CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

ĐÔNG ĐẠI TỰ (Todai-ji)- PHAN NI TẤN

 






ĐÔNG ĐẠI TỰ (Todai-ji)

Thành phố Nara tọa lạc ở vùng Kansai, nằm trong lòng cố đô Kyoto, Nhựt Bổn là nơi đông đảo du khách thăm viếng mà Nara còn là nơi tập trung những giá trị văn hóa và nghệ thuật cổ xưa của Nhật Bản trong đó có Đông Đại Tự.
Đông Đại Tự tiếng Nhựt là Todai-ji, thuộc Hoa Nghiêm tông, là ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất thế giới, được xây dựng từ thế kỷ 8 bởi hoàng đế Shomu (743 - 751), trở thành một trong những thánh địa Phật giáo quan trọng nhất xứ sở Phù Tang. Nơi đây, pho tượng Phật Tỳ Lô Giá Na đúc bằng đồng đen, cao khoảng 15 mét, nặng 550 tấn. Chùa còn thờ thần Bishamonten (Tỳ Sa Môn Thiên Vương) và Komokuten (Quảng Mục Thiên Vương) là hai vị Hộ pháp bảo vệ Đại Phật Điện này.
Ngoài Đại Phật Điện, chùa Todaiji còn bao gồm hai bảo tháp cao bảy tầng, tượng trưng cho Mặt Trời và Mặt Trăng xây bên ngoài khu đại điện. Trong khuôn viên của chùa trải dài hơn 1km theo trục Bắc-Nam và Đông-Tây đi qua Nam Đại Môn, Trung Môn đến Đại Phật diện.
Đứng trước ngôi chùa, nhà quê tôi phát ngợp bởi kích thước khổng lồ của ngôi Đại tự. Cổng tam quan có 18 cột trụ, mỗi cột cao 20m, đường kính hơn 1m. Tượng gỗ Hộ pháp Komoku-Ten và tượng gỗ Hộ pháp Nio (Thần sét hộ pháp) đứng hai bên cổng tam quan của chùa. Mỗi tượng được ghép bởi 3.115 mảnh gỗ, có chiều cao gần 8m, tuổi thọ trên 800 năm.
Đặc điểm của thành phố Nara nổi bật bởi vẻ đẹp cổ kính cũng như những giá trị văn hóa và nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản. Tuy nhiên, điều khiến nơi đây khác biệt với những thành phố khác của Nhựt Bổn là hình ảnh những chú nai thả rong ngoài phố và thường tụ tập đông đúc trong công viên Nara và khu vực chùa Todaiji. Công viên Nara có bán bánh quy (shika sembei) làm bằng bột mì và bột gạo dành riêng cho nai. Khi du khách cho nai ăn, chúng biết cúi đầu cám ơn.
Được biết, khoảng 5 năm trước, nhận thấy nai có sừng có thể gây thương tích cho du khách nên khi chúng tôi tới thì không con nào còn sừng, chúng đã bị cưa sạch. Sống gần gũi với con người nên nai rất thân thiện. Tại đây, chúng được coi là sứ giả của thần linh. Hươu nai đối với tôn giáo chính của Nhựt Bổn là loài thú được bảo vệ.
Ngày nay chùa Đông Đại là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý giá; cũng là nơi bảo tồn những nghi lễ truyền thống của Phật giáo Nhựt Bổn.


PHAN NI TẤN











Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2023

KIM CÁC TỰ - PHAN NI TẤN

 






KIM CÁC TỰ

Sau chuyến khởi hành từ thủ đô Tokyo (Đông kinh) tới cố đô Kyoto (Tây kinh) dài 450km, đoàn MyVan chúng tôi có dịp viếng thăm ngôi chùa vàng mà thập niên 1960 nhà quê tôi quen gọi là Kim Các Tự, tiếng Nhựt Bổn là Kinkakuji.
Được biết, Kim Các Tự có một kiến trúc rất độc đáo. Năm 1397, chùa được xây xung quanh một hồ nước Kyoko dành cho tín đồ Phật giáo phái Lâm Tế tu hành. Nét đặc trưng nhất về sự tinh xảo và cầu kỳ của Kim Các Tự là một vị trí rất ấn tượng giữa những tán xanh của cây lá và ánh sáng tinh khiết phản chiếu của hồ nước tĩnh lặng. Bức tranh được vẽ nên từ ý tưởng về sự tồn tại của một thiên đường giữa trần gian. Sự hài hòa của ngôi chùa cùng với bóng nước lulng linh huyền ảo làm nên một Kim Các Tự nổi tiếng nhất của Kyoto.
Theo tài liệu, Kim Các Tự là sự kết hợp của 3 phong cách Shinden (quý tộc), Samurai (chiến binh) và Zen (thiền tông)
- Tầng đầu tiên được thiết kế theo phong cách Shinden đề cập đến dòng nước rửa trôi những ham muốn trần tục. Shinden-zukuri là một kiểu biệt thự quý tộc thời Heian (thái bình), là một trong những nét đặc trưng của nền văn hóa Kitayama thịnh vượng thời bấy giờ.
- Tầng thứ hai được xây dựng theo phong cách của Samurai. Có nghĩa là sự thật đến từ xa như tiếng biển cả. Samurai-zukuri là một kiểu nhà ở của Samurai từ thời Kamakura.
- Tầng thứ ba được xây dựng theo phong cách Zen – một trường phái thiền Phật Giáo ở Trung Hoa. Sàn nhà được sơn mài, nhưng các cột và trần khác được dát vàng lá.
Khi xảy ra cuộc chiến Onin (1467-1477), Kyoto bị thiệt hại nghiêm trọng. Điều kỳ lạ là Kim Các Tự không bị hư hại nhưng 556 năm sau, năm 1950 chùa đã bị một tiểu tăng tên Hayashi Yoken đốt cháy toàn bộ cùng với 6 di sản quan trọng trong chùa. Nhà sư bị tuyên án bảy năm tù, rồi chết trong ngục. Năm năm sau, chùa được xây dựng lại.
Ngày nay, toàn bộ ngôi chùa vàng Nhựt Bổn Kinkakuji đều được bọc bằng những lá vàng nguyên chất, là một biểu tượng có giá trị về mặt tinh thần, một Shariden (Đền Xá lợi), di tích của Phật giáo.
Đọc lịch sử Kim Các Tự đầy sức lôi cuốn nhà quê tôi không ngờ lại có ngày đứng trước ngôi chùa vàng Kinkakuji danh tiếng này. Kim Các Tự nay đã trở thành biểu tượng vô song của Cái Đẹp hiện hữu.
Nhân tiện xin nói thêm, năm năm sau biến cố phóng hỏa đốt ngôi chùa vàng của nhà sư trẻ, cuốn tiểu thuyết Kim Các Tự của nhà văn Yukio Mishima ra đời. Lấy bối cảnh Thế chiến II ở Nhật Bản, Yukio Mishima đã vẽ nên một bức tranh về Cái Đẹp tươi sáng, hướng thiện đối nghịch hoàn toàn với tiểu tăng Mizoguchi, sinh ra là một kẻ thiệt thòi về thể xác, thân thể yếu ớt lại nói lắp. Chính vì mặc cảm khuyết tật của kẻ yếu thế trước Cái Đẹp, Mizoguchi khao khát ngày một lớn dần muốn huỷ hoại vẻ đẹp của ngôi chùa.
Là một trong những nhà văn quan trọng hàng đầu của Nhựt
Bổn thế kỷ XX, Yukio Mishima được biết đến qua các tác phẩm giàu mỹ cảm, tinh tế và nỗi ẩn ức về cái đẹp trong văn chương ông thường được gắn liền với sự hủy diệt.
Yukio Mishima (1925 - 1970) sinh tại Tokyo, tốt nghiệp Đại học Luật Khoa Tokyo năm 1947, sau đó làm việc cho Bộ Tài chính. Sau 9 tháng, ông từ chức và bắt đầu viết văn.
Ngày 25.11.1970, khi thua trận trong thế chiến thứ II, Nhựt Bổn đã phải thay đổi Hiến pháp dưới sức ép của nước thắng trận. Yukio Mishma đại diện cho những người bất mãn trước tình trạng của đất nước, theo truyền thống Harakiri, ông mổ bụng tự sát tại doanh trại Ichigaya, Tokyo của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết cuối cùng trong bộ sách 4 tập Sea of Fertility.
Các tác phẩm của Yukio Mishima đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được yêu thích toàn thế giới.Các tác phẩm tiêu biểu: Khát Vọng Yêu Đương (năm 1950), Chiều Hôm Lỡ Chuyến (1954), Tiếng Sóng (1954, giải thưởng Văn học Shinchosha), Kim Các Tự (1956, giải thưởng Văn học Yomiuri), Sau Bữa Tiệc (1960)...


PHAN NI TẤN

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

NHÀ QUÊ ĐI XỨ PHÙ TANG. - PHAN NI TẤN

 







NHÀ QUÊ ĐI XỨ PHÙ TANG

Ngót 45 năm trời sống ở xứ Lá Phong văn minh hiện đại tưởng mình ngon, lúc đi Nhựt mới thấy mình quê xệ, cứ y như anh chàng nhà quê lên tỉnh.
Chuyến đi thăm viếng xứ sở hoa anh đào này do Jimmy TV và ca sĩ Mai Thiên Vân tổ chức ngày 27 tháng Ba vừa qua gồm 43 người Việt từ khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và tỉnh bang Canada tham dự. Đây là lần đầu tiên cặp vợ chồng quê chúng tôi từ Toronto, Canada bay một đường bay dài nửa trái đất tới Tokyo, Nhựt Bổn, lúc đáp xuống phi trường Narita cả hai mái đầu bạc đều ná thở.
Phi trường quốc tế Narita nằm ở phía Đông thủ đô Tokyo, là một trong những phi trường tấp nập nhất tại Nhựt Bổn. Chen chúc giữa mênh mông biển người đến và đi trong phi trường với các thủ tục nhập cảnh hết sức rườm rà, mất cả nửa buổi trời chúng tôi mới thoát ra tới cửa tiếp đón hành khách. Người đón chúng tôi là một anh thanh niên tên Khanh, tánh tình cởi mở, hoạt bát, rất dễ mến. Định cư tại Nhựt trên tám năm, Khanh rành đường đi nước bước, đã dẫn vợ chồng quê chúng tôi vừa ngơ ngác vừa lính quýnh đáp hai chuyến xe lửa chạy một chặng đường dài 60km tới thủ đô Đông Kinh đông nghẹt người ơi là người.
Trên đường đi tôi nhận thấy xe cộ và hình ảnh người người già trẻ lớn bé thảy đều gọn gàng, tươm tất nhanh nhẹn ngược xuôi khiến cho Tokyo trở nên thật sống động. Nước Nhựt văn minh và thanh lịch nên nhà cửa, đường phố thật sạch sẽ, nhất là xe cộ cũng không được phép… ở dơ. Nhựt Bổn là một quốc gia quân chủ, nổi tiếng có Phú Sĩ Sơn tuyết phủ trắng núi, có đền đài, thành quách, chùa chiền tồn tại từ hàng trăm năm, có các thế võ cực kỳ lợi hại Judo, Karaté, Jujutsu, Aikido, Kendo, Kyudo, Kondo, Sumo, có lịch sử kiếm thuật (Kenjutsu) của chiến binh Samurai, có Ninja sở hữu những tuyệt kỹ võ thuật, có Kimono, trà đạo, sushi, có các nàng ca kỹ Geisha xinh đẹp và quyến rũ hiến đời mình trong thế giới nghệ thuật truyền thống đất Phù Tang v.v…
Nhựt Bổn, sau bao biến cố lịch sử vẫn tồn tại nhiều nét đẹp cổ sơ, chen vào đó là nét hiện đại của những công trình cao ốc với lối kiến trúc tân kỳ, và cho dù trước hay sau, quá khứ hay hiện tại, Nhựt Bổn vẫn mang một bản sắc đẹp tuyệt vời trong mắt người dân xứ Phù Tang.
Tò mò và thích thú nhìn những hình ảnh nam thanh nữ tú và biểu tượng của mảnh đất phồn hoa đô hội này tự nhiên anh nhà quê về chiều là tôi vốn ít học lại cắc cớ nhớ tới cuộc chiến tranh Nga Nhựt xảy ra từ năm 1904 đến 1905 với tham vọng giành quyền kiểm soát Mãn Châu và Triều Tiên. Mặc dù sau cuộc chiến, Nga Xô thất trận nhưng lính Nhựt bị quân Nga bắt làm tù binh cũng mang một số phận vô cùng thê thảm.
Tiếp theo là Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất bùng nổ tại Châu Âu (1914-1918) quân Nhựt Bổn trỗi dậy ở Viễn Đông uy hiếp Trung Hoa lại tạo ra cuộc Chiến tranh Trung-Nhật dẫn đến Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Nhà quê tôi còn nhớ năm 1941, phát xít Nhựt ra lệnh cho các phi công cảm tử Thần Phong Kamikaze tấn công hạm đội Mỹ tại Trân Châu Cảng, chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, Nhựt lại tiếp tục tiến hành đánh chiếm khu vực Đông Nam Á: Mã Lai, Thái Lan, Singapore, Miến Điện, Đại Hàn, Triều Tiên, Việt Nam, Trung Hoa. Đến năm 1942, Nhựt đã xâm chiếm, bành trướng tối đa ở Đông Á, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, phát xít Nhựt trở nên vô cùng tàn ác.
Khi chiến tranh kết thúc, phe trục Đức (Hitler), Ý (Mussolini), Nhật (Nhựt hoàng Hirohito) bại trận, quân đội Nhựt tự rút lui khỏi những nơi chiếm đóng và tự giải giới.
Ngày nay, đặt chân lên nền văn minh đô thị đã san bằng những tàn tích chiến tranh của hai thành phố bị đánh bom Hiroshima và Nagasaky, tôi thấy người Nhựt Bổn thanh lịch hơn, hòa nhã hơn, nhất là giới trẻ ngày càng trở nên hài lòng và yêu đời với cuộc sống hiện tại. Lịch thiệp, khả ái và lễ phép là dấu hiệu chứng tỏ giới trẻ Nhưt Bổn đang dần tiếp cận với xã hội, trở nên gắn bó hơn với đấng sinh thành, nhất là chủ nghĩa cá nhân được đề cao trong xứ mặt trời mọc.
Bước những bước thật nhanh trên mặt đường ướt sũng nước mưa, chúng tôi tới nhà hàng ăn tối và hợp đoàn cùng các anh chị đến từ tứ phương và gặp lại đôi bạn trẻ đầy nhiệt tâm Jimmy Nhựt Hà và Mai Thiên Vân.


PHAN NI TẤN


Thứ Năm, 27 tháng 4, 2023

QUA CẦU TRÀ NIỀN - THƠ NGUYỄN AN BÌNH

 




QUA CẦU TRÀ NIỀN


Bông bần rụng trắng sông quê

Miệt vườn cây trái sum suê bốn mùa

Trà Niền nắng sớm chiều mưa

Qua cầu chợt nhớ người xưa nơi nầy.

Về thăm cử Trị chiều nay

Bài thơ đánh giặc chống Tây vẫn còn

Rạng ngời một tấm lòng son

Ngàn năm lưu dấu đâu mòn sử xanh.

Mộ phần yên nghỉ ngàn năm

Phong trào “tị địa” lánh thân chốn nầy

Mở trường bốc thuốc thẳng ngay

Rồng vàng rạng đất Đồng Nai khắp miền.

Ai về Nhơn Lộc Trà Niền

Bên dòng Cái Tắc Phong Điền mà thương

Tinh cầu mấy độ phong sương

Nhang thơm thắp tạ quê hương nghĩa tình.

Đền thờ hương khói hiển linh

Người đời sau có thấu tình nước non

Khi về lòng mãi vấn vương

Trăm năm dâu bể biết còn tuổi tên?


21/4/2023

NGUYỄN AN BÌNH


DI CHÚC CHO CON, YÊU NHAU KIẾP NÀY - NHẠC KHÊ KINH KHA






DI CHÚC CHO CON
NHẠC KHÊ KINH KHA
TRÌNH BÀY THANH THUÝ
HOÀ ÂM HOÀNG THI THƠ




YÊU NHAU KIẾP NÀY
NHẠC KHÊ KINH KHA
TRÌNH BÀY HOÀNG N MINH


Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023

KINH KHỔ - TRẦN HUỮ NGƯ







KINH KHỔ


Đó là bài hát của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Tôi là người ngoại đạo, không đi Chùa, Nhà thờ… vì tôi nghĩ Phật tại tâm, và Chúa thì ở khắp mọi nơi. Nhà thờ, Chùa có rất nhiều kinh. Nhưng “Kinh khổ” thì chỉ có Trầm Tử Thiêng mới có, và có thể nói rằng Trầm Tử Thiêng là “giáo chủ” của Kinh khổ. Và cuộc đời này, toàn nhân loại này, luôn nghe triên miên một Đại-hòa-tấu “Kinh khổ”.
Việt Nam đã một thời triền miên chiến tranh, súng đạn ngất trời, xác chết ngất đất, nó kéo dài và gây đau thương tưởng không bao giờ dứt. Bây giờ nghe “Kinh khổ” để nhớ những người mẹ không tên hy sinh thầm lặng của những tháng năm chiến tranh xa xưa…
Nhạc sĩ TRẦM TỬ THIÊNG tên là Nguyễn Văn Lợi, sinh năm 1937 tại Đại Lộc, Quảng Nam. Từ nhỏ ông đã đam mê ca hát trong thời kháng chiến. Đến năm 1958 ông tốt nghiệp Sư phạm cấp tốc Saigon, trở thành ông thầy giáo, và có bốn năm phục vụ trong quân đội. Một thời gian sau, ông được biệt phái sang làm việc bên Bộ Giáo dục cho đến năm 1975. Sau 1975, ông đi học tập cải tạo, rồi sau đó định cư ở nước ngoài và mất tại Hoa Kỳ đầu năm 2000. (Lý lịch trích ngang).
Trước 1975, Trầm Tử Thiêng nổi lên rất bình thường như bao nhạc sĩ ở miền Nam khác. Nhưng có một điều, nhạc ông đã làm người nghe chú ý ở điểm - nó không phải là nhạc phản chiến - mà là nhạc “hiện thực cuộc chiến” - chính ở điều này đã làm người nghe vô tình “đồng lõa” đối mặt cuộc chiến như một thực thể không thể chối từ?
Viết về Trầm Tử Thiêng, tôi đâm ra… dè dặt, mặc dù chiến tranh đã qua ngấp nghé nửa thế kỷ rồi, và ông đã ra người thiên cổ. Nhưng nhạc ông để lại như một vết hằn khó phai trong lòng người nghe trước 1975, và một số nhạc được ông sáng tác ở nước ngoài sau 75, nghe mà rớt nước mắt!
Có một điều mà tôi muốn nói nhỏ ở đây: Hầu như tất cả những ca sĩ nổi tiếng ở miền Nam khi định cư ở nước ngoài (hiện nay họ có mặt Việt Nam, đi đi… về về…) đều có hát hợp ca nhạc Trầm Tử Thiêng, đó là những ca khúc ông sáng tác ở nước ngoài: Bước chân Việt Nam, Một ngày Việt Nam, Bên em đang có ta, Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng, Việt Nam niềm nhớ, Tình đầu một thời áo trắng, Cám ơn anh, Hẹn nhau năm 2000, Những con đường trắng… (Phần lớn do ASIA dàn dựng khá công phu).
Trầm Tử Thiêng bỏ quê hương ra đi, nghĩa là ông không muốn sống với chế độ mới, vì vậy, khi ở nước ngoài, ông cũng nặng tình với quê hương, có đôi khi ông viết nhạc nghe rất “nhạy cảm” là điều dễ hiểu, và so với những người khác nhất là các tướng tá chế độ cũ ở nước ngoài họ phát biểu vung vít, làm “mất mặt KBC”, nhưng Trầm Tử Thiêng “chống” có văn hóa hơn. Cho nên khi nghe nhạc ông sáng tác ở nước ngoài thì chúng ta cũng dễ thông cảm cho ông, và riêng tôi, có những bài tôi nghe… thấy cảm động nhất là ông viết nhạc phẩm nói về những đứa trẻ “lưu đày” trong nhạc phẩm “Bên em đang có ta”, và khi nghe “Hẹn nhau năm 2.000”, mới thấy ông tin tưởng một ngày nào đó chung sống hòa bình và tất nhiên không thể thiếu quê hương Việt Nam.
Tôi đến với nhạc Trầm Tử Thiêng lần đầu như một sự tình cờ khi nghe một bài hát mà cho đến bây giờ thỉnh thoảng tôi nghe lại (bài này do Chế Linh ca) tôi vẫn không “tẩy não” được cái thời tôi sống dưới chế độ cũ, một “thực thể” hơn gần nửa đời người trong tôi! Đó là bài hát “Đưa em vào Hạ”:
“… Mùa Hè năm nay
Anh sẽ đưa em rời phố chợ đông người
Qua miền xa, mà nghe rừng thiêng gọi lá
Tiếng nỉ, tiếng non, khi chiến trường nằm im thở khói
Đứa bé nhìn cha, đang chờ giặc dưới giao thông hào…
Quê hương đau, nắng Hạ cũng buồn
Nước sông ngăn đôi sơn hà, còn gì em, còn gì đâu
Mùa Hạ qua mau đi nữa đi anh
Trên con đường quê hương mịt mù
Thương những chiều nắng dọi bờ sông…”
Cuộc ngăn chia hai miền Nam Bắc, bên này kêu bên kia là giặc, bên kia kêu bên này cũng là giặc. Vậy ai là giặc? Và đến 20 năm sau “giặc” đã xóa mất chỉ còn anh em, “giờ đây người biết thương người” mà cố nhạc sĩ Văn Cao đã viết trong “Mùa Xuân đầu tiên”.
Đặc biệt, nhạc Trầm Tử Thiêng không có Boléro, Tango, Valse, mà ông chỉ dùng Slow, Slow Rock, Boston… Thời của ông và bạn bè nhạc sĩ của ông là thời Boléro, nhưng ông không viết Boléro, đó là điều hết sức đặc biệt.
Viết về nhạc Trầm Tử Thiêng, theo cá nhân tôi, tôi lưu ý ở điểm này, đó là ba nhạc phẩm rất nổi tiếng của ông: Hương ca vô tận, Đưa em vào Hạ, Kinh khổ, nhưng ít có ai hát. Tại sao? Theo thiển kiến của tôi, vì khó có ai hát ba nhạc phẩm này hay hơn Thái Thanh (Hương ca vô tận), Kinh khổ (Khánh Ly) và Đưa em vào Hạ (Chế Linh), vì vậy, không dám hát (sợ dở hơn), nên không được phổ biến như các nhạc phẩm khác chăng? Nói lên điều này, dù đúng hay sai, tôi cũng xin cảm phục ca sĩ Ngọc Hạ, dám “đối đầu” với Thái Thanh trong ca khúc “Dòng ông xanh” của Johann Strauss do Phạm Duy dịch lời Việt, nghe xong, người nghe kỳ vọng Ngọc Hạ có thể nối gót… Thái Thanh?
Khởi nghiệp, Trầm Tử Thiêng viết “Hương ca vô tận”. Hương là ai? Người tình, người em, người bạn gái… hay ai khác nữa? Điều này khó mà biết được, và cũng chẳng ai đi tìm hiểu, chỉ biết rằng “Hương ca vô tận”, được danh ca Thái Thanh trình bày, làm người nghe bay bổng theo làn hơi vút cao, có đôi khi day dứt trong một thoáng vụt qua, để rồi… im lặng tận hưởng cái vô tận của Hương ca:
“Hát nữa đi Hương
Hát điệu nhạc buồn điệu nhạc quê hương
Hát nữa đi Hương hát lại bài ca tiễn anh lên đường…
Hát chuyển vai em tóc xõa bồng mềm dịu ngọt môi em
Hát mãi nghe Hương cho hồng làn da kẻo đời chóng già
Ngày xưa em vẫn nằm trong nôi
Mẹ ru em câu hát dài buông lơi
Hát để yêu cha ấm lại tình mẹ
Hát nữa đi Hương
Câu nhạc thành nguồn gợi chuyện đau thương
Hát kể quê hương
Núi rừng đầy hoa bỗng thành chiến trường…”




Nhạc Trầm Tử Thiêng, ông đau đáu niềm đau của chiến tranh, thiết tha mật ngọt của tình yêu, có đôi khi nhạc của ông là những hóa giải cho chính mình và cho mọi người, canh cánh một tin vui giữa giờ tuyệt vọng (Ông có nhạc phẩm “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng”). Và trong tất cả các tác phẩm của ông, chỉ riêng “Đêm nhớ về Saigon” là ông viết riêng cho ông trong nỗi nhớ tột cùng khi phải xa Saigon:
“… Đêm nhớ về Saigon
Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa
Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa
Ai sầu trong quán úa
Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song
Mắt người tình một trời mênh mông
Gọi bao nhiêu cho cùng…”
Sau cùng, tôi xin cám ơn nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, trong “Kinh khổ”, ông đã cho chúng ta một người mẹ thầm lặng, đích thực, không chân dung, không huy chương, không tô lục chuốt hồng:
“… Mẹ ngồi nguyện cầu hằng bao đêm
Lời kinh vọng ra thật êm đềm
Mẹ cầu cho con vượt qua ngày tròn
Mẹ cầu cho con
Tuổi trời xanh còn nguyên đừng biến mất
Người về một ngày một ngày một lưa thưa
Người đi càng đêm càng đông dần
Từng dài âu lo
Từng đêm đợi chờ
Mộng thật cam go
Miễn là mai niềm đau thành nụ cười…
Lời nguyện cầu này dành cho nhau
Từ khi loạn ly vào đêm đầu
Tình người tiêu hao
Niềm tin bội bạc…
Mộng chờ sau đêm
Ngày mai thật lạ
Thù hằn anh em
Bỗng nhìn nhau gọi nhau thật đậm đà
Xin cho me
Một giờ im kinh động
Người sẽ về
Dù rách rưới tả tơi…
Còn lại hôm nay
Những lời kinh tình yêu đầy nhiệm mầu…”
Tôi xin tụng “Kinh khổ” này gởi đến anh thay hoa và nhang, và biết ơn anh khi nhớ về những ngày chiến tranh gian khổ.


TRANHUUNGU

Nguồn : từ Facebook của tác giả, nhạc từ YouTube.



Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

THƠ TÔI NGUYÊN QUÁN VIỆT NAM - THƠ PHAN NI TẤN

 



THƠ TÔI NGUYÊN QUÁN VIỆT NAM

Thơ tôi mất nước tan nhà
Tự do đời đổi trắng ra thành tù
Mẹ già ngồi cuối tháng tư
Ngó ra lộ máu thấy hư không về
Thấy thơ "cải tạo" ê chề
Hồn con tản mạn trong đề lao sâu
Tìm hoài trong lớp đất nâu
Mòn con mắt chẳng biết đâu quê nhà
Cuối năm tù tội được tha
Gánh thơ ra ngục xót xa vô ngần
Thơ tôi từ đó bâng khuâng
Ngân nga giọng kể xa gần núi sông
Thơ tôi chảy biếc một dòng
Về con phố cũ chạnh lòng nhớ thương
Người thương sớm biệt phố phường
Theo người áo mới tha hương lâu rồi
Tình tang cái điệu bồi hồi
Nỉ non cái giọng ơi hời buồn thiu
Tiếng sầu lợp mái cô liêu
Tiếng tôi thổn thức tiêu điều tiếng thơ
Ghé vai gánh cái bơ phờ
Vụng tay đánh rớt mấy tờ vô ưu
Tôi sôi giọt máu oán cừu
Theo dòng lận đận luân lưu tháng ngày
Phong trần từ độ trắng tay
Cái thân chìm xuống cái gầy nổi lên
Thơ tôi chạm đáy ưu phiền
Từ khi trôi nổi tới miền phù sinh
Thâm trầm như những câu kinh
Theo thơ tôi cũng lênh đênh chợ đời
Thương bàn không ghế im hơi
Ôm thơ sống chết tôi ngồi co ro
Phận thơ một buổi qua đò
Theo người vượt biển quanh co mấy dòng
Dòng khơi thành nhánh trăm con
Chia nhau xuống biển lên non nghìn trùng
Ra khơi một chiếc bão bùng
Nhấp nhô bào ảnh giữa trùng vây kia
Đưa nhau đến chốn chia lìa
Hồn tôi ngợp nước giữa khuya sóng dồi
Tỉnh ra thơ ở xứ người
Ăn cơm gạo lức bùi ngùi nhớ quê
Nhiều năm đi biệt không về
Đoạn trường tôi đó ủ ê máu đào
Thương quê lòng những dạt dào
Mực trong cây bút lại trào máu ra
Tay người thả những phong ba
Tay tôi nhỏ bé sao qua dãi dầu
Trốn đâu cho khỏi cơn sầu
Cảnh đời còn lại gì đâu mà ngờ
Biệt ly là nghĩa nên thơ
Trăm con như mộng mịt mờ chia phôi
Chia tôi đất lạ tôi ngồi
Nguồn thơ trong ngực lúc vơi lúc đầy
Bao năm lưu lạc chốn này
Thơ tôi như bạn lúc mầy lúc tao
Ngồi đây đi bạn xanh xao
Sầu quê mấy thuở mà sao thẫn thờ
Ru thơ khẽ hát lời thơ
Nghe trong nghĩa chữ đôi bờ nỉ non
Nghe từ phố núi chon von
Câu ru mẹ hát mỏi mòn sớm trưa
Mắt nào thăm thẳm trong xưa
Ngó ra u uất nắng mưa chẳng màng
Thương ai biền biệt non ngàn
Thơ tôi hát núi âm tràn về xưa
Thơ tôi lả ngọn cây dừa
Lả xuống dòng biếc ban trưa lặng lờ
Hồn thơ có lúc nên thơ
Là nghe lả xuống đôi tờ nhạn bay
Đường chim đôi ngã chia bầy
Vàng thu rụng cái hao gầy trước sân
Chiều nay tôi đó bâng khuâng
Dịu dàng thơ cũng phân vân cúi đầu
Tay ai đành đoạn chia sầu
Thơ tôi chập choạng cái câu hát buồn
Thôi còn gì nữa cố hương
Còn trong hồn sót mấy chương ưu phiền
Còn tôi viễn xứ đời chiều
Thơ tôi trôi giạt tới miền xa xăm
Thơ tôi nguyên quán Việt Nam.

PHAN NI TẤN


Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

THÁNG BA -NỖI NHỚ QUÊ HƯƠNG - THƠ THY LỆ TRANG

 



THÁNG BA -NỖI NHỚ QUÊ HƯƠNG 
-(Kỷ niệm hai mươi năm lìa xa VN)


Hai mươi năm lìa xa quê hương
Bao nhiêu thương nhớ bấy nhiêu buồn
Nhiều đêm giấc ngủ chìm trong mộng
Tỉnh mộng ngậm ngùi tóc điểm sương
Bên ấy bây giờ mưa hay nắng
Giòng sông thơ ấu nước dâng đầy?
Từng cánh lục bình hoa sắc tím
Có lững lờ trôi theo gió lay ?
Xóm nhỏ có còn như thủa xưa ?
Trưa hè êm ả tiếng à ơi
Có dăm ba chú bò nhơi cỏ
Dáng điệu thật hiền ,thật thảnh thơi?
Còn lũy tre xanh che bóng mát
Cành lá nghiêng nghiêng rủ mặt hồ ?
Như áo lụa em ngày đi học
In lá tre mềm trông rất thơ
Tháng chín tựu trường có xôn xao ?
Tiếng guốc khua vang như đón chào
Nón lá ai ngang che thầm dấu ?
Đôi cánh môi mềm ai ước ao?
Hai mươi năm có còn nhớ nhau ?
Đời chẳng chung đôi đến bạc đầu
Ngước mặt nhìn mây ...về cố xứ ...
Có biết hồn em vẫn nhói đau ?


THY LỆ TRANG
MASSACHUSETTS