CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

DẤU XƯA... BIỂN CHIỀU CỬA VIỆT - Hoàng Yên Lynh, Thanh Bình, Minh Nghĩa







DẤU XƯA ...BIỂN CHIỀU CỬA VIỆT

THƠ : HOÀNG YÊN LYNH
CA SĨ :THANH BÌNH, MINH NGHỈA
VIDEO CLIP: PHÚ ĐOÀN

Theo lời nhà thơ Hoàng Yên Lynh , bài thơ DẤU XƯA ...BIỂN CHIỀU CỬA VIỆT  do anh sáng tác từ năm 2014 (có gửi đăng trong blog của Nhã My) nay được một nhạc sĩ khuyết danh phổ nhạc mà anh cũng không biết tên để liên lạc gửi lời cảm ơn .
NM  cảm ơn các tác giả thơ , nhạc , ca sĩ và bạn LT đã chia xẻ một bản nhạc hay.

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

NGHIÊNG - THƠ KHA TIỆM LY








NGHIÊNG 


Cờ nghiêng tướng sĩ xôn xao,
Ai nghiêng hôn trộm má đào của em?
Bầu nghiêng, lãng tử say mèm
Đèn nghiêng, mới biết màn đêm não nùng.
Gối nghiêng, quạnh quẽ cô phòng
Tóc nghiêng che khuất môi hồng giai nhân
Áo nghiêng rũ bụi phong trần,
Tuổi nghiêng tiếc một trời xuân năm nào
Ai nghiêng nhìn mắt ai trao
Cây nghiêng, lá đổ trăm màu tương tư
Chén nghiêng đợi rót rượu hờ,
Ta nghiêng một chốc, dại khờ trăm năm
Lá nghiêng hứng trận mưa dầm,
Đò nghiêng ta cứ tay cầm tay nhau.
Đàn nghiêng nức nở tơ sầu,
Nón nghiêng nên để qua cầu gió bay!
Chân nghiêng mỏi bước đường dài,
Tay nghiêng tìm một bờ vai ân tình.


Chiều nghiêng che má em xinh,
Bóng nghiêng tìm dáng băng trinh một thời,
Môi nghiêng tìm một bờ môi,
Sầu nghiêng, tìm được một lời nhớ nhung?
Má nghiêng tìm chút thẹn thùng,
Tình nghiêng, để lắm lạnh lùng cho em!
Anh nghiêng tìm chút hương duyên,
Em nghiêng, rớt chút dịu hiền cho anh


Đời nghiêng nặng kiếp phiêu linh,
Khói nghiêng hư ào bóng hình ngày xưa.
Duyên nghiêng tìm nụ hôn thừa,
Lời nghiêng một chút cho vừa lòng nhau.
Vôi nghiêng tìm một lá trầu,
Trầu nghiêng tìm một miếng cau mặn nồng.
Vợ nghiêng tìm ấm hơi chồng,
Chồng nghiêng tìm vợ tấm lòng thủy chung.
Thơ nghiêng, vần điệu não nùng,
Mây nghiêng che núi, nghìn trùng yêu thương.
Đá nghiêng, mấy tuổi đá buồn?
Lợi nghiêng chi lắm mà danh rẻ hời!
Rượu nghiêng tìm chút tình thôi,
Ta nghiêng lần nữa nên đời bơ vơ!

KHA TIỆM LY


Nguồn : từ email của tác giả Kha Tiệm Ly gởi lamngoc.
NM cảm ơn Kha huynh thường xuyên chia sẻ những bài thơ hay.

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

VUI BUỒN GIỖ TỔ - THƠ NGUYỄN KHÔI








     Lời dẫn : Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, trong 3 ngày có tới hơn  8 triệu người về Phú Thọ dự Lễ Hội, riêng sáng mùng 10/3 có tới 1, 5 triệu người chen lấn xông lên Đền trên núi Nghĩa Lĩnh, xuýt gây thảm họa...NK cùng  con cháu Giỗ Tổ tại gia, theo dõi Ti vi mà thót tim, có đôi vần cảm tác :


VUI BUỒN GIỖ TỔ


"Tiếc thay cho đấng Vua Hùng"...
                   ------
( Tăng : Lê Vy & Nguyễn Bàng)
                     *


Giỗ Tổ : vài triệu người đến "lễ"
Cả lũ xông lên, chen lấn "thắp hương"
Bánh Chưng "tấn" dâng lên quá bự (1)
Đức Tổ giáng trần sợ "vãi linh hồn"...(2)
                      *
Lũ hậu duệ - 4000 năm tha hóa
Chẳng lo làm ăn "tưởng niệm" văn minh
Bọn cuồng tín "ăn mày dĩ vãng"
Muốn giầu nhanh "đi tắt" vái Thần linh...
                       *
Ôi Giỗ Tổ "chen nhau lên" lấy được
Ô tô - xe máy bạt mạng  như điên
Vài chục đứa tan xương, nát thịt
Bỏ lại vợ con đói khát, nghèo hèn...
                       *
Thôi, "lai tỉnh", hãy bình tâm "lai tỉnh"
Tự nhìn mình mà "sám hối" tu thân
Hãy ráng sống làm NGƯỜI TỬ TẾ
Hội nhập vươn lên xã hội Văn minh.
---

(1) Bánh Chưng 2, 5 tấn ở Tp HCM.


(2) mượn ý của Nhà văn Vũ Bão "Người vãi linh hồn".

       Hà Nội 10/3/ Bính Thân
         NGUYỄN KHÔI


Nguồn : từ email của TG Nguyễn Khôi gửi lamngoc
NM cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khôi thường xuyên chia xẻ những bài thơ hay.



Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

VỀ QUÊ VỢ ĐÓN RÉT NÀNG BÂN -THƠ NGUYỄN KHÔI








VỀ QUÊ VỢ ĐÓN RÉT NÀNG BÂN
       (Tặng Dương Ninh Ninh)
                  ---------

Tháng 3 nóng, bỗng trở trời lành lạnh
Rét Nàng Bân...được mặc áo vợ đan
Bõ cả tháng đi nằm Bệnh viện
Vẫn gượng đau đan áo cho chồng.
                      
ÔI thời buổi sính dùng "hàng hiệu"
Nào Quảng Châu, hàng Pháp, hàng Nga...
- Ừ đẹp đấy, con gái mua, chẳng thiếu
Áo vợ đan, dẫu muộn, vẫn đượm đà.
                       
Về Hạ Lũng ngắm hoa vườn mẹ
"Dưới bóng Hoàng Lan" hóng gió lạnh mơn man (1)
Cái lành lạnh nghe mát lòng thơm thảo
Áo vợ đan vừa dịp Rét Nàng Bân.

        Làng hoa Hạ Lũng (Hải Phòng) 
              18-4-2016 (12-3 Bính Thân)
            NGUYỄN KHÔI

Nguồn : từ email của TG Nguyễn Khôi gửi lamngoc.
NM cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khôi thường xuyên chia xẻ những bài thơ hay.

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

TRÀ VINH -CHÙA HANG



Có nhiều chùa ở Việt Nam mang tên Chùa Hang như chùa hang Trà Vinh ,chùa hang Châu Đốc, chùa hang Tuyên Quang ,chùa hang Bình Thuận ,chùa hang An Giang, chùa hang Hóc Môn, chùa hang ở Kiên Giang.


CHÙA HANG Ở TRÀ VINH





(Ảnh  của NM)



   Chùa Hang là một trong những chùa đẹp nhất ở tỉnh Trà Vinh.

Chùa Kompông Chrây (có nghĩa là "bến cây đa")  còn có tên là Kompongnikroth (Tên chính của chùa là Kompông Chrây, vì hồi xưa phía trước cổng chùà có một bến đò ở dưới gốc cây đa) Sau này, người dân thấy cổng phụ được thiết kế như một cái hang nên người ta mới gọi là "Chùa Hang." Ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer; tọa lạc tại khóm 3, thị trấn Châu Thành, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, Việt Nam.
Từ chợ Trà Vinh, theo đường Điện Biên Phủ khoảng 6 cây số, qua cống ngăn mặn Tầm Phương là đến chùa Kompông Chrây. Chùa tọa lạc trong khuôn viên có diện tích hơn 10 ha, trong đó khoảng một nửa diện tích là vườn cây cổ thụ (đa phần là sao, dầu).
Chùa được thành lập năm 1637 và đã trải qua 22 đời sư trụ trì. Năm 1968 trong sự kiện Tết Mậu Thân, chùa bị bom đạn tàn phá nặng nề. Năm 1977, sư Thạch Suông (nay là sư trụ trì đời thứ 23) trở về, và vận động phục dựng lại chùa. Từ đó đến nay, qua nhiều lần trùng tu, ngôi chùa trở nên khang trang và bề thế.


KIẾN TRÚC


Cổng chính Kompông Chrây hướng ra phía bờ sông. Hai bên cổng chính hai tượng chằn Yak to bằng người thật. Cổng phụ nằm ven tỉnh lộ 36, xây dựng vòm cuốn, tường rất dày, dài 12 m, có hình dạng giống như cái hang, nên người ta quen gọi là chùa Hang.


CỔNG PHỤ CỦA CHÙA
(Ảnh internet )


Chánh điện chùa tọa lạc trên nền cao 3 m, có nhiều bậc cấp dẫn lên, được trang trí lộng lẫy với nhiều hoa văn, họa tiết. Mái của chính điện được cấu tạo gồm nhiều lớp chồng lên nhau làm nên khoảng không gian cao vút, đỉnh nhọn như một chóp tháp. Ở các đầu cột đều có tượng vũ nữ Kẽn naarr dang đôi tay chống đỡ mái. Bên trong chánh điện là hai hàng cột cao lớn uy nghi. Giữa chánh điện là bàn thờ. Tượng Phật Thích Ca to lớn đặt trên cao, phía dưới là những tượng Phật Thích Ca nhỏ hơn trong nhiều tư thế khác nhau.






(Ảnh của NM)


Cột cờ trước chánh điện chùa có cấu trúc tượng hình rắn thần Nara 7 đầu tượng trưng cho 7 ngày 7 đêm chuyên tâm bảo vệ Phật Thích Ca ngồi tu luyện

Trước kia, trong khuôn viên chùa có rất nhiều dơi. Tết Mậu Thân (1968), bom đạn đã làm chùa hư hại nặng, khiến đàn dơi bay mất. Ngày nay, có nhiều loại chim đến trú ẩn ở nơi ấy, trong đó nhiều nhất là cò

Cũng giống như bao ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer khác, chùa Kompông Chrây có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Khmer ở đây. Bởi chùa không chỉ là nơi tu hành của các vị sư, mà còn là nơi giáo dục đạo đức cho các thanh niên Khmer và bảo tồn truyền thống văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Thanh niên Miên có vài năm tu ở chùa mới kể như thành nhân, một điều kiện để dễ kiếm vợ. Trong khuôn viên chùa có trường học cho trẻ em rất qui mô. Trong chùa còn có khoảng hai chục nhà sàn nhỏ, mỗi nhà chỉ vừa đủ chỗ cho một người, là nơi để đàn ông Miên vào mỗi người một nhà, ở lại cả tháng để cầu nguyện và làm trong sạch linh hồn.







Nhà bia ghi tên người tử nạn tết Mậu Thân tại chùa

(Ảnh của NM)

XƯỠNG ĐIÊU KHẮC GỖ 


Điều đặc biệt nhất ở chùa Kompông Chrây là trong chùa có hẳn một xưởng thủ công điêu khắc gỗ. Theo lời sư cả Thạch Suông, vì trong chiến tranh, nhiều cây cổ thụ trong vườn chùa đã bị tàn phá, và hiện còn để lại trong lòng đất nhiều bộ gốc rễ nguyên vẹn với nhiều hình thù kỳ thú. Sư cả nghĩ rằng nếu được các bàn tay tài hoa của các nghệ nhân khắc gỗ điểm xuyết, chắc chắn nó sẽ trở thành những tác phẩm nghệ thuật quý giá. Từ ý nghĩ đó, sư cả đã tìm cách mời anh Thạch Buôl (một nghệ nhân điêu khắc gỗ nổi tiếng, quê ở Vĩnh Long) về chùa mở lớp dạy nghề cho các sư sãi và các thanh niên có năng khiếu. Từ đó cho đến nay, chùa đã đào tạo trên 20 học viên lành nghề. Những tác phẩm điêu khắc ở chùa rất đa dạng và phong phú như tượng Phật, tượng cầm thú, v.v... rất được du khách trong và ngoài nước tán thưởng

( TÀI LIỆU TỪ WIKIPEDIA )



ẢNH CỦA NHÃ MY-SƯƠNG LAM


Con bê dị tật có 2 đầu



Từ những gốc cây sần sùi này, với bàn tay của các nghệ nhân đã trở thành rất nhiều (có trên hơn 100) tác phẩm điêu khắc gỗ rất đẹp.









Những bộ bàn ghế độc đáo mà mỗi chân ghế ngồi đều chạm khắc nhiều hình thú khác nhau













Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

NẮNG MỚI THANH MINH -THƠ NGUYỄN KHÔI









NẮNG MỚI THANH MINH

       (Tặng Chu Văn Tùy)
                   ------
"Thanh minh, trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh " (1)
                         Truyện Kiều
                   
 Xuân rét âm u cả tháng trời
Sớm nay trời hửng nắng hồng tươi
Quần áo đem phơi thơm mùi nắng
Thịt da được tắm nhẹ cả người...
                    
Cây lá non xanh tới ngoại thành
Lầu hoa khoe sắc với trời xanh
- Mấy em dạo phố xông xênh váy
Hở cả lưng trần trêu mắt anh ?
                    
Nắng mới Thanh Minh báo được mùa
Về quê Tảo mộ tự tinh mơ
Giẫm lên bờ cỏ xuân mơn mởn
Nghe bàn chân xạo mấy vần Thơ.

Quê, 4-4-2016 (27-3-Bính Thân)
             NGUYỄN KHÔI

  ----
(1) Đạp thanh : đi chơi giẫm lên cỏ xanh.

Nguồn: từ email của tác giả Nguyễn khôi gửi lamngoc
NM cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khôi thường xuyên chia xẻ những bài thơ hay.


Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

TRÀ VINH -AO BÀ OM




        Ao Bà Om là một trong những danh thắng ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, tọa lạc tại khóm 3, phường 8, thành phố Trà Vinh, cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 5 km về phía Tây. Với diện tích mặt nước khoảng 39.000 m2, khí hậu mát mẻ quanh năm, xung quanh ao có những hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như Sao, Dầu, có rễ nổi lên mặt đất trông rất đẹp mắt. Mặt nước dưới ao phẳng lặng, có một lớp những hoa sen, hoa súng, những đàn cá tung tăng bơi lội, những chú vịt trời (le le) cũng tụ họp về đây sinh sống, tạo nên một phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Ao có dạng hình vuông nên người ta còn gọi là Ao Vuông.


HUYỀN THOẠI AO BÀ OM

        Trong dân gian có nhiều truyền thuyết khác nhau về lịch sử hình thành của Ao Bà Om, trong số đó thì truyền thuyết về “cuộc thi thố đào Ao” của một nhóm nam và một nhóm nữ trong làng được nhiều người chấp nhận nhất. Chuyện kể lại rằng: Ngày xưa, nam nữ muốn lấy nhau nhưng không bên nào chịu ngỏ lời trước vì phải chịu một khoảng chi phí rất lớn cho việc mua sắm lễ vật và tổ chức đám cưới cho cả hai họ. Và thế là nhân lúc hạn hán, dân làng bị thiếu nước dùng, Mẹ Sóc nghĩ ra cách cho nam nữ trong làng thi nhau đào ao để lấy nước dùng trong sinh hoạt, với quy ước chỉ đào trong một đêm, bắt đầu từ lúc trời tối và khi nào sao Mai mọc ở hướng Đông thì kết thúc, nếu bên nào đào xong với diện tích lớn hơn và sâu hơn thì bên đó thắng cuộc, bên thua cuộc phải đi hỏi cưới bên thắng cuộc.
         Sau khi thống nhất, hai bên tiến hành đào ao, bên nữ do Bà Om chỉ huy đã nghĩ ra cách là khi trời vừa tối Bà cho bày tiệc thết đãi, phục vụ rượu cho quý ông. Riêng ở bên nam ỷ lại vào sức mạnh của mình, xem thường sự yếu đuối của phái nữ nên không chú tâm đến việc đào ao mà chỉ mải mê uống rượu. Đến nửa đêm khi phái nam đã ngà say, Bà Om cho treo ngọn đèn trên cây thật cao, các ông cứ ngỡ là sao Mai đã mọc lên, nên đi về. Bà Om vẫn chỉ huy phái nữ tiếp tục đào ao và hoàn thành tốt công việc của mình cho đến khi sao Mai mọc thật sự mới về, kết quả là phái nữ đã thắng cuộc. Kể từ đó, người ta lấy tên của Bà Om đặt cho địa danh Ao Bà Om. Và truyền thống nam đi cưới nữ cũng bắt đầu từ đây. Thắng cảnh Ao Bà Om, Chùa  Âng, Nhà bảo tàng văn hoá dân tộc Khmer là nơi thu hút hàng trăm ngàn du khách đến tham quan, cắm trại, vui xuân, nhất là vào dịp lễ hội như: Lễ hội Ok-Om-Bok, ngày Tết Nguyên Đán hàng năm.
         Hằng năm, cứ đến lễ Chol-chnam-thmay, Dolta, đặc biệt là lễ hội Cúng Trăng - Ok-om-bok có rất nhiều bà con Khmer, Kinh, Hoa ở Trà Vinh và các tỉnh lân cận tụ hội về ao Bà Om vui chơi, nhảy múa, xem hát dù kê, múa rô-băm... tạo nên nét văn hóa rất riêng của Ao Bà Om. Đồng thời, thể hiện sự giao thoa văn hóa, sự đoàn kết, hòa hợp của ba dân tộc Kinh- Hoa- Khmer anh em. Ao Bà Om đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, thuộc loại hình danh lam thắng cảnh, vào ngày 10/07/1994. 
(Tài liệu từ webiste Trà Vinh)

ẢNH CỦA NM






Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

MEN TÌNH SAY - THƠ TRƯƠNG THỊ THANH TÂM





MEN TÌNH SAY 

                      
Một chút rượu có quên đi nỗi nhớ 
Một chút tình có làm ấm trái tim 
Uống một mình rồi khe khẻ gọi tên 
Nhớ hay quên muốn cùng ai đối ẩm!
*
Rượu chưa cạn vì môi còn chưa thấm 
Tình chưa nồng sao lại để ly tan 
Đừng vội đi trong ánh mắt ngỡ ngàng 
Cho con tim mồ côi trong đêm vắng 
*
Rượu còn đây ta chia nhau chén đắng 
Men tình say sẽ thấy ngọt mềm môi 
Đừng nhé anh ! Khi tim mở ngõ rồi 
Hương vị lạ làm ta say ngây ngất 
*
Hãy giữ lấy lời thì thầm chủ nhật 
Đi bên nhau trong nắng nhạt ban chiều 
Gío mơn man bờ tóc lệch liêu xiêu 
Mà cứ ngỡ môi ai vừa chạm má 
*
Rượu cạn bầu khi tình nghe hối hả 
Ta biết say bởi men rượu hay tình 
Tay gối đầu giọt lệ chợt rơi nhanh 
Trái hạnh phúc sẽ có ngày cũng chín.

         TRƯƠNG THỊ THANH TÂM -Mỹ Tho

Nguồn : từ email của TG Trương Thị Thanh Tâm gửi nhamyngocsuong
NM cảm ơn Thanh Tâm đã chia xẻ bài thơ hay.

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

TƯỞNG NIỆM 15 NĂM NGÀY MẤT CỦA NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN- THƠ XƯỚNG HỌA LÊ ĐĂNG MÀNH VÀ THI HỮU









THƠ MỜI HỌA


CÁNH VẠC BAY RỒI!

PHÚC ÂM BUỒN khẽ động làn môi
GIỌT LỆ THIÊN THU THƯƠNG MỘT NGƯỜI
TÌNH NHỚ , NGUYỆT CA soi CÁT BỤI
TÌNH XA, BIỂN NHỚ tụng cây đời
RA ĐỒNG GIỮA NGỌ quê hương hỡi
NGHE TIẾNG MUÔN TRÙNG  thành phố ơi !
MỘT CÕI ĐI VỀ phơi HẠ TRẮNG
Công Sơn,NHƯ CÁNH VẠC BAY… rồi …!

LÊ ĐĂNG MÀNH
Chữ in là tựa bài ca của TCS


BÀI HỌA:


CHƯA MẤT NIỀM TIN

"Cúi xuống thật gần"...một nét môi
"Có duyên không nợ", phải chăng người!
"Đời cho ta thế", đành yên phận
"Còn mãi tìm nhau", để hận đời!
"Giọt nước cành sen"- Ánh Tuyết... hỡi
"Gia tài của mẹ"- Khánh Ly... ơi!
"Cuối cùng cho một tình yêu" vẫn
"Chưa mất niềm tin" dẫu biệt rồi!

31/3/2016 HỒ VĂN CHI
Đà Nẵng



ƯỚT MI RỒI!

TÔI RU EM NGỦ để mây trôi 
Tết Suối Hồng XIN TRẢ NỢ NGƯỜI
MỘT CÕI ĐI VỀ dù giữa mộng
Muôn trùng xa cách VẪN BÊN ĐỜI
TIẾNG VE GỌI HẠ mong mưa hỡi
TUỔI ĐÁ BUỒN đông gọi nắng ơi ?
ĐỢI CÓ MỘT NGÀY TÔI ĐÃ MẤT
RỪNG XƯA ĐÃ KHÉP,ƯỚT MI… rồi …!

PHAN TỰ TRÍ
Biên Hòa

(chữ IN là tên các bản nhạc của Trịnh Công Sơn)



LỜI THIÊN THU GỌI

"Ướt mi ""tình nhớ "những vành môi
"Hạ trắng""sương đêm" trả nợ người
"Cỏ xót xa đưa" kia bóng lạ
"Hoa vàng mấy độ" nọ bên đời
"Bến sông" nguồn cội núi đồi hởi 
"Cát bụi" chốn về sỏi đá ơi
"Chiếc lá thu phai" xuân quá vội
"Biển nghìn thu ...ở lại"...đi rồi...

PHAN QUANG HẢI


TÌNH KHÚC TCS

RU EM, TÌNH NHỚ   ngọt trên môi
GIỌT LỆ THIÊN THU khóc tiễn người
MỘT CÕI ĐI VỀ,CA DAO MẸ
BỐN MÙA THAY LÁ,NGẪU NHIÊN đời
VÀNG  PHAI TRƯỚC NGÕ, PHÔI PHA hỡi
LẶNG LẼ NƠI NÀY thương nhớ ơi
HÃY SỐNG DÙM TÔI thân CÁT BỤI
DIỄM XƯA,HẠ TRẮNG ,ƯỚT MI  rồi !

NHÃMY
 USA

Chữ in là tựa bài ca của TCS


LẶNG BÓNG RỒI

ĐẠI BÁC RU ĐÊM lạnh tái môi
TÌNH SẦU vết cháy xót xa người
RỪNG XƯA ĐÃ KHÉP tình tươi mộng
GIỌT LỆ THIÊN THU ý thắm đời
YÊU DẤU TAN THEO gầy bóng nhớ
PHÔI PHA chờ đợi héo lòng ơi!
TÔI ĐANG LẮNG NGHE từng ngày tới
CỎ XÓT XA ĐƯA lặng bóng rồi.


GM.NGUYỄN ĐÌNH DIỆM


BÀI XƯỚNG


VỌNG KHÚC XƯA!

Mỗi lần phượng ứa khoác màu tang
Lòng lại ngân lên những điệu đàn
CÁT BỤI xót thương lưu cốt cách
QUỲNH HƯƠNG cảm mến giữ hào quang
BIẾT ĐÂU NGUỒN CỘI buồn khe suối
VẪN NHỚ CUỘC ĐỜI tủi dạ lan
RƠI LỆ RU NGƯỜI xin hát lại
RỪNG XƯA ĐÃ KHÉP nhịp chưa tàn

LÊ ĐĂNG MÀNH
Chữ in là tựa bài ca của TCS


BÀI HỌA


LỜI RU CŨ

Ngày cá tháng tư lại để tang.
Một người nhạc sĩ đã ngưng đàn,
Gia tài của mẹ còn in dấu,
Ca khúc da vàng khiến tỏa quang,
Tiếng nguyệt cầm như đà lặng tắt,
Hương quỳnh bay sao mãi trầm lan.
Biết đâu nguồn cội rừng xưa khép,
Cát bụi quay về Diễm cũng tàn.

HOÀNH TRẦN
30/3/16



GIỌT LỆ THIÊN THU

Ngày Một, tháng này... nhớ đám tang
Công Sơn, người hỡi! Bặt cung đàn!
"Bay đi thầm lặng" nhường danh lợi
"Chìm dưới cơn mưa" rực ánh quang
"Một cõi đi về" miền cát bụi
"Bên đời hiu quạnh" phận phong lan
"Đường xa vạn dặm. Đêm. Du mục"
"Giọt lệ thiên thu" mãi chẳng tàn!

                   Ngày 01/4/2016
                  HỒ VĂN CHI
                       Đà Nẵng.



Nguồn: Lãm Nguyệt Hiên blog
NM cảm ơn thi huynh Lê Đăng Mành đã mời họa và quý thi hữu đã góp những bài họa hay.