MỘT GÓC TRỜI QUÊ-CON CÁ LINH NON MÙA NƯỚC NỔI
Quê tôi không có mùa nước lũ mà chỉ có mùa nước nổi. Có năm mùa nước nổi về sớm, người quê tôi đêm giật mình thức giấc vì nghe tiếng nước chảy từ thượng nguồn về các nhánh sông, tiếng nước đổ ầm ầm như lũ quét, cuồn cuộn cuốn trôi tất cả những gì trong dòng nước chảy mạnh hơn thường ngày làm cả nhà không ai ngủ được vì háo hức trước một thứ âm thanh vừa quen vừa lạ, thật sôi động đối với cư dân vùng đồng bằng mỗi năm mới có một lần.
Mùa nước nổi, cư dân xóm tôi rộn ràng chuẩn bị ghe, xuồng, các phương tiện đánh bắt cá. Đặc sản mùa nước nổi quê tôi rất phong phú, đa dạng: rắn, rùa, chuột, ốc, các loài chim cò, hến, cá mà đặc biệt nhất là cá linh non. Không biết cá linh sinh sản từ đâu, bao giờ, nhưng khi nước lũ tràn về thì cá linh non theo nước chạy từng bầy, dày đặc. Cá linh non thân hình nhỏ xíu, cỡ ngón tay út, mập tròn, óng ánh màu trắng bạc. Người trong xóm chèo xuồng đi giăng lưới bắt cá linh non, lũ con nít chúng tôi cũng được theo xuồng phụ bắt cá.
Ngồi trên xuồng nhìn cá linh non kéo bầy đàn theo dòng nước đục ngầu phù sa xuôi chảy lao vào lưới, quẫy trắng trong màu nắng sớm, thật không có cảnh tượng nào sinh động hơn. Chẳng bao lâu chiếc xuồng của chúng tôi đầy khẳm cá linh đựng trong mấy cái thúng giạ và khi cuốn lưới, chèo xuồng về cặp hông nhà, bao giờ người xóm tôi cũng để dành lại một rổ các linh non để chế biến thành các món ăn dân dã cho bữa cơm gia đình. Sau đó mới chở phần còn lại ra chợ bán.
Cá linh non có thể chiên dòn, kho mẵn, nấu canh chua…và không thể thiếu bông điên điển đi kèm. Cây điên điển vùng lũ quê tôi cũng giống như con cá linh non, không biết chúng mọc bao giờ, dấu hiệu trổ bông ra sao, chỉ thấy khi nước lũ về, những bụi điên điển xanh ngút ngàn vươn lên từ bùn lầy cứ cao hơn mặt nước mùa lũ vừa một cái với tay. Những cành điên điển như đuối sức trước những chùm bông cánh mỏng màu vàng rực rỡ lắc liểu đánh nhịp theo dòng nước cuộn chảy trên cánh đồng mênh mông chờ người hái cho nhẹ bớt gánh nặng để tiếp tục trổ bông suốt mùa lũ.
Bông điên điển có màu vàng tuyệt đẹp, không có mùi thơm nhưng sẽ trở thành ngọt dịu khi nhúng vào nồi lẩu chua cá linh non nấu giấm hoặc chấm với nước cá linh non kho mẵn và gói với cá linh non lăn bột chiên dòn. Màu bông điên điển chắc cũng không họa sĩ nào pha trộn được, nó là màu vàng của đất phù sa châu thổ trộn với màu nắng trong mùa lũ về, cứ đến hẹn lại lên, rợp vàng mặt nước ngầu đục trên cánh đồng lũ như một bức tranh của trời đất ban tặng cho con người vùng lũ mà những nơi khác không có được.
Mùa nước nổi quê tôi cũng là mùa của trẻ con vui chơi thỏa thích kết hợp với những công việc gắn liền với thiên nhiên phụ giúp gia đình. Những công việc này vừa mang lại lợi ích thiết thực, vừa mang tính giải trí. Bởi những dứa bạn trang lứa với tôi đâu chỉ có chèo xuồng đi hái bông điển điển về ăn? Một buổi đi hái bông điển điển về bán cũng được từ 50 ngàn tới 100 ngàn đồng, đứa nào siêng, chịu khó hái tiền bán bông một ngày có khi được 200 ngàn tới 300 ngàn đồng. Đó là công việc nhẹ nhàng để kiếm tiền trong mùa nước nổi dành cho bọn con gái. Nặng và cực hơn một chút là chèo xuồng đi giăng câu, có nhiều đứa còn đi săn cả chuột đồng, bắt rắn.
Mới đó mùa nước nổi quê tôi đã xa ngăn ngắt… mấy chục năm. Đứa con gái ngày xưa ở xóm tôi chèo xuồng đi giăng lưới bắt cá linh non trên cánh đồng trắng nước với ba mẹ đã có gia đình riêng, đã lìa xa vùng quê lũ đến một ngày đường, cách quê nhà hàng trăm cây số và ít có dịp về lại quê xưa ngoại trừ ngày Tết. Nhưng Tết làm gì còn mùa nước nổi, còn mùa cá linh non nhảy soi sói khoe ánh bạc trong mấy cái thúng giạ đầy ắp cá tươi? Ngày Tết làm gì còn bông điên điển vàng rợp cả mặt nước phù sa như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp cho tôi sống lại những ngày thơ ấu với tay kéo nhánh điên điển ngắt từng chùm bông vàng ngây lịm ánh mắt?
Nhớ quá mùa nước nổi quê tôi, nhớ ánh bạc cá linh non, nhớ màu bông điên điển vàng tôi chỉ còn sống lại bằng hình ảnh của những mùa nước nổi năm xưa trong ký ức. Hỏi thăm người quê xóm tôi được biết năm nay mùa nước nổi đến sớm hơn mọi năm như những lần tôi chứng kiến lúc còn tuổi thơ. Cá linh non cũng không về nhiều nữa, dường như chúng giận con người làm đảo lộn môi trường sinh sản thiên nhiên. Không chỉ có cá linh non, các sản vật khác của mùa nước nổi mà thiên nhiên ban tặng cũng ngày dần cạn kiệt, ngay cả bông điên điển đặc trưng của mùa nước nổi dường như cũng bớt vàng hơn, thưa vắng hơn. Và tất nhiên con người cũng buồn hơn cho cuộc mưu sinh mùa nước nổi theo quy luật của thiên nhiên.
Và có lẽ người buồn nhất là tôi, một đứa con sinh ra nơi đồng nội, lớn lên từ những mùa nước nổi với những kỷ niệm không thể nào nhạt phai khi nghe tin dự báo thời tiết cho biết năm nay mùa nước nổi về sớm. Nhưng con cá linh non đã hiếm dần, chợ thành phố thì không nói, ngay chợ quê cũng khó kiếm mua được cá linh non. Nếu có cũng không nhiều, giá cả lại quá mắc. Tôi là người thương nhớ những mùa nước nổi trong kỷ niệm, thèm hương vị bữa cơm quê có cá linh non kho mẵn, cá linh nấu lẩu giấm nhúng bông điên điển. Nhớ đến lịm mắt một màu bông điên điển vàng trải rợp trời cánh đồng mùa nước nổi thời thơ ấu đã xa.
TỪ KẾ TƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét