CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 9 tháng 10, 2023

MỘNG BAN ĐẦU - TRẦN HỮU NGƯ



                                        


                                 MỘNG BAN ĐẦU


   -Nhạc kháng-chiến đánh Tây nghe sao nó êm dịu.

   -Nhạc chống Mỹ nghe nó dữ dằn

   -Nhạc Hòa-bình nghe như giặc

   -Nhạc Thanh-bình thì hãy… đợi đấy!

   Nhạc Thanh-bình sinh ra tronh Chiến-tranh, điều này tưởng là nghịch lý, nhưng âm nhạc Việt-Nam đã chứng minh rằng “Những bài ca Thanh-bình đi qua qua trong Chiến-tranh” đã làm nên một nền âm nhạc nhạc Việt-Nam có một không hai trên thế giới? 

   Biết nói làm sao cho hết đây?

   Lấy những bài hát của Hoàng-Trọng để chứng minh điều đã nói ở trên, dẫu biết rằng còn hằng ngàn bài hát Thanh-bình khác đã được sinh ra vuông tròn trên đống đổ nát vì Chiến-tranh.

Nhạc sĩ Hoàng-Trọng, người có nhiều mộng nhất Việt-Nam, cho dẫu những ngày ấy Chiến-tranh cứ MKN (mặc kệ nó), nhưng vẫn phải “Mộng” để có một niềm tin mà vui sống:

   -Mộng ban đầu (1956)

   -Mộng đẹp ngày xanh (1956)

   -Mộng lành (1956)

   -Mộng ngày hồi hương (1956)

   -Mộng cô đơn (1964)

   -Mộng đầu (1970)

  -Mộng đẹp tình xuân (1957)

   -Mộng cô đơn (1969)

   Tám bài hát này, bài nào cũng để lại dấu ấn trong lòng người yêu mến âm nhạc.

   Hoàng-Trọng sau khi MỘNG, anh đã dẫn chúng ta VÀO MỘNG:

   “… Từ ngày đường tơ lưu luyến vướng trên câu thơ

   Từ ngày tình mơ len lén bước sang tâm tư

   Từ ngày mình yêu mong nhớ biết đến bao chiều

   Cho dẫu có hết muôn điều

   Luôn bâng khuâng như còn thiếu…”

     (Ca khúc Vào Mộng viết 1962)

   Gần 30 bài hát Tango của Hoàng Trọng, biết chọn bài nào? Lấy tập nhạc Tango Hoàng-Trọng để trước mặt, tôi bói như bói Kiều: Lật đại một trang ra xem: Gặp bài hát Tango “Mộng ban đầu”! Ồ, cuộc đời này chỉ là… mộng? Tôi hát rất nhỏ: 

   “Em ơi, nếu mộng không thành thì sao”? 

    (Duyên kiếp-Lam Phương). 

   Bài hát “Mộng ban đầu” Hoàng-Trọng viết từ năm 1956. Mãi đến năm 1960, từ xóm nghèo ven biển gần điện Kê-Gà, tôi khăn gói lên tỉnh học trung học và một vài năm sau đó tôi mới được nghe “Mộng ban đầu”. 

   Khi hát, người ta chỉ giới thiệu nhạc sĩ Hoàng-Trọng và tôi cũng chỉ đinh ninh rằng một mình Hoàng-Trọng viết nên tác phẩm này, và mới thoáng nghe, tôi đã mê “Mộng ban đầu”. Nhưng sau này, có trong tay tập nhạc Hoàng-Trọng, tôi mới biết,  Hoàng Trọng phổ thơ Hồ Đình Phương.

   Thơ phổ nhạc là Thơ có trước, Nhạc có sau. Hoàng-Trọng là người tự trọng “có văn hóa” nên đầu bản nhạc “Mộng ban đầu” ông ghi tên Hồ Đình Phương trước và tên ông sau. Không như một số nhạc sĩ phổ thơ mà quên đề tên tác giả bài thơ, hoặc tên nhạc sĩ trước và tên thi sĩ sau!

   Nhân việc phổ thơ thành nhạc, hoặc nhờ người khác viết lời, Tôi cho rằng, bài hát thành công, được công chúng ưa thích là nhờ LỜI, chớ không phải nhờ NHẠC? Quên điều này, sẽ thất bại, dù anh có là nhạc sĩ tốt nghiệp trường lớp, mà viết lời dở, dù có nhờ Diva hát, nhạc anh cũng… khó đi vào lòng người nghe?

   Ngày nay tưởng dễ ăn, dễ nổi tiếng, dễ kiếm tiền, rất nhiều nhạc sĩ “tay ngang” xuất hiện như nấm sau mưa, nhưng muốn làm nhạc sĩ và viết được một bài hát hay đâu có dễ? 




   Trở lại “Mộng ban đầu”, dù Hồ-Đình-Phương và Hoàng-Trọng đã ra người thiên cổ, dù bài hát “Mộng ban đầu” ra đời cách nay đã 66 năm (2023-1956), nhưng vẫn thấy quê hương miền thùy dương vẫn xanh biếc như thuở nào:

   “… Quê em miền thùy dương

   Lúa ngọt ngào hoa mới

   Gió mang mùa xuân tới

   Hôn liếp dừa lên hương

   Thơm thơm tràn muôn lối

   Quê em dậy bình minh

   Nắng đẹp lòng thôn xóm

   Quán tranh hiền vui đón

   Dâng bát nước chè xanh

   Chan chứa mộng yên lành…”

   Quê tôi có thùy dương trên những động cát trắng ven biển, có những hàng dừa lả ngọn vì gió biển. Những bình minh mang tia nắng rọi qua mái nhà tranh như làm khô sương đêm ướt mái. Từ nhạc phẩm “Mộng ban đầu”, tôi thương những mối tình đơn sơ của những thôn nữ quê mùa, nhớ những mái nhà tranh trống hơ trống hoác làm sao che được gió? 

   “Mộng ban đầu”, một bức tranh vẽ nên nhạc một làng quê êm đềm không mộng và rất thực lại còn đẹp nữa. Xét cho cùng, ông bà, cha mẹ chúng ta phần đông cũng từ một làng quê mà sinh ra, và chúng ta cũng từ một làng quê mà bước tới…

   Hồ-Đình-Phương viết bài thơ “Mộng ban đầu” chỉ là cái mơ ước, cái mộng của một cô gái quê, giống hàng triệu cô gái quê khác, chờ người mà mình yêu thương trở lại quê nhà trong lúc Chiến-tranh, lời nhắn nhủ giản dị nhưng chan chứa yêu thương:

   “… Nhớ về thăm em nhé!

   Đừng van nỗi đường xa

   Đây tiếng hát câu hò

   Đang canh cánh mong chờ

   Anh nhớ về anh nhé!...”

   Và một ngày xa xưa ấy tôi cũng biết yêu, biết chờ đợi, biết thất tình, biết đau khổ… Nhìn thấy ai đó hạnh phúc, để rồi mình đi tìm, có đôi khi tình yêu không tìm mà có, không đợi mà gặp, không chờ mà được. “Tình là tình khi không mà có/ tình là tình nhiều lúc có như không” (Trần-Thiện-Thanh)

   Người thiếu nữ trong “Mộng ban đầu” này, nếu ai gặp được chắc hạnh phúc suốt đời:

    “… Hôm qua buồn nhìn đâu

    Thoáng mẹ già mom thấy

    Hỏi con chờ ai đấy

    Em níu lấy cành dâu

    Che dấu mộng ban đầu…”.

     Vẫn biết “Mộng ban đầu” trước 75 có nhiều ca sĩ ca, nhưng trong vòng mươi, mười lăm năm trở lại đây, ca sĩ Ngọc Hạ ở hải ngoại hát “Mộng Ban đầu” đã đem đến cho người nghe, buồn muôn thuở của những ngày xa quê.  

   “Mộng ban đầu” có câu mở đầu “Quê em miền thùy dương…”, dù đã bao năm xa cách, nhưng tôi vẫn canh cánh bên lòng và tôi  mong rằng  miền thùy dương đừng chìm sâu, khuất nẻo, và đừng… biến dạng trước cơn bão đất!



   TRẦN-HỮU-NGƯ


Không có nhận xét nào: