Cá lia thia có nhiều loại, phổ biến nhất ở Sài Gòn là cá lia thia Xiêm (xuất xứ từ Xiêm-Thái Lan), thông thường có màu xanh xám đặc trưng, đầu đen, vẩy nổi sao lốm đốm, kỳ, vi, đuôi rất đẹp, to bằng ngón tay, cá trống rất hung dữ, đá độ rất dai từ nửa giờ trở lên, có cặp rất sung, cáp độ đồng đều có thể đá cả tiến đến một buổi, khi mình mẩy tơi tả, mới phân thắng bại. Do quá trình lai tạo, cá lia thia Xiêm dần dần thêm nhiều chủng loại màu sắc. Thứ hai là cá lia thia Phướn, phổ biến là màu đỏ và trắng bạch, thân hình dài, kỳ vi, đuôi cũng dài, lã lướt, uốn lượng rất đẹp nhưng cá lia thia Phướn chỉ để “giỡn bóng” coi thôi, chứ đá chán phèo, chỉ một, hai phút là chạy độ, kỳ vi tơi tả, trụi lủi phải nuôi dưỡng một thời gian dài, có khi tới vài tháng mới trở lại hình hài như xưa nên cá Phướn chỉ nuôi làm kiểng, để ngắm chứ không cáp độ đá ăn thua.
Những năm gần đây ở Sài Gòn có thấy nhập về loại cá Phướn Đài Loan, rất to, gấp đôi cá Phướn thường, nhiều màu sắc, rất đẹp nhưng cũng chỉ nuôi làm kiểng, ngắm chơi chứ không ai cáp độ đá. Rồi có một loại cá lai giữa cá Xiêm và cá Phướn người ta gọi đó là cá Beta, đây cũng là loài cá nhập ngoại. Cá Beta hình dáng đẹp, đủ sắc màu, đuôi dài, kỳ vi uốn lượn diêm dúa nhưng cũng chỉ để làm cảnh chứ đá không bằng cá Xiêm. Do đó khi nói đến cá đá là chỉ có cá lia thia Xiêm, hoặc cá lia thia ta tức lia thia đồng. Cách chọn một con cá Xiêm để đá độ cũng lắm công phu, đòi hỏi người chơi cá cũng phải tích lũy nhiều kinh nghiệm chiến trường và không sách vở nào dạy được.
Thông thường việc chọn cá đá chỉ bằng mắt, rồi vận dụng kinh nghiệm tích lũy để nhận xét, đánh giá để… xỉa tiền ra mua. Và một khi chú cá đã ở trong tầm ngắm của “dân chơi” rồi thì có bị chủ cá hét giá trên trời cũng phải bấm bụng móc hầu bao ra “chơi mày luôn”. Nhưng tâm lý của dân chơi cá đá, chơi chim chọi, tiền không phải là vấn đề mà có được chú cá “chiến đấu”, chú chim thích chí là sướng cùng mình rồi, mọi chuyện tiền nong đều không vướng bận.
Nhưng trẻ con thành phố chỉ sẵn tiền cha mẹ cho ăn sáng để dành rồi mua cá đá chứ không được sống trong cái thú đi vớt cá lia thia như trẻ con đồng quê. Và khi đã nói đến chuyện vớt cá lia thia là chỉ nói đến cá lia thia ruộng, cá “ta” hay lia thia đồng. Cá lia thia ruộng hay cá “ta”, nhỏ con, bằng 1/3 cá Xiêm, cá trống nhỉnh hơn cá mái và hình dạng, màu sắc cũng đẹp hơn nhưng bình thường cá lia thia “ta” màu sắc nhợt nhạt, chỉ khi nào “giỡn bóng” hoặc gặp địch thủ chú cá trống mới nổi màu, đuôi xòe, kỳ vi đong đưa, phùng mang dọa nạt mới ra vẻ uy dũng. Trẻ con thôn quê không có tiền để mua cá Xiêm nuôi chơi hay đá độ mà phải lặn lội đi vớt cá ở các cánh đồng vào mùa mưa. Từ đây hình thành thú vui và nghệ thuật vớt cá lia thia mà bất cứ đứa trẻ con nào ở quê làng cũng đều biết, chỉ riêng trẻ con thành phố thì không thể biết.
Ngày còn học lớp nhì, lớp nhất bậc tiểu học (lớp 4, lớp 5 bây giờ), tức khoảng 9-10 tuổi, tôi học Trường Tiểu học Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Từ nhà đến trường học cách xa 2 km, thời ấy học trò thường cuốc bộ, chân đất, quần tà lỏn đen, áo sơ mi ngắn tay trắng, đầu trần, một chiếc cặp đệm, tay xách cà-mèn nhôm 2 ngăn, ngăn lớn đựng cơm, ngăn nhỏ ở trên đựng thức ăn. Do học ngày 2 buổi nên xong buổi học sáng tôi và hầu hết các bạn cùng lớp kể cả con trai lẫn con gái đều ở lại trường, giở cà-mèn ăn cơm tại lớp. Ăn xong, chẳng biết con gái làm gì, còn bọn học trò con trai chúng tôi rủ nhau đi vớt cá lia thia trong thời gian chờ vào học buổi chiều. Đứa nào “sang” thì chuẩn bị sẵn cái chai nước mắm ăn cắp của mẹ, súc sạch để đựng cá. Nhưng tôi không mang theo chai mà dùng ngăn cà-mèn đựng cơm, rửa sạch, xách tòn ten theo các bạn là có thể vô tư, cứ thế mà chơi. Dụng cụ đi vớt cá lia thia chỉ có thế.
Những cơn mưa đầu mùa ngập ruộng, rẫy, các loại cỏ, năn, lác mọc dày từng mảng trên những cánh đồng, xóm rẫy mênh mông. Đây cũng là lúc lũ cá lia thia không biết ở đâu theo mưa về trú ngụ trong những hố chân trâu, cụm lác, giề cỏ, lùm năn hoặc ở trong những kẽ đất trũng của “vồng khoai” nông dân cuốc đất ruộng đắp lên để sau này bang ra cấy lúa. Cá lia thia lúc này đã “bắt cặp”, chúng có đôi để chuẩn bị cho mùa sinh sản, chính vì thế nên trẻ con mới biết ổ của chúng mà vớt. Chú nhóc nào mới đi vớt cá lần đầu, còn non tay nghề, thiếu kinh nghiệm thì ngoài chai thủy tinh đựng đá còn mang theo cái rổ nhỏ đan bằng tre, chặc mắc để vớt cá. Còn dày dạn kinh nghiệm như học trò lớp nhì, lớp nhất chúng tôi thì chỉ cần… hai bàn tay lật ngửa, xòe ra, lần vào ổ cá theo hướng từ đáy lên để hứng chú cá trống, còn cá mái thì không thèm vớt, hoặc nếu có chung số phận với cá trống thì cũng ném trả về ruộng.
Ổ của cá lia thia là một cụm bọt vun lên đường kính cỡ hai ngón tay chụm lại, màu trắng nếu chỗ đó nước không có phèn, còn nước có phèn thì bọt cá màu trắng ngã vàng lẫn với màu phèn. Nếu bọt có lẫn trứng cá màu trắng li ti thì ổ này có một đôi cá trống, cá mái và cá trống bao giờ cũng đang bơi dưới ổ trứng để giữ trứng không cho cá khác xâm phạm. Nếu ổ cá chỉ có bọt mà không có trứng thì chỉ có một chú cá trống bên dưới đống bọt, lúc này chú cá trống rất sung. Đi tìm ổ cá lia thia trẻ con phải đi lom khom, mắt dán xuống chân và hướng về phía trước. Khi bắt gặp bọt cá thì dừng lại, chuyển tư thế ngồi xuống căng mắt quan sát. Có kinh nghiệm vớt cá như tôi thì chỉ dùng hai bàn tay lật ngửa xộc vào phía dưới bọt cá, khi thấy chú cá trống nằm gọn trong lòng hai bàn tay thì từ từ đưa lên mặt nước, úm lại là bắt được bỏ vào ngăn cà- mèn hoặc cái chai thủy tinh trong suốt. Trong khoảng 2 giờ nghỉ trưa trước buổi học chiều như thế nếu may mắn, phát hiện được nhiều ổ cá, chúng tôi có thể bắt được từ vài con đến cả chục con cá lia thia trống. Nhưng đó là cá đại trà, muốn chọn trong số ấy ra một chú cá để nuôi đá độ thì phải có thời gian nuôi dưỡng, sàng lọc và cho “xổ” thử để chọn ra một chú cá “chiến đấu”.
Nuôi cá lia thia phải tách ra nuôi từng con, mỗi con trong một chai thủy tinh cắt miệng hoặc keo, keo chai gì cũng phải sắp thành một hàng dài trên mặt bàn học, hoặc trên kệ. Ở giữa mỗi chai, mỗi keo đựng cá lót một miếng cạc-tông hay miếng giấy chặn đừng cho chúng thấy nhau. Khi chọn cá cáp độ đá nhau phải giở miếng giấy chặn này ra cho chúng “giỡn bóng” để ngắm kỹ và chọn lựa. Thứ nhất chọn dáng, thứ nhì chọn mang, thứ ba chọn vẩy, thứ tư chọn kỳ, thứ năm mới chọn đuôi. Chú cá lia thia nào dáng thon, gọn, cân đối, toát ra vẻ uy dũng, đuôi quạt nước mạnh, thấy “bóng” mình trong tấm kiếng soi hay địch thủ ở chai bên cạnh là lập tức phùng mang nhào tới, miệng há ra dọa nạt sẵn sàng đớp đối phương. Cho cá lia thia “giỡn bóng” là một cách luyện cá lia thia thành dũng sĩ, không sợ đối thủ khi cáp độ, tập cho con cá lia thia bản tính gan lỳ thà đá chết bỏ chứ không hề chạy mặt đối phương, hay “sọc dưa” giữa chừng rồi bỏ chạy.
Mỗi ngày đều được cho “giỡn bóng” chú cá lia thia trống thêm “sung” độ, màu sắc nổi rõ lên, vẩy lấp lánh như sao, đẹp mắt, kỳ vi đong đưa, uốn lượn, đuôi quạt nước gợn sóng thì đúng là dáng“cá tốt”. Kế tới là chọn mang, chú cá nào mang xanh, mang son, thì “chiến đấu”, còn mang thiếc hay mang lọ thì… chê. Vẩy chú cá phải nổi đều, màu sắc đậm, càng có nhiều sao óng ánh thì lỳ đòn, vẩy mờ hạt, sọc dưa thì vứt đi. Chú cá nào kỳ điểm, tức có một vết đỏ ở kỳ trên khi xếp lại hoặc vươn ra đích thị là một “ dũng sĩ”. Gặp chú cá trống nào kỳ điểm, mang son, vẩy xanh óng ánh lấp lánh như sao trời thì 10 trận thắng cả 10.
Khi đã chọn được một chú cá ưng ý thì chuẩn bị một cái chai thủy tinh cắt miệng cho rộng, hoặc cái keo thủy tinh có bán sẵn ngoài chợ. Nước nuôi cá tốt nhất là nước mưa đựng trong lu, cá lia thia ăn lăng quăng, rong trứng mọc sẵn dưới ruộng nước nơi cá sinh sống, muốn tẩm bổ cho cá thỉnh thoảng cho ăn thêm lòng đỏ trứng gà luộc chín, sấy hoặc phơi nắng thật khô xay nhuyễn, mỗi lần chỉ cho ăn một tí để tránh cho nước khỏi dơ. Khi thấy nước dơ phải lập tức thay nước mới ngay, nếu không cá sẽ chết. Và để giữ cho cá không hoảng sợ, bền vững phong độ thì tuyệt đối tránh thay keo, chai nuôi, vì đúng như ông bà đã dạy “lia thia quen chậu”.
Thú vớt cá lia thia của trẻ con thôn quê bây giờ cũng đã mai một dần, đất ruộng hầu hết đã lên vườn, lập ao nuôi tôm công nghiệp. Nếu nơi nào còn ruộng lúa, do đất phun xịt nhiều thuốc trừ sâu, bón phân hóa học nên cá lia thia cũng không sống nổi. Do đó thú vui vớt cá lia thia bây giờ cũng chỉ còn trong ký ức tuổi thơ.
TỪ KẾ TƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét