CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

BẮC NINH THI THOẠI (KỲ 2 ) - NGUYỄN KHÔI

 




BẮC NINH THI THOẠI (KỲ 2) 

Bắc Ninh thi thoại của Nguyễn Khôi (Đình Bảng) đã tái bản nhiều lần ở Việt Nam, độc giả trong và nước đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Xin trích một số chương giới thiệu cùng bạn đọc.
 






Bài Thứ 4: HÀN THUYÊN – HUYỀN QUANG
 
Tiến sỹ Nguyễn Thuyên người thôn Lai Hạ huyện Gia Lương (Lương Tài) tỉnh Bắc Ninh, năm 1282 đời vua Trần Nhân Tông đã làm bài văn tế cá sấu bằng chữ Nôm rồi ném xuống khúc sông Lô, tương truyền đã đuổi đuọc cá sấu đi. Tiếng tăm Nguyễn Thuyên càng thêm lùng lẫy. Vua thì cho việc này giống như việc của Hàn Dũ bên Tàu nên đã cho Nguyễn Thuyên đổi thành Hàn Thuyên.
 
Tác phẩm của Hàn Thuyền có Phi Sa tập, gồm cả thơ Nôm lẫn Hán. Đây là tập thơ đầu tiên của Nước ta viết bằng Quốc âm. Có giả thuyết đáng tin cậy cho rằng ông là người khởi xướng việc vận dụng các thể thơ dân tộc kết hợp với Đường luật để tạo thành thể thơ mới của nước ta. Niêm luật của thể thơ này hoàn chỉnh dần và để ghi công đầu, tương truyền nguòi ta gọi đó là Hàn luật.
 
Tuy còn tồn nghi, cũng ghi lại đây bài Văn Tế Cá Sấu Nôm của Hàn Thuyên còn luu truyền đến ngày nay:
 
VĂN TẾ CÁ SẤU
 
Ngạc ngư kia hơi! Mày có hay !
Biển đông rộng rãi là nơi mầy
Phú Lương đây thuộc về Thánh vực
Lạc lối đâu mà lại đến đây ?
Há chẳng nhớ rằng nước Việt xưa
Dân quen chài lưới chẳng tay vừa
Đời Hùng vẽ mình vua từng dậy
Xuống nước giao long cũng phải chừa
 
Thánh thần nối dõi bản Triều nay
Dấy từ Hải ấp ngôi trời thay
Võ công lừng lẫy bốn phương tĩnh
Biển lặng sông trong mới có rày
Hùm thiêng ra dấu dân cày cấy
Nhân vật đều yên đâu ở đấy
Ta vâng Đế mạng bảo cho mầy
Hãy về biển Đông mà vùng vẫy.
 
Đồng huyện cùng Hàn Thuyên, thời nhà Trần còn có nhà thơ Huyền Quang quê Kinh Bắc. Trong lịch sử văn học nước nhà có lẽ vụ án văn học  “vụ án tình ái” đầu tiên dính vào Trạng nguyên tu sĩ do duyên thơ mang đến, đó là vụ án Huyền Quang – Điểm Bích. Số là, vào đời vua Trần Nhân Tông đạo Phật nước ta tiêu biểu là phái Trúc Lâm. Phái này có 3 vị tổ là Điều Ngự (Trần Nhân Tông), Pháp Loa (Đồng Kiên Cường) và Huyền Quang (Lý Đạo Tái).
 
Lý Đạo Tái (1254-1334) là nguòi làng Van Ty ( Gia Lương Bắc Ninh), năm 20 tuổi đỗ Trạng nguyên. Đuọc cử vào Viện Nội Hàn, tùng tiếp sú Tàu, thơ văn nổi tiếng. Không bao lâu từ chức đi tu, được Trần Nhân Tông rất quý mến, giao cho sư Pháp Loa giúp đỡ, đến năm 1330 sau khi Pháp Loa mất, được nổi tiếng làm vị tổ thứ ba của phái Trúc Lâm. Ông đã để lại khá nhiều thơ hay:
 
NHÀ TRONG NÚI
 
Gió thu ban tối thổi hiên tây
Nhà núi đìu hiu tụa đám cây
Tấc dạ tu hành tù nhũng thủa
Dế kêu rầu rĩ hỏi ai đây?
 
ĐI THUYỀN
 
Cưỡi thuyền lướt gió sóng mênh mông
Non nước trời thu một sắc hồng
Tiếng sáo thuyền câu ngoài bến sậy
Tiếng rơi đáy nước móc đầy thuyền.
 
Tương truyền năm Huyền Quang 60 tuổi, một hôm nhà vua Trần Anh Tông bảo thị thần và tăng đạo rằng:

“Người ta sống ở trong trời đất, nung khí âm, ôm khí dương, ăn thích vị ngon, mặc thích màu đẹp, đều có tình dục như thế… Tại sao Huyền Quang, từ trước tới nay, chỉ sắc sắc không không như nước chẳng gợn sóng, như gương chẳng mờ bụi. Đó là ngăn hãm lòng dục hay là không có lòng dục vậy?”
 
Có một vị quan văn đứng bên tâu vua rằng:

“Vẽ hổ chỉ vẽ được da, khó vẽ được xương. Biết người thì biết mặt mà không biết được lòng. Xin hãy cứ thử xem thì sẽ biết là thế nào?”.
 
Nhà vua nhìn xem ai thì đó là học sĩ, lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Vua Trần Anh Tông cho là nói phải, bèn im ắng, không động then mây, không lộ góc cạnh… và một mẻ lưới được “giăng bẫy để bắt chim”, người đi thực thi Mỹ Nhân Kế là nàng Điểm Bích, một cung nhân có cái vẻ nõn nà của Phi Yến, có cái thói khoe tài của Điêu Thuyền.
 
Nhờ có “cuộc tình” huyền thoại Huyền Quang – Điểm Bích mà có bài thơ, đượcc nàng Điểm Bích “khai” với Vua Trần Anh Tông là của Huyền Quang ngâm lời “kệ”:
 
Vằng vặc trăng mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc khua sênh
Người hòa tươi tốt, cảnh hòa lạ
Mâu Thích Ca nào thuở hữu tình
 
Nỗi “oan” của Huyền Quang thế nào đã đuọc ghi chép trong sách Tam Tổ thực lục, ở đây chỉ bàn về thơ Huyền Quang. Đây là bài : “giai nhân tức sự” rất nổi tiếng, được coi là bài thơ sớm nhất miêu tả đôi nét ngoại hình một người đẹp Việt nam, đó là bài thơ của Sư mà không có khẩu khí nhà chùa mà lại cũng rất Thiền. Với Huyền Quang, không có con người Thiền như lẽ sống, một sự tự hiện thực với tất cả say mê mà chỉ có con người Thiền như một sự băn khoăn tìm tòi, nhận thức để giải thoát bởi cái sầu nghìn thu của kiếp người. Thơ Huyền Quang thuộc loại thơ tình ý cao siêu, lời bay bướm phóng khoáng, phải chăng vì vậy mà bị “bẫy” và “vướng” vào “vụ án văn học” lấy thơ làm “chứng cứ” mà xét “tội” chăng?
 
Bài Thứ 5
 
Đến đời Lê, thơ của thi sỹ Kinh Bắc – Bắc Ninh đã mang nặng chất “học giả”. Những thi sỹ là Trạng nguyên, Tiến sỹ, Cử nhân, các vị quan lớn xuất hiện nhiều trên thi đàn. Trong Hội Tao Đàn của vua Lê Thánh tông với 28 vị (nhị thập bát tú) thì 2 trong 3 vị phó nguyên suý là người Kinh Bắc. Thơ cung đình, thù tạc kể cả Hán lẫn Nôm phát triển ở mức độ cao.
 
Vì đây là  “Thi Thoại” (nhàn đàm bàn chuyện làm thơ của dân Kinh Bắc – Bắc Ninh , chỉ bàn trong lúc trà dư tửu hậu) chứ không phải “thi tuyển” (tuyển chọn thơ) nên những câu thơ, bài thơ “dẫn” ở đây chỉ là để “bàn” chuyện làm thơ mà thôi. Tuy vậy thời Lê là thời đỉnh cao của làng thơ Kinh Bắc, nên cũng xin sơ bộ thống kê một số thi tập như sau:
 
  – Thái học sinh Vũ Mộng Nguyên (người Tiên Du) đỗ cùng Nguyễn Trãi, phò Lê Thái Tổ, làm đến Tế tửu, Quốc tử giám, đã để lại mấy chục bài thơ cách luật, phong cách trang trọng mực thước.
 
  – Trần Khản (quê Từ Sơn) làm tới Chính sự viên tham nghị có tập thơ Phục Hiên, có bài thơ sau :
 
 Công danh đạo đẳng mạc hồi đầu
 Phú quý phù vân để dụng cầu
 Bất đố bất tham tuỳ vận ngộ
 Tứ hưu chi ngoại cánh hưu hưu
 
 Tạm dịch:
 
Công danh chõ vỡ ngoảnh mặt đi
 Phú quý phù vân chuốc làm gì !
 Tuỳ phận chẳng tham, không ghen tỵ
 Biết thân tự chế… thiết chi chi
                                  (Lý Thanh dịch)
 
 – Thái Thuận (tiến sỹ 1475) đã đạt tình thì kín mà ý thì sang:
 
BẾN HOÀNG GIANG TỨC CẢNH
Nhà cỏ tuôn làn khói
Thuyền nán ghé mái bồng
Trẻ con ba tốn tốp
Bắt cáy dọc bên sông
 
Thái Thuận còn có bài:
 
 SÔNG MUỘN GIANG
 Bãi phẳng triều lên ngập
 Nhà nông sớm vội cầy
 Vắt trâu nghe mấy tiếng
 Cò trắng giật mình bay
 
 – Nguyễn Thiên Tích (Nội Duệ – Từ Sơn Bắc Ninh) đậu tiến sỹ năm 1431 đời vua Lê Thái Tổ, người cương trực, làm đến Binh Bộ Thượng thư, kiêm Tế tửu Quốc tử giám.
 
Ông có Tiên sơn tập 4 quyển. Thơ ông theo đúng âm luật Đường, bài thơ ông viết trong khi đi sứ bên Tàu, nhưng hồn thì ở quê:
 
 LÀM TRONG THUYỀN
 Đêm lặng trăng như vẽ
 Trời rét tuyết thành ho
 Thuyền côi nghìn dặm khách
 Chiêm bao: đang ở nhà .
 
 – Tiến sỹ Đàm Văn Lễ 18 tuổi (sinh 1432) người làng Lãm Sơn (Quế Võ) làm quan tới Thượng Thư trải qua các đời vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông. Ông nổi tiếng trung trực, sau lại bị vua Uy Mục căm giận đầy vào Quảng Nam và bị giết chết ở Nghệ An.
 
Thơ thiên nhiên của ông lấy cảm xúc chân thành làm nền cho thi hứng:
 
 ĐÊM BA MƯƠI TẾT, NGẪU CẢM NÊN THƠ
 Năm mới hầu sang cũ chán rồi
 Thói đời lật lọng, nghĩ thương ôi !
 Chuyện thường năm tháng còn yêu ghét
 Phụ bạc nhân tình chớ trách ai
 
 – Tiến sỹ Nguyễn Xung Y (Nguyễn Nhân Phùng) người làng Kim Đôi (Quế Võ), thành viên của Tao đàn nhị thập bát tú do Lê Thánh Tông chủ xướng. Ông đã sáng tác “Tiêu Tương bát cảnh” bằng quốc ngữ đượm hồn thơ Việt:
 
MƯA ĐÊM TRÊN SÔNG TIÊU TƯƠNG
 Ngàn Tương thuở rụng hạt mưa
 Lã chã thâu đêm gió đưa
 Rọt tiếng vàng, cao lại thấp
 Rung cành ngọc, nhặt thì thưa
 Đành anh tai khách nằm chăng nhắp
 Lai láng lòng thơ hứng có thừa
 Sớm dậy xem rồng mọc chấu (sừng)
 Nghìn hàng đổng (nhiều) lạ hơn xưa.
 
 – Hoàng Đức Lương, Tiến sĩ khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478) quê ở làng Cửu Cao (Văn Giang) sau tới ở thôn Ngọ Kiều (Gia Lâm) rất nổi tiếng với Bộ “Trích Diễm Thi tập” tuyển thơ từ thời Trần đến đầu đời Lê với 15 quyển. Những lời bàn luận về thơ của Hoàng Đức Lương đã góp phần qúy báu vào gia tài lý luận văn học cổ nước ta vốn không phong phú lắm. Ông viết “Cổ nhân đối với thơ, có người ví với chả cá, có người ví với gấm thêu. Chả cá là vị ngon nhất đời, gấm thêu là sắc đẹp nhất đời, ai biết ăn, biết ngắm đều biết qúy trọng, không coi thường bó phí….”.
 
 Thơ Hoàng Đức Lương giản dị, kiệm lời, kiệm chữ nhưng lại mang nặng những suy tưởng, triết lý sâu xa về cuộc đời, về vũ trụ bao la, về cuộc hành trình bất tận của con người trên nẻo đường nhân gian mà không ai biết được đâu là điểm khởi đầu, đâu là chỗ cư trú cuối cùng của kiếp người?
 
ĐẠO THƯỢNG
 Lộ viễn vô tận đầu,
 Cổ kim trường quí khứ
 Kim nhân vị khẳng hưu,
 Cổ nhân tại hà xứ?
 
 Tạm dịch:
 
 Đường xa dường bất tận
 Lữ khách mải trước sau
 Người nay nào đã nghỉ
 Người xưa ở nơi đâu?
 (Trên Đường – Lý Thanh dịch)
 
 THÔN CƯ
 Tàm ám tàng chính miên,
 Thiềm đê yến sơ nhũ
 Lực quyện hạ sừ qui
 Trú vĩnh cưu thanh ngũ (ngọ)
 
 Tạm dịch:
 
 Tằm đang cuộn ngủ trong dâu,
 Ém vừa sinh nở ló đầu dưới hiên
 Bừa về vác mỏi vai êm,
 Nghe tu hú họi ngang thềm bóng trưa
 (Ở Làng – Lý Thanh dịch)
 
Với Hoàng Đức Lương: Văn chương lá có nhan sắc, chả thế mà thi tập của ông có chọn lựa (trích) ra từ những bài thơ diễm lệ của một thời.
 
 Tiến sĩ Thân Nhân Trung (1418-1499) quê làng Nếnh (Việt Yên), là phó đô nguyên súy Hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông. Thơ ông được vua khen là “thợ khéo tay vô địch” được ban một bộ áo long bào tuyệt đẹp “cánh cầu vô địch thủ, tài tác cổn long y” .
 
 VÂNG HỌA THƠ VUA: ĐẠO LÀM VUA
 Nghiền ngẫm uyên thâm kế thánh thần
 Rộng truyền pháp chế – phép trời ban
 Chăm dân – tam đại noi gương trị
 Luyện võ, bốn mùa mở cuộc săn
 Chín khúc sửa – xây điều chính sự
 Tám quyền cử – truất khéo công tâm
 Ngôi hoàng sừng sững ngời muôn thuở
 Thế nước thạch bàn vững ngàn năm.
 
Cùng thời có cặp vợ chồng tài sắc nữ sĩ Kim Hoa – Phù học sĩ, thơ rất trữ tình:
 
 Ý XƯA
 Sen lá như dù biếc
 Sen hoa tựa má đào
 Nhớ ai chưa gặp mặt
 Thơ thẩn mãi bên ao
 (Hàn lâm học sĩ Phù Thúc Hoành)
 
 MÙA HẠ
 Gió cây lựu tơi bời
 Trên đu tha thướt dáng người giai nhân
 Oanh vàng ủ rũ thương xuân
 Một đôi tiếc cảnh tần ngần trên cây
 Dừng kim rủ thấp đôi mày
 Nương song hồn mộng xa bay cuối trời
 Cuốn rèm ai cứ gọi hoài
 Để hồn em chẳng được bay tới chàng
                                     (Ngô Chi Lan)
 

Bài Thứ 6.
 
Trên thi đàn Bắc Ninh vào đầu thế kỷ 18 xuất hiện hai ngọn núi cao sừng sững trên bầu trời thơ đất Việt, đó là Hồng Hà Nữ sỹ Đoàn Thị Điểm (1705-1748), bà quê ở Giai Phạm huyện Văn Giang Kinh Bắc và Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (1741-1798), ông quê ở Làng Liễu Ngạn huyện Thuận Thành Kinh Bắc.
 
Từ kiệt tác của Đặng Trần Côn, Hồng Hà nữ sỹ đã dịch “Chinh phụ ngâm” vô cũng diễm lệ, chứa chan tình cảm, uyển chuyển và đầy nhạc điệu, chỉ cần đọc 2 trong số 408 câu cảu khúc ngâm đã nói lên nỗi lòng người chinh phụ:
 
Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai
Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây.
 
Theo giai thoại một hôm Hồng Hà nữ sỹ gặp Nguyễn Công Hãng ở giữa đường, Nguyễn có yêu cầu bà làm 2 câu tả cảnh “độc hành ” (đi một mình ), bà liền ứng khẩu đọc luôn:
 
Đàm đạo cổ kim tâm phúc hữu
Truy tuỳ tả hũu cổ quăng thần
 
(Đàm đạo chuyện xưa nay thì có bạn gan ruột.
Theo đuổi mình bên trái bên phải, có bày tôi chân tay).
 
Năm 1734 đời vua Lê Thuần Tông, vua Tàu có sai sứ sang tuyên phong, bà dùng văn chương mà áp đảo được đại diện “thiên triều”. Từ đấy bà lừng danh khắp cả nước (theo Lãng Nhân).
 
Đến “Cung Oán Ngâm Khúc”, Ôn Như Hầu đã đưa ngôn ngữ văn học thành thành văn lên đến đỉnh cao. Từ ngữ trong Cung oán ngâm khúc đã tinh xác, nhuần nhị và óng chuốt khác thường. Đây là áng văn chương bác học, sử dụng một thể thơ thuần tuý dân tộc Song Thất Lục Bát.
 
Nhạc điệu Cung Oán hết súc réo rắt bởi sự hoà thành của hai vần Trắc ở câu 7 (nghe gay gắt) và sự hoà hoãn của 2 câu 6-8 (nghe dịu êm hơn) dễ ngâm nga. Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều là một toà cung điện vàng son lộng lẫy được tạo bởi tay thợ trời tài danh xứ Kinh Bắc. Cũng chỉ cần lấy 2 câu mà tác giả đã vẽ lên sự kỳ vỹ bất tận của tạo hoá trước con người vĩ đại và đầy tính bi hài:
 
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương
 
Một vương tôn công tử, một vị hầu tước trẻ tuổi tài hoa văn võ kiêm toàn. Thiếu gì huỏng cao lương mỹ vị, ở bên ngoài đẹp quận chúa tiểu thư trong điện ngọc, nhà vàng mà lại thốt lên:
 
Thà rằng cục mịch nhà quê
Giàu lòng nũng nịu nguyệt kia hoa này
 
Thì thật là thú vị, có một giá trị giáo dục sâu sắc với những kẻ giàu sang hãnh tiến bợm đời. Thơ của vị đại quý tộc Bắc Ninh này, đến như câu: “Gót danh lợi bùn pha sắc xám” thì cũng đượm chất thép của một lưỡi gươm triết lý quật vào mặt những ai háo danh cầu lợi để rồi :
 
Giấc Nam Kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.
 
Thơ đến đây không còn là “viết cho mình” nữa mà là viết cho đời, cho dân tộc, gửi lại muôn đời mai sau cho con cháu. Lúc còn tóc để chỏm (chưa đi học) thi thoảng tôi (NK) lại thấy thầy tôi (lúc ấy mới ngoài 20 tuổi) ngâm nga câu:
 
Trải vách quế gió vàng hiu hắt
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
 
Tôi nghe thật lạ tai. Thầy tôi lại bảo đó là khúc “Tần cung oán” của cụ Ôn Như Nguyễn Gia Thiều. Mẹ tôi thì thích đọc Thuý Vân Thuý Kiều của Nguyễn Du. Càng lớn lên, tôi (NK) càng ngộ ra rằng: Thế mới biết văn chương trác tuyệt thì đến người dân bình thậm chí cả người không biết chữ cũng thuộc, giá trị truyền cảm to lớn của thơ là thế.

             NGUYỄN KHÔI
          
        

 
Nguồn:
https://nghiencuulichsu.com/2013/04/11/bac-ninh-thi-thoai/


Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

LẠI VỀ MẢNH ĐẤT SINH TÔI - THƠ TRẦN NGỌC HƯỞNG





...LẠI VỀ MẢNH ĐẤT SINH TÔI
Tặng Tân Thới, nơi sanh ra và nuôi lớn tôi

Phút xuồng gác lái đuôi tôm
Ghé bờ lòng chợt bồn chồn em ơi
Lại về mảnh đất sinh tôi
Sông Tiền chao mãi vành nôi dập dềnh
Tiếng chim nào vẫn lung liêng
Lời ru dan díu bốn bên rừng dừa
Qua cây cầu khỉ đong đưa
Nối đôi bờ lạch gió lùa men say
Miệt vườn tíu tít ong bay
Chùm chùm hoa nở hương vây lá cành
Cù lao bóng rợp cây xanh
Lắng nghe tiếng đất trở mình thân quen
Gặp từng ánh mắt hồn nhiên
Như màu lá nhuốm xanh thêm lòng mình
Chia xa mãi quắt quay tìm
Chẳng đành nói… chẳng đành im ngập ngừng
Có gì cháy dưới bàn chân
Bao người thân cũ đã nằm xuống đây
Trải qua đạn xới bom cày
Vị phù sa mảnh đất này vẫn tươi
Cho tôi phút hả hê cười
Chân trần bước dưới khoảng trời quê xưa
Cành chen trái chín đầu mùa
Hỡi em đã mát lòng chưa buổi về

 

Tân Thới 1985

 

*Bài thơ được giải nhứt B không có A Hội Văn nghệ Tiền Giang 1987. Nhà thơ Chế Lan Viên chấm. Ông khen bài thơ trong sáng tươi mát đặc biệt là hai câu cuối. 

BẮC NINH THI THOẠI(KỲ 1) - NGUYỄN KHÔI

 


BẮC NINH THI THOẠI (Kỳ 1) NGUYỄN KHÔI

Bắc Ninh thi thoại của Nguyễn Khôi (Đình Bảng) đã tái bản nhiều lần ở Việt Nam,  được độc giả trong và ngoài nước đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Xin trích một số chương giới thiệu cùng bạn đọc.





Bài Thứ 1 – SUY NGHĨ VỀ THƠ

 

Thơ – là một bài văn gồm những câu ngắn, dài (có vần hoặc không vần) có thanh âm từ điệu của một thứ tiếng mà nhà thơ sáng tác ra, thường theo những niêm luật nhất định. Người ta thường hay nói “thơ ca”, nhưng cũng cần phân biệt sự khác nhau giữa thơ và ca. Nếu Ca diễn tấu ca ngợi một cái đẹp thì Thơ với ý tứ sâu xa, với cấu trúc độc đáo được kết tinh từ cái đẹp đó làm cho mọi người ngây ngất chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền diệu tâm linh rất thơ đó.

 

Có nhiều cách định nghĩa về thơ:

– Thơ là tiếng kêu tự nhiên của con tim. Một bài thơ là một cõi thế giới.

– Thơ là một thể loại văn học sử dụng vần điệu, hình ảnh, tình cảm, để thể hiện một tư tưởng nào đó.

– Thơ là tiếng lòng, là sự giãi bày (tiếng nói độc bạch) để diễn tả nỗi oán than, một niềm vui, một nỗi nhớ, một suy tưởng (còn tiểu thuyết là đối thoại, nhiều tiếng nói, nhiều bè, hoà nhịp với nhau, cãi nhau, đối chọi nhau)

– Thơ là tiếng vọng của tâm hồn (là bữa tiệc của tâm hồn).

– Thơ là tiếng hát, nhà thơ là người hát rong. Hát lên niềm khao khát cuộc sống, tình yêu, tự do. Người làm thơ trước tiên phải có cảm hứng mãnh liệt (thi hứng) và phải biết làm thơ theo đúng nghĩa của nó (vì thơ là văn bản được tổ chức bằng nhịp điệu của ngôn từ) tức là phải nắm những đặc trưng (thi pháp) của thơ để mà vận dụng khi sáng tác. Đó là về:

+ Cấu trúc trùng điệp (âm thanh, nhịp điệu, ngữ nghĩa)

+ Kiến trúc đầy âm thanh

+ Nhiều khoảng trắng trên không gian in thơ (nhằm tạo ra cách nói “Thơ một chút” – thơ kỵ lộ liễu - để thơ có nhiều khoảng “lặng” tạo ngân vang cái “ý chưa dứt làm day dứt lòng người”.

+ Thơ phái có chất nhạc tràn đầy và cần cái ảo đan xen cái thục (sản phẩm của trí tưởng tượng) trong thơ.

 

Thơ Tàu trọng ý tại ngôn ngoại, còn Thơ Việt ta là tình thì kín mà ý thì sang.

Tâm hồn là hoa, còn thơ là quả. Hoa đẹp nhưng chưa chắc đã có hương thơm, cũng như tâm hồn mãi nhưng chưa chắc thơ đã hay.

Thơ chắp cánh cho con người bay bổng, do đó mới gọi là “hồn thơ” là vậy. Tức cảnh sinh tình tạo thi hứng cho nguồn thơ dào dạt tuôn trào như suối, như sông là thế.

 

Thơ không phải của riêng ai, nhưng không phải ai làm thơ cũng thành nhà thơ. Mỗi nhà thơ có phong cách ý vị riêng. Thơ chí là lều lán tới nhà và lâu đài, ngọn núi… và dù chỉ một vài bài, thậm chí chỉ một câu cũng tạo được đỉnh cao, dấu ấn của thời đại và khắc sâu vào hồn người – thơ bất tử là vậy

 

Xứ Bắc Ninh ta: Người làm thơ (so với xứ khác) không nhiều nhưng nhà thơ có tên tuổi thì lại không ít.

 

Đất Bắc Ninh hẹp (hiện nay bé hơn cả thủ đô Hà Nội), nhưng là nơi địa linh, nhân kiệt. Là lỵ sở đầu tiên của quận Giao Chỉ, nơi sinh ra Lý Công Uẩn – người quyết định ban Chiếu dời Đô về thành Đại La, lập nên kinh đô Thăng Long, nghìn năm văn hiến. Từ vị trạng nguyên đầu tiên của nước Nam ta (Lê Văn Thịnh), những thi sỹ tiên khởi với những văn ánh thơ đẹp, bất hủ của nước Đại Việt ta thì nhiều đấng tài hoa ấy được sinh ra ở đất Bắc Ninh - Kinh Bắc này.

 

Làm thơ là làm việc của riêng mình. Viết Thi Thoại là làm việc chung cho mình và cho mọi người... Bắc Ninh Kinh Bắc ta, xưa nay chưa có Thi xã và cũng chưa có ai làm Thi Thoại.

Kẻ hậu sinh Nguyễn Khôi ở làng Đình Bảng này cúi xin các bậc tiền nhân ông cha thủa trước, nghiêng mình xin phép các anh các chị thi nhân kẻ sỹ đương thời của tỉnh nhà, mạo muội căm cụi viết một quyển Bắc Ninh Thi Thoại gọi là điểm dẫn, sưu tầm, hệ thống lại, có đôi lời cảm nhận (theo thiển ý) để góp vui cho nhũng người đồng hương trong lúc vui chơi giải trí khi ly rượu, chén trà “nghênh phong thưởng nguyệt” với hồn quê Kinh Bắc, sâu sắc tình đời. Có điều gì thô lậu mong bạn đọc quê hương lượng thứ.

 

Bài Thứ 2: THƠ VẠN HẠNH

 

Thơ là tiếng lòng tự nhiên bột phát ra (ứng khẩu hoặc viết nên lời) đó là một cách hay tự nhiên và cũng dễ đạt ý tại ngôn ngoại, có người gọi đó là cách viết vô thức, xuất thần. Một cách hay khác là nguòi viết có chú ý, sáng tác có ý tưởng, mục đích hẳn hoi (có khi viết theo “đơn đặt hàng”) lấy tài đức tâm. Cũng không quên trường hợp toàn bích.

 

Vạn Hạnh thiền sư (?-1018) người làng Cổ Pháp (Đình Bảng – Từ Sơn – Bắc Ninh) tương truyền ông là cha đẻ ra triều Lý (1009-1225). Thủa nhỏ Vạn Hạnh thông minh khác thường học thông tam giáo theo học Đạo với Thiền ông đạo giả ở chùa Lục Tổ hương Dịch Bảng. Sau đó Thiền Sư Vạn Hạnh chuyên tâm tu tập kinh Tổng tri tam ma địa, phép thiền định của Phật Giáo để giữ thiện pháp.

 

Thiền sư được vua Lê Đại hành đặc biệt tôn kính. Bấy giờ được coi là nhà tiên tri, thơ văn lời nói được coi như sấm ngữ.

 

Ví dụ trước trận đánh Tống năm 980, vua hỏi, sư nói:“chỉ trong Ba Bảy (21) ngày giặc tất lui”. Quả nhiên đúng một tháng sau giặc đại bại. Khi phía Nam nước ta có giặc Chiêm, vua hỏi, sư nói:“nên đi ngay sẽ thắng”. Quả nhiên thắng lớn.

Sau Lê Ngoạ Triều lên ngôi, tàn ngược độc ác, trời người đều giận. Lúc ấy ở châu Cổ Pháp (sau đổi là Thiên Đức) có Lý Công Uẩn đang làm Thân Vệ trong triều. Lý Công Uẩn vốn trước là con nuôi của Lý Khánh Văn, một Thiền sư từng thọ giới với sư Vạn Hạnh ở Cổ Pháp.

Thiền sư Vạn Hạnh đã làm nhiều thơ, dưới dạng phú sấm, huyền thoại, tạo tâm lý để Lý Công Uẩn lên ngôi. Vạn Hạnh đã tận dụng mọi cơ hội để cổ vũ cho sự kiện: “Thái tổ nên vương sáng nghiệp đầu”. Từ sự giải thích điềm lạ xoáy lông trên con chó trắng (năm Tuất -1010), đến giảng giải ý nghĩa hình chữ thiên tử trên cây gạo bị sét đánh.

 

Tài trí sâu xa uyên bác của Thiền sư chẳng những nắm vững thiên cơ vận nước, nắm vững chữ thời trong Kinh Dịch mà còn quyết đoán chính xác trong ngày giờ cụ thể.

 

Khi thiền sư mới nhập định bên cạnh ngôi mộ của Hiển Khánh đại vương, bỗng nghe văng vẳng tiếng thơ ngâm:

 

Thiên đức giàu sang no đủ khắp

Giữa trời sao Nữ, Thánh quân sinh

 

Thánh quân sinh ở đây chỉ Lý Công Uẩn ra đời lên ngôi. Sư còn nói rõ: “có lẽ chỉ trong vòng ba tháng nữa quan Thân Vệ về, sẽ chống đỡ xã tắc cầm giữ ấn chữ Quốc”.

 

Có bài thơ sấm còn nói rõ:

Lục nguyệt, Tuất niên ngược bóng rồng

 

Nghĩa là Lý Công Uẩn sẽ lên ngôi vào tháng Sáu năm Tuất (1010).

 

Có giai thoại kể rằng Thiền sư biết rõ ngày Lý Công Uẩn lên ngôi.

Lúc đó Kinh đô còn ở Hoa Lư – rất xa Cổ Pháp. Vào một ngày, Thiền sư nói với chú và nguòi bác của Lý Công Uẩn rằng “Thiên tử đã băng hà. Lý Thần Vệ đang ở nhà. Nhưng nội trong ngày, Thần Vệ ắt sẽ được thiên hạ”, chú bác Lý Công Uẩn nghe xong lấy làm lo sợ, sai người xuôi gấp về Hoa Lư, xem ra sao, thì quả đúng như lời Sư nói.

 

Thơ Sấm của Vạn Hạnh thường ngắn gọn, giàu hình ảnh, ý tứ sâu xa hàm xúc.

 

Tật lê trầm bắc thuỷ

Lý tử thụ Nam thiên

Tú phương can qua tĩnh

Bát biểu hạ bình an

 

Dịch:

 

Tật lê chìm biển bắc

Cây lý mọc trời Nam

Bốn phương binh đao lặng

Tám hướng chúc bình an

 

Vạn Hạnh dùng hình ảnh cây lê chỉ nhà Lê, cây lý (mận) chỉ họ Lý. Lê chìm, Lý mọc. Lại có cả những câu sấm huyền bí, chiết tự chữ Hán:

 

Nguyên văn: “nhập khẩu thuỷ thổ khú ” là chiết tự chữ Cổ Pháp. Rõ ràng thiền sư Vạn Hạnh đã dồn cả tài năng nhiệt huyết cho sự lên ngôi của nhà Lý.

 

Trước lúc “Tịch”, Vạn Hạnh còn để lại một bài “Kệ” Thị đệ tử (Bảo đệ tử )

 

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý

Thịnh suy nhu lộ thảo đầu phô

 

Nghĩa là

 

Thân như bóng chớp có rồi không

Cây cối xuân tươi, tiết thu lại héo

Đã tu đến trình độ Nhậm vận thì không

sợ hãi trước sự thịnh suy dời đổi

Thịnh suy như giọt sương đọng trên ngọn cỏ

 

Tạm dịch thơ

 

Thân như ánh chớp có rồi không

Cây cối xuân tươi thu héo cong

Chớ thấy thịnh suy mà sợ hãi

Như trên đầu cỏ hạt sương trong.

 

Sau này Lý Nhân Tông đã có bài kệ ghi nhận công lao Vạn Hạnh:

 

Vạn Hạnh thông ba cõi

Lời sư nghiệm sấm thì

Từ làng quê Cổ Pháp

Chống gậy trấn Kinh kỳ.

 

Bài Thứ 3 – THƠ ĐỜI LÝ: ĐÊM QUA SÂN TRƯỚC NỞ CÀNH MAI

 

Theo truyền thuyết, Lý Công Uẩn lúc còn là chú tiểu hay nghịch, một hôm bị thầy phạt, trói bắt nằm dưới đất. Đêm khuya muỗi đốt không ngủ được, liền tức cảnh làm một bài thơ:

 

Thiên vi khâm chẩm, địa vi chiên

Nhật nguyệt đồng song đối ngã miên

Dạ thâm bất cảm truòng thân túc

Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên

 

Tạm dịch

 

Trời làm chăn gối, đất đệm lung

Nhật nguyệt cùng ta ngủ trước song

Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi

Chỉ sợ sơn hà xã tắc rung

 

Đây có thể chỉ là huyền thoại, do các nhà sư đặt ra để gán cho vị vua đầu tiên của nhà Lý.

 

Thú vị khi đọc bài thơ “Cáo tật thị chúng” (Cáo bệnh bảo mọi nguòi) của Lý Trường (Mãn giác thiền sư (1051-1096) đã “lão, bệnh” mà lạc quan thể hiện tinh thân vô ứng và phi cứu cánh của đạo Phật. Hình tượng cành mai tươi đẹp trong thơ đã phô bày tất cả sụ đam mê, ham sống của con nguòi giũa thế giới hiện hữu, đầy siêu thoát và bí ẩn như thực lại như hư:

 

Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa tươi

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước nở cành mai

 

Con ngưòi trong thơ thiền là con ngưòi có trí tuệ, có bản lĩnh nghị lực và sức mạnh, có thể tự mình giác ngộ chân lý một cách độc lập, dám đối diện với vũ trụ và làm cho vũ trụ biến đổi trưóc tác động của mình với một khí thế xung thiên táo bạo, thật phóng khoáng biết bao khi đọc những câu:

 

Nam nhi tụ hữu xung thiên chí

Hựu tưỏng Như Lai hành xú hành

 

(Làm trai có chí xông trời thẳm

Dẫm vết Như Lai luống nhọc mình)

 

(Thơ của Quảng Nghiêm thiền sư (1121-1190) tu ở chùa Thành An huyện Thuận Thành Bắc Ninh).

 

Cách đây gần 1000 năm, ông bà ta có sùng đạo Phật, nhưng do hiểu được mệnh trời (tri thiên mệnh, nên đã có quan niệm, bây giờ nghe rất lạ, phê phán cái mê cái hoặc đương thời, bảo ban con cháu đừng mắc vào “cái vòng luẩn quẩn” cầu sự thoát tục:

 

Sinh lão bệnh tử

Lẽ thường tự nhiên

Muốn cầu siêu thoát

Càng trói buộc thêm

“mê” thì cầu Phật

“hoặc” thì cầu Thiền

Chẳng cầu Thiền Phật

Mím miệng ngồi yên

 

(Thơ “Sinh Lão Bệnh Tử” của Ngọc Kiều – Ni sư Diệu Nhân chùa Phù Đổng Bắc Ninh).

 

Thế tục và tôn giáo hoà đồng vào với nhau, tồn tại trong trạng thái như có như không

 

Sắc là không không tức sắc

Không là sắc, sắc tức không

Sắc không đều chẳng quản

Mới khế hợp nhân tông

 

(Thơ của Nguyên Phi Ỷ Lan vợ của vua Lý Nhân Tông).

 

Thơ thiền xứ Kinh Bắc đã góp phần đem đến một nội dung tư tưỏng mới, nói lên tâm tư tình cảm của tầng lớp trí thức xã hội đông đảo và quan trọng đương thời, đại diện của một dân tộc, một xứ sở trong một thời đại hào hùng xây dựng và bảo vệ tổ quốc Đại Việt, triết lý về vũ trụ và nhân sinh trong một tinh thần nhập thế tích cực.

 

Trích “Bắc Ninh Thi Thoại” - 1997

 

                                 Góc Thành Nam Hà Nội, 5 tháng 10 năm 2011

                                                      NGUYỄN KHÔI

 

Nguồn:

https://nghiencuulichsu.com/2013/04/11/bac-ninh-thi-thoai/

 


Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

MẸ LẠI VỀ DƯỚI MÁI NHÀ XƯA - THƠ NGUYỄN AN BÌNH

 




MẸ LẠI VỀ DƯỚI MÁI NHÀ XƯA


Mẹ về theo gió – gió ru sau hè

Bên góc tường xiêu bờ ao giếng nước

Cá lìm kìm bơi tìm chi mải miết

Giấc ngủ muộn màng nhuốm cả rong rêu.


Mẹ về theo mây – mây bay viễn xứ

Khói bếp thơm rơm gốc rạ quê nghèo

Dõi bước con đi bao lần vấp ngả

Ngả núi nghiêng đèo đá dựng cheo leo.


Mẹ về theo trăng – trăng sáng quê nhà

Dưới ngọn dầu hao mẹ ngồi vá áo

Bóng tối vây quanh nhốt đời dông bão

Khóe mắt ngập ngừng từng vết chân chim.


Mẹ về theo sông – sông dài biển rộng

Con nước lớn ròng trôi cả giấc mơ

Cánh bèo trôi cô đơn trong vô vọng

Con ngày xưa đâu qua hết dại khờ.


Mẹ về theo nắng – nắng trôi phương nào

Để lại lời chim buồn rơi cánh lá

Khúc hát đồng dao ngỡ thành xa lạ

Để bóng chiều qua nền cũ hắt hiu.


Ngày mùa xuân mẹ may cho áo mới

Con mặc một lần mẹ trốn trong mưa

Đóa hồng thơm con xin cài trước ngực

Lại thấy mẹ về dưới mái nhà xưa.

26/06/2021

NGUYỄN AN BÌNH