CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

MỘT GÓC TRỜI QUÊ-CÂY CHUỐI QUÊ NGHÈO - TỪ KẾ TƯỜNG

 



MỘT GÓC TRỜI QUÊ-CÂY CHUỐI QUÊ NGHÈO


Ở quê tôi nếu nói về cây trồng trên đất vườn thì có 2 thứ cây rất thân thiện và gắn bó với tuổi thơ tôi nhiều nhất. Đó là cây dừa và cây chuối. Không chỉ gắn bó với tuổi thơ, với đời người như một kỷ niệm thân thương, gần gũi về mặt tinh thần mà hai loài cây này còn rất hữu ích cho cuộc sống. Chính vì nó thân thương và gần gũi quá nên ít ai... quan tâm chăm sóc. Cây dừa và cây chuối thường được trồng bằng cây con vào đầu mùa mưa. Chỉ qua một mùa mưa, nhờ nước mưa ngấm trong đất nên nên dừa và chuối bám rễ vào đất hút chất dinh dưỡng để phát tiển, cao lơn dần và tới mùa cho trái. Đối với sự hữu ích cho cuộc sống, cây dừa và cây chuối ngoài trái, thân cây và lá.... toàn bộ đều hữu ích, hàu như không bỏ phí thứ gì.
Hôm nay tôi ra vườn thấy cây chuối do tôi trồng hoặc bị chặt cây sau khi trổ buồng, cho trái chín vẫn kiên trì bám sâu trên mặt đất, nẩy mầm sống mới tôi chợt giật mình, thương cho cây chuối con không do tôi trồng mà nẩy mầm lên từ thân chuối mẹ bị chặt dùng đế tấn gốc xoài, gốc dừa không cần tưới nước vẫn hiên ngang sống, thách thức với những ngày nắng khô, mặt đất đã cằn cỗi. Ngay cả gốc dừa, gốc xoài mà cây chuối con bám váo đó mọc lên đất cũng xơ xác.
Cây chuối quả thật là loài cây ưu việt mà tạo hóa ban tặng cho loài người. Tôi đoán rằng, từ thuở "khai thiên lập địa", con người có mặt trên trái đất này thì đã có cây chuối. Thời đại hái lượm của con người hoang dã, cây chuối mọc hoang trong rừng, do con người phát hiện là loài cây cho trái ăn được nên sau này khi đã qua thời kỳ sơ khai, dựng liều, dựng nhà, con nguồi bứng mang về trồng quanh nhà nên ngày nay cây chuối đã có mặt trên đất vườn nhà tôi.
Cây chuối là loài cây không kén đất, rất đễ trồng. Khi chuối trồng đơn lẻ nẩy con phát triển thành bụi thì bứng chuối con ra trồng bất cứ chỗ nào mình thấy phù hợp. Chuối con bám theo thân chuối mẹ nhưng có bộ rễ riêng để ăn sâu vào đất. Khi bứng chuối con không cần phải cẩn thận, khéo léo, luồn lách như bứng cây mai, cây quýt, cây cam, cây bưởi mà cứ dùng dầm xắn xuống quanh gốc rồi bứng lên không cần phải giữ rễ phụ hay rễ cái, thậm chí gọt luôn phần gốc phía dưới rồi mang trồng chỗ khác, cây chuối vẫn sống vì chuối tự ra rễ mới để bám vào đất mới.
Nhưng chưa đâu, cây chuối còn kiên cường với cuộc sống này ngoài việc được con người bứng ra từ chuối mẹ, đào lỗ, trồng tử tế nó còn một cuộc sống khác mà qua quan sát thực tế khiến tôi rất nể phục. Đó là, khi tôi chặt thân chuối mẹ sau khi thu hoạch buồng chuối chín (cây chuối chỉ cho buồng chuối một lần rồi phải chặt bỏ để chuối con phát triển) dùng để tấn gốc xoài, gốc dừa hay gốc bưởi thì một thời gian ngắn, từ gốc chuối mẹ bị vứt bỏ ấy 1, 2 mầm chuối con mọc lên. Nếu không được bứng ra trồng chỗ khác thì cây chuối con kiên cường ấy vẫn sống, chỉ có điều nó sẽ chậm phát triển do thiếu đất.
Từ hình ảnh này, tôi lại nghĩ về sự phũ phàng của con người, dù là vô tình chứ không hữu ý vứt bỏ những thân chuối mẹ sau khi thu hoạch trái rồi quên mất một vòng đới mới của những mầm chuối con vẫn âm thầm mọc lên. Cây cũng như người, có cuộc sống là có linh hồn dù ta không thấy được nhưng sẽ cảm nhận được. Tôi đã tự trách mình ở sự phũ phàng vô tình này nên sẽ không để những mầm chuối con sống đời tầm gửi ở gốc dừa hay gốc xoài nữa mà sẽ bứng ra mang trồng chỗ khác.
Thậm chí tôi còn nghĩ cách sẽ trồng những mầm chuối con tội nghiệp này trong những chậu kiểng và chăm sóc chúng như những cây chuối kiểng. Tôi sẽ thử và biết đâu tôi sẽ có những cây chuối kiểng để ngắm trong tương lai không xa. Hãy làm. Hãy trải nghiệm thực tế mới biết. Cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu và thú vị nên hãy nhìn quanh mình, không đâu xa mà ngay dưới chân mình như cây chuối quê nghèo cũng có những điều vô cùng kỳ lạ, vi diệu.


TỪ KẾ TƯỜNG


Không có nhận xét nào: