CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2022

GIỌT LỆ HUẾ - PHAN NI TẤN

 



GIỌT LỆ HUẾ 


Hôm rầy nhìn cảnh Huế bị thiên tai bão lụt mà xót dạ quá chừng. Nhìn Huế của Ngoại chìm trong nước, dân tình oán thán, kẻ mất người còn làm tôi có cảm tưởng như số phận Huế vốn hình thành bằng những giọt lệ của Trời. Huế tan tác, luộm thuộm, xa vắng nên Huế buồn. Huế làm tôi nhớ nỗi niềm của Huế ngày xưa. 

Huế, từ bao giờ vẫn nổi tiếng về vẻ trầm mặc, cổ kính. Nơi đó đã sinh ra, lớn lên những người con thông minh, sắc xảo, những ngườì con làm nên Huế đởm lược, những người con của miền đất anh hùng.

Huế cũng là nơi tôi bỏ đi vào một buổi chiều mưa dầm sùi sụt. Tôi bỏ Huế đi như em đã bỏ tôi đi xa ngái. Nhưng Huế, là nơi tôi sẽ trở về, dù tôi biết không còn em tóc dài, mắt sáng, ngấn cổ cao nôn nao đón chờ đón tôi ở đó.

Mùa hè tôi trở lại Huế. 

Đứng trên bờ sông Hương nước vẫn lặng lờ. Nhưng Huế thương, Huế nhớ nên Huế vẫn nhận ra tôi, vẫn dang đôi cánh tay thần thoại ôm xiết tôi vào lòng. Bởi vì tôi là một nửa đứa con của Huế, cho dù tôi đã bỏ Huế đi từ nửa thế kỷ mịt mù cơn mưa thuở trước. 

Huế có linh hồn lương thiện và trong sáng vô biên.

Nước sông Hương tôi từng rửa mặt nên khi trở về đây, đứng với Huế tôi nghe thấy được mùi Huế qua một điệu hò. Hò mái đẩy vời vợi nhớ thương vẳng lên từ dưới một mui đò. Nhưng khi tiếng chèo quẫy chụp từ bến đò Thừa Phủ đưa người qua sông tôi nghe còn buồn hơn cả một điệu hò buồn bã Huế.

Thời Pháp thuộc, nhà tôi cách bến đò Thừa Phủ non một cây số. Bến nằm cạnh cây đa già rợp bóng trước dinh Phủ Doãn Phủ Thừa Thiên nên dân ở bến đò gọi tắt là Thừa Phủ. Hồi đó thỉnh thoảng tôi hay lang thang xuống bến để xem những chuyến đò ngang chở những tá áo dài tím thướt tha của nữ sinh Đồng khánh qua lại trên sông.

Sau này lớn lên tôi cũng trở thành khách đi đò qua Gia Hội. Không làm gì, chỉ cùng Gia Hội cảm thương Huế trầm lặng ngồi dựa lưng vào những con thuyền phơi bụng như chén úp trên những bãi cát dài. Những con sóng đập vào bờ đã trở nên êm ả dịu dàng, nhưng những mảnh vỏ ốc thì lạ mặt từ bao giờ. 

Từ đại dương nhìn xuyên qua vỏ ốc tôi đã thấy gì? Huế vẫn trầm mặc, cổ kính. Thành quách, lăng miếu vẫn buồn bã rêu phong. Những âm vọng của tiếng chèo trên bến đò Thừa Phủ năm xưa vẫn làm khách qua đò gợn lên những cơn sóng u hoài, não nuột. Huế buồn từ ngàn xưa nên những câu hò dù vui vẫn nghe ra nức nở. 

Sau 70 năm hoạt động trên sông nay bến đò Thừa Phủ đã đi vào hồi ức của những người con Huế biết nhớ biết thương bến đò lãng mạn Huế.

Hình như gương mặt Huế lúc nào cũng buồn với tôi. Cái buồn sập sận dưới chân cầu Trường Tiền theo gió xông lên thoảng mùi vị Huế. Huế có mùi tím than nên Huế có cả màu tím Huế, cái màu não nùng tím, biền biệt tím mãi đâu. Những cuộc tình thơ mộng thuở nào của chàng trai Quốc Học và thiên hương Đồng Khánh giờ tím tận phương nào.

Huế cũng cò mùi tóc em gội bồ kết. Mùi dịu dàng trên đôi môi thơm Huế. Mùi em líu lo như chim hót khi mình gặp lại nhau. Và mùi em từ tốn, ngọt ngào khi chia tay anh. Đập Đá là nơi mình từng gặp gỡ. Nhưng Đập Đá bên kia là Vĩ Dạ cũng là nơi để mình chia biệt. Khi em bỏ tôi đi, làm sao em thấy được Huế tối tăm trong lòng tôi một cơn mưa mịt Huế.

Huế tan tác, luộm thuộm, xa vắng nên Huế buồn. Nhất là mưa đêm. 

Ban đêm của một đêm nồng nã cơn mưa hè ở bãi dâu, tôi ngửi được mùi máu của Huế. Từ đó tôi lờ mờ nhìn thấy lại Huế bị trói thúc ké. Người ta xâu Huế bằng những cuộn dây thép gai, dẫn Huế ra pháp trường, xử tử Huế bằng trăm bằng ngàn nhát cuốc. Huế bể đầu, nứt sọ, theo máu ngã xuống. Người ta chôn Huế cạn nhách dưới những hầm hố bầm dập Huế. 

Huế của ngày ấy bị trói thúc ké bằng những cuộn dây thép gai

Và bạo lực được viết bằng những nhát cuốc

Để câu mái đẩy khóc thành câu đứt ruột

Nước mắt khô chan trên mỗi mảnh đời.

Sau trận Mậu Thân 1968, vết thương trên da thịt những người con của Huế theo thời gian dần dần lành lặn, nhưng vết thương tinh thần thì không, mãi mãi không bao giờ hồi phục. Hơn nửa thế kỷ qua, giải khăn sô cho Huế, dãi khăn sô cho những người con của Huế, của lịch sử bi thảm Huế và của cả dân tộc Việt Nam vẫn còn đó, vẫn đeo trắng cả một màu tang tóc trong hồn người Việt mà không thể nào vứt bỏ được, không cách nào nguôi ngoai được.

Huế xa vắng đến thế sao?

Một đời anh chắc chẳng bao giờ tìm ra nỗi Huế

Bởi sinh ra chân anh đã có những con đường

Những con đường mọc ra những đóa hướng dương

Chở súng đạn ra ngoài mặt trận

Sau chiến tranh những trận đánh đều trở nên luộm thuộm

Người ta cất các chiến cụ và những cuộn băng trong các viện bảo tàng

Anh trở về ước mơ tàn tạ dưới chân

Ngó ra Huế chút Huế cũng đành hanh xa vắng.

Huế buồn rứa đó.

Mùa hè tôi trở lại Huế. 

Tôi trở về Huế để nhận ra hầu như mọi thứ đều thay đổi. Khi đứng trước cổng Tý Ngọ, nơi trải qua nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, tôi nghe trong sắc màu xanh ngắt của lá sen mùi thơm của bông sen theo gió thoảng về. Mùi hương của loài hoa cao quí này khiến tôi chợt nghĩ không những sen từ bùn ngoi lên mà sự trưởng thành của hương sen cũng tự nó đòi hỏi sự kiên nhẫn trong một thời gian dài.   

Ban đêm đứng một mình trên hành lang Thành Nội tôi như còn sờ được những nếp nhăn của Huế. Cảm nhận được Huế gìà như chuyện cổ tích. Và tôi thường chìm đắm trong nỗi phiền muộn khi nghe Huế khóc mà không nghe rõ tiếng rơi thần bí của giọt lệ Huế muốn nói với tôi điều gì. Lịch sử Huế từ bao giờ vẫn nằm trên những trang bìa buồn.

Mùa hè tôi trở lại Huế. 

Huế không còn căm phẫn hay cuồng nộ như thời máu lửa chiến tranh. Bên Gia Hội tôi cảm thương Huế trầm lặng ngồi dựa lưng vào những con thuyền nằm phơi bụng như chén úp dưới những bãi cát dài. Những con sóng đập vào bờ đã trở nên êm ả dịu dàng, nhưng những mảnh vỏ ốc thì lạ mặt từ bao giờ. 

Từ đại dương nhìn xuyên qua vỏ ốc tôi đã thấy gì? Huế vẫn trầm mặc, cổ kính. Thành quách, lăng miếu vẫn buồn bã rêu phong. Những tiếng chèo trên bến đò Thừa Phủ vẫn làm khách qua đò gợn lên những cơn sóng u hoài, não nuột Huế buồn từ ngàn xưa nên những câu hò dù vui vẫn nghe ra nức nở. 

Mùa hè tôi trở lại Huế. 

Từ sông Hương ngược lên núi Ngự, đứa con xưa nay đã già lom khom qua cửa Thượng Tứ lội ngưọc về Kim Long. Khi chiều dần tàn ngồi bờ sông tôi nghe dưới bến đò vẳng lên câu hò Vân Lâu.

Những lúc ngó mây trời tôi có cảm giác như Huế dịu dàng mọc trên lưng tôi. Hoặc những lúc ngồi dưới trăng tôi nghe Huế âu yếm tựa bờ vai tôi. Tôi đâu có khác gì những người con gốc Thần Kinh, đi xa mô cũng hoài mong ngày về. Những lúc gió thổi nắng lan đều trên đồng vắng tôi mơ màng thấy Huế duỗi ra mênh mông. 

Tuy trầm mặc thiêm thiếp sương đêm, Huế già cỗi khàn giọng cũng gắng gượng hỏi tôi về để làm gì. Bằng giọng quê Huế xưa, tôi cung kính, nhỏ nhẹ nhưng nghiêm trang nói tôi về Huế để tìm lại tiền thân Huế:

Thưa,

Em là giọt chiều mưa

Giọt thơm nắng sớm đong đưa đầu cành

Em là một miếng trời xanh

Rơi trong bát ngát mà thành ung dung

Về đâu, mặc bụi chốn cùng

Quen rồi tự tại giữa vùng thiên thanh

Em là vốc nước ao lành

Xưa

quê em ở trên cành hoa sen.


PHAN NI TẤN


Không có nhận xét nào: