CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

DU XUÂN BANGKOK- THƠ NGUYỄN KHÔI




      DU XUÂN BANGKOK
                -----
Người ta đi Mỹ xem băng tuyết
Mình sang Bangkok vãng cảnh xuân
Trời 31 độ, như Nam Bộ
Nắng hè rực cháy rát bàn chân
                  *
Đường xa giao thông ùn tắc khủng
Thoáng thì Tuk Tuk phóng như điên
Phố phường đông đúc mà trật tự
Ăn ở xem ra cũng đáng tiền...
                  *
Nóng, nối nhau len vào Siêu thị
"Thiên đường mua sắm" chính là đây
Hàng Thái rẻ, bền,trông bắt mắt
Bán mua xởi lởi cứ như say...
                     *
Tết nhất mấy ngày sang Bangkok
Bố con được dịp dạo thăm chơi
- Sang năm Tết tới Hongkong nhỉ ?
Thưởng thức mùi xuân ở xứ người.

              Thailand 16-2-2015
                 Nguyễn Khôi


Kết quả hình ảnh cho ảnh chùa khánh vân ở bang coc

Ảnh Chùa Khánh Vân (từ Thư Viện Hoa Sen)



THĂM CHÙA KHÁNH VÂN (chùa Việt Nam)   
               tại Bangkok
                    -----
Lời dẫn : chùa Khánh Vân- Wat Uprairadbamrung (thuộc tông Annam tại Thái  Lan) tọa lạc ở  số 864 đường Charoen Krung, khu Taladnoi, quận Sampanthavông- thủ đô Bangkok...mang đậm tính thiêng liêng Việt Nam, đã qua nhiều đời các Hòa thượng người Việt trụ trì, hiện đang thờ nhục thân Hòa thượng Thích Phổ Sái, còn nguyên thủy và hầu như đầy đủ các bộ thận từ răng, lông mi, mắt... NK qua thăm, có đôi dòng cảm tác :

 Nơi này vua Gia Long
Xưa sang đây lánh giặc (1784-1787)
Lũ bầy tôi tòng vong
Lập chùa cầu Trời Phật...
                *
Nơi nằm gai nếm mật
Chí "phục quốc" bền gan
Biết dùng người khí phách
Lật cánh giành Giang san...
                *
Chùa cũ ba trăm năm
Còn khói hương tỏa quyện
Người Việt, người Thái Lan
Vẫn đến lễ - tưởng niệm...
               *

Mình là khách tha hương
Sang láng giềng để "biết"
Lặng đến chùa Khánh Vân
mà bâng khuâng Hồn Việt.


         Bangkok 29 tết Ất Mùi
            NGUYỄN KHÔI

Nguồn: từ email của TG Nguyễn Khôi gửi lamngoc
NM cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khôi và chúc anh có một chuyến du lịch vui vẻ.

                      
 
                *

Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

PHONG TỤC TẾT CỦA NGƯỜI DÂN NAM BỘ XƯA - KHA TIỆM LY







          Nguyên Đán là ngày Tết truyền thống thiêng liêng và trọng đại của dân tộc; vì thế để đón chào một năm mới, người dân khắp nơi đều chuẩn bị chu đáo. Ở mỗi miền đều có tập quán riêng, tuy nhiên xét về tổng thể thì không khác nhau mấy. Trong bài nầy chúng tôi chỉ  nói về phong tục “ăn Tết” của người dân Nam Bộ ngày xưa.


Từ đầu tháng chạp, cũng là lúc gặt hái xong, nhà nhà đều nao nức chuẩn bị đón mừng năm mới, mà tiếng quết bánh phồng rộn rã là âm thanh báo hiệu đầu tiên; tiếp theo đó là chuối sứ ép phơi khô. Trước kia ở nông thôn bánh mứt từ tỉnh thành về rất hiếm hoi, vả lại người dân thời ấy cũng rất rảnh rang sau vụ lúa (mỗi năm chỉ có một mùa lúa 6 tháng) nên dư thì giờ chuẩn bị đãi khách bằng cây nhà lá vườn, môt mặt là tiết kiêm, một mặt là để các chị khoe tài gia chánh của mình: Bánh phồng nướng và mứt chuối là hai “đặc sản” không thể thiếu của mọi nhà thời ấy. Phần các anh thì nhà cửa cũng bắt đầu dọn dẹp ngăn nắp, sơn phết từ từ; nếu có cây mai trước cửa thì phải lặt sạch lá, và canh làm sao cho đến mồng một thì hoa phải nở rộ. Đến sáng ngày hăm ba đến hăm lăm âm lịch thì tất cả phải tươm tất, nhất là bàn thờ tổ tiên phải coi rôm rả, đẹp mắt với bộ lư đồng được chùi sáng loáng, mâm ngũ quả phải đầy ắp, lọ hoa tươi rói và không thể thiếu một nhành mai.
Cũng từ hai mươi đến hăm lăm tháng chạp (ít khi trễ hơn), mọi người đi tảo mộ ông bà. Những gia đình có đất rộng thì ông bà được nằm  ở một nơi nào đó ngay trong mảnh vườn hay thửa ruộng của mình; còn những người ít đất thì ông bà được nằm ở chòm mả chung (không gọi là nghĩa địa). Cũng nên nói thêm, trước khi quét mộ, mọi người đều phải đem nhang đèn, giấy tiền vàng bạc, trà hay chút rượu thịt đặt trước mộ mà khấn vái để xin phép, vì vô duyên vô cớ mà “động mồ động mả” là điều tối kỵ.
Quét mộ xong, người ta phải dằn trên mộ một ít giấy tiền vàng bạc; đây là dấu hiệu để báo với tốp người “chạp mả” biết là mộ nầy đã được quét rồi, (Thực tế mả chưa quét và quét rồi rất dễ dàng phân biệt, nhưng việc làm nầy là do thói quen). “Chạp mả” theo nghĩa được giải thích của bà con là “quét mả từ thiện vào tháng chạp”. Trong những ngày nầy, vì nhiều lý do mà có những mấm mộ không được người nhà chăm sóc (có mả bị bỏ hoang từ năm nầy qua năm khác), thì những thanh niên trong làng, sẵn cuốc xẻng đó, họ … “chạp mả” luôn! Dù là nghĩa cử từ thiện, nhưng trước khi “chạp mả”, họ cũng không quên thắp vài nén hương cung kính khấn vái người quá cố. Đây là một việc làm rất đáng trân trọng và vẫn còn cho tới ngày nay.

Ngày hăm ba là ngày đưa ông Táo và chư thiên về trời, cũng là ngày đánh dấu Tết đã cận kề. Lễ vật không thể thiếu để đưa ông Táo là chè, tốt nhất là chè trôi nước (sau nầy là thèo lèo, bánh in) Theo bà con giải thích thì ông Táo thích ăn ngọt, hơn nữa là để lúc tâu lên Ngọc Hoàng Thượng Đế, ông luôn nhớ mà nói tốt cho chủ nhà vì vị ngọt còn thừa lại ở lưỡi môi nhắc nhở; có người còn cẩn thận trét chút nước đường ở miệng ông Táo trong bộ hình nhân “ cò bay ngựa chạy” (!). Chè trôi nước cũng không ngoài mục đích mong muốn mọi việc ông Táo tâu rỗi đều trôi chảy như dòng nước (!). Sau ngày đưa ông Táo, bàn thờ ông Táo và “ông Thiên” không được thắp nhang, vì không muốn cho quý ngài bận bịu nhớ về hạ giới trong lúc ở thiên đình!

Chiều hăm chin Tết là mọi việc chuẩn bị phải hoàn tất để sáng hôm sau làm lễ rước ông bà. Nhìn bàn thờ tổ tiên, người ta có thể đánh giá được thành bại của gia chủ trong năm qua. Nhưng dù thế nào, trên bàn thờ cũng phải có dĩa trái cây ngũ quả; hồi trước ngũ quả là cam, quýt, bưởi, dừa, xoài với ý nghĩa tượng trưng sự sung mãn tròn đầy theo hình dáng chúng. Sau nầy vì kiêng cử âm gọi , nên bà con bỏ cam (cam phận nghèo), quýt (húyt háy), bưởi (bưởi bồng) nên có đổi khác hơn; là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, tượng trưng theo tên phát âm Nam Bộ của nó : “cầu vừa đủ xài sung”. Có người thay trái sung bằng trái thơm: thơm tho; trái bắp: đều đặn và … “chắc ăn như bắp”. Một cặp “dưa nhứt”, tức dưa hấu loại to nhứt được dán giấy hồng đơn nằm trang trọng hai bên (bàn thờ) tượng trưng cho sự no đầy và nhành mai ở bình hoa tượng trưng cho sự may mắn, dường như nhà nào cũng có.
Sáng ba mươi là lễ rước ông bà đồng thời rước ông Táo và chư thiên về ăn Tết với gia đình. Mọi nơi thờ phụng như Ông Táo, Long thần Thổ Địa, Thần Tài, Ông Thiên, Phật, thì đơn sơ với bánh tét, hoa quả, khói hương nghi ngút. Riêng hai mâm cơm dành cho cửu huyền thất tổ và đất đai thì thịnh soạn hơn tùy theo khả năng của gia chủ, nhưng không thể thiếu tô cơm, bánh tét tượng trưng cho sự no đủ, mùa màng đắc lợi; dưa hấu tượng trưng cho sự viên mãn, may mắn; bánh phồng tượng trưng cho sự phát triển dồi dào (“phồng” ra); và chủ yếu vẫn là thịt kho tàu, tượng trưng cho sự vuông tròn (vuông của thịt, tròn của trứng). Mâm cửu huyền được dọn sáu chén, sáu đôi đũa; bàn đất đai thì năm (không hiểu sao). Mọi nhà cũng không quên dành một mâm đặt ở ngoài sân để dành cho những kẻ xiêu mồ lạc mả, vị quốc vong thân, hay những tiền nhân khai sơn phá thạch. Đặc biệt mâm nầy phải có chén muối, chén gạo; cúng xong thì đem rải bốn phương. Cùng lúc, giấy hồng đơn (cắt từng miếng vuông nhỏ đều nhau) được dán ở cột nhà, cửa tủ, cửa ngõ và cây trái quanh vườn để cho mọi việc sang năm đều thuận lợi.

Cuối cùng thì ông bà, cha mẹ dặn dò con cháu những điều cần thiết và những kiêng kỵ vào những ngày đầu xuân như tiền bạc và quần áo phải lấy sẵn ra ngoài, vì mồng một mà mở tủ lấy tiền là điều “không nên” (suốt năm tiền cứ ra mà không vô); con cháu không được gây gỗ (năm mới sẽ gây gỗ hoài); với ly tách, chén đũa, nhất là gương soi mặt, cầm nắm cũng phải cẩn thận, không được vuột tay đổ bể (vì chuyện làm ăn sang năm sẽ bị đổ vỡ), trẻ em không được làm gì phạm lỗi để bị đánh đòn (suốt năm bị đánh đòn liên tục). Dù vậy, nhưng nếu lỡ có em nào quậy phá, thì bậc trưởng thượng cũng xí xóa bỏ qua cho những ngày đầu năm được suôn sẻ.

Chiều ba mươi còn có tục “Tết Giếng”: Gia chủ bày một mâm lễ vật gồm bánh tét, trái cây, trầu cau, hoa quả, nhang đèn ngay bên giếng, van vái tạ ơn … ông bà Giếng đã cho nguồn sống. Sau đó họ múc nước cho đầy vào tất cả dụng cụ chứa nước trong nhà đến tràn trề, rồi dán vào thành giếng một mảnh giấy hồng đơn; điều nầy mang ý nghĩa là “không được mở nắp giếng trước ngày mùng ba để ông bà Giếng nghỉ ngơi”: Trong ba ngày Tết mà “khai giếng” là điều đại kỵ. Song song vào đó, ở trong nhà lu gạo, hũ đường, hũ muối, hành tỏi, đều phải đầy ăm ắp để cho sang năm cái ăn cái ở luôn được no đầy. Tục nầy nhiều nhà vẫn còn duy trì đến tận giờ.

Cũng trong chiều ngày nầy, cây nêu được dựng lên trước cửa: đó là một cây tre được tiện hết nhánh chỉ chừa  một ít ở trên. Trên đầu cây tre người ta thường treo một khánh đất, một giỏ trầu cau, một bầu rượu, một bó lá dứa hay một nhành đa, một lá bùa bát quái để xua đuổi tà ma; những vật vừa nêu có thể thiếu một vài món, nhưng mảnh vải vàng tượng trưng cho áo cà sa của Phật thì không thể không có (nhiều nơi treo mảnh vải đỏ e không đúng lắm). Dựng (thượng) nêu , theo truyền thuyết là để trừ yêu quái trong mấy ngày Tết, đến mùng năm hay mùng bảy thì hạ nêu. Trong dân gian có câu:“Cu kêu ba tiếng cu kêu / Mong cho đến Tết dựng nêu ăn chè”. Có người thượng nêu vào chiều hai mươi ba, viện lẽ ngày đó ông Táo chầu trời, nên ma quỷ thừa cơ lẻn vào nhà; điều nầy sai với truyền thuyết: Khi yêu quái thua trí Phật, chúng phải chạy về biển đông, và Phật cho phép chúng chỉ được về thăm tổ tiên vào ba ngày Tết mà thôi. Trên thực tế, phần đông đồng bào cũng thượng nêu vào chiều ba mươi.

Tục dựng nêu là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, tiếc thay ngày nay còn tồn tại rất ít ở các vùng quê
Đến mười hai giờ khuya gọi là “giao thừa”, tức thời điểm từ năm cũ chuyển sang năm mới. Đây là thời điểm trọng đại; mỗi nhà đều có sẵn một mâm bánh trái, hoa quả, nhang đèn dọn trước sân để tống cựu nghinh tân gọi là “cúng giao thừa”.
Mùng một Tết dù có thức dậy sớm để chuẩn bị cơm canh cúng ông bà nhưng không ai mở cửa  trước mặt trời mọc vì sợ ma quỷ lẻn vào nhà. Buổi cúng cơm sáng đầu năm xong thì cả gia đình quây quần ăn uống vui vẻ. Xong xuôi, trẻ con mặc đồ mới “mừng tuổi” ông bà, cha mẹ;  em nào cũng vẻ mặt hân hoan khi được trao bao lì xì! Mùng hai, mùng ba ngày ba bữa cũng “dâng cơm” cho tổ tiên y như ngày mồng một vậy. Chiều mùng hai thì mấy chị gói bánh tét để chuẩn bị ngày mùng ba “tiễn (đưa) ông bà”.

Sáng mùng ba nhà nhà đều “cúng gà ra mắt”. Hỏi “ra mắt” ai thì hầu hết bà con đều … cười trừ, nói “ông bà dạy sao thì mình nghe vậy”. Sau nầy có người giải thích là “ra mắt” ngài Việt Vương Hành Khiển nào đó thích gà giò mà vì qua mấy ngày Tết mọi người đều không còn tha thiết với mọi loại thịt nữa!
Chiều mùng ba cũng là ngày đưa ông bà. Lễ vật gồm cơm canh như những ngày trước; đặc biệt là những đòn bánh tét to đùng gói ngày hôm qua (có thành ngữ là “bánh tét mùng ba”), để ông bà mang theo cho được no đủ trong suốt cuộc hành trình vạn dặm nước sông (thời khai hoang ông bà đi bằng ghe xuồng)
Sáng mùng bốn là lễ khai Giếng: Lễ vật y như chiều ba mươi, chủ nhà  khấn vái xin ông bà giếng phù hộ cho cả nhà đủ nước sinh hoạt suốt năm và bình an khỏe mạnh; xong, miếng giấy hồng đơn bên thành giếng được gỡ ra, cho phép mọi người múc nước bình thường.

Tết Nguyên Đán là một phong tục thiêng liêng đầy màu sắc văn hóa của dân tộc. Mấy ai đã từng xa quê mà ngày Tết không về nhà được mới thấy thấm thía nỗi  buồn nhớ quê hương, nhớ cha mẹ, họ hàng . Ngày nay, tuy những tục lệ trong những ngày Tết có đơn giản đi nhiều, nhưng nhìn chung những nét cơ bản thì vẫn còn tồn tại, và chúng tôi chắc rằng nó mãi mãi tồn tại theo  thời gian. 
 
 22-12-2014
KHA TIỆM LY

Nguồn:từ email cua TG Kha Tiệm Ly gửi lamngoc
NM cảm ơn Kha huynh đã chia xẻ một bài viết hay
Kính chúc anh và gia đình một năm mới nhiều tốt đẹp.


Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

KHÚC CA XUÂN- HOÀNG YÊN LYNH







  TRƯỚC THỀM NĂM MỚI ẤT MÙI
                         GỞI ĐẾN QUÝ ANH-CHI CÙNG BỬU QUYẾN
                                       
                         SỨC KHỎE  -  THÀNH ĐẠT
                        NHIỀU NIỀM VUI
                                      
                                                 KHÚC  CA  XUÂN.
                                                    Vườn nhà ai
                                           Mai vàng khoe sắc thắm
                                                   Ta  đã già
                                     Nghiêng chén rượu xuống vần thơ
                                            Vẫn nghe lòng vọng động
                                                 Mùa xuân gõ cửa
                                                      Với đất trời
                                               Với bao điều khát vọng
                                                       Với tình ta
                                               Say đắm mãi chưa vừa.
                                                          Ta đã già
                                                      Bên cội mai già
                                                     Đi qua năm tháng
                                                          Chạnh lòng
                                                           Chợt  nhớ ...
                                                         Có mùa xuân
                                                                        HOÀNG YÊN LINH

MÙI TẾT- THƠ NGUYỄN KHÔI









MÙI TẾT

    "Tết ở xứ người...ôi, nhớ quê"
                    -----
Xa Tổ Quốc,
Tết,
nhớ sao "Mùi Tết" !
Lất phất mưa phùn  đi nép bên nhau
Chiều 30 ào ra phiên chợ "vét"
Quất với Đào "tháo khoán" để về mau.
                  *
 Mẹ sửa mâm cơm cúng ông bà, ông vải
Cha trồng cây "Nêu" đuổi quỷ, trừ tà
Anh cả mải dán lên câu đối đỏ
Ngoài sân chùa Làng đang dựng cây Đu
                
                  *
Tối 30 cả nhà bên bếp lửa
Nồi bánh Chưng xình xịch đón giao thừa
Thằng cu Tí ra vườn xem Mai nở
Cắt một cành cắm lọ để ban thờ
                  *
Đêm 30 tối như bưng ...rộn rịp

Người đi đòi công nợ réo chửi nhau
Chú "đạo chích" đang rình nhà Chức Dịch
Lũ Chó canh nhặng xị sủa gâu gâu...
                  *
Sáng mùng một đua nhau chưng áo mới
Bà lì xì lũ trẻ sướng nhảy câng
Cha kính cẩn bưng mâm lên lễ Tổ
Mẹ trong buồng trang điểm trước tủ gương
                 *
Ông pha trà, xếp bằng tròn chờ khách
Rượu Cúc thơm nhấp chén nhả vần Thơ
Cha lễ về hạ mâm bầy trên sập
Mùi hương trầm phảng phất đến tận trưa...
                  *
Chiều mùng một người đua đi chúc Tết
Lối đường thôn nườm nượp lũ dân làng
Mấy cô lấy chồng xa về ăn Tết
Mặc quần Tây, áo dạ "mốt" khoe "sang".
                   *
Chùm hoa Bưởi bên vườn vừa hé nụ
Thơm quyện mùi yếm áo tới sân Đình
Tiếng trống đánh vang rền mừng năm mới
Đượm hồn Làng rung động cả Thần linh...
                   *
Ôi đón Tết,
xa nhà
buồn lắm
nhớ cái mùi Tết ấm ở quê hương.
     Bangkok-Thái Lan, 1 tết Ất Mùi- 2015

       
                NGUYỄN KHÔI
Nguồn:từ email của nhà thơ Nguyễn Khôi gửi lamngoc
  NM cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khôi   Kính chúc anh và gia đình một năm mới tài lộc dồi dào, an khang hạnh phúc
               
                 

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

XUÂN VỀ - THƠ NHÃ MY, NHẠC NGUYỄN NGỌC MỸ



XUÂN VỀ
NHẠC :NGỌC MỸ
THƠ:NHÃ MY
CA SĨ:THU HÀ
VIDEOCLIP:PHÚ ĐOÀN

NHÃ MY CHÂN THÀNH CẢM ƠN ANH NGỌC MỸ; CA SĨ THU HÀ VÀ BẠN LA THỤY ĐÃ GỬI TẶNG MÓN QUÀ VĂN NGHỆ ĐẦU NĂM THẬT TUYỆT VỜI LÀ CLIP CA NHẠC NÀY

XUÂN VỀ
(Thơ Bình Thanh)

Xuân về nhà nhà an vui
Hương xuân tràn đầy nơi nơi
Xua tan ngày đông u buồn
Hoa tươi khoe khoang hương nồng
Em xinh cười tươi mơ màng
Vang vang lời ca vui mừng
Người đi chùa về hân hoan
Tình xuân lòng tràn yêu thương
Mừng vui mùa xuân huy hoàng
Bên tai lời ca nồng nàn
Người ơi mùa xuân vừa sang
Về đây lâng lâng mùa vui
Cùng trao cho nhau niềm tin
Về đây cùng vui ngày xuân

NHÃ MY 




Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

VỊNH KÊN KÊN - KHA TIỆM LY




Tại sao kền kền ăn xác thối mà không bị bệnh?


VỊNH KÊN KÊN


Cầm thú sợ chi tiếng búa rìu.
Nghển đầu, sãi cánh cứ làm kiêu
Tranh giành chẳng nhịn ai to bé
Ăn uống đâu chừa thứ rữa thiu
Đồ thúi vẫn cho tràn bản họng
Bụng to đâu sợ bể bầu diều
Cũng như loài cú, loài quà quạ,
Thiên hạ ghét mầy bởi tiếng kêu!

HẢO HÁN

Chọc trời coi thử mấy tầng cao,
Khuấy nước xem chừng biển cạn, sâu.
Mặc lũ kình ngư chao đảo sóng,
Mặc cho sấm sét nổ trên đầu!


 KHA TIỆM LY

Nguồn : từ email cuả TG Kha Tiệm Ly gởi lamngoc .NM cảm ơn Kha huynh đã thường xuyên gởi những bài thơ hay.


Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

HÀN SĨ NGHINH XUÂN PHÚ-KHA TIỆM LY





HÀN SĨ NGHINH XUÂN PHÚ


Tiền viết mướn chỉ đủ mua gạo lẻ lưng nồi,
Nhà ở thuê kiếm đâu ra mai vàng trước ngõ!
Nghĩ thân ta,
Te tua mái lá, mặc tình gió bấc mưa nam,
Quạnh quẽ bàn thờ tủi thân ông sơ bà cố!
Mua xôn giày dõm, lê mấy bước thì hả miệng hả mồm
Ráng sức xe cùi, đạp vài vòng cứ trật sênh trật chó!
Không hoa không quả, không nhang đèn, Trời Phật, Chư Thiên dù chẳng sân si,
Chẳng chuối chẳng chè, chẳng hương khói, Ông Địa Thần Tài đếch thèm gia hộ!
Tiền nhà tiền điện, chạy sút quần mệt bở hơi tai,
Nợ mẹ nợ con, há tét miệng chửi banh ngoài ngõ!

Thế nhưng,
Cơm lưng bụng, quân tử cần chi hải vị sơn hào,
Quần sờn mông, hảo hán chẳng màng chi tơ tằm vải bố!
Dẫu nghèo tiền nghèo bạc, mà ba miền tao nhân mặc khách dẫy đầy,
Lại giàu bạn giàu bè, cùng bốn biển, khí phách đệ huynh vô số!
Từ người cửa rộng nhà cao,
Đến kẻ đầu đường xó chợ!
Luôn xa lánh phường chém chú đâm cha,
Lại xót xa bọn trộm trâu trộm chó!
Lòng như nước trong leo lẻo, mặc bấy người đổi trắng thay đen,
Mặt tợ trăng sáng ngần ngần, dễ cho ai trét vôi trét lọ!
Ô hô!
Dù răn con khuyên cháu, chớ theo văn hóa bọn rợ Tàu.
Mà ngứa bút khua nghiên, lại xổ văn … gừng vài câu đối.
Đối rằng:
Trong nhà năm xe sách vở mối mọt lăm nhăm,
Ngàn dặm bốn hướng sông hồ anh em lố nhố.
Cho nên,
Đầy bè đầy bạn, lo chi chén tạc chén thù,
Không vợ không con, sợ gì tiếng chày tiếng cối !
Dăm lít rượu rừng rượu đế, sớm chiều mặc tình tỉnh tỉnh say say,
Ba bữa cơm nguội cơm ôi, sáng tối chẳng sợ no no đói đói.
Gạo rau phun thuốc, dại gì mà dộng cành hông,
Rượu đế pha cồn ai nói chẳng say tới bến?
Mắt nhìn hí hí, xem cuộc cờ, ung dung nâng chén uống râm ri,
Lời thốt tràn tràn, luận anh kiệt, hào sảng vỗ bụng cười hô. hố.
Đất cằn cây lớn, nơi hàn môn xuất hào kiệt tàng tàng,
Chùa rách Phật vàng, trong áo vá tỏa phong nghi lồ lộ.
Xét mình:
Dù chữ Dũng nào dám sánh Tăng Sâm,
Còn chữ Hiếu vẫn thua xa Tử Lộ.
Đức mỏng, đâu dám đo cùng bậc thánh, bậc hiền.
Tài hèn, chẳng đủ bàn chuyện kim, chuyện cổ!
Chẳng qua:Ū
“Phú quý do thiên”
Quan trường tại số.
Cam La má tròn phinh phính đã đạt công khanh
Bá Lý tóc trắng phơ phơ mới ngồi trướng hổ!
Trên cao chót vót mà dòng suối rộng được mấy tầm?
Dưới thấp lè tè nhưng biển khơi sâu hơn nghìn bộ!
Nơi quyền môn có khi thừa kẻ vô lại tham tàn.
Chốn thảo lư lại chẳng thiếu bậc tài hoa đức độ!
Chớ gặp khi thất thời mà dấm dứ dấm da,
Đừng cậy lúc thượng phong mà xí xa xí xố!
Chỉ tiếc cho:
Núi cao nghìn trượng mà chẳng còn đá cứng gươm mài,
Trời rộng thênh thênh lại chẳng dung đại bằng cánh vỗ!
Chua xót lắm! Bụng kinh luân mà giống túi đựng cháo đựng cơm,
Cay cú thay! Vai thao lược lại thành giá máng quần máng áo! *
Thả cần sông Vị. mà vắng người Văn, Vũ; chỉ hoài công chờ vận đợi thời,
Đốt lửa non Lương, lại bặt tăm Tiều, Tống; đành phí sức đốn cây cưa gỗ!
Cái lợi cái danh, từ xưa kèo cựa một mớ ba đồng,
Cái đức, cái tài, ngày nay xa cạ một đồng ba mớ!
Nghênh ngang ngọn bút, mà hùng tâm chưa vọt thấu chín tầng,
Sang sảng lời thơ mà khẩu khí còn nằm im mấy độ !
Tâm đắc quá:
“Bần tiện bất năng di
Uy vũ bất năng khuất”
Thì sá chi câu:
“Tiểu nhơn đắc thế tợ điểu phi thiên,
Quân tử thất thời như ngư vô thủy”
Hôm nay,
Ngà ngà men rượu, hứng chí viết dăm chữ lăng nhăng,
Thân thiết bạn hiền, vui miệng nói vài câu nhí nhố.
Chúc mọi người an lạc bốn hướng đông tây,
Hưởng mùa xuân hạnh phúc nhất nhì kim cổ!

KHA  TIEM LY
* Trộm ý câu: "Giá áo túi cơm"


Nguồn : từ email của TG Kha TIệm Ly gửi lamngoc
NM hân hạnh được chia xẻ với bạn đọc blog NM một bài phú hay  và cảm ơn Kha huynh.

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

LẬP XUÂN - THƠ NGUYỄN KHÔI






          LẬP XUÂN
   ( Nhái thơ Nguyễn Bính)
                  -----
Hôm nay lập xuân, mai là xuân
Vãng cảnh bên trời nhớ cố nhân
Sớm nay đứng ngắm phương trời thẳm
Chim Việt cành Nam cánh phân vân...
Hôm nay lập xuân, mai là xuân
Vọng về Chiêm Quốc thuở Huyền Trân
Đồ Bàn thành cũ in gót đỏ
Ai người một bước quá Hải Vân...
Hôm nay lập xuân, mai là xuân
Thương cánh Mai vàng ở miền Trung
Cái nắng trang trang trời Bến Nghé
Để thèm mưa bụi đất Thăng Long...
Hôm nay lập xuân, mai là xuân
Ai người đi lễ tới Lạng Sơn
Có qua Ải Bắc , ta gửi với
Thăm bạn Biên phòng cặp Bánh Chưng...
Hôm nay lập xuân, mai là xuân
Ai người sắm tết cúng Táo Quân
Nhớ khấn giùm ta lên Thượng Đế
Đường phong quang còn lắm phong trần...
Hôm nay lập xuân, mai là xuân
Ai người cách trở cõi trời Nam
Xứ người Tuyết bỏng đang nhớn nhác
Ukraina súng nổ đì đùng...
Hôm nay lập xuân, mai là xuân
Ai người xuất khẩu phận Dâu con
Kiếm được miếng cơm đời vất vả
Trông về quê mẹ lệ đằm khăn...
Việt Nam ơi !
Lập xuân. Lập xuân sang xuân rồi
Đất trời mở cửa cánh Hồng tươi
Riêng ta thương nhớ mãi không thôi...

      Lập Xuân 2015- Ất mùi

          
             NGUYỄN KHÔI

Nguồn : từ email của TG NGUYỄN KHÔI gửi lamngoc
NM cảm ơn nhà thơ NK đã chia xẻ một bài thơ hay

Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

TA VẪN BÊN ĐỜI NGÓNG TIN XUÂN -THƠ HOÀNG YÊN LYNH






TA VẪN BÊN ĐỜI
NGÓNG TIN XUÂN.


Ở đây rừng núi mênh mông
Vời trông cố quận chiều không khói chiều
Xuân lại về - xuân quạnh hiu
Mà ta bóng ngã liêu xiêu cuối trời
Về cùng ta bạn bè ơi
Hàn ôn tâm sự rượu vơi lại đầy
Cạn chung đi tình còn say
Bốn mươi năm cũng đắng cay với ngưởi
Thì ra tóc đã trắng rơi
Hỏi ai , ai nhớ hỏi người ai quên
Uống đi trăng ngã bên thềm
Một tin xuân nữa chạnh niềm bể dâu
Về đâu - đời ta về đâu
Chỉ ta gặm nhắm nỗi đau nhân tình
Đời lênh đênh tình lênh đênh
Ta ôm dĩ vãng chông chênh với đời
Rừng khuya trăng đầy lại vơi
Ơi tin xuân vẫn chơi vơi chốn nào
Bao năm rồi... đời nôn nao
Lòng ta cứ mãi chiêm bao người về
Người về mòn gót sơn khê
Người về bến nước sông quê đợi chờ
                   &
Đợi người chỉ mấy vần thơ
Rằng xuân thôi hết hững hờ - xuân qua
Xuân nồng ấm lại tình ta
Rượu đời cạn chén,bao la tình người
Ta chờ ta đợi xuân ơi ...
Xuân đi xuân đến bên đời...có ta.
Vầng trăng cũ với muôn hoa
Xuân ơi hát lại khúc ca ... xuân nồng
Tình xuân ta vẫn chờ mong ..

.
HOÀNG YÊN LYNH

Nguồn : từ email của TG Hoàng Yên Lynh gửi lamngoc
NM cảm ơn nhà thơ HYL đã chia xẻ một bài thơ hay.

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

GÁI ĐẸP LÀNG HOA -THƠ NGUYỄN KHÔI




GÁI ĐẸP LÀNG HOA
(Tặng : Tô Ngọc Thạch)
           ------
Ai có về Hạ Lũng
Xin vãng cảnh Làng Hoa
những khuôn viên xinh xắn
những dáng người thướt tha...
Em xinh như bông Hồng
long lanh hạt sương sớm,
Em như bông Lay Ơn
tỏa một vầng trăng sáng...
Bao chàng trai bốn phương
Kén vợ về Hạ Lũng :
-Yên tâm có vợ hiền
-Sướng đời có vợ đảm.
Để làm rể Hạ Lũng
Phải là chàng trai tài :
-Yêu thương vợ hết mực
-Họ hàng rộng vòng tay...
Làng Hoa - làng gái đẹp
Có một cô ở đây
Yêu từ thuở mười bảy
Nửa thế kỷ còn say.
            --
Hạ Lũng- Hải An- Hải phòng
        xuân 2015
   NGUYỄN KHÔI

Nguồn: từ email của TG Nguyễn Khôi gửi lamngoc
NM cảm ơn nhà thơ NK thường xuyên chia xẻ những bài hay