CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2024

CÕI BUỒN RẤT BUỒN... RẤT BUỒN! - TRẦN HỮU NGƯ

 



CÕI BUỒN
RẤT BUỒN…
RẤT BUỒN!

Có rất nhiều nhạc sĩ miền Nam sau 1975 bỏ Việt Nam chạy ra nước ngoài.
Ở nước ngoài, họ vẫn tiếp tục sáng tác. Phần đông những bài hát nằm trong chủ đề “thân phận xa quê”, “buồn nhớ quê hương”, những người Việt lạc loài trên khắp thế giới, mang bịnh “nhớ nhà mãn tính”, ở đâu cũng phải kiếm cái ăn, nhưng ở nước ngoài kiếm cái ăn khó khăn hơn, trong đời sống thường nhật còn trở ngại bất đồng ngôn ngữ, tập quán…
Họ ra đi, bỏ lại Saigon, nơi ấy một thời các văn nghệ sĩ miền Nam coi Saigon là chỗ dung thân, chỗ đã từng nuôi dưỡng họ để họ trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng.
Saigon, được ví là “Hòn ngọc Viễn đông” của một thời “Đẹp lắm Saigon ơi, Saigon ơi…” (nhạc phẩm Saigon của Y Vân).
Tôi nghe một số ca khúc của nhạc sĩ Saigon đã bỏ Saigon, viết ở nước ngoài. Phần đông nhạc của họ, người “bên thắng cuộc” khó nghe, khó chấp nhận được, dĩ nhiên! Còn người “bên thua cuộc” nghe để thương cho những thân phận của người Việt đau đáu nỗi nhớ quê nhà! Những nỗi đau không thể nói lên bằng lời của những ngày vượt đại dương mênh mông, vô định!
Trước khi vào CÕI BUỒN… RẤT BUỒN, tôi xin nhắc ngày sinh và tử của nhạc sĩ Anh-Bằng:
-Sinh ngày 5.5.1926 tại Thanh Hóa Hanoi
-Mất ngày 12.11.2015 tại Hoa Kỳ.
Nhớ lại:
-Một lần Anh Bằng di cư vào Nam, xa Hanoi để viết một bài hát “Nỗi lòng người đi” đã làm xúc động nhiều người từ Trung-Nam-Bắc của một thời chiến-tranh:
“… Hôm nay Saigon bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu lắng đi trong bùi ngùi
Saigon ơi! Mộng với tay cao hơn trời
Tôi hái hoa tiên cho đời
Để ước mơ nên đẹp đôi…”
-Một lần ông di cư sang Hoa Kỳ, vẫn tiếp tục viết nhạc, trong số này có một ca khúc CÕI BUỒN, làm người nghe ở quê nhà cũng buồn theo.
Buồn mà trở thành “Cõi” thì có Anh Bằng mới dùng, và ông đã viết rằng “Rất buồn…Rất buồn” là tiếng nói phổ thông của những ai gặp chuyện buồn. Rất buồn… Rất buồn, hai chữ này sau mỗi câu đã làm bài hát… cũng rất buồn, mà phải dùng điệp khúc, chớ đứng riêng thì không còn buồn nữa, hoặc có buồn thì cũng buồn ít thôi.
Bài “Cõi buồn”, nhạc sĩ Anh Bằng đã nói rất thật chớ không phải “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ…” (Nhà thơ Việt Phương).



Hãy nghe Anh-Bằng so sánh:
-Mùa Thu
-Mưa
-Hoàng hôn
-Chiều
-Biển
-Trăng
-Thời gian
Ở nước Mỹ thua xa Saigon:
“… Mùa Thu nơi đây buồn hơn mùa Thu Saigon nhiều
Nhìn Thu lá bay không thiết tha giống Saigon nhiều
Biết không em, biết không em
Mùa Thu nơi đây rất buồn… rất buồn…
Trời mưa nơi đây
Buồn hơn trời mưa Saigon nhiều
Giọt mưa hắt hiu
Nhắc ta nhớ Saigon nhiều
Biết không em, biết không em
Tuổi xanh cô đơn rất buồn, rất buồn
Hoàng hôn nơi đây
Nhạt hơn hoàng hôn Saigon nhiều
Chiều ra biển khơi
Ta tiếc thương chiều Saigon nhiều
Biết không em, biết không em
Thời gian rất buồn… rất buồn…
ĐK:
Ta muốn kéo mặt trời lặn đằng Đông, mọc đằng Tây
Ta muốn thời gian, không gian trong khoảng tù đầy
Để không mất nhau, để không mất nhau
Để mãi mãi không mất nhau
Không mất nhau trên đời này
Dù chỉ một phút giây…
Màu trăng nơi đây, bạt hơn màu trăng Saigon nhiều
Trời đêm lắm sao nhưng khác trăng sao Saigon nhiều
Biết không em, biết không em, ở đây rất buồn… rất buồn…”
Nhạc sĩ Anh Bằng vì quá thương nhớ quê hương Việt Nam, nhất là nhớ thương da diết Saigon, nên ông làm cuộc so sánh Saigon hơn hẵn Hoa Kỳ!
Bài hát “Cõi Buồn” trong mỗi dứt câu là… Rất buồn… Rất buồn… nghe sao nó rất buồn và tôi cũng rất buồn khi nghe “Cõi buổn”.
Năm ông xa Hanoi thì… rất vui?
Năm ông xa Saigon thì… rất buồn!
Tôi xin thành kính gởi về ông, ở một nơi xa xôi “Cõi buồn” thuở ấy, và tôi rất buồn, rất buồn… khi nghe CÕI BUỒN!
Nhạc sĩ Anh Bằng viết CÕI BUỒN rất buồn. Nhưng ông hỏi một câu rất dễ thương:
-“Biết không em, biết không em”…
Một câu hỏi đã có câu trả lời, vì em đã biết:
-Nơi anh ở rất buồn… rất buồn…
Một ca khúc thật khó quên không dành cho những người xa xứ.

TRẦN HỮU NGƯ

Không có nhận xét nào: