CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

PHIẾM VỀ CHỮ HƯ - ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 



Tạp Ghi và Phiếm Luận :  

                                 Phiếm về chữ HƯ 

                               

       HƯ 虛 thuộc dạng dữ dùng Chỉ Sự để Hội Ý trong CHỮ NHO..DỄ HỌC, theo diễn tiến của chữ viết như sau :

                   Kim Văn Đại Triện    Tiểu Triện    Lệ Thư      Dị Thể



Ta thấy :
        Phần Kim Văn Đại Triện gồm có 2 phần : Phần trên là hình tượng của một chiếc rương (hòm) được mở lên phía trên và mở xuống phía dưới; Phần dưới là hình tượng của 2 vách rương được mở sang phải và mở sang trái. Như vậy là chiếc rương đã được mở tung ra (Chỉ Sự) để cho thấy bên trong không có gì cả (Hội Ý). Nên HƯ có nghĩa đầu tiên là Không, là Trống lỏng, không có gì cả ! Nên ta có từ kép đầu tiên là :

     - KHÔNG HƯ 空虚 là Trống lỏng trống lơ, không có gì cả. Đão ngược lại là...
     - HƯ KHÔNG 虚空 là Chỉ khoảng không trống trơn không có gì cả; Nghĩa phát sinh là "Khi khổng khi không", chỉ việc làm không có chủ ý, chỉ tình cờ mà thôi, như khi thấy Thúy Kiều đi tìm cây trâm bị mất thì Kim Trọng đã đánh tiếng là :

                      Thoa nầy bắt được HƯ KHÔNG,
                   Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về.

      Khi sư Giác Duyên gởi Thúy Kiều cho Bạc Bà, thì Bạc Bà đã dùng đủ cách để hù dọa Thúy Kiều với mục đích là ép Thúy Kiều lấy Bạc Hạnh, nên mới :

                       HƯ KHÔNG đặt để nên lời, 
                 Nàng đà nhớn nhác rụng rời lắm phen.

      HƯ 虚 là Không, là Trống, nên trái với THỰC 實 là Có, là Thật, nên..
    - HƯ THỰC 虛實 hay THỰC HƯ 實虛 có nghĩa là Có và Không, Không và Có; Từ đó có nghĩa phát sinh là Phải Trái, Đúng Sai, Thật Giả, như : 

              Chuyện đó không biết HƯ THỰC ra sao ?
Có nghĩa là :
              Chuyện đó không biết Thật Giả ra sao?
              Chuyện đó không biết Đúng Sai ra sao?
              Chuyện đó không biết Phải Trái ra sao?
Còn...
      Chuyện đó THỰC hay HƯ ? là Chuyện đó CÓ THẬT hay KHÔNG CÓ THẬT ? Ta có thành ngữ HƯ HƯ THỰC THỰC 虛虛實實, THỰC THỰC HƯ HƯ 實實虛虛 là nửa thực nửa hư, nửa có nửa không; không biết là Có hay là Không, không biết là Đúng hay là Sai, không biết là Phải hay là Trái. HƯ HƯ THỰC THỰC là Có có không không, như có mà không như không mà có, đây cũng là một chiến thuật trong phép hành quân.

      HƯ 虚 là Không có thực, nên HƯ DANH 虛名 là Tên tuổi không có thật, có nghĩa là Danh tiếng không giống như là lời đồn, chỉ mang Danh Hão. Có tiếng mà không có miếng, là Hữu danh vô thực, chỉ là Hư Danh mà thôi ! Ta có thành ngữ BẤT CẦU HƯ DANH 不求虚名 là Không cần có những tên tuổi hoặc tiếng tăm hão huyền không có thật.

      HƯ 虚 là Bỏ trống, không có phòng thủ, nên ta lại có thành ngữ THỪA HƯ NHI NHẬP 乘虚而入 là : Thừa lúc người ta để trống, không có phòng thủ mà xâm nhập vào hay đem binh đánh vào. Đây cũng là một chiến lược quân sự thường được áp dụng trong hành quân hoặc điều binh khiển tướng như trong bài thơ Đánh Cờ Người của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương :

                  Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,
                  Ðem tốt đầu dú dí vô cung...

               

      HƯ 虚 còn là "Bỏ Trống Chỗ Ngồi" để cầu người hiền tài. Theo "Ngụy Công tử liệt truyện" trong Sử Ký của Tư Mã Thiên đời Tây Hán 西漢·司馬遷《史記·魏公子列傳》như sau :

      NGỤY Công Tử VÔ KỴ 魏公子無忌, tức là Tín Lăng Quân 信陵君 nổi tiếng chiêu hiền đãi sĩ của nước Ngụy, trong nhà luôn có ba ngàn thực khách đủ các hạng người. Một hôm, nghe nói có một ẩn sĩ tài danh đang là lính gát cửa Di Môn của thành Đại Lương tên là Hầu Doanh 侯赢. Ông cho người mang lễ vật đến mời nhưng Hầu Doanh không nhận. Ông bèn cho bày tiệc lớn rồi đích thân theo xe ngựa đi đón Hầu Doanh. Theo lễ tiết xưa nên ông ngồi phía bên phải, chừa ra một chỗ trống bên trái cho khách ngồi để tỏ lòng kính trọng. 
      Khi xe đến Di Môn thì Hầu Doanh không khách sáo gì cả, cứ bộ đồ lính gát cửa cũ mèn leo lên ngồi phía bên trái trên xe. Tín Lăng Quân tự mình cầm cương và tỏ ra rất kính trọng. Xe đang đi trên đường phố, Hầu Doanh lại nói với Tín Lăng Quân rằng :"Tôi có một ông bạn tên Chu Hợi 朱亥, là người hàng thịt trên phố nầy, ông có thể cảm phiền cho tôi ghé thăm một tí được không?". Tín Lăng Quân vui vẻ đồng ý. Hầu Doanh cố ý nói chuyện với Chu Hợi thật lâu để ngầm quan sát xem Tín Lăng Quân có tỏ ra bực mình khó chịu hay không; thấy Tín Lăng Quân nét mặt vẫn ôn hòa cầm dây cương đứng đợi, mới từ giả Chu Hợi lên xe. 
      Khi xe về đến phủ thì tất cả các tân khách cũng đều đang nóng lòng chờ đợi. Tín Lăng Quân cung kính mời Hầu Doanh ngồi lên ghế thượng khách và trịnh trọng giới thiệu đến mọi người. Khi rượu qua vài tuần, Hầu Doanh đứng dậy kính rượu cùng mọi người và nói rằng :"Tín Lăng Quân đây quả là người chiêu hiền đãi sĩ, biết tôi chỉ là người gát cửa Di Môn mà vẫn đích thân đến đón mời, dọc đường tôi lại cố ý muốn thăm bạn và cố ý nói chuyện thật lâu nhưng Ngài vẫn không tỏ ra khó chịu hay bực mình, quả là một người có lòng khoan dung nhân hậu. Từ rày về sau tôi nguyện sẽ lấy thân mình mà báo đáp". 
     Qủa nhiên, sau đó khi quân Tần bao vây thành Hàm Đan của nước Triệu; Bình Nguyên Quân của Triệu cầu cứu với Tín Lăng Quân của Ngụy. Vua Ngụy sợ thế lực của Tần, chỉ cho đại tướng Tấn Bỉ 晋鄙 dẫn mười vạn quân đóng ở biên giới án binh bất động để xem thời cơ. Bình Nguyên Quân nóng ruột, trách Tín Lăng Quân thất tín. Trong lúc đang tiến thoái lưỡng nan, may nhờ có Hầu Doanh bày kế trộm binh phù và cho đồ tễ Chu Hợi dùng chùy đánh chết đại tướng Tấn Bỉ, rồi đem binh đánh lui quân Tần giải vây cho nước Triệu. Hầu Doanh tự sát để tạ ơn tri ngộ của Tín Lăng Quân.


     Từ điển tích trên đây hình thành thành ngữ HƯ TẢ DĨ ĐÃI 虚左以待. Có nghĩa : Chừa trống chỗ bên trái mà đợi. Ý chỉ tôn trọng người được mời theo như lễ tiết của đời xưa. Điển tích nầy lại làm cho ta nhớ đến ba chữ HƯ TIỀN TỊCH 虛前席 là "Chừa trống chỗ chiếu ngồi phía trước mặt" trong bài thơ Giả Sinh 賈生 của Lý Thương Ẩn đời nhà Đường như sau :

                 宣室求賢訪逐臣,   Tuyên Thất cầu hiền phỏng trục thần,
                 賈生才調更無倫。   Giả Sinh tài điệu cánh vô luân.
                 可憐夜半虛前席,   Khả lân dạ bán HƯ TIỀN TỊCH,
                 不問蒼生問鬼神。   Bất vấn thương sanh vấn quỉ thần ! 
Có nghĩa :
      Tại Tuyên Thất cung  nhà vua muốn cầu người hiền tài nên hỏi thăm cả đến những thần tử bị trích biếm đi nơi xa. Trong số đó có Giả sinh tức Giả Nghị 賈誼 là người tài giỏi vô cùng. Đáng tiếc là trong lúc nửa đêm nhà vua đã rất trân trọng người hiền tài nên chừa chỗ chiếu ngồi phía trước mặt để cho Giả Nghị ngồi, nhưng lại không hỏi về những kế sách để an dân mà chỉ hỏi toàn chuyện quỉ thần không đâu !
      Nhà vua trân trọng người hiền tài là việc tốt, nhưng lại không biết dùng người cho đúng chỗ. Chả trách Giả Nghị buồn lòng mà chết khi chỉ mới có 33 tuổi mà thôi !

                   Tuyên Thất cầu hiền cả tội thần,
                   Giả Sinh tài trí giỏi vô ngần.
                   Tiếc thay chừa chỗ đêm khuya khoắt,
                   Chẳng hỏi dân đen hỏi quỉ thần !

          


      HƯ 虚 còn là Không Thực, như HƯ NGỤY 虚偽, HƯ GIẢ 虚假 là Giả dối, không có thật. Ta có nhóm từ HƯ NGỤY ĐÍCH NHỠN LỆ 虛偽的眼淚 là Những giọt nước mắt giả dối. HƯ CẤU 虛構 là Tưởng tượng kết hợp những chuyện hay những sự việc không có thật trong thế giới hiện hữu thành một câu chuyện có đầu có đuôi hẵn hoi. Ta có thành ngữ HƯ TRƯƠNG THANH THẾ 虚張聲勢 là Phô trương cái tiếng tăm thế lực không có thật để hù dọa người khác hoặc để khoe khoang. Như Sở Khanh đã khoe khoang với Thúy Kiều :

                    Rằng ta có ngựa truy phong,
                Có tên dưới trướng vốn dòng kiện nhi.

      Khoe khoang đủ thứ : Có ngựa giỏi, có người dưới trướng mạnh mẽ, mà lại rủ "người ta" bỏ trốn, quả là kế sách của một gả Sở Khanh có khác !

      HƯ 虚 là Không Thực, nhưng BẤT HƯ 不虛 là "Không phải không thực", tức là THỰC. Ta thường nghe thành ngữ DANH BẤT HƯ TRUYỀN 名不虛傳. Có nghĩa : Tiếng đồn không phải là không thực; tức là "Tiếng đồn rất thực", là Đồn sao có vậy, là Đúng như là lời đồn đại; Tiếng tăm đúng như là lời loan truyền.

      HƯ 虚 là Không tự mãn, là không vụ lợi; như KHIÊM HƯ 謙虚 là Rất khiêm nhường, Khiêm tốn, không tự mãn. TÂM HƯ 心虛 là Lòng trống trơn, không vụ lợi, không bợn nhơ. Cây tre cây trúc ngày xưa là biểu tượng của người quân tử với lời khen tặng là TIẾT TRỰC TÂM HƯ 節直心虛. Có nghĩa : Các mắt tre thì thẳng còn trong lòng tre thì trống không, tượng trưng cho khí tiết của người quân tử "Thẳng Thắn và lòng Không Vụ Lợi", là tiêu chuẩn cần có của những người cầm cân nẩy mực, những người làm quan, những quan tòa của ngày nay... Nên khi về Việt Nam chấp chánh, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã "bê" nguyên một bụi tre vào trong các con dấu từ trung ương đến địa phương, với ngụ ý là những người có chức có quyền phải luôn luôn nhớ mình là công bộc của dân chúng, phải luôn luôn giữ đúng tinh thần TIẾT TRỰC TÂM HƯ 節直心虛 không quan liêu tham nhũng để phục vụ cho quần chúng nhân dân.

             

     

     HƯ VINH 虚榮 là những cái Vinh dự hay Vinh hoa phú quý ở bề ngoài; những lời tán dương, xưng tụng đãi bôi không thực; Cái hào nhoáng ở bên ngoài chỉ làm thỏa mãn lòng ham muốn mà thôi; nên ta lại có 2 thành ngữ đối nghịch nhau là THAM MỘ HƯ VINH 貪慕虚榮 là những người thích được nghe và chuộng những cái hào nhoáng bên ngoài, và BẤT MỘ HƯ VINH 不慕虚榮 là những người không thích tán dương qúa đáng và cái vẻ xa hoa bề ngoài.

     HƯ 虚 còn có nghĩa là Yếu đuối về thể chất, như HƯ NHƯỢC 虛弱 chỉ Cơ thể yếu đuối dễ bệnh hoạn. Các bệnh về cơ thể như KHÍ HƯ 氣虛 là Hơi thở yếu ớt; HUYẾT HƯ 血虚 là máu huyết không đều, HƯ HẠN 虚汗 là Đổ mồ hôi trộm...  

     Trong văn phạm ta có những HƯ TỰ 虛字, HƯ TỪ 虛詞 bao gồm : Phó Từ 副词、Giới Từ 介词、Liên Từ 连词、Trợ Từ 助词、Thán Từ 叹词 và Tượng Thanh Từ 象声词. Cụ thể như các từ : Chi 之, Hồ 乎, Giả 者, Dã 也, Hề 兮, Yên 焉, Hỉ 矣... Như :

                 Phong tiêu tiêu HỀ... Vị thủy hàn,
                 Tráng sĩ nhất khứ HỀ... bất phục hoàn ! 

      Vì HƯ 虚 là Trống lỏng, là Chẳng có gì, là Không có gì cả... nên khi Nôm Hóa thì NÓ mang nghĩa tiêu cực hơn là tích cực. Ví dụ như ta thường nói :

                 Cái thằng đó, nó HƯ lắm !
Có nghĩa là : 
                 Cái thằng đó nó không biết gì cả !
                 Cái thằng đó nó vô dụng lắm !
                 Cái thằng đó không ra gì !
Nghĩa phát sinh :
                 Cái thằng đó nó xấu lắm !
                 Cái thằng đó không nên thân !
                 Cái thằng đó hư hỏng lắm !
         
        Từ "Không biết gì", Chữ HƯ trong tiếng Nôm còn diễn ý "Hư Hỏng", Hư việc, Hư sự, Hư hao  ... HƯ còn để chỉ những việc xấu xa, như :  HƯ THÂN MẤT NẾT và dùng để mắng người khác như : ĐỒ HƯ ĐỐN, ĐỒ HƯ ĐỒ THÚI !...

        Tục ngữ ca dao cũng có câu :

                           Con HƯ tại mẹ, cháu HƯ tại bà !
hay như :
                            Cá không ăn muối cá ươn,
                       Con cải cha mẹ trăm đường con HƯ !

                     
         Xin được kết thúc bài phiếm luận về chữ HƯ ở đây .

         Hẹn bài viết tới :
                                        HƯ CẤU

                                         

                         杜紹德
                    ĐỖ CHIÊU ĐỨC


CHIỀU TÀ QUÁN - NGUYỄN PHÚC VĨNH BA



 

CHIỀU TÀ QUÁN

1- Anh Du nhậu đều đặn, không bỏ chiều nào. Cứ tính bình quân mỗi buổi nhậu anh tốn một trăm rưỡi ngàn, cộng với tiền “boa” cho cháu năm chục ngàn, mỗi tháng anh tiêu bén đi sáu triệu bạc. Số tiền quá lớn đối với một cô/ anh công nhân tuổi đôi mươi, nhưng với anh thì chẳng bõ bèn gì. Đổi lại, anh có được niềm vui. Anh chỉ đến độc nhất một quán suốt ba trăm sáu mươi lăm ngày của năm (Dĩ nhiên trừ bớt những ngày bão lụt và kỵ giỗ trong nhà). Bà chủ quán năm mươi tuổi còn năng nổ hay đùa, gọi anh là”ông xã” làm anh sướng nức nở.
Anh luôn luôn tươi cười hạnh phúc với cuộc sống như vậy. Tôi không thường xuyên tham gia các “trận chiến” đó nhưng hay uống cà phê sáng với anh nên biết được điều đó. Bao giờ anh cũng có nhiều chuyện để kể, để tâm sự với bạn bè.
Trước hết, hôm qua nhậu với ai. Kể tên ra và kể tích tuồng về người đó. Nào đã nhậu bữa nào, nào nhậu ở đâu, nào xảy ra chuyện gì trong quá khứ với người ấy. Rồi con cái của người ấy, nhà cửa đất đai,… Sao mà anh rành rọt thế? Như một cuốn từ điển. Mà anh nhậu với đâu ít người. Kể hết đã rôm rã câu chuyện.
Tiếp đến, anh kể về bữa nhậu hôm qua, tiến trình và sự cố. Anh cười sung sướng luôn trên môi. Mặt mày tươi rói, phấn khích vô vàn. Chuyện kêu món này, món kia, ngon dở ra sao. Chuyện bà chủ ra thăm bàn bao nhiêu lần, có ai trong bàn lợi dụng hơi men đụng tay, bá vai bà chủ,…
Cái không thiếu được vẫn là về mấy em tiếp thị, mấy em phục vụ bàn khoảng hai mươi, hai lăm tuổi. Em Thu, em Xuân, em Hoa, em Tuyết, vv… hôm qua bị ai nhéo, bị ai vỗ mông, được ai boa, cười với ai, cạ vú vào lưng ai,…Nhiều thứ nữa. Em Cúc có bồ chưa, bán quán nào tuần tới, … Thật ra cũng chẳng có gì quá đáng vì còn cả năm sáu cặp mắt bạn bè trông vào giữa thanh thiên bạch nhật. Chút vớ vẩn mất nết của mấy ông già dân chơi. Tôi hỏi vặn anh, anh còn biết gì nhiều hơn về mấy em không. Anh thật thà trả lời, Tụi nó như cháu ngoại mình à. Không có chi mô. Cháu làm nũng với ông ngoại mà.
Con cái anh đều làm ăn khấm khá. Anh cũng chẳng đọc sách, lướt mạng gì, suốt một đời rong chơi. Chiều chiều bốn giờ là anh đợi điện thoại của bạn gọi. Cuộc đời anh kể cũng thú vị theo quan niệm của anh. Sau hôm nhậu tất niên cũng ở cái quán mà anh rất trung thành ấy, anh kể lại một cách thích thú:
- Con Xuân tiếp thị bia Hà Nội nó bảo tui, Ôn bảy mươi rồi mà vui ghê. Ôn liều thật.
2. Cái quán mà anh Du tuyệt đối trung thành là “Chiều tà quán” hay quán Chiều tà cũng vậy thôi. Quán vườn, cây cối nhiều, nằm sâu khoảng hai trăm mét cách đường lộ. Cái tên quán thôi đã có nhiều ý nghĩa với anh.
Một, anh đang buổi xế tà của đời người. Bảy mươi hai lận đó. Dẫu vậy, tính anh rất trẻ con, cứ vui là cười rất vô tư. Anh bảo, “Trăm năm một cõi đi về/ Làm chi mà phải nặng nề với nhau.” Bạn bè bảo anh là “Lão Ngoan đồng Châu Bá Thông” là chính xác. Cứ xúi xúi cho ngọt là anh đồng ý ngay như trẻ con. Mấy cô tiếp thị bảo “Giơ má cho cháu ngoại hun một cái” là anh hăng hắc cười kê ngay cái má ra. Mấy cô tre trẻ đó thì sá gì một cái hôn má ông lão. Đánh cái chụt mà còn được “boa” chí ít là năm chục ngàn mà. Khuôn mặt anh Du sáng rỡ lên. Cả bàn lại có dịp thư giãn thoải mái. Mai anh lại có chuyện kể lại.
Tôi ủng hộ niềm vui của anh Du. Mua một chút vui cuối mùa thôi. Con cháu mải mê cuộc sống của chúng, sao anh không có quyền có chút thỏa thích cho riêng mình? Không phạm thuần phong mỹ tục. Không tổn hại đạo đức luân lý. Không quyền lực cưỡng ép ai.
Hai, bà chủ quán cũng đã năm mươi chiều tà như anh. Phụ nữ bây giờ lâu già hơn và mập mạp hơn. Họ lại khéo làm đẹp nên bà chủ vẫn có nét duyên ngầm, anh Du bảo thế. Tôi cũng xuân thu nhị kỳ theo chân anh nên đồng ý ngay. Bà ấy ngồi bàn này mười phút rồi đi bàn khác mười phút, cứ như bác sĩ đi vi-dít bệnh nhân. Rất đều đặn và tuyệt đối không uống ngay cả bia. Bà ấy cứ đùa gọi anh là “ông xã” hẳn để câu một mối thường xuyên thôi. Không sao. Cơm ai nấy ăn, nhà ai nấy ở, cũng gặp nhau giả lả đôi câu mua bán nhân tình. Ai vô tình đụng vào người thì bà ấy cũng giả lơ.
Thế nhưng có lúc tôi thấy anh ghen. Có một buổi sáng uống cà phê với anh, anh bảo, “Mình chẳng đi cái quán Chiều tà ấy nữa, bạn ơi. Khách quen mà không hỏi một tiếng.” A, ông già nổi chướng rồi đây. Chồng người ta dẫu không sờ sờ ra đó nhưng làm bà ngoại với bà nội rồi, anh thì cũng mít lổn cồi, đòi hỏi chi nữa. Anh còn có cả mấy cháu tiếp thị bu quanh sao còn ham. Tuy nhiên, sáng nói vậy nhưng chiều anh vẫn khăn gói lên đấy thôi.
Ba, khách quán Chiều tà này toàn lớn tuổi. Khách nhỏ nhất cũng đã năm mươi. Và không hề thấy phụ nữ đến ăn. Anh bảo, không hề có cãi lộn hay gây gỗ xảy ra bao giờ. Toàn “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”. Một không khí thật an toàn. Mấy cháu tiếp thị đôi khi viện cớ thiếu ghế, ngồi đại ba mươi giây vào chân của một ông ngoại, ông nội nào đấy cũng không sao. Mà cũng chỉ thế. Say say, mấy ông ngoại lại kêu thêm món “rồng mơ” để mấy cháu la "hết rồi, chưa mua kịp” rồi ngoay ngoảy đít bỏ đi khiến cuộc nhậu thêm sôi nổi. Nói nghịch, thè què thẹt quẹt là nghề của mấy “ôn” mà.
Quán rất đông khách. Chiều nào cũng 50, 60 ông ngoại ông nội vào ra. Bia Hà Nội, bia Sài Gòn, bia San Miguel lẫn lộn nhau vì bia nào thì có tiếp thị của hãng bia đó. Mỗi ông nội, ông ngoại chăm sóc mỗi loại bia. Thế nên, bàn nhậu ở đây là “tứ bia giai huynh đệ”. Theo anh Du thì chiều nào cũng vui, cũng ngà ngà trở về nhà là đi ngủ.
3. Như đã nói, tôi thật sự cũng có đến Chiều tà quán đôi lần theo lời mời của anh Du. Tôi thích cái tên của quán này vì một lí do khác. Nó gợi tôi nhớ đến một bản nhạc ngoại quốc mà nhạc sĩ Phạm Duy đã viết lời Việt: Bản “Sérénata” của Toselli. Lời của nó như ri:
“Lắng trầm tiếng chiều ngân/ Nhạc dặt dìu ái ân/ Người ơi, nhớ mãi cung đàn, năm tháng phai tàn duyên kiếp vẫn còn lỡ làng…”
Không biết nguyên tác ra sao, chứ lời Việt của Nhạc sĩ Phạm Duy thì hết chê. Sư phụ này đặt lời nhạc tình đố ai mà qua nổi. Điệu nhạc ¾ từ từ mà nghe sao xót xa thế. Hồi còn trẻ tôi mê mẩn bản nhạc này.
Có một điều cần nói về Chiều tà quán nữa là cái tên thắt leo của nó. Ở Huế tôi nhiều quán có tên như thế: Bụi tre quán, Vườn xanh quán, Hồ sen quán… Cú pháp thì theo kiểu Hán Việt mà lại lòn Nôm như Bụi tre, Hồ sen vào. Sao không ghi là Quán Bụi tre, quán Hồ sen, quán Vườn xanh cho thuần Việt. Có ông chủ quán trả lời tôi. Ai lại bảo quán Bụi tre thì ra cái thể thống gì. Nói thế này nó mới sang, nghe như Thanh phong quán, Linh sơn quán, Quang Minh đỉnh,… bên Tàu vậy. À, thì ra thế!
“Chiều tà quán” có những chút đặc biệt của nó như tôi đã nói trên. Còn một điểm nữa: Ở đây không nói chuyện chính trị xã hội. Có lần không biết vì ít tham gia, tôi nói cái thằng cha Gadaffi bị giết trong ống cống rồi. Anh Du gạt ngang:
- Cậu này mệt quá! Hắn bà con chi với cậu mô. Cấm nói.
- Sao anh khó tình thế? Tôi nhỏ nhẹ nói lại.
- Biết lão phe ai không? Cậu vác vào thì nặng đầu. Thư giãn sao được.
- Rứa nói cái chi đây? Tôi ngoan cố cãi lại.
- Nói chuyện tào lao xịt bộp mà cười là được.
He he! Tôi cụt hứng. Mấy ổng này say sưa đều đặn nhưng có phải là không biết cái chi mô. Loại này là giả điếc đây. Thế thì không nói nữa. Song le, thẹt quẹt như mấy ổng sao tôi bưa quá. Núp cho chắc hè.
Có lần người bạn “meo” cho tôi một bài viết của bà kỹ sư Việt kiều Dương Nguyệt Ánh. Bà này hình như hiện làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ đó. Bà Ánh kể ông chồng già của bà, e cũng khoảng như anh Du, rất thích xem ảnh và clip sex. Có được cái nào là đám bạn bè của mấy ông toán loạn gởi cho nhau xem, bàn luận sôi nổi trong âm thầm với nhau. Bà biết, bà bảo, “Cũng bình thường thôi, con người mà. Mấy ông già rồi, thư giãn trong những năm cuối đời, sau khi xong bổn phận với xã hội, gia đình. Không nên nghiêm khắc quá.”
Tôi liên tưởng ngay đến anh Du và thoáng nghĩ là bà Ánh nói cũng có lí đấy.
4. Những thực khách ở quán Chiều tà kinh tế đều khá giả và có học thức. Họ đều sống qua hai chế độ. Tất nhiên những vết hằn của năm tháng đầy biến động của đất nước ta còn in sâu trong tâm thức họ. Con cháu họ nay đều ăn nên làm ra hay tạm gọi là tự lo thân được. Ngày trước họ đều là viên chức hay người kinh doanh buôn bán đàng hoàng. Có người có được khá nhiều đất đai, nay bán đi một ít đã lắm tiền; có người nhà ở thành phố cho thuê mặt tiền đã đủ ăn tiêu; có người khác con cháu là Việt kiều tháng tháng chu cấp cho bố mẹ. Cơ bản là họ lại đều có hưu, có bổng để chi dụng thường nhật nữa. Vì thế, phải nhìn nhận rằng chẳng thể nói đây là một tệ nạn. Tôi thiết nghĩ có lắm cái thật tầm phào ở cuộc đời này mà chẳng thể xếp theo một phạm trù đạo đức nào. Mê gái thì sao? Cái nghề kỹ nữ nó có từ thời Bàn Cổ và kỹ viện có mặt khắp thế giới. Xưa nay sống nghệ sĩ nhân tình lung tung còn xem như nét hào hoa của nam giới. Ăn nhậu thì sao? Lý Bạch từng nói, “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch/ Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh – Xưa nay thánh hiền đâu ai biết/ Duy người uống rượu tiếng đồn vang”. Bây giờ thì trẻ già lớn bé trai gái gì gì cũng “dzô dzô” tóa lọa tràn đìa ra đấy. Còn ưu dân ái quốc ư? Họ xin làm một người bình dân âu cũng chẳng nên “nghiêm khắc” quá đáng với họ. Thật là khó nghĩ về chuyện các “ôn” 70 này. Lòng tôi cứ lưỡng lự, một mặt thấy nó không ra răng, một mặt thấy nó cũng không đáng tội.
Có một cái hay của các “ôn” 70 này là rất lương thiện và hào hoa. Không tham ô nhũng lạm, không ăn hô nói thừa, không đập bàn phá quán. Cũng có những cơn nóng giận bất chợt nào đó.
Anh Du kể:
- Tay Hòa bây giờ đằm rồi. Hôm trước lâu, hắn bẻ gần 20 đôi đũa, rồi vất lung tung. Còn định xáng mấy cái dĩa. Mình la cho một trận cũng biết sợ. Mấy o tiếp thị là chim trời cá nước, hắn có dám đem về nuôi không mà ghen.
- Ghen răng? Tôi hỏi lại.
- Hẹn ăn sáng rồi đi ăn với người khác đó.
- Mấy anh dư tiền, làm từ thiện không đúng chỗ rồi.
- Đúng làm quái gì. Chỗ nào là đúng? Tao thấy cho mấy đứa tiếp thị ăn là tốt nhất. Chúng bỏ vào mồm, khỏi ai ăn bớt ăn xén. Ít ra cũng giúp cho mấy đứa một chút để chúng có sữa cho con bú. Tụi nó no thì cười vui vẻ với mình mới được chứ.
- Tui thấy anh cũng có khi ghen đó. Nhưng dịu dàng hơn.
Anh Du đỏ mặt, nín lặng một hồi lâu rồi nói:
- Già rồi lại hóa con nít. Một chút gì đó làm chỗ bíu cho kiếp phù sinh này.
Tôi chịu thua cái lí luận của mấy ôn này, nhưng không thể đi theo họ được. Có mấy lí do: thiếu tiền, thiếu sức khỏe, thiếu thời gian.
Tôi lại mê chuyện xã hội hơn, thích bàn tán các chuyện chữ nghĩa hơn. Một bài báo trình bày mạch lạc, có lập luận khoa học, có tính cách xây dựng và mở rộng sự hiểu biết chắc chắn làm tôi say sưa. Thế nhưng phải thành thật mà nói, cuộc sống hiện nay được cổ vũ việc hưởng thụ vật chất nhiều hơn, việc có ý kiến này nọ về đời sống xã hội được hiểu như là gây mất ổn định thì làm anh hùng Núp như các anh cũng dễ hiểu. Lắm khi con người bình thường không bơi ngược được giòng thị hiếu, giòng “chính thống”.
Thôi, nhân tâm tùy mạng mỡ, tôi cũng không dám trách ai. Mỗi người mỗi tính mà.






5. Sáng nọ, mới ngồi vào ghế, chưa kịp kêu cà phê, tôi đã nghe anh Du nói:
- Chai Chivas 21 hôm qua ngon thật.
- Ngon rứa mà còn kêu thêm cả chục lon Heineken, không say mới lạ, anh Hồ đệm vào.
Anh Du nói tiếp:
- Nhưng nó không đằm bằng chai Hennessy hôm thằng Nguyên đem ở Mỹ về. Rượu Mỹ có khác.
- Còn chai Cordon Bleu uống ở nhà anh Biên thì răng? Anh Hồ nói,
- Ngon lắm, nhưng lần sau không kêu cha Mai đi nghe. Rượu ngon mà uống tào lao nó phí. Cha Mai cứ kéo bè, kéo lũ thêm mấy tay khác. Làm hư đội hình.
- Tánh anh Mai là vậy. Anh cũng vui đó chứ.
Anh Du cười hì hì:
- Mà này, cha Mai hồi trước ở Bộ Chỉ Huy với tui đó. Tui không hạp cha đó. Bây giờ, mấy đứa con trúng đất đai mô trong Nam nghe nói giàu lắm, nhưng cha này cứ cái thói uống ké.
Anh Du bỗng cắt ngang nói sang chuyện khác:
- Con Tuyết Heineken bữa nớ ăn nói bạt mạng, vui quá sá. Nó nói, “Mấy ôn chầy bánh bèo còn được không?” Con ranh mương thật.
- Thì công lao của mấy anh dạy dỗ chứ ai vào đó.
- Tụi nó dạy mình chứ mình dạy chi nổi tụi nó.
Quanh quẩn vẫn thế. Tôi đâm ra quá ngán, ngồi dài mặt ra. Bỗng anh Du quay qua tôi nói:
- Cậu ở nhà quá khỏe.
- Đi cho bị mấy anh la à? Tôi đáp.
- Thì lỗi tại cậu. Chuyện toàn láo bịp cả mà cậu cứ tin như thật. Báo đài à? Không tin được. Nói xuôi cũng được nói ngược cũng xong. Cái tụi phát thanh viên cũng tội, bảo chi thì phải đọc nấy thôi. Chống tham ô lãng phí sao mà cứ lãng phí tham ô ào ào cậu không thấy sao? Cậu có biết tờ báo nào bán đắt nhất nước ta không. Mấy tờ thể thao bóng đá đó. Khỏe cái óc. Vô tư mà khen MU hay Arsenal, khỏi bị quy kết, lừa gạt chi cả.
- Mô mà bi đát rứa anh? Tôi cố chống chọi.
- Hi hi, đôi khi cả một nước còn bị thí như chốt nữa đó. Cậu cứ nghe theo mấy cái chiêu bài rao giảng nơi cửa miệng là trật lất hết. Thầy chùa mà còn mua két sắt cất vàng với đô la thì hết chuyện nói rồi.
Thua. Tôi chịu thua rồi. Anh Du thật ra còn hiểu biết nhiều hơn tôi xa.
6. Trời mưa lất phất, tôi ngồi cà phê một mình ở quán Boniva, nhìn mông ra cái hồ nước đặc sệt cả bèo. Bỗng có cả khối thịt mềm áp vào vai tôi. Một giọng nữ dịu dàng hỏi:
- Ôn biết ai không?
- Nói tộng tộng rứa mà còn đố? Ngồi xuống đây, o Tuyết Heineken ơi!
Tuyết ép mạnh ngực vào lưng tôi, nói:
- Thích không?
- Thôi, o ơi! Ngồi xuống không người ta họ thấy tề.
- Cảnh sát thuần phong mỹ tục thấy cũng chịu thôi. Em trong y ngoài ống kín mít mít, với lại con cái nhà cửa đàng hoàng chứ có như mấy cô phương xa ra đây kiếm ăn mô.
- “Mụ mọi da đỏ” thấy mới rách việc o nờ.
Tuyết ngồi xuống ghế đối diện. Tóc huyền xả ngang vai, áo pull đen làm nền cho nước da trắng mịn. Mưa bay bay sau lưng. Xa xa, tre pheo lả lơi theo gió. Tuyệt.
Tôi hỏi bâng quơ:
- Không đi làm à?
- Bốn giờ chiều mấy ôn mới lên quán. Đi chi cho sớm.
- Kiếm đủ sống nuôi con không?
- Mấy ôn sống nhờ lương, còn tụi con thì sống nhờ boa mà.
- Sống nhờ lương? Chu cha! Bữa ni cũng học đòi nói lái.
- Lái chi? Bốn giờ đến, mười giờ về, kiếm năm chục ngàn tiền bia, chí ít hai trăm ngàn tiền boa, một tháng gần tám triệu đó. Con ôn tốt nghiệp kỹ sư còn thua xa nghe.
- Nhưng lâu dài hơn, tôi biện bạch.
- Biết mai răng mà ôn nói lâu dài. Em có cái bằng tốt nghiệp phổ thông mà dạy con lớp Hai cũng không nổi. Ri là ngon lắm rồi.
- Còn hạnh phúc cá nhân o thì sao?
- Ma quỷ! Ôn không hiểu cái thời ni mô. Mà này, em thích ôn nhứt đó.
- Đừng giỡn. Hết chuyện nói rồi phải không? Tôi phản đối lấy lệ.
Tuyết cười ha ha rồi nói:
- Ôn kể chuyện tiếu lâm hay. Với lại, không thè què thẹt quẹt.
- Tui tiền mô mà “boa” cho mấy o. Ngồi yên cho khỏe cái tuổi già. Mấy ôn khác thì răng? Quậy lắm không?
- Rứa đó! Có chi mô mà quậy. Có ôn ngoại mô “chầy bánh bèo” nổi mô. Mua vui bán buồn đôi chút mà. Ngồi với mấy ôn còn vui hơn ngồi với mấy thằng cha cán bộ, nghe chuyện ông này bà nọ phát ớn.
- Mấy ôn cũng mất nết hí?
- Tụi em không đứa nào nghĩ rứa mô. Không học nhiều như mấy ôn nhưng không đến nỗi u mê quá đâu. Tụi em toàn là đụi vô mấy ôn để lấy tiền mà.
Tuyết năm ni hai tám tuổi, ở với mẹ và đứa con học lớp Hai. Chồng là ai không nghe nói. Mấy ôn ngoại thường chiếu cố Tuyết vì ngực Tuyết lớn. Đàn ông mà, thích mấy cái tào lao.
Khi về, Tuyết cứ giành trả tiền. Tuyết nói:
- Ôn lên quán uống chơi! Không lấy tiền “boa” của ôn mô. Thích ôn mà. Ưu tiên một đó.
7. “Uống phê phê rồi leo lên xe rú máy chạy gấp về nhà rất nguy hiểm. Xe chạy nhanh mà mình cứ tưởng nó chạy chậm”, anh Du thường nói vậy. Anh còn kể mấy lần chạy theo anh Hồ kêu ơi ới, bảo “trước sau cũng thấu nhà, chạy chi mà nhanh rứa”. Ai ngờ đi đêm có ngày gặp ma. Chính anh lãnh đủ. Một hôm, anh từ quán Chiều tà ra về. Mới hơn bảy giờ thôi, trời đã tối dù ánh đèn điện từ mấy nhà trong xóm đã hắt ra loáng thoáng trên hẽm. Thay vì chạy thẳng ra khỏi cái cổng đầu đường rộng hơn ba mét, anh đụi thẳng vào cột trụ bên trái, bổ nhào xuống đất. “Bà xã” và mấy cháu ngoại nghe cái đụi, hoảng hồn chạy ra. Gãy một chân, máu chảy đầm đìa, hôn mê bất tỉnh. Xe cứu thương “bị chi, bị chi” tức tốc chở tuốt qua bệnh viện Trung ương.
Tôi là người biết chậm nhất và chỉ nghe Tuyết kể lại như thế. Hai ngày sau khi anh Du bị nạn, Tuyết đột ngột gọi điện thoại cho tôi:
- Ôn rảnh không? Đi thăm ôn Du!
- Răng rứa? Đau ốm chi mà đi thăm.
- Ôn không biết chi cả à? Nói rồi Tuyết kể lại đầu đuôi câu chuyện.
Nghe xong, tôi đáp:
- Ôn ni vợ mất hơn mười năm rồi cũng kẹt hè. Con cái phần lớn lại ở xa. Mà răng mà o lại rủ tui? Rứa ngó chi được. O đi với ai đó cho rồi. Tui đi sau hí.
- Nổi chướng rồi à? Chảnh vừa vừa cho với!
- Chướng chảnh chi mà chướng chảnh. Mấy chục y tá, bác sĩ là học trò cũ của tui làm việc bên đó. Khoa mô cũng có. Giữ xe cũng người quen. Đi với o cho “mụ mọi da đỏ” nó gọt đầu tui à. Tôi phân bua.
Tuyết nhì nhằng:
- Em với ôn chẳng có chuyện chi hết. Đi thăm bệnh chứ rủ ôn đi biển mô nờ. Sướng sung chi mà dắt nhau qua đó.
- Tội quá o ơi! Nói không được là không được. Ai hiểu cho tui với o không có chi. Cái xứ Huế ni nó nhỏ như cái bàn tay. Chưa vô bệnh viện đã gặp người quen. Giỡn mặt là chết le lưỡi đó.
- Rứa em đi với ai?
- Rủ “bà xã” anh Du đi, không thì kêu mấy đứa tiếp thị khác kìa.
- “Bà xã” đi với chồng qua thăm rồi. Tụi nó cũng đi hết, chỉ còn cái con trôi sông lạc chợ ni thôi. Ui chao, sao ôn nhát gan quá rứa! Cứ nói với vợ là đi thăm bệnh. Ban ngày ban mặt sợ cái chi. Đi nhậu thì răng? Đúng là không có gan.
- Gan mô nữa. Tui bị teo gan lâu rồi. O coi chừng lây đó. Chuyện của o, o tự lo lấy.
Nói xong, tôi cúp máy ngay. Ì èo với Tuyết là không xong dù tôi đã ra sau vườn để trả lời điện thoại.
Khi tôi qua bệnh viện, vào khoa Thần kinh thì anh Du đã tỉnh hơn một ngày rồi. Ăn uống bình thường có điều cái chân bị bó bột và phải ở lại vài ba hôm nữa để kiểm tra gì gì đó. Cũng may cho anh thật. Anh bảo ci-ti não cho thấy không tổn thương, không ứ huyết, chỉ bị chấn động và choáng do uống vừa bia vừa rượu quá nhiều.
Anh tỉnh táo, nhìn tôi cười hì hì:
- Số mình còn dài, không chuyển hộ khẩu được, cậu ơi.
- Nổ dữ ha! Số anh may mắn thiệt đó.
- Kẹt cái chân phải bó bột đến mấy tháng. Nằm nhà e khô miệng, nứt da, với nhớ “bà xã” với cháu ngoại.
- Chưa chừa hả? Mà này, nghe nói “bà xã” khóc bù loa bù lóc phải không?
- Cậu mệt quá! Phụ nữ nó thấy mình nằm thẳng ngay đơ, máu me đầm đìa e nó sợ, nước đái chảy ướt cả quần nữa chứ khóc thương chi mình.
- Thiệt không? Cũng hạnh phúc đó! Tôi nói ghẹo anh Du.
Nhìn qua chiếc bàn nhỏ bên giường thấy đùm đề cam quýt chuối sữa, tôi chọc tiếp:
- Mấy đứa con anh bới xách chi mà nhiều rứa?
- Con mô mà con. Con cái mình thì chúng đi tay không, dét vài “chai” cho ba là được. Tụi cháu ngoại đó. Tụi nó rứa mà có tình có nghĩa lắm.
- Tình chi mà tình. Anh “boa” mấy lâu ni, chừ kiếm chút cho lại vốn.
- Cậu răng mà nói đoảng.
- Tui cũng đi tay không nghe. Chở củi chi về rừng. Bớt bớt uống cho với!
- Cậu tức cười. Không uống thì làm chi đây? Bộ mở TV mà xem bọn cà lăm chúng nó cà lui cà tới à?
Một cô y tá ghé vào. Thấy tụi tôi lớn tiếng nói chuyện vui vẻ, cô bảo:
- Mấy ôn ngoại ơi, nói nho nhỏ cho các bệnh nhân khác nghỉ ngơi.
Cô y tá đi ra khỏi cửa. Tôi nói với anh Du:
- Ở đây cháu ngoại có thiếu gì, cháu mô ngó cũng dễ thương. Ôn tha hồ mà boa hí.
- Cậu thật quá đáng! Ăn có nơi, chơi có chốn mà.
8. Anh Du bị nạn mà hóa hay. Nhẹ thôi và có chuyển biến tốt cho anh. Theo quán tính, về nhà rồi chiều chiều là anh muốn đi nhậu. Chiều tà quán vẫn đông khách, vẫn sôi nổi trong trí tưởng của anh nhưng cái chân nó níu anh nằm nhà. Không có ai chơi, anh gọi điện thoại rủ tôi vào nhà. Tui thì rảnh rang, đâu có bị mắc míu trên cái quán vắng mà xôn xao đó.
Tôi vào đến nhà, anh mừng rỡ quá sức:
- Bia mồi cho cậu đầy đủ. Mình nhắp nhắp một tí thôi. Uống nhiều bác sĩ la.
- Thì tui cũng nhắp nhắp như anh thôi. Sức mỏn rồi.
- Làm bộ quá cậu ơi! Sức cậu còn khá lắm.
Ngừng một chặp rồi anh nói tiếp:
- Sao ngày nó dài quá? Nhìn ra nhìn vô thấy cái vách, cái cửa ngán quá.
- Anh lên mạng đọc báo đi. Nhiều cái hay lắm. Tôi đề nghị.
- Khổ cái là mình trình độ vi tính như vịt chặt chân, còn thua mấy đứa cháu nội.
- Khỏi lo. Sẵn máy của tụi cháu, tui làm sư phụ cho anh mười lăm phút là xong ngay!
- Cậu thì giỏi đùa. Mình cái điện thoại cũng chỉ nghe với nói thôi. Già rồi não nó cùn như cái chổi rành ba năm.
- Mệt quá anh ơi! Kéo cái ghế qua đây, tui vẽ cho.
Anh Du lắc đầu quầy quậy:
- Từ từ. Mai mốt cũng được. Chừ nói chuyện cái đã.
- Chuyện chi? Anh với tui có chi mà nói gấp rứa? Bà dẽm mãi cũng chán.
- Con Tuyết Heineken nó mê cậu thật rồi.
- O Tuyết hay mụ Vĩnh hay o mô cũng bỏ hết. Sắp lên nóc tủ ngồi rồi. Vướng chi tục lụy thêm nặng gánh.
- Cậu buồn cười. Không nghe anh Biên nói à, “Trần gian không có đàn bà/ Nhà cao cửa rộng cũng là như không”. Sướng rứa còn chê.
- Tui còn bộ xương nấu cao đây, định bán cho trường Y khoa làm mô hình để sinh viên thực tập. O Tuyết tâm thần răng mà ngoái tới tui?
- He he. Rứa mới là tình yêu.
- Quỉ ma chứ yêu tinh chi. Tụi nó phơi đùi ra, phơi ngực ra là anh thòm thèm, rồi gọi đó tình yêu hả?
- Ừ, cái xã hội chừ cũng lạ. Hồi mình thanh niên, đố mà thấy được cái đùi con gái. Chừ mới mát trời là đùi và vú phơi khắp phố khắp phường. Đúng là thời đại phơi đồ. Già trẻ chi cũng hư đốn hết.
Mấy ngày sau, tôi cũng thuyết phục được anh Du ngồi vào ghế, lướt web. Tập đi tập lại vài thao tác đơn giản như vào Google, Bookmark, Search,… anh đã tự tìm kiếm được thông tin anh ấy cần. Anh có vẻ bắt đầu thích đọc. Anh dặn dò tui:
- Té ra cũng dễ hè. Tìm chi được nấy mà mấy cái trang ni có bị cấm không? Đừng cho tui bị còng số tám cùm tay đó. Thiệt nhiều cái quá lạ hè.
- Không ai dòm anh mô. Gần tám bó như anh cứ tha hồ mà đọc.
Tui nói đại cho anh Du yên tâm. Song cái quán tính ăn nhậu vẫn quấy rối anh. Anh vẫn trông cho cái chân tháo bột để lên lại Chiều tà quán, thăm “bà xã” với mấy cháu ngoại. Thỉnh thoảng, mấy cháu ngoại cũng về thăm anh. Anh lại boa như đi nhậu. “Cất mai ăn sáng nghe” anh nhét vào tay cháu ngoại. Tôi ghẹo anh “ Ui chao, già mà còn mê gái!”
Nói vậy nhưng tôi đoán già đoán non rằng anh ném tiền cái kiểu này để tự lấy lại niềm tin rằng chí ít mình cũng giúp ích được một ai đó. Con người thời nay bơ vơ lạc lõng, mất phương hướng sống hoàn toàn. Họ có kinh tế nhưng họ phá sản về tâm linh. Họ trở thành fan bóng đá, fan bia, fan đốt giấy, fan chùa đình, fan thần thánh,… để tìm lấy một chỗ dựa tinh thần khi mọi giá trị đã đảo lộn tùng phèo như rác trước gió. Làm cái gì đây cho có ý nghĩa là vấn nạn cho mọi người.
Dẫu vậy nói thật tình, anh Du đã thay đổi cái nhìn khá nhiều. Ngày nào, anh cũng lên mạng. Một hôm anh nói với tôi:
- Lâu nay mình chỉ biết một nửa sự thật. Thế giới người ta quá văn minh mà dân mình chỉ loanh quanh mấy chai bia và nổ banh xác nhau. Nhậu riết nó đờ đẫn con người, cậu ạ. Cái vận mệnh của dân ta mạt rệp nên hít khói xe người ta mãi. Đi tắt đón đầu cái cóc khô họ!
Thôi thì Chiều tà quán một bên, lướt mạng một bên anh Du à.
Lão Ngoan đồng ơi, trong cái rủi của anh có cái may hí. Que sera! Biết ra sao ngày sau.

Tháng 6/2013
N P VĨNH BA