CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

ANH SẼ ĐẾN -THƠ ĐỖ ANH TUYẾN


Tuyen Do Van
21:19, Th 4, 27 thg 6 (2 ngày trước)
tới tôi






ANH SẼ ĐẾN
.
Anh  sẽ đến bên bờ mơ mộng ấy
Đợi chờ em mang một chút yêu thương
Lòng sẽ ấm dù nắng chiều sẽ tắt
Bởi yêu em, anh sẽ thấy thiên đường
.
Anh sẽ cố đặt tên từng hạt cát
Vướng chân mềm theo mỗi bước em qua
Sợ sóng biển sẽ vô tình xoá mất
Dấu yêu thương với hạnh phúc ngọc ngà
.
Anh sẽ gọi cả trăm làn sóng biếc
Mang vào bờ một biển cả tình anh
Em sẽ hiểu một điều em chưa hiểu
Anh yêu em hơn biển rộng trời xanh
.
Em sẽ đến hay là em chẳng đến
Để mỗi chiều anh lại bước lang thang
Nhìn mây trắng ửng hồng trong chiều tím
Mơ về em và cả một thiên đàng.

*
ĐỖ ANH TUYẾN

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

ĐỌC THƠ TÌNH, LÒNG NGƯỜI XA QUÊ - THƠ THỦY ĐIỀN


Tran Van Mau
08:18, 27 thg 6, 2018 (1 ngày trước)
tới tôi

Chao chi
Cho em goi it bai tho nhe
Thuy Dien





Kết quả hình ảnh cho ảnh chàng trai đọc thơ tình




ĐỌC  THƠ TÌNH


Ngồi buồn giở quyển thơ tình
Đọc bài thơ nhỏ. Hỏi mình? Mà ghen
Phận ta sao quá thấp hèn
Đi, về chẳng thấy ai thèm đón, đưa
Gió mưa thì mặc gió mưa
Một thân thui thủi sớm, trưa một mình
Người ta sao quá thâm tình?
Bước ra khỏi cửa kẻ nhìn, người trông
Muốn theo kề cận bên lòng
Dìu nhau đi giữa phố đông lắm người
Tay choàng, tựa má cười vui
Bên nhau như cặp bạn đời thật xinh
Xuân sang hái nụ tầm xuân 
Hè về bẻ phượng làm duyên người tình
Thu bay từng giọt trắng tinh
Đếm từng lá rụng trên cành đang rơi
Tuyết đông ngồi đốt nến khơi
Kể về dĩ vãng một thời đã qua
Đêm buồn ngồi đọc......thở ra
Sao ta cứ mãi vào- ra một mình
Giá như đẹp; giống thơ tình
Đời. Ôi ! Sung sướng vô cùng biết bao.

25-06-2018



LÒNG NGƯỜI XA  QUÊ



Nầy ai.......! Mai có về, cho ta nhắn gởi
Chút tấm lòng con Việt xa quê
Ngày ra đi có hứa, hẹn thề
Sẽ trở lại, dù thân tàn ma dại



Nhưng. Ngày ấy vẫn còn xa mãi
Tính đến nay đã nửa cuộc đời
Có về đâu, vẫn .....tựa xứ người
Bao hò hẹn tan theo mây khói



Nầy em ! Mai có về phố nội
Xin gởi giùm một chút tình anh
Thăm Sài-gòn phố xá, thị thành
Nơi một thở chôn nhau, cắt rốn



Nơi anh đã một thời đưa, đón
Cô học trò áo trắng nữ sinh
Nơi chốn xưa anh biết chữ "Tình"
Nơi anh đã một lần dang dở



Nầy em ! Mai có về nhớ ngang qua ngõ
Em hãy dừng trước mái nhà xưa
Dù ngôi nhà cột nát, vách thưa
Đừng quên nhé. Chút lòng....viễn xứ.



THỦY ĐIỀN

26-06-2018


Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

SINH NHẬT CỦA CÂY ĐÀN , NHẠC & LỜI PHAN NI TẤN









SINH NHỰT CỦA CÂY ĐÀN
NHẠC & LỜI PHASN NI TẤN
HÒA ÂM ĐỖ THẤT KINH
TIẾNG HÁT NGỌC HUY


“MỘT RẺO CHIỀU” thơ CA DAO NT – BỨC TRANH ĐẸP LỒNG TRONG CHIA LY BUỒN- CHÂU THẠCH


van tran
Tệp đính kèm
05:12 (13 giờ trước)
tới tôi




Ảnh tác giả CADAO



MỘT RẺO CHIỀU

Tôi: chiếc lá
Em: chiếc lá
Bạn bè: từng chiếc lá 
Một khoảnh rừng đã xanh trong nhau
Và thế đó, gió về ru ta hát
Vầng trăng non ngả ngớn lướt qua đầu

Ngày mải miết 
Rồi thu về lá rụng
Miền thênh thang cũng phải úa mất rồi
Vàng chín nẻo trăng chìm đêm nguyệt tận
Lời chia xa lá rụng tới mềm môi...
CA DAO NT


Lời Bình: Châu Thạch

Đọc “Tôi: chiếc lá/ Em: chiếc lá/ Bạn bè: từng chiếc lá/ Một khoảnh rừng đã xanh trong nhau” ta như lập tức thấy trước mắt một bức tranh đẹp và sống động. Mỗi linh hồn con người là một chiếc lá xanh thắm và mỗi chiếc lá đại diện cho một linh hồn con người trong khoảnh rừng xanh thắm ấy là hình ảnh của sự sống bình an, hạnh phúc, êm đềm và quyến luyến biết bao.

Những câu thơ trên đây ngắn gọn, thật là bình dị, bình dị đến độ tưởng không phải là thơ nhưng ngược lại nó là “vô thơ”, nghĩa là ở trình độ làm thơ không còn bị gò bó bởi luật làm thơ nữa. Nhà thơ vừa dùng phương pháp tưởng tượng người thành lá, vừa nhân cách hóa lá thành người, khiến cho sự suy nghĩ tưởng như ngộ nghĩnh của một em bé lại phát họa một góc thiên đường đầy sự thân ái trong cuộc sống. Câu thơ “một khoảnh rừng đã xanh trong nhau” với cụm từ “xanh trong nhau” hình dung hoàn toàn sự hài hòa, sự đồng cảm của mỗi cá nhân sống trong xã hội đó. Tuy thế, nếu những câu thơ trên không có những câu thơ dưới đây chắp đôi cánh cho nó, thì nó hoàn toàn không thể bay lên cao được:

Và thế đó, gió về ru ta hát
Vầng trăng non ngả ngớn lướt qua đầu

Hình ảnh lá và rừng tuy có đẹp nhưng vẫn khô. Sự sống của lá và rừng trở nên đầy ý nghĩa, đầy thi vị khi “gió về ru ta hát” và khi có “Vầng trăng non ngả ngớn lướt qua đầu”. Hai câu thơ đã mô tả cái xã hội có tôi, có em và bạn bè hoàn toàn trong cái nhìn thẩm mỹ của tác giả, vừa văn hóa với ngọn gió đưa về, vừa lạc thú bởi tiếng hát và vừa nên thơ bởi trăng ngả ngớn ở trên đầu.

Cái xã hội ở khổ thơ trên đẹp vô cùng và thánh thiện như trong mơ. Tưởng nó sẽ mãi mãi như thế. Mà thật ra, nếu nó mãi mãi như thế thì bài thơ không còn hay mấy, bởi nó chỉ phát họa một khung đời bình an, thơ mộng thì không làm cho cảm xúc trong con tim người thăng rồi trầm theo nhịp sống được. Bởi vậy nhà thơ đã cho mây kéo về khung trời ấy, cho gió lạnh về và cho lá úa vàng, rồi từ từ rơi rụng hết:

Ngày mải miết 
Rồi thu về lá rụng
Miền thênh thang cũng phải úa mất rồi
Vàng chín nẻo trăng chìm đêm nguyệt tận
Lời chia xa lá rụng tới mềm môi...

Lá rụng có nghĩa là bạn bè chúng ta rụng, rồi em sẽ rụng và tôi cũng sẽ rụng. Khổ thơ quá buồn được đặt ngay đưới một khổ thơ mượt mà bởi hanh phúc. Nhà thơ như một nhạc công tài hoa xuống tông rất bất ngờ một bài ca, khiến cho mọi trái tim người nghe khựng lại rồi dòng nước mắt tuôn trào. Bạn đọc thơ có lẽ không khóc, nhưng biết đâu có bạn nữ nào đó ngồi suy nghiệm rồi cũng rơi nước mắt bây giờ. Tác giả dùng các câu thơ “Miền thênh thang cũng phải úa mất rồi/ vàng chín nẻo trăng chìm đêm nguyệt tận”khiến cả khung trời vừa mới xanh tốt đó trở nên thê lương đến độ, chìm hết trong bóng tôi tận cùng. Câu thơ “Lời chia xa lá rụng tới mềm môi” đem đến một nỗi buồn triền miên và thê thiết. Người ta thường nói “uống rượu mềm môi” vì chữ “mềm môi:” chỉ sự đã thèm, thỏa thích. Thế nhưng tác giả dám dùng nó để chỉ nỗi buồn vì không có từ nào hay hơn chữ “mềm môi” trong câu thơ nầy. Người uống rượu uống mãi, uống mãi đến mềm môi làm tê tái cả cơn say. Người chia tay lá rụng trong thơ cũng nói mãi, nói mãi trong tâm trạng u sầu làm tê tái tâm cang. Cả hai đều tê liệt cảm xúc của mình.Hai người không khác gì nhau, khác chăng chỉ là ở cai lý do và tâm trạng khác nhau của sự mềm môi ấy mà thôi.

Bài thơ “Mổt rẻo chiều” ngắn, gọn, đem đến cho người đọc một cảm xúc thăng hoa rồi một cảm xúc buồn thê thiết. Đây không phải là một bài thơ triết lý sâu xa nhưng là một bài thơ cho ta cảm nhận sự sống vô thường. Tác giả đã thiết lập những hình ảnh cụ thể nhưng lại lung linh, đưa những chiếc lá xanh tươi và làm cho nó vàng đi, rồi rơi rụng rất đẹp nhưng cũng rất buồn trong mắt, dẩn người đọc thơ vào một bức tranh rừng cây tuyệt đẹp để rồi lập tức lồng nó vào khung u sầu bới vô vàn lá rụng, làm cho người đứng đó tuy ngỡ ngàng mà thú vị, bởi sự quyến rũ của thơ có cả trong sự rơi u sầu của lá./.

CHÂU THẠCH

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

VĂN TẾ ĐÔNG HẢI LONG VƯƠNG - LANG TRƯƠNG


Langtruongdaosi
18:45, CN, 24 thg 6 (1 ngày trước)
tới tôi








VĂN TẾ ĐÔNG HẢI LONG VƯƠNG

          Lang Truong ta vân du qua đông hải, gặp Long Vương kéo chéo áo, níu tay. Đã biết ngài lâm trọng bịnh hai tháng nay, tưởng đã khỏi ai dè quy tiên thiệt. Không đành dạ nhìn ngài thê thảm thiết, viết bài văn tiễn biệt bạn cố tri. Đông Hải ơi quẳng gánh nhẹ nhàng đi, phận đã mãn quyến luyến chi miền trần thế.

      Than ôi !
Đất thảm trời sầu
Bờ hoang biển vắng
4000 năm anh linh vùng vẫy, cưỡi ba đào gọi gió hô mưa
Một thời khắc chểnh mảng lơ là, nhiễm chất độc xuôi tay duỗi cẳng.
     Nhớ linh xưa !
Tài kinh bang ra sức an dân, tước phong Đông Hải Đại Vương
Mẹo thao lược dốc lòng hộ quốc, thụy tặng Phúc Thần Thượng Đẳng.
Thân vạn dặm rộng dài bát ngát, vỗ dập dìu tiếng sóng biển du dương 
Mình ngàn vuông xanh biếc hiền hòa, ru nhè nhẹ đường hải trình phẳng lặng.
Khi ban tặng bạt ngàn muối trắng, chúng diêm dân cậy phước quanh năm
Khi biếu cho ăm ắp cá ngon, bọn ngư phủ nhờ ơn suốt tháng.
Thương lương dân mặt mày cháy sạm, thổi ngọn gió lành bệnh tật tiêu tan
Xót nông phu cây cỏ héo khô, làm cơn mưa mát ruộng đồng lênh láng.
Gặp những lúc trái mùa ngư vụ, kíp sai Đông Cung Tiểu Long Nữ gia ân
Gặp những khi phải vận phong ba, biệt phái Nam Hải Đại Tướng Quân độ mạng.(1)
Thân lẫm liệt chi nề cơn bĩ cực, luận quân cơ trổ lực đảm đang
Chí hùng anh nào ngán cuộc đua tranh, bàn chiến sự ra tài cáng đáng.
" Đánh một trận sạch không kình ngạc ", giống Tiên Rồng đâu chịu ẩn ao truông
" Đánh hai trận tan tác chim muông", hồn Lạc Việt lẽ nào dung đồ Đảng.
Triển oai linh trừ Ô diệt Thát, nghĩa trung quân muôn kiếp chẳng phôi pha
Dương thần võ phá Tống bình Chiêm, công hộ giá ngàn đời còn tỏ rạng.
Cơn thịnh nộ nhấn thuyền Ô Mã, bắt cuồng nô về chốn thủy cung
Niềm cảm thương nâng bước Huyền Trân, đưa công chúa thoát đài hỏa táng.(2)
       Đau đớn thay !
Rợ Phương Bắc lòng lang dạ sói, đầu trộm đuôi cướp, cả lũ lưu manh
Mọi Nam Man lưỡi rắn đầu tôm, vinh thân phì gia, một phường hạ đẳng.
Dù Tàu Mao hay Tàu Tập chi cũng thế, mộng đồ vương bao phủ khắp năm châu
Dẫu Đài Loan hay Trung Cẩu khác gì nhau, máu Rợ Hán chảy tràn trong huyết quản.
981 như mũi tên Bàng Đức, cắm vào tim nhức nhối nỗi bang giao
958 tựa bản án Lệ Chi, cứa vào cổ nghẹn ngào câu giã bạn.(3)
Đau đớn thay thịt xương rơi từng mảng, lũ cuồng nô gặm nhấm lần hồi
Thảm thiết quá gân cốt đứt từng chùm, bọn phản quốc hiến dâng lẳng lặng.
Quằn quại từng cơn độc tràn Vũng Áng, móc ruột xây dựng đặc khu
Hãi hùng mỗi khắc mưu hiểm Hoàng Sa, moi gan đắp bồi phi cảng.
Dự án quy hoạch tan nát hình hài, trên bờ lũ khỉ nghênh ngang
Rì sọt đầu tư héo mòn thân xác, dưới nước giặc Tàu lảng vảng.
Tôm cá trôi lớp lớp, trắng khăn tang hiu hắt làng chài
Tàu thuyền nổi lập lờ, sầu áo trở tiêu điều xóm vạn.
Nhìn tổ quốc lâm nguy lòng đau như cắt, tóc tung tràn bãi, từng ngọn sóng trắng phau
Ngó lê dân ngộ nạn dạ xót tợ bào, lệ nuốt vào lòng, mỗi hạt muối mặn đắng.
       Ôi thôi thôi !
Khi do tảo đỏ, tai mắt ù ù
Lúc tại âm thanh, tay chân quờ quạng.
Hoàn cải tử Thái Thượng rộng lòng gửi, cũng hết linh vì mồm miệng bít bùng
Thuốc trường sinh Vương Mẫu sẵn tay trao, đành vô hiệu bởi tháng ngày đằng đẵng.
Nào đâu phải sa trường bỏ mạng, hồn về Chín Suối cũng thơm danh
Nào phải đâu chiến địa phơi thây, phách xuống Cửu Tuyền còn đẹp dáng.
Người ra đi khi biển chiều hoang vắng, rặng phi lao cúi mặt khóc râm ran
Ta trở về lúc bãi sáng im lìm, hàng dương liễu gục đầu than văng vẳng.
Nhớ những lúc mồi dâng tận miệng, nghĩa kim bằng đôi chữ liêu xiêu
Nhớ những khi rượu rót tràn be, tình hữu hảo vài dòng loạng choạng.
Sách có chữ khôn thiêng sống thác, cầu cho người Cực Lạc siêu sanh
Đời có câu sanh ký tử quy, mong cho bạn Bồng Lai viên mãn.
Lệ nhỏ hai hàng
Sương giăng lãng đãng.
Người đi khuất nẻo hoàng hôn
Bóng chim tăm cá lối mòn rêu phong.

LANG TRƯƠNG 06/ 04/2016
____________----
(1)_Nam Hải Đại Tướng Quân, hay còn gọi là Ông Nam Hải, tên ngư dân miền biển gọi Cá Ông ( cá voi), thường cứu giúp ngư dân trôi dạt trên biển.
(2)_Ô Mã Nhi, danh tướng Nguyên Mông bị Trần Hưng Đạo bắt sống trong cuộc xâm lược Đại Việt năm 1288. Căm giận Ô Mã Nhi tàn bạo giết nhiều người và tàn phá lăng tẩm nhà Trần, Hưng Đạo Vương cho người đưa Ô Mã Nhi ra biển và lén đục thuyền, tiễn Ô Mã Nhi về thủy cung. 
_Huyền Trân Công Chúa (1289_1340), con gái vua Trần Nhân Tông. Năm 1306, bà được gả cho quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân. 1 năm sau, Chế Mân chết. Theo tục người Chiêm, hoàng hậu phải lên giàn hoả theo chồng. Nhà Trần sai tướng Trần Khắc Chung đem thủy bình phục sẵn ở chân đèo Hải Vân, bất ngờ cướp lấy công chúa, vượt biển về bắc. 
Tương truyền rằng cửa biển Nam Ô quê tôi là nơi danh tướng Trần Khắc Chung cho quân đổ bộ đón công chúa. 
Một bộ tướng ( không rõ tên) của Trần Khắc Chung dẫn quân cảm tử ở lại chận đánh quân Chiêm truy kích. Tất cả đều tử trận. 
Ngài được dân làng tôi tôn làm Thành Hoàng. Mộ ngài hiện vẫn còn. Nằm ngay cửa biển, dưới chân đèo Ải. 
(3)_Bàng Đức, thuộc hạ của Mã Siêu, sau về hàng Tào Tháo, kẻ đã bắn mũi tên tẩm độc, chấm dứt sự nghiệp anh hùng hiển hách của Quan Công.
_Lệ Chi Viên, vụ án oan Vườn Vải, khiến gia tộc Nguyễn Trãi bị tội tru di.

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

HÈ NẦY KHÔNG CÓ ANH - THƠ LỆ HOA TRẦN


Tran Van Mau
23:11, CN, 24 thg 6 (8 giờ trước)
tới tôi

Chao chi
Cho em goi bai den trang nha
Cam on nhieu
Le hoa Tran








 HÈ  NẦY  KHÔNG  CÓ  ANH


Hè nầy không có anh
Chim trời thôi vỗ cánh
Phượng hồng phai lá xanh
Cơn gió chiều ngưng thổi


Hè về anh đi vội
Bỏ lại chiếc băng….. buồn
Người em nhỏ lệ tuôn
Nhật ký dầy thưa chữ


Hè về em lữ thứ
Một mình dưới hàng cây
Cúi đầu che nón đậy
Lủi thủi vội bước chân


Hè nầy không có anh
Không gian dường… bất động
Chiều trước hiên đứng ngóng
Dĩ vãng cứ vòng quanh


Hạ về thiếu vắng anh
Tim em như chầm chậm
Héo mòn theo thời gian
Qua từng đêm, giấc ngủ.


LỆ HOA TRẦN

25-06-2018

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

TRẢ LẠI ANH YÊU - TRUYỆN NGẮN THỦY ĐIỀN


Tran Van Mau
10:38, Th 7, 23 thg 6 (21 giờ trước)
tới tôi

Chao chi
Cho em goi bai nhe
Thuy Đien






TRẢ LẠI ANH YÊU



   Vừa bước xuống xe. Hắn đi thẳng vào nhà với bộ điệu thật thoải mái, yêu đời, hạnh phúc, tự do như một người tù nhiều năm vừa được thoát ra khỏi trại giam Hoả Lò Hà Nội.


      Đã lâu lắm rồi, hôm nay, bỗng nhiên hắn được nghe một cú điện thoại lạ thường “Anh ơi ! Mình chia tay nhé “ Vừa nghe xong thoạt đầu hắn chưng hửng “Tại sao lại có chuyện nầy “ Nàng lập đi, lập lại đôi ba lần như xin hắn hãy buông tha để cho nàng được tự do mà đi tìm chân trời mới. Trong tích tắc hắn quây về hiện tại, mà có đúng vậy không ta? Nếu đúng vậy thì vui sướng biết dường nào hay là ta bị sụp bẩy nàng ?


      Trước đây bốn năm, hắn quen- rồi yêu nàng trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Vì thấy nàng thế cô một mẹ, một con giữa chợ đời bôn ba chật rật. Thấy thế, chàng ra tay nghĩa hiệp, người giúp người, định trong khoảnh khắc rồi lại thôi. Nhưng không ngờ ! Mọi chuyện không như ý muốn, tình thấm tình, càng lúc càng đậm sâu. Hắn giờ như người bị rơi vào Vực thẳm, muốn chui ra, nhưng không lối thoát.


      Đã bao lần hắn khuyên nàng hãy tìm cho mình một chân trời mới. Nhưng nàng nhất quyết là không, dù bất giá nào, dù là người tình lẻ nàng luôn vẫn một đời bên hắn. Định mệnh trớ trêu hắn bỗng dưng là người đang đi trên đường thẳng, phải đành chia hai lối. Cũng may, là mọi chuyện còn trong vòng bí ẩn, đường chia đôi vẫn mãi cứ thênh thang.


      Với những ngày tháng đi trên con đường ấy hắn quá chán ngán với cuộc tình tay ba, hắn muốn xuất hồn mình một cách mau lẹ mà không biết phải làm thế nào. Trong những đêm trăn trở, hắn nghĩ ra cách là không đi trên con đường ấy nữa. May mà nàng sẽ quên hắn dần dần. Càng xa lánh nàng nhiều hơn, tiếng di động càng reo dữ dội, khiến hắn phải hoang mang, khó chịu.


      Chờ đợi- chờ đợi quá lâu, nàng nghĩ hắn sẽ không bao giờ đến với mình nữa. Chuyện tình có lẽ sẽ đi đến hồi kết cuộc. Hên cho nàng trong buổi tiệc cuối năm nàng vô tình hay cố ý đã bắt gặp được một chàng trai khá khỉnh và từ đó họ đã yêu nhau. Thời gian tiến bước thời gian, nàng dần quên lãng hắn. Tuy thế, nhưng thỉnh thoảng nàng vẫn còn trong tiềm thức một chút gì với hắn và hay gọi hỏi thăm. Hắn không biết và không nghĩ thế, cứ vẫn ngỡ nàng vẫn còn yêu mình. Nên mỗi khi tiếng di động reo hắn thường hay trốn chạy.


      Reo- reo càng lúc càng mãnh liệt. Buộc hắn phải nhấc điện thoại và lắng nghe từ người đối diện. Bộp chộp hắn cáo vội là còn phải làm việc. Nhưng phía đầu dây bên kia lại càng nhẹ giọng. Anh bình tĩnh hãy nghe em nói lần cuối. Anh à “Chúnh mình chia tay nhá anh nhỉ “ Em sẽ trả anh về với cuộc sống bình yên như trước đây bốn năm ta chưa lần gặp mặt. Chúc anh nhiều sức khỏe và may mắn trong cuộc sống.


      Vừa nghe xong. Hắn nửa giận và nửa vui. Giận là gì nàng trước đây chẳng nói với hắn lời nào. Vui là hắn vừa thoát ra khỏi Vực thẳm một cách an toàn mà không một lời trách móc.



THỦY ĐIỀN

21-05-2018


Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

VĂN TẾ HỒN MA GIẶC PHƯƠNG BẮC - LANG TRƯƠNG





Ảnh tác giả Lang Trương



VĂN TẾ HỒN MA GIẶC PHƯƠNG BẮC

Hỡi ơi !
Mưa phủ kín trời
Mây giăng ngập lối
Bản quán mịt mờ
Cố hương diệu vợi.
Thảm thiết quá, luân hồi trọn kiếp, phận cam đành sanh bắc tử nam
Não nùng thay, nhân quả mãn đời, số đã định sống mờ chết tối.
Hồn vơ vất bờ hoang bụi vắng, lập lòe đốm lửa ma trơi
Tiếng nỉ non bóng xế canh tàn, ai oán cung đàn quỷ đói.
" Sách trời định đất nào vua nấy ", quỷ tha hương gục mặt cúi đầu
Cương thổ phân bắc đó nam đây, ma viễn xứ còng lưng khụy gối.
Tuyên ngôn đành rành
Hịch truyền vang dội :
" Đánh cho để tóc dài
Đánh cho để răng đen
Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn,
Đánh cho chúng chinh luân bất phản
Đánh để sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ !"
Địa lôi nổ chuyển rung trời đất Bắc, xương tan thịt nát, máu Mãn Thanh lênh láng ruộng đồng
Hỏa hổ soi sáng rực núi sông Nam, mặt cháy da sôi, xác Rợ Hán mỡ màng cây cối.
" Gươm Đại Việt mài khuyết mòn đá núi", xông lên chém phứa, đếch thèm xem cổ giặc cứng hay mềm
"Voi An Nam uống cạn ráo nước sông", xốc tới đạp bừa, chớ cần biết đầu thù hôi hay thối.
Thảm thiết thay !
Nào những kẻ cậy tài thao lược, phải tay hào kiệt, mảnh nhung y chôn sấp liệm càng
Nào những người cậy trí kinh luân, gặp đấng hùng anh, đồ kim giáp xô nghiêng bó vội.
Cũng có kẻ tâm hùng chí tráng, không quen thủy thổ, đành bỏ mình dưới nắng lửa chang chang
Cũng có người vai rộng sức dài, chẳng thuộc địa dư, cam quăng xác dưới ao đầm lầy lội.
Cũng có kẻ mưu cầu danh lợi, lợi danh chưa tới số, phách đã tan bàng bạc áng mây bay
Cũng có người mộng rắp khanh hầu, khanh hầu chẳng đến tay, hồn đã rã hiu hiu làn gió thổi.
Kìa Chi Lăng Liễu Thăng cụt ngọn, đầu lăn lông lốc, nghĩa phu thê đứt gánh hẹn thề
Nọ Đống Đa Nghi Đống lìa trần, cổ thắt lửng lơ, đạo thần tử nghẹn lời trăng trối.
Như Nguyệt Bạch Đằng "sấm rền chớp giật", giáo gươm tua tủa, Hoằng Tháo Toa Đô về Địa Phủ dâng công
Xương Giang Bình Than "trúc chẻ tro bay", tên đạn bời bời, Lý Khánh Lương Minh xuống Âm Ty lãnh tội.
Nào những kẻ dân phu lao khổ, đói cơm lạt muối, chốn Cửu Tuyền còn thân gánh mình gồng
Nào những người nô dịch nặng nề, đồn nặng roi đau, nơi Chín Suối còn vai mang đầu đội.
Chết lăn lóc rừng hoang bể thẳm, phiêu dạt dật dờ mặc gió táp sương sa
Chết mỏi mòn núi hiểm sông thiêng, nổi trôi vất vưởng mặc mưa dầm nắng gội.
Kẻ lạc bước sơn cùng thủy tận, miệng hùm nọc rắn, bồng bế nhau Âm Cảnh dự phần
Kẻ sa chân vực thẳm ao sâu, nanh khái ngà voi, dắt díu chúng Diêm Đài phó hội.
Đi đường thủy, Hà Bá đưa đường
Đi đường bộ, Tử Thần dẫn lối.
Nghe tiếng trống lân lúc dập dồn lúc rộn rã, ngỡ tiếng trống công đồn mà tán đởm kinh tâm
Trông bóng trăng thu khi vằng vặc khi mập mờ, tưởng chiến thuyền nã đạn mà nát gan vỡ phổi.
Cốt nhục nào chẳng xót, thịt xương kia chất đống thành gò
Huyết lệ nào không cay, nước mắt đó tuôn tràn thành suối.
Thảm thiết bấy mẹ già cha yếu, canh thâu tựa cửa, ngóng tin con ruột héo gan mòn
Thê lương thay vợ dại con thơ, đêm vắng trở mình, trông bóng bố đầu bù tóc rối.
Hồi cố quốc lối xưa thăm thẳm, thảm trạng nước nhà tin tức không thông
Ngóng cố hương nẻo cũ mịt mờ, hiện tình quê quán đường truyền khó nối.
Tổ quốc các ngươi nay :
Hạng nô tài hèn hạ lại tiếm ngôi cửu ngũ, nghe cái tên thánh tởm thần kinh
Giống ca xướng vô loài lại ngồi ghế mẫu nghi, trông bản mặt ma hờn quỷ chối.
Múa lưỡi rêu rao thánh hiền chật đất, nào Trình nào Khổng, học tiền nhân trên lọc dưới lừa
Ngoác mồm lếu láo chánh đạo ngút trời, nào Lão nào Trang, dạy hậu thế trong gian ngoài dối.
Mặt nung núc như loài heo nọc, còng lưng dân một nắng hai sương
Mình lặc lè tựa lũ lợn sề, nguy mệnh nước ba chìm bảy nổi.
Tàn độc hơn cả loài quỷ dữ, Thiên An Môn xích nghiến lạnh lùng
Dã man hơn cả lũ ác ma, chùa Tây Tạng lửa thiêu nóng hổi.
Dẫu tu tròn chín kiếp cũng khó giải nghiệp căn
Dẫu giết sạch ba đời cũng khôn trừ tội lỗi.
Thương chúng ngươi kẻ trung người dũng, sa trường bỏ mạng, mà tông miếu từ đường chúng san phẳng, muôn nỗi xót xa
Xót chúng ngươi kẻ hiếu người hiền, chiến địa phơi thây, mà mồ mả tôn linh chúng quật nhào, vạn điều nhức nhối.
Việc lửa hương ai kẻ kẻ lo toan
Việc tế tự ai người đắp đổi ?
Nay:
Đạo sĩ ta ra lời hiệu triệu, Mãn Hán các ngươi sau trước sắp hàng
Lang Truong này phát lệnh xuất quân, Mông Khựa các ngươi dưới trên lập đội.
Kéo rốc về phương Bắc, vặn cổ thằng Bình cho dân an quốc thái, tôi chúa đồng lòng như thác đổ triều dâng
Tiến thẳng đến Trung Nguyên, lôi họng con Bành cho mỹ tục thuần phong, tướng sĩ đồng tâm tựa sóng gầm bão nổi.
Dặn con cháu chớ lầm đường lạc lối, hãy trông gương tổ phụ, chớ mê muội hung hăng mà mạng uổng thân vong
Nhắn hữu bằng cố mở trí khai tâm, hãy soi bóng ông cha, chớ ngu dốt hống hách mà đầu lìa máu xối.
Khai đạo nghĩa sống thù chết bạn, soạn lời văn giúp chuyển dạ ăn năn
Mở lòng nhân sinh dữ tử hiền, thảo bài tế giúp hồi tâm sám hối.
Cam lộ một bầu
Phóng tay cứu rỗi.
Thương thay !

LANG TRƯƠNG
Trung Thu năm Bính Thân 2016. Tuyên hạ

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

CHUYỆN NHỚ THƠ NHẬN NGƯỜI - CHÂU THẠCH


van tran
Tệp đính kèm
19:47, 21 thg 6, 2018
tới tôi





(Từ trái qua: Lê Đình Hạnh, Kha Tiệm Ly tại Mỹ Tho)





CHUYỆN NHỚ THƠ NHẬN NGƯỜI

                                Châu Thạch

Đây là câu chuyện có thật, hai người trong cuộc vẫn còn sống sờ sờ, họ còn làm thơ và còn có dịp say bí tỉ cùng nhau.

Chuyện là cách đây gần 50 nắm, có hai chàng thanh niên sống ở miền Nam đất Việt. Họ có học và đến tuổi nên bị động viên đi lính, vào trường võ bị sĩ quan Thủ Đức. Trong thời gian là sinh viên sĩ quan, họ không biết nhau. Trải qua chín tháng quân trường gian khổ, hai người ra bãi tập, đi giây tử thần, chạy đoạn đường chiến binh. Nói chung họ làm cái việc theo khẩu hiệu lúc bấy giờ là “Thao trường đổ mồ hôi chiến trường bớt đổ máu”. Sau đó họ ra trường mang quân hàm Chuẩn Úy.  Cả hai tân sĩ quan được binh chủng Pháo Binh tuyển dụng. Họ được đưa qua quân trường pháo binh Dục Mỹ, Nha Trang để tiếp tục tôi luyện tay nghề bắn súng loại nặng. Tại đây, họ ở chung  cùng một trung đội. Một hôm, trong giờ nghĩ giải lao, chàng sĩ quan có máu làm thơ nầy nổi hứng, ứng khẩu đọc to một bài thơ sáng tác đột xuất cho các bạn mình nghe. Bài thơ đó, tuy chỉ nghe một lần nhưng lại nhập tâm trong lòng, nằm mãi trong ký ức của một chàng sĩ quan có máu làm thơ khác.

Người đọc thơ tên là Lê Đình Hạnh. Người nghe thơ một lần mà nhớ mãi  tên là Thái Quốc Tế, bút hiệu là Kha Tiệm Ly. Sau cuộc chiến, hai người cùng đi tù cải tạo. Được phóng thích trở về, họ sống cuộc đời bình thường, chỗ ở cách nhau hàng ngàn cây số: Đà Nẵng và Mỹ Tho. Bây giờ Thái Quốc Tế với bút hiệu là Kha Tiệm Ly đã nổi danh trên văn đàn với những bài thơ, những bài phú hào khí ngất trời. Lê Đình Hạnh vẫn lấy bút hiệu là Lê Đình Hạnh, ít sinh hoạt trên văn đàn, nhưng thơ anh làm say mê nhiều người trong giới thầm lặng. Hai người không những quên mặt nhau là điều chắc chắn bởi bao nhiêu biến đổi do thời gian, mà họ còn quên luôn tên của nhau nữa. Nhờ có facebook, họ kết bạn ảo với nhau. Rồi một hôm, họ nhớ ra nhau và nhận ra nhau nhờ Kha Tiệm Ly một lần nhắc lại bài thơ kia.  Lê Đình Hạnh từ Đà Nẵng bay vào Mỹ Tho gặp Kha Tiệm Ly. Họ uống với nhau suốt ngày đêm.

Bài thơ của Lê Đình Hạnh như sau đây:

CHỈ CÓ THẾ !
Nơi nghĩa trang vào một trưa mùa Hạ
Con chó đực long trọng bảo con chó cái rằng :_anh yêu em,
Ừ nhỉ ! anh yêu em.
Bỗng nhiên mặt trời thấp xuống
Bỗng nhiên người chết cựa mình .
Chỉ có thế
Chỉ có thế !
Mà người đời nguyền rủa .


Nơi nghĩa trang vào một trưa mùa Hạ
Con chó cái e dè bảo con chó đực rằng:_
Em cũng yêu anh
Ừ nhỉ !em rất yêu anh
Bỗng nhiên mặt trời oi bức
Bỗng nhiên người chết đứng dậy
Chỉ có thế !
Chỉ có thế !
Mà người đời nguyền rủa .


Nơi nghĩa trang vào một trưa mùa Hạ
Hai con chó cùng yên lặng..
Ân hận vì những giọt mồ hôi đã đỗ ?
Mặt trời tản ra
Người chết nằm xuống.
Chỉ có thế !
Chỉ có thế !
Mà người đời lãng tránh...



L Đ H.(1970 mùa hè Dục Mỹ Nha Trang)



Đọc bài thơ nầy có lẽ nhiều người không hiểu Lê Đình Hạnh muốn nói gì. Thế nhưng trên đời có những bài thơ như thơ điên của Bùi Giáng, không ai hiểu gì nhưng không ai dám chê vì đọc nó, ai cũng có một cảm nhận tiềm tàng, ẩn sâu và mơ hồ thấy được cái hay của nó. Tôi không dám đem so Hạnh với Bùi Giáng, nhưng tôi biết một bài thơ mà tác động vào tâm hồn của một người dày kiến thức như Kha Tiệm Ly, gây ấn tượng mạnh cho cho một nhà thơ có bài “Lý Ngạo Đời” rất nghạo nghễ như Kha Tiệm Ly, để chỉ nghe một lần mà nhớ nó 50 năm, thì nhất định bài thơ ấy phải có gì đặc biệt.


Với tôi, tôi cảm thấy rợn người khi đọc khổ thơ đầu tiên. Tôi cảm thấy những tiếng kêu răng rắc của hàng ngàn bộ xương trong nghĩa địa  cựa mình vì bất bình khi được nghe con chó đực tỏ tình. Tình yêu là quyền tự nhiên của mọi sinh vật mà đấng tạo hóa cho phép. Thế nhưng những thây ma trong nghĩa địa cho rằng chó không được yêu.


Rồi khi con chó cái chấp nhận tình yêu ấy, thì các bộ xương người đứng dậy. Phản ứng của loài ma quỷ nặng nề đến nỗi mặt trời cũng hạ thấp xuống và trở nên oi bức.


Việc nầy chỉ có thể xảy ra ở nghĩa địa, nơi mà ma quỷ lộng hành, nơi mà những quyền thiêng liêng đươc tạo hóa cho phép  đã không được tôn trọng mà còn bị cho là phạm pháp.

Thế nhưng tình yêu đã thắng sự phi nghĩa. Ma quỷ cũng phải đành nằm xuống khi hai con chó đổ mồ hôi để dành được tình yêu cho mình.

Lê Đình Hạnh kể câu chuyện về chó và những bộ xương người trong nghĩa đia. Thế nhưng lạ thay, ở cuối mỗi khổ thơ anh đều dùng hai chữ “người đời”: “Chỉ có thế mà người đời nguyền rủa, chỉ có thế mà người đời lãng tránh”. Vậy thì chuyện tình yêu cúa chó trong nghĩa địa đã được đưa vào giữa xã hội con người. Nghĩa địa là hình ảnh của một xã hội băng hoại. Trong nhĩa địa ấy, loài bần tiện như chó nhưng biết yêu thì mang linh hồn con người. Ngược lại, các bộ xương khô, tuy đã từng là người nhưng nay họ là ma quỷ. Vì mang linh hồn ma quỷ, họ đoán phạt cả những lẻ phải, như đoán phạt tình yêu tốt đẹp  đang xảy ra tại nơi chốn của họ  !

Bài thơ nầy cũng có thể hiểu rằng cặp tình nhân loài vật đã làm cho những bô xương tuy khô héo nhưng vẫn còn tiềm tàng dục vọng, họ bi xung động gây hưng phấn bởi sự âu yếm của hai con vật. Thật ra, nếu tác giả chủ ý diễn tả như thế thì sẽ đưa cuộc tỏ tình vào một khung cảnh nên thơ hơn, một buổi sáng mùa xuân hay một đêm trăng sáng chẳng hạn, chớ không thể cho cặp diễn viên kia diễn xuất trong một buổi trưa hừng hực nóng. Hơn nữa các bộ xương người trở mình rồi đứng lên biểu hiện một hành động giân dữ và phản đôi rất rõ ràng. Nễu những bộ xương người đồng cảm với cặp tình nhân thì tác giả sẽ diễn tả những linh hồn thức giấc và ngồi dậy trong cử chỉ khoái lạc khi xem một màng kích dục mê ly. Trong thơ Lê Đình Hạnh hoàn toàn không nói đến điều ấy. Bởi thế,người viết buộc phải hiểu theo chiều hướng bất bình của các bộ xương trong bài thơ nầy vậy ./.

                     CHÂU THẠCH                







Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

YẾN - OANH 1 - 2 - THƠ LÊ KIM THƯỢNG


Sinh Lê
Tệp đính kèm19:26 (12 giờ trước)
tới tôi
GỬI NHÃ MY BÀI THƠ TÌNH LỤC BÁT 2018
CHÚC VUI KHỎE
NHA TRANG, 21-06-2018 - LÊ KIM THƯỢNG





Kết quả hình ảnh cho ẢNH THIẾU NỮ VÀ HOA HỒNG
                                                   




YẾN - OANH    1 - 2  


1.



Tặng em một đóa hoa tươi
Ép vào trang vở, nhớ người mai sau
Tặng em con sóng bạc đầu
Ngàn năm ru mãi một câu thề nguyền
Vườn yêu rộn tiếng chim chuyền
Yến - Oanh, chim Sáo, chim Quyên sum vầy
Vòng tay đan chặt vòng tay
Mùi tình mê muội, đắm say hoang đường
Tuổi xuân khoe sắc, tỏa hương
Hương tình trinh nữ vấn vương nồng nàn
Yêu người, yêu lắm dung nhan
Thướt tha dáng liễu, cao sang trang đài
Tóc huyền óng ả buông dài
Nửa ôm ngực nhỏ, nửa cài vai êm
Nắng rơi trên mắt môi mềm
Ngọt tan hoa nắng trên rèm mi cong
Màu sen đỏ thắm môi hồng
Đôi con mắt liếc, mênh mông xuân thì
Nụ hôn khép lại mắt mi
Trăm con chim mộng bay đi về trời
Tiếng yêu ngưng đọng không lời
Lưng nghiêng áo mỏng, buông lơi vai trần
Vòng tay ôm riết châu thân
Mong manh sương khói, xa gần... Phù Dung
Tình trao không chút ngại ngùng
Đã yêu, yêu tới tận cùng... hoan ca...

2.



Cám ơn tình lỡ... tình xa
Cám ơn em đã cùng ta... một thời
Còn đâu tình mới, xuân tươi
Sẻ chia những tiếng khóc cười với nhau
Ô hay... tình rất nhiệm màu
Niềm vui vừa chín... mạch sầu đã tuôn
Mắt ai lệ đã khơi nguồn
Sẻ chia một nửa nỗi buồn tình tan
Có người trên bến Hàn Giang
Cô đơn một bóng, võ vàng tiếc thương
Em đi dệt mộng Uyên - Ương
Bỏ người ngây dại, bên đường lặng câm
Yêu người một lỡ... hai lầm
Tình bay sợi khói nhang trầm chát chua
Cuộc tình người thắng ta thua
Ngồi buồn xếp lá đếm mùa Thu qua
Tàu em khuất nẻo mù xa
Tôi làm ga nhỏ, quê nhà ngóng trông
“Trời mưa bong bóng phập phồng...”
Tình mong manh lắm... bềnh bồng vỡ tan
Vẫy tay từ tạ sang ngang
Bến sông có Kẻ lỡ làng đò đưa
Hai tay che những giọt mưa
Che đôi dòng lệ như vừa muốn rơi
Em về xứ lạ với người
Rượu hồng đưa tiễn môi cười mà đau
Biết đi đâu... biết về đâu?
Đường tình xẻ nửa... xa nhau, xa hoài...


       Nha Trang, tháng 6. 2018

              LÊ  KIM  THƯỢNG

“...” Ca dao

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

CHÙM THƠ KIẾM KHÁCH













TIẾNG VỌNG TRƯA HÈ

Hè trưa nắng ngủ một mình
Thinh không như thể lặng thinh tự tình
Ta nghe cây lá im nhìn
Gió không phe phẩy bực mình mỏi tay
Dòng sông phả một hơi dài
Cho con gà gáy lạc vài tiếng côi
Vườn ai đổ giọt mồ hôi
Võng nghe kẽo kẹt bồi hồi nhớ quê
Dáng cha chân đất đi về
Mang theo giọng mẹ cận kề ngồi bên



KHÚC HẬU ĐÌNH HOA

Xót lòng khúc Hậu Đình Hoa
Eo sèo non nước quan hà chuốc say
Xót lòng muối mặn gừng cay
Mùa thu lá đổ anh hào nơi đâu
Quầng đen màu mắt thêm sâu
Năm canh trống vắng lạnh lùa thấu xương


GIỌT EM NGÀY ẤY LĂN DÀI MÁ MÔI

Sông sâu thì mặc thuyền mành
Ngăn sông đóng đáy hứng cành hoa rơi
Phất phơ cọng rể cây gừa
Cũng như tơ tóc cột vừa chiêm bao
Gió lay tạt ngọn mưa rào
Tạt qua hiên lá lạnh vào đâu đây
Tróng trơn một khoảng trời mây
Giọt em ngày ấy lăn dài má môi.


KIẾM KHÁCH

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

NGẪM CHIỀU - BÀI THƠ ĐỘC ĐÁO CỦA BÙI CỬU TRƯỜNG - ĐẶNG XUÂN XUYẾN


BAOTHANG_XUANXUYEN DANG
21:25 (22 giờ trước)
tới Phu, Trác, Thuong, tôi, Da, Giống, Trần, Xuân, Nguyễn, Vu, PV






Ảnh tác giả Hạt Cát Bùi Cửu Trường





NGẪM CHIỀU - BÀI THƠ
 ĐỘC ĐÁO CỦA BÙI CỬU TRƯỜNG
*
NGẪM CHIỀU
.
1- tơ nhện thả mành
nà nuột
mưa rớt giọt
lộp độp hè cánh đỏ phượng rơi.
.
lòng rối bời 
dạ rối bời
lắng lo nỗi bòng bong rối
liêu xiêu bước vội 
bàn chân ai lối về.
.
canh hẹ cuộc đời hắt bến mê
bông lau tóc xoã vạt chiều héo úa
bàn tay thõng rớt niềm tin vụn vỡ
hạt đất buồn xa xót ngọn cỏ côi.
...
.
2 - Bỏ lại muộn sầu đi nhặt niềm vui
hít hà hương lá
vói rẻ quạt ráng hồng quạt gió
xoe búp trời thiên thanh
.
Bỏ lại bộn bề về tĩnh tại mình
tiếng mõ cá quyện chiều lam khói
chuông đồng vọng thinh không vòi vọi
Thơ.
.
3 - đời - mơ
trong vắt.
*.
Hà Nội, 02.03.2018
BÙI CỬU TRƯỜNG


LỜI BÌNH:


Ngẫm Chiều là bài thơ của nhà thơ, bác sĩ Bùi Cửu Trường, được sáng tác vào ngày 02 tháng 03 năm 2018 nhưng mãi tận chiều qua, 16 tháng 06 năm 2018 tôi mới có cơ duyên được đọc Ngẫm Chiều trên trang facebook của bà.
Ngay từ những câu đầu của khổ đầu bài thơ, Ngẫm Chiều đã gây ấn tượng đặc biệt với người đọc qua những chấm phá khá độc đáo:
“tơ nhện thả mành
nà nuột
mưa rớt giọt
lộp độp hè cánh đỏ phượng rơi.”
Thơ tự do, phóng bút, không chú trọng vần điệu, không gò bó hình thức. Hình ảnh đẹp, lạ, gợi những nét huyền bí, liêu trai.
Tiếp theo, là: “Lòng rối bời/ Dạ rối bời”, chủ ý ngắt ra từ “lòng dạ rối bời” thành 2 câu riêng biệt, đồng nghĩa, để nhấn nhá, đẩy lên cao tâm trạng bồn chồn, sốt ruột, với ngổn ngang những lo lắng chồng chéo, đan xen, khó tháo gỡ, khiến bàn chân “liêu xiêu bước vội”. Nhịp thơ thật riết róng, dồn nén, ngắc ngứ, rưng rức xót lòng trong “chiều bời rối”, và những phảng phất nét cô liêu với đau đáu nỗi niềm “bàn chân ai lối về”, khiến người đọc cũng nghẹn lòng, thảng thốt:
“lòng rối bời 
dạ rối bời
lắng lo nỗi bòng bong rối
liêu xiêu bước vội 
bàn chân ai lối về.”
Tâm trạng hụt hẫng, xa xót được đẩy xa, sâu hơn, bởi những hình ảnh: “tóc xõa vạt chiều”, “bàn tay thõng”, “ngọn cỏ côi”... mang mang gam trầm buồn, của tâm trạng xáo trộn bất ổn, muốn thõng tay buông bỏ tất cả, quên đi tất cả, đã tạo nên một bức tranh sống động mà trầm mặc, u uẩn mà da diết.
Không chú trọng vào gieo vần, cứ thả cho mạch thơ tự nhiên trôi theo dòng cảm xúc nhưng nhà thơ Bùi Cửu Trường lại thật cẩn trọng khi chọn lựa, sắp xếp câu chữ, với những động từ: “hắt”, “xõa”, “rớt”, “vỡ”... được đặt đúng tâm trạng, đúng ngữ cảnh, khiến nỗi đời, nỗi người của cõi người đã đau càng đau se sắt, và đẩy câu thơ bay lên, thấm nhẹ nhàng vào trái tim người đọc:
“bàn tay thõng rớt niềm tin vụn vỡ
hạt đất buồn xa xót ngọn cỏ côi.”
Hai câu thơ thật hay, mà buồn, xót xa lắm.
Rồi, nhà thơ “Bỏ lại muộn sầu đi nhặt niềm vui/ hít hà hương lá”, để tĩnh tâm trước cõi người nơi trần tục còn lắm khổ lụy, phiền não, để buông bỏ nhẹ nhàng nhưng dứt khoát những tham - sân - si - ái - ố của chúng sinh mà gửi hồn vào “tiếng mõ cá quyện chiều lam khói/ chuông đồng vọng thinh không vòi vọi”, mà mong được an lạc nơi cõi Thiền.
Sắc - Sắc - Không - Không, đời người là bể khổ trầm luân, đạt tới “đời - mơ/ trong vắt” là đạt tới cảnh giới. Ước mơ đó đâu phải chỉ là của riêng nhà thơ Bùi Cửu Trường?!
Ngẫm Chiều là bài thơ với thi tứ hay và lạ, cách sử dụng từ ngữ khá độc đáo, nhất là cách nói ngược: nà nuột / cánh đỏ phượng / lắng lo / vụn vỡ / xa xót / muộn sầu / bộn bề / chiều lam khói... được dùng như là thủ pháp chính đã tạo ấn tượng thật đặc biệt với người đọc. Hay hay không hay là tùy thuộc vào cảm nhận của riêng mỗi người nhưng với người viết, thì NGẪM CHIỀU là một bài thơ hay, rất đáng đọc.  
*
Hà Nội, 17 tháng 06 năm 2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

LÊ THIÊN MINH KHOA, THƠ GĂM KỶ NIỆM, THƠ LÀ CUỘC VUI - HOÀNG QUÝ


Minh Khoa Lê Thiên
Tệp đính kèm19:31 (1 giờ trước)
tới BÔNG, phuoc, Ngạc, BAOTHANG_XUANX., tôi
CÁC ANH CHỊ THÂN MẾN!
 Minh Khoa vừa in xong tập thơ, nhưng theo quy định mới, phải đợi NXB cấp QĐ phát hanh sau khi nộp lưu chiểu mới gởi tặng  thân hữu và phát hành ra thị trường được. Vì ở xa nên khi đó, MK sẽ xin địa chỉ chính xác của các anh chị để gởi EMS.
   hôm nay, Minh Khoa gởi Bài bình về tập thơnầy  của nhà thơ Hoàng Quý, nhờ các anh chị tùy nghi giới thiệu giùm,
Cảm ơn các anh chị.
Kính chúa vui khỏe, may mắn và thành công.
Thân ái.
LTMK














Ảnh lưu niệm : Bùi Quang Châu,Ngọc Quỳnh, Nhã My, Lê Thiên Minh Khoa(Bà Rịa 2018)


BÌNH THƠ:


LÊ THIÊN MINH KHOA, 
    THƠ GĂM KỶ NIỆM, THƠ LÀ CUỘC VUI.
                                                                    Hoàng Quý

   




C:\Users\TTC\Pictures\LANG LE TOI (13,5 x 20,5) - chính thức để in..jpg


   Tập thơ mới  “LẶNG LẼ TÔI” của Lê Thiên Minh Khoa.                                     
     
      1.

     Một sáng nắng nóng, Lê Thiên Minh Khoa tới thăm tôi. Chưa kịp tắt máy và dựng xe cho ngay ngắn, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, cười một nụ bắt mắt, Khoa nói “quấy anh đây”. Khoa hấp tấp moi trong bao xốp một tập giấy đóng bìa nghiêm ngắn, rồi bảo: “Em sẽ in tập thơ mới (*), anh giúp em vài dòng”. Sao lại giúp. Với Lê Thiên Minh Khoa dễ gì từ chối được. Thực thì, giữa tôi và Lê thi sĩ nói rất thân thì chưa hẳn, nhưng tôi yêu quý Khoa bởi cái tâm tính cởi mở, cái tình yêu văn chương hơi hơi cuồng si, cái cách yêu bạn, yêu người ngất ngư như rượu nóng, và, những bài thơ hồn hậu găm đầy kỷ niệm, đặc biệt những bài lục bát ngẫu cảm rất nhiều đặc sắc, rất… Lê Thiên Minh Khoa.
    Tôi vẫn nhớ cái ngày anh Xuân Sách giới thiệu các tác giả chuyển sinh hoạt về Hội Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu từ Đồng Nai. Khoa ngồi lặng yên giữa những Dương Cao Tần, Trường Thanh, Phạm Thị Nguyệt Cầm và hơn chục cây bút khác. Cái “thằng chả” đầu tóc bù rối như tổ quạ, đánh một bộ sơ mi khá bảnh mà xem chừng cứ lôi thôi ngượng nghịu thế nào, chỉ được nụ cười là đáng kể. Thế mà, cũng đã ngót nghét hai mươi năm chúng tôi từ biết tên, chào hỏi e dè đến a lô luyên thuyên với nhau quên cả vợ sẽ nhăn nhó trả tiền điện thoại.                                                         

     Tháng 7 năm 2011, Hội Văn nghệ BR-VT tổ chức chuyến đi Đất Mũi. Cái đêm dừng nghỉ ở một khách sạn cáu cạnh, xây trên vùng lấn biển Kiên Giang, tôi và Trịnh Sơn được bố trí ở chung trong một phòng góc, lầu 7. Cái phòng góc bé bằng hộp diêm chỉ kê vừa cái giường gọi là giường đôi vì chắc chắn nó chỉ nhin nhỉnh hơn cái giường một và cái bàn hai ghế vuông hoành tráng. Chả biết Lê Thiên Minh Khoa ở phòng nào. Mà ở phòng nào, ở với ai chắc gì hắn đã nhớ. Hắn qua “ở trọ” phòng chúng tôi trọn đêm, chuyện giời chuyện bể hồn nhiên, phun khói thuốc mù mịt và say lãng đãng. Đêm ấy tôi mới biết nơi sinh Khoa là làng Trung An, Gio Sơn, Gio Linh, Quảng Trị. Có lẽ tôi quý Khoa nhiều hơn từ đêm ấy. Quảng Trị - những năm lửa cháy tôi từng có lần bị bom và đạn pháo vùi. Nhiều đồng đội tôi đã nằm xuống đó. Và cũng ở đó tôi sống được nhờ các mẹ, các chị bới tìm trong mấy lớp cát đất của một trận pháo bầy.
      Nhưng thôi, “day đi dứt lại” có khi buồn hơn, có khi đối mặt cái hiện hữu dành giật, thực dụng, quay quắt, trí trá, trợn bợm… mà chìm lặng trong bấu níu xa xăm cũng chẳng để làm gì.  ́y thế mà Khoa đã đọc thơ tôi, đọc cả một seri làm tôi hết sức cảm động, cảm động đến sửng sốt suốt trắng đêm anh “ở trọ”, đọc bằng ngữ điệu Quảng Trị nằng nặng, đọc cay mắt và trầm tư: “...Bao đồng đội tôi đã nằm trong mồ/ Đêm đêm hiện hồn về gõ cửa/ Đạn găm đầy hình hài/ Nỗi đau không nói được/ Bông cúc ta từng hái ở mùa thu/ Khô xác gần ba mươi năm trong ba lô cóc cũ/ Ta cầm lại tên tay như cầm lửa chiến tranh/ Chả vàng được cho ai - Hoa cúc!”. Bạn yêu tôi đến thế, viết thế nào cho tập thơ mới của bạn đây? Hồi cố cái đêm Khoa đọc thơ tôi trong căn phòng bé bằng hộp diêm rả rích mưa tháng bảy tôi biết rằng cái sự Khoa đường đột yêu cầu viết lời mở cho tập mới cùa anh làm tôi nhiều đắn đo, lo lắng và ngại ngần, rằng có thể vài dòng tản mạn tôi viết về thơ bạn sẽ không thấu đáo.

        2.

     Tập thơ Lặng lẽ tôi  Lê Thiên Minh Khoa chia thành 3 phần, gồm: Lặng Lẽ. Lãng Đãng và Tri  Âm.
     Ngọai trừ các nhạc phẩm của các nhạc sĩ bạn hữu phổ thơ Lê Thiên Minh Khoa được Khoa chọn in đan xen lưu làm kỷ niệm, phần Lặng Lẽ gồm 54 bài thơ tự do mà Khoa gọi là THƠ ĐỜI THƯỜNG, phần Lãng Đãng 34 bài lục bát, phần Tri  m gồm những chọn lọc từ nhiều lời bình hoặc bài phê bình của các tác giả viết về thơ Lê Thiên Minh Khoa. Mở đầu cho phần đầu-  Lặng Lẽ:
“Trở về thành phố cũ tìm em
Lặng lẽ mưa bay về ngôi nhà cổ
Phải phiêu bạt qua bao mùa dâu bể
Em sang ngang đã mấy chuyến đò rồi!...

Trở về thành phố cũ tìm nhau
Như Từ Thức trở về cố xứ
Bạn học cũ đứa chân trời góc bể
Đứa tuổi xuân cát bụi lâu rồi!...”
                                    (Lặng lẽ tôi)
      Bài mở đầu cũng là bài mang tên tập. Tôi bị cuốn vào cái cảm giác se se từng gặp trong thi tập Thị trấn tôi (NXB Thanh Niên) mà Khoa đã viết và in 16 năm trước, năm 2002. Vẫn một giọng kể ấy, trầm lắng không ồn ào, hằng quen mà rất nhiều xúc động:
“Chỉ còn tìm đến giáo đường xưa
Mưa tháng bảy lạnh hơn ngày trước
Không có em, liễu rủ hoa tái nhợt
Thánh giá nghiêng buồn trong tiếng chuông nghiêng!...”
                                   (Lặng lẽ tôi)
       Dường như trong thơ Lê Thiên Minh Khoa, vài nét găm người bạn anh trọng thị, một góc vườn xưa cô vắng rơi hoa, một
thoáng tái tê người văn bóng khuất, một bâng khuâng chưa rõ hình hài… đều tô điểm cho thơ Khoa, và, Khoa chỉ có thể dụng thơ, mượn thơ như cách duy nhất để gọi tên những nỗi niềm thi sĩ:
“Người đi không ngoái
Bụi mờ tóc râu
Môi hồng bỗng nhợt
Mắt huyền xa ơi!…”
                                    (Biệt ly)

“Khóc Nguyệt Cầm thấm thía câu thơ:
“Phong vận kỳ oan ngã tự cư”
Nguyệt ơi, Trăng lạnh chừ khuất núi
Vàng khô ở lại nhớ xanh xưa!
                                    (Khóc Nguyệt Cầm)
Đây nữa:
“Tôi trở lại vườn hoa trắng ấy
Khu vườn xưa hoang lạnh bóng người
Chỉ hoa trắng gieo buồn tuyết điểm
Người xưa sang vườn khác lâu rồi
                                   Trăng xưa)
Rồi đây nữa:
“Suối lặng lẽ chảy vào mù sương
Sương lững lờ trôi theo gió thổi
Anh lặng lẽ chảy về em mòn mỏi
Em thành mù sương…
                                  bay…
                                              trôi…”
                                     (Mù sương)
      Cái âm hưởng dìu dịu tràn chảy trong mục phần Lặng Lẽ đậm dấu ấn trong nhiều bài thơ cảm thức cố nhân, vết chấm phá quá vãng mơ mê không mặc định, như đứng ngoài sự sắp đặt. Có lẽ
bởi thế, nó tạo cho thơ Khoa một cách diễn đạt mềm mại, một bút pháp trữ tình nhiều bản năng, những thoảng buồn ướp men, giọng du dương tự sự dễ chịu, nhi nhiên, giản dị, êm đềm:
“Em áo tím phượng chiều thu tím
Anh bâng khuâng năm ngả bâng khuâng
Bằng lăng tím nhòa bên hồ vắng
Mấy ngả đường hoa tím mù sương”
                                      (Đà Lạt tím)

“Chưa bao giờ anh làm thơ tặng em
Nhưng không một lần nghe lời hờn trách
Vì người đẹp trong vần thơ anh viết
Có bóng hình thời con gái của em!...”
                                      (Đồng điệu)
    Lê Thiên Minh Khoa cũng giới thiệu những thử nghiệm khác của anh ngay trong phần Lặng Lẽ của thi tập. Anh thử nghiệm Thơ Ba Câu trong các bài “Động viên”, “Đêm và gió”, “Chẳng lẽ”, “Trăng, em và tôi”. Anh cũng lại thử nghiệm một số bài thơ có sắc thái chính luận hoặc thơ văn xuôi như “Điệp khúc Nhân dân”, “Lời nguyền của người ở ngoài vùng phủ sóng” v.v.. Tuy nhiên, tôi có cảm giác loạt bài thơ này đang là sự tìm tòi và chỉ mới manh nha một khởi đầu. Các bài thơ tạo nên dư ba là những bài Khoa viết bằng nhịp thơ đã nhuần nhuyễn với cảm xúc gây men, bằng điệu hồn thúc bách. Vượt thoát cái hằng quen để bước đến những không gian khác của thi ca luôn luôn là mong mỏi, là ý thức của nhiều nhà thơ. Tất nhiên.

       3.

   Những bài thơ hớp hồn tôi nhất là Lục Bát Lê Thiên Minh Khoa! Có một chút gì đó như biến ứng mà tôi gọi là “Từ điển ngôn ngữ Bùi Giáng bắc sang Lục Bát Lê Thiên Minh Khoa” mà vẫn là Khoa, rất… Khoa:
“Và anh uống rượu bây giờ
Là trăm năm rớt bên bờ tử sinh
      Và anh uống rượu một mình
Là anh uống với bóng hình em thôi
      Và anh chén rượu mồ côi
Là tôi cộng lại với tôi hai người
      Và anh chén rượu em mời
Là em cộng với tôi rồi bằng không

      Và anh ngó em tắm rằm
Xiêm y rớt xuống, bóng trăng say mèm”
                                             (Và anh…)
   Giời ạ. Bài lục bát hay ngất ngư tôi không còn biết diễn đạt tâm trạng mình khi được thưởng thơ thế nào. Thì đấy, cái váng vất “Từ điển ngôn ngữ Bùi Giáng” phiêu trong từng câu tượng hình ngay kia Khoa đã dụng dụng thành. Nó “ngon, thơm, đê mê” như một ly cocktail pha theo cách Lê Thiên Minh Khoa bằng tinh liệu chắt gạn trong kho hương ngôn Bùi Giáng và hương ngôn họ Lê. Hình như không chỉ Khoa, nhiều thi bản tôi đã đọc của thi sĩ A Khuê và các thi sĩ cùng thời với ông đều có dư vang âm hưởng thiên bẩm họ Bùi. Tôi coi đấy là tiếp nối tinh hoa được bắc tới từ người xưa. Cái khó là khi tiếp nối các tài nhân anh dụng thế nào?!
    Hình như, cứ với lục bát là Lê Thiên Minh Khoa thăng hoa, là lơ lửng say, là không “lành” được nữa trước thói người, thói đời:
 “Rồi Tiên cũng bỏ Ta bà
Phòng văn còn một Ta và Ma thôi
     Đầu hè một Quỷ lơi bơi
Phật vỗ vai Chúa trốn đời đi hoang”
                                (Còn lại)

     Khi xưa Tiên ở trên trời
Yêu người trần thế Trời dời xuống đây


     Người trần khi tỉnh khi say
Nên Tiên chán ngán lại bay về trời
                                 (Còn lại 2)

    “Là ai tâm Phật thân Ma
Nhập nhòa một bóng chợt xa, chợt gần
      Chợt phong vân, chợt phù vân
Thương đời, đời loạn, thương thân, thân nhàu!
                                  (Là ai)
    34 bài lục bát trong phần thứ 2: Lãng đãng, Khoa chỉ coi như những bài thơ viết trong những khoảnh khắc hoa ngôn, những khoảnh khắc tài tử, những khoảnh khắc phóng bút. Nhưng với tôi, 34 bài lục bát trong tập này của Khoa là tinh hoa thơ Lê Thiên Minh Khoa. Chỉ với lục bát hồn Khoa, hoạt ngôn Khoa, thi ảnh, thi hình, tư tưởng, chất giang hồ tài tử mới phát lộ, nhiều bài phong nhiêu liêu trai. Buồn tanh mà cao ngạo đấy. Êm ái mà sóng ngầm. Đùa cười mà rớt lệ giữa cuộc vui:
     “Đôi khi bỏ bể về rừng
Ngó anh cọp ốm, chợt lòng từ tâm
     Nửa chừng sương rót lâm râm
Một, hai, ba, bốn, năm châm giọt buồn!...”
                                  (Đôi khi)

“Và em
Và tôi
Và thơ
Và dăm ly rượu
Và chờ đêm qua

Và Không
Và Phật
Và Ma
Hội nhau trong cõi ta – bà
Rong chơi

Và em
Và tôi
Và ai
Và trăm năm
Vẫn nhớ hoài ngàn năm
Và ngàn năm
Nhớ xa xăm
Và xa xăm nhớ lầm
Than kiếp người…
                              (Và em…)

     Còn xưa mây thả lưng đồi
Còn em mấy độ thu rồi chưa bưa
    Nghe chừng ngượng ngập chân đưa
Nghe nay nằng nặng, nghe xưa nhẹ hều!…
                              (Còn xưa)
   
           Có khi, đọc Lục Bát Lê Thiên Minh Khoa chả cần lời bình. Tôi những muốn thưa rằng có một vườn Lục Bát Lê Thiên Minh Khoa tươi an nhiên trong cánh đồng Thơ Việt. Vườn lục bát của họ Lê luôn luôn hiện lộ và tỏa hương sắc riêng. Thứ hương thơm ấy có quyền dán nhãn  Made in Lê Thiên Minh Khoa!
                                                      Vũng Tàu, tháng 6/2018
                                                                                     HOÀNG QÚY
--------
(*): LẶNG  LẼ TÔI  (Lê Thiên Minh Khoa- tập thơ- NXB Hội Nhà Văn- tháng 6.2018).

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

TA NÉN CẢ HỜN CĂM ĐẦU NGỌN BÚT - THƠ LANG TRƯƠNG

Truong Lang <langtruongdaosi@gmail.com>
19:05 (13 giờ trước)
tới tôi







TA NÉN CẢ HỜN CĂM ĐẦU NGỌN BÚT 
( Vô cùng khinh bỉ gửi bọn tham quan ô lại và bọn bồi bút, văn nô ) 

Hãy nghe đây, hỡi giống nòi phản quốc ! 
Tiếng oan khiên đã dậy khắp sơn hà  
Tiếng ai oán của những oan hồn trong tiềm thức 
Tiếng thảm thiết kêu gào của thịt nấu nồi da. 

Lũ các ngươi không ngớt lời phỉ báng 
Nào Quý Ly, nào Chiêu Thống đê hèn 
Lũ các ngươi cũng hùa nhau chửi mắng : 
“  Rước voi về, giày mồ mả ông cha ”

Hãy rửa tai nghe đây, 
nghe thật rõ lời ta :
Chẳng đấng quân vương nào dâng giang sơn cho giặc 
Đã xông trận là vươn mình đứng thẳng 
Chưa từng cúi đầu nhận tiếng: “ Đứa con hoang ”. 

Trả lại cho ta chứng tích Mục Nam Quan 
Nơi Nguyên Trãi tiễn cha về đất Bắc 
 Nguyễn Phi Khanh dạy con chớ cúi đầu thờ giặc 
Hãy nuốt lệ vào lòng, rửa quốc hận thiên thu. 

Máu anh hùng rải khắp biên khu 
Từng tấc đất giữ gìn cho hậu thế 
“ Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ ”
Máu quân thù đỏ nước Bạch Đằng Giang. 

Bốn ngàn năm: “ Vạn cổ thử giang san ”
Gương trung liệt đời đời soi sáng 
Bom Sa Diện nổ tung lòng Lưỡng Quảng 
Mộ người anh hùng lấp lánh giữa Hoàng Hoa Cương. 

Hãy nghe thật rõ lời ta, lũ điếm bút văn chương 
Bóp méo sử là dìm dân tộc ta trong biển máu 
Lũ các ngươi mặt mũi nào nhìn con cháu 
Khi cơ đồ phút chốc tan hoang. 

Hãy mở mắt mà xem, dưới biển, trên ngàn 
Đâu cũng thấy một màu chết chóc 
Rợ phương Bắc ngàn đời gieo tang tóc 
Sao mãi cúi đầu thờ giặc như cha ? 

Có biết nhục không, khi gấm vóc sơn hà 
Bị xâu xé bởi loài đã thú 
Hay chỉ thoả thuê, một đời no đủ 
Hải vị, sơn hào chan nước mắt dân đen. 

Ta biết các ngươi nhiều giải thưởng, lắm bằng khen 
Nhà nọ, nhà kia vễnh râu vênh váo 
Tự ngươi biết, mình chỉ là loài cầy cáo 
Theo đóm ăn tàn, tìm chút thịt vãi xương rơi 

Hãy sống trung can, lẫm liệt một đời 
Để khi chết không miệng đời phỉ nhổ 
Đừng làm con bọ hung suốt ngày lo giông tố 
Cứ mãi vùi mình dưới đống phân đen. 

Chớ làm bẩn văn chương, hỡi lũ đê hèn 
Tổ quốc lâm nguy, các ngươi câm miệng hến 
Chút hôi tanh, cả bầy xô đến
Bán thánh buôn thần, đổi trắng thay đen. 

Hồn thiêng sông núi hỡi, có linh chăng ? 
Xin nén cả hờn căm đầu ngọn bút 
Chỉ thẳng các ngươi: Lũ văn nô phản quốc
( Loài phản quốc còn biết đâu vinh nhục) 
Chẳng đáng làm người, chỉ là giống sài lang.

_ LANG TRƯƠNG 08/06/2018_