Tệp đính kèm
05:12 (13 giờ trước)
tới tôi
Ảnh tác giả CADAO
MỘT RẺO CHIỀU
Tôi: chiếc lá
Em: chiếc lá
Bạn bè: từng chiếc lá
Một khoảnh rừng đã xanh trong nhau
Và thế đó, gió về ru ta hát
Vầng trăng non ngả ngớn lướt qua đầu
Ngày mải miết
Rồi thu về lá rụng
Miền thênh thang cũng phải úa mất rồi
Vàng chín nẻo trăng chìm đêm nguyệt tận
Lời chia xa lá rụng tới mềm môi...
CA DAO NT
Lời Bình: Châu Thạch
Đọc “Tôi: chiếc lá/ Em: chiếc lá/ Bạn bè: từng chiếc lá/ Một khoảnh rừng đã xanh trong nhau” ta như lập tức thấy trước mắt một bức tranh đẹp và sống động. Mỗi linh hồn con người là một chiếc lá xanh thắm và mỗi chiếc lá đại diện cho một linh hồn con người trong khoảnh rừng xanh thắm ấy là hình ảnh của sự sống bình an, hạnh phúc, êm đềm và quyến luyến biết bao.
Những câu thơ trên đây ngắn gọn, thật là bình dị, bình dị đến độ tưởng không phải là thơ nhưng ngược lại nó là “vô thơ”, nghĩa là ở trình độ làm thơ không còn bị gò bó bởi luật làm thơ nữa. Nhà thơ vừa dùng phương pháp tưởng tượng người thành lá, vừa nhân cách hóa lá thành người, khiến cho sự suy nghĩ tưởng như ngộ nghĩnh của một em bé lại phát họa một góc thiên đường đầy sự thân ái trong cuộc sống. Câu thơ “một khoảnh rừng đã xanh trong nhau” với cụm từ “xanh trong nhau” hình dung hoàn toàn sự hài hòa, sự đồng cảm của mỗi cá nhân sống trong xã hội đó. Tuy thế, nếu những câu thơ trên không có những câu thơ dưới đây chắp đôi cánh cho nó, thì nó hoàn toàn không thể bay lên cao được:
Và thế đó, gió về ru ta hát
Vầng trăng non ngả ngớn lướt qua đầu
Hình ảnh lá và rừng tuy có đẹp nhưng vẫn khô. Sự sống của lá và rừng trở nên đầy ý nghĩa, đầy thi vị khi “gió về ru ta hát” và khi có “Vầng trăng non ngả ngớn lướt qua đầu”. Hai câu thơ đã mô tả cái xã hội có tôi, có em và bạn bè hoàn toàn trong cái nhìn thẩm mỹ của tác giả, vừa văn hóa với ngọn gió đưa về, vừa lạc thú bởi tiếng hát và vừa nên thơ bởi trăng ngả ngớn ở trên đầu.
Cái xã hội ở khổ thơ trên đẹp vô cùng và thánh thiện như trong mơ. Tưởng nó sẽ mãi mãi như thế. Mà thật ra, nếu nó mãi mãi như thế thì bài thơ không còn hay mấy, bởi nó chỉ phát họa một khung đời bình an, thơ mộng thì không làm cho cảm xúc trong con tim người thăng rồi trầm theo nhịp sống được. Bởi vậy nhà thơ đã cho mây kéo về khung trời ấy, cho gió lạnh về và cho lá úa vàng, rồi từ từ rơi rụng hết:
Ngày mải miết
Rồi thu về lá rụng
Miền thênh thang cũng phải úa mất rồi
Vàng chín nẻo trăng chìm đêm nguyệt tận
Lời chia xa lá rụng tới mềm môi...
Lá rụng có nghĩa là bạn bè chúng ta rụng, rồi em sẽ rụng và tôi cũng sẽ rụng. Khổ thơ quá buồn được đặt ngay đưới một khổ thơ mượt mà bởi hanh phúc. Nhà thơ như một nhạc công tài hoa xuống tông rất bất ngờ một bài ca, khiến cho mọi trái tim người nghe khựng lại rồi dòng nước mắt tuôn trào. Bạn đọc thơ có lẽ không khóc, nhưng biết đâu có bạn nữ nào đó ngồi suy nghiệm rồi cũng rơi nước mắt bây giờ. Tác giả dùng các câu thơ “Miền thênh thang cũng phải úa mất rồi/ vàng chín nẻo trăng chìm đêm nguyệt tận”khiến cả khung trời vừa mới xanh tốt đó trở nên thê lương đến độ, chìm hết trong bóng tôi tận cùng. Câu thơ “Lời chia xa lá rụng tới mềm môi” đem đến một nỗi buồn triền miên và thê thiết. Người ta thường nói “uống rượu mềm môi” vì chữ “mềm môi:” chỉ sự đã thèm, thỏa thích. Thế nhưng tác giả dám dùng nó để chỉ nỗi buồn vì không có từ nào hay hơn chữ “mềm môi” trong câu thơ nầy. Người uống rượu uống mãi, uống mãi đến mềm môi làm tê tái cả cơn say. Người chia tay lá rụng trong thơ cũng nói mãi, nói mãi trong tâm trạng u sầu làm tê tái tâm cang. Cả hai đều tê liệt cảm xúc của mình.Hai người không khác gì nhau, khác chăng chỉ là ở cai lý do và tâm trạng khác nhau của sự mềm môi ấy mà thôi.
Bài thơ “Mổt rẻo chiều” ngắn, gọn, đem đến cho người đọc một cảm xúc thăng hoa rồi một cảm xúc buồn thê thiết. Đây không phải là một bài thơ triết lý sâu xa nhưng là một bài thơ cho ta cảm nhận sự sống vô thường. Tác giả đã thiết lập những hình ảnh cụ thể nhưng lại lung linh, đưa những chiếc lá xanh tươi và làm cho nó vàng đi, rồi rơi rụng rất đẹp nhưng cũng rất buồn trong mắt, dẩn người đọc thơ vào một bức tranh rừng cây tuyệt đẹp để rồi lập tức lồng nó vào khung u sầu bới vô vàn lá rụng, làm cho người đứng đó tuy ngỡ ngàng mà thú vị, bởi sự quyến rũ của thơ có cả trong sự rơi u sầu của lá./.
CHÂU THẠCH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét