CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

XUÂN TỨ của LÝ BẠCH - ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Chieu Duc
05:32, Th 4, 29 thg 1


   
Mùa Xuân mời đọc lại bài ngũ ngôn cổ phong nổi tiếng của Lý Bạch :


                     XUÂN TỨ  của  LÝ BẠCH

                 Inline image

              XUÂN TỨ là tựa của một bài thơ xuân trong phần thơ Nhạc Phủ của Thi Tiên Lý Bạch. Bài thơ diễn tả nỗi lòng nhớ nhung tha thiết của một nàng cô phụ đang mõi mắt chờ đợi bóng phu quân lãng tử lạc phách giang hồ nhớ ngày trở lại, và sự kiên trinh trong mõi mòn chờ đợi của người cô phụ trông chồng. Lời thơ mộc mạc chất phác, ý tình chân thật tự nhiên như một khúc dân ca.

        春思     李白          XUÂN TỨ   LÝ BẠCH

          

        燕草如碧絲,       Yên thảo như bích ty,
        秦桑低綠枝           Tần tang đê lục chi.
        當君懷歸日,       Đương quân hoài quy nhật,
        是妾斷腸時           Thị thiếp đoạn trường thì
        春風不相識,       Xuân phong bất tương thức,
        何事入羅幃?         Hà sự nhập la vi !?



DỊCH NGHĨA :

               Cỏ đất Yên đã xanh mơn mởn như tơ, dâu tầm ăn đất Tần cũng xanh om cả cành lá.( Mùa xuân đã đến rồi đó ! ). Cái ngày mà chàng nhớ đến để quay trở về quê cũ, cũng chính là lúc thiếp đã nhớ nhung chàng mà đứt từng đoạn ruột ra rồi !. Gió xuân kia chẳng hề quen biết, sao lại phe phẩy thổi vào màn thiếp mà chi vậy !? ( Bộ muốn trêu ngươi người cô phụ phòng không hay sao ? Thiếp chặc lòng chặc dạ lắm chớ bộ ! ).


DIỄN NÔM :
                           Cỏ Yên như tơ xanh biếc
                           Dâu tằm mơn mởn cành xanh
                           Khi chàng nhớ ngày trở lại
                           Thiếp đà ruột đứt từng canh
                           Gió xuân chẳng hề quen biết
                           Cớ sao hây hẩy trong mành !?
          Lục bát :
                           Cỏ Yên xanh biếc như tơ,
                           Dâu tằm mơn mởn lửng lờ cành xa
                           Ngày chàng mong trở lại nhà
                           Thiếp đà đứt ruột xót xa nhớ chàng
                           Gió xuân chẳng biết ngỡ ngàng

                           Sao còn mơn trớn vào màn thiếp chi ?!

              
                        Thư pháp của ĐỖ  CHIÊU ĐỨC

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH : HOÀNG - ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Chieu Duc <chieuduc15@yahoo.com> 14:00 30 tháng 1, 2020


THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH  : 
                                                HOÀNG
                                       
                                   Inline image
                                           Thu ẩm HOÀNG HOA tửu

         Đó là một trong bốn câu thơ chỉ sự "Ăn chơi bốn mùa" một cách thanh nhã của các cụ ngày xưa :

                        春游芳草地,        Xuân du phương thảo địa,
                        夏賞綠荷池,        Hạ thưởng lục hà trì.
                        秋飲黃花酒,        Thu ẩm hoàng hoa tửu,
                        冬吟白雪詩。        Đông ngâm bạch tuyết thi.
Có nghĩa :
                    Xuân du trên thảm cỏ non,
                    Hè thì thưởng ngoạn sen tròn trên ao.
                    Thu nhâm nhi rượu cúc đào,
                    Đông ngâm thơ tuyết thú nào hơn ta ?!      

       HOÀNG HOA TỬU 黃花酒 là Rượu hoa vàng, tức là rượu được ủ bằng hoa cúc, là CÚC TỬU 菊酒 thường uống vào mùa thu trong ngày Tiết Trùng Cửu. Ngày xưa các lính thú thường được điều đi trấn ngoài quan ải vào mùa thu năm trước, đến mùa thu năm sau thì được cho về; Vì thế nên gọi lính đi trấn thủ lưu đồn là HOÀNG HOA THÚ 黃花戌, như trong Chinh Phụ Ngâm Khúc :

                                          Xót người lần lữa ải xa,
                              Xót người nương chốn HOÀNG HOA dặm dài.

         Theo chương Tiểu Nhã - Hoàng hoàng giả hoa 小雅·皇皇者华 là "Hoa nở rực rỡ khắp nơi" trong Kinh Thi 詩經. Kể việc vua dặn dò sứ thần sắp lên đường, như hai câu thơ của ông vua Trần Trùng Quang Trần Qúy Khoách :

                                       Mấy vần thơ cũ ngợi HOÀNG HOA,
                                       Trịnh trọng rày nhân dắng khúc ca.

                                       Inline image

           HOÀNG CÁC 黃閣 là cái Gác sơn màu vàng, nơi làm việc của quan Thừa Tướng đời Hán, nên Hoàng Các dùng để chỉ nơi quyền qúy, như trong Sơ Kính Tân Trang của Chiêu Lỳ Phạm Thái :

                                       Một chiêu là một não nùng ,
                             Chẳng nơi HOÀNG CÁC cũng vùng huyền lâu.

          Còn trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện thì gọi là GÁC VÀNG :

                                      Gió thanh hây hẩy GÁC VÀNG,
                               Thảnh thơi chèo Phó, nhẹ nhàng gánh Y.

         Theo "Hoàng Cực kinh thế thư 皇极经世書", quyển sách căn cứ vào Dịch lý để giải thích về nguồn gốc của vũ trụ, sự biến thiên của tự nhiên và sự diễn tiến của lịch sử con người theo Hà lạc Tượng số 河洛、象数. Nên Từ HOÀNG CỰC 皇極 là cái chuẩn mực để thống trị thiên hạ của các bậc đế vương. Nên cũng dùng để chỉ các bậc đế vương. Như trong "Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập" của Lê Thánh Tông có câu :

                                   Chín trùng chăm chắm ngôi HOÀNG CỰC,
                                   Năm phúc hây hây dưới thứ dân.

       Còn HOÀNG LƯƠNG 黃粱 là Giấc Hoàng Lương. Lương là Cao lương 高粱, là Kê Vàng , nên giấc HOÀNG LƯƠNG còn gọi là giấc KÊ VÀNG do tích "Chẩm Trung Ký 枕中记" trong Thái Bình Quảng Ký 太平廣記 kể lại chuyện của Lư Sinh 盧生 như sau :
       Đường Khai Nguyên năm thứ 7 (719), Lư Sinh bất đắc chí vì thi rớt, khi cởi lừa về đến Hàm Đan, gặp được đạo sĩ Lữ Ông trong quán, thấy chàng tỏ ra sầu muộn vì nghèo hèn. Lữ Ông bèn đưa cho chàng cái gối bằng sành bảo cứ gối đầu lên mà ngủ một giấc. Lư Sinh nghe theo, rồi mơ thấy mình về quê cưới được vợ đẹp, năm sau lại đậu Tiến sĩ, được bổ làm Thiểm Châu Mục, rồi thăng Kinh Triệu Doãn, lại vinh thăng Hộ Bộ Thượng Thơ kiêm Ngự Sử Đại Phu, Trung Thư Lệnh và cuối cùng được phong là Yên Quốc Công. Hưởng hết tột cùng vinh hoa phú quý trên đời, cả năm người con trai cũng được vinh hiển, con cháu đầy nhà, phúc lộc vinh hiễn vô song, Thọ đến tám mươi tuổi mới bị bệnh mà mất. Khi vừa đứt hơi cũng vừa lúc Lư Sinh giật mình tỉnh mộng. Đạo sĩ Lữ Ông vẫn còn ngồi bên cạnh, nồi hoàng lương của chủ quán bắt lên nấu khi nảy vẫn còn chưa chín. Lư Sinh chợt tỉnh ngô : Công danh sự nghiệp, vinh hoa phú qúy chẳng qua cũng chỉ như là một giấc mộng mà thôi ! 

                            Inline image

       Đọc tích trên đây làm ta nhớ đến bài hát nói "Vịnh Nhân Sinh" nổi tiếng của cụ Nguyễn Công Trứ trong chương trình cỗ văn ngày xưa :

                                    Ôi, nhân sinh là thế ấy,
                                    Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao.
                                    Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào,
                                    Vừa tỉnh giấc Nồi KÊ chửa chín.

       Hoàng Lương khi dùng rộng ra thì cũng chỉ dùng để chỉ một giấc mơ mà thôi. Như khi bị Khuyển Ưng đánh thuốc mê, bắt về giao nạp cho Hoạn Bà. Thúy Kiều đã tỉnh dậy như sau khi qua một giấc mơ :

                                    HOÀNG LƯƠNG chợt tỉnh hồn mai,
                                    Cửa nhà đâu tá, lâu đài nào đây ?
                
       HOÀNG TUYỀN 黃泉 là Suối Vàng, vốn có nghĩa là một con suối ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng mà có tên như thế. Tương truyền người chết đều phải đi qua con suối nầy, nên nghĩa rộng ra của từ nầy là  chỉ Cỏi Chết, Âm Phủ. Theo Sách Tả Truyện 左傳 có câu : Bất cập hoàng tuyền, vô tương kiến dã 不及黃泉,無相見也。Có nghĩa : Không đến được suối vàng thì sẽ không còn được gặp mặt nhau nữa. Trung Truyện Kiều khi viếng mộ Đạm Tiên trong buổi Đạp Thanh, Thúy Kiều đã thắp hương cho Đạm Tiên với ý :
                  
                                       Gọi là gặp gỡ giữa đàng,
                               Họa là người dưới SUỐI VÀNG biết cho.  

                                 Inline image

         Còn trong truyện Nôm Phương Hoa Lưu Nữ Tướng thì gọi là Hoàng Tuyền :

                                      Khi đưa người xuống HOÀNG TUYỀN,
                                      Thì giương lấy một ngọn đèn cho cao.

        Sau Hoàng Tuyền, ta có HOÀNG TƯỚC 黃雀 là con Chim Sẻ màu vàng. Theo tích sau đây :

        Theo sách Hậu Hán Thư, Dương Trấn Truyện, tục Tề Hài Ký 後漢書·楊震傳.續齊諧記 : Cha của Dương Trấn là Dương Bảo lúc chín tuổi, đang đi chơi ở phía bắc núi Hoa Âm thấy một con hoàng tước bị chim cắt mổ đến bị thương, rớt dưới gốc cây bị lũ liến bu quanh định tha về tổ. Dương Bảo thấy tội nghiệp, bèn cứu đem về nhà để trong gương có lót vải gấm, cho ăn hoa cúc. Sau một trăm ngày, chim đã bình phục cánh lông đầy đủ bèn bay lên mây. Tối hôm đó, Dương Bảo nằm mơ thấy một tiểu đồng áo vàng miệng ngậm 4 vòng ngọc đến bái tạ mà rằng :"Ta là sứ giả của Tây Vương Mẫu, được ông nhân từ cứu giúp, nay đến đền ơn". Bèn tặng cho Dương Bảo bốn vòng bạch ngọc và bảo rằng :"Vòng nầy có thể bảo vệ phù hộ cho con cháu của ông vinh hiển đến bậc tam công, làm quan thanh liêm và trong sáng như là vòng ngọc nầy vậy". Qủa nhiên, Con của Dương Bảo là Dương Chấn, cháu là Dương Bỉnh, chắc là Dương Tứ, chít là Dương Biêu, 4 đời đều làm quan đến chức Thái Úy và đều rất thanh liêm cương trực và đều được người đời ca ngợi.

      Tích trên cho ta 2 thành ngữ : HOÀNG TƯỚC chỉ người đưa tin, như trong truyện Trê Cóc :

                                       Xa nghe triều đẩu anh hùng,
                              Đưa tin HOÀNG TƯỚC hỏi cùng phải chăng ?
     
      NGẬM VÀNH như trong Truyện Kiều, khi ở lầu Ngưng Bích, Thúy Kiều đã giải bày tâm sự để nhờ Sở Khanh cứu giúp :

                                      Dám nhờ cốt nhục tử sinh,
                                Còn nhiều kết cỏ NGÂM VÀNH về sau.

                                  Inline image 

          HOÀNG THẠCH tức 
          Hoàng Thạch Công (khoảng 292-195 trước Công Nguyên), là người đời Tần Hán, ở đất Hạ Phì. Khi Trương Lương đang dạo chơi ở trên cầu, gặp một ông già tiên phong đạo cốt, chưa kịp chào hỏi thì ông già đã làm rớt một chiếc dép xuống dưới cầu và bảo Trương Lương xuống dưới nhặt lại cho ông ta. Trương Lương vô cùng ngạc nhiên và tức giận, định dạy cho ông ta một bài học, nhưng thấy ông ta già cả và không hiểu sao lại ngoan ngoản chui xuống dưới gầm cầu nhặt dép cho ông ta. Khi dép đã được nhặt lên rồi ông lão lại chìa chân ra bảo mang vào, Trương lương lại qùy xuống xỏ dép vào chân cho ông lão. Xong việc, ông lão mĩm cười bước đi. Trương Lương còn chưa hết ngẩn ngơ thì ông lão đã quay trở lại hẹn sáng sớm năm ngày sau trở lại đây để gặp mặt. Năm ngày sau, sáng sớm, Trương Lương đến nơi thì thấy ông lão đã đến trước rồi. Ông giận dữ bảo, hẹn với người già sao lại đến muộn hơn. Bèn hẹn lại sáng sớm của năm ngày sau nữa. Trương Lương rất lấy làm lạ, lại hiếu kỳ, nên đến hẹn, chàng tranh thủ đến thật sớm, nhưng ông lão lại đến sớm hơn chàng một bước. Lại bị trách mắng và hẹn đến năm ngày sau nữa. Đến đêm hẹn, vừa mãn canh ba, khi tiếng gà đầu tiên bắt đầu gáy thì Trương Lương đã tới nơi rồi. Khi ông lão đến nơi khen rằng :"Đứa trẻ này có thể dạy bảo được!". Bèn lấy ra tặng cho Trương Lương một quyển sách, bảo rằng :"Về đọc quyển sách nầy, thì có thể làm thầy của bẫc đế vương. Mười ba năm sau tảng Hoàng Thạch dưới núi Cốc Thành đất Tế Bắc, chính là ta đó". Trương Lương về giở ra xem thì đó chính là quyển "Thái Công Binh Pháp". Nhờ quyển binh pháp nầy mà Trương Lương mới trở thành mưu thần đắc lực cho Hán Cao Tổ Lưu Bang lập nên nhà Hán sau nầy. Mười ba năm sau, khi cùng Hán Cao Tổ lui về Tế Bắc dưới chân núi Cốc Thành, nhặt được một viên HOÀNG THẠCH, xem như là bảo bối, bèn lập miếu để thờ, đến khi Trương Lương mất thì được táng chung với viên Hoàng Thạch đó.

                                     Inline image

      Trong bài "Tịch Ninh Cư Thể Phú" của Nguyễn Hàng một danh sĩ ở ẩn đời Mạc có câu :

                  Vận năm hành, thu hai khí, nhớ mọi lời HOÀNG THẠCH dặn dò.

      Còn Nguyễn Hữu Chỉnh, nhà quân sự, chính trị có ảnh hưởng lớn của Đại Việt thời Lê Trung Hưng và Tây Sơn, trong bài "Trương Lưu Hầu" phú thì gọi là NÂNG CHIẾC DÉP :

                        Rải ngàn vàng tìm khách thiếu niên;
                          NÂNG CHIẾC DÉP tôn người lão trượng.

      Nhớ khi học thi Tú Tài I, bài CẦM KỲ THI TỬU của cụ Nguyễn Công Trứ cũng có câu :

                    ... Thú xuất trần, tiên vẫn là ta,
                        Sánh HOÀNG THẠCH, Xích Tùng, ờ cũng đáng ! 

                          Inline image

         Cuối cùng, ta có tích HOÀNG SÀO.
         
         HOÀNG SÀO (835-884) người đất Oan Cú Tào Châu (thuộc Hà Trạch Sơn Đông hiện nay), là người ở vào cuối đời Đường. Lúc đầu là thủ lĩnh của bang bán muối lậu, sau là thủ lĩnh của đám dân biến nổi lên chống lại triều đình, tự xưng hoàng đế, lấy quốc hiệu là Đại Tề. Sử xưng là Hoàng Sào chi loạn. Khi thất bại bị chết dưới tay thuộc hạ. Theo truyền thuyết ...
      Hoàng Sào là người văn võ song toàn, nhưng đi thi văn mãi không đậu, mới chuyển qua thi võ và đậu ngay Võ Trạng Nguyên. Nhưng khi vua Đường Hy Tôn triệu kiến phải giựt mình vì tướng mạo của Huỳnh Sào rất xấu xa, nên tước mất giải Võ Trạng Nguyên của Huỳnh Sào. Huỳnh Sào giận qúa nên mới đề thơ lên vách quán rượu là :
                    浩氣騰騰貫斗牛,   Hạo khí đằng đằng quán Đẩu Ngưu,
                    班超投筆去封侯。   Ban Siêu đầu bút khứ phong hầu,
                    馬前但得三千卒,   Mã tiền đản đắc tam thiên tốt,
                    敢奪唐朝四百州。   Cảm đoạt Đường Triều tứ bách châu !
  Có nghĩa :
                  Cái hạo khí ngùn ngụt bốc lên che lắp cả sao Đẩu sao Ngưu.
                  Chàng Ban Siêu đã quăng bỏ ngọn bút để đi tìm kế phong hầu.
                  Trước ngựa nếu ta có được ba ngàn sĩ tốt,
                  Sẽ dám đánh và đoạt lấy bốn trăm châu quận của nhà Đường !

 Diễn Nôm :
                  Hào khí ngút lên sao Đẩu, Ngưu,
                  Ban Siêu quẳng bút được phong hầu.
                  Nếu ta có được ba ngàn lính,
                  Đánh chiếm nhà Đường các quận châu.

                   Inline image

        Đối với các nhà Nho xưa thì HOÀNG (Huỳnh) SÀO là giặc, là tôi phản nghịch, nên trong Truyện Kiều khi khuyên Từ Hải quy thuận triều đình, Thúy Kiều đã dẫn tích nầy :

                        Làm chi để tiếng về sau,
                  Nghìn năm ai có khen đâu HOÀNG SÀO ?
                     Chi bằng lộc trọng quyền cao,
                   Công danh ai dứt lối nào cho qua ?!

        Hẹn bài viết tới !

                       ĐỖ CHIÊU ĐỨC



Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

CHÚC MỪNG NĂM MỚI - XUÂN CANH TÝ

 ĐẦU NĂM CANH TÝ TẾT TRUYỀN THỐNG ÂM LỊCH VIỆT NAM NM THÂN KÍNH CHÚC QUÝ TÁC GIẢ CỘNG TÁC BÀI VÀ QUÝ ĐỘC GIẢ CÙNG GIA QUYẾN MỘT NĂM MỚI AN KHANG , THỊNH VƯỢNG.




Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

NGỦ TRONG QUAN TÀI - TRUYỆN NGẮN KHA TIỆM LY

 





                        NGỦ TRONG QUAN TÀI


         Tôi tin rằng nếu các bạn trong giới được thiên hạ gọi là “nghèo” thì các bạn ít nhất cũng đã một lần than “không có một xu dính túi”. Thế nhưng, tôi biết trong túi bạn vẫn còn chút ít tiền lẻ. Với tôi, khi vợ tôi trút hơi thở cuối cùng tại bịnh viện Phạm Ngọc Thạch, thì “không có một xu dính túi” đối vơi tôi nó chính xác trăm phần trăm! Trong lúc tôi ôm vợ tôi khóc ngất thì một thiên thần áo trắng nhỏ nhẹ nói: “Chú chuẩn bị đem cô về đi!”. Đem về? Nhưng đem về bằng cách nào đây? Sau hai tháng, bao nhiêu tiền bạc ít oi tôi đã dành mua thức ăn cho vợ bồi bổ, còn tôi thì chỉ ăn bánh mì không, uống nước phông tên ở nhà vệ sinh cầm hơi qua ngày, nên cơ thể đã bị tàn phá nhanh chóng không khác gì vi trùng Koch tàn phá buồng phổi vợ tôi.



Ảnh tác giả và con gái

Cô y tá quay đi, không bao lâu cô trở lại chìa cho tôi vài tờ giấy, rồi lại nhắc: “Chú thu xếp về sớm!”. Tôi nghẹn ngào: “Tôi không còn xu nào hết cô ơi!”.
Đối phó trước tình cảnh khó khăn nầy, tôi chỉ biêt khóc rống lên! Phải chi vợ tôi chết trễ hai ngày thì đỡ biết mấy, vì ngày mai là ngày tôi có thể bán máu! Tôi nói “có thể” là vì thời gian quy định hai lần bán máu của tôi là vào ngày mai! Bán máu 1 lần thì chi phí sinh hoạt nửa tháng ở nhà thương và gởi về cho bà ngoại các con tôi mua gạo cùng thời gian ấy khỏe ru!
Vào thời điểm khốn khó chung, “bán máu” gần như là một cái “nghề” của nhiều người! Đây là một trong hơn chục “nghề” mà tôi đã làm trong suốt 20 năm kể từ khi vợ lâm bệnh, qua đời, và kéo dai khi con tôi lên đại học.
Người ta nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”; tôi có hơn mười “nghề” mà không có “nghề” nào “tinh” nên thân không thể “vinh” mà luôn đói và nhục nhã!
Nghề gì mà nhiều vậy? – Đầu tiên phải kể một nghề làm ra tiền nhất là nghề… bán máu; kế đó là nghề bán… quần áo của mình! Hồi đó quần áo dù “luốt luốt”, loại mà bây giờ cho người giàu làm nùi lau họ cũng không thèm, bán cũng có người mua! Thuở ấy nghề bán máu “có giá” lắm: người muốn bán chỉ cần ngồi trước cổng bịnh viện “chờ thời”, là một lát có người hớt hải chạy ra hỏi: “Ai có máu O? Mười ngàn!”. – “Hai chục ngàn!”. Cuộc ngả giá cuối cùng bên mua cũng chấp nhận, dù biết bị “chém”! Máu O là máu hiếm nên luôn có “giá đắt bất ngờ”! Nhưng dù máu lúc nào cũng chạy áo ào trong huyết quản nhưng không phải chủ nhân nó muốn bán lúc nào cũng được: Một lần người y tá dòm cái bản mặt quá quen thuộc của tôi rồi vừa đo tăng xông, vừa nói nhỏ: “Anh bán máu hoài, anh chết! Ráng ăn uống đầy đủ rồi nửa năm sau mới tới được nhe!”; quần áo vốn ít oi, dù muốn bán nữa cũng đào đâu mà có? Rồi phụ hồ thì cũng chỉ được vài lần cho những ai muốn làm… chuồng heo, vì lúc đó gạch lót nền, tole lợp nhà người ta còn cạy lên, tháo xuống bán thì mấy ai có tiền mà xây dựng? Rồi vác mướn; nhưng lại sớm bị sa thải vì không ai dại gì mướn lần thứ hai với một thằng thân như cây sậy, mặt mày xanh dờn làm cái nghề nầy bao giờ! Rồi phụ đẩy xe ba bánh, đạp xích lô, lượm ve chai, bán vé số…
Ba đứa con tôi, mà gái út 3 tuổi, chưa bao giờ có bữa cơm đúng nghĩa!
Hồi cái thời ăn bo bo, hoặc ăn cơm độn chuối, độn khoai, độn mì hay độn bất cứ thứ gì có thể độn được! Nói là cơm độn khoai cho oai, chớ thực ra gọi là khoai độn cơm mới đúng hơn, bởi khi ăn thì lượng cơm chỉ bám quanh khoai lưa thưa như cái bánh được rắc mè vậy, nên cái cảm giác “cơm” dường như không có! Cho nên sau nầy số gạo để độn ấy tôi “bỏ ống”, năm mười ngày thì tôi nấu được một nồi cơm “nguyên chất” cho các con. Nhìn chúng ăn ngon lành với nước mắm loại hạng bét mà tôi ứa nước mắt!
Một lần tôi bồng con gái út tôi đi chợ, ngang qua gánh hủ tiếu, bỗng nó trì xuống; tôi hiểu con tôi muốn gì, nhưng bảo nó:
– Con đi tiểu hả? Để ba bồng lại kia!
Nhưng nó chỉ vào gánh hủ tiếu, đỏ đẻ:
– On uốn… ăn… ịt! (Con muốn ăn thịt!)
Tôi vội bồng con tôi lên, nói nhỏ:
– Để ba dẫn con đi tiểu rồi ba trở lại mua cho con, hén!
Tôi bước nhanh, con tôi lại chỉ tay về gánh hủ tiếu, lắc đầu lia lịa (xin “dịch” ra như vầy):
– Con không mắc tiểu, con muốn ăn thịt!
Tôi đứt ruột, hôn vào má con tôi, nước mắt dán vào má nó; nghẹn ngào:
– Đi con! mai mốt ba mua cho con ăn.
Con tôi vụng vể lấy bàn tay bé nhỏ chùi nước mắt cho tôi:
– Ao a óc? (Sao ba khóc?)
Tôi nghẹn ngào, cố kìm tiếng nấc, còn con tôi thì lặng thinh, có lẽ nó yên lòng vì lời hứa “mai mốt” của tôi; nước mắt lại trào ra, bởi chính tôi lại không tin tưởng lời hứa của chính mình!
*
Ngoài nghề dạy học, viết lách, tôi còn có nghề làm bánh kẹo gia truyên từ thời ông nội, nhưng vào những năm “bao cấp” không biết sao, người dân dù có nghề cũng không được hành nghề! Nghề bánh kẹo của tôi đa dạng: bánh trung thu, bánh tây, bánh tiều, bánh bột đậu, bánh xà lam, bánh men, bánh con đuông, kẹo miếng, kẹo dừa, thèo lèo…. Nhưng những loại bánh kẹo ấy phải cần có vốn nhiều, đồ nghề rườm rà, và nhất là phải cần có người phụ giúp; duy có bánh in là “tự biên tự diễn” được! “Lò bánh in” tôi khởi công được mấy ngày thì bị quản lý thị trường vô tịch thu đồ nghề, đường, bột sạch sẽ; đồng nghĩa với tôi lại sạch túi, nợ nần!
*
Theo Phật pháp thì “vạn sự tùy duyên”: Tôi được giới thiệu vào một “sở làm” có một không hai là… tối vào quan tài ngủ cho mấy trại hòm. Với tôi, đây là “duyên lành”, rất lành là khác, vì nó vừa nhẹ nhàng, vừa hợp với thể tạng chàng hiu của tôi, mà thù lao lại cao nữa! Tuy nhiên, người giới thiệu cũng e ngại cho tôi, là tôi sẽ “sợ” mà bỏ cuộc; bởi như theo anh ta, thì không ít anh chàng “mặt dằn râu quắn”, vai u thịt bắp, trước khi nhận việc thì nói năng uy phong lắm, thế mà khi nắp quan tài đóng lại không bao lâu thì hắn la bài hải, tung nắp chạy ra không dám quay đầu lại!
Chủ trại hàng mướn người ngủ trong quan tài để làm gì vậy?
Cũng như bao nghề khác, nghề nào cũng có “thời”. Hồi còn chiến tranh, nếu nhằm một trận đánh lớn, thì các trại hòm hốt bạc, vì người mua có khi phải đặt cọc, chờ chủ trại đóng cái mới, vì những cái đóng sẵn đã bán sạch trơn, và tất nhiên hét giá nào người ta cũng phải mua.. Phải “tăng ca”, làm suốt đêm mới có đủ hòm… “làm phước”! Để bán chạy, chủ hòm luôn kiếm “cò” và tất nhiên cò được ăn chia phần trăm “tiền cà phê” theo giá thỏa thuận.
Cái thời ăn bo bo, củ mì, nhưng số người chết không nghĩa lý gì so với thời súng đạn nên trại hòm ế độ! Để cứu nguy cho… trại; trại chủ có nhiều cách dị đoan truyền thống để bán cho chạy như: Tối lấy chổi quét vòng vòng, hay lấy búa gõ ba cái vào đầu cái quan tài tùy thích thì tảng sáng cái hòm đó sẽ có khách mua ngay (!). Nhưng tuyệt chiêu trấn sơn vẫn là mướn người ngủ trong quan tài một đêm!
Đừng nói “sao chủ hòm ác quá, trù cho người ta chết để bán hòm”. Không phải đâu, chủ hòm không trù ai hết, họ chỉ muốn bán đắt mà thôi. Nghề bán hòm là nghề … “làm phước”, nếu không sao trại hòm nào cũng đặt cho trại hòm mình cái tên vô cùng phúc hậu: Thiên Phước, Thiên Thọ, Phước Thọ, Phúc Đức,… ? Có người cắc cớ hỏi: “Sao trại hòm thờ thần tài làm chi?” – “Thì đê thần tài phù hộ bán hòm được nhiều; bán nhiều, phước nhiều thôi mà!”
Ngày đầu nhận việc, người chủ trại hòm tốt bụng nhìn tôi ái ngại bởi cái vẻ mặt thư sinh và hình thù giống cây tre miễu của tôi. Không biết chỗ khác thế nào, nhưng “hợp đồng” giữa tôi và chủ trại hòm nầy rất nhanh chóng và đơn giản: Thứ nhất là, 23 giờ tôi đến, rồi chui vô chiếc hòm nào đó theo trại chủ chỉ định; cho đến 3,4 giờ sáng, lãnh tiền rồi ra về. Thứ hai là, trong khi nằm trong hòm, bên ngoài ai làm gì, nếu còn thức cũng không được hỏi. Thứ ba là, “giữ kín giùm, đừng nói với ai”.
Tôi đồng ý liền!
Chủ trại nhìn tôi dò xét:
– Chú em có sợ không?
Tôi chơm chớp mắt:
– Dạ, tôi không sợ ma quỷ gì hết; chỉ sợ nắp hòm đóng kín, tôi ngộp thở chết, bỏ con tôi lại không ai nuôi. (Tôi rơm rớm nước mắt) Anh em nó còn nhỏ lắm, mẹ nó mới chết… (lấy tay áo chậm nước mắt)
Ông chủ có vẻ xúc động:
– Việc đó chú em khỏi lo, ở đây chú em sẽ thoải mái, không ngộp đâu mà sợ! Tuy nhiên nếu có sợ hãi gì thì hãy bình tỉnh, đừng la lên làm động làng động xóm!
Ông chủ chỉ một cái hòm không nắp, “chú em leo vào đi, quay đầu ra ngoài lộ”; tôi vào nằm, ông chủ lấy tấm vải mùng phủ lên, “ chú em ngủ ngon nhé! Bên ngoài ai làm gì thì cũng không được ngồi dậy, cũng đừng để ý. Chừng nào nghe tiếng đồng hồ ré thì ra ngoài!”
Nằm trong hòm, tôi thở phào. Thì ra chỉ như vậy, có gì ghê gớm đâu?
Theo các bậc đàn anh nói thì khác: Sau khi người ngủ mướn vừa vô hòm thì chủ nhà vội đóng nắp hòm lại như đạo tùy (tì) liệm người chết vậy, chỉ thiếu cái việc đóng đinh mà thôi ; đàn anh khác nói, nắp hàng được chêm dưới hai thanh gỗ tròn để người nằm dưới không bị thiếu dưỡng khí. Theo tôi thì trường hợp sau có lý hơn, bởi nếu nắp hòm đóng kín thì nguy cơ ngộp thở rất cao, nhất là với những anh trước khi vào “nhiệm sở” phải nốc vài xị để lấy khí thế! Mà nếu ngộp thở chết, thì biết bao phiền toái cho chủ nhà? Còn việc chỉ phủ tấm vải mùng lên trên miệng hòm như trường hợp của tôi, chưa nghe ai nói!
Họ còn kể nhiều chuyện rùng rợn không kém chuyện liêu trai: Vừa chợp mắt thì nghe tiếng guốc khua trên nền, kèm theo bao tiếng nói xì xào! Lại có khi xuất hiện một cái mặt thịt da rệu rã lòi cả hai hàm răng trắng hếu chìa sát mặt người nằm bên trong : “Sao mầy nằm chỗ của tao?” Đây là lời kể của anh “mặt dằn râu quắn” nói trên, khiến anh phải tung nắp chạy không dám quay đầu lại!
Còn nhiều câu chuyện ghê rợn không kém, nhưng thật tình không chuyện nào làm tôi run sợ mảy may, bởi trong lửa chiến chinh tôi đã suýt chết bao lần, và nghiệm ra rằng, chỉ có người hại người, chớ chưa ai thấy ma vương quỷ sứ nào hại người bao giờ; thường nói quỷ ma tàn ác nhưng cũng chưa ai thấy chúng mổ bụng moi gan ai bao giờ; có chăng là nơi địa ngục mơ hồ! Tôi thấy, và quả quyết, chính con người là động vật tàn ác nhất, nguy hiểm nhất, giết hại con người, tức đồng loại của mình nhiều nhất mà thôi!
Tôi chẳng những không sợ mà lòng lại thấy vui vui! Bởi tôi biết chắc chắn vào sáng mai lời hứa “mai mốt” với con tôi, tôi đã thực hiện được! Tưởng tượng khi nhìn con tôi ăn ngon lành tô hủ tiếu, cắn từng miếng thịt ngon, húp từng muỗng nước lèo béo ngậy, hoàn toàn xa lạ với hương vị mặn chát thường ngày; tôi mỉm cười, mà sao cũng thấy xót xa!
Tôi nằm mà nhớ con gái tôi lắm: ai gãi lưng cho con tôi khi con tôi trở mình? Ai gãi đầu con tôi, ai hun trên mái tóc con tôi, ai nựng bàn tay nhỏ bé của con tôi khi con tôi an giấc thiên thần? Tôi như con gà trống xòe hai cánh vụng về che chở ba đứa con mình qua những cơn mưa gió cuộc đời! Tôi lại ứa nước mắt!
Tôi ngửi thấy mùi khói nhang từ đầu quan tài. Tôi không ngạc nhiên vì theo lời đàn anh kể, thì chủ trại hòm đang làm thủ tục cúng vái… “người chết” (hôm nay “người chết” đó là tôi)!
Tôi không ngủ được cho tới khi đồng hồ ré báo hết giờ. Tôi choàng dậy, ngó vào nhà thì thấy ông chủ ngồi trước thêm ba hút thuốc tự bao giờ. Tôi đến bên ông nhận tiền, mà đôi mắt không rời cái nùi lau chân nằm ngay cửa ra vào. Ông tò mò hỏi:
– Có gì không chú em?
Tôi ấp úng, chỉ tay về cái nùi lau:
– Ông chủ cho tôi xin bộ đầm đó được không? Tôi về giặt cho con tôi mặc chắc nó mừng lắm.
Ông chủ ái ngai:
– Được, nhưng nó cũ rồi chú em à.
– Cám ơn ông! Không sao, tôi sẽ giặt lại.
Tết năm đó, con tôi rất vui vì có bộ đầm “mới” (dù hơi rộng); Khi nó vào tiểu học, bồ đầm chật, nhưng nó vẫn cất giữ cẩn thận đến hai chục năm sau, và mang theo về nhà chồng trong ngày lễ vu quy! Hỏi: “Con giữ làm chi vậy?” – “Để thương nhớ ba mãi. Trong thời gian đói khổ, ba phải ngủ trong quan tài kiếm tiền nuôi các con!”

KHA TIỆM LY

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2020

TÌNH CA MUÔN TRÙNG - THƠ MẶC PHƯƠNG TỬ


tong minh
17:09, Th 7, 25 thg 1
tới Kim, Dao, tôi


Vào Thứ Bảy, tháng 1 25, 2020, 2:14 CH, tong minh <tongminh2016@yahoo.com> đã viết:








TÌNH CA MUÔN TRÙNG

Nửa đêm nghe tiết giao mùa
Tiếng chuông trừ tịch bên chùa lan xa
Thềm xuân thức giấc cỏ hoa
Chim ngàn cất giọng vỡ toà khói sương
Ừ, thì thôi
Khúc nhạc buồn
Trôi xa về nẽo hoàng hôn xưa rồi
Xuân còn theo mãi dòng trôi
Giữa bờ sinh diệt, giữa đời thực hư
Mai đây tạnh khói sương mù
Tiếng reo lá thức bên bờ cỏ hoa
Giấc tàn mộng cũ phôi pha
Ngày lên gió lộng tình ca muôn trùng.

Long Xuyên, 25/1/2020.

MẶC PHƯƠNG TỬ


Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2020

CHÙM THƠ GIAO THỪA - NHIỀU TÁC GIẢ ,ĐỖ CHIÊU ĐỨC DỊCH

Chieu Duc
15:27, 
Th 5, 23 thg 1






         Đã sắp đến giờ GIAO THỪA giữa năm Kỷ Hơị 2019 và Canh Tý 2020, kính mời tất cả Thầy Cô, Đồng Môn, Thân Hữu cùng dịch thơ Giao Thừa cho ...vui !
                           ............................................................................

Góc Đường Thi :
                CHÙM THƠ GIAO THỪA

          Đón Giao Thừa CANH TÝ (2020), kính mời tất cả Thầy Cô, Đồng Môn và Thân hữu... cùng đọc và dịch 5 bài thơ TRỪ DẠ 除夜 (Đêm Giao Thừa) để cùng đồng cảm với cổ nhân và cũng để cùng thấm thía hơn với nỗi lòng của những kẻ phải đón Tết tha hương như chúng ta hiện nay khi tuổi đã xế chiều !...

1.    除夜                        TRỪ DẠ

事關休戚已成空,   Sự quan hưu thích dĩ thành không,
萬里相思一夜中。   Vạn lý tương tư nhất dạ trung.
愁到曉雞聲絕後,   Sầu đáo hiểu kê thanh tuyệt hậu,
又將憔悴見春風。   Hựu tương tiều tụy kiến xuân phong.
               來鵠                                              Lai Hộc
       Inline image
        Thi sĩ Lai Hộc đời Đường

* Chú thích :
  - Hưu Thích 休戚 : là chuyện vui buồn, thành bại, được mất ở đời.
  - Hiểu Kê 曉雞 : là Gà gáy sáng.
  - Tiều Tụy 憔悴 : là Võ vàng sầu muộn, không có tinh thần.

* Nghĩa Bài Thơ :
        Những chuyện vui buồn thành bại trong đời đã là con số không rồi. Bây giờ thân đang ở ngoài ngàn dặm để nhớ về nhau trong một đêm nay thôi. Nỗi ưu sầu cứ ray rức cho đến khi tiếng gà gáy sáng dứt hẵn mới thôi. Ta lại đón gió xuân với cái thân hình tiều tụy và với cái bộ mặt võ vàng này !

* Diễn Nôm :
                      GIAO THỪA

               Inline image

             Vui buồn được mất cũng thành không,
             Ngàn dặm đêm nay nhớ ngập lòng.
             Sầu đến tiếng gà thôi gáy sáng.
             Võ vàng lần nữa đón xuân phong !
   Lục bát :
             Buồn vui thành bại qua rồi,
             Giao thừa ngàn dặm nhớ hoài quê xa.
             Lòng sầu theo với tiếng gà,
             Đón xuân tiều tụy năm qua lại sầu !

                                                   Đỗ Chiêu Đức

2.  除夜                  TRỪ DẠ

九冬三十夜,    Cưủ đông tam thập dạ,
寒與暖分開。    Hàn dữ noãn phân khai.
坐到四更後,    Tọa đáo tứ canh hậu,
身添一歲來。    Thân thiêm nhất tuế lai.
魚燈延臘火,    Ngư đăng diên lạp hỏa,
獸炭化春灰。    Thú thán hóa xuân hôi.
青帝今應老,    Thanh Đế kim ưng lão,
迎新見幾回。    Nghinh tân kiến kỷ hồi !
       尚顏                    Thượng Nhan

  Inline image  Inline image
    Thượng Nhan            Thanh Đế

* Chú Thích :
  - Cửu Đông 九冬 : Chỉ 90 ngày của mùa Đông.
  - Ngư Đăng 魚燈 : Cái Chưn đèn hình con cá.
  - Lạp Hỏa 臘火 : Lửa do đèn sáp (đèn cầy, nến) cháy sáng.
  - Thú Thán 獸炭 : Những cây than củi có hình như con thú.
  - Xuân Hôi 春灰 : Tro của mùa xuân.
  - Thanh Đế 青帝 : là Ông vua Xanh, là một trong Ngũ Phương Thiên Đế 五方天帝, năm ông vua ở trên trời. Theo truyền thuyết Trung Hoa xưa : Thanh Đế là ông vua cai quản hướng đông, là biểu tượng của con rồng xanh, là thần của mùa xuân và của muôn hoa, nên còn gọi là Chúa Xuân. Như trong bài thơ "Mai Rụng" của J. Leiba thời Tiền Chiến :
               ... Yêu chàng, em cố chuốt hình dong
                   Tô cặp môi son, điểm má hồng,
                   Em thấy xuân nay hoa nở đẹp,
                   Cảm tình THANH ĐẾ, tạ đông phong.

* Nghĩa Bài Thơ :
        Trong đêm Ba Mươi cuối cùng của chín mươi ngày mùa đông nầy, cái lạnh và cái ấm được phân chia ra rõ rệt. Ta ngồi đợi cho đến sau canh tư (sang canh năm) thì thân ta lại được thêm một tuổi nữa rồi ! Cái giá đèn hình con cá còn lắp loáng áng sáng tàn của đèn nến và những củi than hình thù quái dị như những con thú (đốt để sưởi ấm) cũng đã tàn tạ thành những đống tro xuân cả rồi. Chúa Xuân năm nay chắc cũng đã gìa cả như ta rồi, không biết còn có thể đón xuân thêm mấy lượt nữa đây !
       Câu cuối còn có nghĩa : Không biết còn gặp được Chúa Xuân mấy lần nữa đây (Vì chúa xuân cũng đã gìa rồi, biết lần sau còn gặp được "ông ta" không ?).

* Diễn Nôm :
                   ĐÓN GIAO THỪA
               
                Inline image

                Cuối đông đêm ba mươi,
                Ấm lạnh phân hai nơi.
                Ngồi đến canh tư điểm,
                Ta thêm một tuổi rồi.
                Đèn nến tàn sắp lụn,
                Than thành tro xuân thôi.
                Chúa Xuân chừ gìa cỗi,
                Còn gặp mấy lăm hơi !?
      Lục bát :
                Đông qua chín chục giao thừa,
                Phân chia ấm lạnh hai mùa đông xuân.
                Canh tư qua, trời rạng đông.
                Ta thêm một tuổi bâng khuâng canh tàn.
                Chân đèn sáp chảy lan man,
                Củi than cháy lụn tro tàn ai gom.
                Chúa Xuân chắc đã gìa còm,
                Thêm vài năm nữa có còn gặp nhau !?

                                                       Đỗ Chiêu Đức

3.歲除夜           TUẾ TRỪ DẠ
 
官曆行將盡,    Quan lịch hành tương tận,
村醪強自傾。   Thôn dao cưởng tự khuynh.
厭寒思暖律,   Yếm hàn tư noãn luật,
畏老惜殘更。   Úy lão tích tàn canh.
歲月已如此,   Tuế nguyệt dĩ như thử,
寇戎猶未平。   Khấu nhung do vị bình.
兒童不諳事,   Nhi đồng bất am sự,
歌吹待天明。   Ca xúy đãi thiên minh.
          羅隱                             La Ẩn

   Inline image
      La  Ẩn : Thi nhân đời Đường

* Chú Thích :
  - Tuế Trừ Dạ 歲除夜 : là Đêm Giao Thừa, Đêm Trừ Tịch.
  - Quan Lịch 官曆 : Lịch của nhà quan. Theo sách "Hậu Hán Thư. Luật Lịch chí trung 后漢書·律曆志中" : Lịch do Quan Phủ phát hành theo Khâm Thiên Giám của triều đình. Sau dùng rộng ra để chỉ Thời Gian.
  - Thôn Dao 村醪 : Rượu đục, rượu của nhà quê chưa được cất lọc.
  - Khấu Nhung 寇戎 : Giặc cướp và rợ Nhung.
  - Am Sự 諳事 : Am tường sự việc, là hiểu chuyện.
  - Ca Xúy 歌吹 : Đàn hát vui chơi.

* Nghĩa Bài Thơ :
        Ngày tháng theo lịch đã gần tàn, cất chén rượu đục của nhà quê gắng gượng mà uống cạn. Chán ngán với cái lạnh nên mong cái ấm sẽ đến, cũng như sợ cái gìa sồng sộc đến mà tiếc từng thời gian của canh tàn. Ngày tháng thì cứ qua đi như thế mà giặc cướp thì chưa dẹp yên được. Lũ trẻ con không thông hiểu thế sự, nên cứ đàn ca xướng hát mà đợi trời sáng (để ăn Tết).
       Người lớn thì buồn cho giặc giã chiến tranh thời cuộc, còn bọn trẻ thì cứ vô tư vui chơi đợi Tết mà thôi. Cũng như "người lớn" ở Mỹ hiện nay thì cứ ưu tư cho thời cuộc, cho đất nước quê hương; chứ bọn trẻ lớn lên ở Mỹ có biết chi đâu mà ưu thời mẫn thế ?!

* Diễn Nôm :

                 ĐÊM TRỪ TỊCH
   
             Inline image

             Lịch quan xem đà gần hết,
             Rượu quê chuốc chén riêng ta.
             Sợ lạnh nên mong xuân ấm,
             E già lại tiếc canh qua.
             Năm tháng nhanh như thoi cưởi,
             Giặc nhung chưa hết can qua.
             Trẻ con không thông nhân sự,
             Suốt đêm đợi Tết hát ca !
    Lục bát :
             Lịch quan chừng đã hết rồi,
             Rượu quê chuốc chén bồi hồi riêng ta.
             Lạnh tràn mong ấm mau qua,
             Sợ gìa nên tiếc canh tà dần trôi.
             Tháng ngày hun hút qua rồi,
             Rợ Nhung còn đó ngút trời lửa binh.
             Trẻ con chẳng biết sự tình,
             Vui chơi ca hát đợi bình minh sang !

                                       Đỗ Chiêu Đức

4.  除夜                    TRỪ DẠ

寒燈耿耿漏遲遲,    Hàn đăng cảnh cảnh lậu trì trì,
送故迎新了不欺。    Tống cố nghinh tân liễu bất khi.
往事並隨殘曆日,    Vãng sự tịnh tùy tàn lịch nhật,
春風寧識舊容儀。    Xuân phong ninh thức cựu dung nghi.
預慚歲酒難先飲,    Dự tàm tuế tửu nan tiên ẩm,
更對鄉儺羨小兒。    Cánh đối hương na hâm tiểu nhi.
吟罷明朝贈知己,    Ngâm bãi minh triêu tặng tri kỷ,
便須題作去年詩.     Tiện tu đề tác khứ niên thi.
          徐鉉                             Từ Huyền

       Inline image
         Từ Huyền qua Họa hình và Điện ảnh

* Chú Thích :
  - Cảnh Cảnh 耿耿 : Vẻ Sáng sủa lấp lánh.
  - Lậu 漏 : là Rỉ ra; Ở đây chỉ đồng đồ xưa rỉ nước ra.
  - Tịnh Tùy 並隨 : là Đi theo song song, là Liền theo sau đó.
  - Ninh Thức 寧識 : Vốn dĩ đã biết.
  - Tuế Tửu 歲酒 : Rượu dùng để cúng tế cuối năm.
  - Hương Na 鄉儺 : Những hương thân mặc đồ tế lễ theo tục lệ xưa.

* Nghĩa Bài Thơ :
         Ánh đèn lạnh lẽo sáng lấp lánh trong tiếng đồng hồ chầm chậm nhỏ giọt, Tống cựu nghinh tân trong năm hết nên chẳng dám xem thường. Chuyện cũ đã qua đi song song với tờ lịch cũng gần tàn, còn gió xuân thì chắc chắn đã biết cái bộ mặt nầy của ta rồi. Rượu dùng để tế lễ cuối năm nên ngại ngùng không dám uống trước, càng hâm mộ đám trẻ con hơn khi chúng thấy những hương thân mặc đồ tế lễ theo kiểu xưa. Ngâm xong bài thơ cuối năm để sáng mai đem tặng người tri kỷ, thì đã phải đề rằng đây là bài thơ của năm ngoái rồi !

* Diễn Nôm :
                    ĐÊM GIAO THỪA

                 Inline image

             Đồng hồ nhỏ giọt lạnh đêm đông,
             Tống cựu nghinh tân chạnh tấc lòng.
             Chuyện cũ đành theo tờ lịch giám,
             Gió xuân đã tỏ nét nghi dong.
             Rượu dành tế lễ nên kiêng uống,
             Đồ tế hương thân bởi trẻ mong.
             Ngâm nốt bài thơ mai tặng bạn,
             Đã thành thơ cũ mới làm xong !
    Lục bát :
             Đèn lạnh buốt, tiếng đồng hồ,
             Nghinh tân tống cựu ngẩn ngơ tấc lòng.
             Chuyện qua theo lịch lụi dần,
             Dung nghi vốn dĩ bạn cùng gió xuân.
             Kiêng khem rượu lễ chớ dùng,
             Nhi đồng hâm mộ hương thân tế thần.
             Ngâm xong mai tặng tri âm.
             Đã là thơ cũ của năm qua rồi !

                                          Đỗ Chiêu Đức

5.  除夜                    TRỪ DẠ             

病眼少眠非守歲,    Bệnh nhỡn thiểu miên phi thủ tuế,
老心多感又臨春。    Lão tâm đa cảm hựu lâm xuân.
火銷燈盡天明後,    Hỏa tiêu đăng tận thiên minh hậu,
便是平頭六十人 !    Tiện thị bình đầu lục thập nhân !
         白居易                            Bạch Cư Dị

     Inline image

* Chú Thích :
  - Bệnh Nhỡn 病眼 :là Con mắt bệnh; ở đây chỉ con mắt của người gìa bệnh tật.
  - Thủ Tuế 守歲 : là Giữ tuổi, là Đợi để đón giao thừa.
  - Hỏa Tiêu Đăng Tận 火銷燈盡 : là Lửa tắt đèn tàn.
  - Bình Đầu 平頭 : là bằng đầu, là Ngang bằng, ta nói là Cán mức.

* Dịch Nghĩa :

     Con mắt của người già bệnh tật ít ngủ, nên không ngủ được chớ không phải là thức để đợi giao thừa. Lòng của những người già đã đa cảm rồi lại gặp phải buổi đón xuân sang (nên càng thấy lòng cảm xúc hơn). Lửa đã tắt đèn đã tàn (đêm đã hết) sau khi trời sáng thì ta đã là ông cụ già cán mức sáu mươi tuổi rồi !

     Nên biết là vào đời Đường (618—907), theo lịch sử thống kê, tuổi thọ trung bình của con người chỉ có 45 tuổi mà thôi. Nên 60 tuổi đã là thọ lắm rồi, và vì thế mà Thi Thánh Đỗ Phủ đã hạ hai câu thơ nổi tiếng để đời trong bài "Khúc Giang" là :

                 Tửu trái tầm thường hành xứ hữu,   酒債尋常行處有,
                 Nhân sinh thất thập cổ lai hi.     人生七十古來稀。
Có nghĩa :
            Nợ rượu tầm thường khắp nơi đều có cả, còn...
            Đời người sống đến bảy mươi tuổi thì xưa nay rất hiếm.

      Đó là vào đới Đường, còn hiện nay, bước ra đường bất cứ lúc nào ta cũng có thể gặp được người già trên 70 tuổi cả ! Bạch Cư Dị thọ được sáu mươi tuổi đã ra vẻ già yếu mất ngủ vì bệnh tật, nên rất dễ cảm xúc lúc xuân về tết đến, thi nhân đã rất cảm khái trong đêm giao thừa lúc đêm tàn năm hết, vì đến sáng ngày mai mình đã là kẻ thọ được sáu mươi tuổi rồi ! Trong hoàn cảnh hiện tại, sau năm 1975 đến nay, chúng ta những người đang sống lưu vong trên đất Mỹ đều đã gần "tám bó" cả rồi, sự cảm khái của kẻ đón xuân nơi đất khách chắc chắn còn hơn Bạch Cư Dị bội phần.

* Diễn Nôm :                               
                          GIAO THỪA

                  Inline image

                  Mắt già khó chợp đón giao thừa,
                  Đa cảm lòng già xuân lại qua.
                  Lửa tắt đèn tàn trời rựng sáng,
                  Đã là người sáu chục niên hoa.
    Lục bát :
                  Không ngủ chẳng tại giao thừa,
                  Lòng già đa cảm khi vừa đón xuân.
                  Đèn tàn lửa tắt bâng khuâng.
                  Sáng ra sáu chục xuân hồng đã qua !

                                        ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2020

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH : HOA - ĐỖ CHIÊU ĐỨC



                           Chieu Duc <chieuduc15@yahoo.com> 05:33 18 tháng 1, 2020

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH  :  HOA
                                     Inline image
                                     HOA XUÂN nọ còn phong nộn nhị,
                                   Nguyệt thu kia chưa hé hàn quang,
                
           Đó là hai câu thơ tả nàng cung nữ tài sắc vẹn toàn trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều khi còn son gía. Nàng như đóa hoa xuân còn đang phong kín nhụy non (NỘN 嫩 : là Non nớt). Người con gái ngày xưa được ví như là HOA, vì còn trẻ nên ví như là HOA XUÂN. Chẳng những là Hoa Xuân mà còn là HOA THƠM nữa ! Ta hãy đọc tiếp những lời cám ơn nhưng lại tỏ ra rất đắc ý của nàng cung nữ :
                                     HOA THƠM muôn đội ơn trên,
                            Cam công một tiếng thuyền quyên với đời.
  
           Nói chung theo quan niệm cổ xưa, tạo hóa tạo ra người đẹp như tạo ra một đóa hoa vậy. Ta hãy đọc lại đoạn tả nàng cung nữ dưới đây sẽ rõ :

                                    Trộm nhớ thuở gây hình tạo hoá,
                                    Vẽ phù dung một đoá khoe tươi,
                                    NỤ HOA chưa mỉm miệng cười,
                                    Gấm nàng Ban đã lạt mùi thu dung.

                               Inline image

          Nụ cười mỉm của người đẹp như nụ hoa chớm nở. Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du cũng đã tả người đẹp Thúy Vân là :

                                    HOA CƯỜI ngọc thốt đoan trang,
                              Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

          Mặt của người đẹp là "Vẽ phù dung một đoá khoe tươi,", là "Áng đào kiểng đâm bông não chúng" và  nhất là khi người đẹp buồn khóc  thì như Bạch Cư Dị đã tả Dương Qúy Phi trong Trường Hận Ca là :

                     玉容寂寞淚闌干,   Ngọc dung tịch mịch lệ lan can,
                     梨花一枝春帶雨。   Lê hoa nhất chi xuân đới vũ.
Có nghĩa :
                            Mặt ngọc u buồn lệ ngổn ngang,
                            Như đóa hoa lê mưa còn đọng.

          Cụ Nguyễn Du nhà ta đã mượn ý nầy để tả Thúy Kiều khóc khi vừa tỉnh mộng đoạn trường với Đạm Tiên. Vương bà nghe tiếng khóc nỉ non đã hỏi rằng :

                                 Cớ sao trằn trọc canh khuya,
                            Màu HOA LÊ hãy ĐẦM ĐÌA GIỌT MƯA

                     Inline image

          Mặt của người đẹp khóc mà ví như "Đóa hoa lê hãy còn đầm đìa giọt mưa" thì quả thật qúa tuyệt vời không chê vào đâu được. Còn người đẹp buồn thì gọi là "Ủ dột nét HOA" như khi Kiều viếng mộ Đạm Tiên :

                                       Kiều càng ủ dột NÉT HOA,
                                  Sầu tuôn dứt mối châu sa vắn dài !

        Người đẹp đi tắm cho sạch sẽ thơm tho thì gọi là TẮM HOA, như những câu chuyển tiếp thật hay  đưa đến cảnh Thúy Kiều đi tắm như sau :
                      
                                        Dưới trăng quyên đã gọi hè,
                                   Đầu cành lửa lựu lặp lòe đâm bông.
                                      Buồng khuya phải buổi thong dong,
                                  Thang lan rủ bức trướng hồng TẮM HOA.

       Cụ Nguyễn Du đã đi trước thời đại của mình khi "dám" cho Thúy Kiều Tắm mà còn hạ thêm hai câu tả chân thật hay là :

                                        Rõ ràng trong ngọc trắng ngà,
                                   Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên !

                           Inline image
          
         Ngoài việc chỉ người đẹp ra, HOA còn chỉ HOA CHÚC. CHÚC 燭 là cây đuốc, nên HOA CHÚC 花燭 là ĐUỐC HOA. Theo quyển từ điển Từ Hải, thì từ đời Lục Triều ở Trung Hoa có tục đốt đuốc hoa trong ngày lễ Nghinh thân 迎親 (Rước Dâu), nên đêm Tân hôn còn gọi là đêm Hoa Chúc, như trong truyện Nôm Lưu Nữ Tướng :
                                         Bao giờ thước báo tin xuân,
                                 Bấy giờ HOA CHÚC nghinh thân cũng vừa.  

         Còn trong Truyện Kiều, khi rước Thúy Kiều về đến trú phường, thì Mã Giám Sinh đã nghĩ :"Vả đây đường xá xa xôi, mà ta bất động nữa người sinh nghi ". Nên sau khi đã thất thân cùng Mã Giám Sinh rồi thì cụ Nguyễn Du đã viết về Thúy Kiều như sau :

                                         Đêm xuân một giấc mơ màng,
                                    ĐUỐC HOA để đó, mặc nàng nằm trơ.
                                          Giọt riêng tầm tả tuôn mưa,
                                   Phần căm nỗi khách, phần nhơ nỗi mình.
                                 
                                    Inline image
         
         Sau Đuốc Hoa ta lại có HOA ĐÀM ĐUỐC TUỆ :

         HOA ĐÀM là ĐÀM HOA 曇花, nếu gọi cho đủ tên là Ưu Đàm Bát La Hoa 優曇缽羅花, được dịch từ tiếng Phạn trong kinh Phật Udumbara, là một loại hoa vô ưu, linh ứng và mang đến điềm lành. Theo thần thoại Phật giáo thì loại hoa nầy sinh trưởng ở trên Hy Mã Lạp sơn. Ba ngàn năm mới nở hoa và sau khi nở hoa sẽ rất chóng úa tàn, và mỗi lần hoa nở là sẽ có một vị Phật xuất thế. Còn ...
         ĐUỐC TUỆ là Đuốc của Trí tuệ, được gọi là TRÍ CHÚC 智燭. Theo như câu nói của Lý Qũy, người ở cuối đời Tùy là : Trí như đăng chúc, khả dĩ chiếu sát 智如燈燭,可以照察, Có nghĩa : Trí tuệ rực sáng như đèn đuốc có thể soi sáng để quan sát hết mọi sự vật. Nên ...
         HOA ĐÀM ĐUỐC TUỆ thường dùng để chỉ cái phép thiêng vô ưu và cái trí tuệ của nhà Phật, là nhóm từ chỉ về đạo Phật, như trong Cung Oán Ngâm Khúc :

                                  Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa,
                                  Mượn HOA ĐÀM ĐUỐC TUỆ làm duyên.

         Nói đến HOA trong Văn học Cổ, thì không thể thiếu HOA TƯ, tức HOA TƯ QUỐC 華胥國, là  nước của họ Hoa Tư, tương truyền nơi đó đời sống rất thanh bình, không có vua, nên không cần phải có tôn ti trật tự, không tranh danh đoạt lợi, không bệnh tật ốm đau. Mỗi người dân đều sống yên lành hạnh phúc. Theo sách Liệt Tử, Hoàng Đế đêm nằm ngủ mơ thấy đến nước Hoa Tư. Sau thường dùng tích này để chỉ cảnh thái bình thịnh trị, hoặc chỉ cảnh mộng ảo. Như trong Tứ Thời Khúc Vịnh của Hoàng Sĩ Khải đời Mạc:

                                  Hóa nhi khéo quấy người sao,
                              Đã sang Hòe Quốc lại vào HOA TƯ

                               Inline image
                               Hoàng Đế mơ vào nước Hoa Tư

         Theo sách Trang Tử- thiên Thiên Địa :《莊子外篇·天地篇》:「堯觀乎華。華封人曰:嘻,聖人!請祝聖人壽…聖人富…聖人多男子。Vua Nghiêu tuần du đất Hoa. Người được phong trông coi đất Hoa nói :" Ô, Thánh nhân, chúc cho thánh nhân được giàu có, sống thọ và có nhiều con trai". Nhất nhất vua Nghiêu đều từ chối. Hỏi tại sao ? Thì trả lời rằng :"Con trai nhiều, nhân lực đông sẽ làm cho người ta khiếp sợ; Giàu có tài sản nhiều sẽ dễ sinh ra họa hoạn; Sống dai qúa chỉ tổ chịu nhiều nhục nhã mà thôi. Ba thứ đó đều không phải là thứ dùng để tu dưỡng đức hạnh của con người". Nhưng người đời thì lại thích được chúc như thế, nên HOA PHONG TAM CHÚC 華封三祝 là ba thứ chúc tụng của người đất Hoa, sau dùng rộng ra để chỉ những lời chúc lành mà thôi. Cũng trong Tứ Thời Khúc Vịnh của Hoàng Sĩ Khải đời Mạc cũng có câu :
                      
                                 Đã kính dâng HOA PHONG TAM CHÚC,
                                  Lại Đăng ngâm một khúc chung tư. 

          Cuối cùng ta trở về với HOA ĐÀO GIÓ ĐÔNG với bài thơ tứ tuyệt bất hủ Đề Tích Sở Kiến Xứ 題昔所見處( còn có tên là Đề Đô Thành Nam Trang 題都城南莊)  của Thôi Hộ theo tích sau đây :

                       Inline image

         THÔI HỘ (772-846), tự là Ân Công, người đất Bác Lăng đời Đường (thuộc Định Châu tỉnh Hà Bắc hiện nay). Một năm vào tiết Thanh minh, khi mà "cỏ non xanh rợn chân trời", chàng thư sinh lạc đệ Thôi Hộ cũng đạp thanh ngắm cảnh. Mãi tìm nguồn thơ với cảnh đẹp của mùa xuân, chàng lạc bước vào một thôn trang phía nam của Trường An với non xanh nước biếc, kịp đến khi quay gót trở về, thì mới thấy cổ khô khát nước. Nhìn xa xa phía trước mặt trong một rừng đào rực rỡ thấp thoáng có bóng một mái nhà. Thôi Hộ bèn đến gõ cửa xin chén nước uống.         
        Ra mở cửa là một cô gái trẻ đẹp. Thấy là một chàng trai lạ, bèn quay mặt đi vào.. Thôi Hộ vội vàng thi lễ và tỏ ý muốn xin một chén nước để giải khát. Một lát sau, cô gái e thẹn bưng ra cho chàng một tách trà thơm, hương bay ngào ngạt. Choáng váng trước vẻ thẹn thùng kiều diễm, mặt ửng hồng như đóa hoa đào của nàng, chàng ngơ ngẩn thần hồn, nhấp chén trà mà như nhấp chén quỳnh tương. Còn nàng thì cũng e thẹn liếc nhìn chàng, hai bên " tình trong như đã mặt ngoài còn e". Sau khi cám ơn và cáo từ ra về, Thôi Hộ nghĩ thầm rằng, nếu sau này đại đăng khoa xong, tiểu đăng khoa mà được một nương tử  như thế nầy thì cũng mãn nguyện lắm rồi. Tuổi trẻ chóng quên, lại phải chăm lo đèn sách, cho nên mãi đến ...
        Mùa xuân năm sau, khi lại đi ra ngoại thành đạp thanh, Thôi Hộ mới nhớ đến giai nhân của vườn đào năm ngoái mà cố ý ghé thăm để gặp lại người đẹp với chén trà thơm ngát của năm qua. Nhưng ...
        Khi đến nơi thì cửa đóng then cài, cảnh cũ còn đây, hoa đào còn đó, mà người xưa thì đà vắng bóng. Xúc cảnh sinh tình, chàng bèn đề một bài thơ lên cửa như sau :

           去年今日此門中,  Khứ niên kim nhật thử môn trung,
           人面桃花相映红。  Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
           人面不知何處去,  Nhân diện bất tri hà xứ khứ ?
           桃花依舊笑東風。  Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Có nghĩa :
                 Năm ngoái hôm nay cũng cửa này,
                 Mặt người hoa đẹp má hây hây,
                 Mặt người nay biết về đâu nhỉ ?
                 Như trước hoa đào vẫn nở đây !

                  Inline image

        Chàng ngẩn ngơ giây lát, rồi thơ thẩn ra về mà lòng nghe như hụt hẫng trống vắng, nuối tiếc một cái gì đó như bị mất đi; cho nên, mấy hôm sau, chàng lại lần mò đến vườn đào năm trước. Nhưng, sao lạ thay, có tiếng ai đó đang thổn thức bi thương. Bước đến gõ cửa. Một ông lão đầu râu tóc bạc đầy vẻ bi thương ra mở cửa. Trông thấy chàng bèn hỏi :" Anh có phải là Thôi Hộ không ? ". Thôi Hộ giật mình hỏi lại :" Sao cụ lại biết ?". Ông lão bèn kể :" Con gái của lão là Giáng Nương từ Tiết Thanh Minh năm ngoái tới nay, cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn như mất hồn, mỗi ngày cứ ngóng ngóng mong mong như chờ đợi ai đó. Mấy hôm trước đây, lão muốn cho nó khuây khỏa mới dắt nó về ngoại gia mấy hôm. Khi trở về, nó thấy bài thơ đề trên cửa bèn khóc òa, biết là sẽ khó còn có cơ hội để gặp lại anh, nên buồn bã bỏ ăn mấy hôm nay, và mới đây đã trút hơi thở cuối cùng, Anh đã hại chết con gái lão rồi !"
       Thôi Hộ nghe xong, vô cùng thương cảm và xúc động. Chàng xin phép ông lão để được nhìn Giáng Nương lần cuối. Khi vào bên trong phòng, thấy Giáng Hương như đang nằm ngủ, Thôi Hộ kêu to lên rằng : "Nàng ơi, Thôi Hộ đã tới đây, ta đã đến với nàng đây rồi !" Nước mắt của chàng rơi trên mặt nàng, thì lạ thay, nàng khẻ rên lên một tiếng, rồi từ từ mở mắt ra, nhết mép mĩm cười. Nàng đã hồi sinh trong tình yêu kỳ diệu !
       Sau đám cưới, vợ chồng tình đầu ý hợp. Trong thâm tâm Thôi Hộ rất thỏa mãn với cô vợ vừa hiền thục vừa đẹp đẽ. Giáng Nương lại hết lòng săn sóc giúp đở và khuyến khích chồng sôi kinh nấu sử, nên Thôi Hộ đã đậu Tiến Sĩ vào năm Trinh Nguyên thứ 12 đời vua Đường Đức Tông và hoạn lộ hanh thông, làm quan đến chức Lãnh Nam Tiết Độ Sứ, để lại một giai thoại đẹp trong làng thi ca lúc bấy giờ. 

       Trong Truyện Kiều, sau khi hộ tang chú ở Liêu Dương, Kim Trọng trở lại vườn thúy tìm Kiều, thì " Nhìn phong cảnh cũ nay đà khác xưa ". Chỉ thấy :

                                   Đầy vườn cỏ mọc lau thưa,
                          Song trăng quạnh quẽ vách mưa rả rời.
                                 Trước sau nào thấy mặt người,
                         HOA ĐÀO Năm Ngoái còn cười GIÓ ĐÔNG.

       Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Lê Dinh và Nguyễn Hiền đã phổ nhạc chuyện tình đầy thi vị của Thôi Hộ thành bản nhạc " Hoa Đào Năm Trước " đã thịnh hành một thời và mãi cho đến hiện nay, ở hải ngoại nầy, các ca sĩ vẫn còn hát bài hát trữ tình và nên thơ nầy. Mời bấm vào link dưới đây để nghe giọng hát truyền cảm của Mai Thiên Vân với HOA ĐÀO NĂM TRƯỚC.

               Inline image

          Hoa Đào Năm Trước - Mai Thiên Vân - NhacCuaTui

Hoa Đào Năm Trước - Mai Thiên Vân - NhacCuaTui
Mai Thiên Vân

Hoa Đào Năm Trước - Mai Thiên Vân | Bài hát: Hoa Đào Năm Trước - Mai Thiên Vân Năm ấy xuân tươi mùa hoa...

                                                                         Hẹn bài viết tới !

                                                                                                          
ĐỖ CHIÊU ĐỨC