CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

QUÝT GIẤY HƯƠNG CẦN - PHAN NI TẤN

 

                                            


QUÍT GIẤY HƯƠNG CẦN
(tìm hiểu văn hóa)

Hương Cần, một danh xưng giản dị, mộc mạc, lành như đất, hiền như người làng Hương Cần, quê mạ tôi.
Hương Cần, thuộc xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên–Huế. Làng nằm bên sông Bồ cách thành phố Huế khoảng 8 cây số về hướng Bắc.
Hồi tôi còn nhỏ Hương Cần và tôi có chút nhớ mà về chiều tôi vẫn nhớ hoài. Số là hồi đó nghe người lớn nói quít Hương Cần là loại "quít giấy" làm tôi cứ nâng niu, mò mẫm trái quít tìm hoài vẫn không thấy "giấy" đâu hết. Hỏi thì mạ tôi giải thích "Gọi quít giấy là vì vỏ quít mỏng như giấy" tôi mới vỡ lẽ.
Về sau tìm hiểu thêm thì tôi được biết quít giấy Hương Cần nổi tiếng dược trồng trên đất phù sa sông Bồ. Quít giấy Hương Cần có đặc điểm khác với các loại quít khác là khi chín trái có màu vàng cam, ở phần cuống thì màu xanh lá cây. Vỏ xốp mỏng như giấy rất dễ lột vỏ, có mùi thơm đặc biệt, múi quít màu hồng nhạt dễ tách ra từng múi, vị ngọt và thanh.
Đây là một trong những giống quít ngọt được ưa chuộng nhất nước không những vì mùi vị thanh tao của nó mà còn vì câu chuyện lịch sử phía sau nó.
Chuyện ngày xưa kể lại rằng, ngày xưa có một vị vua nhà Nguyễn vi hành ghé thăm làng Hương Cần, người dân mang quít tiến vua. Nhà vua sửng sốt ngay từ lần thử đầu tiên vì mùi vị của của nó và ban thưởng cho dân làng vì đã phát hiện và bảo tồn giống cây quý. Kể từ đó về sau, hằng năm đến mùa quít, dân làng mở hội tuyển chọn những trái quít ngon nhất để tiến vua. Từ đó, tiếng thơm của Quít giấy Hương Cần ngày càng vang xa cho đến ngày nay. Sinh thời Nguyễn Du và Tùng Thiện Vương đều làm thơ ca tụng.
Bài thơ "Tống Nhân" trong tập Nam Trung Tạp Ngâm của nhà thơ Nguyễn Du được Quách Tấn dịch, như sau:
Tống Nhân
Hương Cần quan đạo liễu thanh thanh
Giang Bắc, Giang Nam vô hạn tình
Thượng uyển oanh kiều đa đố sắc
Cố hương thuần lão thượng cam khanh
Triều đình hữu đạo thành quân hiếu
Trúc thạch đa tàm phụ nhĩ minh
Trù trướng thâm tiêu cô đối ảnh
Mãn sàng trệ vũ bất kham thinh Tiễn bạn

**
Hương Cần đường liễu dập dờn xanh
Bến Bắc, bờ Nam vô hạn tình
Oanh trẻ vườn vua ganh nét đẹp
Thuần già quê cũ ngọt ngon canh
Trân cam mừng bác thân lo vẹn
Trúc thạch cười tôi nguyện chẳng thành
Thưởng thức giường khuya nương bóng lẻ
Chẳng kham mưa gió sụt sùi canh.

Bài thơ về trái quýt ở Hương Cần của nhà thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm trong Thương Sơn thi tập như sau:
Quất chi từ
(Đồng chư công phú)
Ngũ nguyệt thanh thanh thập nguyệt hoàng,
Kỷ trùng phong vũ kỷ trùng sương.
Cam tâm phẫu tự tình nhân thủ,
Yêu thức nông gia triệt cốt hương.
Lời trái quit
Tháng năm xanh tháng mười vàng,
Trải bao mưa gió trải bao sương.
Lòng mong được tự người yêu bóc,
Để biết mình thơm ngát tận xương.

Huế là đất "trời hành cơn lụt mỗi năm" rứa mà đâu đâu trên mảnh đất miền Trung eo hẹp của Huế đều được dân gian truyền tụng:
Quýt giấy Hương Cần
Cam đường Mỹ Lợi
Vải trạng cung Diên
Nhãn lồng Phụng Tiên
Đào tiên Thế Miếu
Thanh trà Nguyệt Biều
Dâu da rừng Truồi
Hột sen hồ Tịnh.

Nói về quít Hương Cần có lần o Hương ở Huế tâm tình dễ thương như ri: "Quít Hương Cần nhớ xưa ngoại có trồng mấy cây gần ngõ vô nhà. Đi ngang qua nó thơm chi lạ. Thơm mùi hoa, mùi lá. Còn H cứ hái quả cất trong túi áo chơi một chặp lại lấy ra đưa lên mũi hít hà như sợ mùi thơm của nó sẽ bay đi mất. Nhớ hoài. H nhớ cây cao như cây chanh nhưng tán ko xòe ra mà vươn lên cao hơn và lá xanh dày hơn. Hái lá vò trong tay thơm cả ngày. Gai cứng hơn gai chanh".
Khí hậu nước Việt Nam thường nồng nã, nắng ấm quanh năm rất thích hơp với loại quít giấy. Nhất là được người làng trồng trên đất phù sa sông Bồ. Nói về cây lá và mùa màng Quỳnh Nga có thơ rất hay:
Trên những chiếc lá xanh
Mùa lửa cháy
Tôi nghe mùi diệp lục thở
Trên tay em
Mùa hạ đương về !
Còn tôi, tôi nay vẫn quyến luyến mãi làng Hương Cần quê mạ tôi và trái quít giấy đã xa tôi ròng rã ngót 63 năm trời. Năm nay tôi 78 tuổi, dù rứa mùi của quít giấy Hương Cần vẫn thơm mãi trong hồn tôi.


PHAN NI TẤN

Không có nhận xét nào: