CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

CHÂU ĐỐC -MIẾU BÀ CHÚA XỨ



Thành phố Châu Đốc nằm trên bờ sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 245 km về phía tây




Phía bắc thành phố giáp huyện An Phú.
Phía đông giáp huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu.
Phía nam giáp huyện Châu Phú
Phía tây nam giáp huyện Tịnh Biên và biên giới với Campuchia.

Châu Đốc có khu danh thắng Núi Sam, với nhiều di tích lịch sử - Văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được tổ chức hằng năm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, cúng bái. Bên cạnh đó, vùng đất giàu truyền thống này cũng từng ghi đậm dấu ấn của các danh tướng, như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại, Doãn Uẩn,...và những bậc tiền hiền có công khai phá, mở mang bờ cõi, giữ vững biên cương cho Việt Nam.

Các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Châu Đốc gồm:

 Lăng Thoại Ngọc Hầu (Quốc lộ 91, phường Núi Sam)
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (Quốc lộ 91, phường Núi Sam)
Chùa Phước Điền (Quốc lộ 91, phường Núi Sam)
Chùa Tây An (Quốc lộ 91, phường Núi Sam)
Đình Châu Phú (đường Trần Hưng Đạo, phường Châu Phú A).





Ảnh Miếu Bà Chúa Xứ  (nguồn internet )





TRUYỀN THUYẾT VỀ MIẾU BÀ CHÚA XỨ CHÂU ĐỐC

Miếu Bà Chúa Xứ là một công trình kiến trúc đẹp và tôn nghiêm, tọa lạc dưới chân núi Sam, thuộc phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là một di tích nổi tiếng ở khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm thu hút gần 2 triệu lượt người đến cúng bái, tham quan. Khách hành hương, du lịch đến từ khắp nơi trên cả nước, tạo nên một mùa lễ hội sôi nổi, đông đảo kéo dài suốt nhiều tháng.

 Theo số liệu của Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch An Giang, nếu năm 1990 có khoảng 1 triệu du khách đến miếu Bà thì năm 2007 đã có trên 2,5 triệu lượt người đến. Sồ tiền khách thập phương hỷ cúng tại miếu mỗi năm lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhiều dự án giao thông, trường học, trạm cấp nước phục vụ cho dân làng Vĩnh Tế đã được xây dựng từ nguồn tiền này.

Năm 2001, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được chính thức công nhận là lễ hội quốc gia. Năm 2008, lễ hội được tổ chức với tên gọi Tuần lễ quốc gia Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Lễ hội chính thức khai mạc vào tối ngày 25-05 tại Trung tâm thương mại núi Sam. Lễ khai mạc đã thu hút khoảng 10.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham dự. Dịp này, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã tiến hành nghi thức trao giấy xác nhận và cúp lưu niệm kỷ lục Việt Nam đối với “Ngôi miếu lớn nhất Việt Nam” và “Tượng bà bằng đá sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam” cho đại diện Ban quản trị lăng miếu núi Sam.


LỊCH SỬ MIẾU BÀ CHÚA XỨ


Miếu Bà chúa Xứ có từ khi nào cho đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn, nhưng nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều cho rằng miếu thành hình sau năm 1824. Tương truyền, lúc đầu, miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng, lưng quay về vách núi, chánh điện nhìn ra cánh đồng bát ngát. Năm 1870, miếu được xây lại bằng đá miểng và lợp ngói. Đến năm 1972, miếu được xây dựng mới, đồ sộ và lộng lẫy theo lối kiến trúc cổ kính phương Đông. Công trình là một quần thể hoành tráng trên mặt bằng rộng với dãy Đông lang, Tây lang, chánh điện, nhà khách…theo đồ án của kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng, nhưng xây dựng dở dang. Mãi đến năm 1995, Ban Quản trị lăng miếu núi Sam mới tiếp tục xây dựng phần còn lại.

Tương truyền, dưới triều Minh Mạng, khi Thoại Ngọc Hầu giữ trọng trách trấn giữ biên giới Tây Nam, giặc ngoại xâm thường sang quấy nhiễu. Mỗi lần ông xuất quân, bà chánh thất phu nhân Châu Thị Tế thường đến khấn vái, mong Bà phù hộ Thoại Ngọc Hầu đánh thắng giặc, bảo vệ cuộc sống yên lành cho dân. Về sau, để tạ ơn những điều ứng nghiệm, phu nhân Thoại Ngọc Hầu đã cho xây cất lại ngôi miếu to và khang trang hơn. Lễ khánh thành được tổ chức trong 3 ngày 24, 25, 26 tháng 4 âm lịch. Từ đó về sau thành lệ, dân chúng lấy những ngày trên làm lễ Vía Bà. Nếu chi tiết này có thật, thì đây cũng là một thông tin cho biết rằng miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng từ thời Minh Mạng.
KIẾN TRÚC MIẾU BÀ CHÚA XỨ


Ngôi miếu có bố cục kiểu chữ - Quốc, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Các hoa văn ở cổ lầu chánh điện thể hiện đậm nét nghệ thuật. Phía trên cao, các tượng thần khỏe mạnh, đẹp đẽ giăng tay đỡ những đầu kèo. Các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc, lộng tinh xảo và nhiều liễn đối, hoành phi lộng lẫy. Đặc biệt, bức tường phía sau tượng Bà, bốn cây cột cổ lầu trước chánh điện gần như được giữ nguyên như cũ.

Chánh điện gồm hai lớp. Lớp trong cùng là nơi thờ Bà Chúa Xứ với tượng Bà bằng đá đặt trên bệ cao, sát hai bên là hai con hạc trắng biểu tượng cốt cách tiên thánh của Bà. Bên phải tượng Bà là một linga cũng bằng đá đặt trên một hương án thờ, gọi là bàn thờ Cậu. Bên trái tượng Bà là hương án thờ một tượng gỗ chạm hình yoni, gọi là bàn thờ Cô. Lớp thứ hai là bàn thờ Hội đồng, sát liền hai tượng chim phượng. Hai bên trái, phải của bàn thờ Hội đồng là bàn thờ Tiền hiền khai khẩn (ở bên trái) và bàn thờ Hậu hiền khai cơ (ở bên phải).

 Ngay lối vào chánh điện có đôi câu đối thể hiện quyền lực linh thiêng của Bà trong việc ban phúc, bảo vệ nhân dân. Nội dung như sau:



求必應試必霛夢中指示
 暹可驚清可慕意外難量

Phiên âm:

 Cầu tất ứng, thí tất linh, mộng trung chỉ thị

Xiêm khả kinh, Thanh khả mộ, ý ngoại nan lượng

 Dịch nghĩa:

 Cầu nhất định được, ban nhất định linh, báo cho biết trong mộng

 Người Xiêm phải sợ, người Thanh phải nể, không thể tưởng tượng nổi


NHỮNG BÍ ẨN VỀ TƯỢNG BÀ CHÚA XỨ


Truyền thuyết

 Truyện xưa kể lại rằng: Những năm 1820 - 1825, Quân Xiêm thường sang nước ta quấy nhiễu, cướp bóc. Mỗi khi giặc đến, người dân quanh vùng lại phải bồng bế nhau chốn chạy lên núi lánh nạn. Có lần quân giặc đuổi theo lên đến đỉnh núi Sam thì gặp tượng Bà. Chúng hì hục cậy ra, lấy dây buộc lại dùng đòn khiêng xuống núi để mang về xứ. Nhưng khi bọn chúng mới khiêng đi được một đoạn đường ngắn, lạ thay tượng Bà bỗng dưng nặng trĩu không thể nào nhấc lên được nữa. Khi đó, một tên trong bọn tức giận đập vào cốt tượng làm gãy một phần cánh tay bên trái và ngay tức khắc hắn bị Bà trừng phạt.


Thời gian sau, Bà thường hiện về xưng là Bà Chúa Xứ, dạy dân làng khiêng xuống núi lập miếu thờ cúng. Bà sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp quấy phá, thoát khỏi dịch bệnh hoành hành. Thấy vậy, dân làng họp nhau lên núi khiêng tượng về thờ cúng. Nhưng lạ thay, dù mấy chục thanh niên trai tráng hò nhau gắng sức vẫn không lay chuyến nổi tượng Bà. Trong lúc mọi người đang rất thất vọng, có ý định bỏ dở thì một cô gái trong làng bỗng dưng lên đồng cho biết : "Bà chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng". Dân làng làm theo lời dạy ấy và qủa đúng thật 9 cô gái đồng trinh khiêng tượng Bà đi xuống một cách nhẹ nhàng.

 Bỗng nhiên khi đi đến chân núi thì tượng Bà trở nên nặng, không thể khiêng nổi thêm một bước nào nữa. Khi đó mọi người đã hiểu rằng, Bà đã chọn nơi đây để an vị nên đã không cố gắng di chuyển đi nữa mà lập miếu thờ cúng chỗ đó.


Khảo cứu


Các nhà nghiên cứu phỏng đoán tượng Bà được tạc vào thế kỷ VI, theo mô típ tượng thần Vinus thường thấy ở các nước Lào, Campuchia, Ấn Độ. Thực chất, tượng Bà vốn là một pho tượng đá, thể hiện dáng hình một người đàn ông trong tư thế ngồi, chân trái của tượng xếp bằng tròn, mũi bàn chân giáp với chân phải; chân phải để gập, co gối, chống thẳng bàn chân xuống mặt bệ đá. Tay trái của tượng ở tư thế chống nạnh, bàn tay xoải xuống mặt bệ đá, phía sau đùi trái. Tay phải tượng thả tự nhiên, bàn tay úp trên đầu gối phải. Tóc tượng uốn thành những búp xoăn, thả về phía sau. Trên mặt tượng có một vành ngấn, là nơi đặt mão lên đầu tượng. Trong vành ngấn này có những hoa văn hình móc câu, riêng ở phần vành nằm trước trán của tượng có một hình tròn, chung quanh là những hoa văn kiểu ngọn lửa. Trên cánh tay để trần của tượng có một vành đai, giống như cái vòng đeo tay. Toàn bộ dáng hình của pho tượng là dáng hình một người đàn ông tràn đầy sức sống, với bộ ngực căng nở và chiếc bụng phệ. Trên ngực của tượng có một vành đai như vòng kiềng, trước ngực là hình mảnh trăng lưỡi liềm khá rộng. Toàn bộ pho tượng cao chừng 1,25 m, được tạc liền một thớt đá cùng loại, với bệ tượng dày chừng 10 cm. Về trang phục, tượng được tạc trong tư thế đang vận một chiếc khố. Ở bắp cánh tay, gần bả vai của tượng, sát nách, nổi cộm một vòng đai có hình dạng như một chiếc vòng đeo tay. Ở cổ tượng nổi cộm một vòng đai hình vòng kiềng, chỗ vòng nằm ngay ngực khá to, hình lưỡi liềm, có lẽ là một thứ vòng đeo cổ xưa.

 Nhà văn Sơn Nam từng viết: "Tượng của Bà là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer, bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Người Việt đưa tượng vào miếu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền. Và từ đó "Bà Chúa Xứ" là vị thần có quyền thế lớn ở khu vực ấy, xứ ấy.....".

 Theo nhà khảo cổ học người Pháp, ông Malleret, trong thời gian tiến hành khai quật khu di chỉ Óc Eo từ năm 1942 đến năm 1944, ông có đến núi Sam nghiên cứu tượng Bà Chúa Xứ và cho biết rằng đây là loại tượng nam thần, được tạo theo dáng người ngồi nghỉ ngơi, vương giả, vật liệu bằng sa thạch, giá trị nghệ thuật cao. Năm 1989, một đoàn ngoại giao Ấn Độ có đến thăm vùng này, vào miếu Bà Chúa Xứ, họ rất ngạc nhiên khi được gặp tượng thần Shivalinga ở khu vực núi Sam trong danh xưng Bà Chúa Xứ.


LỄ HỘI BÀ CHÚA XỨ


Hàng năm, lễ hội “Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam” diễn ra từ ngày 23 đến 27-04 âm lịch. Hàng vạn người đổ về dự lễ và tham gia các trò vui như: hát bội, múa võ, ca nhạc ngũ âm, múa lân, đánh cờ... Phần lễ có những nghi lễ chính như sau:

- Lễ “Tắm Bà” (tương tự như lễ mộc dục ở miền Bắc): Được cử hành vào lúc 0 giờ ngày 24-04 âm lịch. Mở đầu lễ, 2 ngọn nến to được đốt sáng lên trong chánh điện. Ông lễ chánh bái nghi cùng với 2 vị bô lão, ban quản lý miếu niệm hương, dâng rượu và trà. Bức màn vải có viền ren lộng lẫy kéo ngang bệ thờ, che khuất khu vực đặt tượng, 9 cô gái trẻ được phân công trước bắt đầu vén màn tắm cho tượng Bà. Đầu tiên là cởi mũ, áo, khăn đai từ lớp ngoài vào trong để lộ toàn thân pho tượng. Những cô gái được phân công việc tắm Bà lần lượt nhúng từng chiếc khăn mới vào chậu nước thơm, vắt ráo rồi lau tượng nhiều lần. Sau đó, họ dùng nước hoa xịt khắp bức tượng rồi chọn bộ đồ mới đẹp nhất khoác lên bức tượng, thắt chặt đai, chít khăn, đội mão, gắn lại những ngọn đèn màu trang trí như cũ. Lễ tắm Bà thường kéo dài khoảng một giờ, sau đó bức màn ngăn được kéo lên để cho khách tự do chiêm bái, dâng hương, hoặc xin lộc Bà. Phần Lễ Tắm Bà kết thúc…Nước tắm cho Bà còn lại sẽ đem hoà trong 2 thùng nước lớn để phân phát cho du khách trẩy hội.

- Lễ Thỉnh sắc: cử hành vào khoảng 16h chiều ngày 25, một đoàn người gồm các bô lão trong làng quần áo chỉnh tề, tiến từ miếu Bà sang lăng Thoại Ngọc Hầu để thỉnh sắc (thật ra, đây là lễ rước bài vị, vì sắc đã không còn). Dẫn đầu có đội múa lân, các học trò lễ tay cầm cờ phướn đi hầu phía trước và sau chiếc kiệu sơn son thiếp vàng gọi là long đình. Đến điện thờ, ông chánh bái làm lễ niệm hương, rồi thỉnh bài vị đưa lên kiệu trở về miếu Bà. Ba chiếc bài vị mang tên Thoại Ngọc Hầu và tên bà vợ chánh Châu Thị Tế, bà vợ thứ Trương Thị Miệt được đặt trên bàn thờ ở chánh điện. Bài vị thứ tư mang tên Hội đồng, ghi công lao các quan quân đã theo Thoại Ngọc Hầu xưa kia, được đặt riêng ở bàn thờ phía trước.

- Lễ Túc yết: được tổ chức lúc 0 giờ đêm 25 rạng 26-04 âm lịch, gồm có hai phần: nghi thức cúng tế và phần xây chầu. Lễ vật dâng cúng gồm có: một con heo trắng, một đĩa huyết heo có kèm theo nhúm lông nhỏ. Một mâm trái cây, trầu cau, gạo, muối. Sau ba hồi chiêng, trống, nhạc lễ nổi lên, lễ dâng hương, dâng trà bắt đầu. Nghi thức cúng tế kết thúc bằng động tác của ông chánh tế đốt bản văn tế cùng giấy vàng bạc. Tiếp theo nghi thức cúng tế là phần xây chầu được tiến hành ở nhà võ ca. Sau phần cầu nguyện của ông Chánh bái, xin cho mưa thuận gió hoà, đất đai phì nhiêu, mùa màng bội thu, dân chúng khỏe mạnh, yên vui, các loài quỷ dữ bị tiêu diệt, lễ Xây chầu bắt đầu bằng ba hồi trống lệnh. Sau đó, chiêng trống rộ lên, chương trình hát bội bắt đầu.

- Lễ Chánh tế: được tổ chức vào tờ mờ sáng ngày 27, gần giống như nghi thức cúng Túc yết.

- Lễ Hồi sắc: cử hành vào khoảng 15h ngày 27-04, đoàn hành lễ sẽ rước bài vị Thoại Ngọc Hầu và nhị vị phu nhân từ miếu trở về Sơn Lăng. Kết thúc lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.

 Miếu Bà chúa Xứ là một trong những danh thắng của núi Sam được nhà nước xếp hạng. Nơi đây đã mang dấu ấn của cả một thời đại hào hùng, thời đại chống giặc ngoại xâm. Và ngay nay miếu Bà Chúa Xứ vẫn thật sự là điểm đến của du khách bốn phương, là nơi mà con người cầu mong về những điều thiêng liêng, tốt đẹp nhất.

(Tổng hợp từ tài liệu trên net)

                                 MỘT SỐ HÌNH ẢNH Ở MIẾU BÀ ̣          

                     ( Ảnh của NM SL)





                           Các lễ vật của khách thập phương
   cúng tạ ơn Bà (trong đó có rất nhiều y phục cúng bà)

















Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

TÂM THÀNH LỄ BẠC- NGUYỄN PHÚC VĨNH BA







  



    TÂM THÀNH LỄ BẠC là một quyển sách của tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba là tập họp của các bài CÁO, PHÚ,HỊCH ,VĂN TẾ, VĂN BIA ,sách in năm 2014(La Thanh Đường tàng bản)






    Tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba thuộc dòng dỏi hoàng tộc triều Nguyễn , là một nhà giáo hồi hưu hiện sinh sống tại Huế.
Anh là một trong những tác giả hiếm hoi mà hiện nay viết được các thể loại cổ văn như cáo, hịch, phú, văn tế, văn bia.

Sách gồm 16 đề mục như sau:
1-Nhất thống sơn hà đại cáo
2- Văn tế vua Hàm Nghi
3-Hịch cứu tế lương dân bị lũ lụt
4-Văn tế âm hồn thất thủ kinh đô
5-Văn bia khu tưởng niệm nhà lao An Nam
6-Văn bia cố cả Léopold M.Cadìere
7-Văn tế Nam Phong chủ bút Phạm tiên sinh
8-Văn tế thác Gougah & Liên Khàng
9-Phú bạn vong niên
10- Văn tế nạn nhân sập cầu Cần Thơ
11-Tân Mão tân niên phú
12-Văn tế khóc vợ (viết cho bạn)
13-Văn tế Nguyễn Tri Phương
14- Quý Tỵ tân niên phú
15-Điếu văn bạn học: anh Trần Văn Kháng
16-Văn tế tử sĩ Hoàng Sa

       Theo lời tác giả trong Lời Nói Đầu ‘’ ...Thú thật đối với tôi , các thể thơ ca cổ điển này có một sức hấp dẫn vô cùng mạnh mẻ Muốn dùng một hình thức khác e bất khả thi Ví như bày tỏ tiếc thương đối với những nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ,thể văn tế này phù hợp vô cùng Đó là thế mạnh riêng của mỗi thể văn
Có lẽ các bạn trẻ hơn tôi, các bạn chưa quen với các thể văn cổ đó Tuy vậy hẳn các bạn sẽ đồng ý rằng các văn tế,hịch , cáo,phú mà tiền nhân để lại cho chúng ta là những viên ngọc quí trong nền văn học nước nhà...’’
      Tâm Thành Lễ Bạc ngoài giá trị là những áng văn chương cổ tuyệt tác, còn là những tài liệu sử học do tác giả đã dày công nghiên cứu và chú thích kèm theo mỗi bài viết.
       Nhã My chân thành cảm ơn anh Vĩnh Ba đã tặng sách và xin trân trọng giới thiệu một bài viết (có giá trị lịch sử) trong quyển sách.


 * VĂN BIA KHU TƯỞNG NIỆM NHÀ LAO AN NAM


Ảnh cụ thủ khoa Huân 



Tiểu dẫn: Guyane là một tỉnh hải ngoại của Pháp, nằm ở bờ bắc của Nam Mỹ
, nhà lao An Nam này chỉ là một trong số 30 nhà lao rải rác trên lảnh thổ Guyane Nhiều tù nhân đã bỏ trốn qua nước láng giềng Surinam , lúc đó là thuộc địa Hà Lan Năm 1953, không còn tù nhân biệt xứ nào ở Guyane nữa
Đầu tháng 3-2008 , lục lọi trên các Website của Pháp tìm tài liệu cho chuyến đi Guyane, bất ngờ nhà báo Danh Đức (báo Tuổi Trẻ) tìm được không ít tài liệu có đến 525 tù nhân người Việt đi đày sang nhà lao Guyane năm 1931 , sau khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại trước đó một năm  Trước đây đã có nhiều sách viết về nhà tù này 
Ký sự nhà lao An Nam kéo dài 11 kỳ của nhà báo Danh Đức cho ta thấy nỗi khổ của các tù nhân nơi đây Các bạn có thể đọc đầy đủ qua google Trong số này có nhà cách mạng nổi tiếng Nguyễn Quang Diêu Trước đó có cụ Nguyễn Hữu Huân (thủ khoa Huân) bị Pháp đày sang Guyane năm 1864 Về sau cụ được tha về VN , cụ lại tiếp tục chống Pháp và bị Pháp giết chết .Tất cả là những chiến sĩ cách mạng chống ách thực dân Pháp vô cùng can trường dù trong tay chỉ là vũ khí thô sơ, thậm chí rựa cùn hay tầm vong vót nhọn
Xin nghiêng mình khâm phục và ngưỡng mộ các tiền nhân


*VĂN BIA CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN PHÚC VĨNH BA

Thương ôi!

Vì nước quên mình
Đày thân đất khách
Ngàn thu gương trung nghĩa, rạng rỡ non sông
Muôn thuở chí quật cường, chói lòa sử sách
Dòng Hồng , giống Lạc,bốn ngàn năm còn nối tiếp nơi đây
Tiếng Việt , người Nam,mới thế kỷ sao đoạn đành ngăn cách
Nhớ tiền nhân.
Sinh ra trong thời tao loạn, miền miền khói lửa, núi sông vướng nạn ngoại xăm
Lớn lên giữa buổi can qua, xứ xứ đao thương , đất cát gặp hồi chia cắt,
Vốn đâu phải binh cơ lính lệ, chẳng qua vì yêu nước thương nòi,
Dẫu chỉ là thợ mỏ dân cày, không cam nổi thờ gian theo giặc.
Căm đế quốc gông xiềng dân tộc, thêm những triều đình vô lực, nên vùng lên đánh đổ bạo quyền,
Hận thực dân dày xéo giang sơn, mà mấy quan lại nhẫn tâm, bèn tập họp lại trừ tiêu nghịch tặc
Rừng Yên Thế (1) sơn lam chướng khí, có ai nề gian khổ, lập chiến khu hào lũy sát san,
Đất Đông Kinh(2) đô hội phồn hoa, nào nào kẻ tiếc công lao, mở nghĩa thục học sinh đầy đặc,
Nơi đánh Pháp bằng gươm bằng súng, năm qua rồi tháng lại, Pháp cũng phải kinh,
Chốn đuổi tây với bút với nghiên, trẻ học có già bày, Tây đà phát ức,
Lớp lớp tưng bừng nổi đây, lập đoàn kết đảng, bọn Lê Dương đàn áp thẳng tay,
Nhà nhà hừng hực đấu tranh, bãi thị đình công, lũ mật thám rình mò méo mặt.
Vừa mới vụ Hà thành đầu độc (3) , cai đội còn run
Lại xoay cuộc Thuận Hóa chống sưu(4) , cẩm cò bạc tóc
Chủ mộ phu Bazin (5) bỏ mạng , súng nổ vang tan nát giấc mơ tiền,
Lão quan thầy Merlin (6) suýt tiêu , bom run tóc ngỡ xong đời thằng ác

Đau đớn thay !

Đề Thám, Đình Phùng, Đội Cung, Thái Học, bao nhiêu lần khởi nghĩa không thành,
Cần Vương,Dân Đảng, Nghĩa Thục, Văn Thân, mấy mươi cuộc mưu đồ đều bại,
Tận tâm vì đại nghĩa, tiếc chi nhờ gươm súng thô sơ,
Chí nguyện quá trung trinh, hận một nỗi tay chân mềm mại,
Nghĩa binh mấy vạn, dù tan thây quyết chẳng gươm buông,
Chí sĩ hàng trăm, vẫn phanh ngực cho dù đạn tới,
Pháp sục lùng truy bắt, phần thì giam Côn Đảo, Hỏa Lò,
Tây tàn sát trả thù,nhóm bị giết Nghệ An , Yên Bái,
Lao Bảo, Sơn La,rừng sâu nước độc,đâu lao tù chứa kẻ trung can,
Guyane,Tahiti, đất khách quê người, bao hoang đảo chật ních người khảng khái,
Thảm thiết bấy,phận tù nhân cách mạng, sống cực mà sống chẳng ra người,
Khủng khiếp thay, cõi địa ngục trần ai, chết thảm đó chết nào ấm xác,
Cơ gân teo giống bầy ngạ quỷ , cùm xích khổ sai,
Xương da bọc như lũ hung ma, roi đòn lao tác
Khi làm đường ,khi phá núi, đày đọa cho tóc rụng răng rơi.
Lúc chặt gỗ ,lúc đãi vàng, hành hạ đến máu khô thịt nát,
Rừng xanh là bạn, rặt mũi mòng mù mịt trăm nơi.
Chuồng cọp đấy nhà, không mái lợp quẩn quanh mấy thước

Ôi thôi!

Xót mấy thì vừa
Kể sao hết được
Sống tha phương gầy mòn thân xác , nhớ quê nhà đau đáu, mơ ngày về tiếp cuộc diệt thù
Yêu tổ quốc rắn rỏi tinh thần, thương làng xóm tiêu điều, đợi thời đến góp công dựng nước
Ông mất rồi cha mất, trái tim nào chịu trọ đất ly hương,
Con còn, cháu còn , chùm ruột vẫn tìm nơi bản quốc,

Trộm nghĩ,

Công quá trời nam,
Khó tày biển bắc,
Các tiền bối quên mình vì nghĩa, chịu gian lao chẳng chút khuất thân,
Phường hậu sinh uống nước nhớ nguồn, hưởng hạnh phúc dám đâu phụ bạc,
Lòng thệ nguyện noi gương hào kiệt, còn sống còn bảo vệ sơn hà,
Chỉ kiên trì học đấng anh hùng, mỗi việc mỗi chấn hưng xã tắc,

Nay,

Ngưỡng mộ anh linh liệt sĩ,nhang đốt trầm xông,
Ký biên tiên tổ quân công,bia xây chữ tạc,
Nhất nhất tâm thành
Đồng lòng phụng lập

    Huế tháng 5/2008
NGUYỂN PHÚC VĨNH BA

CHÚ THÍCH:
1)Yên Thế : một huyện rừng núi thuộc tỉnh Bắc Giang, nơi Hoàng Hoa Thám lập chiến khu từ tháng 4- 1892
2) Đông Kinh nghĩa thục: một trường tư thục do các sĩ phu Bắc Hà thành lập tại Hà Nội năm 1907 đến 1908 nhằm truyền bá chữ quốc ngữ và các tư tưởng nhân quyền, tự do , dân chủ... Đứng đầu là Lương Văn Can,Nguyễn Quyền, Phan Chu Trinh
3)Vụ đầu độc lính Pháp tại Hà Nội doHoàng Hoa Thám tổ chức ngày 27=6-1908
4) Cuộc biểu tình chống thuế xảy ra ở Huế năm 1908 có Hồ chủ tịch tham dự
5) trùm mộ phu Bazin bị xử tử bởi các đảng viên Việt Nam Quốc Dân đảng tại Chợ Hôm , Hà Nội ngày 06-2-1929
6) Toàn quyền Đông Dương Merlin bị Phạm Hồng Thái ném bom mưu sát hụt tại Quảng Châu ngày 18-6-1924


Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

EM VỀ - Nhã My, La Thuỵ









EM VỀ
THƠ: NHÃ MY
DIỄN: NGÂM LA THỤY
NM CẢM ƠN LA THỤY ĐÃ DIỄN NGÂM BÀI THƠ THẬT HAY


Ảnh Kim Phụng , Kha Tiệm Ly , La Thuỵ , Nhã My



EM VỀ

Em về nhặt nắng tìm hương
Góp mây đan sợi yêu thương những ngày
Em về rót giọt sương mai
Đong bình chung thủy mà say giấc nồng
Em về xé toạt áo đông
đem xuân đến sớm cho lòng anh say
Em về giữ mãi trang đài
Gửi hương theo gió những ngày mộng mơ
Em về xây giấc tình thơ...

   NHÃ MY

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

CHÙM THƠ XUÂN ẤT MÙI- THƠ NGUYỄN KHÔI








  CHÙM THƠ XUÂN ẤT MÙI
        (Tặng :Từ Vũ & Nguyễn Thị Dị)
                              -----
1-   THÁNG BA- VỀ LÀNG
Nhà trống vắng, người người đi lễ hội
Đồng hoang vu, Lúa chịu "hạn" kêu Trời
Gầu mốc meo...ngoài Chùa đang hương khói
Giếng cạn khô...Bướm lượn
vã mồ hôi...!
                               *
2-    XIN ẤN ĐỀN TRẦN
Bọn Cơ Quan đi trẩy Hội đền Trần
xuống mua "Ấn" cầu thăng Quan, tiến Chức
-Linh thiêng lắm
"cướp"
tha hồ chen lấn
Sướng mấy Ngài Chủ Quản
đẫy hầu bao...!
                              *
3-    LÊN ĐỒNG
Mấy mụ quái đi lễ Bà chúa Liễu
Vào ngồi "đồng"
"đốt" trăm triệu như chơi
Được nhảy múa
đàn Cung Văn  rắt réo
Thánh "nhập" rồi
hồn vía
thả chơi vơi...!
                               *
4-         LÀNG THI SĨ
    (Gửi : một Nhà thơ đầu têu)
Người ta đi Nhật, đi Hàn Quốc...
Cả làng mình bột phát  "làm Thơ"
Thiên hạ tôn vinh "làng Thi sĩ"
U70 "đắc" tứ lạ
bơ phờ...!
                               *
5-          GẠC MA
Hai bảy năm ...ta kỷ niệm Gạc Ma
Nỗi nhức nhối của toàn dân Việt
Vì Tổ Quốc 64 chiến sĩ đã hy sinh lẫm liệt
Để muôn đời
con cháu
gọi Ông cha...!
                 Quê, xuân Ất Mùi
                  Hà Nội 14-3-2015

                   NGUYỄN KHÔI


Nguồn: từ email của TG Nguyễn Khôi gửi lamngoc
NM chân thành cảm ơn nhà thơ NK đã thường xuyên chia xẻ những bài hay

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

NỢ & GỌI - Nhã My, Lệ Hường











NỢ
Người đi một bóng bơ vơ
Người về nghẹn với câu thơ ngậm ngùi
Từng đêm đếm giọt buồn rơi
Từ xa độ ấy nửa trời ngóng trông
Nợ nhau một chút tình thân
Nợ nhau môi mắt mùa xuân ngỡ ngàng
Rừng cây lá chết bao lần
Đời ta đếm tuổi vô ngần nhớ nhau
Tự tình đêm cũng nghẹn ngào
Mai về cát bụi tìm nhau muộn màng



 GỌI
Gĩa từ bến cũ hoang liêu
Bâng khuâng để nhớ một chiều nước mây
Mù sương mấy dặm đường dài
Nghe tâm tư đọng khói bay mơ màng
Khúc chiều ai khảy nhịp đàn
Hoàng hôn bóng chạm sầu mang dặm trường
Đan thanh khép đóa hải đường
Bước chân hoang dại hồn vương mây Tần
 Rồi phen giũ áo phong trần
Bởi nghe nơi cũ tình thân gọi về

        NHÃ MY

NM CHÂN THÀNH CẢM ƠN LỆ HƯỜNG

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

KHƠI XA & MƯỜI NĂM - Nhã My, Kim Phụng










      KHƠI XA

Em  lạc mấy mùa trăng cố xứ ?
Hồn đi hoang lữ thứ xa đưa
Nhớ thương một mái nhà xưa
Bên hiên tiếng võng mẹ đưa triũ lòng

Trời viễn xứ buồn trông quê cũ
Để nỗi buồn ũ rũ chiều mưa
Đâu rồi một tiếng gà trưa
Gáy  bên hàng  dậu  lưa thưa bồi hồi

Em ngày cũ xa xôi cách trở
Đường tương lai vạn thuở lao đao
Chuyện tình một giấc chiêm bao
Dung nhan đã héo nhạt màu áo phai ?

Trăng đã úa bên trời quan ngoại
Mây giăng đầy mấy ải non cao
Bước chân ghềnh đá chênh chao
Khơi xa sóng vỗ bạc đầu nhớ thương…


NHÃ MY






 Ảnh :NHÃ MY và KIM PHỤNG



MƯỜI NĂM
(Tặng anh TT)

Ta về như bóng mây qua ải
Lặng lẽ trời buồn vắng trăng sao
Về đâu muôn dặm đời hoang hoải
Lá chết ngập ngừng mấy nỗi đau
Vĩnh biệt đâu là người đã mất
Mà đời không được bước cùng nhau
Mười năm lặng lẽ em giờ đã
Tình chết ngậm ngùi bóng vó câu
Ta về sợi tóc màu sương điểm
Nghe nặng thời gian nước qua cầu
Bóng ai  thăm thẳm ngoài cõi vắng
Trong chốn hoang đường trắng nẽo xa
Lời thề buổi ấy còn mang nặng
Nhưng đủ buộc đời ta nhớ ta
Người đi hoa bưởi hoa xuân rụng
Sỏi đá buồn theo bước ngập ngừng
Em đã chết lòng theo xác pháo
Áo hoa thờ thẩn nắng cài song
Mười năm đâu kể là dâu bể
Một giấc mộng thôi quá não lòng
Cho dẫu tình đôi ta vẫn đợi
Chắc gì đã được tỏ mà mong
Mười năm chẳng thể dài hơn nữa
Mà ngắn bao nhiêu ước mộng đầu
Ta gói thời gian trong lớp bụi
Đã màu rêu úa lạnh đời nhau…

NHÃ MY


NM CHÂN THÀNH CẢM ƠN NGHỆ SĨ KIM PHỤNG


Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

THÁNH THIỆN- THƠ KHA TIỆM LY










                       Ảnh:Nhã My,Cao Hoàng Trầm,Kha Tiệm Ly,La Thụy





THÁNH THIỆN



Dù mắt em chẳng còn long lanh sáng,
Dù môi em đã nhạt nét tươi hồng.
Nhưng ai chẳng mất đi một thời xuân sắc?
Còn lại chăng là ở một tấm lòng.



Ta lãng tử giữa khung trời lận đận
Ngựa sông hồ cũng mỏi vó đêm nay
Em thánh nữ từ vườn Tây Vương Mẫu
Vói nhặt vần thơ nên trần thế lạc loài



Mặc dòng đời bên trong bên đục,
Mặc người đời ai tỉnh, ai mê.
Ta chỉ biết tình em là trăng lành mật ngọt
Dù trăm năm hoa nở muộn đường về


Suối tình em là  sông yêu  lai láng
Cho vườn ta hoa lá chợt huy hoàng
Bao cay đắng đời ta, em nốc cạn
Chừa chút hương nồng cũng đủ ấm giang san!


KHA TIỆM LY




NM cảm ơn anh KTL thường xuyên  tặng những bài thơ hay.

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

LỜI VỌNG CHÂN MÂY - THƠ LA THỤY, NHÃ MY -NHẠC TRẦN NHÀN









LỜI VỌNG CHÂN MÂY
THƠ: LA THỤY , NHÃ MY
NHẠC & TRÌNH BÀY: TRẦN NHÀN
NM CHÂN THÀNH CẢM ƠN ANH NGUYỄN BÁ VĂN VÀ TRẦN NHÀN









TA PHỤ NHAU RỒI - Nhã My, Đoạn Khánh









TA PHỤ NHAU RỒI
THƠ: NHÃ MY
DIỄN NGÂM: ĐOẠN KHÁNH


















TA PHỤ NHAU RỒI
  (Cảm tác bài Đêm Trắng của Hoàng Yên Lynh  )

Đời chia đôi ngã tình không hẹn
Một bến sông Tương nhớ não lòng
Mưa qua định mệnh buồn day dứt
Ta phụ nhau rồi em biết không..?

Người ở đầu sông ngóng cuối sông
Hẹn nhau mà có được tương phùng
Tóc xanh đã nhuốm màu mây bạc
Và  ánh mắt sầu  tiếc mông lung

Ta phụ nhau rồi chẳng thủy chung
Còn đâu mộng ước lúc tuổi xuân
Em về hứng giọt mưa ngâu khóc
Lặng lẽ anh đi sóng chập chùng

Tình chẳng vuông tròn ta phụ nhau
Tưởng như con nước đã qua cầu
Ngàn năm mây gió  còn thăm thẳm
Sao cứ nghẹn ngào chuyện bể dâu...

NHÃ MY


NM CHÂN THÀNH CẢM ƠN ĐOẠN KHÁNH


Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

NGÀY VỀ - THƠ CAO HOÀNG TRẦM -NHẠC BÙI TUẤN ANH







NGÀY VỀ


THƠ  :CAO HOÀNG TRẦM
.NHẠC & TRÌNH BÀY: NHẠC SĨ BÙI TUẤN ANH
NM CHÂN THÀNH CẢM ƠN ANH CAO HOÀNG TRẦM VÀ ANH BÙI TUẤN ANH



Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

LỜI PHÁT BIỂU MỞ ĐẦU CỦA TÁC GIẢ NHÃ MY
















KHƠI XA
THƠ :NHÃ MY
BIÀ VÀ PHỤ BẢN VẼ: LƯƠNG MINH VŨ
PHỤ BẢN NHẠC : THẢO NGUYÊN, THANH CHƯƠNG, BÙI TUẤN ANH, SAO MAI, TRẦN NHÀN
PHỤ BẢN THƯ PHÁP: LỆ ĐĂNG MÀNH
BẢN THẢO SÁCH VÀ CHỈNH LỖI : LA THỤY
BẢN TRÊN SLIDESHARE.NET:HÀ ĐĂNG TÍN




NM CẢM ƠN BẠN CHÂU NAM PHONG ĐÃ TẶNG THƠ


VIẾT TẶNG NGƯỜI CHƯA GẶP

Nắng xuân theo bước chân em
Từ xa ngàn dặm cố hương quay về

Em còn một chút chân quê
Xa khơi nguồn cội bộn bề bến xưa
Quê hương là tiếng gà trưa
Là đồng lúa chín trên đường em qua
Sông dài biển rộng bao la
Khơi xa là mấy thiết tha ân tình
Em đi em nhớ quê mình

chaunamphong
Tặng NgọcLam và Khơi Xa


Mời truy cập đường link sau đây để xem nội dung tập thơ. Cảm ơn.
http://slideshare.net/honglinhha7/th-nha-my-khi-xa

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

PHẦN MỞ ĐẦU BUỔI RA MẮT TẬP THƠ KHƠI XA








NM CHÂN THÀNH CẢM ƠN ANH CAO HOÀNG TRẦM VÀ BAN TỔ CHỨC BUỔI LIÊN HOAN VĂN NGHỆ RA MẮT TẬP THƠ KHƠI XA TẠI LAGI BÌNH THUẬN 2015




Ảnh lưu niệm (từ trái qua):Giang Đà, Kha Tiệm Ly,NS Ngọc Mỹ, La Thụy, NS Bùi Tuấn Anh,Đình Nghĩa, Lương Minh Vũ ,Lệ Hường, Nhã My, Bích Thuận



Ảnh lưu niệm:

NS Bùi Tuấn Anh,Kha Tiệm Ly, La Thụy ,Sáng Trương, Đỗ Quyên,  Nhã My ,Cao Hoàng Trầm




ĂN TIỆC Ở NHÀ GIANG ĐÀ DO LA THỤY VÀ GIANG ĐÀ KHOÃN ĐÃI



NM chân thành cảm ơn:



-*Bạn La Thụy và Lương Bút (Giang Đà)đã khoản đãi tiệc tối ngày 6/3 (tại nhà Lương Bút do Lương Bút làm đầu bếp )
-*Anh Kha Tiệm Ly mời ăn sáng  và càphe Huyền Thoại sáng  7/3 và mua hoa
-*Trần Nhàn mang tặng bánh lá gai đặc sản Bình Giã
-*Đỗ Quyên mời ăn  sáng , caphe  ngày 8/3
- *Nhạc sĩ Bùi Tuấn Anh,NS Ngọc Mỹ ,NS Trần Nhàn , bạn La Thụy , Đoạn Khánh đã trình bày các ca khúc
-*Nghệ sĩ Kim Phụng,nghệ sĩ Lệ Hường, La Thụy, Đoạn Khánh đã diễn ngâm các bài thơ
- *Nhạc công đệm đàn, chủ quán cà phê Nguyễn,các bạn giúp quây phim chụp ảnh cùng tất cả khách quí đã nhận lời mời đến tham dự liên hoan văn nghệ ra mắt tập thơ Khơi Xa

  Trong thời gian tổ chức nếu có điều chi sơ sót xin quí vị niệm tình bỏ qua.



MỘT SỐ HÌNH ẢNH LƯU NIỆM (cảm ơn Phú Đoàn đã lưu giữ và posted lên facebook )





 
 La Thụy

Kim Phụng ,Kha Tiệm Ly, La Thuỵ ,Nhã My


Kha Tiệm Ly , ns Buì Tuấn Anh , Nguyễn Bá Văn, La Thụy , Trần Nhàn , Nhã My , Đoạn Khánh

                                     La Thụy , Lệ Hường

                   
                     Cao Hoàng Trầm , Đoạn Khánh , Sáng Trương , Nhã My

Kim Phụng , Cao Hoàng Trầm ,Đoạn Khánh , Sáng Trương ,Nhã Mỹ



         Kha Tiệm Ly- Lương Minh Vũ

 

Kha Tiệm Ly, Trần Nhàn

Bùi Tuấn Anh , Trần Nhàn 
  
Kha Tiệm Ly , La Thụy


Kha Tiệm Ly , Bùi Tuấn Anh
Kha Tiệm Ly, Lương Bút



Kha Tiệm Ly , Nguyễn Bá Văn

Ngưng Thu, Sáng Trương
La Thụy , Cao Hoàng Trầm , Kha Tiệm Ly


Nhã My , La Thụy

Nhã My - Đỗ Quyên

Nhã My - Ngưng Thu

Cao Hoàng Trầm , Sáng Trương , Đỗ Quyên , Đình Nghĩa