CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

ĐỌC ''BÓNG NÚI VÀ ANH '' THƠ VẠN LỘC. - CHÂU THẠCH





ĐỌC “BÓNG NÚI VÀ ANH” THƠ VẠN LỘC

                              

BÓNG NÚI VÀ ANH

(Nhớ nhà thơ Tường Linh!)

 

Duyên thơ mới được gặp anh

Bốn mươi năm nhớ thời xanh một thời

Yêu thơ lại được gặp người

Khiêm nhường bóng núi, dáng ngồi cao hơn

 

Nhớ anh, nhớ Ngũ Hành Sơn

Nhớ mây đầu ải Hải Vân, Sơn Trà

Mỗi làng, mỗi xóm anh qua

Quảng Nam đâu chỉ ruột rà yêu thương

 

Nhúm nhau mẹ chôn sau vườn

Quế Sơn, Trung Phước nương hồn về quê

Chim vịt kêu chiều đèo Le

Trà My, Tiên Phước, sơn khê chín chiều

 

Thơ anh từng chữ chắt chiu

Nỗi niềm xa xứ luôn neo tim người

Lúc vui đọc nghe thơ vui

Khi buồn thơ cũng ngậm ngùi với ta

 

Bây giờ vời vợi chiều xa

Ngó bóng núi, thương quê nhà thơ anh

                       VẠN LỘC

 

Lời bình;  Châu Thạch

 

 Trước khi bàn đến bài thơ “Bóng Núi Và Anh” của nhà thơ Vạn Lộc, người viết nghĩ rằng nên viết qua về nhà thơ Tường Linh, để ai còn xa lạ với nhà thơ này sẽ hiểu biêt về ông, hầu dễ đồng cảm với bài thơ của Vạn lộc.

 

Tường Linh tên khai sinh: Nguyễn Linh, Sinh 12/ 12/ 1931, mất 5 /02/2021, quê quán Trung Phước, Nông Sơn, Quảng Nam. Ông là nhà thơ có gia tài thơ ca lớn, thường lấy đề tài trung tâm là miền đất và con người xứ Quảng Nam. Ông có nhiều bài thơ nổi tiếng như  "Chị Điện Hòa", "Năm cụm núi quê hương"…


Tường Linh có gia tài văn học lớn với 11 tập thơ, 130 truyện ngắn và tùy bút, 36 hồi ký. Các sáng tác của Tường Linh xoay quanh kỷ niệm về quê hương. Bút pháp Tường Linh mộc mạc, chất chứa một tình cảm chân thành, da diết và sâu lắng. Hình ảnh trong thơ Tường Linh phần nhiều về miền đất và con người xứ Quảng, về dòng sông Thu Bồn thân thương và thơ mộng. Thơ quê hương của Tường Linh không bị trùng lặp, luôn gợi lên nhiều rung động mới. Tình cảm dành cho quê hương chiếm vị trí cao trong thơ Tường Linh. Tường Linh từng phát biểu: “Nếu sinh ra tại một nơi khác không phải Quảng Nam, không chắc gì tôi đã trở thành một văn nghệ sĩ dù là văn nghệ sĩ nghiệp dư.”

 

Bài thơ “Bóng Núi và Anh” Vạn lộc viết về Tường Linh với cảm xúc mến yêu và kính trọng một nhân tài văn học đồng hương. Châu Thạch tôi viết cho bài thơ nầy cũng với lòng kính yêu Tường Linh, một thi nhân mà tôi cảm phục từ buổi thanh xuân, và thú thật, cũng bởi cảm xúc từ sự chân thành của Vạn lộc. Sự chân thành đó khiến tác giả viết  nên một bài thơ hay đáng trân trọng.

 

Vào khổ đầu của bài thơ ta thấy ngay một bóng núi, bóng núi chớ không phải là núi:

 

Duyên thơ mới được gặp anh

Bốn mươi năm nhớ thời xanh một thời

Yêu thơ lại được gặp người

Khiêm nhường bóng núi, dáng ngồi cao hơn

 

Dáng ngồi của Tường Linh trong thơ cao hơn một bóng núi. Vạn Lộc dùng từ ngữ vô cùng khôn ngoan. Bằng phương pháp hình tượng hóa, nhà thơ Vạn Lộc đã gởi được nhân cách, địa vị, uy tín của Tường linh vào thơ một cách khiêm nhường. Nhà thơ không dùng chữ “núi” mà chỉ dùng chữ “bóng núi” làm cho lời thơ tôn vinh trở nên nhã nhặn, hình ảnh tôn vinh trở nên đẹp mà giản dị, không phô trương quá đáng.

 

Qua khổ thơ thứ hai, Vạn Lộc dựng cái bóng núi đang ngồi đó lên thành Ngũ Hành Sơn, Hải Vân, Sơn Trà, mỗi làng mỗi xóm, làm cho bóng núi trở nên vô vàn thân thương và yêu quý :

 

Nhớ anh, nhớ Ngũ Hành Sơn

Nhớ mây đầu ải Hải Vân, Sơn Trà

Mỗi làng, mỗi xóm anh qua

Quảng Nam đâu chỉ ruột rà yêu thương

Tất nhiên Tường Linh không phải là Ngũ Hành Sơn, Hải Vân, Sơn Trà, mỗi làng mỗi xóm để nhớ anh là nhớ những nơi đó, nhưng Tường Linh có thơ xuất sắc viết về những nơi đó, khiến bút danh Tường linh trở thành biểu tượng của những gì Vạn Lộc yêu dấu. Vạn lộc yêu dấu quê hương mình nên yêu dấu thơ Tường Linh là phải, bởi những địa danh thắm thiết trong con tim nóng hổi đã được thơ Tường Linh dựng lên sống động, từ đó Tường Linh cũng hiện hữu cùng địa linh trong tâm hồn nhà thơ Vạn lộc. Nếu ai từng đọc thơ Tường linh thì sẽ nhận thấy sự điêu luyện nhuần nhuyễn trong bút pháp hình ảnh hóa Tường Linh trong thơ Vạn Lộc.

 

Qua khổ thơ thứ ba, Vạn Lộc đã thu những bức tranh quê hương mênh mông cẩm tú nhỏ lại như nhúm nhau, như con chim vịt để cô đọng tình yêu quê hương ấy vào lòng, làm sống dậy  trong máu thịt mỗi người biết bao kỷ niệm yêu dấu thân thương mà nơi chôn nhau cắt rốn đem lại cho mình:

 

Nhúm nhau mẹ chôn sau vườn

Quế Sơn, Trung Phước nương hồn về quê

Chim vịt kêu chiều đèo Le

Trà My, Tiên Phước, sơn khê chín chiều

 

Trong khổ thơ nầy, nhà thơ cũng nhắc đến những địa danh nhưng không phải những danh lam thắng cảnh hùng vỹ nữa, mà là nơi “Quê hương là chùm khế ngọt, là con diều biếc, là cầu tre nhỏ, nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành  người”. Câu thơ “Trà My, Tiên Phước, sơn khê chín chiều” là một câu thơ tích tụ nhiều câu ca dao ngọt ngào trong tâm khảm mỗi người. Đọc câu thơ nầy không mấy ai không nhớ “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều” và còn biết bao câu ca dao “chiều chiều…” khác đã lắng đọng thấm thía trong lòng mỗi người nỗi nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ tình yêu hay nhớ làng nhớ xóm.

 

Từ khổ thơ thứ hai chuyển qua khồ thơ thứ ba, Vạn lộc như chuyển cung điệu bài thơ, thu con mắt nhìn xa trông rộng vào nội tâm mình, hướng nhìn vào kỷ niệm thân thương trong ký ức, để rồi qua khổ thơ thứ tư, nhà thơ trực tiếp tán dương thơ Tường Linh, xem đó là những điều đánh động con tim yêu thơ cúa mình:

 

Thơ anh từng chữ chắt chiu

Nỗi niềm xa xứ luôn neo tim người

Lúc vui đọc nghe thơ vui

Khi buồn thơ cũng ngậm ngùi với ta

 

Nhà thơ Tường Linh đã qua đời, Vạn Lộc dùng bóng núi để đồng hóa sự nghiệp văn chương của ông vào đó. Sự nghiệp  đó còn sừng sững ngàn đời, nó không phải là núi vì Vạn lộc muốn tránh tiếng đời dị nghị, nhưng sự thật nó vẫn là núi, núi cao hay núi thấp để cho văn học sử ngày sau nhận định. Với tôi, chữ  bóng núi nên thơ và thi vị hơn chữ núi, nó làm cho hai câu thơ cuối cùng của Vạn Lộc thành hình ảnh lung linh trong nắng chiều, gợi thương gợi nhớ trong tâm hồn của mỗi chúng ta mà ngàn xưa cho đến ngàn sau vẫn tồn tại trong những câu ca dao đất Việt:

 

Bây giờ vời vợi chiều xa

Ngó bóng núi, thương quê nhà thơ anh



                                             CHÂU THẠCH


Thứ Tư, 28 tháng 2, 2024

NHỮNG ĐỨA TRẺ SỐNG, CHẾT TRONG BÀI HÁT CHIẾN TRANH… ĐI QUA TÔI - TRẦN HỮU NGƯ






 
NHỮNG ĐỨA TRẺ SỐNG, CHẾT
TRONG BÀI HÁT CHIẾN TRANH…ĐI QUA TÔI

Năm 1972, trên “Đại lộ kinh hoàng” (từ ngày do nhà báo Nghy Thanh đặt), báo chí đăng một bức hình em bé bú vú mẹ lúc người mẹ đã chết trên “Đại lộ kinh hoàng”! Bức hình đã làm xúc động nhân loại trên khắp thế giới. (Tôi có mua tờ báo này, giữ để làm tài liệu, nhưng tiếc rằng “tôi bỏ của chạy lấy người sau 1975” nên đã mất. Tôi còn mất một tấm hình “vô giá”, tấm ảnh Ngô Đình Diệm chụp với mấy chị Thanh Niên Cộng Hòa. Bây giờ nếu còn bức ảnh này, bán đấu giá cũng được… một tỷ! Sở dĩ tôi có tấm hình này là có một ngày, tôi bỗng dưng vào Dinh Độc lập… chơi, được một nhân vật quan trọng cho.
Bức ảnh “Em bé bú vú” do Trần Khắc Báo,Thiếu uý TQLC chụp (?) và đứa bé này đã được TQLC/VNCH đưa về nuôi dưỡng ở Cô Nhi viện.
Đứa bé bú vú mẹ ngày ấy, bây giờ là Trần Thị Ngọc Bích hiện làTrung tá TQLC Hoa Kỳ.
Cuối năm 1972, Ngọc Bích là đứa trẻ mồ cô được nuôi ở Cô nhi viện Quảng Trị (?) đã được Trung sĩ James Mitchell xin làm con nuôi đưa về Mỹ. Lúc bấy giờ, Ngọc Bích mới chỉ được 6 tháng tuổi.
Nghe nhạc viết về những đứa trẻ trong Chiến tranh, tôi kêu thầm: Dã man quá, khủng khiếp quá! Đâu có viên thuốc tiên nào chữa lành vết thương những đứa trẻ sinh ra trong Chiến tranh và Tòa án nào để xử tội những kẻ đã giết hại trẻ thơ vô tội?
Một ngày, tôi đến Bảo tàng Chứng tích Chiến Tranh ở Saigon. Xem xong, ra về tôi mất ngủ mấy đêm… vì những hình ảnh “Chứng tích chiến tranh của những trẻ thơ”.
***
Có hai loại nhạc viết về những đứa trẻ trong thời Chiến tranh:
-Nhi đồng ca
-Tuổi trẻ sống, chết… dữ dội, trong Chiến tranh.
Có thể nói “Nhi đồng ca” là những bài hát tuổi thơ của một thời êm đềm như một dòng sông, mặc dù thời gian này là Chiến tranh. Những bài hát tuổi thơ xanh mướt như cánh đồng mạ non, xinh tươi như những buổi bình minh chim hót, mát như ngọn gió thổi qua những buổi trưa hè, như một màu hồng tươi của ráng chiều được chấm phá bởi những cánh chim bay về tổ ấm.
Người chủ xướng “Nhi đồng ca” từ thời 1970 là nhạc sĩ Lê Thương, ông đứng đầu danh sách những nhạc sĩ viết về tuổi thơ của một thời Chiến tranh đạn réo bên tai, máy bay gầm trời, đại bác đêm đêm…, những đứa trẻ ngơ ngác lẫn hồn nhiên nhìn Chiến tranh như một trò chơi đá gà, đá dế!
Chiến tranh đã qua đi, những đứa trẻ ngày ấy trong đó có tôi, bây giờ cũng đã… già, nhưng làm sao quên được những bài hát mà nhạc sĩ đã cống hiến cho tuổi thơ với những lời ca vang vọng, trong sáng, với những âm thanh rực rỡ một thời của các nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát, Võ Đức Thu, Phạm Duy, Hoàng Qúy, Lưu Hữu Phước, Lưu Quỳnh, Vân Thanh, Ngô Ganh, Phạm Trọng. Lê Cao Phan, Hùng Lân, Y Vân, Phùng Sửu, Lê Dinh, Minh Kỳ, Minh Lương Hồ Tấn Vinh, Bùi Tuấn Anh, Lương Phương, Viết Chung, Văn Lương…
Nhạc tuổi thơ thì nhiều, nhưng có một số bài hát “gối đầu giường” thật khó mà quên được như: Thằng Cuội, Tuổi thơ (Lê Thương), Trường làng tôi (Phạm Trọng) Em bé quê (Phạm Duy), Nắng tươi, Nước non Lam Sơn, Bóng cờ lau (Hoàng Qúy), Hè về (Hùng Lân), Rước đèn tháng tám (Vân Thanh), Tía em Má em (Văn Lương)…
Một vài bài hát tuổi thơ đi qua trong Chiến tranh nó vẫn nằm trên đầu môi chót lưỡi khi nói về tuổi thơ trong Chiến tranh của thế kỷ trước:
“… Lùa trâu nhốt chuồng, gánh nước nữa là xong
Khoai lùi bếp nóng ngon hơn là vàng!...”
(Em bé quê – Phạm Duy)
“… Tía em hừng đông đi cày bừa
Má em hừng đông đi cày bừa
Tía em là một người nông dân
Má em là một người nông đân
Cùng sống trên đồng bao la…”.
(Tía em Má em – Văn Lương)
Đó là những bài hát lừng danh một thời, “Một thứ nhạc Thanh bình trong Chiến tranh”, như một bức tranh sông nước, ruộng đồng, rừng xanh, đồi núi, biển cả…, thuở ấy, con người Việt Nam, đất nước Việt Nam đẹp đến vô ngần, đẹp đến xốn xang, đẹp đến chói lòa!
Nói làm sao cho hết những bài “Nhi đồng ca” đã đi qua trong Chiến tranh, trong sáng như tuổi thơ không nhuốm màu xanh, đỏ, vàng, tím, của thời cuộc, không bị người lớn xách tai, đét roi vào đít bắt tuổi thơ bắt phải như thế này, phải như thế khác, rồi sùng bái, suy tôn, thế này, thế khác…
Ở bài viết ngắn này, trong một buổi sáng nghe nhạc thường nhật “để tìm kỷ niệm”, tình cờ nghe nhạc phẩm “Chuyện một đêm”, rồi thôi thúc tôi tìm nghe thêm bài hát “Nó”, hai nhạc phẩm này đều của nhạc sĩ Anh Bằng.
Vậy thì, “Nó” là ai?
Trong giọng ca Phương Dung mà người nghe nhạc gọi chị là “Nhạn trắng Gò Công” vỗ đôi cánh lướt êm tưởng chừng thấy được “Nó”, một thằng bé còn sống hạnh phúc bên gia đình, cha mẹ, anh chị em…, nhưng nó “sống như đã chết”:
“… Đêm đêm nó ngủ
Một manh chiếu rách co ro
Một thân côi cút không nhà
Thân em lá cỏ bạn quen ai có đâu xa
Thằng Tư con Tám hôm qua
Trên phố lê la…”
Và “Chuyện một đêm”.
Nhạc sĩ Anh Bằng viết “Chuyện một đêm”, nhưng theo tôi đây là “Chuyện 1.001 chuyện một đêm” trong Chiến tranh của những bà mẹ sống thời chiến, đó là những đứa con đã chết ở trần gian, nhưng “bất-tử” với thời gian. Giọng ca Hoàng Oanh như thanh kiếm mài tóe lửa, sắc bén trên phiến đá, nghe như nghiến răng mang nỗi hờn căm:
“… Bà mẹ đau thương như muối đổ, đổ trong lòng
Chạy giặc ôm con qua những cảnh, cảnh lầm than
Và người con yêu đã chết trên tay lúc nào
Xót xa vạt áo trắng hôm nay hoen máu đào…
Bà đặt con lên đám cỏ phủ sương mờ
Tội gì con ơi khi lứa tuổi, tuổi còn thơ
Bà mẹ đưa môi hôn trán con yêu giá lạnh
Vuốt ve lần cuối trước khi xa con suốt đời…”.
Và bà đã hỏi một giọng… “từ bi”:
“… Ai, ai đã cướp con tôi?
Ai đã giết con tôi giữa cơn mộng đêm thái bình?...”
Trẻ thơ, Chiến tranh, đói nghèo, sống chết… Và tôi lần nghe tiếp Khánh Ly, một giọng ca như khói thuốc phiện bay qua:
“… Chiều lên đồi cao, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Bên khu vườn một người mẹ ôm xác đứa con…”
(Hát trên những xác người – Trịnh Công Sơn).




Một ngày như mọi ngày, tôi đi tìm nhạc… tôi bắt gặp “Những đứa trẻ sống, chết trong bài hát Chiến tranh”, tôi nghe lại như nghe trong cơn mộng mị, như trong những giấc mơ bay qua mù mịt trong cuộc đời:
“… Mẹ vỗ tay reo mừng Chiến tranh
Chị vỗ tay hoan hô Hòa bình
Người vỗ tay cho thêm hận thù
Người vỗ tay xa dần ăn năn…”
(Hát trên những xác người - Trịnh Công Sơn)
Chị vỗ tay Hoan-hô-Hòa-bình, còn tôi lận đận mang một nỗi buồn vô cớ, mang những vết thương lòng, những dằn vặt sau Hòa bình, hai tay bỗng dưng cứng đơ, nên không giơ lên được nỗi, để vỗ tay từ ngày đầu Chiến tranh vừa chấm dứt!


TRẦN HỮU NGƯ

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

ĐI GIỮA MÙA KHÓI SƯƠNG - THƠ PHẠM QUANG TRUNG



credit Arindam Sen 


ĐI GIỮA MÙA KHÓI SƯƠNG

cầu treo sương khói chiều ơi
đàn chim thất lạc lưng trời thất thanh
từ hôm bỏ lại đô thành
về đây thị trấn tu hành một phen

cầu treo lại nối anh-em
sợi dây oan nghiệt êm đềm thế sao
thôi thôi trả áo lời chào
xin về trần thế chia nhau ngọt ngào

cầu treo hạnh phúc xanh xao
dò đi-đi mãi lạc vào mộng du
bên người có chừng đấy ư
lại rồi đưa tiễn cuộc phù dung tan

cầu treo hun hút chiều tàn
con chim đứng ở bên đàng sông mây
thế thôi lại bỏ chốn này
núi non ẩn dật kiếp rày tịnh tâm

chiều ơi con sóng thì thầm
hiệp tan là cuộc luân trầm thế thôi
ngó mây bàng bạc trôi trôi
tiếc chiều mà đứng gọi ơi ơi chiều

chiều ơi còn biết bao điều
nhiều khi cứ muốn nói liều, lại thôi
cầu treo sương khói phủ rồi
chùng bàn chân bước hỡi ôi tiếc chiều
(khổ cuối Uyen Nguyen )


PHAMQUANGTRUNG


 

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2024

CÔ GÁI CỦA THÁNG MƯỜI HAI - TỪ KẾ TƯỜNG

 



CÔ GÁI CỦA THÁNG MƯỜI HAI

Quán vắng, chỗ ngồi thoải mái, không gian thích hợp, nhạc trữ tình thoang thoảng như gió ngoài những tán cây xanh đưa vào, nước chảy róc rách trong hồ, những cái lu sành giả cổ trang trí và một người, một cô gái, một phụ nữ xinh đẹp ngồi đối diện, đủ yêu thương, đủ tin tưởng để trút cạn tâm sự ngổn ngang hoặc ẩn dụ tình cảm như bông hồng thì quả là hạnh phúc đang có thật chứ không phải hình như…là hạnh phúc gì nữa.
Em không phải là người cũ, năm xưa mà là cô gái tôi mới quen trong tháng mười hai, những ngày đi về phía cuối năm. Người phụ nữ có gương mặt, đôi mắt, mái tóc, nụ cười, hình dáng của một kỷ niệm chôn rất sâu, sâu tới những tầng địa chấn, những mạch nước ngầm đã làm tôi bừng dậy như người mộng du đi tìm hình bóng cũ.
Em rất dễ thương, rất ý nhị, càng nói chuyện nghiêm túc hay bất giác vui đùa, trêu chọc nhau, lúc giả vờ, lúc cố ý, khi hỏi “xoáy đáp xoay” tôi càng thấy em có đủ tâm hồn, bóng sắc làm thành chất liệu để tôi vẽ một tranh người phụ nữ tôi yêu thương, đủ nhạy cảm tuổi trưởng thành trong tâm hồn trong trẻo của trẻ con mà tôi yêu thương sâu đậm. Em đã làm tháng mười hai u buồn, những ngày cuối năm cô độc, lạnh lẽo của tôi trở nên ấm áp, hạnh phúc, và trong sáng long lanh.
Em ngồi với tôi suốt buổi trưa sang buổi chiều, cà phê thấm giọng, cơm văn phòng chống đói, nhưng cả tôi và em đều quên bẵng thời gian. Cho đến khi em giật mình, nhớ ra cái hẹn với công việc trong công ty, em đã ngập ngừng cho tôi biết em phải về bằng ánh mắt ngại ngùng, tiếc nuối vì không thể nào làm khác hơn. Rồi em quay bước, cũng hình dáng ấy, mái tóc ấy, bờ vai ấy, khoảng lưng ấy bước lên những bậc tam cáp đá xanh, qua khỏi hồ nước, nhòa vào màu nắng buổi chiều đang xuống.
Tôi ngồi lại với ly cà phê uống dở của mình. Chỗ trống trên chiếc ghế đối diện em bỏ lại. Mặt bàn có một bình hoa tủy tinh thấp, hình vuông, nhỏ, cắm vừa đủ mấy bông cẩm chướng Đà Lạt, loài hoa mà tôi yêu thích từ khi biết lang thang những ngày cuối năm trên những con dốc cao lên tới tận đỉnh sương mù và các tên hoa đủ sắc màu bừng nở của Đà Lạt trước Noel từ những ngày xa lắm rồi chưa có dịp quay lại.


TỪ KẾ TƯỜNG

Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

DU SƠN TÂY THÔN- LỤC DU , ĐỖ CHIÊU ĐỨC DIỄN NÔM


                       
                   
                           


Góc Đường Thi : 
             
                   Bài thơ  DU SƠN TÂY THÔN 
                 
                   



             Sơn cùng thuỷ tận nghi vô lộ,         山窮水盡疑無路,
             Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn !  柳暗花明又一村!
Có nghĩa :
     Núi đã cùng, nước đã tận, ngỡ là đã cùng đường rồi, không ngờ phía trước lại có ... Liễu xanh om hoa rực rỡ lại đưa ta đến một thôn làng khác nữa !
     Câu nầy còn dùng để chỉ : Những việc tưởng đâu đã hết hi vọng rồi, nào ngờ lại mở ra được hướng giải quyết mới còn tốt hơn là cơ hội cũ nữa ! Ta hay đọc thấy câu nầy trong  các truyện xưa, nhất là trong các truyện võ hiệp kỳ tình Trung Hoa :
                 Non cùng nước cạn ngờ vô lối,
                 Liễu biếc hoa hương lại một thôn !

     Thực ra đó là 2 câu Thực trong bài Du Sơn Tây Thôn của Lục Du đời Tống. Hai câu thơ đó nguyên là :

        山重水復疑無路, Sơn trùng thuỷ phục nghi vô lộ,        
        柳暗花明又一村。 Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn.         

       Nhưng trong THIÊN GIA THI 千家詩 đã chép sai  " Sơn Trùng Thủy Phục 山重水復 " thành " Sơn Cùng Thủy Tận 山窮水盡 " là câu nói quen miệng của dân gian. Hai cách nói nầy khác nhau rất xa, nếu ta phân tích theo văn chương, còn đối với giới bình dân thì cho là " Ý nghĩa của NÓ cũng tương đương với nhau " mà thôi !

     * SƠN TRÙNG THUỶ PHỤC 山 重 水 復 : SƠN TRÙNG là Núi trùng trùng điệp điệp, hết núi nầy đến núi khác, nên ở xa nhìn thì thấy toàn núi là núi. THỦY PHỤC là Hết dòng nước nầy đến dòng nước khác, nên nhìn thấy toàn nước là nước.
        Vì NÚI và NƯỚC trùng phục ở trước mặt, cho nên mới NGHI VÔ LỘ 疑 無 路 : là " Ngỡ là đã hết đường đi rồi ". Nên mở ra câu sau rất thú vị không ngờ là :
         Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn !  柳暗花明又一村!
  Còn nếu là ...
     * SƠN CÙNG THỦY TẬN 山窮水盡 : là Núi đã Cùng đường rồi, Nước cũng đã tận cùng rồi, là ở nơi Cuối Đất Cùng Trời rồi, thì đâu có NGHI VÔ LỘ nữa, mà là CHUNG VÔ LỘ 終無路 là Rốt cuộc đã " Hết Đường Đi Thật rồi !" thì làm sao còn có câu sau là : Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn  柳暗花明又一村 cho được !

        Bây giờ thì ta hãy đọc toàn bài thơ của bài Du Sơn Tây Thôn này nhé :

    遊 山 西 村                     Du Sơn Tây Thôn
莫 笑 農 家 臘 酒 渾,    Mạc tiếu nông gia lạp tửu hồn,            
豐 年 留 客 足 雞 豚。    Phong niên lưu khách túc kê đồn      
山 重 水 復 疑 無 路,    Sơn trùng thuỷ phục nghi vô lộ        
柳 暗 花 明 又 一 村。    Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn         
簫 鼓 追 隨 春 社 近,    Tiêu cổ truy tuỳ xuân xã cận   
衣 冠 簡 樸 古 風 存。    Y quan giản phác cổ phong tồn           
從 今 若 許 閑 乘 月,    Tòng kim nhược hứa nhàn thừa nguyệt         
拄 杖 無 時 夜 叩 門。    Trụ trượng vô thì dạ khấu môn.          
                    陸 游                                      Lục Du   

     


CHÚ THÍCH :           
    * LẠP TỬU : Lạp là Tháng Mười Hai Âm Lịch, ta đọc trại thành Thánh CHẠP, nên Lạp Tửu là rượu của tháng Chạp, rượu được ủ để uống vào dịp Tết Âm Lịch.
    * PHONG NIÊN 豐 年 : là Năm Được Mùa.
    * KÊ ĐỒN : Kê là Gà, Đồn là Heo.
    * XUÂN Xà春 社 : là Ngày Mậu Nhựt thứ 5 sau tiết Lập Xuân làm ngày XUÂN Xà để cúng tế Thần Làng, như ta cúng Đình Làng vậy, để cầu cho sang năm lại được trúng mùa. Vì thế mà có thổi tiêu đánh trống ...
     * 從 今 若 許 閑 乘 月 Tòng kim nhược hứa nhàn thừa nguyệt : là Từ nay về sau nếu như có rảnh rổi thì hay thừa lúc trăng sáng ...
     * 拄 杖 無 時 夜 叩 門 Trụ trượng vô thì dạ khấu môn : là Hãy chống gậy mà đến gỏ cửa nhà ta bất cứ lúc nào trong đêm ( cũng hổng sao !). VÔ THÌ : là Bất cứ lúc nào.

NGHĨA BÀI THƠ : 
                         Dạo Chơi Thôn Xóm Núi Tây
          Xin đừng cười chê thứ rượu tế lễ không được trong của nhà nông trong tháng Chạp. Năm nay được mùa, nên giữ khách lại, đủ cả heo gà để đãi khách. Đừng vì núi liền với núi sông liền với sông mà ngỡ rằng đã không còn đường để đi tới, vì thấp thoáng trong bóng râm rặng liễu và khóm hoa tươi đẹp rực rỡ phía trước sẽ lại mở ra một thôn làng mới. Trống tiêu như giục giã vì ngày tế lễ đầu xuân đang gần kề. Áo mũ giản dị nhưng vẫn theo tục lệ cũ còn giữ lại. Từ nay về sau nếu như có rảnh rổi thì cứ thừa lúc trăng sáng ... Hãy chống gậy mà đến gỏ cửa nhà ta bất cứ lúc nào trong đêm ( cũng hổng sao, vì ta luôn luôn sẵn sàng đón tiếp ! )

        Đây là cảnh nông dân ăn Tết ở Tây Thôn là một làng miền núi của một năm được mùa, chất phác chân thật mà nhiệt tình của đời sống thôn dã sau một năm cày sâu cuốc bẫm.             





DIỄN NÔM :

                       DẠO NÚI XÓM TÂY

                Thôn dã chớ cười rượu nhạt phèo,
                Cuối năm đãi khách sẵn gà heo.
                Núi liền sông nước ngờ vô lối,
                Liễu rũ đường hoa đến xóm nghèo.
                Tiêu trống rộn ràng Xuân Xã đến,
                Áo xiêm giản dị cổ phong theo.
                Từ nay nếu rảnh đêm trăng sáng,
                Gỏ cửa cùng vui gậy khẳng kheo.
 Lục bát :
                Chớ cười rượu lễ nhạt phèo,
                Được mùa đãi khách gà heo sẵn sàng.
                Non liền nước ngỡ hết đàng,
                Hoa chào liễu đón thôn làng lại sang.
                Trống tiêu xuân xã rộn ràng,
                Tục xưa áo mão nghiêm trang chỉnh tề.
                Từ nay trăng sáng đi về,
                Thăm nhau gỏ cửa chẳng nề đêm thâu.
                                                     Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

       Hẹn bài dịch tới !

                                       杜紹德
                                  ĐỖ CHIÊU ĐỨC

BẢN DỊCH CỦA SONG QUANG:

TÂY THÔN DẠO NÚI

Đừng cười ta đãi đằng rượu nhạt 
Tiệc cuối năm thết khách heo gà
Núi sông liền lối mất xa
Đường hoa khóm liễu hiện ra xóm làng
Xuân sắp đến rộn ràng trước ngõ
Áo xiêm xưa chẳng bỏ đơn sơ
Từ nay trăng sáng đầu bờ
Tự nhiên gõ cửa ta chờ người sang

SONG QUANG


Thứ Tư, 21 tháng 2, 2024

LÝ CHIM CHIỀU - THƠ HUỲNH TÂM HOÀI, NHẠC NGUYỄN HỮU TÂN






LÝ CHIM CHIỀU
THƠ HUỲNH TÂM HOÀI
NHẠC NGUYỄN HỮU TÂN
HOÀ ÂM ĐỖ HẢI
CA SỸ MINH ĐẠT


THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH : THẤT ,THỆ,THIỀM, THIÊN - ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 

 

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 107 : 

                             THẤT, THỆ, THIỀM, THIÊN.


                                      Giữa giường THẤT BẢO ngồi trên một bà                    

     

     THẤT BẢO 七寶 là Bảy thứ báu vật, theo các kinh nhà Phật ghi lại như sau : 

       * Theo《Phật Thuyết A Di Đà Kinh 佛說阿彌陀經》thất bảo là : Xa cừ, Mã não, San hô, Vàng, Bạc, Lưu ly, Chuổi đỏ.

       * Theo《Vô Lượng Thọ Kinh 無量寿經》thất bảo là : Xa cừ, Mã não, Vàng, Bạc, Lưu ly, San hô, Pha lê. 

       * Theo《Pháp Hoa Kinh 法華經》thất bảo là : Xa cừ, Mã não, Vàng, Bạc, Lưu ly, Trân châu, Mai Côi. 


      GIƯỜNG THẤT BẢO là giường có khảm bảy loại qúy giá nói trên của các nhà giàu quý tộc ngày xưa. Trong Truyện Kiều, khi Khuyển Ưng bắt Thúy Kiều về giao cho Hoạn Bà, lúc đã tỉnh thuốc mê, Thúy Kiều nhìn lên thì thấy :


                      Ban ngày sáp thắp hai bên,

                 Giữa giường THẤT BẢO ngồi trên một bà.


      Khi Từ Hải chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh rồi thì :


                      Buồng riêng lựa chốn thanh nhàn,

                   Đặt giường THẤT BẢO vây màn Bát Tiên.

                      Trai anh hùng, gái thuyền quyên,

                  Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cởi rồng.


                 

                        Đặt giường THẤT BẢO vây màn Bát Tiên.


      THẤT TỊCH 七夕 : Đêm mùng bảy tháng bảy Âm lịch. Đêm mà theo truyền thuyết thần thoại Trung Hoa thì Ngưu Lang và Chức Nữ gặp mặt nhau sau một năm xa cách. Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều có câu :


                         Chữ đồng lấy đó làm ghi,

                 Mượn điều THẤT TỊCH mà thề bách niên.


      THẤT TÌNH 七情 : là bảy thứ tình cảm được phân chia theo Trung Hoa quan niệm xưa như sau :

      * Theo Nho Giáo thì Thất tình là : Hỉ(mừng), Nộ(giận), Ái(thương), Ố(ghét), Ai(buồn), Cụ(sợ), Dục(muốn).

      * Theo Phật Giáo thì Thất tình là : Hỉ(mừng), Nộ(giận), Ưu(lo), Cụ(sợ), Ái(thương), Tăng(ghét), Dục(muốn).

      * Theo Trung y thì Thất tình là : Hỉ(Mừng), Nộ(giận), Ưu(lo), Tư(nhớ), Bi(buồn), Khủng(sợ), Kinh(giật mình).


      Cũng trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều khi tả nàng cung phi thất sủng :


                     Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật,

                     Mối THẤT TÌNH quyết dứt cho xong.


       THẤT XUẤT 七出 : là Bảy lý do để cho người chồng cò thể thôi vợ. Theo sách 《Đại Đới Lễ Ký 大戴禮記》đời Tây Chu quy định về THẤT XUẤT và TAM BẤT KHỨ 三不去(Ba điều không thể đuổi vợ đi) như sau đây :

 

      * THẤT XUẤT gồm có : Không hiếu thuận với cha mẹ chồng; Không có con nối dõi; Tà dâm (ngoại tình); Đố kỵ ghen ghét; Nhiều chuyện thị phi; Trộm cắp; Có bệnh nan y.

      * TAM BẤT KHỨ gồm có : Người vợ không có nơi nương tựa (cha mẹ anh em chết hoăc ly tán); Đang trong thời gian chịu tang ba năm với cha mẹ chồng; Cưới vợ khi còn nghèo, bây giờ giàu có rồi thì không thể thôi vợ được. Ngoại trừ Có bệnh nan y và tà dâm.


     Theo bộ luật đời Hồng Đức của nhà Lê, nếu người vợ phạm vào một trong 7 điều nêu trên thì luật pháp bắt buộc người chồng phải bỏ vợ. Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập cũng có câu :


                         Tam tòng trước nàng đã lỗi,

                         THẤT XUẤT rày anh mới phân.


                 

                                  Đại Đới Lễ Ký 大戴禮記 


      THỆ SƯ 誓師 là Lời thề trước quân binh. Theo sách《Hoài Nam Tử .Yếu Lược 淮南子·要略》: Vua Võ làm lễ Thệ Sư ở Mục Dã để thay trời thảo phạt Trụ vương vô đạo. Sau nầy trước khi xuất quân thì chủ soái luôn tập họp binh sĩ lại để làm lễ Thệ Sư, nói rõ mục đích xuất quân và thề quyết chiến thắng.

      Trong Truyện Kiều, Từ Hải trước khi xuất quân đi bắt những người đã hãm hại Thúy Kiều cũng đã :


                                   THỆ SƯ kể hết mọi lời, 

                       Lòng lòng cũng giận, người người chấp uy ! 


      Trong "Hà Thành Chính Khí Ca" của Nguyễn Văn Giai (Ba Giai) ca ngợi sự tuẫn tiết của Tổng đốc Hoàng Diệu có câu :


                           Tiên nghiêm sai đóng trên thành,

                        THỆ SƯ rót chén rượu quỳnh đầy vơi.


     THỆ HẢI MINH SƠN đúng ra là HẢI THỆ SƠN MINH 海誓山盟. Ta hay nói thành "Thề Non Hẹn Biển". Thành ngữ nầy thường dùng để chỉ trai gái thề nguyền yêu nhau cao như non, rộng như biển và mãi mãi trường tồn như non như biển vậy !

     Trước khi bán mình chuộc tội cho cha, Thúy Kiều cũng đã cân nhắc giữa "Duyên hội ngộ" và "Đức cù lao", "Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn ?" xong rồi mới quyết định :


                            Để lời THỆ HẢI MINH SƠN,

                    Làm con trước phải đền ơn sinh thành !


                   

                                HẢI THỆ SƠN MINH 海誓山盟


      THIỀM CUNG 蟾宮 là nói gọn của THIỀM THỪ CUNG 蟾蜍宮 là Cung của con cóc ghẻ. Theo truyền thuyết dân gian Trung Hoa và sách "Hoài Nam Tử" đời Tây Hán 西漢「淮南子」có ghi lại truyện: Hậu Nghệ xin được thuốc trường sinh của bà Tây Vương Mẫu. Hằng Nga lén uống trộm thuốc, rồi bay lên cung trăng ở trong cung Quảng Hàn, bị phạt biến thành con Thiềm Thừ xấu xí, gọi là Nguyệt Tinh. Nên...

      Cung Quảng, Cung Thiềm hay THIỀM CUNG trong văn học cổ đều dùng để chỉ mặt trăng, như trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Trinh Thử" có câu :


                           THIỀM CUNG bóng đã tà tà,

                       Khuyên rằng mau trở lại nhà với con.


       Ta còn có thành ngữ THIỀM CUNG CHIẾT QUẾ 蟾宮折桂 là "Bẻ cành quế trong cung trăng" để chỉ những người thi đậu hoặc gặt hái được danh dự to lớn. Theo Tấn Thư Khích Sân Truyện《晉書·郄詵傳》: 

       Năm Thái Thủy đời Tấn Võ Đế, Lại bộ Thượng Thư Thôi Hồng tiến cử Khích Sân làm Tả Thứa Tướng. Vua bảo Khích Sân tự đánh giá mình. Khích Sân đáp :" Thần như là cành quế trong cung trăng, phiến ngọc qúy ở núi Côn Lôn vậy". Vì tích nầy mà từ đời Đường về sau thành ngữ nầy dùng để chỉ những người đắc ý trong khoa trường. Đậu Tiến sĩ, Trạng Nguyên... đều gọi là THIỀM CUNG CHIẾT QUẾ là Bẻ cành quế trong cung trăng, gọi tắt là BẺ QUẾ, như trong truyện thơ Nôm khuyết danh Phạm Tải Ngọc Hoa (Phạm Công Cúc Hoa) có câu :

 

                             Những mong BẺ QUẾ nên danh,

                        Mà đền công dưỡng sinh thành hai thân.


       Vì là "Bẻ cành quế trong cung trăng" nên còn gọi là "Cành Nguyệt Quế", thành ngữ nầy còn truyền cho đến hiện nay, trong thi đấu các môn thể thao hiện tại, người hạng nhất đoạt huy chương vàng cũng gọi là người đoạt được Cành Nguyệt Quế.


                   

                                         THIỀM CUNG CHIẾT QUẾ 蟾宮折桂


      THIÊN BẢO 天保 là tên bài thơ trong chương Tiểu Nhã của Kinh Thi 詩經.《小雅·天保》là bài thơ của các đại thần ca ngợi công đức của vua chúa đời Tây Chu. Nên Thiên Bảo dùng rộng ra để chỉ những lời chúc tụng, như trong truyện thơ Nôm Nhị Độ Mai có câu :


                           Vóc đề chữ, gấm thêu bài,

                   Vịnh ca THIÊN BẢO, chúc lời Nghiêu hoa.


      THIÊN CHUNG 千鍾 : THIÊN là Một ngàn; CHUNG là cái chuông, cái thùng, là đơn vị đo lường lúa thóc ngày xưa. Nên THIÊN CHUNG là một ngàn chung lúa thóc, chỉ sự giàu sang ngày xưa. Trong truyện thơ Nôm Trinh Thử có câu :


                            Vậy nên gặp cửa người đây,

                   Ngôi cao nhất phẩm, lộc đầy THIÊN CHUNG.


      Còn trong Truyện Kiều thì gọi là MUÔN CHUNG NGHÌN TỨ. MUÔN là Mười ngàn; TỨ là Xe có bốn ngựa kéo. Nên MUÔN CHUNG NGHÌN TỨ là có Mười ngàn chung lúa thóc và cả ngàn xe do bốn con ngựa kéo; Chỉ cảnh giàu sang tột độ của các bậc vương hầu vua chúa. Đó là lời của Từ Hải hứa hẹn trước với Thúy Kiều là :


                              Một lời đã biết đến ta,

                   MUÔN CHUNG NGHÌN TỨ cũng là có nhau.


               

                             QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG 國色天香


       THIÊN HƯƠNG 天香 là nói gọn lại của thành ngữ QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG 國色天香, là Sắc của nước, hương của trời; Ta thường gọi là SẮC NƯỚC HƯƠNG TRỜI hay HƯƠNG TRỜI SẮC NƯỚC để chỉ những người đẹp, những hoa hậu cấp quốc gia.

       Trong Truyện Kiều khi chị em Thúy Kiều du Thanh minh, Vương Quan đã kể về nấm mộ hoang bên đường của Đạm Tiên như sau :


                           Phận hồng nhan có mong manh,

                  Nửa chừng xuân thoắt gãy cành THIÊN HƯƠNG.


       Khi đã rước được Thúy Kiều về chốn trú phường, Mã Giám Sinh nhìn người đẹp đã thầm đánh giá rằng :


                        Đã nên QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG,

                   Một cười này hẵn nghìn vàng chẳng ngoa.

                        Về đây nước trước bẻ hoa,

                   Vương tôn qúy khách ắt là đua nhau...


       THIÊN SƠN 天山 tên một dãy núi ở vùng đông bắc Trung Hoa, giáp ranh với nước Cao Ly xưa. Tương truyền khi Tiết Nhân Qúy đánh Ma Thiên Lãnh, binh lính nhà Đường thương đóng quân ở nơi nầy. Nên THIÊN SƠN trong văn học cổ thường dùng để chỉ nơi núi non hiễm trở, là chiến trường của các đoàn quân hay đánh nhau nơi đây. Trong "Chinh Phụ Ngâm Khúc" của Đặng Trần Côn, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn Nôm có câu :


                    Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi,

                    Dạ chàng xa ngoài cõi THIÊN SƠN.


           

                                    Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai


       THIÊN THAI 天台 là tên một ngọn núi ở phía bắc huyện Thiên Thai trong tỉnh Chiết Giang, mạch núi kéo dài đến các huyện Thiệu Hưng, Ninh Ba. Thiên Thai là ngọn núi mà Lưu Thần Nguyễn Triệu đã gặp tiên nữ, nên thường dùng để chỉ cảnh tiên hay được ví như là cảnh của tiên ở. Như trong Truyện Kiều khi Kim Kiều lần đầu tiên hẹn ước để gặp gỡ nhau lúc cả nhà Vương Viên Ngoại đi mừng thọ ngoại gia chỉ còn có Thúy Kiều ở nhà. Cụ Nguyễn Du đã viết :


                     Xắn tay mở khóa động đào,

                 Rẻ mây trông tỏ lối vài THIÊN THAI.


        Hẹn bài viết tới !


                                                                        杜紹德

                                                                   ĐỖ CHIÊU ĐỨC