LOAN LONG
Inline image
Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng,
GƯƠNG LOAN bẻ nửa, dải đồng xé đôi.
Đó là hai câu tả cảnh lúc nàng cung nữ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều bị thất sủng. GƯƠNG LOAN là gương soi có hình chim loan, là vật để làm đẹp chốn khuê phòng của các bà các cô ở trên bàn trang điểm, thường được trang trí bởi hình con chim loan hay chim phượng. Theo sách Thái Bình Ngự Lãm 太平御覽 : Kế Tân Vương 罽賓王 xây nhà ở núi Tuấn Kỳ, bắt được một con chim loan. Vương rất yêu thích cho ăn toàn ngũ cốc, ở lồng vàng, nhưng suốt ba năm chim vẫn không hót. Phu nhân mới hiến kế rằng :"Thiếp nghe nói, khi chim loan gặp được đồng loại thì sẽ vui mừng mà kêu hót". Vương nghe theo. bèn cho dựng một tấm gương lớn trước mặt chim. Quả nhiên chim loan vui mừng kêu hót không ngừng, nhưng kêu mãi mà chim loan trong gương vẫn không bay ra, nên tiếng kêu hót trở nên bi thương. Cuối cùng gục chết trước gương. Sau dùng rộng ra, GƯƠNG LOAN là gương dùng để cho lứa đôi soi bóng và là chiếc gương trang điểm trên bàn phấn của qúy bà qúy cô. Trong Cung Oán Ngâm Khúc tả lúc nàng cung nữ bị thất sủng nên mới có câu GƯƠNG LOAN BẺ NỬA để chỉ sự phân ly :
Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng,
GƯƠNG LOAN BẺ NỬA, dải đồng xé đôi.
LOAN 鸞 cũng là một loại chim thuộc hàng qúy tộc, tuy không bằng được PHỤNG HOÀNG 鳳凰 là chúa tể của các loài chim mà trăm loại chim khác phải bay đến để chầu chim Phụng với thành ngữ BÁCH ĐIỂU TRIỀU PHỤNG 百鳥朝鳳. Còn thành ngữ LOAN PHỤNG HÒA MINH 鸞鳳和鳴 là chỉ hai loài chim qúy tộc cùng kết thân với nhau và cùng nhau cất tiếng hót như sự hòa hợp vui vẻ giữa vợ chồng với nhau. Nên thành ngữ Loan Phụng Hòa Minh thường dùng để chúc cho đôi tân hôn trong đám cưới.
Riêng loài Phụng Hoàng 鳳凰 thì Phụng là con trống và Hoàng là con mái. Như thành ngữ PHỤNG CẦU KỲ HOÀNG 鳳求其凰 là : Con chim trống Phụng cầu thân với con chim mái Hoàng của nó. Đây cũng là tên của bản đàn mà Tư Mã Tương Như đã đàn để quyến rủ người đẹp Trác Văn Quân. Như trong "Bích Câu kỳ ngộ" có câu:
Cầu Hoàng tay lựa nên vần,
Tương Như lòng ấy, Văn Quân lòng nào.
Inline image
... Và, trong "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du cũng có câu :
Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu,
Nghe ra như oán, như sầu phải chăng!
Riêng chim LOAN 鸞 cũng có chim trống chim mái như phần trên đã trình bày, nhưng khi đi với PHỤNG 鳳 thì chữ LOAN được xem như là chim mái. Khi vợ chồng Vu Hựu và Hàn Thị đem chuyện Lá Đỏ Đề Thơ nói cho Hàn Vĩnh biết, lúc nghe xong Hàn Vĩnh đã cả cười, cầm bút lên viết ngay một bài thất ngôn tuyệt cú như sau :
Nhất liên giai cú tùy lưu thủy, 一聯佳句題流水,
Thập tải u tư mãn tố hoài. 十載幽思滿素懷.
Kim nhật khước thành LOAN PHƯỢNG hữu, 今日卻成鸞鳳友,
Phương tri hồng diệp thị lương mai. 方知紅葉是良媒.
Có nghĩa :
Đôi câu thơ đẹp chảy theo dòng,
Ấp ủ lòng son suốt chục năm.
May mắn hôm nay LOAN PHỤNG hợp,
Mới hay lá đỏ chính mai dong !
Inline image
Nên LOAN thường được dùng để tượng trưng cho phái nữ, như GƯƠNG LOAN mà ta đã biết ở trên. Ngoài ra, phòng của các bà các cô ở cũng được gọi là LOAN PHÒNG, như trong Truyện Kiều nói về phòng ngủ của Hoạn Thư khi Thúc Sinh về thăm :
Người vào chung gối LOAN PHÒNG,
Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài.
Khi đã xưng vương, Từ Hải cho mười vị tướng quân đi đón Thúy Kiều với đầy đủ :
Sẵn sàng PHƯỢNG LIỄN LOAN NGHI,
Hoa quan chấp chới hà y rỡ ràng.
Phượng Liễn Loan Nghi 鳳輦鸞儀 : là nghi thức đón vương phi hay hoàng hậu, là hai cái càng kiệu (đòn kiệu) chạm hình chim phượng, xung quanh vây màn thêu chim loan ; hoặc trên kiệu có tạc hình của con chim loan ngậm màn trướng.
PHƯỢNG hay PHỤNG 鳳 là chim trống, nhưng khi đi với LONG 龍 là Rồng, thì Phụng lại tượng trưng cho phái nữ. Như : PHƯỢNG LIỄN LOAN NGHI 鳳輦鸞儀 đã nói ở trên; ngoài ra ta còn có PHỤNG QUAN 鳳冠 là cái Mão của Hoàng Hậu hay Qúy Phi đội trên đầu, sau nầycác cô dâu trong ngày cưới cũng được phép đội Phụng Quan. PHỤNG BÀO là áo khoác ngoài của Hoàng hậu hoặc phi tần...
Inline image
Phụng Liễn Loan Nghi Phụng Quan Phụng Bào
LONG 龍 thì luôn luôn tượng trưng cho giới tính Nam, nhất là tượng trưng cho nhà vua ngày xưa. Ta có vô số từ có chữ LONG để chỉ những gì thuộc về vua chúa, như : Long Nhan 龍顏 (Mặt vua), Long Thể 龍體 (Cơ thể của vua), Long Bào 龍袍 (Áo bào vua mặc), Long Xa 龍車 (Xe vua đi), Long Chu 龍舟 (Thuyền vua ngồi), Long Sàng 龍床 (Giường vua ngủ)... Như trong Kinh Dịch có quẻ thuần dương "Phi Long Tại Thiên 飛龍在天" là Rồng bay ở trên trời chỉ việc nhà vua lên ngôi. Trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái gọi tắt là LONG PHI trong đoạn tả vua Lê Thái Tổ lên ngôi :
Vương Thông thế túng cầu hòa,
Quyền phong Trần Cảo gọi là Quốc vương.
Ngôi thiêng sao xứng tài thường,
Trần công trảm sát để nhường LONG PHI.
Ngoài việc chỉ vua ra, LONG còn dùng để chỉ những gì đặc biệt khác thường, như LONG PHỤNG THAI 龍鳳胎, là cái thai sanh đôi một nam một nữ. VỌNG TỬ THÀNH LONG 望子成龍 là Mong con hóa rồng, tức là mong con có được những thành đạt vượt bực khác hơn người thường. Hoặc nói chung cho mọi người khi gặp vận may là "Như Cá Hóa Rồng" là NGƯ LONG BIẾN HÓA 魚龍變化 như trong bài hát nói "Hơn Nhau Cũng Một Chữ THÌ" của cụ Nguyễn Công Trứ với các câu sau đây :
...Hãy bền lòng, chớ chút oán vưu,
Thời chí hĩ, NGƯ LONG BIẾN HÓA.
Thôi đã biết cùng thông là mệnh cả,
Cũng đừng đem hình dịch lại cầu chi...
Inline image
LONG TUYỀN KIẾN 龍泉劍 là một thanh bảo kiếm có xuất xứ như sau : Theo Việt Tuyệt Thư ghi chép 《越絕書》載:Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, có Âu Dã Tử hợp cùng với Can Tương vào núi Tỳ Sơn tìm thép sống và dẫn nước khe về nơi luyện kiếm chứa trong các ao nước được xếp theo hình thất tinh Bắc Đẩu trên trời, Họ cùng rèn luyện ra ba thanh bảo kiếm là LONG UYÊN 龍淵, THÁI A 泰阿 và CÔNG BỐ 工布. Khi LONG UYÊN KIẾM truyền đến đời Đường Cao Tổ Lý Uyên, vì kỵ phạm uý, nên mới đổi tên kiếm thành LONG TUYỀN. Trong văn học cổ Việt Nam ta, LONG TUYỀN là tên gọi chung của các loại kiếm báu, như hai câu thơ cuối trong bài Thuật Hoài của danh tướng Đặng Dung đời Hậu Trần là :
國讎未報頭先白, Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
幾度龍泉戴月磨。 Kỷ độ LONG TUYỀN đới nguyệt ma.
Có nghĩa :
Quốc thù chưa báo đầu đà bạc,
Mài mãi LONG TUYỀN dưới ánh trăng.
Inline image
Trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái cũng có câu :
Đến cơn loạn mệnh nên nhầm,
Cán LONG TUYỀN để trao cầm tay ai.
Còn LONG VÂN 龍雲 là Rồng Mây. Theo câu nói trong Kinh Dịch-Quẻ Càn-Cửu Ngũ là : 水流濕,火就燥,雲從龍,風從虎,聖人作而萬物睹 Thủy Lưu thấp, hỏa tựu táo, vân tòng long, phong tòng hổ, thánh nhân tác nhi vạn vật đổ. Có nghĩa : "Nước chảy đến thì ướt át, lửa cháy đến thì khô nóng, mây nổi lên vì rồng bay đến, gió thổi đến vì tiếng hổ gầm, việc thánh nhân làm có vạn vật soi xét". Ý chỉ "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu 同聲相應,同氣相求。vạn vật đều cùng cảm ứng mà tìm đến với nhau. LONG VÂN còn có nghĩa là "Rồng mây gặp hội" chỉ thời cơ thuận lợi đã đến trên bước đường công danh ngày xưa, như trong truyện thơ Nôm Lâm Tuyền Kỳ Ngộ (Bạch Viên Tôn Các) có câu :
Thiên tử rày ra chiếu cử nhân,
Anh hùng tưởng gặp áng LONG VÂN.
Trong truyện Tây Sương thì gọi là LONG VÂN KHẾ HỘI 龍雲契會 như :
Bỏ công lận đận những khi,
LONG VÂN KHẾ HỘI gặp kỳ làm trai.
Inline image
LONG VÂN còn là RỒNG MÂY, như trong bài hát nói KẺ Sĩ của Nguyễn Công Trứ có câu :
RỒNG MÂY khi gặp hội ưa duyên,
Mang quách cả sở tồn làm sở dụng.
Cuối cùng là một thành ngữ có chữ LONG mà ta hay thường gặp ở cuối năm trong các "Phố Ông Đồ" là LONG PHI PHỤNG VŨ 龍飛鳳舞, tức "Rồng Bay Phượng Múa" như trong bài thơ bất hủ "ÔNG ĐỒ" của Vũ Đình Liên :
Bao nhiêu người thuê viết,
Tắm tắc ngợi khen tài.
Hoa tay thảo những nét,
Như PHƯỢNG MÚA RỒNG BAY !
Inline image
Long phi Phụng vũ
Hẹn bài viết tới !
杜紹德
ĐỖ CHIÊU ĐỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét