ĐỌC “VỀ MIỀN AN TRÚ” THƠ VẠN LỘC – BÀI THƠ AN TRÚ TRONG HƯƠNG THIỀN.
VỀ MIỀN AN TRÚ
Mai mốt em về làm cánh hạc
Ta có muôn phương bay cùng nhau
Rừng tùng xanh sắc hương miền Linh Thứu
Tây phương ánh vàng vằng vặc trăng sao
Mình sẽ ngàn năm an nhiên anh nhỉ
Chốn huyền không xanh cội bồ đề
Những sơn thạch gương mặt hồ phỉ thúy
Nước thơm thơm từng giọt giọt suối khe
Dựng am cỏ bên đồi tre trúc
Thiền viện đơn sơ tràng hạt chiên đàn
Mỗi chiếc lá cũng mang hồn Phật tính
Mỗi hạt sương ngọt vị bình an
Em về cùng anh vui miền an trú
Thắp ánh nhiên đăng soi rọi tâm lành
Khắp cõi thiêng nắng mưa luân vũ
Gió ngàn phương gieo hạt thiện lành.
Vạn Lộc
Lời bình: Châu Thạch
Nhà thơ Vạn Lộc còn vài năm nữa thì vào tuổi bát thập. Cách đây không lâu chị đã tiển đưa phu quân của mình về chốn an tịnh. Tôi nhớ trong bài thơ “Vắng Anh” đăng trong tập “Hái Mùa Động Vạt Nắng” chị đã khóc bằng lời không bi quan, rất thơ và rất gây cảm xúc:
Ta xin hái mùa đông vạt nắng
Cài lên câu thơ tóc xỏa bềnh bồng
Và quàng vào tim mình chút ấm
Tựa tay người ve vuốt những niềm đông.
Trời mùa đông Đà Nẵng u ám mấy tuần qua, sáng nay bắt đầu có chút nắng. Nhìn qua cửa sổ tôi thấy có những vạt nắng mùa đông. Rồi tình cờ lại đọc bài thơ “Về Miền An Trú” của Vạn Lộc, tôi thấy như chính mình cũng được an trú trong hương thiền như bài thơ của Vạn Lộc. Nhu cầu viết nhờ đó lại trổi dậy trong tôi, tôi viết cho tôi, không phải viết cho Vạn Lộc.
Đọc khổ thơ đầu, ta thấy nhà thơ Vạn Lộc dự phóng một tương lai tốt đẹp của mình ở thế giới bên kia, hứa hẹn với anh của mình đoàn tụ ở cõi tây phương cực lạc:
Mai mốt em về làm cánh hạc
Ta có muôn phương bay cùng nhau
Rừng tùng xanh sắc hương miền Linh Thứu
Tây phương ánh vàng vằng vặc trăng sao
Hình tượng loài chim hạc ảnh hưởng sâu sắc trong văn hóa phương Đông và mang nhiều biểu tượng thanh cao. Hạc là con vật tượng trưng cho sự tinh tuý, thanh tịnh, thần tiên thoát tục còn gọi là Tiên hạc. Chim hạc là loài chim của vũ trụ, của tầng cao, có tính cách của người quân tử. Hạc còn được cho là linh vật, là loài chim có phẩm chất cao quý.
Tương truyền, núi Linh Thứu không chỉ là một nơi nghỉ ngơi mà còn là một nơi tu hành của Đức Phật cũng như các đệ tử của ngài. Địa điểm này thường xuyên được nhắc đến trong các cuốn kinh Pali của Phật giáo Nam tông như là địa điểm thuyết giảng của Phật. Núi Linh Thứu sau này cũng xuất hiện trong Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh, Liên Hoa kinh hay Thủ Lăng Nghiêm kinh.
Như vậy qua khổ thơ đầu tiên, nhà thơ Vạn lộc đã hứa hẹn với anh cùng hóa hình thành cánh hạc, cùng ngao du nơi chốn trần gian Phật từng ngự, cùng bay về cõi Niết Bàn ở “Tây phương ánh vàng vằng vặc trăng sao”.
Tôi nghĩ nhà thơ Vạn Lộc có quyền ước vọng như thế vì tác giả là một cư sĩ Phật Giáo, ăn chay trường và tu tại gia nhiều năm qua. Tất nhiên nhà thơ Vạn Lộc dư biết muốn được như thế phải qua ngàn vạn kiếp tu hành nhưng quyết tâm thì sẽ thành hiện thực, vì Đức Phật đã nói “Ta đã thành Phật và các ngươi cũng sẽ thành Phật”.
Đọc khổ thơ một, không ai không thấy lòng thanh thản bởi cảnh sắc được mô tả trong thơ thoát tục, bởi cái tâm được thể hiện trong thơ an bình, thanh thản, thấy trước thế giới bên kia của mình bình tịnh an vui. Khác với người đạo Thiên Chúa có niềm tin chắc chắn vào cõi Vĩnh Hằng khi qua đời nầy, người theo đạo Phật không thể có niềm tin chắc chắn là mình sẽ đến đâu. Thế nhưng qua thơ ta thấy Vạn Lộc như khẳng định nơi mình đến sau kiếp nầy bằng chữ “Mai mốt em về” có nghĩa là sẽ gần đây thôi. Tôi rất thích có niềm tin như Vạn Lộc, vì nó sẽ làm ta nhìn qua thế giới bên kia không sợ hải, không lo âu, không đau khổ.
Qua khổ thơ thứ hai Vạn Lộc giới thiệu chổ ở trong tương lai mà hai người sẽ sống ngàn năm cùng nhau, nơi đây không là Niết Bàn cũng là tiên giới:
Mình sẽ ngàn năm an nhiên anh nhỉ
Chốn huyền không xanh cội bồ đề
Những sơn thạch gương mặt hồ phỉ thúy
Nước thơm thơm từng giọt giọt suối khe
“Chốn huyền không” là chốn nào?. Chương Trọng Sơn nói: “Vô định, vô cứ, không phương hướng, không góc cạnh, không khởi đầu, không kết thúc, không hình thể, không dấu vết, tồn tại khắp nơi, không lúc nào không có. Đấy gọi là Huyền Không”. Vậy huyền không ở đây là nơi “Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc”. Cái cảm nhận và suy nghĩ ấy nằm trong “Bát nhã ba la tâm kinh” tức là nơi trú ngụ của các bậc giác ngộ.
“Hồ phỉ thúy” ở đâu? Hồ Thanh Hải hay hồ phỉ thúy nước xanh như ngọc phỉ thúy, núi đá bảy màu ở Cam Túc, Thanh Hải, Trung Quốc giáp với Tây Tạng.
Đọc khổ thơ thứ hai ta thấy Vạn Lộc tưởng tượng một cảnh sống xuất thế, họ sống có lẽ như A-Dam Và E-Va thuở xưa trong vườn Địa Đàng mà Thiên Chúa dựng nên. Khổ thơ cho ta cảm nhận ước vọng sống đơn sơ, không mang linh hồn thần thánh, chỉ mang linh hồn con người thiên nhiên chưa ăn trái cấm, chưa biết tội lỗi là gì, còn trong như tuyết, còn trắng như lông chiên.
Quả thật vậy, qua khổ thơ thứ ba, nhà thơ Vạn Lộc nói rõ hơn ước vọng sống bình dị của mình, sống như người vừa dựng nên từ tay Thiên Chúa, tâm hướng về Phật, hòa nhập cùng vô vi Lão Tử:
Dựng am cỏ bên đồi tre trúc
Thiền viện đơn sơ tràng hạt chiên đàn
Mỗi chiếc lá cũng mang hồn Phật tính
Mỗi hạt sương ngọt vị bình an
“Chiên đàn” đứng đầu trong 5 loại tuyệt đỉnh danh hương, chiên đàn được dùng để làm tràng hạt trì niệm bởi mùi thơm trang nhã và giá trị tâm linh cao tại các quốc gia Phật giáo như Nepal, Ấn Độ, Tây Tạng ...Từ xưa đến nay, thế gian lưu truyền ngũ danh hương – 5 loại hương thơm quý nhất từ thiên nhiên: chiên đàn hương, trầm hương, đâu lâu ba hương, tất lực ca hương và tử đinh hương. Trong đó, chiên đàn đứng đầu vì tương truyền có thể diệt trừ ô trược (tà khí).
Trong khổ thơ thư ba, nhà thơ Vạn Lộc dựng nên cho mình một khung trời thiền tịnh trong sạch, thơm tho, chẳng khác chi vùng trời của Hàn Mạc Tử cho nhà thơ đi: “Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo. Trên đầu Người là cao cả, vô biên và vô lượng: xung quanh Người là mơn trớn với yêu đương vây phủ bởi trăm dây quyến luyến làm bằng êm dịu, làm bằng thành bại....Gió phương mô đẩy đưa Người đến bờ xa lạ, đầy trinh tiết và đầy thinh sắc. Người dừng lại để hái những lá tinh hoa. Người nín lặng để mà nghe tiếng trăng reo vang vang như tiếng châu báu vỡ lỡ. À ra Người cũng dại dột, hốt vàng rơi bọc trong vạt áo.”. Khác Hàn Mạc Tử chăng là nhà thơ Vạn Lộc đi trong vạn vật mang hồn Phật tính.
Khổ thơ thứ tư là khổ thơ kết thúc trong miên viễn, trong vĩnh hằng hạnh phúc, trong ánh sáng thiện lành:
Em về cùng anh vui miền an trú
Thắp ánh nhiên đăng soi rọi tâm lành
Khắp cõi thiêng nắng mưa luân vũ
Gió ngàn phương gieo hạt thiện lành.
“Nhiên đăng” là gì?. Chữ nhiên đăng được giãi thích bằng thơ như sau:
“ÁNH sáng từ bi bủa khắp trời
NHIÊN quang đèn huệ rọi cùng nơi
ĐĂNG minh soi thấu trong ba cõi
TỎ RẠNG lý chân chỗ tuyệt vời.”
“Nhiên Ðăng được xem là vị Phật quan trọng trong các vị trước Thích-Ca. Ngài là vị đại diện cho Phật quá khứ tương tự như trường hợp Di-Lặc được xem là đại diện cho Phật vị lai.
Danh hiệu Phật theo Phạn văn là Dipamkara, dịch âm là “Đề hòa yết la”. Cũng còn dịch tên là Đính quang Phật. Tên Nhiên Đăng là dịch theo ý. Trong Phật giáo đây là một trong những vị cổ Phật đời quá khứ. Tương truyền rằng: lúc sinh thời, thân thể ngài tỏa rực sáng như đèn nên mới gọi tên là Nhiên Đăng. Sau khi Ngài thành Phật cũng lấy tên gọi ấy làm hiệu.”
Vạn lộc chấm dứt bài thơ trong ánh sáng quá khứ của Phật, trong mưa luân vũ hiện tại, trong gió gieo hạt thiện lành bây giờ. Như thế nhà thơ Vạn lộc và anh của bà đã đi và về được trong thời gian, không dám nói là đã thành Phật nhưng có thể nói là đã vào chốn thiên thần ngự trị. Tất nhiên hiện tại bà đã đi bằng thơ, cởi trên những tư duy thiện lành để bay bằng con chữ sắc màu viên mãn “Đại dương minh vân” mà Đức Phật phóng quang trên 2500 năm trước ./.
CHÂU THẠCH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét