CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

VÚT QUA NGHÌN TRÙNG - THƠ TRẦN NGỌC HƯỞNG

 


Tranh Nguyễn Sơn


VÚT QUA NGHÌN TRÙNG

Tay nào đánh thức tầm xuân,
Tay nào khơi lửa cháy bừng đam mê.
Phút giây má tựa vai kề,
Ngấm đầu lưỡi giọt cà phê tình đầy.

Mùa yêu rót mật men say,
Tay nào bất chợt tìm tay vụng về.
Tay nào dỗ lại giấc quê,
Heo may thổi buốt bốn bề chiêm bao.

Tay nào cầm khúc ca dao,
Chiếc hôn nồng thắm ngọt ngào dài lâu.
“ Có trầu mà chẳng có cau,
Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm “*

Cảm ơn em đã dịu dàng,
Ơn nhau một nỗi hân hoan bềnh bồng.
Tạ nhau một thoáng hương nồng,
Đôi vầng nhựt nguyệt thong dong giữa đời.

Cảm ơn em đã yêu tôi,
Hôn nhau một thoáng ngát lời cỏ hoa.
Ru nhau ngủ giấc thực thà,
Sông dài biển rộng vút qua nghìn trùng.


TRẦN NGỌC HƯỞNG


MỘT GÓC TRỜI QUÊ - CON CÁ LINH NON MÙA NƯỚC NỔI - TỪ KẾ TƯỜNG

 






MỘT GÓC TRỜI QUÊ-CON CÁ LINH NON MÙA NƯỚC NỔI


Quê tôi không có mùa nước lũ mà chỉ có mùa nước nổi. Có năm mùa nước nổi về sớm, người quê tôi đêm giật mình thức giấc vì nghe tiếng nước chảy từ thượng nguồn về các nhánh sông, tiếng nước đổ ầm ầm như lũ quét, cuồn cuộn cuốn trôi tất cả những gì trong dòng nước chảy mạnh hơn thường ngày làm cả nhà không ai ngủ được vì háo hức trước một thứ âm thanh vừa quen vừa lạ, thật sôi động đối với cư dân vùng đồng bằng mỗi năm mới có một lần.
Mùa nước nổi, cư dân xóm tôi rộn ràng chuẩn bị ghe, xuồng, các phương tiện đánh bắt cá. Đặc sản mùa nước nổi quê tôi rất phong phú, đa dạng: rắn, rùa, chuột, ốc, các loài chim cò, hến, cá mà đặc biệt nhất là cá linh non. Không biết cá linh sinh sản từ đâu, bao giờ, nhưng khi nước lũ tràn về thì cá linh non theo nước chạy từng bầy, dày đặc. Cá linh non thân hình nhỏ xíu, cỡ ngón tay út, mập tròn, óng ánh màu trắng bạc. Người trong xóm chèo xuồng đi giăng lưới bắt cá linh non, lũ con nít chúng tôi cũng được theo xuồng phụ bắt cá.
Ngồi trên xuồng nhìn cá linh non kéo bầy đàn theo dòng nước đục ngầu phù sa xuôi chảy lao vào lưới, quẫy trắng trong màu nắng sớm, thật không có cảnh tượng nào sinh động hơn. Chẳng bao lâu chiếc xuồng của chúng tôi đầy khẳm cá linh đựng trong mấy cái thúng giạ và khi cuốn lưới, chèo xuồng về cặp hông nhà, bao giờ người xóm tôi cũng để dành lại một rổ các linh non để chế biến thành các món ăn dân dã cho bữa cơm gia đình. Sau đó mới chở phần còn lại ra chợ bán.
Cá linh non có thể chiên dòn, kho mẵn, nấu canh chua…và không thể thiếu bông điên điển đi kèm. Cây điên điển vùng lũ quê tôi cũng giống như con cá linh non, không biết chúng mọc bao giờ, dấu hiệu trổ bông ra sao, chỉ thấy khi nước lũ về, những bụi điên điển xanh ngút ngàn vươn lên từ bùn lầy cứ cao hơn mặt nước mùa lũ vừa một cái với tay. Những cành điên điển như đuối sức trước những chùm bông cánh mỏng màu vàng rực rỡ lắc liểu đánh nhịp theo dòng nước cuộn chảy trên cánh đồng mênh mông chờ người hái cho nhẹ bớt gánh nặng để tiếp tục trổ bông suốt mùa lũ.
Bông điên điển có màu vàng tuyệt đẹp, không có mùi thơm nhưng sẽ trở thành ngọt dịu khi nhúng vào nồi lẩu chua cá linh non nấu giấm hoặc chấm với nước cá linh non kho mẵn và gói với cá linh non lăn bột chiên dòn. Màu bông điên điển chắc cũng không họa sĩ nào pha trộn được, nó là màu vàng của đất phù sa châu thổ trộn với màu nắng trong mùa lũ về, cứ đến hẹn lại lên, rợp vàng mặt nước ngầu đục trên cánh đồng lũ như một bức tranh của trời đất ban tặng cho con người vùng lũ mà những nơi khác không có được.
Mùa nước nổi quê tôi cũng là mùa của trẻ con vui chơi thỏa thích kết hợp với những công việc gắn liền với thiên nhiên phụ giúp gia đình. Những công việc này vừa mang lại lợi ích thiết thực, vừa mang tính giải trí. Bởi những dứa bạn trang lứa với tôi đâu chỉ có chèo xuồng đi hái bông điển điển về ăn? Một buổi đi hái bông điển điển về bán cũng được từ 50 ngàn tới 100 ngàn đồng, đứa nào siêng, chịu khó hái tiền bán bông một ngày có khi được 200 ngàn tới 300 ngàn đồng. Đó là công việc nhẹ nhàng để kiếm tiền trong mùa nước nổi dành cho bọn con gái. Nặng và cực hơn một chút là chèo xuồng đi giăng câu, có nhiều đứa còn đi săn cả chuột đồng, bắt rắn.
Mới đó mùa nước nổi quê tôi đã xa ngăn ngắt… mấy chục năm. Đứa con gái ngày xưa ở xóm tôi chèo xuồng đi giăng lưới bắt cá linh non trên cánh đồng trắng nước với ba mẹ đã có gia đình riêng, đã lìa xa vùng quê lũ đến một ngày đường, cách quê nhà hàng trăm cây số và ít có dịp về lại quê xưa ngoại trừ ngày Tết. Nhưng Tết làm gì còn mùa nước nổi, còn mùa cá linh non nhảy soi sói khoe ánh bạc trong mấy cái thúng giạ đầy ắp cá tươi? Ngày Tết làm gì còn bông điên điển vàng rợp cả mặt nước phù sa như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp cho tôi sống lại những ngày thơ ấu với tay kéo nhánh điên điển ngắt từng chùm bông vàng ngây lịm ánh mắt?
Nhớ quá mùa nước nổi quê tôi, nhớ ánh bạc cá linh non, nhớ màu bông điên điển vàng tôi chỉ còn sống lại bằng hình ảnh của những mùa nước nổi năm xưa trong ký ức. Hỏi thăm người quê xóm tôi được biết năm nay mùa nước nổi đến sớm hơn mọi năm như những lần tôi chứng kiến lúc còn tuổi thơ. Cá linh non cũng không về nhiều nữa, dường như chúng giận con người làm đảo lộn môi trường sinh sản thiên nhiên. Không chỉ có cá linh non, các sản vật khác của mùa nước nổi mà thiên nhiên ban tặng cũng ngày dần cạn kiệt, ngay cả bông điên điển đặc trưng của mùa nước nổi dường như cũng bớt vàng hơn, thưa vắng hơn. Và tất nhiên con người cũng buồn hơn cho cuộc mưu sinh mùa nước nổi theo quy luật của thiên nhiên.
Và có lẽ người buồn nhất là tôi, một đứa con sinh ra nơi đồng nội, lớn lên từ những mùa nước nổi với những kỷ niệm không thể nào nhạt phai khi nghe tin dự báo thời tiết cho biết năm nay mùa nước nổi về sớm. Nhưng con cá linh non đã hiếm dần, chợ thành phố thì không nói, ngay chợ quê cũng khó kiếm mua được cá linh non. Nếu có cũng không nhiều, giá cả lại quá mắc. Tôi là người thương nhớ những mùa nước nổi trong kỷ niệm, thèm hương vị bữa cơm quê có cá linh non kho mẵn, cá linh nấu lẩu giấm nhúng bông điên điển. Nhớ đến lịm mắt một màu bông điên điển vàng trải rợp trời cánh đồng mùa nước nổi thời thơ ấu đã xa.


TỪ KẾ TƯỜNG

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

BÉ VÀ QUÊ HƯƠNG ANH

 



TRANH CỦA VUA HÀM NGHI


BÉ VÀ QUÊ HƯƠNG ANH



 này bé hỡi, chiều nay trời lành lạnh

ở phương này anh nhớ một quê hương

bé đừng quên, chiều nay mình đã hẹn

anh sẽ ngồi kể hết chuyện quê anh


khi bé đến, nhớ mặc áo dài xanh

như mầu xanh của lúa mạ lên mầm

như mầu xanh của rừng thông Đà Lạt

áo bay mềm như dòng nước Cửu-Long


khi bé đến, nhớ để tóc xoã dài

xõa dịu dàng như liễu rủ ngang vai

xõa trong anh bóng tre gìa quê ngoại

xoã hương tình của ruộng lúa Đồng-nai


khi bé đến, nhớ đừng thoa son nhé

để nắng chiều ửng đỏ nét môi thơm

để chiều nay mặt trời không ngủ sớm

như những chiều nắng phủ dãy Trường-sơn


khi bé đến, nhớ đừng thoa hương phấn

để hương trinh ngào ngạc gập hồn anh

như cúc vàng bên thềm xưa Vỹ-dạ

ngát hương nồng bên dòng nước sông Hương


khi bé đến, nhớ đừng mang kính mát

để trời xanh rơi rớt vào mắt trong

để anh thấy biển Hội-An, Đà-Nẵng

bãi cát dài sóng vỗ đến Nha-trang


khi bé đến, nhớ bước đi nhè nhẹ

để lòng anh không xao động nổi hờn

vì anh vẫn thấy hoài trong giấc mộng

phố Sài-gòn, Hà-nội, Huế buồn tênh


khi bé đến, đừng hôn anh bé nhé

hãy để dành hôn mẹ Việt Nam ta

mẹ Việt Nam bàn tay còn chai đá

nụ hôn nào sẽ xóa dịu lòng me


khi bé đến, nhớ cười vui bé nhé

để lòng anh như pháo nổ đầu xuân

anh sẽ ngắt cánh mai vàng vừa nở

tạ ơn đời và tổ quốc mến thương


KHÊ KINH KHA


Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

BÀI CHO CHIM SÂU NHỎ - THƠ PHẠM QUANG TRUNG

 



BÀI CHO CHIM SÂU NHỎ

con chim đậu sợi tóc người
cất cao tiếng hát đón mời tình xanh
môi thơm một nụ khuynh thành
từ tâm lại nở ra nhành thiên hương

ở đâu tự hỏi thiên đường
trái tim máu đỏ yêu thương thật là
hôm lên cung Thánh hát ca
con chim sâu nhỏ cùng ta an hòa

mời em buổi ghé thăm nhà
chung trà sen ngát bao la chốn này
tình yêu là giọt sương mai
đun sôi sợi khói lại bay lên trời

đóa tình dăm hạt gieo chơi
tin yêu năm mới dâng đời diễm hoa
cánh chim nhè nhẹ tà tà
đậu trên sợi tóc thiết tha cuộc đời


PHAMQUANGTRUNG


credited to Christine B C Canturia
if you carry a green brach in your heart
a parrot will stop to sing (thành ngữ Trung Hoa)
Calmapparente

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

TẬP THƠ DẤU TRĂNG XƯA CỦA NGUYỄN AN BÌNH

 


TẬP THƠ DẤU TRĂNG XƯA CỦA NGUYỄN AN BÌNH

Nhà thơ Nguyễn An Bình vừa phát hành tập thơ DẤU TRĂNG XƯA vào cuối tháng 10 – 2023. Sách dày 130 trang do Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn cấp phép phát hành, giá 120.000 đống. Sách in từ nguồn hỗ trợ sáng tác văn học của Hội Nhà Văn Tp. Hồ Chí Minh năm 2023. Đây cũng là tác phẩm thứ 18 trong tủ sách TÌNH THƠ của nhà thơ Nguyễn An Bình. Các bạn có ủng hộ tác phẩm xin liên hệ qua mail tác giả: luongmanh2106@gmail.com .

Xin chân thành cám ơn các bạn.









MỘT GÓC TRỜI QUÊ-CÂY CHUỐI QUÊ NGHÈO - TỪ KẾ TƯỜNG

 



MỘT GÓC TRỜI QUÊ-CÂY CHUỐI QUÊ NGHÈO


Ở quê tôi nếu nói về cây trồng trên đất vườn thì có 2 thứ cây rất thân thiện và gắn bó với tuổi thơ tôi nhiều nhất. Đó là cây dừa và cây chuối. Không chỉ gắn bó với tuổi thơ, với đời người như một kỷ niệm thân thương, gần gũi về mặt tinh thần mà hai loài cây này còn rất hữu ích cho cuộc sống. Chính vì nó thân thương và gần gũi quá nên ít ai... quan tâm chăm sóc. Cây dừa và cây chuối thường được trồng bằng cây con vào đầu mùa mưa. Chỉ qua một mùa mưa, nhờ nước mưa ngấm trong đất nên nên dừa và chuối bám rễ vào đất hút chất dinh dưỡng để phát tiển, cao lơn dần và tới mùa cho trái. Đối với sự hữu ích cho cuộc sống, cây dừa và cây chuối ngoài trái, thân cây và lá.... toàn bộ đều hữu ích, hàu như không bỏ phí thứ gì.
Hôm nay tôi ra vườn thấy cây chuối do tôi trồng hoặc bị chặt cây sau khi trổ buồng, cho trái chín vẫn kiên trì bám sâu trên mặt đất, nẩy mầm sống mới tôi chợt giật mình, thương cho cây chuối con không do tôi trồng mà nẩy mầm lên từ thân chuối mẹ bị chặt dùng đế tấn gốc xoài, gốc dừa không cần tưới nước vẫn hiên ngang sống, thách thức với những ngày nắng khô, mặt đất đã cằn cỗi. Ngay cả gốc dừa, gốc xoài mà cây chuối con bám váo đó mọc lên đất cũng xơ xác.
Cây chuối quả thật là loài cây ưu việt mà tạo hóa ban tặng cho loài người. Tôi đoán rằng, từ thuở "khai thiên lập địa", con người có mặt trên trái đất này thì đã có cây chuối. Thời đại hái lượm của con người hoang dã, cây chuối mọc hoang trong rừng, do con người phát hiện là loài cây cho trái ăn được nên sau này khi đã qua thời kỳ sơ khai, dựng liều, dựng nhà, con nguồi bứng mang về trồng quanh nhà nên ngày nay cây chuối đã có mặt trên đất vườn nhà tôi.
Cây chuối là loài cây không kén đất, rất đễ trồng. Khi chuối trồng đơn lẻ nẩy con phát triển thành bụi thì bứng chuối con ra trồng bất cứ chỗ nào mình thấy phù hợp. Chuối con bám theo thân chuối mẹ nhưng có bộ rễ riêng để ăn sâu vào đất. Khi bứng chuối con không cần phải cẩn thận, khéo léo, luồn lách như bứng cây mai, cây quýt, cây cam, cây bưởi mà cứ dùng dầm xắn xuống quanh gốc rồi bứng lên không cần phải giữ rễ phụ hay rễ cái, thậm chí gọt luôn phần gốc phía dưới rồi mang trồng chỗ khác, cây chuối vẫn sống vì chuối tự ra rễ mới để bám vào đất mới.
Nhưng chưa đâu, cây chuối còn kiên cường với cuộc sống này ngoài việc được con người bứng ra từ chuối mẹ, đào lỗ, trồng tử tế nó còn một cuộc sống khác mà qua quan sát thực tế khiến tôi rất nể phục. Đó là, khi tôi chặt thân chuối mẹ sau khi thu hoạch buồng chuối chín (cây chuối chỉ cho buồng chuối một lần rồi phải chặt bỏ để chuối con phát triển) dùng để tấn gốc xoài, gốc dừa hay gốc bưởi thì một thời gian ngắn, từ gốc chuối mẹ bị vứt bỏ ấy 1, 2 mầm chuối con mọc lên. Nếu không được bứng ra trồng chỗ khác thì cây chuối con kiên cường ấy vẫn sống, chỉ có điều nó sẽ chậm phát triển do thiếu đất.
Từ hình ảnh này, tôi lại nghĩ về sự phũ phàng của con người, dù là vô tình chứ không hữu ý vứt bỏ những thân chuối mẹ sau khi thu hoạch trái rồi quên mất một vòng đới mới của những mầm chuối con vẫn âm thầm mọc lên. Cây cũng như người, có cuộc sống là có linh hồn dù ta không thấy được nhưng sẽ cảm nhận được. Tôi đã tự trách mình ở sự phũ phàng vô tình này nên sẽ không để những mầm chuối con sống đời tầm gửi ở gốc dừa hay gốc xoài nữa mà sẽ bứng ra mang trồng chỗ khác.
Thậm chí tôi còn nghĩ cách sẽ trồng những mầm chuối con tội nghiệp này trong những chậu kiểng và chăm sóc chúng như những cây chuối kiểng. Tôi sẽ thử và biết đâu tôi sẽ có những cây chuối kiểng để ngắm trong tương lai không xa. Hãy làm. Hãy trải nghiệm thực tế mới biết. Cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu và thú vị nên hãy nhìn quanh mình, không đâu xa mà ngay dưới chân mình như cây chuối quê nghèo cũng có những điều vô cùng kỳ lạ, vi diệu.


TỪ KẾ TƯỜNG


Thứ Tư, 25 tháng 10, 2023

NGẮM TRĂNG TRÊN ĐỒI THƠM- THƠ NGUYỄN AN BÌNH

 



NGẮM TRĂNG TRÊN ĐỒI THƠM


Xuống dốc lên đồi chờ trăng mọc

Con đường nào xanh mướt tiếng mưa

Sóng vỗ từ bên kia sườn núi

Mơ hồ tiếng hát mỹ nhân ngư.

Cây mận trên đồi sai trỉu quả

Cành khuya xao động dấu chim đêm

Ánh đèn thành phố xa xôi quá

Mênh mông đồng lúa đợi trăng lên.

“Chiều qua Tuy Hòa” còn ai hát

Mười năm tìm mãi tóc huyền sương

Chỉ tại lòng ta buồn hiu quạnh

Muốn giữ liềm trăng để nhớ thương.

Đêm nay có phải đêm huyền ảo

Cùng ta đón gió Tháp Nghinh Phong

Chóp Chài Tháp Nhạn mờ sương khói

Soi bóng mình trên nước Đà Giang.

Thoáng chút mưa khuya trên đồi vắng

Lá có reo vui mừng bước chân

Đêm Đồi Thơm ngỡ hình là bóng

Ta đợi em về lúc trăng tan.



NGUYỄN AN BÌNH


*Đồi Thơm: địa danh du lịch ở Tp.Tuy Hòa – Phú Yên


Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

THANH ĐIỆU TIẾNG VIỆT GHI BẰNG CHỮ CÁI LA TINH VÀ TRONG ÂM HÁN VIỆT - LA THUỴ

 



THANH ĐIỆU TIẾNG VIỆT GHI BẰNG CHỮ CÁI LA TINH VÀ TRONG ÂM HÁN VIỆT 


Thanh điệu là sự nâng cao hoặc hạ thấp giọng nói trong một âm tiết.

Âm tiếng Hán hiện đại (tiếng Hán phổ thông, dựa trên phương ngữ Bắc Kinh) chỉ có 4 thanh bậc: phù bình (tên thông dụng hiện nay là âm bình),trầm bình (tên thông dụng hiện nay là dương bình), thượng thanh và khứ thanh (không chia bậc).

Nhưng âm Hán-Việt lại quy về bốn thanh điệu và thêm hai bậc của tiếng Hán vì dựa vào phiên thiết của âm tiếng Hán.

Trong tiếng HánViệt trước đây có bốn thanh: bình 平, thượng 上, khứ 去, nhập 入; mỗi thanh có hai bậc là phù 浮 và trầm 沈 (hoặc thanh 清 /trộc 濁; thượng 上/hạ 下)

Như vậy, tổng cộng có 8 thanh bậc: phù bình (浮平), trầm bình (沈平),phù thượng (浮上), trầm thượng (沈上), phù khứ (浮去), trầm khứ (沈去), phù nhập (浮入), trầm nhập (沈入).

*

Từ khi dùng chữ Quốc ngữ làm chữ viết, người Việt có thể diễn tả thanh điệu một tiếng bằng một ký tự nhất định. Tuy vậy, cũng chỉ được 6 thay vì 8, nghĩa là mất 2. Hai thanh phù-khứ, phù-trầm nhập lại thành một, hai thanh trầm-khứ, trầm-nhập cũng nhập lại thành một. Như vậy chỉ còn 2 thay vì 4.

Trong chữ Quốc ngữ, sáu thanh điệu được biểu thị bằng các dấu: sắc (´),hỏi (?), huyền (‘), ngã (~), nặng (.) và không dấu dành cho thanh ngang (phù-bình).


* THANH ĐIỆU TIẾNG VIỆT SỬ DỤNG THEO BẢNG CHỮ CÁI

LA TINH:


Tiếng Việt sử dụng bảng chữ cái Latin và có sáu thanh điệu được ghi bằng các dấu thanh đặt trên hoặc dưới nguyên âm chính: huyền, ngã,hỏi, sắc, nặng và không dấu (tức không có dấu nào cả). Ta có thể nói tiếng Việt thông thường có 6 thanh điệu và được ghi bằng 5 dấu thanh.

Sáu thanh điệu tiếng Việt được xếp vào 2 nhóm: thanh bằng và thanh trắc


THANH BẰNG


Thanh bằng là thanh điệu bằng phẳng, không có sự cao giọng hay thấpgiọng khi đọc. Và là những thanh điệu mà khi thể hiện, đường nét âmđiệu diễn biến bằng phẳng, đồng đều từ đầu đến cuối, không có sự lên xuống bất thường nào.


Thanh bằng gồm những tiếng hay chữ không có dấu (gọi là thanh ngang) và những tiếng hay chữ có dấu huyền.


- Thanh ngang: thanh ngang hay còn gọi là thanh không dấu hoặc gọi làthanh không được thể hiện dấu trên chữ. Thanh này xuất hiện trong tất cả các âm tiết, trừ âm tiết khép.

Ví dụ: cam, xuân, đông, công ty, mưa xuân,….

Nhưng thanh bằng không được thể hiện trên các âm tiết như: lach, bach,bat, lac, nhac, hat, het, bêt,….


- Dấu huyền: dấu huyền là một dấu thanh nằm trên các nguyên âm trong tiếng Việt. khi thể hiện trên các nguyên âm thì phát ra âm với giọng đi xuống. Dấu huyền được viết bằng một gạch ngang chéo từ trái sang phải.

Dấu huyền thấp hơn thanh ngang một bậc, dấu này có thể xuất hiện trong các âm tiết không phải là âm tiết khép và đọc với giọng nặng hơn thanh ngang.


Ví dụ về dấu huyền: cà, sàn, đầm, bằng, bà, bàn, ….


THANH TRẮC


Thanh trắc là thanh điệu không bằng phẳng. Thanh này có âm diệu diễn biến phức tạp trong thanh điệu. thanh này khi lên khi xuống, thể hiện ra bằng một đường nét không bằng phẳng và không đồng đều.

Thanh trắc được thể hiện bằng các tiếng hay chữ có các dấu gồm: dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã, gấu nặng.

- Dấu hỏi: dấu này có thanh điệu thuộc âm vực thấp. Khi phát âm, dấu hỏi có điểm bắt đầu và kết thúc thanh điệu đều ở âm vực thấp.

Dấu hỏi thường xuất hiện trong tất cả các âm tiết không phải là âm tiết khép.

Ví dụ: vả lại, hỏi han, cảm cúm, cảng biển, cảnh đẹp, hổn hểnh, cảm ơn, thể hiện,….

- Dấu ngã: dấu ngã là dấu có thanh điệu thuộc âm vực cao. Dấu này bắt đầu thấp hơn và kết thúc cao hơn, có thêm động tác nghẽn thanh hầu khi phát âm.


Dấu này có thể xuất hiện trong các âm tiết không phải là âm tiết khép vàđọc với giọng nặng hơn thanh ngang.

Ví dụ: ngã, vẽ, xã, mãn nhãn, sững sờ,….

Dấu ngã không được thể hiện trên các âm tiết như: lach, bach, bat, lac, nhac, hat, het, bêt,….

- Dấu sắc: dấu sắc là dấu có thanh điệu thuộc âm vực cao. Khi phát âm,dấu này có điểm xuất phát thấp hơn thanh ngang một chút và điểm kếtthúc ở âm vực cao. Đồng thời khi kết thúc còn phải có thêm động tác nghẽn thanh hầu khi đọc.

Dấu sắc có thể xuất hiện trong tất cả các kiểu âm tiết.

Ví dụ: khá lớn, bí quyết, chính thức, sáng sớm,….

- Dấu nặng: dấu nặng là dấu có thanh điệu thuộc âm vực thấp. Khi phát âm, dấu này có điểm xuất phát gần với độ cao xuất phát của thanh huyền nhưng kết thúc đột ngột ở độ cao thấp hơn.

Dấu nặng xuất hiện ở tất cả các kiểu âm tiết.

Ví dụ: lạ đời, chợ xuân, lợi ích, lạm dụng, trục trặc, bẹp ruột


* THANH ĐIỆU TIẾNG VIỆT TRONG ÂM HÁN VIỆT


Tiếng Việt cũng là một ngôn ngữ thanh điệu (tone-language). Nguyên thủy có 8 thanh điệu bao gồm 2 yếu tố: âm vực và âm điệu. Âm vực có 2 mức độ: phù (cao) và trầm (thấp). Âm điệu được chia thành bằng vàtrắc. Bằng là bình. Trắc gồm thượng, khứ, nhập. Nhân 2 âm vực với 4âm điệu, ta được 8 trường hợp. Xin mượn một ví dụ của Cao Xuân Hạo

(1998:82) "an", "ản", "án", "àn", "ãn", "ạn", "át", "ạt"


Trong tiếng HánViệt trước đây có bốn thanh: bình 平, thượng 上, khứ去, nhập 入; mỗi thanh có hai bậc là phù 浮 và trầm 沈 (hoặc thanh 清/trộc 濁; thượng 上/hạ 下)


Như vậy, tổng cộng có 8 thanh bậc: phù bình (浮平), trầm bình (沈平),phù thượng (浮上), trầm thượng (沈上), phù khứ (浮去), trầm khứ (沈去), phù nhập (浮入), trầm nhập (沈入).


1. Thanh bình: Có hai bậc, phù và trầm.

Thanh bình bậc phù (phù bình hay âm bình) là những tiếng không dấu,tức thanh ngang. Ví dụ: 阿 (a), 香 (hương).

Thanh bình bậc trầm (trầm bình hay dương bình) là những tiếng có dấu huyền. Ví dụ: 陀 (đà), 田 (điền), 神 (thần).

Điều cần chú ý là các chữ thanh ngang bắt đầu bằng l, m, n, ng, nh, d, v đều thuộc "trầm bình" ("hạ bình") trong cách áp dụng phiên thiết (LêNgọc Trụ) như minh 明, nhân 人, vân 云, nếu không sẽ sai về bậc thanh.

Điều này rất ít tác giả nhấn mạnh.

2. Thanh thượng: Có hai bậc, phù và trầm.

Thanh thượng bậc phù (phù thượng) là những tiếng có dấu hỏi. Ví dụ: 把 (bả), 海 (hải), 斬 (trảm).

Thanh thượng bậc trầm (trầm thượng) là những tiếng có dấu ngã. Ví dụ: 母 (mẫu), 女 (nữ), 語 (ngữ).

3. Thanh khứ:

Thanh khứ bậc phù (phù khứ) là những tiếng có dấu sắc. Ví dụ: 鬥(đấu), 放 (phóng), 進 (tiến).

Thanh khứ bậc trầm (trầm khứ) là những tiếng có dấu nặng. Ví dụ: 大(đại), 在 (tại), 妄 (vọng).


4. Thanh nhập:

Thanh nhập bậc phù (phù nhập) là những tiếng có phụ âm cuối là p, t,ch, c và có dấu sắc. Ví dụ: 答 (đáp), 切 (thiết), 責 (trách), 捉 (tróc).

Thanh nhập bậc trầm (trầm nhập) là những tiếng có phụ âm cuối là p, t,ch, c và có dấu nặng. Ví dụ: 沓 (đạp), 滅 (diệt), 石 (thạch), 濯 (trạc).

*

Cứ liệu thống kê về nguồn gốc của 8 thanh trong cách đọc Hán-Việt,chúng ta có bảng sau:

BÌNH: Ngang, Huyền,

THƯỢNG: Hỏi, Ngã

KHỨ: Sắc khứ, Nặng khứ

NHẬP: Sắc nhập (Cao), Nặng nhập (Thấp)


Có thể liệt kê 8 thanh điệu đọc âm Hán Việt như sau:

Ngang, Huyền, Hỏi, Ngã, Sắc khứ, Nặng khứ, Sắc nhập, Nặng nhập.


                    LA THUỴ

*

THAM KHẢO:


- Huình Tịnh Của (1895) Đại Nam quấc âm tự vị. Rey, Curiol & Cie: Saigon

- Nghiên cứu về chữ Nôm của Lê Văn Quán (Nhà xuất bản Khoa Học Xãhội, Hà Nội, 1981)

- Đào Duy Anh: Hán Việt Từ điển.


- Lê Ngọc Trụ: Lối đọc chữ Hán Tập san Đại học Văn Khoa (Sài Gòn)1968

- Nguyễn Tài Cẩn: Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nhà xuất bản Khoa Học Xã hội, Hà Nội, 1979

- Lê Văn Quán: Nghiên cứu về chữ Nôm, Nhà xuất bản Khoa Học Xã hội, Hà Nội, 1981.

- Trẩn văn Chánh: Từ điển Hán Việt, Hán ngữ cổ đại và hiện đại, Nhàxuất bản Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh 1999


Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2023

MỘT GÓC TRỜI QUÊ -LIA THIA GIỠN BÓNG - TỪ KẾ TƯỜNG

 



MỘT GÓC TRỜI QUÊ-LIA THIA GIỠN BÓNG

Cá lia thia có nhiều loại, phổ biến nhất ở Sài Gòn là cá lia thia Xiêm (xuất xứ từ Xiêm-Thái Lan), thông thường có màu xanh xám đặc trưng, đầu đen, vẩy nổi sao lốm đốm, kỳ, vi, đuôi rất đẹp, to bằng ngón tay, cá trống rất hung dữ, đá độ rất dai từ nửa giờ trở lên, có cặp rất sung, cáp độ đồng đều có thể đá cả tiến đến một buổi, khi mình mẩy tơi tả, mới phân thắng bại. Do quá trình lai tạo, cá lia thia Xiêm dần dần thêm nhiều chủng loại màu sắc. Thứ hai là cá lia thia Phướn, phổ biến là màu đỏ và trắng bạch, thân hình dài, kỳ vi, đuôi cũng dài, lã lướt, uốn lượng rất đẹp nhưng cá lia thia Phướn chỉ để “giỡn bóng” coi thôi, chứ đá chán phèo, chỉ một, hai phút là chạy độ, kỳ vi tơi tả, trụi lủi phải nuôi dưỡng một thời gian dài, có khi tới vài tháng mới trở lại hình hài như xưa nên cá Phướn chỉ nuôi làm kiểng, để ngắm chứ không cáp độ đá ăn thua.
Những năm gần đây ở Sài Gòn có thấy nhập về loại cá Phướn Đài Loan, rất to, gấp đôi cá Phướn thường, nhiều màu sắc, rất đẹp nhưng cũng chỉ nuôi làm kiểng, ngắm chơi chứ không ai cáp độ đá. Rồi có một loại cá lai giữa cá Xiêm và cá Phướn người ta gọi đó là cá Beta, đây cũng là loài cá nhập ngoại. Cá Beta hình dáng đẹp, đủ sắc màu, đuôi dài, kỳ vi uốn lượn diêm dúa nhưng cũng chỉ để làm cảnh chứ đá không bằng cá Xiêm. Do đó khi nói đến cá đá là chỉ có cá lia thia Xiêm, hoặc cá lia thia ta tức lia thia đồng. Cách chọn một con cá Xiêm để đá độ cũng lắm công phu, đòi hỏi người chơi cá cũng phải tích lũy nhiều kinh nghiệm chiến trường và không sách vở nào dạy được.
Thông thường việc chọn cá đá chỉ bằng mắt, rồi vận dụng kinh nghiệm tích lũy để nhận xét, đánh giá để… xỉa tiền ra mua. Và một khi chú cá đã ở trong tầm ngắm của “dân chơi” rồi thì có bị chủ cá hét giá trên trời cũng phải bấm bụng móc hầu bao ra “chơi mày luôn”. Nhưng tâm lý của dân chơi cá đá, chơi chim chọi, tiền không phải là vấn đề mà có được chú cá “chiến đấu”, chú chim thích chí là sướng cùng mình rồi, mọi chuyện tiền nong đều không vướng bận.
Nhưng trẻ con thành phố chỉ sẵn tiền cha mẹ cho ăn sáng để dành rồi mua cá đá chứ không được sống trong cái thú đi vớt cá lia thia như trẻ con đồng quê. Và khi đã nói đến chuyện vớt cá lia thia là chỉ nói đến cá lia thia ruộng, cá “ta” hay lia thia đồng. Cá lia thia ruộng hay cá “ta”, nhỏ con, bằng 1/3 cá Xiêm, cá trống nhỉnh hơn cá mái và hình dạng, màu sắc cũng đẹp hơn nhưng bình thường cá lia thia “ta” màu sắc nhợt nhạt, chỉ khi nào “giỡn bóng” hoặc gặp địch thủ chú cá trống mới nổi màu, đuôi xòe, kỳ vi đong đưa, phùng mang dọa nạt mới ra vẻ uy dũng. Trẻ con thôn quê không có tiền để mua cá Xiêm nuôi chơi hay đá độ mà phải lặn lội đi vớt cá ở các cánh đồng vào mùa mưa. Từ đây hình thành thú vui và nghệ thuật vớt cá lia thia mà bất cứ đứa trẻ con nào ở quê làng cũng đều biết, chỉ riêng trẻ con thành phố thì không thể biết.
Ngày còn học lớp nhì, lớp nhất bậc tiểu học (lớp 4, lớp 5 bây giờ), tức khoảng 9-10 tuổi, tôi học Trường Tiểu học Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Từ nhà đến trường học cách xa 2 km, thời ấy học trò thường cuốc bộ, chân đất, quần tà lỏn đen, áo sơ mi ngắn tay trắng, đầu trần, một chiếc cặp đệm, tay xách cà-mèn nhôm 2 ngăn, ngăn lớn đựng cơm, ngăn nhỏ ở trên đựng thức ăn. Do học ngày 2 buổi nên xong buổi học sáng tôi và hầu hết các bạn cùng lớp kể cả con trai lẫn con gái đều ở lại trường, giở cà-mèn ăn cơm tại lớp. Ăn xong, chẳng biết con gái làm gì, còn bọn học trò con trai chúng tôi rủ nhau đi vớt cá lia thia trong thời gian chờ vào học buổi chiều. Đứa nào “sang” thì chuẩn bị sẵn cái chai nước mắm ăn cắp của mẹ, súc sạch để đựng cá. Nhưng tôi không mang theo chai mà dùng ngăn cà-mèn đựng cơm, rửa sạch, xách tòn ten theo các bạn là có thể vô tư, cứ thế mà chơi. Dụng cụ đi vớt cá lia thia chỉ có thế.
Những cơn mưa đầu mùa ngập ruộng, rẫy, các loại cỏ, năn, lác mọc dày từng mảng trên những cánh đồng, xóm rẫy mênh mông. Đây cũng là lúc lũ cá lia thia không biết ở đâu theo mưa về trú ngụ trong những hố chân trâu, cụm lác, giề cỏ, lùm năn hoặc ở trong những kẽ đất trũng của “vồng khoai” nông dân cuốc đất ruộng đắp lên để sau này bang ra cấy lúa. Cá lia thia lúc này đã “bắt cặp”, chúng có đôi để chuẩn bị cho mùa sinh sản, chính vì thế nên trẻ con mới biết ổ của chúng mà vớt. Chú nhóc nào mới đi vớt cá lần đầu, còn non tay nghề, thiếu kinh nghiệm thì ngoài chai thủy tinh đựng đá còn mang theo cái rổ nhỏ đan bằng tre, chặc mắc để vớt cá. Còn dày dạn kinh nghiệm như học trò lớp nhì, lớp nhất chúng tôi thì chỉ cần… hai bàn tay lật ngửa, xòe ra, lần vào ổ cá theo hướng từ đáy lên để hứng chú cá trống, còn cá mái thì không thèm vớt, hoặc nếu có chung số phận với cá trống thì cũng ném trả về ruộng.
Ổ của cá lia thia là một cụm bọt vun lên đường kính cỡ hai ngón tay chụm lại, màu trắng nếu chỗ đó nước không có phèn, còn nước có phèn thì bọt cá màu trắng ngã vàng lẫn với màu phèn. Nếu bọt có lẫn trứng cá màu trắng li ti thì ổ này có một đôi cá trống, cá mái và cá trống bao giờ cũng đang bơi dưới ổ trứng để giữ trứng không cho cá khác xâm phạm. Nếu ổ cá chỉ có bọt mà không có trứng thì chỉ có một chú cá trống bên dưới đống bọt, lúc này chú cá trống rất sung. Đi tìm ổ cá lia thia trẻ con phải đi lom khom, mắt dán xuống chân và hướng về phía trước. Khi bắt gặp bọt cá thì dừng lại, chuyển tư thế ngồi xuống căng mắt quan sát. Có kinh nghiệm vớt cá như tôi thì chỉ dùng hai bàn tay lật ngửa xộc vào phía dưới bọt cá, khi thấy chú cá trống nằm gọn trong lòng hai bàn tay thì từ từ đưa lên mặt nước, úm lại là bắt được bỏ vào ngăn cà- mèn hoặc cái chai thủy tinh trong suốt. Trong khoảng 2 giờ nghỉ trưa trước buổi học chiều như thế nếu may mắn, phát hiện được nhiều ổ cá, chúng tôi có thể bắt được từ vài con đến cả chục con cá lia thia trống. Nhưng đó là cá đại trà, muốn chọn trong số ấy ra một chú cá để nuôi đá độ thì phải có thời gian nuôi dưỡng, sàng lọc và cho “xổ” thử để chọn ra một chú cá “chiến đấu”.
Nuôi cá lia thia phải tách ra nuôi từng con, mỗi con trong một chai thủy tinh cắt miệng hoặc keo, keo chai gì cũng phải sắp thành một hàng dài trên mặt bàn học, hoặc trên kệ. Ở giữa mỗi chai, mỗi keo đựng cá lót một miếng cạc-tông hay miếng giấy chặn đừng cho chúng thấy nhau. Khi chọn cá cáp độ đá nhau phải giở miếng giấy chặn này ra cho chúng “giỡn bóng” để ngắm kỹ và chọn lựa. Thứ nhất chọn dáng, thứ nhì chọn mang, thứ ba chọn vẩy, thứ tư chọn kỳ, thứ năm mới chọn đuôi. Chú cá lia thia nào dáng thon, gọn, cân đối, toát ra vẻ uy dũng, đuôi quạt nước mạnh, thấy “bóng” mình trong tấm kiếng soi hay địch thủ ở chai bên cạnh là lập tức phùng mang nhào tới, miệng há ra dọa nạt sẵn sàng đớp đối phương. Cho cá lia thia “giỡn bóng” là một cách luyện cá lia thia thành dũng sĩ, không sợ đối thủ khi cáp độ, tập cho con cá lia thia bản tính gan lỳ thà đá chết bỏ chứ không hề chạy mặt đối phương, hay “sọc dưa” giữa chừng rồi bỏ chạy.
Mỗi ngày đều được cho “giỡn bóng” chú cá lia thia trống thêm “sung” độ, màu sắc nổi rõ lên, vẩy lấp lánh như sao, đẹp mắt, kỳ vi đong đưa, uốn lượn, đuôi quạt nước gợn sóng thì đúng là dáng“cá tốt”. Kế tới là chọn mang, chú cá nào mang xanh, mang son, thì “chiến đấu”, còn mang thiếc hay mang lọ thì… chê. Vẩy chú cá phải nổi đều, màu sắc đậm, càng có nhiều sao óng ánh thì lỳ đòn, vẩy mờ hạt, sọc dưa thì vứt đi. Chú cá nào kỳ điểm, tức có một vết đỏ ở kỳ trên khi xếp lại hoặc vươn ra đích thị là một “ dũng sĩ”. Gặp chú cá trống nào kỳ điểm, mang son, vẩy xanh óng ánh lấp lánh như sao trời thì 10 trận thắng cả 10.
Khi đã chọn được một chú cá ưng ý thì chuẩn bị một cái chai thủy tinh cắt miệng cho rộng, hoặc cái keo thủy tinh có bán sẵn ngoài chợ. Nước nuôi cá tốt nhất là nước mưa đựng trong lu, cá lia thia ăn lăng quăng, rong trứng mọc sẵn dưới ruộng nước nơi cá sinh sống, muốn tẩm bổ cho cá thỉnh thoảng cho ăn thêm lòng đỏ trứng gà luộc chín, sấy hoặc phơi nắng thật khô xay nhuyễn, mỗi lần chỉ cho ăn một tí để tránh cho nước khỏi dơ. Khi thấy nước dơ phải lập tức thay nước mới ngay, nếu không cá sẽ chết. Và để giữ cho cá không hoảng sợ, bền vững phong độ thì tuyệt đối tránh thay keo, chai nuôi, vì đúng như ông bà đã dạy “lia thia quen chậu”.
Thú vớt cá lia thia của trẻ con thôn quê bây giờ cũng đã mai một dần, đất ruộng hầu hết đã lên vườn, lập ao nuôi tôm công nghiệp. Nếu nơi nào còn ruộng lúa, do đất phun xịt nhiều thuốc trừ sâu, bón phân hóa học nên cá lia thia cũng không sống nổi. Do đó thú vui vớt cá lia thia bây giờ cũng chỉ còn trong ký ức tuổi thơ.

TỪ KẾ TƯỜNG

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

KÍNH TIỄN NHẠC SỸ NGUYỄN HỮU TÂN - THƠ NHÃ MY & HUỲNH TÂM HOÀI

 




KÍNH TIỄN NHẠC SỸ NGUYỄN HỮU TÂN


Nay đã nghìn thu vĩnh biệt rồi
“Thiết Bình Nương Tử “ áng thơ rơi
Lời ca hùng tráng còn vang đọng
Tiếng hát ân tình vội vả trôi
bạn tiếc thương buồn kính tiễn
Gia đình đau xót khóc chia phôi
Tri âm vọng khúc bao người nhớ
Phổ nhạc lưu danh mãi ở đời


NHÃ MY kính điếu


* Thiết Bình Nương Tử là bút danh của ns NHT khi làm thơ
* ns NHT được bb ưu ái gọi Mỹ danh là super thơ phổ nhạc , anh đã phổ khoảng gần ngàn bản nhạc từ thơ của bb.


TIỄN BẠN LẦN CUỐI

Ngày mai đưa anh vào huyệt lạnh.
Vĩnh viễn rồi tình bạn chia phôi!
Cõi dương gian giờ đây vắng bạn.
Giọt lệ buồn cay xé tim tôi.
Đã biết sinh ly và tử biệt
Bạn ơi! tri kỷ có bao người.
Tiếng nhạc gieo thơ ngừng khúc hát.
Từ nay sương khói ẩn thơ trôi..

HTH


Thứ Năm, 19 tháng 10, 2023

ĐỌC “VÀO TRẠI PHUNG QUY HÒA LÀM THƠ GỬI HÀN MẠC TỬ” THƠ PHƯƠNG TẤN - CHÂU THẠCH

 


ĐỌC “VÀO TRẠI PHUNG QUY HÒA LÀM THƠ GỬI HÀN MẠC TỬ”  THƠ PHƯƠNG TẤN  -  CHÂU THẠCH

 

VÀO TRẠI PHUNG QUY HÒA

LÀM THƠ GỬI HÀN MẠC TỬ

 

Ta cười cợt với yêu ma xương cốt

Thoáng trong mây rờn rợn bát trăng sầu

Đất sẽ ướt tình ta như chuột lột

Trời cũng buồn như lớp lớp mộ bia.

 

Ta nhảy nhót với bóng ta vã xuống

Một đời vui đem gói lại cho người

Một đời buồn gửi lại ở bên ta

Trong khuya khoắt nụ tầm đông chợt nở.

 

Ta sẽ sớt hồn ta cho cây cỏ

Cây sẽ xanh và cỏ hết bạc lòng

Ta sẽ thả hồn ta cho trời đât

Trời ra hoa và đât hết vô tâm.

 

Ta vui quá ôi chao ta vui quá

Dịch Thủy buồn đâu vì lỗi Kinh Kha

Trong tiếng kêu có chút gì là lạ

Sao dưng không thinh lặng đến vô thường.

 

Nơi quạnh vắng cõi lòng ta thăm thẳm

Ấy bao dung lồng lộng gửi cho người

Trong chiu chắt tình ta phơi phới lắm

Ngó xuống đời bạc phếch tuổi hai mươi.

               Phương Tấn

              (Quy Nhơn 1973)

 

Lời bình:  Châu Thạch

 

Thơ Phương Tấn có nhiều bài đọc thấy hay và dễ hiểu. Thơ Phương Tấn cũng có nhiều bài đọc khó hiểu, khó hiểu mà vẫn biết hay, như nhìn một bức tranh trừu tượng với nét vẽ ẩn dụ nhiều ý tưởng. Những ý tưởng ấy, mơ hồ trong sâu xa ta cảm nhận được sự “Trong sáng vô biên và quyến luyến”của nó . Tôi không đủ trình độ để xác nhận những bài thơ như thế có phải là thơ siêu thực hay không, nhưng thật sự đọc những bài thơ ấy ta cảm nhận được hư và thực lẩn lộn trong nhau như  một giấc mơ đem đến cho ta những cảm xúc phiêu bồng, tưởng mình được nhẹ như chỉ có linh hồn bay trong cõi thơ hư hư, thực thực!

 

Bài thơ “Vào Trại Phung Quy Hòa Làm Thơ Gửi Hàn Mạc Tử” đối với tôi phải cần suy tư nhiều để hiểu, nhưng tôi cảm nhận được nó thật sự là hay, hay không thua bất cứ bài thơ nào của các thi nhân thơ Mới trong và ngoài Tự Lực Văn Đoàn.

 

Năm 1938, khi bệnh bắt đầu trở nặng, Hàn Mạc Tử chịu đựng những cơn đau của mình. Nhà thơ dùng thơ để làm dịu bớt những cơn đau ấy, từ đó “Máu Cuồng và Hồn Điên” ra đời. Bình về “Máu Cuồng và Hồn Điên”, Hoài Thanh trong “Thi Nhân Việt Nam” viết: “Trăng, toàn trăng, một ánh trăng gắt gao...Trăng ở đây cũng ghen, cũng giận, cũng cay nghiệt, cũng trơ tráo và cũng náo nức dục tình. Hàn Mạc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung ra làm biển cả, cho hồn văng ra, và rú lên những tiếng ghê người...Trời đất này thực của riêng Hàn Mạc Tử, ta không hiểu được và chắc cũng không bao giờ ai hiểu được...”

 

Nhà thơ Hàn Mạc Tử trút hơi thở vào ngày 11-11- 1940. Mộ nhà thơ lúc đó được đặt dưới chân núi Quy Hòa. Sau hơn 18 năm chôn cất tại đây, ngày 13-1-1959, gia đình và bè bạn đã làm lễ cải táng Hàn Mặc Tử lên đồi Thi Nhân (Ghềnh Ráng – Quy Nhơn). Năm 1991, trên mộ cũ của Hàn ở Quy Hòa, người ta đã xây dựng một đài tưởng niệm. Bệ lớn dưới chân tượng đài thể hiện Hàn Mặc Tử là người góp phần đặt nền móng cho thơ ca Việt Nam hiện đại. Trên bệ là hình cuốn sách lật ngửa, như trang đời và trang thơ của Hàn Mặc Tử còn dở dang. Phần trên đỉnh vừa tượng trưng cho hình ảnh bút nghiên của thi sĩ vừa là hình cây thánh giá. Bờ tường trước đài thể hiện hình ảnh vầng trăng luôn ẩn hiện trong thơ Hàn. "Ta bay lên, ta bay lên!/ Gió tiễn đưa ta với nguyệt thiềm/ Ta ở cõi cao nhìn trở xuống/ Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm".

 

Năm 1973 nhà thơ Phương Tấn vào nghĩa địa tại trại phung Quy Hòa dưới chân núi Trứng thăm ngôi mộ cũ của Hàn Mạc Tử và bài thơ gởi Hàn Mạc Tử ra đời.

 

Hãy đọc khổ thơ đầu tiên:

 

Ta cười cợt với yêu ma xương cốt

Thoáng trong mây rờn rợn bát trăng sầu

Đất sẽ ướt tình ta như chuột lột

Trời cũng buồn như lớp lớp mộ bia.

 

Đây là những cảm xúc đầu tiên khi nhà thơ bước vào khu nghĩa địa.

“Cười cợt” là hành động chế nhạo. Phương Tấn mới bước vào nghĩa địa đã cười chế nhạo với những linh hồn mà xương cốt còn vùi chôn nơi đây. Có lẽ ta phải hiểu đây chỉ là phản ứng chống lại sự sợ hải khi đứng ở một nơi mà tác giả cho rằng chỉ toàn “yêu ma và xương cốt”. Bước vào nơi đây, nhà thơ nhớ ngay những bài thơ trăng của Hàn Mạc Tử, và những bài thơ ấy làm cho tác giả có cảm giác bầu trời như ban đêm, có trăng và mưa lạnh trên lớp lớp mộ bia. Cụm từ “một bát trăng sầu” làm cho ai đọc thơ cũng lạnh gáy, lại thêm “Ướt như chuột lột”, “lớp lớp mộ bia” làm cho khung cảnh vô cùng ảm đạm.

 

Khổ thơ đầu tiên tác giả đã vẽ một bức tranh sầu, sầu như đời Hàn Mạc Tử, sầu như bệnh phung Hàn Mạc Tử, sầu như tình Hàn Mạc Tử và sầu như cái chết Hàn Mạc Tử. Khổ thơ diễn tả hoàn toàn thật những xúc động khi nhà thơ bước vào một khung cảnh cô liêu, tưởng nhớ lại người xưa, một nhân tài nhưng gánh chịu đau thương vì thất tình, cô đơn và đau đớn thể xác.

 

Khổ thơ thứ hai:

 

Ta nhảy nhót với bóng ta vã xuống

Một đời vui đem gói lại cho người

Một đời buồn gửi lại ở bên ta

Trong khuya khoắt nụ tầm đông chợt nở.

 

Phương Tấn vui gì mà nhảy nhót? Nhảy nhót vì đã đứng bên mộ Hàn Mạc Tử, nhảy nhót vì tưởng tượng mình đã diện kiến người xưa, nhảy nhót vì ước mơ bao ngày nay đã đạt. Đây là cảm xúc thăng hoa mà bất kỳ ai yêu thơ Hàn Mạc Tử đều như vậy khi đến với Hàn, đứng bên mộ Hàn.  Tất nhiên Phương Tấn nhảy nhót trong lòng mình, nhà thơ “vã xuông” vì hân hoan.  Giờ phút nầy  tác giả đã quên đây là nghĩa địa, đã quên “yêu ma xương cốt”, đã quên “bát trăng sầu”, chỉ còn biết Hàn Mạc Tử, Hàn Mạc Tử mà thôi, đến nỗi ông gói cả đời vui tặng Hàn và gói cả đời buồn giữ lại cho ông.  Điều đó chứng tỏ nhà thơ yêu Hàn Mạc Tử đến độ nào, say Hàn Mạc Tử đến độ nào, sẳn sàng dâng tặng cho Hàn tất cả,  với vui mừng đến độ nhà thơ tưởng tượng giữa khuya mùa đông, nụ hoa nở ra trong lòng ông lúc bấy giờ.

 

Vì sao không nở nụ tầm xuân mà lại nở “nụ tầm đông”? Bởi vì cuộc đời Hàn Mạc Tử đâu có mùa xuân bao giờ. Tất cả thơ của Hàn là thơ đau, đến nỗi bài thơ “Mùa Xuân Chín” của Hàn cũng đau vì “Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”.  Giờ đây Phương Tấn trong trạng thái khoái Lạc vì ông nghĩ đã hội ngộ cùng linh hồn Hàn Mạc Tử nơi đây, nhưng linh hồn Hàn xem như là một khối sầu trong vắt, cho nên Phương Tấn khoái lạc vì được chung niềm đau với Hàn. Sự khoai lạc đó không khác chi “nụ tầm đông” nở ra thơm ngát trong cơn mưa gió. Đó chính là cái “thú  đau thương” cái thú lạ kỳ mà không ai không mắc phải khi ta rơi lệ vì một màn kịch đóng hay với đầy nghịch cảnh.

 

Khổ thơ thứ ba:

 

Ta sẽ sớt hồn ta cho cây cỏ

Cây sẽ xanh và cỏ hết bạc lòng

Ta sẽ thả hồn ta cho trời đât

Trời ra hoa và đât hết vô tâm.

 

Bây giờ nhà thơ vui hẳn, vui vì ông đã san sẻ được nỗi sầu, niềm đau của Hàn Mạc Tử qua ông. Nhà thơ vui vì nghĩ rằng ông đã làm được “Một đời vui đem gói lại cho người” và tại đây linh hồn Hàn Mạc Tử đã nhận quà lớn của ông.  Nhà thơ vui vì ông nghĩ răng ông đã tự nguyện nhận của Hàn “Một đời buồn riêng gởi lại cho ta” và Hàn đồng ý trao cho ông nỗi sầu đau của Hàn. Từ niềm vui trong lòng đó, tình yêu trong tâm hồn Phương Tấn tràn ra vạn vật cho đến cây cỏ.

 

Vì Hàn Mạc Tử, Phương Tấn đã vị tha “Ta sẽ sớt hồn ta cho cây cỏ”. đã lạc quan “Cây sẽ xanh và cỏ hết bạc lòng”, đã có lòng bao dung rộng lớn “Ta sẽ thả hồn ta cho trời đất”, và đã biến đổi cả linh hồn trời đất trở nên tươi đệp “Trời ra hoa và đất hết vô tâm”. Bây giờ không chỉ Phương Tấn nhảy nhót mà cả không gian nhảy nhót, nghĩa địa biến mất trong mắt ông, còn chăng là mộ Hàn Mạc Tử trở nên một đền đài tuyệt mỹ.

 

Khổ thơ thứ tư:

 

Ta vui quá ôi chao ta vui quá

Dịch Thủy buồn đâu vì lỗi Kinh Kha

Trong tiếng kêu có chút gì là lạ

Sao dưng không thinh lặng đến vô thường.

 

NIềm vui tràn ngập trong hồn thi nhân. Bỗng dưng nhà thơ lại nhớ đến chuyên  Kinh Kha và sông Dịch Thủy bên Tàu từ một thuở xa xưa. Có nghich lý chăng? Nếu ta hiểu nhà thơ, sẽ không cho là nghịch lý. Hãy nghe mấy câu thơ trong “Bài Ca Sông Dịch” của Vũ Hoàng Chương:

 

“Biên thuỳ trống giục

Nẻo Tần sương sa

Gió thê lương quằn quại khói chiêu hà

Buồn xưa giờ chưa tan

Phong tiêu tiêu hề Dịch thuỷ hàn

Bạch vân! Bạch vân! kìa ngang rừng phất phới

Ôi màu tang khăn áo lũ người Yên”

 

Khung cảnh Kinh Kha qua sông Dịch Thủy để đi hành thích Tần Thủy Hoàng trong  tiếng tiêu của Cao Tiệm Ly buồn quá buồn. Lúc đó tất cả người Yên đều mặc đồ tang để tiển đưa Kinh Kha lên đường. Vậy thì sông Dịch Thủy bấy giờ  khác chi là nghĩa địa ngày nay  mà thi nhân đang đứng. Lúc đó, người Yên tiễn đưa trong cảnh buồn nhưng lòng vui. Vui vì họ hy vọng Tần Thủy Hoàng sẽ chết, đất nước sẽ bình yên, con người sẽ hanh phúc. Vậy thì cảnh buồn đâu phải tại Kinh Kha, bởi Kinh Kha đang đem niềm vui và hy vọng cho mọi người. Bây giờ Phương Tấn cũng vậy, đời Hàn thì buồn, nghĩa địa thì buồn nhưng lòng  Phương Tấn đang  vui bởi ông đã đến nơi đất hành hương, đã đứng nơi mộ  của Hàn Mạc Tử, đã thỏa lòng mơ ước được đến một lần nơi thi hào nằm xuống. Vậy nên, lòng nhà thơ cũng như lòng dân nước Yên thuở trước, vui trong khung cảnh rất buồn, rơi lệ tiển đưa trong niềm hy vọng lớn lao.

 

Khổ thơ cuối cùng:

 

Nơi quạnh vắng cõi lòng ta thăm thẳm

Ấy bao dung lồng lộng gửi cho người

Trong chiu chắt tình ta phơi phới lắm

Ngó xuống đời bạc phếch tuổi hai mươi

 

Bài thơ mở đầu với “tình ta như chuột lọt”. Bài thơ kết thúc với “tình ta phơi phới lắm”. Ta thấy  tâm trạng nhà thơ Phương Tấn thay đổi rất mau, ông rất buồn, gần như sợ hải khi bước vào nghĩa địa, nhưng lòng ông chuyển  biến ngay  khi đến với mộ Hàn. Cuối cùng, dầu “Ngó xuống đời bạc phếch tuổi hai mươi” nghĩa là con mắt nhìn đời vẫn lắm bi quan nhưng tâm hồn ông đã rộng mở “bao dung lồng lộng”. Đó là nhờ đâu? Nhờ Phương Tấn đã thấy mộ Hàn Mạc Tử. Mới thấy mộ thi nhân mà nhứ thế, nếu gặp được con người thật Hàn Mạc Tử thì sẽ như thế nào. Điều đó cho ta hiểu được những kỳ ngộ trong sử sách như Bá Nha - Tử Kỳ, những duyên lành gặp gỡ của những tâm hồn, của những trí tuệ lớn trong đời nầy sẽ làm nên lịch sử.

 

Cuối cùng, đây là bài thơ hay trên những bài thơ hay. Phương Tấn đưa ta đến thăm mộ Hàn Mạc Tử nhưng chưa một làn nhắc đến tên Hàn Mạc Tử Trong thơ. Vậy mà ta vẫn thấy Hàn Mạc Tử thắm thiết trong lòng ta trên từng dòng thơ thiết tha sớt hồn cho cây cỏ, thả hồn cho trời đất và “Trong chiu chắt tình ta phơi phới” của nhà thơ ./.

                                                          


              CHÂU THẠCH