CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

KHI THÀNH PHỐ LOCKDOWN - THƠ NGUYỄN AN BÌNH

 




KHI THÀNH PHỐ LOCKDOWN


Khi thành phố lockdown

Hàng cây im chết lặng

Chẳng còn tiếng lao xao

Đám bồ câu đập cánh.



Còi cứu thương giục giã

Xé nát cả đêm dài

Phập phồng cùng máy thở

Nhịp tim chậm mất rồi.



Kẻ trụ lại Sài Gòn

Gập ghềnh trong gian khó

Người níu bước chân bon

Đường về quê cách trở.

*

Khi thành phố lockdown

Ánh hoàng hôn vừa tắt

Chỉ còn lại nỗi sầu

Ngọn đèn vàng hiu hắt.



Hình như tôi đang thở

Trong trận gió cuồng phong

Linh hồn thành ngọn lửa

Trên các đài hóa thân.



Viết câu chuyện thần tiên

Nén tâm hương tưởng niệm

Tôi mơ thấy bình minh

Sau đêm dài tăm tối.


28/11/2021

NGUYỄN AN BÌNH


Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

CÓ GÌ ĐÂU - THƠ NGUYÊN LẠC




 


CÓ GÌ ĐÂU
.
1.
Có gì đâu chỉ là chiếc lá
Úa vàng chao nhè nhẹ gió lay
Sao se sắt hồn người xa xứ
Ôi thì ra thu đến không hay!
.
Có gì đâu nhung huyền tóc rối
Ôm gầy vai chiều hoa nắng rơi
Em áo lụa biếc màu hoa cúc
Hồng đôi môi chết ngất tim người
.
Có gì đâu mà nhớ tôi ơi
Tình đã đến đã đi sao biết?
Nhớ làm chi những lời vĩnh biệt?
Nhớ làm chi hương ngải môi ai?
.
Có gì đâu vàng lá thở dài
Có gì đâu thu phong tức tưởi
Nhớ làm chi buồn lòng cô lữ
Có gì đâu dĩ vãng đã xa

2.
Có gì đâu chỉ là tiếng lá
Sao trong tôi động cả ngàn thu
Có gì đâu tím chiều phong lữ
Hồn tha hương mờ phủ sương mù
.
Cố nhân ơi chiều thu lữ thứ
Nhớ vườn xưa son đỏ môi hương
Thời đã qua ai người níu được?
Sao thu về vẫn nỗi thê lương
Tình đã qua làm sao giữ được?
Thu về chi ru khúc đoạn trường
.
Thu về chi vỡ bung ngăn nhớ
Bay mùi hương một thuở đam mê
Còn gì đâu rã rời phế phủ
Còn gì đâu bạc tóc não nề!
.
NGUYÊN LẠC


VÌ SAO GỌI LÀ ‘’MƯA NGÂU’’ , ‘’ÔNG BÀ NGÂU’’ MÀ KHÔNG GỌI THEO CÁCH KHÁC - LA THUỴ







VÌ SAO GỌI LÀ “MƯA NGÂU”, “ÔNG NGÂU BÀ NGÂU” MÀ KHÔNG GỌI THEO CÁCH KHÁC? - Phiếm luận của LA THUỴ


Hôm nọ, anh em khi trà dư tửu hậu có người thắc mắc vì sao gọi là “mưa ngâu”, vì sao gọi là gọi là “ông ngâu bà ngâu”. Tất nhiên, truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ được đưa ra để giải thích. Người thắc mắc lại hỏi vậy sao không gọi là “mưa ngưu”, “ông ngưu bà ngưu”. Một ông bạn cho rằng “ngâu” là cách đọc chệch chữ Ngưu. Thế là một ông bạn khác cười chế nhạo: “mưa ngưu” là “mưa trâu”“ông ngưu bà ngưu” là “ông trâu bà trâu” à !?!  Vì sao có sự đọc chệch như thế ? Mà vì sao không đọc chệch theo cách khác đi ?

Ông bạn khác lại cho rằng:
Gọi là “mưa ngâu”, “ông Ngâu bà Ngâu” vì loài hoa ngâu gắn liền với câu chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ từ xa xưa. Hoa ngâu mang ý nghĩa về một tình yêu thủy chung, với khát vọng tự do trong tình yêu.  Nhưng ông bạn lại không nêu được sự liên quan giữa Ngưu Lang Chức Nữ và hoa ngâu như thế nào trong truyền thuyết.




Tôi nghĩ ông bà của ta xưa gọi là “mưa ngâu”, “ông ngâu bà ngâu”chắc có lý do, mình thử tra tìm tiếng “NGÂU” trong chữ Nôm (chữ viết của ông bà ta hồi xưa) xem sao! Chữ Nôm vốn mượn âm và chữ của Hán Tự mà, nên chắc chắn có liên quan về cách viết, cách đọc thôi.

Vì thế, tôi mới mầy mò tra từ điển Hán Nôm mới biết chữ Nôm có tới 6 cách viết chữ Ngâu. Đó là âm đọc chữ Hán “ngưu” (trâu); kế tiếp là các chữ “ngưu” bộ mộc, bộ thảo; chữ “ngô” bộ mộc, bộ thảo; chữ “ngao” bộ mộc.


(Ảnh chụp một phần trang của quyển từ điển Hán Nôm của Vũ Văn Kính)


Xét 6 cách viết tiếng NGÂU theo tự dạng chữ Nôm, ta có:
 
1/ NGÂU là âm Nôm đọc chữ Hán “ngưu”   
NGƯU   chữ  Hán, còn có nghĩa là con bò, là sao Ngưu hay là họ Ngưu.
Trong truyện kiếm hiệp ‘Lục Tiểu Phụng’ của Cổ Long có nhân vật Ngưu Nhục Thang nghĩa nôm na là ‘canh thịt bò’. Người ta gọi con trâu là thủy ngưu để phân biệt với con bò là hoàng ngưu

2/ NGÂU là âm Nôm đọc chữ Hán “ngưu” có bộ thảo  䒜 : hoa ngâu.        
3/ NGÂU là âm Nôm đọc chữ Hán “ngô” có bộ thảo   : hoa ngâu.   
      
4/ NGÂU là âm Nôm đọc chữ Hán “ngô” có bộ mộc  𫉎 : hoa ngâu.

5/  NGÂU là  âm Nôm đọc chữ đọc chữ Hán “ngưu” có bộ mộc: Hoa ngâu

(Mời xem ảnh chụp một phần trang của quyển từ điển Hán Nôm của Vũ Văn Kính)

Hoa ngâu còn có tên là “mộc ngưu” ( )     
                        
6/ NGÂU là âm Nôm đọc chữ đọc chữ Hán “ngao” có bộ mộc: Hoa ngâu

(Mời xem ảnh chụp một phần trang của quyển từ điển Hán Nôm của Vũ Văn Kính)

* Ta thấy “vợ chồng Ngâu”, “mưa ngâu” đều viết bằng tự dạng chữ Nôm là  牛 (âm Nôm đọc chữ Hán “ngưu”)
- Riêng “hoa ngâu” đều được viết với âm Nôm có 5 tự dạng chữ Hán khác nhau: “ngưu” bộ mộc, chữ “ngưu” bộ thảo; chữ “ngô” bộ mộc, chữ “ngô” bộ thảo; chữ “ngao” bộ mộc
(Bộ thảo, bộ mộc dùng để chỉ về cây cỏ, nên viết về hoa ngâu là đúng quá)
 
* Thế thì tại sao NGÂU trong tự dạng chữ Nôm không có cách viết với chữ “ngưu” với bộ thủy (để có thể chỉ cơn mưa ngâu)?
 
Theo tôi nghĩ, đơn giản “mưa ngâu” có nghĩa là “mưa của vợ chồng ngâu”. Mưa rơi bắt nguồn truyền thuyết những giọt nước  mắt của “ông Ngâu bà Ngâu” rơi. Loại mưa này phụ thuộc về nhân vật trong truyền thuyết nên chữ viết phải theo tên nhân vật thôi. Và, Hán tự đã sẵn có chữ 水牛 (thủy ngưu) có nghĩa là con trâu (trâu nước), để phân biệt với hoàng ngưu là con bò.
Đã có chữ thủy ngưu là con trâu rồi thì mưa ngâu (‘chữ ngưu có bộ thủy’ làm chi có chỗ chen chân vào đây được!) khác với hoa ngâu viết với chữ ngưu” bộ mộc, hơn nữa hoa ngâu có tên Hán Việt là mộc ngưu

*
Như thế, xét theo chữ Nôm thì “NGÂU” trong các từ ngữ “mưa ngâu” và “ông Ngâu bà Ngâu” là do nói theo âm Nôm của từ Hán “ngưu” về nhân vật “Ngưu Lang”, 1 trong 2 nhân vật chính trong truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ. Hầu như ai cũng biết về truyền thuyết này - một chuyện tình cổ tích, trong đó, ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch hàng năm là ngày họ gặp nhau (qua chiếc cầu Ô thước - do đàn quạ nối đuôi nhau tạo thành chiếc cầu cho 2 người đến với nhau). Thật ra, Ngưu Lang (牛郎) và Chức Nữ (織女) không phải là họ tên (họ Ngưu, họ Chức; tên Lang, tên Nữ; cho dù trong xã hội có 2 họ này) mà là cách gọi căn cứ vào nghề nghiệp của họ. Ngưu Lang là chàng trai chăn trâu; Chức Nữ là cô gái dệt vải.

Nên, không phải như sự chế nhạo của ông bạn kia, “mưa ngưu” là “mưa trâu”“ông ngưu bà ngưu” là “ông trâu bà trâu”. Vì Ngưu Lang là chàng chăn trâu (chứ không phải là “chàng trâu”) nên “ông ngâu bà ngâu” là ông bà nhà chăn trâu (chứ không phải là “ông trâu bà trâu”), “vợ chồng Ngâu” là “vợ chồng nhà Ngưu Lang”
 




MƯA NGÂU là một loại mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 Âm lịch ở Việt Nam hàng năm. Trong dân gian Việt Nam có câu tục ngữ: “vào mùng 3, ra mùng 7”, nghĩa là mưa sẽ có vào các ngày mùng 3 đến mùng 7; 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch. Các cơn mưa thường không liên tục, rả rích, do vậy mới có cụm từ “trời mưa sụt sùi” để chỉ mưa ngâu.
 
Theo truyền thuyết thì Ngưu Lang và Chức Nữ chỉ gặp nhau một năm một lần vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch. Vào ngày ấy, bao giờ cũng mưa dầm dề, đó là nước mắt của cả Ngưu Lang lẫn Chức Nữ, sau khi hàn huyên tâm sự, họ lại khóc cho nên các cơn mưa mới không liên tục, lúc mưa, lúc tạnh. Nước mắt của họ rơi xuống trần gian hoá thành cơn mưa, đó chính là “mưa Ngâu”. Do vậy, người ta còn gọi Ngưu Lang Chức Nữ là “ông Ngâu bà Ngâu”.
 
Với lời giải thích: Gọi là “mưa ngâu”, “ông Ngâu bà Ngâu” vì loài hoa ngâu gắn liền với câu chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ từ xa xưa. Hoa ngâu mang ý nghĩa về một tình yêu thủy chung, với khát vọng tự do trong tình yêu. 
 
Tôi đã ra sức tìm trên mạng internet, tra cứu sách vở, thấy có lời giải thích giống như thế. Nội dung như sau:
“Hoa ngâu mang ý nghĩa về một tình yêu thủy chung, với khát vọng tự do trong tình yêu. Loài hoa ngâu gắn liền với câu chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ từ xa xưa. Là biểu tượng của một tình yêu chân thành, vĩnh hằng hoa ngâu khiến người ta khó có thể quên.”

Tuy nhiên, tôi hoàn toàn chưa thấy tình tiết cụ thể nào cho biết loài hoa ngâu gắn liền với câu chuyện tình yêu chung thủy của Ngưu Lang – Chức Nữ cả. Ví dụ như giọt nước mắt của ông bà Ngâu thấm vào đất làm mọc lên loài hoa ngâu chẳng hạn...

Tra cứu tự dạng chữ Nôm về hoa ngâu, thì có 2 cách viết chữ NGÂU có gốc Hán tự là “ngưu”. Đó là NGÂU có chữ “ngưu” bộ mộc và  NGÂU có chữ “ngưu” bộ thảo. Không rõ với tự dạng hai chữ Nôm này thì hoa ngâu có liên quan với Ngưu Lang Chức Nữ thế nào?





TÓM LẠI:
 
Những giọt nước mắt của Ngưu Lang - Chức Nữ rơi xuống trần thế trong đêm Thất Tịch ấy, dân gian chúng ta gọi là mưa Ngâu.
NGÂU trong cụm từ “ông Ngâu bà Ngâu”, “mưa ngâu” được viết theo tự dạng chữ nôm là   như NGƯU của Hán tự, Tiếng NGÂU này chính là nói theo âm Nôm đọc chữ Hán “ngưu”  牛 của nhân vật Ngưu Lang (牛郎) mà ra.
Vì “mưa ngâu” có nghĩa là “mưa của vợ chồng ngâu”. Mưa rơi bắt nguồn truyền thuyết những giọt nước mắt của “ông Ngâu bà Ngâu”rơi. Loại mưa này phụ thuộc về nhân vật trong truyền thuyết nên chữ viết phải theo tên nhân vật thôi. Các cơn mưa ngâu thường là loại mưa nhỏ nhưng rả rích suốt trong vài ngày.




Mưa Ngâu đã đi vào thơ ca, âm nhạc Việt Nam với hình ảnh đẹp và buồn. Mưa Ngâu có trong ca dao Việt Nam như:
 
Tục truyền tháng bảy mưa ngâu,
Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền
...Tháng sáu lo chửa kịp tiền
Bước sang tháng bảy lại liền mưa Ngâu
Tháng bảy là tháng mưa Ngâu
Bước sang tháng tám lại đầu trăng thu...

Tháng năm tháng sáu mưa dài
Bước sang tháng bảy tiết trời mưa Ngâu
Nhớ ai như vợ chồng Ngâu
Một năm mới gặp mặt nhau một lần.
                                           (Ca dao)
 
Nhà thơ Trần Tế Xương có bài “Mưa tháng bảy” được làm theo thể thất ngôn bát cú:
 
Sang tuần tháng bảy tiết mưa ngâu
Nắng mãi thì mưa cũng phải lâu.
Vạc nọ cầm canh thay trống mõ,
Rồng kia phun nước tưới hoa màu.
Ỳ ào tiếng học nghe không rõ
Mát mẻ nhà ai ngủ hẳn lâu.
Ông lão nhà quê tang tảng dậy
Bảo con mang đó chớ mang gầu.

Hay bài thơ song thất lục bát “Vợ chồng ngâu”
 
Tục truyền tháng bảy mưa Ngâu,
Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền.

Một là duyên, hai thời là nợ,
Sợi xích thằng ai gỡ cho ra?
Vụng về cũng thể cung nga,
Trăm khôn nghìn khéo chẳng qua mục đồng.
Hay là sợ muộn chồng chăng tá?
Hơi đâu mà kén cá chọn canh!
Lấy ai, ai lấy cũng đành,
Rể trời đâu cả đến anh áo buồm.
                          Trần Tế Xương
 
Trong tân nhạc, nhạc sĩ Lam Phương cũng mượn câu chuyện này để viết ca khúc “Thu Sầu”, ông viết “Người từ nghìn dặm về mang nỗi sầu, nhịp cầu Ô Thước tìm đến mai sau...”
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong cũng nhắc tới “mưa ngâu” trong nhạc phẩm nổi tiếng “Giọt mưa thu”:
“Đến bao năm nữa trời, vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu...”
Mưa Ngâu cũng đã được lấy làm tên cho một bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng, bài Mưa Ngâu“...giọt mưa Ngâu hay là nước mắt ai nhớ nhau...”
 
Cũng giống như ngày lễ Valentine của Phương Tây, ngày thất tịch (mồng 7 tháng 7) cũng là ngày dành cho những người yêu nhau ở một số nước Á Đông





Tuy nhiên, đi kèm theo đó là nhiều lễ hội mang ý nghĩa tâm linh nhiều hơn. Ngày này tại Việt Nam được gọi là ngày “ông Ngâu bà Ngâu”.
Đêm Thất tịch, chòm sao Chức Nữ sẽ sáng vô cùng và người ta tin rằng hai người yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu Lang-Chức Nữ trong đêm 7/7 âm lịch thì sẽ mãi ở bên nhau.


Trong những ngôi sao đẹp nhất trên bầu trời mùa hạ, có ngôi sao Chức Nữ (phía bên trái), và ngôi sao Ngưu Lang (ở giữa bên dưới) đang tỏa sáng, nhưng lại cách nhau xa vời vợi (Ảnh của cục Hàng Không Châu Âu)


Thông tin trên báo Thanh Niên cho biết, ngày 7/7 âm lịch hàng năm tại các nước Châu Á được chọn làm ngày Tình Yêu.
Tại Trung Quốc, ngày này được gọi là Lễ hội Qixi, Nhật Bản có Tanabata, Lễ hội Chilseok ở Hàn Quốc thì khi du nhập vào Việt Nam nó thành Ngày Thất tịch.
 
Mùa dịch Covid, suốt ngày chỉ ngồi bó gối ở nhà vì hạn chế ra đường, đi lại. “Rảnh rổi sinh nông nổi”, nên tôi viết lếu láo đôi dòng lạm bàn, nếu có gì sai sót xin quý bác bỏ qua.

 
                          LA THUỴ


Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

CHỈ LÀ PHÙ DU THÔI - THƠ HOA VĂN

 




CHỈ LÀ PHÙ DU THÔI       



Cuộc đời hoa bướm phù hư cả

Cái có bây giờ mai cũng qua

Muốn giữ làm sao ta giữ được

Tiếc chi trời đất lúc trăng tà

 

Gặp người đã mấy mùa sương gió

Tình vẫn như tình ngọn cỏ khô

Ai gọi đời nhau trong gió dữ

Những âm thanh vỡ cuối chân bờ

 

Ở đây cũng giống muôn ngàn chỗ

Cũng giận vui buồn cũng dửng dưng

Còn những âm rơi vàng võ nhớ

Bước đi không thấy được vô cùng

 

Tình chỉ có em tình đã sáng

Bài thơ còn dở đã vuông vần

Viết gì cho hết đời rêu đá

Sao lại ngập ngừng mỗi bước chân

 

Mai mốt thâm tình còn đẹp mãi

Hay là sương sớm phủ ân xưa

Ví như tắt lịm đôi bờ sống

Tiếng gọi muôn thu để lũy thừa

 

Có gặp gỡ thêm đời cũng muộn

Chẳng đi cũng đến được chân cầu

Còn gì ta giữ trong lòng bạn

Lối gió cũng còn những bể dâu

 

Còn chi để lạc trong hồi tưởng

Tiếc nuối đường xa chiều đã tàn

Người hỡi có se lòng sắt dạ

Vì đời trăm nỗi những ly tan

 

Có em như thế đời như đủ

Còn lối nào quên lạc dấu về

Một chút ân tình thời buổi khó

Nghe đời thăm thẳm giọt sương khuya


Xin gửi em xưa lời mộc mạc

Thơ buồn lòng có nhúm nhen vui

Chỉ là dấu tích tình tri kỷ

Để lại đời nhau những ngậm ngùi.


                                         HOA VĂN 

                                                                                                                                                                                     

TỪ LÚC BỎ HOÀNG CUNG, THƠ HÁI TÚ HẠP- NHẠC PHAN NI TẤN







          TỪ LÚC BỎ HOÀNG CUNG
Thơ : Thái Tú Hạp. Nhạc : Phan Ni Tấn Trình bày : Mạnh Tuấn. Hòa âm : Quang Đạt.

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

THƯƠNG NHỮNG NGÀY MƯA CUỐI - THƠ NGUYỄN AN BÌNH

 




THƯƠNG NHỮNG NGÀY MƯA CUỐI



Mưa nhòa sau lớp kính

Tôi một mình lặng yên

Nghe ẩm ương mùi phố

Nhớ khoảng trời rất riêng.



Chênh chao ngày cuối năm

Ẩn vết chàm nhật thực

mảnh ghép vỡ vô tình

lạc trôi vào ký ức.



Hoa đời ai đánh tráo

Như mới ngày hôm qua

Cho hồn tôi nương náu

Hát một khúc tình ca.



Mưa một thời thanh xuân

Bỏ quên ngoài quán vắng

Bao mắt lá me xanh

Vương theo tà áo trắng.



Lũ sẻ bay đi mất

Qua vùng trời bình yên

Đâu hay xuân chín đỏ

Sợi tóc hiền hồn nhiên.



Có những ngày mưa cuối

Ướt mềm cả gối chăn

Người hay tôi thiếp ngủ

Quên mất mùa trăng tan.



NGUYỄN AN BÌNH


Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

TẠP NHẠP THI - THƠ CHU VƯƠNG MIỆN

 




TẠP NHẠP THI


-

Nơi sòng bài con đen con đỏ

Nơi phố phừờng lầu đỏ lầu xanh

Quang Dũng trụ Phù Lưu Chanh

Văn Cao ở góc Hàng Kênh Cánh Gà

Quá tài hoa nghiêng thùng đổ nước

Mà gian nan đến trật đường rầy

Cũng đành ngừời đó ta đây 

Ngất ngư cả kiếp dở say ven đời

Rồi Tây Tiến 1 thời lửa đạn

Hết Thượng Lào hoạn nạn lia chia

5 năm Mường Lát Mường Tè

Măng giang măng trúc măng le suối ngàn

Mơ thanh bình hoa mua nở mãi

Nơi vùng cao còn mải nhớ quê

Tổng Phùng Bất Bạt 3 Vì

Hắc giang Tần Lĩnh Tản Đà còn đây 

Trời lẫn núi và mây vần vũ

Đất Viên Chăn mà ngỡ Sơn Tây

Cuối mùa cánh vạc còn đây

Đừng lên khấp khuỷu lá bay ngập đèo

-

Có mợ thì chợ vẫn đông

O mợ cũng chả ai trông mợ về [*]

Chuyện trận gío bên hè thổi mãi

Vườn 3 tiêu cành lại xác xơ

Thu phong từ đó tơí giờ

Vườn hoang nhà trống lặng lờ thế thôi ?

Chuyện dòng sông tứ thời chẩy mãi

Cứ 1 chiều thoải mái về xuôi

Xưa nay ngừoi vẫn phụ người

Ăn cháo đá bát muôn đời còn nguyên

Bao năm nước chẩy đá mòn

Nam tào bắc đẩu vẫn còn bơ vơ

Cổ nhân từ đó tới giờ

Công thành thân thoái sờ sờ còn đây

Gà ăn thóc “xong “ ị ngay tô thóc

Chim no rồi lần lượt bay lên

Chuyện đời trước lạ sau quen

Thân tình quên được là quên mất rồi

Vua cùng quan nhất thời còn đó

Vinh quang gì ? làm cụ trong dân

Thường ra nước vẫn chở thuyền

Đôi khi chuyển gió dìm “ thuyền “ như chơi ?



CHU VƯƠNG MIỆN

[*]

Ca dao kéo dân gian