CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

CHÙM THƠ ĐẦU NĂM 2021 - CHÂU THẠCH

 

van tran

Tệp đính kèm

21:42, Th 4, 30 thg 12 (9 giờ trước)

tới






CHÙM THƠ ĐẦU NĂM 2021 

                  

              KHUYA NHỚ 


Trời đã cuối năm đêm lạnh quá 

Ta nằm nhớ núi thuở đi tù 

Bụng đêm khoai sắn kêu lời ếch 

Đời ở rừng, sương khói mịt mù 


Tiếng dế nghe buồn như tiếng khóc  

Bờ xa thác lệ róc quanh đêm  

Mẹ già có lẽ nằm thao thức 

Vợ trẻ dòng châu đẩm gối mềm 


Cán bộ soi đèn đi kiểm soát 

Nằm im nhớ bạn đã yên mồ 

Ngày mai có lẽ ngày mai nữa 

Còn đó trăm năm tấm bản đồ 


Trời đã vào khuya lạnh gió đông 

Nhớ xưa như tím ngắt trong lòng 

Thức đêm mới biết đêm dài quá 

Đã cuối con đường cuối ước mong! 


            


CHÚC ĐẦU NĂM 


Đầu năm mấy lời chúc bạn 

Sẽ thôi cuộc sống đang trầm 

Trải qua những ngày rét đậm 

Rồi thì nắng cũng hòa chan 


Đầu năm mấy lời chúc bạn 

Của tiền không đến thì thôi 

Đến thì ngay đường thẳng lối 

Đừng tham đừng dối đừng gian 


Tớ đây không có bạn quan 

Bạn nghèo thì nhiều lủ khủ 

Bạn giàu vài anh vài cụ 

Tách đời cũng mấy bạn tu  


 

Đầu năm nằm nhà buồn ngủ 

Thưởng mình một tách cà phê 

Nghĩ về ký ức lê thê 

Ôn cố những điều đáng nhớ 


Đầu năm vài lời ngú ngớ 

Chúc mừng tất cả bạn đây 

Năm mới vui phút vui ngày 

Ngoài ra đếch cần chi cả. 


       CHÂU THẠCH 


 


CHÙM THƠ HUỲNH TÂM HOÀI

  · 



GHIỀN …

Mỗi ngày ngồi dợt thời gian

Mở trang Face Book ảo mang bóng hình

Em gieo những lát thơ tình

Lấy thơ tôi xếp vo thành điếu thơ

Hút chơi …sao rất bất ngờ

Ghiền thơ em…tự bao giờ không hay…! 

HỒN QUÊ

Một nửa đời ta thuở quê nhà

Dính cứng trong hồn còn nhớ mãi.

Tưởng chừng lâu lắm tuổi hào hoa

Một nửa bên trời sao mau quá

Lật đật… cơ hồ như thoáng qua.

Ở đậu mươi năm chưa bắt rể.

Giờ đây tóc trắng đã điễm hoa

Vẫn nhớ quê xưa hồn lãng đãng.

Một nửa đời xưa …thật đậm  đà

LẠI TỰ NHỦ

Ta quanh quẩn tháng ngày buồn ráng chịu

Cố tìm vui trong những mảnh níu cuộc đời

Con mắt ngó từng chiều qua lặng lẽ

Đêm trân trân mất ngủ những chập chờn

Tự lý giải chuyện đời trong cuộc sống.

Để bước theo vòng nhật nguyệt càn khôn..

HUỲNH TÂM HOÀI


Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

PHẢI DUYÊN CHỒNG VỢ - THƠ HUỲNH TÂM HOÀI

 


                                            Ảnh ac nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân , NM , HTH


PHẢI DUYÊN CHỒNG VỢ

 (Riêng tặng NhãMy)


Chắc duyên, chắc nợ mình ơi!

Xuôi mình lặn lội thăm tôi để rồi.

Hai đứa xếp lại một đôi,

Thiên duyên tiền định mình ngồi bên nhau.

Mình về tôi ở ruột bào,

Thương mình thương quá, chừng nào mới phai!

Tôi đây ở phía non Đoài,

Mình xa biển Bắc dặm dài lê thê.

Bao giờ chim nhạn bay về?

Cho cành khô héo vỗ về chân chim.

Chim kêu mấy tiếng kêu chiều,

Cành vui lắc lẻo cho mềm lòng chao.

Dây trầu quấn quýt thân cau,

Phải duyên chồng vợ bên nhau suốt đời.


HUỲNH TÂM HOÀI

 

CHÙM THƠ KIẾM KHÁCH

 






MỘT MẢNH TÌNH XA

 

Anh trăng khuyết nửa vành năm tháng

Chếch sông mây khuấy động mái chèo

Em sao lạc đi về khuya khoắt

Nói đi em, em muốn nói gì?

Có lẽ đây là giờ hạnh ngộ

Đã xưa rồi mãi biệt nhau thôi

Dài hun hút tiếng đêm vội quá

Vỡ tan chìm một mảnh tình xa.


TỰA DƯỜNG ÁNG MÂY

 

Trái tim đóng kín ngục tù

Hương xưa quen cũ mịt mù dáng tăm

Về đây tóc đã thôi xanh

Lụa là sao cũng tựa mành áng mây

Não lòng nghe vọng đâu đây

Tiếng con chim Việt cành cây đậu- hoài.



ĐƠM MÂM HOA

 

Như cây lá xây bằng thang rồi có trái

Em kết nụ hồng để vào tuổi biết yêu

Thật thánh thiện tuyệt vời buổi đầu yêu đó

Đơm mâm hoa kết đọng lại trái tim này.


VỀ CHIỀU

 

Tóc em buông xoã theo chiều

Tóc bay để lại một- nhiều đắng cay

Tình tan đàn vỡ mới hay

Quê hương anh gói dặm dài trường giang

Sợ chiều thôi cũng về chiều

Đền khêu ngọn bấc tóc nhiều trắng mây.


BẾN XƯA

 

Anh đi lã ngọn dâu tằm

Tơ vàng đợi kén vươn rằm giấc mơ

Áo phai người cũ thẩn thờ

Có lần khân nhớ bao giờ bến xưa?


KIẾM KHÁCH

 

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

MỪNG XUÂN TÂN SỬU - ĐỖ CHIÊU ĐỨC & THI HỮU

 

Chieu Duc

18:16 (1 giờ trước)





Thơ mời họa : 

 


      MỪNG XUÂN TÂN SỬU

 


Đứng thứ hai trong thập nhị chi,
Tân : Kim, Ngưu : Sửu ước mơ gì ?*
Yên bình thế giới thôi tranh chấp,
Ổn định nhân sinh phải trí tri.*
Ăn Tết không quên phòng dịch bệnh,
Mừng xuân cảnh giác tránh Cô - vi.
Trâu vàng cũng phải cày hai buổi,
Tiểu phú do cần nhớ khắc ghi !*

 

                  ĐỖ CHIÊU ĐỨC
                 Đầu xuân 2021
*
  - Theo âm dương ngũ hành thì : CANH TÂN hướng Tây, thuộc KIM .
  - Trí tri 致知 : là Hiểu biết một cách thấu đáo.

  - Tiễu Phú Do Cần 小富由勤 : Ông bà ta có câu : Đại phú do thiên, Tiểu phú do cần 大富由天,小富由勤. Có nghĩa : Làm giàu lớn là do trời cho, còn làm giàu nhỏ là do cần kiệm siêng năng .

 

MỪNG XUÂN TÂN SỬU

 

Tân Sửu niên khai ước nguyện gì ?
Tháng ngày vui vẻ chẳng lo chi
Đau thương biến đổi thành hạnh phúc
An lạc  tràn đầy  phải  hữu tri
Tết đến bình yên nên tránh bịnh
Xuân sang   sức khỏe ngại covy
Cho dù no ấm đừng quên lãng
Lao động cần cù  nhớ  mãi ghi

NHÃ MY kính họa



TRÂU- BẠN CỦA NHÀ NÔNG


Động vật như nhau, cũng tứ chi

Chuột, Trâu chẳng giống mảy may gì

Đứa thì lơ láo, đời căm ghét

Kẻ lại chuyên cần, công được ghi

Chăm chỉ, thật thà...hiền tính nết

Khoan hòa, nhẫn nại...đẹp hành vi

Gắn liền đồng ruộng, trâu thân thiết

Cùng với con người: bạn cố tri.


 PHƯƠNG HÀ


( 29/12/2020 )


 


KIẾP TRÂU LÀNH.


Ách nặng trên vai, có xá chi

Trâu ngoan ngày tháng chẳng mong gì

Đồng xanh bát ngát chờ thân hữu

Trời biếc bao la đợi cố tri

Trọn kiếp âm thầm trong vũ trụ

Suốt đời lặng lẽ giữa vô vi

Té ra vật cũng sầu thiên mệnh

Tân Sửu lầm than lại tiếp ghi...


Utah  28 - 12 - 2020.


 CAO MỴ NHÂN


 

TRÂU GẮNG GIÚP ĐỜI


Trâu về mà chẳng biết mần chi

Thế giới lao đao với những gì

Dịch cúm sinh ra toàn khổ lụy

Tranh hùng làm mất cả lương tri

Dễ  sao quên được nguồn tai họa

Khó thể  ước chừng gốc khuẩn vi

Tân Sửu cùng người lo kế hoạch

Lo tròn cày cấy hãy tâm ghi…


ĐIỀN KHUÔN GIA


 

MỪNG XUÂN,ĐÓN TẾT TÂN SỬU


Mười hai con giáp, thứ nhì " chi "...!

Tân Sửu nguyên niên mộng ước gì ?

Chuột chạ̣y cùng sào đâu chẳng biết...!

Trâu ăn cuối bãi há vô tri...?

Mừng xuân, mặt nạ ngừa lây " Dịch "

Đón Tết, khẩu trang tránh nhiễm " Vi " (1)

" Lục Súc Tranh Công " ai sức mạnh ?

Nhà Nông, Phú, Địa, Tá còn ghi... (2)


MAI XUÂN THANH


Ngày 28/12/2020


(1)  Siêu vi trùng Cô Vy, Coronavirus Vũ Hán hoặc COVID-19


(2) Phú Nông, Địa Chủ, Tá Điền, Đó là những người quý mến Con Trâu nhứt hạng


Vì Con Trâu Khỏe mạnh nhứt và cũng cực khổ gắn bó nhứt với Nhà Nông


 

MỪNG XUÂN TÂN SỬU


Nhọc nhằn Canh Tý,ước mơ chi ?

Năm mới Kim Ngưu hiện thực gì ?

Thế giới,Tự Do lời hiệu triệu

Quê nhà,Dân Chủ bản thông tri

Xuân về hạnh phúc bừng trong dạ

Tết đến thanh bình tỏa ngoại vi

Nhẫn nại Trâu Vàng cơ nghiệp vững

Sống đời lương thiện nhắc lòng ghi.


LÝ ĐỨC QUỲNH


  30/12/2020


 

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

THƯƠNG TIẾC LAM PHƯƠNG - THƠ ĐỖ CHIÊU ĐỨC & THI HỮU

 


Chieu Duc

08:57, Th 4, 23 thg 12 (2 ngày trước)



    Kính điếu đến hương hồn của nhạc sĩ Lam Phương !

            Một người không rành nhạc nhưng thích nhạc của LAM PHƯƠNG từ nhỏ !

                                                                                                                Đỗ Chiêu Đức





    THƯƠNG TIẾC LAM PHƯƠNG


"Thành Phố Buồn" sao cũng đổi ngôi,

"Lam Phương" nhạc sĩ đã xa xôi ...

"Chuyến Đò Vĩ Tuyến" còn vang vọng,

"Nắng Đẹp Miền Nam" mãi rạng ngời.

"Duyên Kiếp" dáng ai tìm vạn nẽo,

"Đèn Khuya" bóng mẹ nhớ không nguôi.

"Đoàn Người Lữ Thứ" đà đi khuất...

"Tình Vẫn Chưa Yên" đã mất rồi !!!...


                   ĐỖ CHIÊU ĐỨC

                   12-23-2020



 


Thanh Mai
15:17, Th 5, 24 thg 12 (16 giờ trước)


Theo chân anh đồ Đỗ Chiêu Đức, Mai Xuân Thanh xin phép góp bút Thành kính Phân Ưu cùng tang gia hiếu quyến Cố Nhạc Sĩ Lam Phương như sau :


THƯƠNG TIẾC LAM PHƯƠNG


Ánh Sao chợt tắt đã lìa Ngôi...

Nhạc sĩ LAM PHƯƠNG tạ thế rồi...!

"DUYÊN KIẾP" thời danh ca cảm động

"ĐÈN KHUYA" nổi tiếng hát cao ngời

"CHUYẾN ĐỎ VĨ TUYẾN" buồn chia cắt

"NẮNG ĐẸP MIỀN NAM" nhớ chẳng vơi

Thương tiếc...tâm nhang dâng khấn nguyện 

Phân Ưu tang quyến tiễn đưa Người...!


MAI XUÂN THANH

Ngày 24/12/2020


 

THƯƠNG TIẾC LAM PHƯƠNG


Ánh sao âm nhạc mất đi rồi !

Thương tiếc Lam Phương mãi chẳng nguôi

''Mưa  Lệ'' '' Ngày Buồn'' '' Duyên Kiếp'' tận 

''Đèn Khuya'' '' Phút Cuối''  vẫn cao ngời

''Chuyến Đò Vĩ Tuyến'' sầu ly cách

''Thành Phố Buồn'' đau khóc ngậm ngùi 

'' Trăm Nhớ Ngàn Thương ''nguời khuất bóng

Hào quang  nhạc sĩ  đã yên ngôi!


NHÃ MY KÍNH ĐIẾU


THƯƠNG TIẾC LAM PHƯƠNG


"TRĂM NHỚ NGÀN THƯƠNG" cảnh chuyển ngôi

"KIẾP NGHỀO"  "MƯA LỆ" mộng chè xôi

"MỘT MÌNH"  "DUYÊN KIẾP" chân thâm mốc

"ĐÔI BÓNG"  "ĐÈN KHUYA" mặt sáng ngời

"CỎ ÚA" niềm đau hồn diệu vợi

"THU SẦU" nổi khổ dạ khôn nguôi

"QUÊ HƯƠNG BỎ LẠI" lìa quê mẹ

Nhạc sĩ LAM PHƯƠNG mất thật rồi


            THANH SONG KIM PHÚ

              CA  Dec 26/202O


NHỚ VỀ LAM PHƯƠNG


Kiếp Nghèo mà vẫn cố lên ngôi

Đà Lạt Cô Liêu xa với xôi

Phút Cuối, Chờ Người còn ước vọng

Ngày Buồn, Cỏ Úa vẫn vang ngời 

Con Tàu Định Mệnh, Mùa Hoa Phượng

Mưa Lệ, Nghẹn Ngào…vẫn khó nguôi

Bọt Biển, Tiễn Người Đi, Vĩnh Biệt…

Cho Em Quên Tuổi Ngọc…xong rồi !


Paris, 27/12/2020

  TRỊNH CƠ    


Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

VÀI ĐIỀU VỀ VĂN PHONG CỦA CAO XUÂ N HUY VÀ LÂ M CHƯƠNG - NGUYÊN LẠC

 


Steven Nguyen

Tệp đính kèm

07:00, Th 4, 23 thg 12 (1 ngày trước)

tới tôi


Gởi đến NM 1 bài viết, tuỳ nghi sử dụng. Merry Xmas to you all Tình thân

NL 12/23/2020



VÀI ĐIỀU VỀ VĂN PHONG CỦA CAO XUÂ N HUY VÀ LÂ M CHƯƠNG



Trước khi bàn về văn phong của cố văn sĩ Cao Xuân Huy và văn thi sĩ Lâm Chương, tôi có vài ý này:

-- Khi bước vào "trò chơi" văn chương, tôi có tìm hiểu về khái niệm "Nguyên Lý Tảng Băng Trôi" của nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway và thủ pháp Show, Don’t Tell của nhà soạn kịch (biên kịch) người Nga  Anton Chekhop.[1]


1. Nguyên Lý Tảng Băng Trôi

"Nguyên Lý Tảng Băng Trôi" (Iceberg theory) hay còn được gọi là "Lý Thuyết Thiếu Sót", "Lý Thuyết Bỏ Lửng" (Omission Theory)  là một kỹ thuật viết văn được nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway(iải Nobel 1954)  giới thiệu. 

     Nguyên Lý Tảng Băng Trôi là một phương pháp viết văn dựa trên hình ảnh tảng băng trôi: Tảng băng trôi gồm hai phần: Phần nổi và phần chìm/ phần ngầm. Phần nổi ở trên mặt nước (đỉnh băng trôi) là nơi chứa đựng những dòng chữ viết, còn phần chìm (đáy băng trôi) – lớn hơn, nhưng bị nước biển che khuất – là nơi ẩn chứa các hàm ý (implications) suy ra từ các ẩn dụ (metaphors) trong phần nổi. Người phương Đông gọi phần chìm/ phần ngầm là tính hàm súc, hàm ẩn, "ý tại ngôn ngoại" trong văn chương. Phần chìm của tác phẩm văn học là giá trị chủ yếu của tác phẩm, dành cho độc giả tự tìm hiểu, suy nghĩ và sáng tạo theo sở thích, cá tính của riêng mình thông qua những nội dung nhân vật và câu chuyện mà tác giả đã xây dựng nên. 

Văn phong tiêu biểu của Hemingway là giản dị, tránh những câu văn dài dòng, nói trực tiếp, không "son phấn", "hoa lá cành" (ít dùng tĩnh từ và trạng từ). Theo Hemingway, người viết có thể cố tình bỏ lửng điều gì đó, không cần viết nó ra, với chủ ý phần bỏ qua này dành cho độc giả tự cảm nhận, tự lãnh hội rồi phát triển thêm. Việc này sẽ làm câu chuyện mạnh mẽ hơn và ý nghĩa sâu xa hơn những điều biểu hiện trong bản văn. Hãy đọc The Old Man and the Sea (Ngư Ông và Biển Cả) của ông.


2. Thủ pháp Show, Don’t Tell 

Show, don’t tell  là một biện pháp tu từ (a technique ) của nhà soạn kịch (biên kịch), nhà văn chuyên thể loại truyện ngắn người Nga. Anton Chekhop đưa ra. Đại khái như sau:

“Trong các mô tả về Thiên nhiên, con người phải nắm lấy một số chi tiết nhỏ, gom chúng lại sao cho khi độc giả nhắm mắt, anh ta sẽ có một bức tranh. Ví dụ, bạn sẽ có đuợc MỘT ĐÊM TRĂNG SÁNG nếu bạn viết rằng: Trên cái đập nước xoay quạt, một mảnh thủy tinh từ một chai vỡ lấp lánh như một ngôi sao nhỏ sáng và rằng bóng đen của một con chó hay một con sói lăn cuộn qua như một quả bóng". (Show, don’t tell - Anton Chekhop)

.

Qua trên, bạn thấy trong thơ văn, "phần nổi" không quan trọng bằng  "phần ngầm". "Phần nổi" thí dụ như vần luật, kết cấu câu ... tuy cần thiết nhưng cái quan trọng hơn, cái làm cho thơ văn "có hồn" là "phần ngầm" ẩn dưới những hàng chữ - Những điều không cần nói ra, những khoảng không ("hư không" như Kakuzo Okakura nói trong Trà Đạo*) để độc giả tự "lấp đầy". Độc giả  tự tìm hiểu, suy nghĩ và sáng tạo theo sở thích, cá tính của mỗi người, tìm ra ý nghĩa sâu xa hơn những điều biểu hiện trong truyện, thơ.[2]

...........

 * Đây là lời của Okakura Kakuzo trong The Book of Tea:

"Trong nghệ thuật, điều quan trọng của cùng nguyên lý trên được minh họa bằng giá trị "gợi ý". Khi đưa ra điều gì thì không bộc lộ ra, cứ để người thưởng thức có cơ hội hoàn thiện ý tưởng và như vậy một kiệt tác lớn thu hút sự chú ý của bạn đến mức không thể kháng lại được mãi đến lúc bạn cảm thấy như mình là một phần của kiệt tác. Ở đó có một khoảng Hư Không để bạn đi vào và lấp cho đầy bằng mọi cảm xúc thẩm mỹ của bạn"

.

Từ những tìm hiểu trên, tôi áp dụng vào cách viết và phê bình, không chú trọng nhiều về "đường bay của những con chữ" bí hiểm, vô nghĩa. "Phần nổi của tảng băng" - vần luật, tu từ... cũng cần thiết nhưng không quan trọng bằng "phần ngầm" - ý nghĩa dưới các hàng chữ, "ý tại ngôn ngoại". Văn chương tác giả không cần nói ra hết, chỉ gợi ý để độc giải tự tìm, tự mình "lấp đầy khoảng "hư không", như đã nói trên, thì văn chương như thế mới hay.

Văn của Lâm Chương - cũng như của Cao Xuân Huy trong tập truyện ngắn "Vài Mẩu Chuyện"-  thì theo tôi đúng với những điều nói trên.

Tôi xin có vài điều lần lượt về Cao Xuân Huy và Lâm Chương.


CAO XUÂ N HUY




                                 (Ảnh nhà văn Cao Xuân Huy)



Vài hàng tiểu sử


09-1947 năm sinh, quê nội Bắc Ninh, quê ngoại Hà Nam, Bắc Việt

10-1954 di cư vào Nam với mẹ

02-1968 đi lính Thuỷ Quân Lục Chiến, VNCH.

03-1975 bị bắt làm tù binh

09-1979 ra tù.

12-1982 vượt biên.

10-1983 đến Mỹ.

1984 định cư tại Nam California.

2005 chủ biên tạp chí Văn Học tới 04-2008

11-2010 mất tại Lake Forest, Nam California


Tác phẩm:


Tháng Ba Gãy Súng, Văn Khoa xuất bản lần đầu tiên 1986

Vài Mẩu Chuyện, Văn Học xuất bản 2010 - Bốn tháng trước khi ông qua đời.

........

 - Hồi ký "Tháng Ba Gãy Súng" đã được tái bản đến 14 lần, và sách đã có mặt trong các thư viện lớn trên thế giới. Có lẽ chưa một cuốn sách nào ở hải ngoại được tái bản nhiều lần và được tìm đọc nhiều đến như vậy. Cuốn sách cũng được đưa nguyên vẹn vào bộ trường thiên tiểu thuyết “Mùa Biển Động” của nhà văn Nguyễn Mộng Giác như một chương kết.


Trích văn Cao Xuân Huy 


Để minh họa về nguyên lý và thủ pháp bàn trên, tôi sử dụng truyện ngắn"Trả Lại Tiền" trong tập truyện “Vài Mẩu Chuyện" của nhà văn Cao Xuân Huy. 

“Trả lại tiền” là một truyện cực ngắn; toàn truyện, phần tự sự rất ít, vài ba câu, không câu nào dài, thậm chí có câu chỉ gồm một từ/chữ duy nhất. Đối thoại chiếm phần lớn, với những câu đối đáp cụt ngủn, lửng lơ, cộc cằn. Không có phân tích tâm lí nhân vật, không độc thoại nội tâm. Các biện pháp tu từ, khoa đại chữ nghĩa đều không có mặt. 

Văn phong của ông là giản dị, tránh những câu văn dài dòng, nói trực tiếp, không "son phấn", "hoa lá cành" (ít dùng tĩnh từ và trạng từ), cố tình bỏ lửng điều gì đó, không cần viết nó ra với chủ ý phần bỏ qua này dành cho độc giả tự cảm nhận, tự lãnh hội rồi phát triển thêm- Như đã bàn trên phần Ernest Hemingway. Việc này sẽ làm câu chuyện mạnh mẽ hơn và ý nghĩa sâu xa hơn những điều biểu hiện trong bản văn. 


Trả Lại Tiền

Sau khoảng năm năm "cải tạo" về, biết gã thèm đàn bà, người bạn mới cho gã mượn chiếc xe đạp và dúi vào tay gã năm đồng rồi chỉ hướng.

Đường Hồng Thập Tự (1980) lác đác chị em ta đứng thập thò dưới các gốc cây. "Xe qua lại nhiều quá, không được."

Gã đảo một vòng công viên trước cổng Dinh Độc Lập. Tối. Mỗi gốc cây đều thấp thoáng bóng người. Vài tay cũng đạp xe rảo rảo giống gã. 

"Được rồi”. Gã tấp vào một gốc cây.

Một ả ló ra kéo tay gã:

"Dzô sát trong đây."

"Nhiêu?"

"Hai chục."

"Không có đủ!"

"Dzậy có nhiêu?"

" 'Thổi' không thì nhiêu?"

"Mười."

"Vẫn không đủ."

"Dzậy chớ muốn nhiêu?"

"Có năm thôi."

“Hổng được. Đụ má… Chưa mở hàng.”

“Nguyên một ngày lương! Không được há? Thì thôi.”

Gã quay đi. Ả kéo lại:

"Thôi, có nhiêu lấy nhiêu!"

Gã đứng tựa lưng vào gốc cây. Tụt quần.

Ả ngồi xổm xuống. Làm việc 

...

Ánh đèn pin bất ngờ chiếu thẳng vào khuôn mặt gã, kèm tiếng quát:

“Đứng yên!”

Gã mở choàng mắt, kéo vội quần lên.

Ả bật dậy, co chân định chạy.

Tiếng lên đạn lách cách. Tiếng quát:

“Đưa giấy tờ coi.”

Gã lúng túng moi ra tờ giấy: “Ra Lệnh Tha”, Tội danh: “Can tội sĩ quan ngụy”.

Ánh đèn pin dừng lại trên những hàng chữ, ngập ngừng.

Gã phân bua:

“Tôi mới được thả. Lâu ngày… thèm quá…”

Hắn nhỏ giọng:

“Anh tui cũng bị mấy năm như cha, mà đâu có tầm bậy tầm bạ như dzầy. Phải kiếm chỗ kín kín một chút chớ.”

“Tôi cũng muốn vậy, nhưng tiền đâu mà mướn phòng.”

“Nó lấy cha nhiêu?”

“Năm đồng.”

“Năm đồng?” Hắn bật tiếng cười.

Quay sang phía ả, hắn ra lệnh:

“Trả lại tiền cho người ta!”

Không hiểu, ả hỏi lại:

“Tiền? Trả lại…”

Hắn quát nhỏ:

“Trả lại cho người ta. Rồi đi đi.”

Ả ngập ngừng định lên tiếng, nhưng đành im lặng trả lại tiền.

Gã lên xe, đạp đi. Đợi hắn đi khuất, gã vòng xe lại, đến gần ả.

“Này. Tôi trả lại năm đồng.”

Ả quay lại. Cái nhìn đậu trên mặt gã vài giây, rồi nói:

“Thôi, giữ lấy xài đi.”

(Trả Lại Tiền - Cao Xuân Huy) 

.

Bài văn "kiệm lời" này giải thích rõ về thủ pháp Show Do Not Tell: Không cần nói nhiều, kể lể chi tiết (Tell); nó cũng có "dính líu" với "Nguyên Lý Tảng Băng Trôi" (Iceberg theory) của Ernest Hemingway: Qua những đối thoại kiệm lời (Show) này, "phần nổi" này, chắc độc giả sẽ ra suy được cái "phần chìm" - Thảm kịch nhân sinh sau ngày "đổi đời", niềm xót xa cho những cảnh ngộ của một dân tộc, và tình người, tính nhân bản. Độc giả cùng dự phần với tác giả-Tính phê phán của nó được người đọc hiểu ngầm.


.

LÂ M CHƯƠNG



                                 (Ảnh nhà văn Lâm Chương)


Vài hàng tiểu sử:


Lâm Chương là tên thật: Sinh năm 1942 tại Gò Dầu Hạ Tây Ninh.  Cựu sĩ quan quân lực VNCH. Trong trại "cải tạo" từ 1975-1985.  Vuợt biển năm 1987, hiện định cư tại Boston, Massachusetts Hoa Kỳ.

Cộng tác trước 1975: Bách Khoa , Văn, Văn Học, Khởi Hành, Nghệ Thuật ...

Hải ngoại: Lửa Việt, Văn Học, Hợp Lưu, Sóng Văn...

- Tác phẩm đã xuất bản:

Tập thơ Loài Cây Nhớ Gio ́- Khai Phá 1971

Đoạn Đường Hốt Tất Liệt, với 17 truyện ngắn  - Văn Mới 1998

Lò Cừ với 14 truyện ngắn - Văn Học năm 2000.

Đi Giữa Bầy Thú Dữ, gồm hai truyện vừa - Văn Mới năm 2002

Truyện Và Những Đoản Văn-  Văn Mới năm 2004



Trích văn Lâm Chương


Xin được nhắc lại: Văn của Lâm Chương - cũng như của Cao Xuân Huy trong tập truyện ngắn "Vài Mẩu Chuyện"-  theo tôi đúng với những điều đã bàn trên: Nguyên Lý Tảng Băng Trôi, thủ pháp Show Do Not Tell và khoảng Hư Không để bạn đi vào và lấp cho đầy.

Tôi xin ghi ra đây trích đoạn "Bắt Khỉ" (Trong Lên Rừng Thăm Bạn) và "Bùa Ếch" (Trong sách Mảnh Đất Nhiều  m Binh) của Lâm Chương đã làm tôi "phê" và "nhức nhối". (Các tiểu tựa truyện tôi tự đặt)


1. Bắt Khỉ :

[ ...Phía ngoài, gần bên hông lều, một cái hố đang đào dở. Hố rộng bằng căn phòng nhỏ. Theo lời anh Khan, còn phải đào sâu hơn nữa, khoảng hai thước.

Lúc mới đến, tôi hỏi: "Đào hố để làm gì?"

Anh nói: "Bắt khỉ."

Tôi ngạc nhiên: "Bắt khỉ?"

"Ừ , bắt khỉ."

"Để ăn thịt?"

"Khỉ ốm, chỉ có da bọc xương. Thịt khỉ lại tanh, không ai ăn."

"Không ăn thì bắt để làm gì?"

"Để đuổi khỉ."

"Bắt khỉ để đuổi khỉ? Tôi không hiểu."

"Cứ ở đây vài hôm thì hiểu."

Anh Khan không giải thích. Có lẽ anh muốn dành cho tôi một lý thú bất ngờ.

Sau vụ bẫy heo rừng. Anh Khan cho biết đàn khỉ đã kéo về lảng vảng vùng này rồi. Nhưng chừng nào chúng đến tảo thanh rẫy bắp thì chưa biết. Một hôm, tôi thấy vài con khỉ nấp ló trên cây. Anh Khan nói, đó là những con tiền sát, đi dò địa bàn hoạt động. Khỉ là loài tinh khôn sau loài người. Chúng sống có đàn. Mỗi đàn có một con khỉ đầu đàn. Con này sẽ dẫn đàn đi kiếm ăn rày đây mai đó, như những bộ tộc du mục thời xưa. Chúng đến cái rẫy nào một lần, sẽ lẩn quẩn ở đó nhiều ngày, ăn cho tàn mạt rồi mới chịu đi nơi khác. Con khỉ đầu đàn, không vào rẫy. Nó ngồi trên ngọn cây cao để canh chừng, và xua con cháu vào mục tiêu, ăn cho no, còn độn hai bên má làm phần dự trữ. Trước khi rút lui, chúng còn mang theo một hoặc hai trái bắp làm chiến lợi phẩm, và đóng thuế cho con khỉ đầu đàn. Khi nào con khỉ đầu đàn la ré lên là báo hiệu có biến, đàn khỉ đang ăn sẽ bỏ chạy, mất trật tự còn hơn cuộc di tản chiến thuật từ cao nguyên về miền biển. Tôi hỏi thế những cái thùng thiếc khua động chung quanh rẫy, không có tác dụng làm chúng sợ hay sao? Anh Khan nói, cũng có tác dụng trong những lần đầu, nhưng nhiều lần sau chúng quen, không sợ nữa. Khi ta ở trong lều, thì chúng phá ngoài rẫy. Khi ta ra rẫy, chúng kéo vô trong lều, lục phá tan hoang đồ đạc.

Một buổi trưa, nghe tiếng khọt khẹt ngoài rẫy, anh Khan giựt dây khua thùng báo động và chạy ra xem. Một vạt bắp bị phá. Nhiều cây gảy gục và trái bị cạp lem nhem dang dở.

Anh nói: "Chỉ mới đợt đầu mà thiệt hại như thế, thì đàn khỉ này có thể đông gần trăm con."

Tôi ra bìa rẫy, nhìn lên những ngọn cây rừng, tất cả đều im lìm.

"Chúng đã chạy xa hết rồi." Tôi nói.

"Chưa chắc. Có thể chúng nấp đâu đó trong những vòm lá. Thử ném mạnh một viên đá lên thì biết ngaỵ"

Tôi ném viên đá, không thấy động tĩnh gì. Anh Khan ném một khúc gỗ mục lên tàng cây khác. Bỗng nghe ào ào trên cây. Bầy khỉ hốt hoảng chuyền cành, đổi chỗ ẩn nấp. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, tất cả đều im lìm trở lại. Nhìn kỹ sẽ thấy vài con thu mình trong lá, hai mắt thao láo nhìn xuống.

Trở lại lều, anh Khan chuẩn bị bắt khỉ bằng cách đâm một chén muối ớt thật cay, trộn với cơm nguội, để xuống hố. Anh dựng thêm một cây tầm vông từ dưới lên miệng hố, và giải thích, cây tầm vông làm cái thang cho khỉ xuống hố. Gặp cơm trộn ớt đỏ, nó sẽ bốc ăn, cay quá chảy nước mắt, nó sẽ đưa tay dụi mắt. Tôi cười, bàn tay dính ớt mà dụi vào mắt, thì chỉ còn có cách làm hiệp sĩ mù nghe gió kiếm mà thôi.

Chuẩn bị xong, anh Khan kéo tôi ra một góc rẫy, nơi bìa rừng, ngồi dưới bóng cây tọ Anh nói, bỏ trống cái lều, nhường cho bầy khỉ. Nhưng suốt chiều hôm đó, không có con khỉ nào bén mảng vào lều.

Hai hôm sau. Trên đường từ nhà Y Nôm trở về, vừa đến rẫy đã nghe tiếng con khỉ đầu đàn trên ngọn cây ngoài rừng la ré lên, anh Khan chạy vội vào lều. Bầy khỉ tuôn ra, phóng chạy. Đồ đạc trong lều bị phá tung, vất bừa bãi. Dưới cái hố, bên hông lều, những con khỉ còn kẹt lại, tranh nhau leo lên bằng cây tầm vông. Cứ con này ôm cây tầm vông leo lên, thì con kia sợ hãi nắm đuôi kéo xuống, giành leo lên trước. Rốt cuộc, không con nào lên được miệng hố. Chúng quờ quạng, loi choi, bưng mặt, dụi mắt, và la chí choé. Anh Khan rút cây tầm vông lên. Thế là những con khỉ dưới hố đã hoàn toàn bị nhốt. Tôi đếm được bảy con.

Tôi hỏi: "Đã bắt khỉ rồi. Bây giờ, làm cách nào đuổi khỉ?"

"Đến giai đoạn này, mọi chuyện sau đều dễ dàng."

Tất cả đồ nghề đã chuẩn bị từ trước. Anh Khan dùng thanh cây, một đầu có buộc thòng lọng, tròng vào cổ từng con, kéo lên, trói lại. Anh lấy kéo cắt lông trên đầu khỉ, như bị cạo trọc. Và lấy sơn màu đen đỏ trắng vàng, phết lem nhem lên đầu, lên mặt khỉ, trông rất khôi hài. Xong, anh mở trói, thả nó chạy vào rừng. Lại lôi con khác lên, hớt lông, sơn đầu...

Anh Khan giải thích, khỉ có khuynh hướng nhập bầy. Những con khỉ này, nó sẽ chạy đi tìm bầy để nhập. Nhưng những con khỉ khác không còn nhận ra bạn nữa, và tránh xa nó như con vật quái đản. Tự bản thân con vật bị sơn mặt, nó không biết nó quái đản, nên bầy khỉ càng chạy tránh, nó càng bám theo để nhập bầy. Cứ thế, một bên chạy, một bên bám riết, càng ngày càng đi xa, thật xa.

"Rồi nó sẽ về đâu?"

"Rừng núi bao la muôn trùng, ai biết sẽ về đâu."

"Những con khỉ bị bôi sơn lên mặt, rồi sẽ ra sao?"

"Cũng không ai biết sẽ ra sao. Nếu nó cứ bám riết theo bầy, có thể một ngày nào đó, con khỉ đầu đàn sẽ cắn nó chết."

Sáng mai, tôi sẽ rời khỏi lều rẫy, bỏ lại núi rừng, từ giả anh Khan để đi một nơi thật xạ Trong đêm, tôi nằm thao thức trên chiếc võng, không ngủ được. Nhìn ánh trăng khuya lạnh lẽo soi vào căn lều trống trải, tôi nghĩ đến những ngày cô đơn của anh Khan giữa đám rẫy đìu hiu. Tôi lại nghĩ đến đàn khỉ cứ chạy mãi, chạy mãi, không biết giờ này chúng dừng lại hay chưa? Anh Khan cũng không ngủ được. Anh ngồi dậy vấn thuốc, bất ngờ anh hỏi tôi, nghĩ thế nào về những con khỉ bị sơn mặt? Tôi nói, nếu ở  u Mỹ, Hội Bảo Vệ Súc Vật sẽ can thiệp cho nó. Anh bảo, khi tôi sang xứ người, nên tìm đến cái Hội Bảo Vệ Súc Vật, để nhờ họ che chở. Và nhớ hỏi họ, rằng giữa vùng rừng núi Việt Nam, có những "con khỉ người" đang bị sơn mặt, họ có bảo vệ không?...]- (Trích trong Lên Rừng Thăm Bạn- Lâm Chương) 


2. Bùa Ếch

[ ... Lương Mập hí hửng mang lọ bùa ếch về gặp Bảy Cự. Hắn nói: “Có bùa rồi. Lần này nhất định thành công”. Bảy Cự hỏi cách xử dụng. Hắn giải thích theo lời chỉ dẫn của lão thầy bùa Miên: “Khi con Lan ngồi đái, tia nước đái sẽ xói một cái lỗ dưới mặt đất. Bỏ bột bùa ếch vào ngay cái lỗ ấy. Sau vài ngày sẽ thấy kết quả”. Bảy Cự nóng lòng: “Kết quả thế nào, mày nói rõ hơn coi? Nó là đứa con gái ngây thơ hiền lành, mày đừng dùng bùa ngải hại đời nó tội nghiệp”. Lương Mập cười: “Chú Bảy yên tâm. Tôi thương nó, đâu nỡ làm hại nó. Tôi chỉ dùng mẹo để nó phải thương lại tôi. Khi con Lan lậm bùa rồi, nó ngồi đâu phải khép cặp đùi lại. Nếu không thì cửa mình sẽ phát ra âm thanh “ộp,ộp” như tiếng ếch kêu”. Bảy Cự cười ngất: “Như vậy rồi nó thương mày à?” Lương Mập nói: “Chưa thương đâu. Phải qua một giai đoạn nữa. Tôi sẽ hốt cho nó một thang thuốc vô thưởng vô phạt uống vào chẳng có tác dụng gì cả, đồng thời tôi ngưng bỏ bùa. Tiếng ếch kêu cũng chấm dứt. Nó tưởng đó là hiệu nghiệm của thuốc. Nó sẽ coi tôi là ân nhân, và từ đó phát sinh tình cảm”.

Dĩ nhiên tiếng nhạc ếch mà Lương Mập chờ đợi chẳng bao giờ xảy ra. Phần vì bùa ngải là thứ làm xàm, phần vì bướm đâu có gốc ếch mà kêu ồm ộp! Lương Mập tới cự nự với ông thầy bùa. Ông cho một thứ bùa khác cũng nhắm vào…bướm mà tấn công. “Lương Mập thắc mắc: “Sao bùa nào của thầy cũng nhằm vào bộ phận kín của phụ nữ?”. Lão nghiêm nét mặt: “Tôi còn cả trăm thứ bùa khác. Nhưng mục đích tối hậu của cậu chỉ nhằm vào cái đó nên tôi cũng nhằm vào chỗ đó mà cho bùa”. Lương Mập phân trần: “Tôi thương cô ta thiệt tình. Chứ đâu phải vì cái đó.” Lão lắc đầu: “Cậu lầm rồi. Nếu cô ta không có cái đó, cậu có thương không?” Lương Mập cứng họng. Trên đường về, nghiệm lại lời của lão thầy bùa, hắn hiểu ra rằng tình cảm trai gái đều bắt nguồn từ cái đó khác nhau mà thôi...]  -( Trích trong Mảnh Đất Nhiều  m Binh- Lâm Chương)

.

Riêng phần bạn, bạn nghĩ sao về lời "phán" của lão thầy bùa? 

Chắc các bạn đã tìm ra được "phần chìm" của tảng băng trôi? Và bạn nghĩ sao?  

- Chủ quan, cái làm tôi "phê" là lời của ông thầy bùa và cái làm tôi  "nhức nhối" là "những con khỉ bị sơn mặt". Những con khỉ này đã "một thời" bị "người ta tránh né và tránh xa như con vật quái đản": "Vết thương" đến nay đã nguôi và lành chưa? 

.

NGUYÊN LẠC

................

Ghi chú:

[1]. --Ernest Hemingway (1899-1961) lãnh giải Nobel văn chương năm 1954 và được biết đến nhiều nhất qua các tác phẩm The Sun Also Rises (1926), A Farewell to Arms (1929), For Whom the Bell Tolls (1940), The Old Man and the Sea (1952) và về khái niệm "Nguyên Lý Tảng Băng Trôi" (Iceberg theory)

Mời đọc: Ngư Ông và Biển Cả/The Old Man and the Sea 

https://daohieuvn.wordpress.com/category/ngu-ong-va-bien-ca-ernest-hemingway/

-- Anton Pavlovich Chekhov (1860–1904) là nhà viết kịch, nhà văn chuyên thể loại truyện ngắn người Nga. Chekhov được xem như là người đã nâng thể loại truyện ngắn lên một tầm cao mới trong nền văn học Nga, và dần dần trong nền văn học của thế giới. Với cái nhìn trầm tĩnh, trung thực về những nhân vật, Chekhov thể hiện nội tâm và cảm nghĩ của họ một cách gián tiếp, qua ẩn dụ thay vì miêu tả trực tiếp. Những cấu kết trong truyện của ông thường giản dị, và kết cục thường được để ngỏ thay vì là chung quyết.

[2].Okakura Kakuzo (1862 -1913) là một văn nhân Nhật Bản có nhiều đóng góp cho nghệ thuật dân tộc này và là nhà bảo tồn đồ cổ có tiếng trong thời kỳ nền văn hóa phương Tây tràn ngập nước Nhật.Tác phẩm nổi tiếng nhất là cuốn ‘Trà đạo” (đúng ra nên dịch là Trà thư), xuất bản năm 1905 tại Hoa Kỳ. Tác phẩm này được viết bằng tiếng Anh mang nhan đề Book of the Tea và sau đó dịch ra nhiều ngôn ngữ khác, làm tên tuổi ông nổi lên trên văn đàn quốc tế.


Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

GIÁNG SINH 2020 - THƠ XƯỚNG HỌA ĐỖ CHIÊU ĐỨC & THI HỮU

 

Chieu Duc

19:40, Th 3, 22 thg 12 (11 giờ trước)





        

 GIÁNG SINH 2020



Cũng tiếng chuông ngân tự Thánh đường,

Sao nghe lạnh lẽo giữa màn sương.

Cô-vi  uy lực tràn phường phố,

Dịch bệnh truyền lan khắp phố phường.

Dị quốc càng sầu niềm dị quốc,

Tha hương thêm chạnh nỗi tha hương.

Giáng Sinh chiếu lệ theo truyền thống,

Mong Chúa hồng ân khắp bốn phương !


                    ĐỖ CHIÊU ĐỨC

                  Giáng Sinh Cô-vi 2020


Phương Hà xin góp họa


NOEL NĂM ẤY..


Noel năm ấy bước chung đường

Dưới một bầu trời lấm tấm sương

Ta đã hẹn hò nơi góc phố

Và cùng đi dạo khắp thôn phường

Giọng cười anh ấm mênh mang gió

Làn tóc em mềm thoang thoảng hương

Ngoại đạo nhưng tin rằng có Chúa

Đôi mình khấn nguyện rất chân phương.


PHUƠNG HÀ



Vào 07:45:21 GMT+7, Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020, Đức Huỳnh hữu <namvat@yahoo.com> đã viết:


           NOEL MÙA COVID


Mưa phùn lất phất nhẹ trên đường

Lành lạnh đông về phố phủ sương

Chuông đổ ngân nga lời khấn nguyện

Âm thầm đón lễ khách tha hương

Cũng do ảnh hưởng từ Covid

Bởi thế lặng yên khắp xóm phường

Mừng Chúa giáng sinh về cứu thế

Đìu hiu vắng vẻ cả hai phương.

                 QUÊN ĐI



Vào 12:17:10 GMT+7, Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020, Loc Nguyen <mailoc4000@yahoo.com> đã viết:


   Họa với SQ và bạn thơ VTT. Chúc tất cả sức khỏe, bình an

      Thân mến

           ML


       NĂM TÀN


Chiều đông, hiu hắt ánh đèn đường

Xa tắp núi đồi phủ khói sương.

Hàng quán im lìm hoang lạnh phố

Co-Vy rờn rợn vắng tanh người.

Tuổi già khắc khoải quê ngàn dặm

Tóc trắng mơ màng gió bốn phương.

Nhạc Thánh vang lừng sao lấp lánh

Năm tàn thấm thía kiếp tha hương!

        MAI LỘC

       12-18-2020



On Dec 18, 2020, at 1:54 PM, Thanh Mai <maixuan1953@yahoo.com> wrote:


 ĐÊM GIÁNG SINH

           ( nhằm mùa COVID-19 )


Nghe tiếng chuông ngân Tháp Thánh Đường

Giáng Sinh tại Mỹ sớm tinh sương 

Cây thông lạnh lẽo đèn giăng điện 

Đường phố vắng tanh khách đáo phường 

Nạn dịch hoành hành lây lữ thứ 

Khẩu trang phòng chống nhiễm ly hương 

Ở nhà bó gối lo trăm hướng 

Ra cửa chùn chân sợ một phương 


MAI XUÂN THANH 

Ngày 17/12/2020


GIÁNG SINH BUỒN


Tiếng nhạc vang lên khắp giáo đường

Giáng Sinh lặng lẽ giữa màn sương 

CaLi dịch bịnh lan tràn phố

NewYort bảo rơi tuyết ngập phường

Lễ lộc  chi buồn thân viễn xứ

 Tiệc tùng thêm tủi   kiếp ly hương

Cầu mong nhân loại nhiều ân phước

Chúa trãi tình thương đến mọi phương


NHÃ MY