CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

MỘT GÓC TRỜI QUÊ -SĂN CHUỘT ĐỒNG - TỪ KẾ TƯỜNG

 




MỘT GÓC TRỜI QUÊ- SĂN CHUỘT ĐỒNG

Ở thành phố bây giờ không thiếu những quán nhậu vỉa hè, góc phố, bờ kè, làng nướng thậm chí các nhà hàng sang trọng, khác sạn 3 sao trở lên đều có món “đặc sản chuột đồng”, chế biến nhiều món theo phong cách ẩm thực dân dã thời khẩn hoang, mở cõi như: chuột đồng nướng mọi, chuột đồng nướng xã ớt, chuột đồng khìa nước dừa…cho tới đẳng cấp văn hóa ẩm thực thời @ như: chuột đồng rô ti, chuột đồng xào lăn, chuột đồng quay lu, chuột đồng um lá cách, lá nhàu và có cả lẩu chuột đồng. Thôi thì tùy theo ngẫu hứng của những tay đầu bếp Sài Gòn mà chuột đồng lên đĩa, vào mâm với sô số món khác nhau. Nhưng không nhất thiết phải dân nhậu sành điệu mà ai cũng đều công nhận chuột đồng là món khoái khẩu, lạ miệng với dân thành phố và giá cả nhà hàng tính không hề rẻ. Còn vấn đề chuột đồng có phải là chuột đồng thứ thiệt ở chốn đồng quê, rẫy bái hay…chuột cống thành phố không thì chỉ có chủ quán nhậu, chủ nhà hàng mới biết.
Nhưng bất kỳ ai ở chốn thôn quê đều biết rất rõ chuột đồng không phải là con vật hôi hám, chúng ở hang rất sạch, thịt rất ngon, nhiều dinh dưỡng và cho trẻ con chúng tôi một thú đi săn đầy hấp dẫn, sôi động, vừa giải trí vừa có món ăn ngon của thời thơ ấu. Những buổi đi săn chuột đồng đầy háo hức, náo nhiệt, tạo ấn tượng khó phai mờ luôn thúc dục tôi trở về với kỷ niệm tuổi thơ đầy hình ảnh tươi vui, ngọt ngào ở một góc làng quê.
Chuột đồng sinh sống quanh năm ở ruộng rẫy, chúng đào hang ở bờ ruộng làm nơi trú ẩn, sinh sôi, phát triển họ hàng nhà chuột. Đặc biệt rộ lên khi mùa lúa chín vàng đồng, lúc đó họ hàng nhà chuột béo núc ních, lông bóng mượt, thịt rất ngon vì chúng ăn lúa phủ phê, khẩu phần còn được dặm thêm các loại ốc, cua đồng, mầm cây non…lúc này một hang chuột ngoài chuột bố mẹ còn có một đàn con đông đúc, mập mạp, béo tròn. Và là mùa săn chuột đồng của trẻ con thôn quê bắt đầu nhộn nhịp, chúng tôi chuẩn bị cuốc, chĩa một mũi, ba mũi, gậy và ít ra đứa nào cũng phải có một chú chó ta tên mực, vện, cò, vàng… được tập luyện thành thục cho việc săn chuột trước đó rất công phu. Chỉ cần cậu chủ huýt sáo, búng tay, giậm chân, đập gậy là con cẩu tinh khôn hiểu ý phóng tới đánh hơi hang chuột, phóng vào bụi rậm hoặc nhào lu6n xuống kênh làm cuộc bơi đua nước rút với họ hàng nhà chuột và dù cho con chuột ranh mãnh, xảo quyệt, bơi giỏi, lặn sâu đến thế nào cuối cùng cũng đành thúc thủ trước con cẩu tài ba có cú đớp thiện nghệ hay cú phóng chĩa thần sầu của cậu chủ.
Toán thợ săn chúng tôi ngày ấy ít nhất từ hai đứa trở lên, và năm đứa là lý tưởng. Năm thợ săn với 5 mũi chĩa hoặc gậy, năm chú cẩu tinh khôn và một cây cuốc đào là con như một toán thợ săn hoàn hảo, đầy hứa hẹn sẽ mang về chiến lợi phẩm khả quan. Săn chuột đồng thuận lợi nhất vào buổi trưa kéo dài cho tới lúc mặt trời xế bóng, nước lớn đầy dưới kênh là kết thúc. Mở đầu thời điểm đi săn là săn chuột đồng trên bờ ruộng, toán thợ săn sẽ cắt cử hai…thợ đào vai vác cuốc, sức khỏe dẻo dai để thay phiên nhau đào hang chuột. Hang ổ nhà chuột đầy dưới chân bờ ruộng, nhiều ngõ ngách liên thông với nhau có khi dẫn tới một…ổ rắn hổ và chuyện trẻ con chúng tôi đào hang chuột nhưng quay ra đập rắn hổ là chuyện bình thường vì đi săn chuột mà không gặp rắn mới lạ. Nhưng chuột là chuột, còn rắn là rắn thứ nào cũng là…mồi bén mà trẻ con chúng tôi rất mê.
Hãy để một tay thợ săn nhiều kinh nghiệm, chẩn đoán như thần khi bắt gặp hang chuột và quyết định đào hay không. Nó sẽ cúi nhìn hang chính, đếm dấu chân chuột chi chít và đoán rằng hang chuột này co bao nhiêu con. Chuyện tưởng khó tin mà có thật, thằng Tâm chuột bạn thân của tôi trong toán thợ săn chính là người quyết định đào hay thôi và bao giờ nó cũng nói gần chính xác số lượng họ hàng nhà chuột trong hang, xác xuất là…98% mới ghê! Lúc đó hai tay thợ đào thay phiên nhau đào hang, ba tay còn lại lo móc đất nhét ngách chuột chỉ chừa một ngách duy nhất để chuột thoát ra ngoài, thườn glà cái ngách thượng, tức ở trên cao, giữa bờ ruộng và đó là cửa tử cho họ hàng nhà chuột. Trấn giữ cửa từ này là ba tay thợ săn với 3 cây gậy vừa tầm tay, 3 chú chó. Chuột động ổ phóng lên thì gậy đập, con nào vọt qua được “lưới lửa” này thì bị ba con cẩu phía sau đuổi theo vật cổ. Trấn giữ hang chính đương nhiên là một tay thợ đào chính và một tay thợ đào phụ và 2 chú cẩu. Họ hàng nhà chuột bị “thối động”, ngõ ngách vị bịt kín chạy lung tung trong “giao thông hào” nội bộ một lúc sẽ phóng ngược ra hang chính. Cửa nào cũng là cửa tử.
Họ hàng nhà chuột rất tinh ranh, khi hang bị đào, ngách bị nhét chặt chúng liền ngụy trang…bịt hang chính khiến tay đào lơ tơ mơ tưởng đến đây là hang cùng sẽ bỏ cuộc chơi. Nhưng chú cẩu tinh khôn, dảy dạn kinh nghiệm và cái mũi thính, đánh hơi trăm dặm sẽ nhảy vào khịt khịt, hai chân bươi đất và khi chú cẩu đã “quyết tâm” đánh hơi, mũi khịt liên tục, hai chân bươi lia lịa thì chắc chắn trong đó có một “nồ gọ” tức ổ chuột con mà chuột cha mẹ tinh ranh muốn ngụy trang để giấu những đứa con lít nhít của mình. Thế là toán thợ săn hốt trọn ổ chuột cha mẹ lẫn đám chuột con. Chuyện hốt ổ nguyên cái hang chuột sẽ rất hồi hộp, căng thẳng và náo nhiệt nhất khi đào trúng hang chuột cống nhum. Cũng cùng là họ hàng nhà chuột nhưng chuột cống nhum lại to như con heo con mới sinh, chúng luôn ở một đôi con đực con cái, lông đen mun, rất hung dữ có thể chống trả lại chó và nếu có con nhỏ chúng lại càng hung dữ và khè như rắn hổ để đe dọa chó.
Chính tôi đã có lần nhờ kinh nghiệm mà phát hiện ra chuột cống nhum. Chúng thường ở hang riêng, hang chuột cống nhum rất to, dấu chân ra vào hang chính cũng rất to, điều này trẻ con chúng tôi đứa nào cũng biết, nhưng đôi khi có đôi vợ chồng nhà cống nhum đánh chiếm hang chuột đồng và làm tổ ấm của mình để sinh con. Lần đó là chính xác như vậy. Khi tay thợ đào gặp một lớp đất ngăn hang chính tưởng rằng đến đấy là hết, nhưng trước đó tôi nhìn thấy có nhiều rơm, rác, lá cây, cả cỏ khô thì biết ngay có ổ chuột cống nhum đang giữ con và chúng ngụy trang để giấu ổ. Tôi liền huýt sáo ra hiệu cho con vện tinh khôn của mình nhào tới, chú vện liên tục khịt mũi, sủa ăng ẳng và liên tục bươi đất, cùng với tiếng sửa của chú vện là tiếng khè như rắn hổ phát ra, tay thợ đào vội phóng ngược trờ ra sau và la hoảng rằng có rắn hổ. Nhưng tôi thì không sợ vì con vện lưỡi có mấy cái “bớt” là khắc tinh của rắn hổ nên cứ đập gậy khuyến khích chú vện cứ tiếp tục vì nếu gặp cống nhum thì tốt mà gặp rắn hổ càng ngon, đằng nào cũng kết quả mỹ mãn.
Quả nhiên, không chịu nổi tiếng khịt mũi của chú vện một cặp cống nhum lần lượt con trước, con sau phóng ra. Một con bị chú vện ngoạm cổ, con kia bị tôi rượt theo đập cho mấy gậy nằm lăn. Chiến lợi phẩm thu được ngoài đôi vợ chồng nhà cống nhum đen trũi, to kềnh như hai con heo con, còn một ổ cống nhum con 4 trự đỏ hỏn, mập tròn. Thứ này bỏ vào hũ rượu đế ngâm với ít món thuốc Bắc thì là…đại bổ, người lớn rất khoái. Nhưng một lần, chúng tôi gặp phải hang chuột liên thông tới một ổ rắn hổ mới ly kỳ, hồi hộp, căng thẳng, cặp rắn hổ đang ấp trứng, trước đó chúng xơi hết họ hàng nhà chuột nên “giao thông hào” không còn dấu chân li ti của chuột mà dấu bò láng mượt của rắn. Do có kinh nghiệm nên chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần ứng chiến và khi nghe cặp rắn hổ khè khì khì thì chúng tôi ra hiệu tập trung đàn chó lại chiến đấu. Lúc đó những mũi chĩa của toán thợ săn tỏ ra vô cùng hiệu nghiệm, khống chế ngay cặp rắn hổ đang phùn mang, đánh lưỡi phun nọc độc khì khì ngay cái ổ trứng của chúng.
Nhưng vui nhất, sinh động nhất là khi chúng tôi săn chuột đồng dưới kênh nước đang lớn. Toán thợ săn đi hàng dọc hai bên bờ kênh, gập đập vào lùm bụi ô rô, cóc kèn, dừa nước cho lũ chuột trú ẩn trong đấy sợ hãi phóng xuống kênh, lập tức chĩa một mũi, ba mũi phát huy tác dụng phóng theo vèo vèo, con nào không trúng chĩa thì bị chó phóng theo ngoạm cổ tha lên bờ. Họ hàng nhà chuột rất tinh ranh, khi phóng xuống kênh chúng lặn luôn, lặn rất sâu nhưng bị…lộ vì sủi tăm dài dài trên mặt nước nên chúng tôi bám theo chờ chúng nổi đầu lên là phóng chĩa. Đôi khi chúng tôi không phóng chĩa mà chơi trò “mèo vờn chuột” phóng luôn xuống kênh bơi theo tăm của chúng khi lặn, chờ chút đuối hơi vừa ngóc đầu lên chúng tôi lập tức tóm đuôi quây mòng mòng một lúc chuột ta mệt phờ, nằm quay lơ cán cuốc. Chiến lợi phẩm được chúng tôi xử lý ngay trên bờ kênh bằng cách lột da xỏ xâu và…lui quân về chế biến nào là chuột khìa nước dừa, nướng mọi, và món chủ lực là chuột hon sau khi làm sạch, tẩm ướp gia vị, đặc biệt khử mùi thịt chuột bằng lá nị hay còn gọi là lá cà khi tươi hái sau vườn nhà là bảo đảm nấu nướng lên, mùi thơm bay bốc trời lan sang khắp xóm.
Bây giờ, chuột đồng đã là món “đặc sản” của các quán ăn, nhà hàng khắp nẻo đường thành phố. Nhưng tôi vẫn nhớ nhất hương vị món thịt chuột quê nhà do chính chúng tôi săn bắt được và cùng nhau chế biến theo kiểu dân dã, nó không chỉ ngon vì thịt chuột đồng chính cống mà còn vì thấm đẫm hương vị tuổi thơ không tái hiện được.

                   TỪ KẾ TƯỜNG


Không có nhận xét nào: