CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

ĐỔ BÓNG TRỜI CHIỀU - THƠ TRẦN NGỌC HƯỞNG

 




ĐỔ BÓNG TRỜI CHIỀU
( Trời chiều đổ bóng thong dong,
Dỗ tình ngoan nhé, dỗ lòng sống vui! )

Anh ngồi lại góc cô đơn,
Màn hình rộng trải nỗi buồn phẳng phiu.
Gõ vào bàn phím lời yêu,
Mở ra một cõi tịch liêu nhạt nhòa
Em từ cõi ảo bước ra,
Tỏ mờ nhân ảnh ngỡ là chân thân.
Cõng tình đến giậu cúc tần,
Hôn nhau một thoáng phù vân cõi người.
Heo may đã chớm đông rồi,
Mình giờ tóc muối sương rơi trắng đầu.
Cõng tình về mãi tận đâu,
Gương soi lòng giếng nỗi gầu đa mang
Sài gòn tám phố lang thang,
Rong chơi muôn nẻo một màn hình thôi
Góc cô đơn nối mạng rồi,
Hai đầu nỗi nhớ một lời tương tư
Lời yêu thốt giữa cõi hư,
Tim nồng vẫn đập nhịp ru tình nồng.
Trời chiều đổ bóng thong dong,
Dỗ tình ngoan nhé dỗ lòng sống vui

TRẦN NGỌC HƯỞNG

NỖI BUỒN MÙA ĐÔNG - THƠ HUỲNH MAI HOA, NHẠC NGUYỄN HỮU TÂN






NỖI BUỒN MÙA ĐÔNG
THƠ HUỲNH MAI HOA
NHẠC NGUYỄN HỮU TÂN
TIẾNG HÁT THUÝ NGA
VIDEOCLIP HUỲNH TÂM HOÀI


Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

LẠI LỤC BÁT - THƠ CHU VƯƠNG MIỆN

 



LẠI LỤC BÁT

-

người về ta để cho về

ta nắm vạt áo ta đề chữ quên ?

vừa đi người đã quên liền

còn ta đứng đó nửa tiên nửa đời

nhìn chi ? con sáo bay rồi ?

-

100 năm có 1 chữ tài " đại "

1000 năm chữ Xỉu " tiểu " ván bài nghỉ chơi

cò quay lẫn với cò mồi

hồ lỳ với bọn cò ruồi y nhau ?

-

100 năm còn có gì đâu ?

nước đen nước đỏ ván đầu ván đuôi


trắng tay há miệng ra cười

đầy tay mật lại cùng rưồi 1 mâm

-

thầy đồ nhà trống 3 gian

thiên trời địa đất càn khôn khôn càn

Quốc Oai phất ngọn cờ tàn

muốn xoay bạch ốc lầm than kiếp này

nào ngờ trắng mắt trắng tay

-

ờ mà 1 lũ quen nhau

chốn nao tình cũ dây trầu cục vôi

bây giờ gió cưốn mây trôi

trầu không cau rụng kẻ ngồi kẻ than

trơ ra cục gạch mạ vàng

-

thân em như tấm lụa đào

bèo nhèo giữa chợ vái chào tứ phương


ngẩn ngơ ngó mãi chân tường

rêu xanh từng vạt gợi hồn liêu trai

rằng đây đâu phải Tần Hoài

mà thơ Đỗ Mục bên tai vọng về

không sông trăng cũng chả về

hạt mưa sa vẫn ê chề còn rơi ?


CHU VƯƠNG MIỆN


NGỦ - THƠ TRẦN HOÀI THƯ

 



NGỦ

Bạn từng khuyên tôi phải tập thiền, tập thở
Để quên đi những tham hận phiền lo
Để tâm hồn được thanh tịnh như tờ
Nếu bạn đã ở nơi này, bạn sẽ thấy có nhiều người đắc đạo
Họ, không còn gì để mà sân si hệ lụy
Bởi trí não mất rồi, còn gì nữa để hệ lụy sân si ?
Họ bây giờ như đứa bé mới tập đi
Không phảị tập ̣dần̉ để quen cuộc dời sẽ đến
Mà họ tập dần, tập dần để quen dần với cơn an giấc
Giấc ngủ cuối cùng, giấc ngủ ngàn thu
Bạn đừng ngạc nhiên khi những cụ lão gục đầu trên khay ăn
Không phải họ ngủ thường tình
Họ đang tham thiền trước khi an giấc
Họ ngủ li bì không báo giờ mở mắt
Dù bên tai tiếng đại bác, họ vẫ tham thiền !…
Hãy hôn dịu dàng trên dôi mắt nhắm nghiền
Và trở về nhà, với cõi lòng tan nát
oOo
Có phải cửa sổ linh hồn là hai con mắt
Khi con mắt nhắm rồi, cánh cửa mở cho ai ?
Đã suốt mùa đông mình không nhận mặt tôi
Tôi la tôi gào tôi lay mình đừng ngủ
Mình vẫn quyết tâm, cài then đóng của
Mình đang chờ lên một cõi thiên đàng
Bỗng hôm nay xuân đã đến rồi
Cửa viện mở ra, tôi đẩy xe tình mang mình ra nắng
Những bụi mai vàng, càng vàng càng thắm
Dưới nắng vàng, như thoa phấn điểm trang
Tự nhiên thấy mình, đôi mắt mở: Lạ lùng thay !
Hay mình còn muốn yêu thương đời nên mở mắt ?
Sao mình không chiụ đi về niết bàn, cõi phật
Ham mở làm chi với địa ngục ta bà !


TRẦN HOÀI THƯ


Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

BẼ BÀNG TÌNH QUA BẬU THÔI ĐƯA ĐÒ - THƠ KHUYẾT DANH , NHẠC NGUYỄN HỮU TÂN





BẼ BÀNG TÌNH QUA BẬU THÔI ĐƯA ĐÒ 
THƠ KHUYẾT DANH
NHẠC & TRÌNH BÀY NGUYỄN HỮU TÂN
VIDEOCLIP HUỲNH TÂM HOÀI

LÀ HỒ ĐIỆP - THƠ CHU VƯƠNG MIỆN


 



LÀ HỒ ĐIỆP

*

lúc lại là hồ điệp

lúc thôi đành Trang Sinh

nhẩm pho kinh 1 lúc

ờ tứ đại giai không ?

hoa sứ rơi trên suối

đục trong chẩy 1 dòng

-

chuông thu không tịnh độ

danh lợi lầm bến mê

chạy vội theo hư ảnh

quên mất luôn lối về

mấy vầng trăng cổ độ

trước mặt mất đàm khê


bên hông là đá lũng

ta là ai ? bây giờ

-

gõ mãi trên mõ gỗ

dộng mãi quả chuông đồng

gỗ kêu theo âm gỗ

hồng chung vọng hồng chung

mỏi tay gần suốt kiếp

hiểu gì ? được chữ không ?

*

niệm xong 1 bài kinh

con chim bay khuất khuất

chiếc lá giữa lòng đường

chờ tái sinh kiếp khác

ta vẫn chỉ là ta

sao kiếp xưa đi lạc


CHU VƯƠNG MIỆN


Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2022

MƯA SẦU ĐAN MẮT NHAU - THƠ NGUYỄN AN BÌNH

 




MƯA SẦU ĐAN MẮT NHAU


Khi tôi bùng chớp lửa

Bên kia trời bão dông

Em ngồi yên bên cửa

Nhìn bốn mùa thu đông.

Khi em vừa thiếu nữ

Căng đôi bờ ngực thơm

Tôi chìm sâu đáy cốc

Hồn ngập đầy ánh trăng.

Khi tôi từ cõi tạm

Lãng du qua kiếp người

Con tim thèm run rẩy

Lời tỏ tình em ơi.

Khi em loài sâu nhỏ

Cuộn mình nhả tơ vương

Tơ hồng thành nhẫn cỏ

Nhốt tôi trong thiên đường.

Khi tôi cùng chiếc lá

Rơi một ngày cuối đông

Em có thành góa phụ

Tiễn tình vào hư không

Khi em theo ngọn sóng

Ru khúc hát nhân ngư

Con thuyền tôi bào ảnh

Cuốn hồn đi xa bờ.

Một thời như xa lắm

Đâu con mắt lá răm

Đâu tóc biếc môi trầm


Xuân sang vừa nẩy lộc.

Nhớ một trời hoa cũ

Em khoác mảnh lụa đào

Bay vào trong kinh sử

Mưa sầu đan mắt nhau.


NGUYỄN AN BÌNH


Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

TRAU DỒI HAY TRAU GIỒI - LA THUỴ

 

   

Mấy ngày nay, rảnh rỗi ngồi lướt net, đọc trên một số trang Facebook thấy bàn luận rôm rã về các từ ngữ “TRAU GIỒI” và “TRAU DỒI”. Phần nhiều những chủ trang face đó và những comments bên dưới đều cho rằng TRAU DỒI mới là từ ngữ đúng.
 
Tra Google để tìm kiếm, kết quả cho thấy:

"trau giồi" có 895 kết quả
"trau dồi" 12400 kết quả
 
Chỉ có trang face “Tiếng Việt giàu đẹp” và một số không nhiều trang mạng khác cho rằng TRAU GIỒI mới đúng
 
Tôi thử tra từ điển Hán Nôm về GIỒI và DỒI. Kết quả cho thấy:

GIỒI 𢬗
Chữ Nôm có bộ thủ  (+6 nét) có trong từ TRAU GIỒI

DỒI 
Chữ Nôm có bộ mễ  (+9 nét) có trong từ MIẾNG DỒI
 
Thử tra các tự điển xem GIỒI, DỒI, TRAU, TRAU GIỒI (TRAU DỒI) được giải thích như thế nào?

* TỰ ĐIỂN VIỆT NAM của Ban Tu Thư Khai Trí:


GIỒI (đt)

Trau tria cho đẹp, cho bóng
Giồi mài, trau giồi, giồi phấn


GIỒI - TỰ ĐIỂN VIỆT NAM của Ban Tu Thư Khai Trí


* Tự điển của Lê Văn Đức:
 
GIỒI: (đt)
 
1.Giùi, tô trét vô rồi chà mạnh cho láng, cho bóng. Giồi bộ ván. Giồi phấn,Má ơi con má hư rồi, má còn trang điểm phấn giồi làm chi.

2. Trau tria, ôn nhuần: giồi mài kinh sử.
 
Giồi - Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức

Theo từ điển đã nêu, ta thấy “giồi mài kinh sử”, trong thực tế đã biến âm thành “giùi mài kinh sử” hoặc “dùi mài kinh sử”
Chỉ có “giồi” với nghĩa “làm cho láng bóng” mới thích hợp đi với “mài”, chứ không thể nào là một từ hàm ý “đục lỗ” như “dùi” được.

 DỒI:
 
1. Dồn nhét, thêm vào cho đầy. “Dồi vô”
2. Thức ăn luộc hoặc nướng bằng thịt heo và gia vị dồn vô ruột heo.
3. Thêm lời nói: khen dồi, cãi dồi vô.
 4. Nhồi, thẩy nhẹ lên: Dồi lên, dồi tiền, dồi banh, sóng dồi.

                      Đại Nam Quốc Âm Tự Vị định nghĩa: DỒI

Nhiều tài liệu cũng công nhận những giải thích trên, có thể kể đến Huỳnh Tịnh Của với Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, Hội Khai Trí Tiến Đức với Việt Nam tự điển, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, Từ điển mở Hồ Ngọc Đức, Từ điển Thanh Nghị, Từ điển Việt Tân, Từ điển Nguyễn Lân…

---

Trong từ điển Cồ Việt:

GIỒI: nghĩa là đánh phấn trang điểm.
 
tratu.coviet.vn/hoc-tieng-anh/tu-dien/lac-viet/V-V/giồi.html
 
DỒI:

Danh từ là món ăn làm với lòng heo, bên trong nhồi tiết và gia vị như dồi heo, dồi chó
Động từ là tung lên liên tiếp nhiều lần như dồi bóng, sóng dồi, dồi quả banh. Nhận vào, dồn cho đầy
 
http://tratu.coviet.vn/hoc-tieng-anh/tu-dien/lac-viet/V-V/dồi.html
 
Như thế theo tự điển đã trích thì cách viết đúng của món ăn quen thuộc trong giới bạn nhậu phải là “dồi chó” chứ không phải “giồi chó”. Tương tự, “dồi heo” chứ không phải “giồi heo”.
 
Ngoài ra, ta cũng thấy được nghĩa “nhồi, nổi lên” trong “sóng dồi”liên hệ với “dồi dào”, và cũng là lý do khiến nhiều người công nhận từ “trau dồi”.
 
Nhưng có thật sự “trau dồi” là đúng, và “trau dồi kiến thức” tức “nhồi thêm kiến thức”?
 
*
Để hiểu rõ từ ngữ TRAU GIỒI, trước hết hãy xét nghĩa của từ “trau”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức trình bày:
 
TRAU:
 
1. Giồi mài, đánh bóng. Trau ngọc, trau đôi hoa tai.
2. O bế, làm cho đẹp. Trau ăn trau mặc, trau hình chuốt dáng.
 
Trau giồi - Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức

Căn cứ vào đây thì rõ ràng “trau” phải đi với “giồi” thì mới thành một cặp “làm cho sáng bóng” được.
 
* NHỮNG TỪ ĐIỂN GIẢI THÍCH VỀ “TRAU GIỒI”
 
trau giồi   đt. Bào, đánh giấy nhám, đánh bóng bằng chất nhờn cho láng, cho bóng: Trau-giồi bộ ván. // (B) Bồi bổ, tô-đắp cho đầy-đủ, cho tốt đẹp thêm: Trau-giồi tiếng mẹ đẻ.
Nguồn tham khảo: Từ điển - Lê Văn Đức
*
trau giồi   - Bồi bổ cho hay, cho tốt, cho giỏi hơn: Trau giồi tư tưởng.
Nguồn tham khảo: Từ điển mở - Hồ Ngọc Đức
*
trau giồi   đgt Bồi bổ cho tốt hơn, hay hơn: Trau giồi tư tưởng; Anh mong em gắng trau giồi nhiều hơn (Lê Anh Xuân).
Nguồn tham khảo: Từ điển - Nguyễn Lân
*
trau giồi   đt. Nht. Trau chuốt || Trau-giồi đức hạnh.
Nguồn tham khảo: Từ điển - Thanh Nghị
*
trau giồi   - Bồi bổ cho hay, cho tốt, cho giỏi hơn: Trau giồi tư tưởng.
Nguồn tham khảo: Từ điển - Việt Tân
*
trau giồi   Cũng nghĩa như “trau-chuốt”: Trau giồi thân-thể.
Nguồn tham chiếu: Từ điển - Khai Trí
 
https://chunom.net/Tu-dien/Y-nghia-cua-tu-trau-gioi-74685.html
 
“Trau” ở đây cũng chính là “trau” trong “trau chuốt”, mà “chuốt” vốn có nghĩa đen là “vót, gọt xuôi theo thớ cây” (chuốt đũa, chuốt viết chì) cho trơn bén, cho suôn sẻ. Rõ ràng “trau giồi” và “trau chuốt”có sự tương quan rất gần về nghĩa.
 
Chữ “giồi” có người thường viết ra thành “dồi”, vì cách phát âm địa phương.
 
* NHỮNG TỪ ĐIỂN CÓ CẢ “TRAU GIỒI” VÀ “TRAU DỒI”
 
- Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học xuất bản năm 1992 dùng cả 2 từ TRAU GIỒI và TRAU DỒI
Sau từ TRAU GIỒI từ điển Tiếng Việt trên ghi thêm (cũ; id.)

Hình  chụp từ một trang quyển Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học

- Từ điển chính tả nhóm Hoàng Phê chủ biên xác định hai hình thức chính tả TRAU GIỒI và TRAU DỒI đều là hình thức chữ viết đúng
 
NHỮNG TỪ ĐIỂN GIẢI THÍCH VỀ “TRAU DỒI”:
 
 * Tra từ Soha:
http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Trau_d%E1%BB%93i
 
TRAU DỒI

Động từ 
làm cho ngày càng trở thành tốt đẹp hơn, có chất lượng cao hơn

    trau dồi kiến thức
    trau dồi đạo đức
 
* Wikitionary Tiếng Việt:
 
TRAU DỒI

Động từ
    Rèn luyện, bồi dưỡng, làm cho ngày càng tốt hơn.

           Trau dồi kiến thức.
           Trau dồi đạo đức.
           Trau dồi tư tưởng.

https://vi.wiktionary.org/wiki/trau_d%E1%BB%93i#Ti%E1%BA%BFng_Vi%E1%BB%87t
 
* Từ điển số Tiếng Việt:

trau dồi có nghĩa là: - đgt. Rèn luyện, bồi dưỡng, làm cho ngày càng tốt hơn: trau dồi kiến thức trau dồi đạo đức trau dồi tư tưởng.
 
https://tudienso.com/tu-dien/tu-dien-tieng-viet.php?q=trau+d%E1%BB%93i
 
*
 
LẠM BÀN CỦA LA THỤY
 
* Căn cứ từ vựng, ta thấy “Trau” trong “trau chuốt” có sự tương quan rất gần về nghĩa với “giồi” với ý nghĩa “giồi” là “làm cho láng bóng” (trong “giồi mài”), là “ôn nhuần” (trong “ôn nhuần kinh sử”); chứ không thích hợp với “dồi” là nhồi nhét, thẩy nhẹ lên (trong “dồi bóng, sóng dồi”).“Trau dồi kiến thức” khó nói là “nhồi thêm kiến thức”
Liên hệ “trau dồi” với “dồi dào” (“dào” trong“dạt dào” và “dồi dào”), DÀO có nghĩa “dâng lên và tràn đầy”. Ta thấy “trau” khó kết hợp có nghĩa hợp lý với “dồi” (trong dồi dào, dạt dào).
 
* Căn cứ chữ Nôm

GIỒI 𢬗
Chữ Nôm có bộ thủ  (+6 nét) có trong từ TRAU GIỒI

DỒI 
Chữ Nôm có bộ mễ  (+9 nét) có trong từ MIẾNG DỒI
 
* Căn cứ các bộ từ điển in như Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, Từ điển mở Hồ Ngọc Đức, Từ điển Thanh Nghị, Từ điển Việt Tân, Từ điển Nguyễn Lân, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức …
 
Thì phần nhiều từ điển in đều ghi nhận từ ngữ TRAU GIỒI
 
* Trường hợp ngoại lệ có:
 
- Từ điển Tiếng Việt Của Viện Ngôn Ngữ Học xuất bản năm VIỆN NGÔN NGỮ HỌC xuất bản năm 1992 ghi nhận cả TRAU GIỒI và TRAU DỒI.
- Từ điển chính tả nhóm Hoàng Phê chủ biên xác định hai hình thức chính tả TRAU GIỒI và TRAU DỒI đều là hình thức chữ viết đúng
 
* Tuy nhiên các từ điển trên mạng như Soha, Wikitionary Tiếng Việt, từ điển số Tiếng Việt thì ghi nhận từ ngữ TRAU DỒI
 
Từ điển trên mạng thời hiện đại và giới trẻ bây giờ sính dùng từ ngữ TRAU DỒI.
 
Chữ “giồi” có người thường viết ra thành “dồi”, vì cách phát âm địa phương.
 
Tra Google để tìm kiếm, kết quả cho thấy:
 
"trau giồi" có 895 kết quả
"trau dồi" 12400 kết quả
 
Kết quả trên cho thấy một thói quen diễn đạt dù không chính xác nhưng vẫn được đông đảo mọi người chấp nhận. Theo thời gian cái “tập quán ngôn ngữ” này mặc nhiên thay thế từ ngữ chính danh trong các từ điển một thời.
 
                           LA THUỴ