xưa, để cởi bỏ áo ra mà hứng cái mát mẻ của gió thông, và gãy một khúc đàn vào những đêm trăng núi chênh chếch chiếu. Nếu bạn muốn hỏi ta về lẽ cùng thông ở đời ư, thì bạn ơi, hãy nghe tiếng hát của những người câu cá ở bến sông sâu kia kìa !

      Đọc bài thơ nầy lại làm cho ta nhớ đến bài hát nói "Thoát Vòng Danh Lợi" của cụ Nguyễn Công Trứ với :

                                Chen chúc lợi danh đà chán ngắt,
                              Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao...

5. Diễn Nôm :
                      ĐÁP TRƯƠNG THIẾU PHỦ

                     Inline image

                     Năm tàn thích yên tịnh,
                     Muôn việc chẳng quan tâm.
                     Tự biết không ưu sách,
                     Thì thôi về cựu lâm.
                     Gió thông reo mát áo,
                     Trăng núi chiếu đàn cầm.
                     Bạn hỏi cùng thông lý,
                     Tiếng hát chài bên sông.
      Lục bát :
                     Càng già càng muốn yên thân,
                     Thì thôi muôn việc quan tâm làm gì.
                     Tự mình chẳng kế sách chi,
                     Trở về rừng cũ thiết gì lợi danh.
                     Gió thông phe phẩy áo xanh,
                     Núi trăng bát ngát đàn tranh đêm trường.
                     Cùng thông bạn hỏi lẽ thường,
                     Ngư ca trên bến chẳng vương bụi trần !

                                                               杜紹德
                                                         ĐỖ CHIÊU ĐỨC

        

On Thursday, July 23, 2020, 11:35:15 AM CDT, Tri Pham <phamid1934@gmail.com> wrote:



Thù Trương Thiếu Phủ

Vương Duy (699 - 759)


Vãn niên duy hiếu tĩnh 
Vạn sự bất quan tâm
Tự cố vô trường sách
Không tri phản cựu lâm
Tùng phong xuy giải đới
Sơn nguyệt chiếu đàn cầm
Quân vấn cùng thông lý
Ngư ca nhập phố thâm


Hồi Đáp Trương Thiếu Phủ 

PKT - Mây Tần


Cuối đời chỉ mong thân tâm được yên thôi 
Mọi chuyện không còn muốn vướng bận gì đến nữa
Tự biết không có phương sách gì giúp ích được cho thiên hạ
Nên tốt hơn cả là hãy quay về chốn cũ rừng xưa  
Ngày ngày vui cùng gió thông đùa tung giải áo 
Đêm đêm dưới vầng trăng sáng lửng lơ đầu núi thả hồn nghe tiếng đàn tôi    
Riêng về lẽ Cùng Thông vấn hỏi
Tiếng ca ngư phủ vẫn âm vang khắp xóm chài vọng về từ ngoài biển khơi



(Lạm Bàn : Vâng, dòng sống, vô thủy vô chung từ bao đời, liên tục mưa nắng,  đêm ngày, hết cùng phải đến thông thôi. Let's go with the flow. Cheer up, please! PKT 07/23/2020)  



Lẽ Cùng Thông Hồi Đáp 

PKT - Mây Tần


Tuổi già sống với đạo, 
Gác bỏ chuyện ngoài đời.  
Thế sự lo không được, 
Rừng xưa nương bóng vui.  
Gió thông đùa giải áo, 
Trăng núi tiếng đàn tôi.  
Người hỏi cùng thông lý, 
Ca chài vang biển khơi.  



A Reply to Deputy Magistrate Zhang

Peter Harris - Three Hundred Tang Poems



In the evening of life, I care only for peace and quiet
I can't bother with all the affairs of the world
As I look at myself, I have no grand strategies
I'm simply concerned to go back to my old forest home
Where the wind in the pines loosens the belt of my gown
And the mountain moon shines down on the zither I play
You ask what the principle is for achieving the way
A fisherman's song going into the deep river bank


Tri Khac Pham
Phamid1934@gmail.com

Đính Kèm : Franz Schubert Serenade
FRANZ SCHUBERT SERENADE NANA MOUSKOURI


FRANZ SCHUBERT SERENADE NANA MOUSKOURI

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

ĐỌC THƠ CỔ NHỚ NGƯỜI XƯA : NGUYỄN DU - THƠ NGUYÊN LẠC


Steven Nguyen
Tệp đính kèm
06:13 (13 giờ trước)
tới tôi

 Gởi NM thêm bài mới Chúc sức khỏe NL 7/28/2020


ĐỌC THƠ CỔ NHỚ NGƯỜI XƯA : NGUYỄN DU




KLN Đai thi hào Nguyễn Du - Hình Ảnh Hà Tĩnh


THƠ TƯỞNG NIỆM NGUYỄN DU

 Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Tiên Điền Nguyễn Du (1820- 2020) tôi làm bài thơ tưởng niệm này:

TƯỞNG NIỆM NGUYỄN DU
.
"Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như" *

*
Nến trầm đêm đọc người xưa
"Thập loài văn tế" xót xa hồn này
Tiên Điền thơ cổ kinh thay
Rợn hồn từng chữ từng lời oan khiên
.
"Còn chi ai quí ai hèn
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu
Một phen thay đổi sơn hà
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu" [1]
.
"Long thành cầm giả" khúc đau
Ngậm ngùi thơ cổ bể dâu cuộc đời
Sắc hương đệ nhất một thời
Ðàn cầm thánh thoát  giờ rồi tàn phai [2]
.
Trăm năm thoáng chốc thở dài
Bồi hồi chuyện cũ thương ai mà buồn 
Động lòng khói sóng Tiền Đường [3] 
Thương Kiều phận bạc "Đoạn trường tân thanh"
.
Hai trăm năm đấng tài danh
Bài thơ tưởng niệm con dâng tặng người
Đất nước tôi dân tộc tôi
Nguyễn Du hai chữ rạng ngời Việt Nam
...............
* Không biết hơn ba trăm năm sau/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như?- Độc Tiểu Thanh ký- Nguyễn Du
[1] Câu thơ trong "Văn tế thập loại chúng sinh" - Nguyễn Du
[2] Quái để giai nhân nhan sắc suy/ Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng/ Khả liên đối diện bất tương tri - "Long thành cầm giả ca" - Nguyễn Du
[3] Thúy Kiều trầm mình trên sông Tiền Đường- Đoạn Trường Tân Thanh
.
Nguyên Lạc
.
BÀI THƠ TƯỞNG NIỆM CỦA L M THANH SƠN

Sẵn đây, tôi xin giới thiệu đến các bạn thêm bài thơ tưởng niệm Nguyễn Du của bạn Lâm Thanh Sơn, ở Hà Nội - một trong những người thuộc nhóm Tình Tự Dân Tộc chúng tôi, nhóm quyết chí giải oan cho đại thi hào Nguyễn Du - cụ bị "ai đó" kết án "đạo văn" Kim Vân Kiều Truyện của Tàu, "bê nguyên xi" truyện này dịch ra văn vần: Đoạn Trường Tân Thanh- Truyện Kiều. [*]
Link nhóm Tình Tự Dân Tộc:
https://www.facebook.com/groups/1141641829504367/?hc_location=ufi
Đây là bài thơ tác giả Lâm Thanh Sơn gởi đến tôi:

NHỚ NGUYỄN DU
Kính Gởi Cụ Tiên Điền
( Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du 1820- 2020 ).
Lâm Thanh Sơn
.
Hai trăm năm đã trôi qua
Hoa tàn, trăng khuyết xót xa những chiều
Đâu Kim Trọng, đâu Thuý Kiều?
Ai làm tan những lời yêu đá vàng ...

Giai nhân, tài tử bẽ bàng
Long thành nức nở tiếng đàn Cầm ca
Mấy triều đại ấy trôi qua
Ngai vàng, điện ngọc hoá ra bụi rồi

Chỉ còn lại bấy nhiêu lời
Giữa nhân gian với cuộc đời đảo điên
Nào ai vua sáng, tôi hiền
Triều sau, sóng trước triền miên cõi người 

Anh hùng cũng đến thế thôi
Văn nhân, thy sỹ cũng đời bỏ đi
Bảng vàng, bia đá ra gì
Ngàn năm dầu dãi khắc ghi hận lòng 

Lối người xưa phủ rêu phong
Một lời một vận vào vòng tai ương
Con nghe trong sóng Tiền Đường
Chiều nay ngào nghẹn đoạn trường tân thanh ...!
.
LỜI KẾT
"Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn" (Phạm Quỳnh)
Bài diễn thuyết về Truyện Kiều này được Phạm Quỳnh đọc nhân lễ kỷ niệm ngày giỗ Nguyễn Du vào ngày 8 tháng 12 năm 1924, tức ngày mồng 10 tháng 8 năm Giáp Tý do Hội Khai trí tiến đức của ông tổ chức.

Nhân đọc lại dòng thơ cổ làm rạng danh nước Việt, tôi đốt 3 nén hương trầm để tưởng nhớ đến người xưa, đến công ơn của tiền nhân: Đại thi hào Nguyễn Du, người đã đóng góp biết bao công sức cho nền văn học nước nhà.
.
NGUYÊN LẠC
...............
[*] Đổng Văn Thành - China cho rằng: “Nguyễn Du chẳng những chỉ mượn đề tài của tiểu thuyết Trung Quốc mà dường như bê nguyên xi […]. Nguyễn Du không có bất kỳ một sáng tạo mới nào, chỉ chuyển thuật khá trung thực nội dung tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân...” [ “Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng” GS. Đổng Văn Thành - Theo Phạm Tú Châu “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam”]
“So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam” 
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5966&rb=0102

@ Mờii đọc :
- "Long Thành Cầm Giả Ca" của Nguyễn Du
http://www.art2all.net/tho/laiquangnam/lqn_nguyendu_longthanhcamgiaca_gioithieu.htm

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

NỖI NHÀ- THƠ CHÂU HIỀN QUANG , NHẠC PHAN NI TẤN





NỖI NHÀ
THƠ CHÂU HIỀN QUANG
NHẠC PHAN N I TẤN
CA SĨ HẢI PHƯƠNG


TỪ KHI CÓ LOÀI NGƯỜI ,TRÀ RƯỢU THƠ - THƠ CHU VƯƠNG MIỆN




NHÀ THƠ CHU VƯƠNG MIỆN (Luân Hoán) - Hai bờ giấy




TỪ KHI CÓ LOÀI NGƯỜI

Nghe nhàm tai tiếng khóc
Chả mấy ai được vui
Trong ta bà thế giới
Xuất thế cũng chả cười
Nhìn xuông hồ nước lạnh
Cá nuốt nhau thường ngày
Chim trời bay mỏi cánh
Dừng chân nơi nào đây
Cái tóc là cái tội
Trọc đầu chả thảnh thơi
Đọc bài kinh sám hối
Lòng dạ những u hoài ?
Chuông từng hồi vang đổ
Gọi mãi linh hồn ai ?
Cõi tạm bao khốn khó
Thao thức mắt đêm dài
Biết thế nào chữ ngộ
Nhìn trời toàn trăng sao
Cát ơi toàn là cát
Tiền thân tự kiếp nào ?
Đường Thiên Sơn vạn nẻo
Đầu giòng tự chốn nao ?
Cội nguồn bao sông lớn
Theo nhau về biển sâu
Kiếp này hay kiếp trước
La đà tận kiếp sau ?


TRÀ RƯỢU THƠ

uống trà ngắm trăng
thưởng thức vẻ đẹp của bầu trời
làm thơ thiền
thương những vì sao đổi ngôi ?
phía nam là chòm nam tào
phía bắc là chòm bắc đẩu
phía chót cùng là ngôi sao chân vịt
thường xuyên nhấp nháy

uống rượu là uống nước mắt quê hương
vừa cay vừa đắng
vừa rát cuống họng
uống rượu vào là say
làm thơ lảo đảo
là diễn tả sự loạn cuồng
chưa tới biên giới của cõi điên ?

sau trà là rượu
sau rượu là đàn bà
từ xửa xưa tới ngày nay
anh hùng thiên hạ
chưa ai thoát qua cửa ải mỹ nhân
mà còn mặc áo mặc quần
bao nhiêu kẻ trở thành
yêng hùng hảo hán
anh hùng dân tộc cũng nhờ nhan sắc
bao nhiêu công trình nghệ thuật điêu khắc
thời thượng thời danh muôn đời
cũng nhờ những giai nhân cởi truồng
hoặc tắm hoặc ngồi
hoặc trên đầu đội bình nước
biết bao kẻ loạn thần tặc tử
qua cửa ải mỹ nhân
bị thượng mã phong lăn đùng ra thác ?

trà rượu thơ đàn bà
nguồn cội của can qua
của chiến tranh


CHU VƯƠNG MIỆN


CÀN KHÔN DỊCH ĐẠO - THƠ NHẬT HỒNG NTV


Van Nguyen
08:10, Th 7, 25 thg 7 (3 ngày trước)










                                   CÀN KHÔN DỊCH ĐẠO

Đọc Xuôi:                                            Đọc ngược:

                                        

Lâm sơn tạo hóa biến cồn dâu,               Sâu cao đạo lý dịch uyên thâm,

Động chuyển Càn Khôn lẽ nhiệm mầu. Thế đổi thay “đầy Dương khuyết âm”.

Tâm tĩnh ngộ vui cười khoái sảng,         Nhầu úa mộng… hoa tu, nguyệt bế,

Trí mê lầm khổ hận buồn đau.                Nát tan đời… nhạn lạc, ngư trầm !

Trầm ngư lạc nhạn… đời tan nát,           Đau buồn hận khổ lầm mê trí,

Bế nguyệt tu hoa… mộng úa nhầu.        Sảng khoái cười vui ngộ tĩnh tâm !

Âm khuyết Dương đầy thay đổi thế…   Mầu nhiệm lẽ Khôn-Càn chuyển động,

Thâm uyên dịch lý đạo cao sâu !            Dâu cồn biến hoá tạo sơn lâm 


LIÊU XUYÊN (NHẬT HỒNG NTV)

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

Giai Thoại Văn Chương : Thi Cuồng HẠ TRI CHƯƠNG - ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Chieu Duc
18:53, Th 4, 22 thg 7 (4 ngày trước)


Giai Thoại Văn Chương :

                             Thi Cuồng HẠ TRI CHƯƠNG

                                         
                                          Inline image
                                            HẠ TRI CHƯƠNG ( 659-744 )

        HẠ TRI CHƯƠNG 賀知章 tự là Quí Chân 季真, về già tự xưng hiệu là "Tứ Minh Cuồng Khách 四明狂客", là thi nhân lại vừa là nhà Thư Pháp nổi tiếng đời Thịnh Đường. Ông người đất Vĩnh Hưng thuộc Việt Châu (Huyện Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang hiện nay), đậu Trạng Nguyên khoa Ất Mùi (695), được phong là Quốc Tử Tứ Môn Bác Sĩ, Thiên Thái Thường Bác Sĩ. Ông tuần tự giữ các chức vụ Lễ Bộ Thị Lang, Bí Thư Giám, Thái Tử Tân Khách... Ông tính tình khoáng đạt, phóng túng, không thích gò bó, vì xưng hiệu là Tứ Minh Cuồng Khách, nên người đời gọi ông là THI CUỒNG 詩狂, cùng với Lý Bạch 李白, Trương Húc 张旭, Lý Thích Chi 李适之, Tiêu Toại 焦遂, Lý Tấn 李琎, Thôi Tông Chi 崔宗之 và Tô Tấn 苏晋, xưng là "ẨM TRUNG BÁT TIÊN 飲中八仙" (Tám ông tiên trong rượu). Đến 86 tuổi HẠ TRI CHƯƠNG mới cáo lão về quê, rồi mất ở quê cùng năm. Tác phẩm phần nhiều thất tán, chỉ còn lưu lại khoảng 20 bài thơ mà thôi.

        Trong "Ẩm Trung Bát Tiên Ca 飲中八仙歌" Đỗ Phủ đã viết về ông như sau :

                  知章騎馬似乘船,  Tri Chương kỵ mã tự thừa thuyền,
                  眼花落井水底眠.    Nhãn hoa lạc tỉnh thủy để miên.
    Có nghĩa :
                        Tri Chương cưởi ngựa tựa đi thuyền,
                        Lắc lư té giếng vẫn ngủ yên.
             
                         Inline image
                  Ẩm trung bát tiên : Tám ông tiên trong rượu

   ... cho thấy tính tình phóng túng không thích gò bó của ông, mặc dù là quan lớn, ông vẫn thích kết giao với bạn thơ rượu và uống rượu với những người tao nhã phong lưu. Ông nổi tiếng với giai thoại "Kim Quy Hoán Tửu 金龜換酒" sau đây :

       Năm Thiên Bảo nguyên niên đời Đường (742), Lý Bạch cô thân chiếc bóng đến đất Tràng An, không một ai quen biết. Một hôm, ông đến Tử Khách Đạo Quan ( chùa dành cho đạo sĩ tu tiên) để tham quan, tình cờ gặp được Ha Tri Chương cũng đến nơi đó. Đọc thơ và nghe tiếng Bạch đã lâu, Hạ rất ngưỡng mộ tài hoa của Lý, bây giờ gặp mặt, thấy Lý là người tao nhã, dáng vẻ thanh cao như tiên thượng giới, nên mặc dù lớn hơn Lý Bạch đến hơn 40 tuổi vẫn kết bạn vong niên, và cùng đàm đạo với nhau vô cùng tương đắc. Đến khi đọc bài thơ Thục Đạo Nan 蜀道難 của Lý Bạch vừa làm xong đến các câu như :

                  但見悲鳥號古木,  Đản kiến bi điểu hiệu cổ mộc,
                  雄飛雌從繞林間。  Hùng phi thử tòng nhiểu lâm gian.
                  又聞子規啼夜月,  Hựu văn tử quy đề dạ nguyệt,
                  愁空山...             Sầu không san...
      Có nghĩa :
                     Chim sầu nhớn nhác cành khô,
                     Trống mái lượn lờ đường núi thâm u.
                     Tử quy trăng lạnh kêu thu,
                     Rừng núi vắng mịt mù !...

  ... Hạ Tri Chương đã kinh ngạc nói với Lý Bạch rằng : "Bạn quả là thi tiên từ thượng giới !" Do đó mà mọi người đều gọi Lý bạch là Lý Trích Tiên 李謫仙. Chiều hôm đó, Hạ bèn mời Lý vào quán rượu định uống một bửa cho thỏa thích. Không ngờ khi vừa ngồi xuống ghế, Hạ mới nhớ ra rằng trên mình đã gần hết tiền, không do dự gì cả, Hạ bèn cởi ngay giải túi Kim Quy Đới có thêu hình kim quy của vua ban cho các quan ở hàng tứ phẩm trở lên đeo mỗi khi vào chầu, để trừ tiền rượu. Lý trông thấy cả kinh bảo : "Đây là vật báu của vua ban sao có thể đem đổi rượu mà uống được chứ ?" Hạ cả cười đáp :"Có gì đâu, hôm nay gặp được bạn tiên, không uống với nhau cho say còn đợi đến chừng nào ?". Sau bửa rượu đêm đó, sáng hôm sau vào chầu, Hạ Tri Chương còn tiến cử Lý Bạch với nhà vua, vua cũng đã nghe tiếng Lý từ lâu, bèn triệu kiến và phong cho chức Hàn Lâm Học Sĩ.

                                  Inline image
                            Hạ Tri Chương lấy giải Kim Quy đổi rượu

        Hạ Tri Chương về già tự xưng là Tứ Minh Cuồng Khách 四明狂客, vì mỗi lần uống rượu say thì ông sẽ phóng bút làm thơ mà không cần phải cân nhắc chọn từ gì cả, nên mới được hiệu là THI CUỒNG 詩狂, và cũng vì thế mà lời thơ của ông rất dung dị bình dân dễ đi vào lòng người. Ta hãy đọc bài "Vịnh Liễu 詠柳" của ông sau đây sẽ rõ :

                       碧玉妝成一樹高,  Bích ngọc trang thành nhất thọ cao,
                       萬條垂下綠絲絛。  Vạn điều thùy hạ lục ty thao.
                       不知細葉誰裁出,  Bất tri tế diệp thùy tài xuất,
                       二月春風似剪刀。  Nhị nguyệt xuân phong tự tiễn đao !
     Có nghĩa :
                          Tạo thành ngọc bích một cây cành,
                          Trông tựa muôn ngàn sợi lụa xanh.
                          Lá nhỏ vươn dài ai khéo cắt,
                          Tháng hai gió tựa kéo qua nhanh !

                        Inline image

       Thật nghệ thuật, thật bình dân mà gợi hình một cách tự nhiên : Cây liễu xanh biếc trong mùa xuân như được làm bằng ngọc bích. Ai đã khéo cắt nên những lá nhỏ vươn dài như những dãy lụa xanh rũ xuống một cách thật đều đặn đẹp đẽ kia. Không ai cả, chính do làn gió xuân ấm áp của tháng hai như những nhát kéo của thiên nhiên tạo nên nét đẹp của những lá liễu xanh biếc vươn dài kia ! Cả bài thơ cũng không có nhắc đến một chữ liễu nào cả; bình dân, gợi hình và nghệ thuật biết bao nhiêu !       
       Đọc 2 câu cuối của bài thơ trên lại làm cho ta nhớ đến 2 câu thơ trong bài "Xuân Về" của thi sĩ Nguyễn Bính thời Tiền Chiến :

                         Lá nõn nhành non ai tráng bạc,
                         Gió về từng trận gió bay đi !

      Ai đã "tráng bạc" lá nõn nhành non ? Không ai cả, chính là "Gió xuân" đó ! Chính là thiên nhiên khi mùa xuân về đã đem lại sức sống cho cây lá đâm chồi nẩy lộc !
     
       Năm Đường Thiên Bảo thứ ba (744), Hạ tri Chương mới cáo lão từ quan về quê khi đã 86 tuổi đời, là Thái Tử Tân Khách, là Thẩy dạy học cho đương kim Hoàng thượng khi còn là Thái tử, ông được nhà vua và bá quan văn võ đưa tiễn rất linh đình trọng hậu, nhưng khi về đến Vĩnh Hưng Việt Châu (thuộc Tiêu Sơn Chiết Giang hiện nay) ông lại cảm thấy như bị trêu chọc ngỡ ngàng với lũ trẻ, vì chúng ngỡ ông là khách từ phương xa đến. Sau hơn 50 năm xa quê, người đã già, tóc đã bạc, đã trải qua biết bao là tang thương biến đổi, may mà giọng nói của quê hương vẫn còn nguyên đó, ông rất cảm khái mà làm nên hai bài "Hồi Hương Ngẫu Thư 回鄉偶書" sau đây :

                            其一                                       Kỳ Nhất

                       少小離家老大回,   Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi,
                       鄉音無改鬢毛衰。   Hương âm vô cải mấn mao suy.
                       兒童相見不相識,   Nhi đồng tương kiến bất tương thức
                       笑問客從何處來?    Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai ?
     Có nghĩa :
                       Trẻ nhỏ xa nhà, già trở lại,
                       Giọng quê còn đó, tóc như mây.
                       Nhi đồng gặp gỡ không quen biết,
                       Cười hỏi nơi nào khách đến đây ?

                       Inline image

       Thật mĩa mai và cảm khái biết bao ! Qủa là lở khóc lở cười khi chợt nghĩ rằng, ta là người về thăm lại quê hương hay ta là Khách của quê hương đây ?! Mời đọc tiếp bài 2 mà rất ít người biết đến :

                            其二                                           Kỳ Nhị

                      離別家鄉歲月多,   Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa,
                      近來人事半消磨。   Cận lai nhân sự bán tiêu ma.
                      唯有門前鏡湖水,   Duy hữu môn tiền kính hồ thủy ,
                      春風不改就時波。   Xuân phong bất cải cựu thời ba !
      Có nghĩa :
                      Cách biệt quê nhà mấy nắng mưa,
                      Đổi thay thế thái nói sao vừa !
                      Duy chỉ như gương hồ trước ngõ,
                      Gió xuân vẫn gợn sóng ngày xưa !

 

                 Inline image Inline image


       Nhân sự thì đã tiêu ma thay đổi cả rồi, cũng may là những gợn sóng lăn tăn trước hồ vẫn còn "lăn tăn như cũ", "Xuân phong bất cải cựu thời ba" mà !. Nhân sự đổi thay nhưng thiên nhiên thì vẫn còn đó, làm ta nhớ lại đoản văn của Thanh Tịnh :"... Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và tâm hồn tôi vẫn là tâm hồn tôi năm trước ..." Và cũng chính vì thế mà dù cho có cách trở muôn dặm quan san, dù cho quê hương có thay đổi muôn hình dạng trạng thì người lữ khách, lữ thứ tha hương vẫn muốn tìm về với quê hương cố thổ , vẫn muốn tìm về với nơi chôn nhau cắt rún của ngày xưa !
                                     
     
YouTube-Video
   
   
          Cũng trong năm cáo lão về quê  với sự ngỡ ngàng của kẻ tha hương lâu năm tìm về quê cũ, Hạ Tri Chương đã nằm xuống mảnh đất Việt Châu quê nhà với tuổi 86... là tuổi Thượng Thượng Thọ lúc bấy giờ !

           Hẹn bài viết tới !
                                    Thi Nô GIẢ ĐẢO

                                             杜紹德
                                            ĐỖ CHIÊU ĐỨC



         



Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

MỘT ĐỜI CHA CHO CON - NHẠC & LỜI NGUYỆT NGUYỄN







MỘT ĐỜI CHA CHO CON
NHẠC & LỜI NGUYỆT NGUYỄN
HÒA ÂM TRẦN NHÀN
CA SĨ CHÂU THÙY TRANG
VIDEO CLIP TRẦN NHÀN

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Góc Việt Thi : Trạng Trình NGUYỄN BỈNH KHIÊM ( Kỳ nhất ) - ĐỖ CHIÊU ĐỨC

  
                  
               Trang thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm - 阮秉謙, Trạng Trình (268 bài thơ)         
                                                   


Góc Việt Thi :  

                  
                            Trạng Trình NGUYỄN BỈNH KHIÊM
                                                    Kỳ nhất

                                                   


            NGUYỄN BỈNH KHIÊM 阮秉謙 (1491-1585) huý là Văn Đạt 文達, tự Hanh Phủ 亨甫, hiệu Bạch Vân cư sĩ 白雲居士, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Xuất thân từ một gia đình trí thức Nho học, cha là Nguyễn Văn Định có văn tài. Mẹ là Nhữ Thị Thục, con thượng thư Nhữ Văn Lan, thông tuệ, giỏi văn chương, am tường lý số. Nguyễn Bỉnh Khiêm thông minh, hiếu học, từ nhỏ đã được mẹ đem thơ quốc âm và kinh truyện ra dạy. Lớn lên, vào Thanh Hoá, theo học bảng nhãn Lương Đắc Bằng, được thầy truyền thụ môn học Dịch lý và sách Thái Ất Thần Kinh. Tuy học giỏi, nhưng lớn lên vào lúc xã hội loạn lạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm ẩn chí, đợi thời, không chịu ra thi. Mãi sau này, Mạc thay Lê, tình hình xã hội ổn định, ông mới ra ứng thí, đậu Trạng Nguyên (1535), rồi làm quan với nhà Mạc, bấy giờ ông đã 45 tuổi. Làm quan ở triều đình được 8 năm (1535-1542), thấy gian thần hoành hành, bè phái, triều chính ngày một xấu thêm, ông dâng sớ xin chém 18 lộng thần, không được chấp nhận, bèn thác cớ xin trí sĩ. Về sau, vì sự ràng buộc của nhà Mạc với các sĩ phu có uy vọng, vì muốn tác động đến thời cuộc, ông trở lại tham gia triều chính với cương vị như một cố vấn. Ông từng theo quân Mạc, đi chinh phạt Vũ Văn Mật, Vũ Văn Uyên. Ông cũng từng bày mưu tính kế giúp Mạc bảo toàn vương nghiệp. Vì thế, hoạn lộ của ông từ Lại bộ Tả thị lang, Đông các đại học sĩ, trải thăng đến Lại bộ Thượng thư, Thái phó, Trình Tuyền hầu, rồi lại gia phong Trình quốc công nên đời thường gọi là Trạng Trình. Mãi đến ngoài 70 tuổi, ông mới thực sự treo xe, treo mũ từ quan.
          Thời gian sống ở quê nhà, bên bờ sông Tuyết Hàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng am Bạch Vân, lấy đạo hiệu là Bạch Vân cư sĩ mở trường dạy học, rồi lập quán, xây cầu, dựng chùa, mở chợ, trồng cây... Ông có nhiều học trò nổi tiếng, như Nguyễn Quyện, Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ v.v... người thờ Mạc, người theo Lê, người suốt đời ẩn dật. Ông được người đương thời tôn kính như bậc thầy. Ngoài triều Mạc, họ Trịnh, họ Nguyễn đều có sai sứ đến hỏi ý kiến ông về những việc hệ trọng. Tháng mười một năm Ất Dậu (1585) ông qua đời, hưởng thọ 94 tuổi, học trò truy tôn là Tuyết giang phu tử 雪江夫子.
          Tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm có Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập 白雲國語詩集, Bạch Vân Am Thi Tập 白雲庵詩集 và một số bài văn chữ Hán. Các tập sấm ký như Trình Quốc Công Sấm Ký, Trình Tiên Sinh Quốc Ngữ, v.v... tương truyền là của ông nhưng về mặt văn bản chưa đủ độ tin cậy.

         Sau đây là một số bài thơ chữ Hán tiêu biểu của ông trong Bạch Vân Am Thi Tập 白雲庵詩集 :

1. Bài thơ CẢM HỨNG :

   - Tương truyền bài thơ này làm ra để tiên đoán việc nhà Lê sẽ trung hưng và nói đến việc họ Trịnh sẽ chuyên quyền lấn áp vua Lê. Những việc của ông tiên đoán đều không sai mảy may.

        Inline image

        感興                           CẢM HỨNG

泰和宇宙不虞周,     Thái hòa vũ trụ bất Ngu Chu,
互戰教爭笑兩讎。     Hỗ chiến giáo tranh tiếu lưỡng thù.
川血山骸隨處有,     Xuyên huyết sơn hài tùy xứ hữu,
淵魚叢雀為誰驅。     Uyên ngư tùng tước vị thùy khu.
重興已卜渡江馬,     Trùng hưng dĩ bốc độ giang mã,
後患應防入室貙,     Hậu hoạn ưng phòng nhập thất khu,
世事到頭休說著,     Thế sự đáo đầu hưu thuyết trước,
醉吟澤畔任閒遊。     Túy ngâm trạch bạn nhậm nhàn du.
                 阮秉謙                                  Nguyễn Bỉnh Khiêm

      Inline image

* Chú Thích :
    - Thái Hòa 泰和 : Chỉ cảnh sống thật hòa bình không có chiến tranh.
    - Ngu Chu 虞周 : NGU là Ngu Thuấn; CHU là nhà Tây Chu, Hai triều đại thái bình thịnh thế của Trung Hoa cổ đại.
    - Hỗ Chiến 互戰 : HỖ là Hỗ Tương, là Lẫn nhau, nên Hỗ Chiến là Đánh đấm lẫn nhau.
    - Xuyên Huyết Sơn Hài 川血山骸 : XUYÊN là con sông; HÀI là Thi hài; nên XUYÊN HUYẾT là con sông máu; SƠN HÀI là Thi hài như núi. Ta thường nói : Thây người chất thành núi và máu chảy thành sông.
    - Uyên Ngư Tùng Tước 淵魚叢雀 : UYÊN là Vực sâu; Tùng là Bụi cây; nên UYÊN NGƯ TÙNG TƯỚC là Cá trong vực sâu và chim sẻ trong bụi rậm.
    - KHU 貙 : là người hóa ra cọp. Ở đây mượn ý để chỉ "Rước kẻ dữ vào nhà."
    - Trạch Bạn 澤畔 : là Bên đầm nước (Hồ nước nhỏ).

* Nghĩa Bài Thơ :
                                              CẢM HỨNG
             Trời đất trong cảnh thái bình thịnh vượng, nhưng sao không giống như thuở đời Chu và Ngu Thuấn. Lại bày trò đánh nhau như hai kẻ thù để làm trò cười cho thiên hạ. Đến nỗi nơi nào cũng có cảnh thây chất thành núi và máu chảy tựa sông cả. Làm cho cá trong vực sâu, chim sẻ trong bụi rậm như bị ai đó đuổi bắt mà không thể sống yên ổn được. Muốn trùng hưng lại triều chính thì phải xua ngựa qua sông, nhưng hậu hoạn phải đề phòng là coi chừng sẽ dẫn cọp vào nhà. Thôi thì chuyện đời khó có thể mà nói trước được, hãy cứ uống rượu ngâm thơ và nhàn du bên bờ hồ cho thỏa thích mà thôi !

* Diễn Nôm :
                               CẢM HỨNG

                   Inline image

                    Thái bình sao chẳng giống Ngu Chu,
                    Đánh đấm lẫn nhau tựa kẻ thù.
                    Thây núi máu sông đầy rẫy khắp,
                    Chim lùm cá vực khó an cư.
                    Độ mã qua sông trùng hưng lại,
                    Dẫn cọp vào nhà hậu hoạn hư.
                    Thế sự đổi thay ai biết được,
                    Bên hồ thơ rượu cứ nhàn du !
    Lục bát :
                   Thanh bình chẳng giống Ngu Chu,
                   Đánh nhau dường tựa kẻ thù bao năm.
                   Thây như núi, máu thành sông,
                   Cá sông chim bụi cũng không yên nào.
                   Trùng hưng ngựa vượt chiến hào,
                   Hậu hoạn dẫn hổ chẳng sao phòng hờ.
                   Chuyện đời khó nói dường mơ,
                   Câu thơ bầu rượu vẩn vơ bên hồ !
                                                               Đỗ Chiêu Đức

2. Bài thơ CỰ NGAO ĐỚI SƠN :

   巨鰲戴山               CỰ NGAO ĐỚI SƠN

 Inline image

碧浸仙山徹底清,    Bích tẩm tiên sơn triệt để thanh,
巨鰲戴得玉壺生。    Cự ngao đới đắc ngọc hồ sinh.
到頭石有補天力,    Đáo đầu thạch hữu bổ thiên lực,
著腳潮無卷地聲。    Trước cước triều vô quyển địa thanh.
萬里東溟歸把握,    Vạn lý đông minh quy bả ác,
億年南極奠隆平。    Ức niên nam cực điện long bình.
我今欲展扶危力,    Ngã kim dục triển phù nguy lực,
挽卻關河舊帝京。    Vãn khước quan hà cưu đế kinh !
                 阮秉謙                                Nguyễn Bỉnh Khiêm

* Chú Thích :
    - CỰ NGAO ĐỚI SƠN 巨鰲戴山 : là Con ngao lớn đội núi. NGAO là một loại Ba ba biển lớn. Theo chương Thang Vấn trong sách Liệt Tử chép rằng ở biển Bột Hải có năm ngọn núi là : “Đại Dư” 岱輿, “Viên Kiệu” 員嶠, “Phương Hồ” 方壺, “Doanh Châu” 瀛洲, và “Bồng Lai” 蓬萊. , chân núi không dính vào đâu cả, núi cứ theo nước thuỷ triều mà lên và xuống lênh đênh trên mặt biển. Thượng đế sợ các ngọn núi ấy trôi về Tây cực bèn sai 5 con ngao thần rất lớn lặn xuống lấy đầu đội lên, nên từ đó năm ngọn núi ấy mới đứng vững ở một chỗ.
      CỰ NGAO ĐỚI SƠN: ý của Nguyễn Bỉnh Khiêm là muốn làm việc lớn để gánh vác giang sơn như con ngao lớn đội núi đá cho vững để khỏi trôi nổi trên biển vậy.
    - Triệt Để 徹底 " là Tới đáy, nên Triệt Để Thanh là Trong thấy đáy.
    - Ngọc Hồ 玉壺 : Ở đây không có nghĩa là cái bình bằng ngọc, mà mượn để chỉ cái Đầm Nước nơi ẩn cư.
    - Thạch Hữu Bổ Thiên Lực 石有補天力 : là Đá có sức để vá trời. Theo Tam Hoàng Bản Kỷ trong Sử Ký của Tư Mã Thiên : Thời Thượng cổ, hai vị thần nước là Cung Công và thần lửa là Chúc Dung đánh nhau. Đánh mãi không thắng nổi thần Chúc Dung cho nên thần Cung Công nổi giận, lấy đầu húc núi Bất Chu, làm đổ núi ấy khiến cho cột chống trời bị gãy. Nữ thần Nữ Oa, chặt bốn chân con ngao thần làm bốn cực chống cho trời khỏi sụt xuống. Rồi luyện đá ngũ sắc để vá trời.
    - Đông Minh 東溟 : chỉ biển Đông Hải.
    - Bả Ác 把握 : là Cái Nắm tay. Chuyện cầm chắc trong tay, là chuyên trong khả năng có thể làm được.
    - Nam Cực 南極 : chỉ vùng đất cực nam của Trung Hoa là nước Việt Nam ta đó. Ngày xưa đâu có biết có vùng Nam Cực của trái đất bây giờ đâu.

* Nghĩa Bài Thơ :
                         CỰ NGAO ĐỚI SƠN
        Núi tiên ngâm mình trong biển nước biếc trong đến tận đáy. Ta như con ngao lớn có sức gánh vác được sinh ra từ đầm nước nơi đây. Trên đầu có thể làm đá để vá trời, còn dưới chân thì sóng cũng ổn định không có tiếng cuốn đất. Biển đông vạn dặm có thể quy vào trong lòng bàn tay, và trong ức triệu năm có thể ổn định được vùng đất cực nam nầy. Nay ta muốn thi triển cái sức phò nguy cứu khổn của mình, để cứu vãn lấy sơn hà và đế kinh cũ.

        Qủa là có chí lớn, muốn phò vua giúp nước, gánh vác giang san để tỏ rõ tài thao lược. Đọc bài thơ nầy làm cho ta nhớ đến bài THUẬT HOÀI của danh tướng Đặng Dung đời Trần với hai câu :

                   致主有懷扶地軸,    Trí chúa hữu hoài phù địa trục,
                   洗兵無路挽天河.    Tẩy binh vô lộ vãn Thiên hà.
     Có nghĩa :
                           Giúp Chúa những toan xoay trục đất,
                           Giáp binh khó nổi kéo sông trời.

          Cả hai đều ôm mộng lớn như nhau, nhưng đều chẳng gặp thời, chẳng thi thố gì được cho cái hoài bão to lớn của mình cả !

* Diễn Nôm :
                        CỰ NGAO ĐỚI SƠN

                 Inline image

                 Núi tiên biển biếc nước trong xanh,
                 Ngao lớn sinh từ đầm nước thanh.
                 Đầu cất vá trời thay đá luyện,
                 Chân chùn sóng nước đất yên lành.
                 Biển Đông ngàn dặm trong tầm nắm,
                 Nam Cực muôn năm sẽ thái bình.
                 Ta muốn phù nguy thi triển sức,
                 Phục hồi sông núi vững kinh thành !
    Lục bát :
                 Núi tiên nước biếc biển trong,
                 Sinh từ đầm nước ngao mong đổi đời.
                 Cất đầu thay đá vá trời,
                 Xoạt chân sóng vổ ngàn khơi đất lành.
                 Biển đông tay nắm rành rành,
                 Nam cực vùng đất yên lành muôn năm.
                 Phò nguy thử sức anh hùng,
                 Vãn hồi sông núi góp công kinh thành.
                                                           Đỗ Chiêu Đức
                   
3. Bài thơ ĐÔNG CÚC :

    冬菊                    ĐÔNG CÚC

一種延年館裡栽,    Nhất chủng diên niên quán lý tài,
晚香獨向雪中開。    Vãn hương độc hướng tuyết trung khai.
莫笑爭芳時太晚,    Mạc tiếu tranh phương thời thái vãn,
先春肯讓一枝梅。    Tiên xuân khẳng nhượng nhất chi mai !
                  阮秉謙                                       Nguyễn Bỉnh Khiêm

      Inline image

* Chú Thích :
    - Đông Cúc 冬菊 : Cúc mùa đông; thay vì THU CÚC 秋菊 là cúc nở vào mùa thu, thì bài nầy là ĐÔNG CÚC có thể đây là hoa cúc nở muộn.
    - Diên Niên 延年 : là Kéo dài suốt cả năm.
    - Vãn Hương 晚香 : là Mùi hương muộn màng.
    - Mạc Tiếu 莫笑 : là Chớ cười, chớ nhạo.
    - Tranh Phương 爭芳 : là Tranh cái thơm cái đẹp. Đây là từ chỉ dành riêng cho Hoa và phái Nữ.
    - Khẳng Nhượng 肯讓 : là Chịu nhường, là Chi nhường, là "Chưa chắc đã chịu nhường".

* Nghĩa Bài Thơ :
                                     Cúc Mùa Đông
        Đây là loại hoa được trồng quanh năm trong thư quán; Mùi hương muộn màng chỉ nở ra khi tuyết bắt đầu rơi. Chớ có cười nhạo là sao tranh thơm tranh đẹp muộn màng thế. Vì trước khi mùa xuân đến chưa chắc ta đã chịu nhường cái thơm cái đẹp nầy cho hoa mai đâu !
     Tả hoa cúc, nhưng suốt bài thơ không có từ nào nhắc đến chữ CÚC cả !

     Hoa Cúc là loại hoa thanh nhã cao khiết chỉ nở vào mùa thu trong gió thu hiu hắt, nổi tiếng nhờ có thể ũ thành Cúc tửu, gọi là Hoàng Hoa Tửu và nhất là được danh sĩ Đào Tiềm đời Tấn trồng khi ở ẩn, với các câu thơ : Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến nam sơn 採菊東籬下,悠然見南山. Có nghĩa : "Hái cúc dưới giậu bờ đông, Xa xa ẩn hiện chập chùng Nam sơn". Cúc vốn chịu lạnh, nên hoa cúc nở kéo dài cho đến mùa đông, khi mai sớm đã bắt đầu khai nhụy. Và màu vàng của hoa cúc há dễ chiụ nhường cho màu vàng của hoa mai hay sao ?!

* Diễn Nôm :
                                 ĐÔNG CÚC

                    Inline image

                 Quanh năm trong quán được vun trồng,
                 Nở muộn hương nồng lúc tuyết đông.
                 Chớ nhạo muộn màng khoe sắc thắm,
                 Trước xuân chi chịu kém mai đông.
     Lục bát :
                 Vun trồng trong quán quanh năm,
                 Nở ra trong tuyết âm thầm tỏa hương.
                 Chớ cười nở muộn tranh phương,
                 Đầu xuân há đã chịu nhường hoa mai.                                           
                                                           Đỗ Chiêu Đức

4. Bài thơ HẠ CẢNH :

        夏景                                 HẠ CẢNH

日長賓館小窗明,     Nhật trường tân quán tiểu song minh,
風納荷香遠益清。     Phong nạp hà hương viễn ích thanh.
無限吟情誰會得?     Vô hạn ngâm tình thùy hội đắc ?
夕陽樓上晚蟬聲!     Tịch dương lâu thượng vãn thiền thanh !
                  阮秉謙                                          Nguyễn Bĩnh Khiêm

        Inline image

* Chú Thích :
    - Tân Quán 賓館 : TÂN là Khách. TÂN QUÁN là Quán dịch nơi tiếp đón các quan viên vãng lai khi thuyên chuyển hay công vụ.
    - Tiểu Song 小窗 : là Cái cửa sổ nhỏ.
    - Hà Hương 荷香 : HÀ là Hoa sen, nên Hà Hương là Hương thơm của hoa sen.
    - Thanh 清 : THANH có 3 chấm thủy 氵nên có nghĩa là Trong; nhưng ở đây chỉ muì hương của hoa sen, nên VIỄN ÍCH THANH 遠益清 có nghĩa là : Càng xa thì mùi hương sen càng thoang thoảng hơn.
    - Ngâm Tình 吟情 : là Cái tình cảm ngâm nga trong thi phú, tức là cái HỒN THƠ, cái NÊN THƠ của cảnh trí đó vậy.
    - Thiền Thanh 蟬聲 : là Tiếng Ve kêu.

* Nghĩa Bài Thơ :
                                 Cảnh Mùa Hè
        Ngày dài dằng dặc trong dịch quán tiếp tân xuyên qua cái cửa song sáng trưng nho nhỏ, Gió đưa mùi hương của hoa sen càng xa lại càng thoang thoảng hơn lên. Ai biết được cảnh trí lại càng nên thơ hơn khi đứng trên lầu cao nhìn nắng chiều nghiêng chiếu mà nghe tiếng ve ngâm tỉ tê trong buổi chiều tà nầy.

        Đọc bài thơ nầy của cụ Nguyễn Bĩnh Khiêm làm cho ta lại nhớ đến hai câu thơ trong bài Thu Từ 秋詞 của Lưu Vũ Tích đời Đường như sau :

                  晴空一鶴排雲上,    Tình không nhất hạc bài vân thượng,
                  便引詩情到碧霄。    Tiện dẫn THI TÌNH đáo bích tiêu.
  Có nghĩa :
                         Cánh hạc vút lên mây xanh ngắt,
                         HỒN THƠ theo vút tận trời cao.

                           Inline image

        Cảnh trí quả thật nên thơ biết bao nhiêu !

* Diễn Nôm :
                               CẢNH HÈ

                   Inline image

                 Dịch quán ngày dài song cửa sáng,
                 Hương sen nhẹ thoảng gió hiu hiu.
                 Nên thơ cảnh trí nào ai biết ?
                 Vẳng tiếng ve ngâm giữa nắng chiều !
    Lục bát :
                 Cửa song dịch quán ngày dài,
                 Hương sen theo gió thoảng bay ngoài đồng.
                 Nên thơ cảnh đẹp biết không ?
                 Nắng chiều nghiêng bóng ve ngâm vang lầu !                                                   
                                                                       Đỗ Chiêu Đức

 
5. Bài thơ KHUÊ TÌNH :

        閨情                               KHUÊ TÌNH
吟落西風陣陣吹,     Ngâm lạc tây phong trận trận xuy,
深閨兒女獨眠時。     Thâm khuê nhi nữ độc miên thì.
忽聞寒氣侵簾幕,     Hốt văn hàn khí xâm liên mạc,
始覺人情有別離。     Thủy giác nhân tình hữu biệt ly.
去夢不辭沙塞遠,     Khứ mộng bất từ sa tái viễn,
憂懷還動鼓鼙思。     Ưu hoài hoàn động cổ bề ti.
無端點滴階前雨,     Vô đoan điểm trích giai tiền vũ,
自有幽人語夜遲。     Tự hữu u nhân ngữ dạ trì.
                  阮秉謙                          Nguyễn Bỉnh Khiêm

      Inline image

* Chú Thích :
    - Khuê Tính 閨情 : là Tâm tình của kẻ ở chốn khuê phòng.
    - Tây Phong 西風 : Gió tây là gió của mùa thu, trời đã bắt đầy se lạnh.
    - Liêm Mạc 簾幕 : là Rèm màn che song cửa.
    - Sa Tái 沙塞 : là Vùng sa mạc ngoài biên ải xa xôi.
    - Ưu Hoài 憂懷 : là Nỗi lòng ưu tư lo lắng.
    - Cỗ Bề 鼓鼙 : là Tiếng trống trận.
    - Vô Đoan 無端 : như Vô tình, vô tâm, khi khổng khi không.
    - U Nhân 幽人 : là Con người cô đơn vắng vẻ !

* Nghĩa Bài Thơ :
                                                KHUÊ TÌNH
       Như tiếng ngâm thơ lạc theo từng trận gió tây hiu hắt, cũng là lúc cô gái trong chốn khuê phòng đang ngủ có một mình. Bất giác cô cảm nhận được cái hơi lạnh đang xâm nhập qua rèm sáo bên song cửa, và cô chợt hiểu ra cái ấm lạnh của tình người trong cơn ly biệt. Dõi theo hồn mộng không ngại vùng sa mạc biên ải xa xôi, mối ưu tư trong lòng còn vang như hồi trống trận. Mặc cho từng giọt từng giọt mưa rơi hờ hững trước thềm, như có người u uẩn nào đó đang thủ thỉ suốt đêm dài.

         Qủa là mối cảm tình da diết của người thiếu nữ đang xuân phải chịu cảnh phòng không chiếc bóng để nhớ thương về nơi quan ải xa xăm, nơi gió cát mịt mùng trong tiếng trống trận vang vang... trong đêm mưa dai dẳng bên thềm suốt đêm rả rít như kể lể nỗi niềm tâm sự.


* Diễn Nôm :
                             KHUÊ TÌNH

                   Inline image

                  Như tiếng ngâm theo trận gió tây,
                  Cô miên nhi nữ suốt canh chầy.
                  Bỗng nghe màn sáo tràn hơi lạnh,
                  Mới biết chia ly thổn thức đầy.
                  Theo mộng chẳng nề quan ải cách,
                  Ngoài biên còn ngại trống quân rây.
                  Hững hờ rả rít cơn mưa tối,
                  Thủ thỉ canh trường dạ khó khuây !
   Lục bát :
                  Gió tây hiu hắt từng hồi,
                  Phòng khuê thiếu nữ bồi hồi cô miên.
                  Bỗng nghe hơi lạnh tràn hiên,
                  Mới hay ly biệt nên tình xót xa.
                  Mộng theo biên tái quan hà,
                  Ưu tư trống trận tù và thúc quân.
                  Bên thềm rả rít mưa nhuần,
                  Như than như vản thì thầm suốt đêm !

                                       杜紹德
                                     ĐỖ CHIÊU ĐỨC


            Mời xem tiếp Kỳ Nhị  !
     



               
               


ĐÔI MÔI THIÊN ĐƯỜNG - NHẠC & LỜI PHAN NI TẤN







ĐÔI MÔI THIÊN ĐƯỜNG
NHẠC & LỜI PHAN NI TẤN
TIẾNG HÁT LÂM DUNG



Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

TÌNH NGHĨA , BA CON - THƠ CHU VƯƠNG MIỆN




TÌNH NGHĨA

chim xa rừng thương cây nhớ cội
người xa người quá vội người ơi ?
chẳng thà Ngô Việt đôi nơi
trách nhau chi nữa toàn lời xã giao
bậu một thuở qua Lào sang Thái
ta một thời đèo ải trú quân
hai ta sao cứ phong trần
phong đầy chướng khí, trần thì trần thân
năm mươi năm một vầng cổ độ
cơm xứ người bến cộ tiếc thay ?
trầu thì cả xứ trầu cay
mồm đâu há nổi nói này nói kia ?
rồi ta bậu mình chia đường nốt
bậu cứ đi còn một ta chờ
thế rồi rụi trọn giấc mơ
lại thêm chim Việt ngựa Hồ giống nhau ?
ngày xưa ngóng giang đầu xót ruột
ngày nay giờ lạnh buốt cầu treo
lạc nhau từ thuở đông triều
giờ đây chợ cột còn đeo chiền chiền
bậu chắc là Giáng Tiên bị đọa
xuống cõi trần xa cả phồn hoa
ra đi từ trẻ đến già
tha hương cầu thực “sáu ba” tới giờ
nam kha à lại giấc mơ ?


BA CON

con cò con vạc con nông
ba con cùng đói mom sông kiếm mồi
lòng tong còn nhởn nhơ bơi
còn em tắt nghỉ chờ hoài mang chôn ?
con cò con vạc con nông
ba con lóp ngóp chỉ mong đẫy diều
còn anh nói quảng nói tiều
còn em tà áo khăn điều sau lưng ?

                         CHU VƯƠNG MIỆN

MÙA UYÊN ƯƠNG - THƠ PHAN KHÂM, NHẠC HỒ BẢNG






MÙA UYÊN ƯƠNG
THƠ PHAN KHÂM
NHẠC HỒ BẢNG
TRÌNH BÀY HƯƠNG GIANG

MƯA THU - THƠ THY LỆ TRANG





 

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 63 : LỬA - ĐỖ CHIÊU ĐỨC








THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 63 : 

                                      
                                                    LỬA
                                           
                                            Inline image
                                                   Sự đời đã tắt Lửa Lòng,
                                           Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi ?

         Đó là hai câu thơ mà Thúy Kiều đã phân bua với Vương Viên Ngoại khi ông muốn nàng từ giả sư Giác Duyên để theo mọi người về quan nha để cùng đoàn tụ. Ta còn gặp từ LỬA LÒNG một lần khác trong Truyện Kiều,  khi Hoạn Thư đưa Thúy Kiều ra Quan Âm Các trong vườn nhà để đi tu, ta hãy nghe tâm trạng của Thúy Kiều khi đã xuất gia :
                                                Cho hay giọt nước cành dương,
                                          LỬA LÒNG tưới tắt mọi đường trần duyên.

         Lửa Lòng là lửa ở trong lòng , là Tâm Hỏa 心火, như Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã tả tâm trạng của nàng cung nữ khi bị thất sủng :

                                               Ngọn Tâm Hỏa đốt dàu nét liễu,
                                              Giọt hồng băng thấm ráo làn son.

                                           Inline image

        Không gọi là Lửa Lòng, Tâm Hỏa, thì gọi là LỬA TÂM, để tả ngọn lửa ghen tuông trong lòng của Hoạn Thư khi biết Thúc Sinh đã nạp thiếp ở bên ngoài :

                                               Lửa Tâm càng dập càng nồng,
                                         Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa.

       Còn LỬA HƯƠNG là từ nói gọn lại của Ba Sinh Hương Lửa hay Hương Lửa Ba Sinh theo tích sau đây :

       Trong sách "Quần ngọc chú 群玉註" có ghi lại chuyện Tỉnh Lang đi chơi chùa Nam Huệ Tự. Ở chùa, Tỉnh Lang nằm chơi một lúc đã ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ, Tỉnh Lang mơ thấy mình đi chơi đến Non Bồng. Ở chốn ấy, Tỉnh Lang gặp một ông thầy ngồi niệm kinh, trước mặt có một cây hương đang cháy dở. Do tò mò, Tỉnh Lang bèn hỏi về nguyên do cây hương nàỵ Thầy tăng bèn đáp rằng, trước đó đã có một người lên chùa và thắp cây hương này để khấn nguyện, cầu phúc. Nay cây hương vẫn còn cháy mà người ấy đã sinh được ba kiếp rồị. Kiếp đầu tiên là vua Huyền Tôn, kiếp thứ hai là vua Hiến Tôn ở đời Đường, và kiếp thứ ba là Tỉnh Lang. Nghe đến tên mình, Tỉnh Lang giật mình tỉnh giấc, lòng nửa tin nửa ngờ. Về sau, điển tích này được lưu truyền rộng rãi trong dân gian và dần dà đã hình thành nên thành ngữ "Tam sinh hương hỏa 三生香火" hay "hương lửa ba sinh" để chỉ lời nguyện có hiệu lực đến ba đời người.

                             Inline image

       Nên BA SINH HƯƠNG LỬA hay HƯƠNG LỬA BA SINH trong văn học cổ đều dùng để chỉ TÌNH DUYÊN giữa gái trai đã được định sẵn từ ba kiếp trước, như khi lỡ "Hạ công chén đã qúa say" với Thúy Kiều rồi, đến rạng ngày Hồ Tôn Hiến tỉnh rượu lại lo lắng " Nghĩ mình phương diện quốc gia, Quan trên ngó xuống người ta trông vào", nên mới ép Thúy Kiều lấy Thổ Quan với cái cớ :

                                Dạy rằng: HƯƠNG LỬA BA SINH,
                                Dây loan xin nối cầm lành cho ai.

      HƯƠNG LỬA còn để chỉ duyên nợ hay tình nghĩa vợ chồng, như trong truyện Nôm Nữ Tú Tài :

                              May mà HƯƠNG LỬA bén duyên,
                              Cũng vì mấy chữ trúc tiên thơ đồ.

       Khi chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh, để "Phỉ nguyền sánh Phượng đẹp duyên cởi rồng" rồi, thì Từ Hải lại dứt áo ra đi làm việc lớn trong khi :

                              Nửa năm HƯƠNG LỬA đương nồng,
                       Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

       Khi trở lại vườn Thúy để tìm Thúy Kiều không gặp, đến khi thi đậu làm quan vẫn không tìm gặp được Thúy Kiều. Kim Trọng những tưởng kiếp nầy đã hết trông mong gì gặp lại người xưa, nên khi "Thề xưa giở đến kim hoàn, Của xưa lại giở đến ĐÀN với HƯƠNG" để dạo lại khúc đàn xưa, thì cảm thấy :

                             Đàn cầm khéo ngẩn ngơ dây,
                      LỬA HƯƠNG biết có kiếp này nữa thôi ?

                          Inline image

       Cái LỬA HƯƠNG của Kim Trọng và Thúy Kiều đã bén từ những ngày đầu hẹn ước, để cho chàng Kim cứ "Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông". Kịp đến khi cả nhà đi mừng thọ ngoại gia, Thúy Kiều mới có dịp gặp gỡ Kim Trọng để nghe chàng trách móc :

                            Trách lòng hờ hững với lòng,
                     LỬA HƯƠNG chốc để lạnh lùng bấy lâu.

      Ta thấy khi đã yêu nhau rồi thì gái trai gì đều đắm đuối mê mẫn như nhau. Khi đã chuộc Thúy Kiều từ lầu xanh về để " Một nhà sum hợp trúc mai" cho "Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông" rồi, cụ Nguyễn Du còn hạ thêm hai câu để chỉ sự khắng khít đam mê sôi nổi hơn của đôi lứa đang yêu nhau là :

                            HƯƠNG càng đượm LỬA càng nồng,
                           Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen.

        Còn LỬA NỒNG là lửa cháy rất lớn rất nóng, do từ Hỏa Khanh 火坑 là Cái Hầm Lửa, từ dùng để chỉ các cô gái điếm sống cuộc sống đày đọa đồi trụy ngột ngạt như bị nhốt trong hầm lửa vậy, nên cụ Nguyễn Du đã gọi là “LỬA NỒNG” khi cho Thúy Kiều phân tách để Thúc Sinh hiểu được là sống cảnh lẻ mọn bị vợ lớn ghen tuông hành hạ (giấm chua) còn tội nghiệp hơn là sống đời kỹ nữ nữa :

                            Cúi đầu luồn xuống mái nhà
                      Giấm chua lại tội bằng ba LỬA NỒNG !

         Cũng là Lửa, nhưng LỬA HUỲNH thì lại đẹp mà nên thơ, lại chẳng nóng chút nào cả ! Vì HUỲNH 螢 là con Đom Đóm chỉ sáng lên trong đêm bằng cái đóm lân tinh ở phía sau đuôi mà thôi. Nhưng chỉ có những chàng thư sinh nghèo mới cần đến những đóm Lửa Huỳnh nầy. Như Cao Bá Quát trong bài "Tài Tử Đa Cùng Phú" có câu :

               Túi thanh bạch ngược xuôi miền khách địa, trăm nghìn đường chỉ nhện dệt thưa mau;
                   Đèn toan hàn thức nhắp mái nam song, dăm ba ngọn LỬA HUỲNH khêu nho nhỏ.
   
                                 Inline image

      Xa Dận, người đời Tấn, tự là VŨ TỬ. Theo Tấn Thư quyển 83 Xa Dận Truyện. Ông người đất Nam Bình, từ nhỏ đã hiếu học, nhưng nhà nghèo, ban ngày phải đi làm lụng kiếm sống, ban đêm không có tiền mua dầu thắp đèn để học. Nhân những tháng mùa hè có nhiều đom đóm, ông bèn đuổi bắt tập họp chúng lại gói trong vải mỏng để lấy ánh sáng ( gọi là TỤ HUỲNH 聚螢) mà đọc sách, sau cũng trở thành một văn học gia nổi tiếng đời Tấn. Cụ Nguyễn Công Trứ trong bài Hàn Nho Phong Vị Phú có nhắc đến TỤ HUỲNH và Chàng Vũ với câu :

                         Cần nghiệp Nho khi tạc bích TỤ HUỲNH,
                         Thuở trước chàng Khuông, CHÀNG VŨ.

      Còn trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập thì gọi là SONG HUỲNH, là cái cửa sổ có nhiều con đom đóm bay đến để soi sáng :

                         Củi quế gạo châu, kham khổ nằm chung trường ốc;
                         SONG HUỲNH án tuyết, dùi mài mến nghiệp thi thư.

                                 Inline image

      Còn trong truyện Nôm Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện thì gọi ngược lại là HUỲNH SONG 螢窗 :

                               Lưu liên khi lại HUỲNH SONG,
                          Gương nga đã gát non đông nửa vùng.
     
      Cuối cùng, ta có tích của LỬA THÀNH AO CÁ, xuất xứ từ bài văn "Vị Đông Ngụy Hịch Thục Văn" của Đỗ Bậc người đời Bắc Tề 北齊·杜弼《為東魏檄蜀文》như sau : Đản khủng Sở quốc vong viên, họa diên lâm mộc; Thành môn thất hỏa, ương cập trì ngư 但恐楚國亡猿,禍延林木;城門失火,殃及池魚。Có nghĩa : Chỉnh e là Nước Sở mất con vượn, sẽ họa lây đến rừng cây (Rừng cây bị đốn để tìm con vượn); Cửa thành bị lửa cháy, tai ương sẽ lại đến với lũ cá dưới ao (Người ta lấy nước để cứu lửa, làm cho cạn ao nước gần đó, cá sẽ bị bắt hết). Nên LỬA THÀNH AO CÁ là chỉ bị vạ lây, bị họa lan can, mà giới bình dân gọi là bị "văng miểng". Trong tác phẩm sử ký bằng văn vần Thiên Nam Ngữ Lục có câu :

                              LỬA THÀNH AO CÁ đẩy xô,
                          Nếu trai mà mắc thời cò khôn ăn.

                        Inline image

      Trước mắt, tất cả các ngành nghề trong toàn xã hôi đều bị một pha "văng miểng" lớn hơn bao giờ hết, nhất là các ngành nail, cắt tóc và các quán ăn nhà hàng... Khi dịch Covid-19 đang bùng phát lây lan trên toàn thế giới !

                Hẹn bài viết tới !

             杜紹德
ĐỖ CHIÊU ĐỨC