CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

NHẤT THỐNG SƠN HÀ ĐẠI CÁO - NGUYỄN PHÚC VĨNH BA







NHẤT THỐNG SƠN HÀ ĐẠI CÁO 

Tiểu dẫn: Trộm nghĩ Đại Nam Thực lục ghi chép công đức của Thế Tổ Cao hoàng đế là quá đầy đủ. Tuy nhiên, có được một áng văn chương để tóm lược khá sinh động và sâu sắc công nghiệp muôn đời của Đức Cao Hoàng, đó cũng là việc nên làm, trước để tỏ lòng biết ơn tiên tổ, sau để lưu lại cho các thế hệ sau tiện đọc. Đó là lý do mà kẻ hậu học vốn là miêu duệ của Ngài viết bài cáo này.

Trẫm thường nghe:

Thừa Thiên Mệnh tất làm vua;
Cứu Lương Dân thời được nước.
Gẫm mới hay, đạo lý ấy trăm năm phù kẻ nghĩa nhân;
Suy thì thấy, hoá công kia muôn kiếp hộ người đảm lược.
Nay mừng ngôi cửu tộ vững vàng;
Vẫn nhớ thuở tẩu bôn xuôi ngược.
Giòng huyết thống đã đành dạ hiếu, xông pha chốn mũi tên hòn đạn, nào tiếc máu xương;
Phận truy tuỳ cam giữ chữ trung, lăn lộn nơi suối độc rừng thiêng, cũng liều sức vóc.
Lệnh thông tri bách tính, dẫu người còn kẻ mất, cho dân binh thấy rõ công huân;
Ban đại cáo nhất văn, khắp âm dưới dương trên, để tông tộc chung chia hoạ phúc

Nhớ năm xưa,

Tránh quyền thần, Tiên Chúa1 vào Thuận Hoá, mở trời Nam xây dựng sơn hà;
Thêm thổ địa, Sãi Vương2 lấy Mô Xoài, bỏ phương Bắc khước từ phong sắc2.
Võ thì có Hữu Tiến, Hữu Dật,… công lao đời mãi sáng thanh bi;
Văn thì là Phúc Kiều, Duy Từ,… tên tuổi sử còn lưu thực lục.
Khai khẩn đồng hoang núi thẳm, mồ hôi nước mắt kể biết mấy sông;
Giao phong pháo nổ luỹ tan, xương cốt máu me đổ tràn từng cuộc.
Hơn bốn mươi năm Bắc Nam nội chiến, kìa Bố Chánh còn lưu vết đạn, kỳ được thua nghĩ bấy đau thương;
Qua sáu, bảy đợt Trịnh Nguyễn phân tranh, nọ Luỹ Thầy vẫn rõ dấu gươm, trường thắng bại thấy thừa tức bực.
Đến Hiền Vương3 can qua tạm dứt, Trịnh Tạc đành thu quân cam hận, dòng Linh Giang chia lãnh phận trong ngoài;
Tiếp Quốc Chúa4 cương giới rộng thêm, Mạc Cửu đà qui thuận xưng thần, đất Hà Tiên thành địa đầu gấm vóc.
Biên Hoà, Gia Định lưu dân vào lập nghiệp, rộn ràng chợ búa sát san;
Châu Đốc, Tân Châu nông binh đến khẩn hoang, nhộn nhịp xóm làng đông đúc.
Công nghiệp bao đời đã tỏ, ân uy văn võ chỉnh tề;
Xa thư một cõi thành riêng, ấm trạch quan dân sung túc.
Đúc Nguyễn ấn5 lưu tôn truyền tử, sáng lạn triều nghi;
Xưng Võ vương6 định phận chính danh, rỡ ràng uy lực.
Những tưởng dân an quốc thái, như lời sấm Trạng, vạn đại dung thân7;
Nào hay ấu chúa lộng thần, tựa tích sử Nam,8 nhất thời vong quốc.

Nghĩ mà giận,

Trương Phúc Loan gian tham, loạn quyền ép chúa, gây nhiễu nhương trăm họ tai nàn;
Hoàng Ngũ Phúc điêu toa, thừa thế vượt sông, chiếm dinh phủ một triều tan tác.
Định vương Thuần bôn đào Gia Định, chiêu binh hầu khôi phục giang sơn;
Hoàng tôn Dương cố thủ Quảng Nam, thất thế trúng âm mưu khấu tặc.
Đất phương Nam lại anh hùng tụ nghĩa, kìa kìa đoàn lữ Tứ Nhân;9
Cõi miền Trung thêm thảo đảng tung hoành, nọ nọ đệ huynh Biện Nhạc.
Lữ cùng Huệ thực đà quá dữ, thuỷ bộ hãm vây Gia Định, chưa mấy hồi thành lỡ binh tan;
Vương với Tôn10 ơi bấy thảm thương, quân tướng rút tận Long Xuyên, chẳng bao chốc thân lìa hồn lạc.

Nghĩ mà xem,

Cơ nghiệp bao đời để lại, lẽ nào không dạ giữ gìn;
Công huân các chúa còn đây, đâu dễ đành tâm bỏ mặc.
Từ Thổ Chu trở về báo hận, cường địch nào ngăn được thế Hiếu Quân11;
Đến Gia Định thu lại địa bàn, chư tướng quyết vinh phong người Nhiếp Quốc.12
Đã mấy phen thần tiên phù hộ, xưa đỡ dạ bòn bon đất Quảng,13 nay nước ngọt biển cả dâng vua14;
Thêm bao lượt linh vật cứu nguy, lúc nâng trâu cá sấu sông Vàm,15 khi kỳ đà đầu thuyền cản bước.16
Thế chẳng phải Trời cao chọn kẻ chăn dân;
Nên mới cho Đất hiểm rèn người trừ giặc.
Gian lao không xiết kể, rừng hoang đảo vắng hang sâu;
Đói khổ có thiếu gì, cơm hẩm bần chua mắm ruốc.
Ngẫm thời bỉ vận, thoạt Côn Lôn rồi Gia Định, các ngươi bụng hẳn chưa quên;
Nhớ thuở sa cơ, nay Phú Quốc mai Xiêm La, riêng Trẫm lòng còn xót buốt.
Gan thay giặc Huệ năm lần17 tiến đánh, binh hùm tướng cọp, hoá ra hữu lực vô công;
Giỏi thật binh Nam ba đợt18 trả đòn, gươm ngắn giáo dài, nào kém trí mưu thao lược.
Bọn Nguyễn Lữ cong giò tuôn chạy, cơn khiếp run suy sụp lòng binh;
Chúa Bắc Bình nhắm mắt lìa đời, nỗi sợ hãi còn lưu câu trối.19
Thế Quang Toản càng ngày càng núng, quan tướng vương thần tranh quyền đoạt vị,20 chẳng nề bách tính nguy an;
Triều Tây Sơn mỗi phút mỗi tàn, bá tôn huynh đệ xáo thịt nồi da,21 chi kể tình thâm cốt nhục.
Lũ Nhạc Bảo thành Quy Nhơn thọ tử,21 ngai Trung Ương giềng đứt mối tiêu;
Bọn Diệu Dũng đồng An Cựu tranh hùng,20 phe Cảnh Thịnh tơ vò gút thắt.
Dân khát thái bình như con khát sữa, khản đặc tiếng kêu;
Nước trông minh chủ tựa hạn trông mưa, đỏ ong con mắt.

Thế nên,

Đại nghiệp công thành;
Giang sơn thống nhất.
Kẻ quy hàng kìa Đốc Sở, Văn Tham, kìa Văn Trương, Lê Chất,… treo tấm gương sáng loà ngọn đuốc, nên phò chân chúa, minh vương;
Người trung nghĩa nào Phước Mân, Văn Tiếp, nào Võ Tánh, Tùng Châu,… xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, đâu sợ hoả thần, độc dược.22
Dưới trướng Trẫm, danh thần mưu sĩ nào nhớ hết tên;
Theo cờ Nam, hào kiệt anh tài sao kê đủ mặt.
Cờ nhân nghĩa23 rợp trời nam bắc, binh ta mỗi lúc mỗi đông;
Quân điếu phạt24 vang rộn đông tây, thế địch càng ngày càng ngặt
Trận Cửa Eo, Quang Toản tan binh bại tẩu, vua tôi một lũ tả tơi;
Thành Nghệ An, Diệu Xuân25 thúc giáp phúc tâm,26 quan tướng mấy thằng xơ xác.
Thừa thế lũ tràn thác đổ, binh triều đánh đâu thắng đó, tiến chiếm Thanh Hoá, Sơn Nam;
Kinh hồn cung rớt đao rơi, giặc nguỵ chui nọ lủi kia, chạy dồn Hải Dương, Kinh Bắc.
Vượt Nhị Hà mắt hoa óc bủn, tham sống sợ chết, bọn Cảnh Thịnh buông giáo qui hàng;
Đến Phượng Nhãn gối mỏi chân run, kiệt sức cùng đường, bầy Thuỳ Tú27 trở gươm tự sát.
Năm Tân Dậu an dân Thuận Hoá, binh như thần nương ngọn gió trời;23
Đến Nhâm Tuất thu phục Thăng Long, giặc tựa chuột sắp tràn mặt đất.

Mừng thay,

Can qua đã tận, càn khôn hạo khí đầy trời;
Loạn lạc qua rồi, nhật nguyệt quang minh toả sắc.
Bù cay đắng hai mươi lăm năm chinh chiến, nằm gai nếm mật, dựng nên cơ nghiệp ngàn thu.
Thoả khát khao chín đời tiên chúa ước mơ, ngày nấu đêm nung, dựng riêng thái bình một nước.
Tiệc khao công thoả lòng tướng sĩ, chuyện đời báo đáp, nêu gương lành cho trăm cõi nhuần ân;
Lễ hiến phù28 tỏ rạng vương uy, sự thế trả vay, nghiêm phép nướcđể muôn nhà khiếp phục.
Này Nam Vang nọ Vạn Tượng, vui mấy bên hoà hiếu lân bang;
Từ Cà Mau đến Nam Quan, đẹp một dãi cẩm hoa xã tắc.
Cơ thạnh trị mất rồi lại có, nay chốn chốn vầy đời hoan lạc, chư khanh hãy phấn chí kiên tâm;
Nền thái bình khổ hết sang vui, để nơi nơi vang tiếng âu ca, các ngươi ráng tận trung nỗ lực.
Cầu tổ tông mãi che chở dài lâu;
Mong bách tính luôn giữ gìn vững chắc.
Nay đại cáo tứ phương
Hãy thanh tâm nhất độc.29

Khâm thử.

NGUYỄN PHÚC VĨNH BA cung soạn.


(Dựa theo Đại Nam thực lục của Nguyễn triều Quốc Sử quán và Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim) - Mùa Xuân Tân Mão (2011)



Chú thích:

1. Tiên Chúa: Thái Tổ Hoàng Đế huý Nguyễn Hoàng, vị chúa Nguyễn thứ 1. Ngài đã tránh mưu hại của Trịnh Kiểm bằng cách xin vào trấn thủ Thuận Hoá.
2.  Sãi Vương: Hy Tông Hoàng Đế huý Nguyễn Phúc Nguyên, vị chúa Nguyễn thứ 2. Ngài đã lập dinh điền ở Mô Xoài gần Bà Rịa và dùng kế của Đào Duy Từ trả lại sắc phong của vua Lê.
3. Hiền Vương: Thái Tông Hoàng Đế huý Nguyễn Phúc Tần, vị chúa Nguyễn thứ 4. Năm Nhâm Tý (1762) đã đẩy lui được trận chiến cuối cùng trong 07 lần giao tranh với họ Trịnh, kết thúc cuộc Nam Bắc phân tranh.
4. Quốc Chúa: Minh Vương huý Nguyễn Phúc Chu, vị chúa Nguyễn thứ 6.
5. Minh Vương cho đúc ấn “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo” làm ấn truyền quốc, được dùng cho đến đời Thế Tổ Gia Long.
6. Năm Giáp Tý (1744) vị chúa Nguyễn thứ 8 Nguyễn Phúc Khoát xưng Võ Vương, cho đúc Quốc Tỷ và dựng tông miếu.
7.  Theo Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì Tiên Chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá lập sơn hà thì sẽ “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.
8.  Lê Hoàn cướp ngôi của Đinh Vệ Vương (6 tuổi), Lý Công Uẩn giành ngôi của con Lê Long Đỉnh (còn nhỏ), Thái sư Trần Thủ Độ cướp ngôi của Lý Chiêu Hoàng (8 tuổi), Hồ Quý Ly cướp ngôi của Trần Thiếu Đế (3 tuổi),…
9.  Tứ Nhân tức Mạc Thiên Tứ và Đỗ Thành Nhân.
10.Vương với Tôn tức Định Vương Nguyễn Phúc Thuần, vị chúa Nguyễn thứ 9 và Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương bị giặc bắt giết tại Long Xuyên.
11. Đoàn quân mặc áo tang do Thế Tổ Nguyễn Phúc Ánh tái chiếm Gia Định, trả thù cho Định Vương và Hoàng tôn Dương.
12. Cuối năm Đinh Dậu (1777) sau khi chiếm lại Gia Định, chư tướng tôn Đức Thế Tổ lên làm Đại nguyên suý, Nhiếp quốc chính. Lúc này Ngài mới 17 tuổi.
13. Khi lưu lạc ở Quảng Nam, vua Gia Long đã ăn trái bòn bon chống đói. Ngày nay trái bòn bon vẫn còn vết lõm, tương truyền là dấu móng tay của Ngài.
14. Khi bị quân Tây Sơn truy đuổi. lênh đênh trên biển nhiều ngày, hết cả nước ngọt. Nhàvua mới khấn trời, chợt thấy dưới bể có dòng nước ngọt, múc uống mới khỏi chết khát.
15. Năm 1783 Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, Ngài phải cỡi trâu qua sông Vàm Cỏ (Lật Giang). Nước chảy xiết, cuốn trâu đi. May thay một con cá sấu lớn nổi lên, nâng con trâu đưa Ngài sang sông.
16. Khi Nguyễn Phúc Ánh định đem quân thuỷ ra biển thì một con kỳ đà cản trước mũi thuyền. Nhờ thế nên ông mới thoát khỏi bẫy giăng của thuỷ quân Tây Sơn ngoài khơi.
17. Nguyễn Huệ đã 05 lần đánh Gia Định để diệt quân của Nguyễn Vương Ánh.
18. Nguyễn Phúc Ánh đã 03 lần đánh Quy Nhơn để trả đòn.
19. Trước khi mất, Nguyễn Huệ trăn trối rằng “Bọn ngươi nên cùng nhau giúp Thái tử sớm thiên đến Vĩnh đô (Nghệ An) để khống chế thiên hạ. Không thế thì quân Gia Định lại, bọn ngươi không có đất mà chôn đấy.”
20. Võ Văn Dũng giết Bùi Đắc Tuyên, Trần Quang Diệu đánh Võ Văn Dũng, Quang Toản giết Lê Trung, Nguyễn Văn Huấn…
21. Quang Toản bức tử bác mình là Nguyễn Nhạc, và về sau giết anh họ Nguyễn Quang Bảo, con Nguyễn Nhạc.
22. Ngô Tùng Châu uống thuốc độc, Võ Tánh tự thiêu tại Quy Nhơn để tử thủ giữ chân quân chủ lực của Tây Sơn, hòng giúp Nguyễn Phúc Ánh thừa cơ chiếm Phú Xuân.
23. Dân chúng chán ngán triều Quang Toản hủ bại, mong mỏi Nguyễn Vương Ánh trừ bạo nên có câu hát “Lạy Trời cho cả gió nồm/ Để cho chúa Nguyễn giong buồm thẳng ra”
24. Quân điếu phạt: Thương xót mà ra quân trị bọn có tội, dẹp giặc cứu lương dân.
25. Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân.
26.Thúc giáp phúc tâm: Bó áo giáp, đổi lòng hàng địch.
27. Nguyễn Quang Thuỳ và Đô đốc Tú.
28. Vua Gia Long hành hình Quang Toản và anh em của Toản cùng các bầy tôi Tây Sơn như Bùi Thị Xuân. Ông còn quật mộ Thái Đức, Quang Trung để trả thù việc Nguyễn Huệ trước đó quật mộ các Chúa Nguyễn qua câu nói “Trẫm vì chín đời mà trả thù là nghĩa lớn kinh Xuân Thu”
29. Thanh tâm nhất độc: Lắng lòng mà đọc một lần.




NGUỒN : TRÍCH TÂM THÀNH LỄ BẠC CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN PHÚC VĨNH BA.


TA XA HÀ NỘI -THƠ NGUYỄN KHÔI

            





  TA XA HÀ NỘI


(Tặng : Nguyễn Như Phong- Petrotimes)
                    -------

Ngày nghỉ lễ
Thôi, ta xa Hà Nội
về Nhà Quê nghỉ dưỡng thỏa tâm hồn
Xa để "thoát" lấn chen, xô đẩy
tìm nơi "buồn" yên tĩnh, dịụ dàng hơn...
Ôi Hà Nội,
Đi xa cho bớt "sợ" :
-Đường cây xanh bị "đốn" nắng vỡ đầu
-Xe ùn tắc, kinh bọn len cướp giật
"Người Tràng An thanh lịch" ở đâu đâu ?
Ôi Hà Nội,
Phố phường xây chắp vá ,
cầu Long Biên để "rỉ" đến bao giờ ?
Đường gốm sứ bụi bám hoen mưa nắng
Gái quần đùi đến bẹn phóng xe đua...
Ôi Hà Nội,
Còn mấy Nàng thỏ thẻ ?
- mở miệng  ra là "đ. mẹ" chửi thề
Dân tứ xứ vào Kiếm Tiền, chụp giựt...
Còn góc nào thanh thản
uống Cafe' ? !
Ôi Hà Nội,
có điều gì không ổn ?
như trên mây
trên gió "cấp điều hành " ?
Mong, sớm có một Tràng An thanh lịch
để ta về
soi bóng xuống Hồ Gươm.
            -----
Viết tại Gia Lộc- Hải Dương 28-4-2015
        NGUYỄN KHÔI
       (Nhà văn Hà Nội)

Nguồn : từ email của nhà thơ Nguyễn Khôi gửi lamngoc
NM cảm ơn anh Nguyễn khôi thường xuyên chia xẻ những bài hay


Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

SÓC TRĂNG- BÁNH PÍA




Bánh pía chay nhân dứa


SÓC TRĂNG và TRÀ VINH là hai địa phương có người KHMER sinh sống nhiều nhứt nên qui tụ rất nhiều chùa của người Khmer. Hôm chúng tôi đi Châu Đốc trên đường đi cũng thấy vài chùa Miên ,nhưng vì xe không ngừng để vào tham quan được , thế là các chị em rủ nhau đi Sóc Trăng để tham quan những cảnh chùa  Miên nổi tiếng ở  đó .Khởi hành từ SaiGon 4 giờ sáng  tôi và một người chị theo lộ trình về Bến Tre đón thêm  3 người nữa , sau đó theo đường Chợ Lách qua Vĩnh Long đón thêm một chị nữa và thẳng đường  qua Cần Thơ xuống Sóc Trăng.
Chúng tôi đi thăm các ngôi chùa nổi tiếng như Chùa Dơi, Chùa Đất Sét, Chùa Khleang, Chùa Chén Kiểu... Trên đường đi còn ghé một ngôi chùa rất lớn chùa có tên tiếng Miên là  Chroi Tum Chas , gồm hai cổng có hình tháp  chạm trổ rất đẹp và một vòng tường mới xây có khắc hình các vũ nữ apsara  .Khung viên chùa rất rộng , có trường học , tưỡng Phật nằm ...nhưng chùa lại rất vằng vẻ.


















Nhìn chung thì các Chùa Miên tuy là có thờ Phật nhưng không cúng tụng  đọc kinh vào ngày 14, rằm như chùa Việt và cũng không có các sư sải sinh hoạt. Chùa như là một cơ sở tôn giáo, còn là cơ sở văn hóa của cộng đồng dân tộc nơi truyền bá  giáo lý , giáo dục và các sinh hoạt truyền thống ,lễ hội khác của đồng bào gốc Khmer ...

Chùa Dơi có ban nhạc  chơi các nhạc cụ truyền thống của Khmer .Trước cổng chùa Chén Kiểu thì họp chợ buôn bán các loại nông sản trồng ở địa phương...và các chùa lớn đều có trường học dạy chữ.
Đến một địa phương ,ngoài việc tham quan di tích thắng cảnh , tìm hiểu sinh hoạt thì còn là dịp để thưởng thức các loại thức ăn đặc sản...
Sóc Trăng nổi tiếng với món bún nước lèo hương vị tương tự như bún mắm nhưng nước lèo ngọt và nêm ít mắm , đặc biệt Sóc Trăng có các cơ sở làm bánh Pía và lạp xưỡng rất lớn và nổi tiếng.
Bánh pía  , còn gọi là bánh lột da là một trong những đặc sản của Sóc Trăng, do người Hoa di cư vào miền Nam sáng tạo ra. Bánh pía được làm bằng bột mì, sầu riêng, lòng đỏ trứng.
Vì lý do thương mại, người sản xuất thường dùng phẩm đỏ in tên hoặc nhãn hiệu của nơi làm bánh trực tiếp lên mặt bánh. Ngoài ra, thành phần nhân bánh, nguồn gốc xuất xứ cũng thường được in trực tiếp lên bánh.
Bánh pía thực chất có nguồn gốc từ bánh trung thu kiểu Tô Châu (loại bột bánh có nhiều lớp mỏng và nhân bánh có trộn mỡ). Bánh do một số người Minh Hương di cư sang Việt Nam từ thế kỷ 17 mang theo. Trước đây, việc làm bánh pía hoàn toàn mang tính thủ công và phục vụ cho nhu cầu của từng gia đình.Bánh pía ngày trước cũng khá đơn giản, vỏ ngoài làm bằng bột mì có nhiều lớp da mỏng bao lấy phần nhân, lớp da ngoài dày thường để in chữ, nhân làm bằng đậu xanh và mỡ heo chứ không có lòng đỏ trứng muối và các loại thành phần khác như hiện nay. Do thị hiếu của người tiêu dùng mà các lò bánh mới thêm các thành phần hương liệu khác như sầu riêng, khoai môn, lòng đỏ trứng muối.
Hiện nay,  với nhu cầu tiêu thụ nhiều và với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, Bánh Pía có thêm nhiều loại hình mới như Bánh Pía Môn, Bánh Pía Thịt Lạp,... Bánh được đóng gói và bảo quản kỹ hơn nên dùng được lâu hơn, và điều đặc biệt và hộp đựng bánh được phân ra thành từng cái chứ không đựng chung 4 cái 1 hộp như trước đây nữa nên rất vệ sinh , giúp thực khách có thể lấy ra từng chiếc bánh trong bao bì riêng biệt, sử dụng dễ dàng hơn.

Chúng tôi ghé một cơ sở làm bánh pía rất qui mộ và cũng là nơi có rất nhiều xe du lịch các nơi đến mua bánh .Cơ ngơi rộng rải , sạch sẻ đủ các loại bánh ngon , bao bì đẹp nhưng giá bánh sản xuất tại lò  so ra đắc hơn các loại bánh cũng là đặc sản Sóc Trăng của các thương hiệu khác bán ở Saigon.
Sau một ngày vượt đường xa đến Sóc Trăng (tôi vẫn thích chương trình phát thanh tiếng Miên với các điệu nhạc Miên của đài phát thanh Ba Xuyên trước năm 75 nay mới có dịp đến nơi này) khi chúng tôi  trở lại địa phận Chợ Lách. Buổi tối hôm đó là ngày 14 tháng giêng, các ngôi chùa Việt cờ xí giăng đầy , bổn đạo và khách đang tụ họp để mừng lễ nguyên tiêu , xe phải vất vả tránh đám đông khác hẳn với cảnh vắng vẻ ở các ngôi chùa Miên ...












Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

VĂN TẾ NẠN NHÂN VỤ SẬP CẦU CẦN THƠ ( ngày 26.9.2007) - NGUYỄN PHÚC VĨNH BA




Cầu Cần Thơ ở Quận Cái Răng, Cần Thơ | Foody.vn



VĂN TẾ  NẠN NHÂN VỤ SẬP  CẦU CẦN THƠ ( ngày 26.9.2007)

Nguyễn Phúc Vĩnh Ba
(Nhân ngày tiểu tường các nạn nhân trên)



                                  




Mắng nghe,


Thời hiện đại xây cầu mở cảng, nối Đông Tây làm một cõi quê chung;

Buổi văn minh đắp đập ngăn dòng, biến Nam Bắc thành dăm vùng phố rộng.

Ấu cũng chỉ chuyện thường;

Cớ can chi mạng sống.

Ai hay!


Bao ước mơ dồn đã thâm trầm;
Một tai hoạ hoá ra bi thống!
Cầu Cần Thơ oai hùng vươn bóng dáng, tưởng năm châu nổi tiếng, chưa thành hình bỗng chốc sập vài;
Dân Lục Tỉnh khoắc khoải nén trông chờ, mơ một thuở thoả lòng, thấy dang dở mà đành thất bóng.
Sông Cửu Long triều dậy, tim xót xa, công của hoá ra tro;
Bến Ninh Kiều sóng im, dạ chua chát, vật người chìm dưới móng.


Dẫu biết rằng,


Kỹ sư Nhật Bản, nào mấy ai dám tiếng chê bai;
Công nghệ Phù Tang, chắc lắm kẻ đầy niềm kỳ vọng.
Công trình thiết kế, bao chuyên gia ngày đen đêm trắng, suy lại nghĩ đi;
Kế hoạch duyệt phê, nhiều quan chức tháng ngắn tuần dài, trở lên trăn xuống.
Trăm thứ máy, máy tính, máy đo, máy dò, máy thử, lo chi mà không đủ khả năng;
Vạn nguồn tiền, tiền dân, tiền nước, tiền mượn, tiền vay, e gì nữa có dư chủ động.
Việc việc bàn xong;
Người người đứng ngóng.
Đám dân cày được phen ngồi cẩu, bỏ vườn, bỏ ruộng, tay búa bay, vui kiếp công nhân;
Bọn phu phen có dịp leo giàn, ném gióng, ném đòn, mắt nheo ngắm, trổ tài xây dựng.
Theo tiến độ, cầu phăng phăng tới, vẫy gọi bờ ngang;
Đúng qui trình, thợ vội vội xây, đóng thêm cọc đứng.
Những ngỡ là cường quốc vinh dân;
Đâu tưởng được thiệt thân tổn mạng.
Bao can khuyên viết xuống, bên thi công, bên quản đốc sao chẳng chút quan tâm;
Mấy khuyến cáo gởi lên, ban tư vấn, ban điều nghiên đã có lời báo động.

Nay việc xảy ra rồi
Dẫu lòng đau ích phỏng!


Se sắt nhớ như in.


Sắt thép bỗng ầm ầm đổ xuống, y sao mưa sấm nổ trời cao;
Dầm xà sao rắc rắc gãy đôi, giống hệt sợi thừng thiêu lửa nóng.
Gạch bay đá chạy, bê-tông rơi như núi sập đồi tan;
Thầy rớt trò rơi, ê-kíp loạn tựa bê tuôn nghé sổng.
Kẻ chạy kịp, đầu u trán xước, tay máu đầm đìa;
Người đi lâu, hồn lạc phách xiêu, cẳng xương lủng lẳng.
Tiếng rên cứu ai mô thảm thiết, dưới sàn, dưới đá, nhìn quanh sao mù mịt bốn bề;
Lời trối trăn đâu rõ nghẹn ngào, trong nước, trong bùn, nghe cố cũng hù hờ tám hướng.
Xe cứu thương, xe lội nước hun đuôi nhau, kéo tới chốn hiện trường;
Dân thông tấn, dân phóng viên xốc áo lại, tìm về nơi oan chướng.
Đài báo đưa tin từng phút, tim dập dồn, tai ngơ ngác, dân ngó như gà phỏng nước sôi;
Băng phim truyền ảnh mỗi giờ, mắt hoa loá, óc rối ren, chủ trông tợ kiến bò chảo nóng.
Suốt mấy tuần truy tìm ráo riết, lính bộ thợ hầm đào sục sục, hi vọng đen đen tựa đêm đen;
Bao chục người nằm chết tanh tao, con thơ vợ dại khóc hù hù, khăn tang trắng trắng như tay trắng.







Ôi thôi!


Lợi mấy thở than!
Hay gì cẳn rẳn!

Âu số phận đến hồi đen đủi, ngày tứ ly xui có tai bay;
Hay khúc đời gặp dịp tan tành, giờ hoàng đạo lại không ngõ sống.
Sống mà nghèo quá khổ, sớm lo tối lắng, vậy là thôi cơm áo dày vò;
Chết như thế cũng xong, tháng nợ năm nần, kể như thoát bạc tiền trói tróng.
Trăm vạn việc xót thay người ở lại: quả phụ cô nhi;
Một hai nguyền chúc cho kẻ ra đi: lai sinh tân mộng.
Thế giới há trăm cõi đều Cực Lạc, đành bạn đây mả hẹp mồ con;
Trần gian hề một giấc tựa Nam Kha, mặc ai đó lầu cao cửa rộng.
Thôi đừng xét dài dòng lỗi phải, luật quả nhân báo ứng sẽ rành;
Hãy chăm cầu thanh thản tâm thân, lòng hỉ xả từ bi mới trọng.
Hoàng thiên hữu nhãn, người thiện lương ắt quả phúc vợi vời;
Thiện ác đáo đầu, lũ lường láo thì lưới trời lồng lộng.


Nay,


Bát nhang chén nước, rưới dâng người bị nạn, cấp cấp vãng sanh;
Mảnh giấy câu văn, viết điếu bạn dân nghèo, trùng trùng hảo vọng.

Hỡi ơi,


Hồn có hiển linh

Xin về thượng hưởng!


Tháng 9/2008
VĨNH BA
 (Trích Tâm Thành Lễ Bạc)



Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

NHỮNG HÀNG ME SAIGÒN -THƠ NGUYỄN AN BÌNH , NHẠC VŨ THẾ DŨNG










NHỮNG HÀNG ME SAIGON
THƠ: NGUYỄN AN BÌNH
NHẠC & HÒA ÂM : VŨ THẾ DŨNG
TIẾNG HÁT: THU HƯƠNG

Nhà thơ Nguyễn An Bình  , tác giả của những bài thơ tình  nhẹ nhàng , truyền cảm đã đem lại  cảm hứng cho các nhạc sĩ viết thành nhiều ca khúc hay Nhạc phổ từ thơ của anh rất nhiều (khoảng 50 bài)  Xin giới thiệu một ca khúc phổ từ thơ của anh và cảm ơn anh đã chia xẻ ca khúc này với blog của NM Chúc anh có thêm nhiều sáng tác thơ nhạc hay

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

SÓC TRĂNG- CHÙA CHÉN KIỂU






Chùa Sà Lôn (tiếng Khmer: Wath Sr
o Loun, hay Wath Chro Luông, tục gọi là chùa Chén Kiểu) là một ngôi chùa cổ thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, tọa lạc bên Quốc lộ 1A, cách Trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 12 km về hướng Bạc Liêu; nay thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam. Ngày 20 tháng 11 năm 2012, ngôi chùa đã được xếp hạng là di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh.[1]


Chùa có tên Khmer là "Wath Sro Loun", để dễ phát âm, từ "Sro Loun" được đọc chại thành "Sà Lôn". "Sro Loun" lại có nguồn gốc từ chữ "Chro Luong", là tên của một con rạch chạy dọc theo đường làng trước đây ở gần chùa, và tên gọi ấy đồng thời cũng được dùng để đặt tên chùa. Sở dĩ chùa Sà Lôn còn được gọi là "chùa Chén Kiểu" là do dùng những mảnh chén, đĩa sứ ốp lên tường để trang trí.






















Tương truyền, chùa Sà Lôn được dựng bằng cây lá từ năm 1815, và được trùng tu nhiều lần. Trong chiến tranh, chùa bị bom đạn đánh sập ngôi chánh điện. Năm 1969, sư cả Tăng Đuch (trụ trì đời thứ 9) quyết định dựng lại ngôi chùa gồm: Chánh điện, sala, nhà Tăng, nhà để sách kinh, khu tháp, v.v... bằng vật liệu kiên cố. Đến năm 1980, việc xây dựng cơ bản hoàn thành. Nhưng do thiếu kinh phí, nên nhà chùa có sáng kiến dùng chén dĩa kiểu để trang trí phần sau ngôi chánh điện. Tên chùa Chén Kiểu bắt nguồn từ đó[2].


Chùa tọa lạc trong một khuôn viên rất rộng với nhiều cây xanh. Hai bên cổng ngự hai con sư tử bằng đá trên bệ cao, hướng ra lộ. Trên cổng xây ba ngôi tháp, được trang trí theo kiến trúc truyền thống của đồng bào Khmer ở Nam Bộ. Tháp chính nằm ở giữa, màu vàng, bên trong có lồng kính, tôn trí một pho tượng Phật ngồi uy nghi. Trên thành cổng là tên chùa bằng chữ Khmer và chữ Việt (chùa Sà Lôn).

Ngôi chính điện là một tòa nhà kiên cố và rộng lớn. Nền lát gạch bông, và phần lớn các mảng tường ở đây cũng đều được ốp gạch men (đủ màu, và lớn nhỏ khác nhau) thời hiện đại.

Cũng giống như những ngôi chùa Khmer khác, mái chánh điện chùa chùa Sà Lôn được xây dựng theo dạng tam cấp, tức có 3 nếp, nếp dưới cùng lớn nhất và nhỏ dần ở bên trên. Nếp trên cùng có hình tam giác, hai đầu đao mỗi bên cong lên, và nơi trung tâm có đỉnh nhọn cao vút. Mái được trang trí nhiều họa tiết với màu sắc rất đẹp mắt. Mặt sau chính điện là một mảng tường đắp nổi bởi nhiều mảnh chén kiểu vỡ rất sắc sảo.

Phía trong chánh điện có đặt một bàn thờ, và chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca. Có khoảng 20 tượng phật ở đây; lớn, nhỏ đứng ngồi nhiều tư thế khác nhau, và các gương mặt đều nhìn về hướng Đông để ban phúc [3].

Về kiến trúc, ở đây có 16 hàng cột to chống đỡ mái, và đều được dán bằng gạch men. Trên trần có trang trí họa tiết nhiều màu sặc sỡ, và hai bên bức tường có nhiều tranh vẽ kể về cuộc đời của Phật Thích Ca.











Giữa sân chùa Sà Lôn là một cột cờ với hình tượng rắn thần Nagar xòe 5 đầu, nhắc đến điển tích rắn xòe đầu ra để che mưa cho Phật Thích Ca khi người tọa thiền. Bao quanh khu cột cờ này, là các dãy nhà nhằm phục vụ cho việc tu học của các sư sãi.

Phía sau chùa là Khu vườn Phật Thích Ca. Đây là quần thể kiến trúc gồm nhiều tượng Phật lớn nhỏ, mô phỏng khá sinh động quá trình ra đời, đi tìm chân lý, giác ngộ cho đến khi nhập cõi Niết-bàn của đức Phật ấy.


Và cũng tương tự như những ngôi chùa Khmer khác, tượng các tiên nữ, Krud (hay Garuda), sư tử thần,… cũng được dùng để trang trí tại chùa Sà Lôn.

Hiện nay ngoài số tín đồ Phật tử là người Khmer, chùa Sà Lôn còn thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến hành hương hay vãn cảnh.


Một phần đồ gỗ của "Công tử Bạc Liêu" đang được gìn giữ tại chùa
Trong chùa hiện còn lưu giữ một số đồ gỗ được nhà chùa mua lại trong phần gia sản của "Công tử Bạc Liêu" (Trần Trinh Huy) năm 1947, với giá khá cao. Đó là chiếc tủ cẩn xà cừ, bộ trường kỷ cùng 2 chiếc giường ngủ mùa đông và mùa hè. Tất cả đều được chạm, khảm rất tinh tế...[4]. Ngoài ra, trong chùa hiện cũng đang lưu giữ một bộ điêu khắc gỗ tinh xảo.

(TÀI LIỆU TỪ WIKIPEDIA)

ẢNH CỦA NM SL










VĂN TẾ NGHĨA SĨ HOÀNG SA - NGUYỄN PHÚC VĨNH BA

 



   VĂN TẾ NGHĨA SĨ HOÀNG SA

 

Hỡi ơi!

Nhẹ tựa lông hồng,

Nặng tày non Thái.

Những cái chết đã đi vào quốc sử, con cháu nghe mà xót dạ bàng hoàng,

Bao con người vì gánh vác giang sơn, cây cỏ thấy cũng chạnh lòng tê tái.

Anh linh kia hoài phảng phất thiên phương,

Chính khí đó sẽ trường tồn vạn tải.

Mới hay,

Giòng giống Việt luôn còn nòi nghĩa dũng, thịt tan xương nát sá chi,

Trời đất Nam đâu thiếu bậc anh hùng, máu đổ thây rơi nào ngại.

Kính các anh vị quốc thân vong

Bày một lễ thâm tình cung bái.

Nhớ các anh xưa,

Tuổi trẻ thanh xuân,

Khí hùng chí đại.

Thời binh hỏa đâu màng gì nhung gấm, chọn tri âm tri kỷ chốn sa trường,

Thuở can qua há tiếc chút bình an, nguyền báo quốc báo dân nơi hiểm ải.

Một tấc đất vẫn là cương thổ, ông cha xưa bao đời gầy dựng, sao cam lòng để vuột mất đi.

Dăm hòn đảo ấy vốn bản hương, anh em nay mấy độ canh cày, quyết tận sức ra gìn giữ mãi.

Từ Chúa Nguyễn sách văn[1] chép rõ, nhân dân Nam từng khai thác làm ăn,

Đến Pháp Thanh công ước[2] còn ghi, chủ quyền Việt chẳng luận bàn tranh cãi.

San Francisco hội nghị[3], mừng biết bao, thấy thế giới đồng lòng,

Việt Nam Quốc gia chính quyền[4], vui xiết kể, đón sơn hà trở lại.

Thế nên,

Đất cát ông cha thì phải giữ, dẫu mũi tên hòn đạn không sờn,

Núi sông tiên tổ sao chẳng gìn, mặc ăn gió nằm mưa chi nại.

Trùng dương sóng dữ, mập mờ thuyền viễn thú, thân trai há sợ kiếp gian nan,

Hải đảo gió cuồng, vời vợi biển quê hương, vai lính thêm bền lòng hăng hái.

Hội khao lề lại trống chiêng bi tráng, tiễn người đi mờ bóng cuối chân trời,

Nơi quê nhà đành con vợ u buồn, thương kẻ đợi trông buồm về trước bãi.

Có ngờ đâu,

Giặc ác hiểm quen tuồng xâm lược, máu tham tàn không giấu kín ý gian,

Ta hiền lương chuộng đạo hiếu hòa, tình hữu nghị có đâu ngoài lẽ phải.

Địch thả câu nước đục, hai ba lần chiếm đảo[5], xây đồn đắp lũy đó đây,

Chúng luồn gió bẻ măng, bốn năm dạo lên bờ, dựng trại cắm cờ lải rải.

Ngày 16 Quang Hòa, Hữu Nhật[6],… giặc đã nuốt tươi,

Đến 17 Duy Mộng, Quang Ảnh6,.. chúng đang xơi tái.

Lửa hờn bốc tận thanh vân.

Khí uất tràn đầy thương hải.

Ghìm máu nóng, thông tin bằng quang hiệu, giặc cứ ngang tàng,

Hạ quyết tâm, biệt hải tiến vào bờ, ta ôm thất bại.

Không nản chí, Thường Kiệt, Nhật Tảo băng băng pháo đạn xông pha,

Chẳng dùi lòng Bình Trọng, Khánh Dư[7] né né tiễn lôi lèo lái.

Vẳng đôi tai còn nghe khúc “Thuật Hoài”[8]

Bừng con mắt đà thấy câu “Trung Ngãi”[9]

Thế nhưng,

Lực bất tòng tâm,

Thiên dung vô lại[10].

Giặc đã nhiều chuẩn bị, nào tảo lôi, nào liệp đỉnh, tàu nhiều quân bộn giàn hàng,

Ta mất thế thượng phong, này sóng dữ, này đá ngầm, biển rộng đường xa phải trải.

Phía chếch đông tàu Mỹ đứng mà nhìn,

Phương chính bắc hạm Tàu nằm sắp phái.

Dù như thế ta vẫn quyết thư hùng

Có ra sao mình cứ liều sống mái.

Đùng đoành trọng pháo nổ thấp cao,

Sàn sạt hỏa tiễn bay trái phải,

Ngụy Văn Thà[11] trúng thương trước ngực, máu anh hùng đẫm ướt chiến y,

Lý Thường Kiệt[12] lãnh đạn ngang hông, nước đại hải ngập đầy buồng máy.

Khói mù tàu giặc cháy bốc lên,

Pháo nổ thuyền mình câu vọng lại.

Thương ơi!

Thế lực không cân

Thời cơ cũng trái.

Bảy tư người bỏ mình vì nước, biển sâu ký gởi thân phàm,

Cả bốn tàu trúng pháo quân thù, bờ cạn lui về gác mái.

Cờ quốc gia phủ người ra trận, toàn quân dân uất ức trẻ như già

Vành khăn tang chít tóc đang xanh, bao thân quyến nghẹn ngào trai lẫn gái.

Công các anh,

Tổ quốc thề không quên,

Toàn dân nguyền nhớ mãi.

Chống ngoại xâm là truyền thống muôn đời

Giữ lãnh thổ vốn luân thường vạn đại.

Máu tử sĩ sẽ nuôi khôn dân tộc, mau kiên trì giành lại giang sơn,

Xương anh linh rồi nung chín hùng tâm, sớm quyết liệt san bằng oan trái.

Nước cường thịnh khi dân biết kết đoàn,

Dân phú túc lúc người luôn thân ái.

Hôm nay.

Sơ sài lời điếu câu văn,

Đạm bạc chùm hoa dĩa trái.

Xót uy linh, xin tượng tạc bia xây,

Tỏ thâm tạ, khiến dân quì quan vái.

Mong các anh siêu độ tái sinh,

Cầu đất nước dân an quốc thái.

Hỡi ơi!

Xót xa tiếng mất ý còn,

Tha thiết lòng phơi ruột trải.

Hồn có linh thiêng

Niệm tình thụ bái.


 

Huế, ngày 18.01.2014

NP VĨNH BA


Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

SÓC TRĂNG- CHÙA KHLÉANG

Chùa Khléang (hay Kh'leang, Khleng)[1] là một ngôi chùa cổ trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ; hiện tọa lạc ở số 53 đường Tôn Đức Thắng, thuộc phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam. Đây là một di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 84/QĐ-BVHTT ký ngày 27 tháng 4 năm 1990 của Bộ Văn hóa và Thông tin.






Theo tài liệu còn đang lưu trữ tại chùa Kh'leang, thì vào đầu thế kỷ 16, từ kinh đô Lô-véc [2], vua của nước Chân Lạp là Ang Chăn đã tổ chức một chuyến đi kinh lý qua các lãnh địa xa xôi của mình ở vùng hạ lưu sông Hậu. Khi nhà vua đến thăm Srok Kh'leang (tiếng Khmer có nghĩa là "xứ có kho"[3], tức tỉnh Sóc Trăng ngày nay)[4] mà không thấy có ngôi chùa thờ Phật nào, ngài bèn ra lệnh cho viên quan coi quản đất ấy tên là Tác (phiên âm từ tiếng Khmer) phải xây dựng gấp một ngôi chùa để dân chúng có nơi hành đạo.

Vâng lệnh vua ban, năm 1532, ông Tác bèn triệu tập các tín đồ và đại diện các "sóc" (srok, có nghĩa là xứ) để kêu gọi mọi người góp công, góp sức xây dựng một ngôi chùa thờ Phật. Sau khi bàn bạc, chùa Khléang (lấy tên đất đặt tên cho chùa) được khởi công xây dựng vào ngày 16 tháng 12 Phật Lịch 2076 (tức vào năm 1532 dương lịch).

Sau khi công trình "bằng gỗ và lợp lá" ấy hoàn thành, ông Tác lại tổ chức hội nghị để chọn nhà sư trụ trì của chùa. Kết quả là nhà sư Thạch Sóc (61 tuổi, thọ giới đã 40 năm, lúc đó đang tu tại chùa Luông Bassac, thuộc phạm vi huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ngày nay) được chọn làm Trụ trì, đồng thời còn kiêm luôn chức vụ Mê Kôn (chức vụ đứng đầu hội sư sãi của một vùng).

Ngôi chùa đầu tiên ấy đến nay không còn lại dấu tích gì. Ngôi chính điện và sa la[5] ngày nay được xây cất bằng gạch ngói từ giữa thế kỷ 16[6].

Toàn bộ các công trình của chùa Khléang toạ lạc trong một khuôn viên rộng 3.800 m2 có nhiều cây cây thốt nốt, có vòng rào bao quanh, và được trang trí với nhiều hoa văn, họa tiết, màu sắc rực rỡ mang đậm phong cách Khmer. Lược kể một vài hạng mục:

Cổng chính ở đường Tôn Đức Thắng (hướng Đông). Mặt trước mỗi thân cột có gắn tượng vũ nữ Kẽn naarr dang tay chống mái, và trên mái có gắn ba tháp nhỏ. Ngoài ra, chùa còn có một cổng phụ ở đường Nguyễn Chí Thanh.

Chính điện hiện nay nằm dọc theo hướng Đông - Tây [7], và ở vị trí trung tâm với diện tích gần 200 m2. Nền cao hơn mặt đất gần 2 m, gồm ba cấp, mỗi cấp có vòng rào xây bằng gạch. Bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc đều có cửa ra vào. Bộ mái chính điện cũng được xây dựng theo thể thức ba cấp, và mỗi cấp lại có 3 nếp. Bờ viền mái nóc có tượng rồng với thân hình uốn lượn, đầu xòe ra hình rẽ quạt, đuôi cong lên và giao thoa với những đuôi rồng khác. Trên các đầu cột ở hành lang bao quanh chính điện đều có tượng Krud dang tay chống đỡ [8]. Ngoài ra, ở chung quanh chính điện còn có trang trí các tượng thần Teahu[9] và tượng chằn (Yeak).

Bên trong chính điện, bộ khung mái được chống đỡ bằng 12 cây cột to (chu vi 1,10 m), xây theo kiểu corinthien (Cô-ranh-tơ) của Hy Lạp, phủ sơn đen bóng và có vẽ hình rồng, hình cá uốn lượn màu vàng lộng lẫy. Các cửa của chánh điện được làm bằng gỗ khắc cảnh giao đấu giữa giữa tiên nữ và chằn (Yeak)[10] trên nền khung được trang trí hoa văn đến từng chi tiết.

Ngoài ra trong khuôn viên chùa còn có sala, hội trường, nhà của trụ trì, nhà của các sư sãi, các tháp chứa tro cốt, lò thiêu, v.v...

Từ khoảng 1916 (hay 1918) cho đến nay, chùa được trùng tu nhiều lần, gần đây nhất là 1994. Cũng trong năm này (ngày 7 tháng 12), Trường Bổ túc văn hóa Trung cấp PaLi Nam Bộ được đặt trong khuôn viên chùa[11].

Như bao ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer khác, nơi đây cũng chỉ thờ duy nhất là Phật Thích Ca, và trên tường là bức bích họa mô tả cuộc đời vị Phật ấy từ lúc sinh ra cho đến khi đắc đạo.

Đặc biệt, trong số 45 tượng Phật Thích Ca ở đây, có một tượng cao 6,8 m, phần thân tượng cao 2,7 m, ngồi trên tòa sen lộng lẫy, xung quanh bài trí hoa lá, cây trái. Sau lưng pho tượng có tấm bia khắc chữ Khmer ghi: "Đại đức Liêu Đuông, đời truyền thừa thứ 17, trụ trì chùa từ năm 1893 đến năm 1928, đã tạo tượng đức Phật vào năm Phật lịch 2460 với sự cúng dường của gia đình ông Lum Sun"[12].

Hàng năm, bên cạnh các lễ hội tôn giáo, chùa Khléang còn tổ chức các lễ truyền thống của dân tộc Khmer, như lễ Chol Chnam Thmay (lễ vào năm mới, còn gọi là lễ chịu tuổi), lễ Dolta (lễ cúng ông bà), lễ cúng trăng vào ngày 15-10 âm lịch và tổ chức đua ghe ngo...

CHÚ THÍCH
*1- Tên Khléang được đắp nổi ở cổng chùa. Do phiên âm từ tiếng Khmer, nên có nguồn ghi là Kh'leang hay Khleng.
* 2-Longvek hoặc Lovek (tiếng Khmer có nghĩa là "thị tứ" hay "ngã tư") là một thành phố cổ của Campuchia, thuộc huyện Kampong Tralach tỉnh Kampong Chhnang. Nơi đây từng là thủ đô của nước Chân Lạp sau cuộc xâm chiến Angkor của Xiêm La vào năm 1431. Người Việt xưa gọi thành phố ấy là La Bích.
* 3-Srok tức là "xứ", "cõi"; Kh'leang là "kho", "vựa".
*4-Theo thư tịch cổ Khmer thì vào giữa thế kỷ 16, một viên quan tên là Tác đã cho xây dựng một nhà kho để tích trữ sản vật do nhân dân quyên góp tại vùng đất Sóc Trăng ngày nay. Nhân đó, ông đặt tên cho vùng đất mình cai quản là Srok Kh'leang (tiếng Khmer có nghĩa là "xứ có kho", và sau đó ông cũng đã lấy tên đất đặt tên cho chùa). Và khi người Kinh đến, gọi trại âm ra là Sóc Kha Lang rồi sau nữa là Sóc Trăng. Xem thêm đề mục Sóc Trăng.
*5-Sa la là dãy nhà sàn rộng rãi, thông thoáng được xây bên cạnh chánh điện, dùng làm chỗ cử hành lễ dâng cơm cho sư sãi và nơi hội họp của các Phật tử trong các ngày lễ hội.
* 6-Theo Võ Văn Tường, Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam. Nxb Văn hóa-Thông tin, 1994, tr. 405). Trong một bài viết khác cũng của ông Tường, thì ngôi chánh điện được Đại đức Liêu Đuông tổ chức trùng tu vào năm 1916 [1]. Tuy nhiên, theo bài viết "Chùa Kh'leang" trên website Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, thì năm xây lại chùa là 1918 (truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2013 [2]. Vietgle cũng ghi như vậy.
*7-Người Khmer quan niệm kiến trúc quay về hướng Đông với ý nghĩa Phật ngự ở phía Tây nhìn về hướng Đông ban phúc. Xem thêm: "Nghệ thuật kiến trúc Khemer Nam Bộ" của Lê Bá Thanh trên báo Giác Ngộ [3].
* 8-Krud hay Garuda là hình tượng một loại chim thần có mình người; đầu, chân và hai cánh của chim, mỏ ngậm một viên hồng ngọc. Loài chim này là kẻ thù truyền kiếp của rắn. Cho nên, nếu hình tượng khúc đuôi rắn dài và cong vút được đắp trên đầu các góc mái chùa, thì hình tượng Krud được án ngữ ở chỗ tiếp giáp đầu cột với đuôi mái chùa (theo Vietgle [4]).
* 9-Teahu là hình tượng người có bộ mặt hung dữ, hai tay bưng mặt trời hay Mặt Trăng chuẩn bị nuốt vào bụng. Hình tượng này cũng được trang trí trên khung cửa ra vào (theo Vietgle đã dẫn).
*10-Yeak (chằn) trong các truyện cổ Khmer là nhân vật tượng trưng cho cái Ác, thường gieo điều dữ cho con người. Hình tượng Yeak có dáng vẻ của một người mang bộ mặt dữ tợn, miệng to, răng nanh dài, mắt lồi, lông mày xếch. Mình Yeak mặc áo giáp, đầu đội mũ nhọn và tay cầm cái chày dài. Trong nghệ thuật trang trí chùa Khmer, Yeak đã được đức Phật cải hóa và đặt đứng hai bên bậc thềm ở phía trước chánh điện nhằm mục đích bảo vệ ngôi chùa] (theo Vietgle, đã dẫn).
* 11-Ngày thành lập trường căn cứ theo dòng chữ đắp nổi ở mặt sau cổng trường
 .
*12-Theo Võ văn Tường [5]

.
(TÀI LIỆU TỪ WIKIPEDIA)

ẢNH CỦA NM SL