CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2020

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 70 : MÂY - ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 

Chieu Duc

19:16, Th 6, 11 thg 12 (2 ngày trước)


THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 70 :  


                                             MÂY                                                     

     

                                      Inline image

                          Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

                MÂY thua nước tóc, tuyết nhường màu da.   


          MÂY thua nước tóc, có nghĩa là Mây cũng không mềm mại bồng bềnh và đẹp như tóc của Thúy Vân và Thúy Kiều. Mây bay ở trên trời với muôn hình vạn trạng, lã lướt bồng bềnh, trôi nổi mềm mại lan tỏa khắp bầu trời và đẹp như... MÂY ! Nên mái tóc đẹp của người đẹp thường được gọi là TÓC MÂY, như đêm Kim Trọng và Thúy Kiều cùng thề nguyền hẹn ước, cụ Nguyễn Du đã viết :


                         Tiên thề cùng thảo một chương,

                     TÓC MÂY một món dao vàng chia đôi .

       Cái búi tóc trên đầu của các người đẹp, còn gọi là Vân Kế 雲髻, Vân Mấn 雲鬢, như trong Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị tả lúc Dương Qúy Phi tiếp sứ giả của Đường Minh Hoàng:             


                      雲髻半偏新睡覺,  Vân kế bán thiên tân thụy giác,             

                      花冠不整下堂來.    Hoa quan bất chỉnh hạ đường lai.

Có nghĩa:             

                TÓC MÂY nghiêng lệch vừa tan mộng,  

                Hoa miện nghiêng chao bước xuống giường.  


                Inline image


     TÓC MÂY dã dượi cũng là một nét hấp dẫn của người đẹp !        


     Khi mới tấn cung, mới được nhà vua yêu dấu, thì Dương Quý Phi đã đủng đỉnh nũng nịu làm dáng với:         

                         雲鬢花顏金步搖      Vân Mấn hoa nhan kim bộ diêu

Có nghĩa: 

                           Tóc mai mặt ngọc lắc lư gót hài ...  

     

              Tóc mai buông xõa như mây khi mới tắm xong với nét mặt  đẹp như hoa và cành trâm vàng "kim bộ diêu" lắc lư trên mái tóc.


        Trong văn học cổ, Mây Xanh là Thanh Vân 青雲. THANH VÂN ngày xưa vốn dùng để chỉ những người quân tử đức cao vọng trọng có chí hướng cao vút tận mây xanh !. Sau mới dùng để chỉ những người hiển đạt làm quan, và  vì thế mà người xưa ví với việc thi đậu Tiến sĩ, Trạng Nguyên là Nhẹ bước Thanh Vân, là lên tận mây xanh rồi đó. Nên ta lại có các thành ngữ như: Thanh Vân Đắc Chí 青雲得志, hay Bình Bộ Thanh Vân 平步青雲, mà trong tiếng Nôm ta gọi là Nhẹ Bước Thang Mây, hay nói như cụ Nguyễn Công Trứ trong bài Chí Làm Trai là:      


                ĐƯỜNG MÂY rộng thênh thang cử bộ,   

                 Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo.


                            Inline image


     Hay như cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều khi viết tiếp “Vương Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày” để diễn tả Kim Trọng và Vương Quan thi đậu cùng khoa là:             


                         Cửa trời rộng mở ĐƯỜNG MÂY,   

                        Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần. 


Và cụ thể hơn là tâm trạng rất có hậu của Kim Trọng khi thi đậu là nhớ ngay đến nàng Kiều:          


                            Kim từ nhẹ bước THANH VÂN  

                       Nỗi nàng càng nghĩ xa gần càng thương.

  

       THANH VÂN không chỉ chỉ thi đậu, mà còn chỉ chung cho tất cả bá quan văn võ khi đạt đến đỉnh hiển vinh, như khi cô Kiều khuyên Từ Hải quy hàng, vì : “Nghĩ mình mặt nước cánh bèo, Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân”, nếu Từ Hải chịu quy thuận triều đình vẫn hơn suốt đời làm một loạn tướng :          


                    Bằng nay chịu tiếng vương thần,  

                    Thênh thang đường cái THANH VÂN hẹp gì !


                            Inline image


       Hơn cả sự hiển vinh của các quan viên, vượt lên trên cao ngất ngưỡng là MÂY RỒNG, là Rồng Mây gặp hội. Như khi mới gặp Từ Hải, biết Từ là người anh hùng có chí lớn "Dọc ngang nào biết trên đầu có ai". Thúy Kiều đã nói nịnh một câu rất đắc sách là :


                             Thưa rằng : Lượng cả bao dong,

                       Tấn Dương được thấy MÂY RỒNG có phen !


      Tấn Dương là nơi Đường Cao Tổ khởi binh dựng nên cơ nghiệp của nhà Đường. Ý Thúy Kiều muốn nói là có một ngày nào đó Từ Hải sẽ lập nên nghiệp đế như Đường Cao Tổ vậy, làm cho Từ Hải sướng quá chừng chừng, mới nói với Thúy Kiều là :"Một lời đã biết đến ta, muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau !".


         Trong ca dao dân gian Việt nam ta thì có những câu :


                     Trên trời có đám MÂY XANH,

                  Ở giữa MÂY TRẮNG chung quanh MÂY VÀNG...                       


        Mây Vàng là HOÀNG VÂN 黃雲 chỉ xuất hiện sau những cơn mưa lón hoặc tuyết lớn, lúc trời quang mây tạnh, do sự phản chiếu của ánh nắng mặt trời hắt ngược từ mặt đất trở lên, nên mây trên trời mang màu vàng cả một vùng rộng lớn như bài thơ Biệt Đổng Đại của Cao Thích đời Đường:


                 千里黃雲白日曛,  Thiên lý hoàng vân bạch nhật huân,

                 北風吹雁雪紛紛。  Bắc phong xuy nhạn tuyết phân phân.    

                 莫愁前路無知己,  Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ,           

                 天下誰人不識君。  Thiên hạ hà nhân bất thức quân.

Có nghĩa :

                  Ngàn dặm MÂY VÀNG nắng úa hanh, 

                     Tuyết rơi gió cuốn nhạn bay nhanh      

                     Đừng sầu trước mặt không tri kỷ,       

                     Thiên hạ ai người chả biết anh !


                   Inline image


      Còn theo như câu nói trong Tống Thư-Phù Thoại Chí Thượng 《宋书.符瑞志上》:" Đế Nghiêu chi mẫu viết Khánh Đô, sinh vu Đẩu duy chi dã, thường hữu hoàng vân phúc hộ kỳ thượng 帝尧之母曰庆都,生于斗维之野,常有黄云覆护其上。Có nghĩa : "Bà mẹ của ông Đế Nghiêu là Khánh Đô, được sinh ra ở ngoại ô của đất Đẩu Duy, thường hay có đám mây vàng che phủ ở bên trên". Nên MÂY VÀNG còn có ý chỉ nhớ thương cha mẹ, như khi Thúc Sinh làm thơ ca ngợi vẻ đẹp của Thúy Kiều khi cô đang tắm, thì Kiều đã đáp lại rằng :


                      ... Hay hèn lẽ cũng nối điêu,

                 Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang.

                         Lòng còn gởi áng MÂY VÀNG,

                  Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay.


                 Inline image


        MÂY VÀNG nhớ cha mẹ, MÂY TRẮNG cũng nhớ cha mẹ. Theo Toàn Ðường Thư: Ðịch Nhân Kiệt 狄仁傑 (630-700) đời Ðường khi bị biếm làm quan tham quận ở Tinh Châu, còn cha mẹ ông thì cư ngụ ở Hà-Dương. Một hôm, lên núi Thái Hàng ngắm nhìn mây trắng bay nơi chân trời, ông nói với thuộc hạ rằng: “nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng kia kìa !”. Từ đó văn học cổ lấy hình tượng mây trắng để nói lên nỗi nhớ thương cha mẹ, và nơi chôn nhau cắt rốn đã sản sinh ra mình. Như tâm trạng của Thúy Kiều, khi bị bắt làm Hoa Nô để hầu hạ cho Hoạn Thư :        


                   Bốn phương MÂY TRẮNG một màu, 

                  Trông vời cố quốc biết đâu là nhà.

   

     Không gọi là Mây Trắng thì lại gọi là MÂY BẠC. Như khi Hoạn Thư khuyên Thúc Sinh về Lâm Chuy thăm Thúc Ông đã mở hơi rằng :


                               Cách năm MÂY BẠC xa xa,

                        Lâm Chuy cũng phải tính mà thần hôn !...


     Không gọi là Mây Bạc  thì gọi là MÂY TẦN. Như khi Từ Hải lên đường đi lập nghiệp lớn, Thúy Kiều ở lại có một mình đã nhớ về cha mẹ như sau :


                             Đoái thương muôn dặm tử phần,

                       Hồn quê theo ngọn MÂY TẦN xa xa !... 


     MÂY TẦN là tích của Hàn Dũ (768-824), một văn học gia lớn của đời Đường. Sau khi “Nhất phong triêu tấu cửu trùng thiên, Mộ biếm Triêu Dương lộ bát thiên 一封朝奏九重天 夕貶潮陽路八千” (Một phong tấu sớ buổi sáng dâng lên vua, thì buổi chiều đã bị đày đi Triều Dương xa tám ngàn dặm  đường) vì can nhà vua đừng mê tín qúa tin vào đạo Phật. Khi đi đến Lam Quan thì trời đổ tuyết lớn, ngựa không đi được, nên ông lại viết thêm hai câu thơ bất hủ là :     


                        雲橫秦嶺家何在,  Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại ?             

                        雪擁藍關馬不前。  Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền.

      Có nghĩa:                

                        Mây ngang Tần Lĩnh nhà đâu tá  ?    

                        Tuyết phủ Lam Quan ngựa khó đi !


                Inline image

                           Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại ?


        Mây vắt ngang Tần Lĩnh, gọi tắt là Mây Tần, như lòng của cô Kiều nhớ nhà sau mười mấy năm lưu lạc (Đoái thương muôn dặm tử phần, Hồn quê theo ngọn Mây Tần xa xa !).

        

       Có MÂY thì có MƯA và MƯA xuống là nhờ có MÂY, nên MÂY và MƯA không thể tách rời ra được. Cuối cùng ta có điển MÂY MƯA để chỉ sự ân ái giữa nam nữ với nhau do tích Vu Sơn Thần Nữ 巫山神女 như sau:


      Theo thần thoại Trung Hoa, con gái của Xích Đế 赤帝 là Dao Cơ 瑶姬, chết trẻ, chôn ở Vu Sơn, hồn phách không tan, biến thành Thần Nữ. Trong bài Cao Đường Phú của Tống Ngọc nước Sở thời Chiến quốc có ghi lại: Sở Vương đi chơi ở Cao Đường, mơ thấy Thần Nữ đến cùng ân ái, khi chia tay còn nói là “Đản vi triêu vân, mộ vi hành vũ 旦为朝雲,暮为行雨” (Thiếp kéo mây ở buổi sáng, làm mưa ở buổi chiều). Theo quan niệm cổ xưa thì nữ thần và vua giao hợp có thể làm cho phong điều vũ thuận, ngũ cốc phong đăng. Có nghĩa: Mưa thuận gió hòa, lúa thóc được mùa. Nhưng dân gian lại không chịu hiểu theo nghĩa đó, hễ nhắc đến Sở Vương và Thần Nữ thì sẽ nghĩ ngay đến “MÂY MƯA ân ái giữa trai gái với nhau” mà thôi ! Vì thế, sau nầy hễ nhắc đến Thần Nữ Vu Sơn, Cao Đường Thần Nữ là người ta nghĩ ngay đến một giai nhân tuyệt sắc gợi tình, và nói đến Kéo Mây Làm Mưa, hay nói gọn thành Mây Mưa, là người ta lại nghĩ ngay đến việc ái ân trai gái. Như cô Kiều đã ngăn Kim Trọng lại trong đêm gặp gỡ khi “Sóng tình dường đã xiêu xiêu, Xem trong âu yếm có chìu lả lơi”, mà kể lể rằng:   


                        Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,           

                        Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương.  

                         MÂY MƯA đánh đổ đá vàng,        

                        Quá chìu nên đã chán chường yến anh...


                      Inline image

                                        Vu Sơn Thần Nữ


      Còn Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc tả nàng cung nữ chẳng những tài sắc vẹn toàn mà còn rất gợi tình nữa, đến nỗi cỏ cây cũng không chịu nổi trước sức hấp dẫn của nàng :


                             Bóng gương lấp ló trong mành,

                        Cỏ cây cũng muốn nổi tình MÂY MƯA !


     Trong bài Thanh Bình Điệu 清平調 thứ hai, khi tả về nhan sắc và sức quyến rũ gợi cảm của Dương Quý Phi, Lý Bạch cũng đã phải nhờ tới Vu Sơn Thần Nữ :     


                  一枝紅豔露凝香,   Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương,          

                  雲雨巫山枉斷腸.   VÂN VŨ VU SƠN uổng đoạn trường.            

                  借問漢宮誰得似,   Tá vấn Hán cung thùy đắc tự,

                  可憐飛燕倚新妝.   Khả lân Phi Yến ỷ tân trang.

  Có nghĩa :              

                     Một cành hoa đẹp ngậm sương thơm,  

                     Mưa móc Vu Sơn cũng dỗi hờn.          

                     Dám hỏi Hán cung ai dám sánh,          

                     Thương nàng Phi Yến mới soi gương.


                     Inline image

                                 Triệu Phi Yến            Dương Qúy Phi


       Dương Thái Chân đẹp đến nỗi Thần Nữ cũng phải hờn dỗi đoạn trường và Triệu Phi Yến trong cung nhà Hán ngày xưa mới soi gương để tân trang lại nhan sắc cũng phải chào thua !

 

      Xin được kết thúc bài MÂY ở đây. Hẹn bài viết tới !


                                                 杜紹德

                                              ĐỖ CHIÊU ĐỨC



Không có nhận xét nào: