CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2024

BỤT LÀ ...LÒNG. - TRẦN HỮU NGƯ

 


BỤT LÀ… LÒNG!

Dâm bụt còn có tên là Mộc cận. Cây không cao, cành nhỏ, nhìn không có nét dịu dàng, vì nó được sinh ra nơi “đồng chua nước mặn”.
Ở nhà quê, Dâm bụt thường trồng làm hàng rào, nếu chịu khó cắt tỉa, dâm bụt cho ta một hàng rào vừa đẹp lại vừa có hoa, mà là thứ hoa nở quanh năm. Hoa Dâm bụt là hoa “nhà quê”, vì ở quê nhà nào cũng có, nó mọc bất cứ ở nơi đâu. Một thứ hoa dễ trồng, chỉ cần chặt cành găm xuống đất là sống khỏe, bất chấp thời tiết và không cần người tưới nước, và là một thứ hoa không sợ… mất trộm!
Trong Quốc âm Thi tập, có đăng bài cây “Mộc cận” của nhà văn hóa Nguyễn Trãi, mà dân gian thường gọi tên là hoa “Dâm bụt”:
“Ánh nước hoa in một đóa hồng
Vết nhơ chẳng bén, bụt là lòng
Chiều mai nở chiều hôm rụng
Sự lạ cho hay tuyệt sắc không”.
Qua bài thơ, ta thấy cụ Nguyễn Trãi rất yêu hoa Dâm bụt, dù loài hoa này không quý phái như hoa hồng, không thanh cao như hoa sen, không thuần khiết như lan huệ cúc… Nhưng ông mượn Dâm bụt để nói đến Phật tâm, cho dù đời hoa “Chiều mai nở, chiều hôm rụng” và trong cái “nở, tàn” ấy là biểu hiện sắc sắc không không theo quan niệm của nhà Phật.
Nhắc đến hoa Dâm bụt, tôi nhớ hàng rào Dâm bụt của của ông bạn hàng xóm. Cho dù thời tiết bất thường, trời chợt mưa chợt nắng nhưng vẫn đâm hoa xanh lá. Dâm bụt trổ hoa bốn mùa, màu đỏ pha chút hồng phai, dù không “bắt mắt” như lan, mai, đào cúc, hồng, hồ điệp…, nhưng nó là một loài hoa đặc trưng của làng quê - một làng quê đích thực ở thời kỳ chưa đô thị hóa - và gần như thời ấy nhà nào cũng có.
Những năm 50, ở nhà quê, thường thì nhà có đất rộng, vườn to, nghĩa là nhà của điền chủ, nhà phú hộ, nhà ông Trùm, ông Hương, ông Lý, còn nhà nghèo thì tệ lắm cũng có một vài sào đất để nuôi con vịt con gà…, họ thường rào sân nhà bằng những hàng cây Dâm bụt, còn bần nông thì chẳng có gì để mất, nên họ chỉ trồng vài cây trước nhà để nhìn cho có chút niềm vui mà sống với làng quê!
Những hàng rào Dâm bụt thẳng tắp, trồng đan xen khít với nhau, con gà không chui qua được, con chó cũng chịu thua, ăn trộm cũng khó vào… Ngày ấy, bên hàng Dâm bụt có những câu chuyện tình đẹp như hoa Dâm bụt. Trai gái nói chuyện với nhau bên này bên kia hàng rào Dâm bụt trước khi ra đồng, khi mặt trời vừa lú, trâu vừa ra chuồng nghé ngọ. Họ tản mát làm lụng, chiều lững thững về nhà, nhưng còn nán lại bên hàng rào Dâm bụt để chào nhau khi hoàng hôn sắp tắt. Họ cho nhau những hình ảnh đầy lãng mạn của những năm chiến tranh, nhưng rất thanh bình. Những cặp tình nhân ấy dù không biết “sắc sắc, không không”, nhưng họ tỏ tình bên hàng Dâm bụt bao giờ cũng son sắc vì “Bụt là… lòng” mà!
Cây Dâm bụt cắt cành, trồng xuống không phân, không nước, không cần người chăm bón, nhưng nó vẫn sống khỏe sống tốt, sống dẻo dai, bất chấp mưa nắng gió táp bão bùng… Dâm bụt cho hoa bốn mùa, màu hồng đỏ, không chói chan, không kiêu sa, có điều, hoa Dâm bụt chỉ để ngắm, (giống như cuộc đời này có những thứ chỉ để ngắm, đôi khi cấm sờ vào hiện vật !), đặc biệt loài hoa này không thể cắt rời khỏi cành để cắm vào lọ. Lìa cành là hoa sẽ chết, chứng tỏ rằng hoa Dâm bụt không thể sống thiếu cành, thiếu quần thể và thiếu… đất, nó mang tính chất của những người nông dân sống theo thôn xóm làng xã và cũng không thể sống… thiếu đất!
Ông bạn hàng xóm đã có lần nói với tôi:
-Con cháu nó bảo mình chặt bỏ hàng rào này để xây tường rào cho “bằng chị bằng em”, nhưng mình phản đối, mình không thích “cao tường kín cổng”, vả lại, cái hàng rào này do ông bà để lại, cho mình nhiều kỷ niệm từ lúc tụi nó chưa ra đời.
Ông buồn rầu tiếp:
-Làng quê mình bây giờ nhìn đâu cũng thấy dây điện, cột ăng ten, hàng quán xanh đỏ… chỉ có hàng Dâm bụt này, hàng ngày ra vào nhìn nó mới thấy lòng mình thanh thản ông ạ ! Và nếu phải xa nhà, xa quê, mình nhớ nhà, nhớ quê thì ít, mà nhớ hàng Dâm bụt thì nhiều, cho dù Bụt “chiều mai nở, chiều hôm rụng!”.
Nghe ông bạn nói, tôi thấy chạnh lòng, một người biết giữ một nét đẹp văn hóa dù rất nhỏ: Hàng Dâm bụt!
Làng quê bây giờ tìm đỏ con mắt không thấy hàng rào Dâm bụt, nếu có ai đó biết có giữ lại, chắc nó cũng cảm thấy cô đơn trước những bức tường rào bằng gạch đá tua tủa những dây kẽm gai nhìn là thấy nhức con mắt.
Làng quê bây giờ mất nhiều thứ quá, dù những thứ ấy nó nhỏ thôi nhưng lâu ngày không thấy lại nhớ, như buồng chuối sau hè, cây cau đầu ngõ, chiều xuống thấy những con chim vội vàng tìm chỗ ngủ, và đêm về nghe một thứ âm thanh đồng quê khó mà đoán được xa gần, ở đâu, có đôi khi chỉ là tiếng kêu của một con nhái nằm gần lu nước sau hè…. Tất cả những thứ quê mùa ấy, đã thấm trong máu trong thịt của những người sinh ra và lớn lên bên bờ tre góc ruộng, nhưng nay vì một hoàn cảnh nào đó phải xa quê!
Có lẽ ông bạn hàng xóm tôi có lý khi giữ lại hàng rào Dâm bụt này, ngoài những kỷ niệm ra, chắc ông cũng không thể bỏ hàng rào Dâm bụt chỉ vì “Bụt là… lòng” phải không?
Nếu quả thật thế, thì tôi xin cảm ơn ông bạn, cảm ơn những con người có tấm lòng còn lại trong cuộc đời này!

TRẦN HỮU NGƯ

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2024

ĐỘ TANG CÀN -THƠ GIẢ ĐẢO ,ĐỖ CHIÊU ĐỨC DIẼN NÔM





Góc Đường Thi :  

                           ĐỘ TANG CÀN :  Giả Đảo


                         


                                     Giả Đảo và bài thơ 


         Lại tiễn biệt, lại chia tay, nhưng không phải với người, cũng không phải với vật, mà là với ĐẤT...  Đất là Đất Nước nơi mà ta đang cư trú, là Quê Hương, nơi chôn nhau cắt rốn, Quê Hương thứ hai, thứ ba... Nơi đã bảo bọc ta trong cuộc sống lưu vong xa rời Quê Cha Đất Tổ...

          Xin kính mời tất cả cùng đọc và cùng dịch để thắm thía hơn nỗi niềm xa xứ với bài thơ sau đây :


              渡桑乾                             Độ Tang Càn

         客舍併州已十霜,        Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương,

         歸心日夜憶咸陽。        Quy tâm nhật dạ ức Hàm Dương.

         無端更渡桑乾水,        Vô đoan cánh độ Tang Càn Thủy,

         卻望并州是故鄉。        Khước vọng Tinh Châu thị cố hương !

                       賈 島                                                   Giả Đảo 

          


Chú Thích :

          1. Khách Xá 客舍 : là Ở nơi đất khách.   Xá : là chỗ trọ, là nhà ở.

          2. Thập Sương 十霜 : Mười mùa sương giáng. Mỗi năm chỉ có một mùa sương giáng. Thập sương là mười năm.

          3. Ức 憶 : là Nhớ. Hồi ức là Nhớ lại.

          4. Vô Đoan 無端 : là Khi khổng khi không. là Tình cờ , là chuyện đến mà không có dự tính trước, ta nói là Bỗng Dưng.

          5. Khước 卻; là Lại ,là Phó từ bổ nghĩa cho Động từ đi sau nó. Khước Vọng  卻望 : là Lại nhìn, lại ngắm.


Dịch nghĩa :    

                              Qua sông TANG CÀN.

              Ở trọ nơi đất khách là xứ Tinh Châu nầy đã mười năm nay, nhưng trong lòng ngày đêm luôn luôn nhớ về quê cũ là xứ Hàm Dương. Hôm nay, tình cờ lại phải đi qua sông Tang Càn để rời xa xứ Tinh Châu, thì lại cảm thấy quyến luyến nơi nầy, mặc dù thuyền đi đã xa rồi, nhưng vẫn còn trông ngóng về phía Tinh Châu như là trông ngóng về phía cố hương vậy !

 

Diễn nôm :

                      Tinh Châu đất khách mười năm trường,

                      Lòng vẫn nhớ về đất Hàm Dương.

                      Tang Càn nay lại sang sông nữa,

                      Trông ngóng Tinh Châu ngỡ cố hương !

         Lục bát :

                      Mười năm quán khách Tinh Châu,

                      Lòng quê thường vẫn nhớ sầu Hàm Dương.

                      Tang Càn qua bến vấn vương,

                      Rời Tinh Châu ngỡ Hàm Dương dạo nào !


       Xúc cảnh sinh tình, xin được cảm tác qua thực tế của cuộc sống định cư trên đất MỸ như sau :


                   Đất khách Ca-li mấy chục sương,

                   Việt Nam không lúc nhớ cùng thương !

                   Di cư nay lại qua Tết xát ( TAXAS ),

                   Rời đất Ca-li ngỡ cố hương !!!


          Đọc bài thơ trên đây, lại làm cho ta nhớ đến bài "題平陽郡汾橋邊柳樹 Đề Bình Dương Quận Phần Kiều Biên Liễu Thọ" của Sầm Tham như sau : 


               此地曾居住,      Thử địa tằng cư trú,

               今來宛似歸.      Kim lai uyển tự quy.

               可憐汾上柳,      Khả lân Phần thượng liễu,

               相見也依依!      Tương kiến dã y y!

                         岑參                        Sầm Tham

Có nghĩa :

                      Ngày xưa từng trọ nơi đây,

                   Giờ quay lại ngỡ nơi nầy cố nhân.

                     Thương thay bờ liễu sông Phần,

                   Gặp nhau quyến luyến như không nở rời !


                 


            Hẹn bài dịch tới !


                                                                                杜紹德

                                                                           ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2024

TRĂNG NON TRONG VƯỜN CŨ - THƠ NGUYỄN AN BINH




 

TRĂNG NON TRONG VƯỜN CŨ


Lạc trong vườn mơ cổ tích

Tôi về mùa đã sang ngang

Chân son thuở em mười sáu

Tóc thề vàng cả suối trăng.

Mỏng manh tình cong lá liễu

Sương hồ đâu đợi sớm mai

Trách chi con tim đắm đuối

Mưa đêm chìm giấc mộng dài.

Mười năm trôi trong khoảnh khắc

Tường loang lối đá rêu mòn

Sen trong vườn khuya thơm ngát

Nụ hồng cài mảnh trăng non.

Chim nâu hót lời giã biệt

Xa người nguyệt quế phai mau

Sâu ơi ngủ vùi trong kén

Mơ chi hóa bướm ngày sau.

Người xa áo mù sương lạnh

Hiên xưa còn đóa cúc vàng

Nỉ non côn trùng âm vọng

Hương thời gian sớm úa tàn.

Đêm nghe từ trong xa thẳm

Chia người nửa mảnh trăng non

Mắt hồ long lanh đáy nước

Thuở tình cánh mỏng vàng son.


NGUYỄN AN BÌNH


TÌNH SAY - NHẠC LÊ HỮU NGHĨA, LỜI NHÃ MY







TÌNH SAY
NHẠC LÊ HỮU NGHĨA
LỜI NHÃ MY
CA SỸ NGỌC QUY
SẢN XUẤT SONAR PRODUCTION


Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2024

CÕI BUỒN RẤT BUỒN... RẤT BUỒN! - TRẦN HỮU NGƯ

 



CÕI BUỒN
RẤT BUỒN…
RẤT BUỒN!

Có rất nhiều nhạc sĩ miền Nam sau 1975 bỏ Việt Nam chạy ra nước ngoài.
Ở nước ngoài, họ vẫn tiếp tục sáng tác. Phần đông những bài hát nằm trong chủ đề “thân phận xa quê”, “buồn nhớ quê hương”, những người Việt lạc loài trên khắp thế giới, mang bịnh “nhớ nhà mãn tính”, ở đâu cũng phải kiếm cái ăn, nhưng ở nước ngoài kiếm cái ăn khó khăn hơn, trong đời sống thường nhật còn trở ngại bất đồng ngôn ngữ, tập quán…
Họ ra đi, bỏ lại Saigon, nơi ấy một thời các văn nghệ sĩ miền Nam coi Saigon là chỗ dung thân, chỗ đã từng nuôi dưỡng họ để họ trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng.
Saigon, được ví là “Hòn ngọc Viễn đông” của một thời “Đẹp lắm Saigon ơi, Saigon ơi…” (nhạc phẩm Saigon của Y Vân).
Tôi nghe một số ca khúc của nhạc sĩ Saigon đã bỏ Saigon, viết ở nước ngoài. Phần đông nhạc của họ, người “bên thắng cuộc” khó nghe, khó chấp nhận được, dĩ nhiên! Còn người “bên thua cuộc” nghe để thương cho những thân phận của người Việt đau đáu nỗi nhớ quê nhà! Những nỗi đau không thể nói lên bằng lời của những ngày vượt đại dương mênh mông, vô định!
Trước khi vào CÕI BUỒN… RẤT BUỒN, tôi xin nhắc ngày sinh và tử của nhạc sĩ Anh-Bằng:
-Sinh ngày 5.5.1926 tại Thanh Hóa Hanoi
-Mất ngày 12.11.2015 tại Hoa Kỳ.
Nhớ lại:
-Một lần Anh Bằng di cư vào Nam, xa Hanoi để viết một bài hát “Nỗi lòng người đi” đã làm xúc động nhiều người từ Trung-Nam-Bắc của một thời chiến-tranh:
“… Hôm nay Saigon bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu lắng đi trong bùi ngùi
Saigon ơi! Mộng với tay cao hơn trời
Tôi hái hoa tiên cho đời
Để ước mơ nên đẹp đôi…”
-Một lần ông di cư sang Hoa Kỳ, vẫn tiếp tục viết nhạc, trong số này có một ca khúc CÕI BUỒN, làm người nghe ở quê nhà cũng buồn theo.
Buồn mà trở thành “Cõi” thì có Anh Bằng mới dùng, và ông đã viết rằng “Rất buồn…Rất buồn” là tiếng nói phổ thông của những ai gặp chuyện buồn. Rất buồn… Rất buồn, hai chữ này sau mỗi câu đã làm bài hát… cũng rất buồn, mà phải dùng điệp khúc, chớ đứng riêng thì không còn buồn nữa, hoặc có buồn thì cũng buồn ít thôi.
Bài “Cõi buồn”, nhạc sĩ Anh Bằng đã nói rất thật chớ không phải “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ…” (Nhà thơ Việt Phương).



Hãy nghe Anh-Bằng so sánh:
-Mùa Thu
-Mưa
-Hoàng hôn
-Chiều
-Biển
-Trăng
-Thời gian
Ở nước Mỹ thua xa Saigon:
“… Mùa Thu nơi đây buồn hơn mùa Thu Saigon nhiều
Nhìn Thu lá bay không thiết tha giống Saigon nhiều
Biết không em, biết không em
Mùa Thu nơi đây rất buồn… rất buồn…
Trời mưa nơi đây
Buồn hơn trời mưa Saigon nhiều
Giọt mưa hắt hiu
Nhắc ta nhớ Saigon nhiều
Biết không em, biết không em
Tuổi xanh cô đơn rất buồn, rất buồn
Hoàng hôn nơi đây
Nhạt hơn hoàng hôn Saigon nhiều
Chiều ra biển khơi
Ta tiếc thương chiều Saigon nhiều
Biết không em, biết không em
Thời gian rất buồn… rất buồn…
ĐK:
Ta muốn kéo mặt trời lặn đằng Đông, mọc đằng Tây
Ta muốn thời gian, không gian trong khoảng tù đầy
Để không mất nhau, để không mất nhau
Để mãi mãi không mất nhau
Không mất nhau trên đời này
Dù chỉ một phút giây…
Màu trăng nơi đây, bạt hơn màu trăng Saigon nhiều
Trời đêm lắm sao nhưng khác trăng sao Saigon nhiều
Biết không em, biết không em, ở đây rất buồn… rất buồn…”
Nhạc sĩ Anh Bằng vì quá thương nhớ quê hương Việt Nam, nhất là nhớ thương da diết Saigon, nên ông làm cuộc so sánh Saigon hơn hẵn Hoa Kỳ!
Bài hát “Cõi Buồn” trong mỗi dứt câu là… Rất buồn… Rất buồn… nghe sao nó rất buồn và tôi cũng rất buồn khi nghe “Cõi buổn”.
Năm ông xa Hanoi thì… rất vui?
Năm ông xa Saigon thì… rất buồn!
Tôi xin thành kính gởi về ông, ở một nơi xa xôi “Cõi buồn” thuở ấy, và tôi rất buồn, rất buồn… khi nghe CÕI BUỒN!
Nhạc sĩ Anh Bằng viết CÕI BUỒN rất buồn. Nhưng ông hỏi một câu rất dễ thương:
-“Biết không em, biết không em”…
Một câu hỏi đã có câu trả lời, vì em đã biết:
-Nơi anh ở rất buồn… rất buồn…
Một ca khúc thật khó quên không dành cho những người xa xứ.

TRẦN HỮU NGƯ

ĐỀ BÌNH DƯƠNG QUẬN PHẦN KIỀU BIÊN LIỄU THỌ -SẦM THAM,ĐỖ CHIÊU ĐỨC DIỄN NÔM

 



Góc Đường Thi :   

                        ĐỀ BÌNH DƯƠNG QUẬN PHẦN KIỀU BIÊN LIỄU THỌ 
                                                Sầm Tham




       SẦM THAM 岑參(715~770)thi nhân đời Đường. Ông người đất Nam Dương, thuộc tỉnh Hà Nam hiện nay; đậu tiến sĩ trong những năm Đường Thiên Bảo (742-756); làm quan đến chức Thứ sử Gia Châu, nên còn được gọi là Sầm Gia Châu 岑嘉州.Ông mất ở đất Thành Đô (Tứ Xuyên). Năm Thiên Bảo thứ 5,6 (746-747) Ông từng về thăm lại đất Tấn quận Bình Dương tỉnh Sơn Tây, nơi mà trước đây ông đã từng cư trú 8,9 năm, nên cảm xúc mà làm bài thơ Ngũ ngôn tuyệt cú nầy.

        題平陽郡汾橋邊柳樹  Đề Bình Dương Quận Phần Kiều Biên Liễu Thọ
               此地曾居住,      Thử địa tằng cư trú,
               今來宛似歸.      Kim lai uyển tự quy.
               可憐汾上柳,      Khả lân Phần thượng liễu,
               相見也依依!      Tương kiến dã y y!
                          岑參                        Sầm Tham




* Chú thích :
    - Một dị bản của tựa nầy là 題汾橋邊柳樹  Đề Phần Kiều Biên Liễu Thọ : Đề Hàng liễu bên cầu sông Phần.
    - 曾 Tằng : là Đã từng.
    - 宛似 Uyển Tự : Giống như là; Ngỡ như là...
    - 歸 Quy : là Về lại nhà, về lại quê hương.
    - 可憐 Khả Lân : là Đáng thương, đáng yêu, Tội nghiệp...
    - 依依 Y Y : là Quyến luyến, nắm níu, dựa dẵm vào nhau...

* Nghĩa bài thơ :
                Đề Hàng liễu bên cầu sông Phần thuộc quận Bình Dương

        Ta đã từng cư trú ở nơi nầy (tám chín năm). Nay có dịp về thăm lại, nên có cảm giác thân thiết như là về lại quê nhà. Khá thương thay cho hàng liễu bên cầu trên bến sông Phần, gặp lại nhau cũng phất phơ quyến luyến như không nở rời xa nhau vậy !

        Rõ khéo nhân cách hóa hàng liễu bên cầu ven bến sông Phần, Sầm Tham đã là người đa tình rồi; Trở lại chỗ ở trọ khi xưa mà xúc động như là trở về quê cũ, nên ông thấy mọi vật ở đây đều như có tình cảm tựa con người, cả hàng liễu theo gió phất phơ vướng víu vào mình, ông cũng ngỡ là dương liễu quyến quyến mình như mình đã quyến luyến nơi ở trọ nầy vậy !
        Vừa chân thật, vừa đa tình nên lời thơ thật nên thơ tràn đầy thi vị dễ làm xúc động lòng người... Trông người lại ngẫm đến ta, mang thân lưu vong nơi xứ lạ quê người, không phải chỉ có tám chín năm như Sầm Tham, mà những hai, ba, bốn chục năm trời nơi đất khách... Nếu có dịp lại phải rời xa, chúng ta có xem nơi tạm dung nầy như là quê hương thứ hai của ta để mà quyến luyến chăng ?!...

                          

* Diễn Nôm :
                  Đề Bình Dương Quận Phần Kiều Biên Liễu Thọ

                       Nơi nầy từng cư trú,
                       Về lại tựa về quê.
                       Thương thay bờ liễu rủ,
                       Gặp nhau mãi vân vê !
          Lục bát :
                       Ngày xưa từng trọ nơi đây,
                   Giờ quay lại ngỡ nơi nầy cố nhân.
                     Thương thay bờ liễu sông Phần,
                   Gặp nhau quyến luyến như không nở rời !
                                                      Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
                                                           

        Hẹn bài dịch tới :
                          THU TUYỀN của Tiết Đào

                                                           杜紹德
                                                           ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Thứ Năm, 16 tháng 5, 2024

CHỈ LÀ MƯA - THƠ NGUYỄN AN BÌNH

 




CHỈ LÀ MƯA...


Chỉ là một cơn mưa

Nhẹ bay qua phố cũ

Đâu dấu chân ngày xưa

Mịt mù trong bão lũ.

Giữ lại khoảng trời riêng

Chênh chao ngày đông lạnh

Đâu chiếc lá hồn nhiên

Trên hàng cây hiu quạnh.

Chỉ là một cơn mưa

Sao hồn giờ đã khác

Khắc vết hằn thiệt thua

Chạm đau triều bụi cát.

Mưa ướt tuổi xuân thì

Thắt lòng ai – bối rối

Cánh chim nào thiên di

Cuốn theo ngày gió nổi.

Nắng ngủ vùi thật sâu

Lòng rụng đầy lá đỏ

Người đi qua đời nhau

Ướt lòng cơn mưa nhỏ.


NGUYỄN AN BÌNH


LÝ ĐẤT GIỒNG - THƠ HUỲNH TÂM HOÀI

 



LÝ ĐẤT GIỒNG

Con nước phù sa
Chảy ra biển lớn
Mang hương đất tình dào dạt ngàn năm
Gặp cơn sóng biển xô đất… tấp nằm
Lắng đọng! lắng đọng ! cầu hò di dân
Hờ ơ….trên đất giồng anh trồng khoai lang
Ruộng sâu anh cấy
Lúa vàng mênh mông
Hò ơ…đêm ngủ mùng giăng
Muỗi kêu ngủ không được
Đêm nằm trở lăn
Trên sông con nước lên rong
Máy chèo em khua nước …
Tóc em dài gió bay.
Nhịp nhàng đôi tay.
Thuyền đi qua …sóng tấp dài kêu lách chách
Anh ra bờ nhìn theo con nước .
Mà lòng anh lắc lay.
Thương em như con sông dài
Chảy ra cửa biển lớn
Gió chướng về nước mặn ngọt giao thoa
Hẹn em hết gió mưa sa
Đem trầu cau sang mẹ
Cưới em về …bậu với qua thành vợ chồng
Hò lơ đất giồng dây bí trổ hoa
Cây cà ra nụ
Cây khổ qua có trái rồi
Mẹ già ngồi mẹ ngoáy cau vôi
Miệng nhai bõm bẽm đôi môi đỏ hồng.
Từ ngày con gái lấy chồng
Mẹ thương mẹ hát lý đất giồng…nhớ con
Lý đất giồng nhớ con…

HUỲNH TÂM HOÀI

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2024

QUANH QUẨN MƯƠNG VƯỜN - TỪ KẾ TƯỜNG




 

QUANH QUẨN MƯƠNG VƯỜN

Quê tôi là xứ dừa.Mở cửa ra là thấy dừa khắp mọi nơi. Dừa ngay trong sân nhà, ngoài bờ ao, trên lối đi hàng xóm. Nhưng dừa nhiếu bạt ngàn là ở trong những khu vườn nối tiếp nhau như không có ranh giới để phân định chủ vườn. Thật ra mọi khu vườn dù lớn hàng chục mẫu hay chỉ năm, ba công, một mẫu hoặc hai, ba mẫu đều có bờ ranh chạy dọc tới con rạch chảy qua làng. Trong mỗi khu vườn đều có rất nhiều con mương xẻ ngang những bờ dừa để dẫn nước từ rạch vào mương rồi thoát ra theo thủy triều lên xuống ngày hai lần. Trong những con mương ấy có biết bao thú vui cho một đứa trẻ con thôn quê để sống qua những ngày tháng khôn lớn dần và biết bao kỷ niệm, ấn tượng của một thời thơ ấu đã ăn sâu vào tiềm thức không thể nào quên được.
Tôi và đám bạn cùng trang lứa thường quanh quẩn ở mương vườn. Nước từ rạch bò vào gọi là nước nhữn lớn, vào mùa nước lợ thì câu cua biển. Nước lớn đầy một chút thì câu cá bống dừa, bống các, lòng tong. Nước lớn đầy gọi là nước đứng thì tắm mương, ôm bập dừa nước tập lội, quậy lên bùn khiến đứa nào tắm xong dưới mương lên bờ hai bên mép cũng đều có râu, đúng hơn là mép đóng rong, nhìn nhau cười hết sức ngây ngô. Khi nước ròng sát trong mương lại càng nhiều thú vui hơn, dùng ná thun bắn đạn bùn rình bắn cá bống sao, tìm những chỗ trũng nước đọng cỡ bằng cái nia be bờ tát bắt tôm, tép, các loại cá nhỏ. Nhưng tôi mê nhất vẫn là câu cá ốc mít trong những vũng nước đọng của chân mương vườn


TỪ KẾ TƯỜNG

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2024

XOAY VẦN 1,2 -THƠ LÊ KIM THƯỢNG

 



XOAY   VẦN  1 - 2 

  

1. 

 

Một ngày về với Quê hương

Tôi đi về phía người thương mong chờ

Tôi đi về phía… dại khờ

Tìm về làm đứa trẻ thơ trên đồng…

Tôi qua sông rộng đò đông

Nương ngô, bãi mía, mây hồng, trời xanh

Nghe câu Lục Bát ngọt lành

Lẫn vào hương lúa, hương chanh cuối mùa

Nắng qua kẽ lá chen đua

Đường quê rợp bóng lá dừa buông lơi

Tôi đi tìm… thuở thiếu thời

Nhặt câu thơ cũ đánh rơi… thuở nào…

Nắng sông óng ánh lụa đào

Bờ tre nghiêng ngả xanh xao gọi mời

Lá vàng nhè nhẹ rơi rơi

Cánh cò bay giữa khoảng trời xanh tươi

Lấm lem bùn đất mặt người

Còn nguyên vẹn những nụ cười thân thương

Bếp nghèo khói tỏa như sương

Mờ mờ mái lá vấn vương xoay vần…

 

2. 

 

Quê xa… mà ngỡ rất gần

Một lòng gắn bó thiết thân một đời

Sông quê tha thiết gọi mời

Sóng xô nhịp phách ru hời gió đưa

Đâu rồi bến vắng đêm mưa

Con đò côi cút đong đưa sông gầy

Nhớ bàn chân nhỏ thơ ngây

Vùi trong ruộng nước của ngày Lập Đông

Nhớ quê, tròn nỗi nhớ mong

Ngọn tre treo mảnh trăng trong trên trời

Nửa khuya nhớ bóng sao rơi

Mái tranh nghiêng cả một đời Mẹ - Cha…

Buồn buồn nhớ lắm… xưa xa

Cha già cuốc đất nuôi ta ngày ngày

Tóc mây đã lẫn màu mây

Mẹ ngồi võng đợi, đếm ngày héo hon

“Ầu ơ…” Mẹ hát ru con

“Dù cho sông cạn đá mòn…” gầy hao

Ngủ đi, giấc ngủ ngọt ngào

Lời ru quê cũ đi vào… “Ngày xưa…” 

 

             Nha Trang, tháng  05. 2024

                  LÊ KIM THƯỢNG      



Thứ Hai, 13 tháng 5, 2024

NHỮNG NHẠC KHÚC MÙA HÈ - ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 



Tạp Ghi và Phiếm Luận :  
                          NHỮNG NHẠC KHÚC MÙA HÈ

                            Rồi chiều nay Hè trở lại đây
                            Phượng thắm rơi Phượng thắm rơi đầy
                            Lại cách xa nhau chín mươi ngày
                            Hay là một thế kỷ dài
                           Mà lòng ai đang khóc ai...

       Tiếng hát cao vút như réo gọi, như nhắc nhở, như nức nở của ca sĩ Hoàng Oanh với lời ca bản nhạc Mùa Chia Tay của nhạc sĩ Duy Khánh như làm sống lại những mùa hè của năm mươi năm trước. Tội nghiệp cho tuổi trẻ của các thập niên 60-70 của Thế kỷ trước, học hành dang dở vì bị lôi cuốn một cách bất đắc dĩ vào vòng chiến tranh ý thức hệ giữa Nam Bắc Việt Nam. Những mùa hè là những "Mùa Chia Tay" có khi không bao giờ còn gặp lại, vì...

                   Đời trai chinh chiến ngang trời, 
                   Súng gươm là bạn... và...
                   Bút nghiên là... cố nhân thôi !

      Giọng hát lanh lảnh làm xao xuyến lòng người của nữ ca sĩ Thanh Tuyền lại như réo gọi ta trở về với quá vãng xa xưa :

                   Người ơi, thắm thoát niên học hết rồi
                   Chúc đi cạn lời giây phút ly bôi.
                   Ngày mai tan trường mình không chung lối,
                   Thương nhau nhiều biết gởi về mô,
                   Kỷ niệm cũ tan vào hư vô...

                   

      "Ba Tháng Tạ Từ" của nhạc sĩ Thanh Sơn đã âm thầm nói lên sự "Tạ Từ" không phải là "Ba Tháng" mà có khi mãi mãi sẽ không còn gặp lại nhau nữa :

                  Rồi đây có những khi buồn não lòng,
                  Cố nhân biền biệt có nhớ nhau không ?
                  Ngoài kia, hoa phượng rụng rơi tơi tả,
                  Dư âm làm sống lại đời ta...
                  Dù ngăn cách nhớ hoài ngày qua !...

      Nhắc đến nhạc sĩ Thanh Sơn cũng không thể không nhắc đến "Nỗi Buồn Hoa Phượng". Một bài ca nói lên mỗi niềm chung của lứa tuổi học sinh trong ba tháng nghỉ hè, lại vừa là tâm sự thật của nhạc sĩ với cô bạn cùng lớp có tên là "Nguyễn thị HOA PHƯỢNG", là một "Tiểu Thư" con nhà công chức ở chốn thành đô theo cha về học ở vùng lục tỉnh Sóc Trăng xa xôi, làm cho chàng thư sinh tỉnh nhỏ nghe xao xuyến tâm hồn như những vầng thơ rất nên thơ của nhà thơ Huy Cận thời Tiền Chiến :

                  Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn
                  Tuổi hai mươi đến có ai ngờ
                  Một hôm trận gió tình yêu lại
                  Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư

      Đến khi nàng tiểu thư con công chức về lại xứ thành đô hoa lệ, bỏ lại chàng thư sinh nhạc sĩ miền quê, lúc chia tay chàng hỏi "Nếu mình nhớ nhau thì làm cách nào?". Nàng đã trả lời rằng : "Mỗi năm đến mùa hoa phượng nở, anh nhìn hoa phượng anh sẽ nhớ tới em! Bởi tên em là Hoa Phượng mà!". Nhưng từ đó hai người không còn gặp lại nhau nữa.

      Mười năm sau ngày chia tay cô gái mang tên Hoa Phượng, vào mùa hè năm 1963 tại Sài Gòn, một lần tình cờ đi ngang qua một ngôi trường học và nhìn thấy hoa phượng nở đỏ rực, ông bỗng nhớ lại người xưa, cảm xúc ùa về để ông hoàn thành ca khúc "Nỗi Buồn Hoa Phượng", trong tên bài hát có tên của người xưa để cho...

                  Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn !...
Khi biết rằng :
              ... Ta từ là hết người ơi !
Càng thổn thức hơn với :
              ... Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng,
                  Biết ai còn nhớ đến ân tình không ?!...
                  Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu,
                  Những chiều hẹn nhau lúc đầu...
                  Giờ như nước trôi qua cầu !...


      Và nhạc sĩ Thanh Sơn cũng cho biết thêm rằng nhờ sáng tác bản nhạc "Nỗi Buồn Hoa Phượng" mà mỗi tháng ông nhận được sáu ngàn đồng tiền tác quyền (năm 1963 với hối đoái 1 đô la Mỹ bằng 60 đồng VN lúc bấy giờ) Vừa thoát được cảnh nghèo túng, ông còn mua được nhà, xe để đi lại. Tất cả cuộc sống ấm no sung túc đều nhờ vào "Nỗi Buồn Hoa Phượng" mà có cả ! Nhưng người xưa thì vẫn biền biệt phương trời, để cho...

                  Màu hoa phượng thắm như máu con tim,
                  Mỗi lần hè sang kỷ niệm,
                  Người xưa biết đâu mà tìm !...

      Không tìm được người xưa, nên đến năm 1967 Thanh Sơn lại cùng nhạc sĩ Song Ngọc sáng tác nhạc phẩm "Phượng Buồn" để hoài niệm đến người xưa. Lời ca da diết u buồn trong tiếng hát lanh lảnh cao vút của nữ ca sĩ Thanh Tuyền như xoáy vào lòng người nghe :  

                  Nếu ai một lần trong cuộc vui
                  Xa vắng người thương nghe mặn môi
                  Trách gì loài hoa kia còn rơi
                  Tôi đi người về hai lối
                  Ngậm ngùi ai nói không nên lời !...  



      Đến năm 1974, nhạc sĩ Tuấn Hải cũng cho ra đời một bản "Phượng Buồn" rất được giới mộ điệu ưa thích, do nữ ca sĩ Hoàng Oanh thu thanh đầu tiên vào dĩa nhựa nhạc Ngày Xanh. Nhưng trong tất cả các băng nhạc và đĩa nhạc của khoảng thập niên 1990 - 2000, đều ghi tên tác giả của Phượng Buồn là nhạc sĩ Thanh Sơn. Vì sao lại có sự nhầm lẫn trái khoái nầy ? Sau đây là lời giải thích của nhạc sĩ Tuấn Hải được tìm thấy trên mạng :

     Bài này tôi viết năm 1974 tại Sài Gòn và đã sắp xếp Hoàng Oanh hát đầu tiên vào dĩa nhựa nhạc Ngày Xanh tại phòng thu của một người Hoa ở số 13 đường Bùi Hữu Nghĩa (trước cửa chợ cá Hòa Bình, quận 5 Chợ Lớn cùng trong năm ấy). Đến năm 2004 tôi về Sài Gòn gặp lại một số bạn cũ trong đó có các nhạc sĩ: Ngọc Sơn, Đài Phương Trang, Dzoãn Bình và Vinh Sử. Rồi chúng tôi có cuộc hẹn đi uống bia tại quán Hội Nghệ Sĩ... 
     Sau khi tặng Vinh Sử một CD Phượng Buồn thì người bạn này nói liền: "Xin lỗi anh, em có làm một chương trình có bài Phượng Buồn nhưng gặp khó khăn về việc kiểm duyệt tác giả ở nước ngoài nên đã để tên anh Thanh Sơn cho dễ dàng và tiện việc thanh toán bản quyền..." Ngay lúc đó tôi không thấy gì phiền hà vì việc đã rồi. Hơn nữa Thanh Sơn sau này có chút gì vui vui... Thế là vấn đề thông qua. 
     Sau đó bài Phượng Buồn lần lượt được nhiều trung tâm sử dụng nên việc " tam sao thất bản" càng lan tràn theo tỉ lệ thuận...                       
     "Phượng Buồn" của nhạc sĩ Tuấn Hải gần đây được rất nhiều ca sĩ hát và được nhiều người yêu thích, với âm điệu du dương và lời ca gợi cảm, chân thật, nhẹ nhàng đánh động lòng người nghe :

              Trong tiếng hát ve phượng hồng là hoàng hậu đó
              Phượng buồn vì tình ta tan theo sóng biển nổi trôi
              Ngàn năm trong tôi, tình này không phai phôi
              Xuân qua hè tới ta nhớ nhau luôn phượng ơi!...






      Dù sao thì sự nhầm lẫn giữa tên của hai tác giả đều có sáng tác bản nhạc "Phượng Buồn" cũng tạo nên một giai thoại trong làng tân nhạc cận đại một cách rất nên thơ và không kém phần thú vị ! Điều đáng nói là cả hai bản nhạc đều hay, đều gợi cảm, đều du dương và đều làm cho người nghe không khỏi bâng khuâng nhớ về thời áo trắng với hoa phượng đỏ thắm trong sân trường mỗi độ hè về.

      Bây giờ tóc đã bạc, mắt đã mờ, răng đã... giả hết rồi, nhưng "Mỗi năm đến hè, vẫn thấy Lòng man mác buồn", khi nghe lại "Lưu Bút Ngày Xanh" với lời ca réo rắc...

                 Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi
                 Nhắc lại câu chuyện buồn...
                 Trường còn kia ôi mái đổ tường rêu
                 Nơi kỷ niệm êm ái...




       Lớn lên trong mùa ly loạn, xếp bút xếp nghiên, hổ lều hổ chỏng, học hành dang dở... Kỷ niệm thời tuổi trẻ chỉ còn lại nuối tiếc của những mùa hè với hoa phượng đỏ thắm sân trường; Rồi lại phải lao vào vòng chiến tranh ý thức hệ một cách oan uổng. Chiến tranh chấm dứt thì lại phải làm thân lưu vong nơi xứ lạ quê người. Những "Mùa Chia Tay" cứ mãi tiếp nối nhau, biết đến bao giờ mới tìm lại được "Những Này Xưa Thân Ái" cũ ?! Vì...

                  Một ngày biệt ly trăm ngày nhớ nhau
                  Nuối tiếc cuộc vui ân tình phút đầu
                  Nếu ai đã từng rung cảm
                  Đôi lần nhặt màu hoa thắm
                  Lòng bâng khuâng biết mình đã yêu ...

       Tuổi trẻ là tình yêu của lứa tuổi học trò, vào đời với tình yêu gia đình, yêu cuộc sống, yêu non sông, yêu Tổ quốc... Giờ lại phải đành gởi thân nơi chân trời góc bể nầy để ngậm ngùi nhớ tiếc cho những tháng ngày hoa mộng đã qua. Cám ơn nhạc sĩ Thanh Sơn với Nỗi Buồn Hoa Phượng, với Ba Tháng Tạ Từ, với Thương Ca Mùa Hạ, với Lưu Bút Ngày Xanh... Cám ơn nhạc sĩ Tuấn Hải với Phượng Buồn, Cám ơn nhạc sĩ Duy Khánh với Mùa Chia Tay...


                          Nhạc sĩ Thanh Sơn lúc trẻ và khi về già

       Những ca khúc bất hủ, sống mãi và theo mãi gót chân lưu vong của người Việt đi khắp năm châu bốn bể...

       Hẹn bài viết tới !

                                
                 ĐỖ CHIÊU ĐỨC