THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 82 :
PHẠM, PHAN, PHÁCH
...Thưa ông tôi PHẠM đình chi ?
Đọc giai thoại văn chương Việt Nam, ai cũng biết bà Sương Nguyệt Anh 孀月英 là con gái thứ tư của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu. Bà vốn tên thật là Nguyễn Thị Khuê, bút hiệu là Nguyệt Anh, vì chồng chết bà lại quyết chí ở vậy nuôi con, nên thêm một chữ Sương là Sương Phụ 孀婦, có nghĩa là "Đàn bà góa chồng" vào phía trước tên hiệu Nguyệt Anh thành SƯƠNG NGUYỆT ANH để tỏ rõ ý chí quyết ở vậy thờ chồng nuôi con của mình. Bà lại là nữ chủ bút đầu tiên của tờ báo Phụ Nữ Chung 婦女鐘 (Tiếng Chuông của giới Phụ Nữ) xuất bản năm 1918 ở Sài Gòn. Cũng chính trong thời gian nầy có ông Cử Phạm Đình Chi là viên chức của chính quyền Pháp đến tòa soạn báo định ve vãn bà, nhưng lại có cử chỉ hách dịch, bà cho người mang đưa ông ta một câu đối, nếu đối được sẽ cho gặp mặt. Câu đối hóc búa như sau :
Đình làng tôi không dám PHẠM, thưa ông, tôi PHẠM đình chi ?
Câu đối nêu đích danh của Phạm Đình Chi với cách chơi chữ đưa thẳng tên của ông vào trong câu đối. Dĩ nhiên là Phạm Đình Chi suy nghĩ nát óc cũng không sao tìm ra được câu đối lại. Đi đâu để tìm được một cái tên họ vừa có ý nghĩa lại vừa phải đối với tên họ của mình đây ?! Nên cuối cùng đành lẵng lặng chuồn êm khỏi tòa soạn báo.
Đó là giai thoại của Văn học Cận đại, còn trong Văn học Cổ nhắc đến họ PHẠM là người ta nghĩ ngay đến Phạm Lãi, đại thần của nước Việt thời Chiến Quốc, như tích sau đây :
Theo sách "Ngô Việt Xuân Thu 吴越春秋" thì PHẠM LÃI 范蠡 tự là Thiếu Bá. Ông vốn người đất Uyển của nước Sở thời Xuân Thu, vì bất mãn với chính sách không phải là giới qúy tộc thì không được làm quan của nước Sở, nên cùng bạn là Văn Chủng 文種 bỏ nước Sở mà qua nước Việt. Được Việt Vương Câu Tiễn trọng dụng phong làm Đại Phu. Sau khi nước Việt bại trận, Phạm Lãi đã cùng Việt vương Câu Tiễn bị bắt làm con tin ở đất Ngô. Khi được thả về nước Việt lại đưa ra kế sách phục thù, giúp Câu Tiễn bày mỹ nhân kế, dâng nàng Tây Thi cho Ngô vương Phù Sai và thực hiện kế hoạch nếm mật nằm gai, khắc khổ suốt hai mươi năm ròng rã. Cuối cùng cũng đánh bại và tiêu diệt được nước Ngô. Phạm Lãi được phong làm Thượng Tướng Quân, nhưng vì biết Việt Vương Câu Tiễn là người chỉ có thể cùng chung hoạn nạn mà không thể cùng chung phú qúy được. Nên ông quyết định từ quan ra đi, thả một chiếc thuyền nan trên Thái Hồ đến đất Định Đào của nước Tề, đổi tên là Đào Chu Công, ra sức kinh doanh trong mười chín năm trở thành một cự phú của đất Đào và mất tại nơi đây. Tương truyền khi rời khỏi nước Việt, ông đã đưa người đẹp Tây Thi cùng ngao du vùng ngũ hồ thơ mộng... rồi mới định cư ở đất Đào để kinh doanh và cuối cùng được dân chúng tôn thờ như là một Thần Tài trong giới kinh thương.
Trong văn học cổ PHẠM LÃI được xem như là kẻ biết thức thời vụ, biết khi nào nên đi nên ở, không màng đến vinh hoa phú qúy chỉ thích ngao du cho thoả chí bình sinh. Như trong "Chiến Tụng Tây Hồ Phú" của Chiêu Lỳ Phạm Thái, một danh sĩ tời Tây Sơn có câu :
Du hồ dễ mấy ai PHẠM LÃI;
Phù hải âu chẳng một Tử Do.
Còn trong truyện thơ Nôm "Từ Thức Gặp Tiên" viết theo Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ đời nhà Trần thì gọi PHẠM LÃI là PHẠM TỬ :
Gió đưa lai láng thuỷ trình,
Bé hồ PHẠM TỬ nhỏ ghềnh Đông Pha.
Ngoài ra, ta còn gặp nhóm từ PHẠM VƯƠNG CUNG 梵王宮 là Cung của Phạm Vương. Phạm Vương tức là Đại Phạm Thiên Vương 大梵天王 là vị thần có bốn mặt trong Phật giáo Bà La Môn, là vị thần của định mệnh, luôn khuyến thiện và theo phù trợ người hiền. Phạm Vương Cung thường dùng để chỉ nơi ở của thần thánh tiên phật, như trong truyện thơ Nôm Tây Sương Ký có câu :
Ước chi lối PHẠM VƯƠNG CUNG,
Rất khôn thiêng hóa ra dòng Đào Nguyên.
Sau họ PHẠM, ta có họ PHAN, mà hễ nhắc đến họ Phan trong văn học cổ là người ta lại nghĩ ngay đến PHAN AN 番安. Vậy Phan An là ai ?!...
Vốn tên là PHAN NHẠC 潘岳, tự là An Nhơn 安仁, tục xưng là PHAN AN 潘安. Ông là văn học gia đời nhà Tấn, từ nhỏ đã có văn tài, nổi tiếng là "thần đồng có kỳ tài" ở trong làng. Lớn lên lại rất đẹp trai, nổi tiếng là chàng trai tài sắc kiêm toàn. Theo sách "Thế Thuyết Tân Ngữ 世說新語" cứ mỗi lần Phan An ra dạo phố Lạc Dương là đàn bà con gái xúm nhau vây quanh để nhìn ngắm và ném cho chàng rất nhiều trái cây thơm ngon đến đầy cả xe (không phải ném cà thối đâu nhé!). Vì vậy mà hình thành một thành ngữ "Trịch Qủa Doanh Xa 擲果盈車". Có nghĩa "Ném trái cây đầy cả xe" để chỉ sự ái mộ của phái nữ dành cho phái nam. Còn một điều rất quan trọng làm cho Phan An nổi tiếng nữa là "Rất chung tình". Theo truyền thuyết...
Năm 12 tuổi Phan An theo cha đến bái kiến Thứ Sử Dương Châu là Dương Triệu 楊肇, Triệu mến tài Phan An nên hứa gả con gái rượu của mình là Dương Dung Cơ 楊容姬 mới có 10 tuổi cho An, là một cặp đôi thanh mai trúc mã, nên khi 24 tuổi thành hôn xong thì vợ chồng rất thương yêu nhau, và mặc dù lúc đó đàn ông có thể có năm thê bảy thiếp, nhưng Phan An quyết không nạp thiếp nào cả. Chung sống với nhau 26 năm thì vợ mất, có một đứa con nhưng lại yểu tử. Mặc dù vậy, Phan An vẫn ở vậy không tái hôn cho đến suốt đời. Quả là một người đàn ông đẹp trai bậc nhất và chung tình hiếm thấy của thời cổ đại. Đáng qúy nhất là ba bài thơ "Điếu Vong Thi 悼亡詩" làm để điếu vợ rất nổi tiếng của ông mà sau nầy đến đời Đường, nhà thơ Nguyên Chẫn cũng đã mượn ý để khóc vợ.
Trong "Chinh Phụ Ngâm Khúc" nữ sĩ Đoàn Thị Điểm gọi Phan An là PHAN LANG 番郎 (Chàng Phan) khi nàng chinh phụ đang mơ ước ngày chàng chinh phu trở lại, đã cảm thán :
Kìa Văn Quân mỹ miều thuở trước,
E đến khi đầu bạc mà thương.
Mặt hoa nọ gã PHAN LANG,
Sợ khi mái tóc điểm sương cũng ngừng.
Còn trong truyện thơ "Quan Âm Thị Kính" thì dùng từ CHÀNG PHAN để diễn tả vẻ đẹp trai và tài hoa của Sùng Thiện Sĩ, vị hôn phu của Thị Kính :
Kể điều tài mạo cũng ngoan,
Gã Tào kiếp trước, CHÀNG PHAN phen này.
Khi Thị Kính đổi tên thành chú tiểu Kính Tâm để được tu ở chùa thì các tín nữ đến cúng chùa đều mê vẻ đẹp trai của Kính Tâm như hai câu thơ sau :
Ngỡ chàng PHAN NHẠC đấy ru,
Ra đâu cũng ném quả cho tiếc gì.
PHẠM, PHAN đều là một họ trong "Bách Gia Tính 百家姓", nhưng PHÁCH thì không phải là một Họ. Chữ PHÁCH 魄 : gồm có chữ BẠCH 白 bên trái làm ÂM và bộ QUỶ 鬼 nên phải làm Ý; nên PHÁCH có nghĩa gốc là một Âm Thần (Thần của cỏi âm), tiêu biểu là Mặt Trăng của ban đêm, nên mặt trăng còn được gọi là QUẾ PHÁCH 桂魄, như trong thơ của Thi Phật Vương Duy :
QUẾ PHÁCH sơ sinh thu lộ vi, 桂魄初生秋露微,
Có nghĩa : Vầng trăng non đầu hôm mới mọc trong làn sương thu mỏng.
Đối với con người thì PHÁCH là cái VÍA, thường đi liền với chữ Hồn thành HỒN PHÁCH 魂魄, ta nói là HỒN VÍA; Nói theo bình dân là "ba hồn chín vía". Trong văn học thì gọi là PHÁCH QUẾ HỒN MAI để chỉ hồn phách của các bà các cô thơm như quế như mai, như khi Thúy Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn, được sư Giác Duyên cứu lên thuyền nhưng chưa kịp tỉnh lại, cụ Nguyễn Du đã tả lại như sau :
Mơ màng PHÁCH QUẾ HỒN MAI,
Đạm Tiên thoắt đã thấy người ngày xưa...
Ngoài PHÁCH QUẾ HỒN MAI, ta còn có thành ngữ "BAY HỒN MẤT VÍA" xuất xứ từ câu nói chữ Nho là "Hồn Phi Phách Tán 魂飛魄散", mà trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã nói là PHÁCH LẠC HỒN BAY để chỉ sự cuống cuồng sợ hãi qúa độ của đám tôi đòi khi nhà của Thúy Kiều bị bọn Khuyển Ưng đốt cháy :
Tôi đòi PHÁCH LẠC HỒN BAY,
Pha càn bụi cỏ gốc cây ẩn mình.
Sau PHÁCH LẠC HỒN BAY là PHÁCH LẠC HỒN SIÊU như khi biết Thúy Kiều đã bị chết cháy, Thúc Sinh đã "Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương, Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê". Chẳng ngờ về đến nhà lại tá hỏa vì thấy Thúy Kiều đang là con ở của Hoạn Thư và Hoạn Thư lại bắt Thúy Kiều phải ra chào mừng "ông chủ Thúc Sinh" mới trở lại nhà, khiến cho :
Sinh đà PHÁCH LẠC HỒN XIÊU:
Thương ôi chẳng phải nàng Kiều ở đây ?
Sự đời lắm nỗi trớ trêu, rồi cũng đến lúc Hoạn Thư phải "Hồn Lạc Phách Xiêu" khi Thúy Kiều mượn oai Từ Hải để báo ân báo oán :
Hoạn Thư HỒN LẠC PHÁCH XIÊU,
Khấu đầu dưới trướng, liệu điều kêu ca.
Ngoài việc chỉ hồn vía, PHÁCH còn chỉ cái cơ thể hiện hữu khỏe mạnh của con người, đó là THỂ PHÁCH 體魄, là thân xác của con người, như khi viếng mã Đạm Tiên trong tiết Thanh Minh, Thúy Kiều đã nói với hai em :
Kiều rằng: Những đấng tài hoa,
Thác là THỂ PHÁCH, còn là tinh anh,
Hẹn bài viết tới !
THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 83 : PHẠN, PHẦN, PHẬN, PHÁP
杜紹德
ĐỖ CHIÊU ĐỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét