THÚ ĐỌC BÁO XUÂN CỦA NGƯỜI SÀI GÒN
Không biết từ bao giờ làng báo có truyền thống phát hành thêm tờ báo xuân vào dịp Tết Nguyên Đán hàng năm, gọi là Giai phẩm xuân.Tờ báo đặc biệt này tăng trang, dày gấp đôi số báo thường, bìa in ốp-sét 4 màu, ruột cũng in màu và vì là báo xuân nên bài vở chọn lọc, đề tài là mùa xuân, “vui nhà, vui cửa”, tránh đấu đá nặng nề, chém giết, tai nạn… nhất là không đăng chuyện tang gia bối rối. Báo xuân hầu hết là bài văn nghệ, thời sự vài trang hiếu hỉ mang tính tổng kết, nhìn lại giống như thêm gia vị ngày xuân. Và một mục không thể thiếu đó là “Sớ Táo quân”, mượn lời ông Táo báo cáo chuyện dưới trần gian trong một năm theo thể văn vần: thơ 4 chữ, phú, hoặc song thất lục bát.
Báo xuân trước năm 1975 không như báo xuân bây giờ in ấn, phát hành rất sớm, trước Tết một tháng mà phát hành cận Tết trong khoảng từ 20 - 25 hoặc 26 tháng chạp âm lịch.Thậm chí, có tờ báo xuân phát hành sáng 28 tháng chạp âm lịch, còn thơm mùi giấy mực trong khi đây đó đã rộn rã hoa trái, bánh mứt lẫn tiếng trống múa lân, tiếng pháo mừng xuân. Báo xuân là một mặt hàng không thể thiếu trong mọi nhà, mọi gia đình. Ít nhất mỗi nhà cũng mua một tờ báo xuân mà mình yêu thích để nam, phụ, lão, ấu trong gia đình cùng đọc lai rai trong ba ngày Tết hay khách đến chơi nhà, chúc Tết gia chủ trong lúc hàn huyên bên chung rượu, chén trà, thỉnh thoảng liếc qua vài trang. Đó là một thứ văn hóa đọc của ngày xuân đã duy trì rất lâu đời kèm theo cái thú đọc báo xuân của người Sài Gòn lịch lãm.
Trước năm 1975, ở Sài Gòn có khoảng 30 tờ báo, hầu hết đều là nhật báo, khổ lớn kế đến là tuần báo, bán nguyệt san, tạp chí… chỉ đếm trên đầu ngón tay và đều là báo văn nghệ, giải trí kịch trường, chỉ nhật báo mới chuyên về thời sự, chính trị nhưng luôn có mấy trang văn nghệ đi kèm và đôi khi đối với một vài tờ nhật báo phần văn nghệ lại là chủ yếu. Bởi lẽ, nhật báo lúc đó thường có 8 trang, phần thời sự chính trị chỉ chiếm 3 trang (1,2,3) trang 7 là trang bài tiếp theo, trang 8 là tin “xe cán chó”, còn lại là những trang đăng “bài nằm” như thơ, truyện, tin tức thời sự văn nghệ và từ 3 cái phơ-giơ-tông trở lên, trong đó ít nhất là có 3 cái phơi-giơ-tông truyện kiếm hiệp của Kim Dung chuyển dịch sang Việt Ngữ từ báo Hồng Kông, Đài Loan.
Tại sao báo xuân trước năm 1975 không in ấn, phát hành sớm trước Tết cả tháng như bây giờ? Rất đơn giản, báo xuân thời đó không mang tính cạnh tranh khốc liệt như bây giờ. Và nếu là độc giả thường xuyên của báo nào tất nhiên sẽ ưu tiên mua báo xuân của tờ báo đó, xong mới mua tờ báo xuân thứ hai bất kỳ sau khi vừa đọc xong một loạt báo xuân bày trên quầy, thường tờ báo xuân này thiên về tâm lý “ hài lòng bà xã” nên sẽ là một tờ báo nghiêng về đề tài phụ nữ, ví dụ như : Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai…
Báo xuân trước năm 1975 hầu như không đặt nặng vấn đề quảng cáo, thậm chí có tờ báo xuân không đăng trang quảng cáo nào nên nội dung toàn bài vở rất phong phú, toàn chuyện đông, tây, kim cổ trong mùa xuân. Người đọc sẽ không bỏ qua các bài xoay quanh chuyện con giáp của năm đó, ví dụ như năm nay là Năm Thân sẽ nói về con khỉ. Và ôi thôi, có đủ chuyện về con khỉ, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng như “Năm Thân nói về…Tôn Ngộ Không” đến chuyện “Con khỉ đột Cà Mau”. Phụ nữ vốn mê tín, thiên về tâm linh, thích bói toán, tử vi ngày xuân nên sẽ có những chuyên gia cỡ Huỳnh Liên, Khánh Sơn “bốc quẻ” bàn về những người tuổi Thân sau đó là tình tiền, tài, lộc, một thứ “tử vi đẩu số” cho mọi người.
Khi lên Trung học, tuổi thiếu niên tôi đã có cái thú “đọc báo cọp” hay “đọc báo chùa” báo xuân ở vài sập báo quen đầu phố. Trước hết, vì lúc đó tôi đã tập tành làm thơ, viết truyện gửi đăng báo xuân, nên đọc để dò xem báo họ có đăng bài mình không. Nếu có thì móc hầu bao mua tờ báo xuân có đăng bài để “tự sướng”, sướng lắm, sướng một cách khó tả khi lật trang báo xuân có đăng bài thơ hay đoản văn, cái truyện ngắn của mình. Không có sự sung sướng nào bằng khi mua tờ báo xuân (không cần báo biếu, nhuận bút) có đăng bài mình.
Không chỉ mua một tờ, mà có nhiều tiền sẽ mua năm bảy tờ về khoe, tặng bạn bè. Báo xuân mới phát hành ra sập báo có một sự cuốn hút kỳ lạ trong dịp Tết. Cái bìa luôn là ảnh của một nữ ca sĩ, diễn viên điện ảnh hay cải lương nổi tiếng. Trình bày bên trong đầy màu sắc, hình ảnh, tranh minh họa, biếm họa. Và tôi nhớ nhất là thứ :mùi vị” của tờ báo xuân quyến rũ đến ma quái thời niên thiếu là cái mùi giấy mới, mùi mực in vẫn còn hăng hắc lỗ mũi.
Báo xuân ngày trước thấy bày trên các sập báo là đã đưa ông Táo về trời, mùa xuân đã gõ cửa. Còn bây giờ do tính cạnh tranh khốc liệt của thị trường báo Tết nên báo xuân phát hành rồi mà còn… cả tháng nữa mới Tết, nên đọc báo xuân bây giờ phải để dành, đọc lai rai thôi, chờ mùa xuân tới.
TỪ KẾ TƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét