CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

MƯA KHUYA - TỪ KẾ TƯỜNG



Tranh của Hồng Ngọc


 

MƯA KHUYA

Nửa đêm mưa trút xuống. Đầu tiên là âm thanh của gió lướt qua cửa sổ, tiếng lá vẫy mạnh va chạm cả vào bờ tường, rồi tiếng những giọt mưa gõ nhịp xuống mái nhà thành âm điệu rào rào như đánh thức cả ký ức. Cơn mưa rất lớn, kéo dài cho tới sáng nay. Khi đầu ngày mở lên qua cửa sổ cho thấy một khoảng trời mù đục, những giọt mưa vẫn còn gõ nhịp thật buồn vào lòng sớm mai. Một đêm dài nửa đã qua để nối tiếp những ngày của tháng 5 còn ở phía trước.
Tôi thức dậy từ lúc nghe mưa đổ xuống, căn phòng vắng lạnh lờ mờ hắt vào ánh đèn treo tường nhợt nhạt đủ để nhìn thấy những đồ vật quen thuộc và một người đàn ông cô độc suốt những năm tháng dài bỗng trở nên lạ lùng không còn nhận ra mình. Tôi có khác chi nhánh lá bồ dề sống bám trên bức tường ngôi nhà thấp thoáng ngoài cửa sổ bằng những cái rễ cố sức bám chặt vào những vụn cát trộn với xi măng chết để hút bụi đất, những vụn sương và nước mưa níu giữ khoảnh khắc của đời mình trong cơn mơ của vùng ký ức vùi sâu nhưng chưa được xóa hết.
Có những cơn mưa khuya rất âm thầm, lặng lẽ, chỉ nghe những giọt nước rơi xuống từ một khoảng không mịt mờ gõ nhịp thật buồn. Nhưng đêm qua, cơn mưa kèm với giông gió, cuồng nộ, bức bối. Những cơn gió len qua khoảng trống nào đó của ngôi nhà, có lẽ từ vườn sau và cả sân trước luồn vào những khoảng cách thông gió va đập vào cửa phòng thành những nhịp rung như tiếng gọi cửa. Đêm giữa khuya, mưa gió đầy trời, làm gì có ai đó sẽ trở về. Đó chỉ là ám ảnh của người đàn ông cô độc trong căn phòng vắng lạnh giữa mưa khuya.
Chợt thấy chạnh lòng với năm tháng đã qua và những ngày sắp tới.
Có ai về giữa mưa khuya
Nhịp chân nào đã chia lìa bấy lâu
Tay mình làm gối ngả đầu
Giả vờ nhắm mắt u sầu lãng quên...

TỪ KẾ TƯỜNG


CỔ ĐIỂN - THƠ PHẠM QUANG TRUNG

 


foto by Đình thắng
model Tâm Huệ Như


CỔ ĐIỂN
giọt mưa sa mái rêu đình
một tiếng chuông vọng mối tình cổ thư
cánh hoa nở trắng thiên thu
bay đi hồn bướm lãng du một thời
hôm về ngự sắc kim bôi
nhặt xưa thế kỷ bồi hồi nhớ nhau
hôm đi chưa kịp lời chào
mà xa xôi quá tan màu áo em
giọt mưa rơi bệ chân thềm
một câu kệ run hồn đêm tình cờ
mùi dạ lý ủ tình thơ
án thư giấy bút hững hờ mực khô
sân ngoài lá rụng mơ hồ
chìm tan sương khói bên hồ đình nghi
hôm đi tiễn biệt làm gì
để mưa thu xóa kinh kỳ ngàn sau



PHAMQUANGTRUNG

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2023

NHÌN LẠI ĐỜI MÌNH - THƠ KHA TIỆM LY

 


MƯỢN HỒN - THƠ PHẠM QUANG TRUNG



 

MƯỢN HỒN

em nghĩ gì buổi sớm nay
ngày trong xanh mây trắng bay trên trời
ở dưới phố có mình ơi
ghé đây chờ gió trùng khơi thổi đầy
mùi biển mặn muối ngây say
ở trong nắng hoa lại gầy lạ chưa
yêu một Đà Nẵng sao vừa
vì dung nhan hạ chợt oà vỡ tim
vì con ốc nhỏ mê tìm
mượn hồn ai đó ẩn chìm xác thân
dù mai mỏi mệt đường trần
thì xin ghi khắc dấu chân cát hồng


PHAMQUANGTRUNG
từ Đà Nẵng

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

THƠ HAI CÂU - PHAN NI TẤN

 



Mời đoc thơ học trò, được tìm thấy lại trong lớp bụi thời gian. Thuở ấy, thơ còn học trò nên thơ rất ngắn.

THƠ HAI CÂU

HÁi
Hái một chút nắng trong hoa
cái hoa nắng nở rất xa quê người
XA
Xa quê thất lạc môi cười
cho dù nhấp giọng cũng đời nào ngân
RẰM
Hôm qua trăng rằm thật gần
soi câu lục bát tần ngần nhớ ai
CHIM
Chim sai nhịp hót tràng dài
tiếc giọng lảnh lót rớt ngoài biển dâu
MÀU
Áo nhăn thời buổi cơ cầu
giặt không phai nỗi cái màu tich liêu
THEO
Tưởng đi bỏ lại trong chiều
mùi hương thương nhớ cũng liều bước theo
QUÊN
Người đi lên phía cheo leo
bỏ quên trớt miếng trăng treo rất rằm
ĐÒ
Xuống đò con sáo sang ngang
ai như người nghĩa thở than mộng ngoài
SOI
Soi em dòng tóc thơm hoài
soi tôi trăng chảy miệt mài nẻo xa
HỎI
Hỏi em xưa ở bên nhà
hồn anh hồi trẻ nay đà ở đâu?
BAY
Hồi trẻ hồn em bay mau
bây giờ chắc cũng bể dâu với đời
NGHE
Nghe mưa nặng hạt ngoài trời
nhớ người năm cũ nói lời biệt ly
THẤY
Thấy gì trong mắt mưa bay
thấy hồ như phượng đã gầy hơn xưa
LƯỢM
Thò tay lượm lặt trong thơ
mấy câu lục bát bơ vơ giữa rằm
DẶM
Dặm thơ trải suốt trăm năm
cũng không bằng tiếng em thầm thì anh.

PHAN NI TẤN

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2023

VỌNG CỐ NHÂN - THƠ THẾ LỘC

 



Chân thành cảm ơn nhà thơ Thế Lộc đã tặng sách

VỌNG CỐ NHÂN

Huế xưa áo trắng ngập đường
Huế giờ áo trắng chỉ mường tượng thôi
Huế xưa chừ đã xa rồi
Sông hương còn đó nước trôi vội vàng

Mấy mươi năm đã sang trang
Người đi kẻ đến mơ màng Huế xưa
Huế ơi có biết hay chưa
Tôi mới trở lại cũng vừa ra đi

Xin lỗi Huế
Huế hôm ni
Tôi người năm cũ ra đi quên chào

12/5/2018
THẾ LỘC


Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

XUÂN XƯA CÒN ĐÓ...- THƠ MẶC PHƯƠNG TỬ

 




XUÂN XƯA CÒN ĐÓ...

Thân tặng anh Lộng Chương ,Lê t.m.Khoa, cùng quí thi hữu.


Hơn mười năm trước, bạn mình ơi

Xao xác vườn xưa vỡ tiếng cười !

Tâm sự chén trà bên chái bếp

Câu thơ chiu chắt dưới hiên đời.

Mới hay mấy độ trăng sao trót...

Chừng đã bao mùa mây nước trôi !

Năm tháng dần xoay muôn thế sự,

Niềm riêng còn lại chuyện ta người.

Ta người giờ đã nắng chiều phai

Từng bước theo nhau bóng đổ dài.

Sông nhớ đôi bờ mùa cổ độ,

Đàn gieo mấy nhịp khách chương đài.

Đá phong dấu tạc cùng dâu bể,

Lòng sắc son ghi với tháng ngày.

Một cội tùng già xanh biếc núi,

Xuân xưa còn đó cánh vàng mai.


Florida, Tampa, 26/7/2023.

MẶC PHƯƠNG TỬ.


Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2023

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 101 : TIN TINH TÒNG TÔ TỐ. - ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 



THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 101 :  

                      TIN TINH TÒNG TÔ TỐ

                           

                                               Tin Nhạn

      TIN NHẠN chữ Nho là NHẠN TÍN 雁信 là tin tức do chim hồng nhạn đưa đến. Theo tích sau đây :
      TÔ VÕ 蘇武(140 — 60 Trước Công Nguyên)tự là Tử Khanh 子卿, làm quan dưới triều Hán Vũ Đế. Thiên Hán Nguyên niên (Năm 100 trước CN) Tô Võ phụng mệnh đi sứ Hung Nô, vua Hung Nô là Thiền Vu mến tài muốn chiêu hàng. Tô chẳng khứng, nên bị đày ra Bắc Hải chăn dê. Thiền Vu phát cho một đàn dê đực và phán rằng : Khi nào dê đực đẻ con thì sẽ cho về ! Lại không phát thực phẩm, bắt Tô phải tự mưu sinh trong vùng băng tuyết giá lạnh không một bóng người. Tô phải ăn tuyết nằm sương, chịu đói chịu lạnh suốt 19 năm trường, vẫn giữ vững khí tiết. Tay luôn chống cây cờ mao của vua ban, chỉ còn các tua và cán cờ. Nhân thấy vào mùa đông chim hồng nhạn bay về hướng nam để tránh lạnh, bèn viết thơ buộc vào chân chim rồi thả cho bay về đất Hán. Sau nhà Hán và Hung Nô thay đổi chính sách ngoại giao hòa hoãn hơn. Vua Hán hỏi Tô Võ, chúa Hung Nô nói dối là Tô Võ đã chết . Vua Hán đưa thư của Tô Võ gởi về. Chúa Hung Nô đành thả Tô Võ về nước. Bấy giờ đã là năm thứ 6 đời Hán Chiêu Đế (năm 81 trước Công Nguyên). TÔ VÕ được xưng tụng như là một biểu tượng của sự Trung Quân Ái Quốc, và thành ngữ TÔ VÕ MỤC DƯƠNG 蘇武牧羊 là TÔ VÕ CHĂN DÊ dùng để chỉ những ai dù trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào cũng vẫn giữ vững lập trường không thay đổi. Và...

      TIN NHẠN sau dùng rộng ra để chỉ tất cả những tin tức về thư từ qua lại. Như trong Truyện Kiều, Tú Bà đã dạy cho Thúy Kiều những mánh lới để câu khách trong đó có câu :

                              TIN NHẠN vẩn, lá thư bài,
                     Đưa người cửa trước, rước người cửa sau.

       Trong truyện thơ Nôm khuyết danh Nữ Tú Tài kể lại truyện trong Kim Cổ Kỳ Quan cũng có câu :

                         Tuấn Khanh đương tiệc tưng bừng,
                       Đã nghe TIN NHẠN bay chừng tới nơi.

      Trong "Cung Oán Ngâm Khúc" của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, đoạn diễn tả nỗi buồn của nàng cung nữ tủi thân trách phận vì thất sủng, lòng mong mỏi đón chờ tin tức của đấng quân vương cũng có câu:

                   Ngày sáu khắc mong TIN NHẠN vắng
                   Ðêm năm canh lắng tiếng chuông rền
                   Lạnh lùng thay giấc cô miên
                   Mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u"




     
        Không gọi là TIN NHẠN thì có thể gọi là TIN HỒNG, vì HỒNG cũng nằm trong tên kép của HỒNG NHẠN 鴻雁 cùng là một loại vịt trời bay từ bắc xuống nam khi đông về và bay ngược trở về bắc khi mùa xuân đến, mà người ta hay dùng để đưa thư khi cần thiết. Như trong Truyện Kiều, khi đã tiễn Từ Hải ra đi lập nghiệp, Thúy Kiều ở lại vò võ một mình trông ngóng :

                       CÁNH HỒNG bay bổng tuyệt vời,
                   Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.

      CÁNH HỒNG ở đây vừa chỉ chí lớn bay cao bay xa của Từ Hải, vừa bày tỏ lòng mong ngóng tin tức của Thúy Kiều đối với người anh hùng lên đường làm việc lớn.

      Trong nhóm thơ Nôm của truyện "Lâm Tuyền Kỳ Ngộ", còn gọi là truyện "Bạch Viên Tôn Các" thì có câu :

                         Cách trở bấy lâu đã mấy đông,
                     Trông chừng vắng vẻ diễn TIN HỒNG.
 
         TIN HỒNG hay THƯ HỒNG hay TIN CÁ đều có cùng một nghĩa là Tin tức do thư từ đưa đến, cũng trong truyện Lâm Tuyền Kỳ Ngộ lại có câu :

                     Trao mượn THƯ HỒNG muôn nẻo tới,
                     Ngóng trông TIN CÁ luống ngày qua.

      TIN CÁ là Ngư Tín 魚信. Theo Hán. Thái Ung 漢·蔡邕: Trong bài thơ "Ẩm Mã Trường Thành Quật hành 飲馬長城窟行" có câu : Khách tòng viễn phương lai, Di ngã song lý ngư, Hô nhi phanh lý ngư, Trung hữu xích tố thư 客從遠方來,遺我雙鯉魚。呼兒烹鯉魚,中有尺素書。 Có nghĩa : Khách từ phương xa đến, để lại cho ta hai con cá chép, gọi trẻ nấu cá chép, trong bụng cá chép có tờ thư. Từ tích trên nên TIN CÁ cũng có nghĩa là Tin Thư. Kết hợp với chim hồng nhạn ở trên, ta có thành ngữ BÓNG CHIM TĂM CÁ, như khi Kim Trọng đã thi đậu làm quan rồi muốn đi tìm Thúy Kiều, nhưng ...

                        Nghĩ điều trời thẳm vực sâu,
                   BÓNG CHIM TĂM CÁ biết đâu mà tìm !?



      TIN SƯƠNG là SƯƠNG TÍN 霜信. Theo《Mộng Khê Bút Đàm 夢溪筆談》của Thẩm Quát đời Tống 宋. 沈括 : Phương bắc có một loài Bạch Nhạn, nhỏ hơn Hồng Nhạn, lông màu trắng, cuối thu thì bay đến, khi bay đến thì trong một hai ngày sương sẽ giáng xuống ngay. Người Hà Bắc gọi là SƯƠNG TÍN. Đỗ Phủ cũng có thơ rằng : Cố quốc sương tiền bạch nhạn lai 故國霜前白雁來. Có nghĩa : Nơi quê cũ cứ trước khi sương giáng thì có bạch nhạn bay đến. Trong văn học cổ dùng rộng ra, nên TIN SƯƠNG cũng có Ý nghĩa như là TIN NHẠN vậy. Trong Truyện Kiều, khi Thúy Kiều đã quyết định bán mình chuộc tội cho cha thì tin tức được đồn lan rộng ra ngay :

                     Sự lòng ngỏ với băng nhân,
                 TIN SƯƠNG đồn đại xa gần xôn xao.

     Khi ở lầu Ngưng Bích nhớ đến Kim Trọng, Thúy Kiều cũng đã :

                       Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
                    TIN SƯƠNG luống hãy rày trông mai chờ.

     Còn trong Hoa Tiên Truyện của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện cũng có câu :

                           Đình mai đã lọt TIN SƯƠNG,
                    Rèm Tương khách hãy mơ màng bán mê.

      TINH KIỀU 星橋 : TINH là SAO; KIỀU là CẦU; Nên TINH KIỀU là Cầu được bắt bằng các ngôi sao. Tương truyền vào đêm Thất Tịch (Mùng 7 tháng 7 Âm lịch) nhìn lên dãy Ngân Hà trên trời, ta thấy sao sáng lấp lánh, đó chính là chiếc cầu do các con chim ô thước (chim khách) bắc ngang qua sông cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau sau một năm xa cách. Trong truyện thơ Nôm khuyết danh Bích Câu Kỳ Ngộ có câu :

                    Ả Hằng ví nặng lòng yêu,
               Vén mây mở lối TINH KIỀU mới nao !

      Vì chiếc cầu là do chim Ô Thước bắc, nên còn được gọi là CẦU Ô. Như trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Phạm Tải Ngọc Hoa" (còn có tên là PHẠM CÔNG CÚC HOA) có câu :

                       Đưa thơ tính đã nhiều lần,
                 CẦU Ô rắp bắc sông Ngân cùng nàng.

      Còn trong truyện thơ "Lâm Tuyền Kỳ Ngộ" thì gọi bằng CẦU THƯỚC :

                  CẦU THƯỚC phen nầy thênh dịp bước,
                  Tấc gang riêng giữ nghĩa chung tình.




      TINH KỲ 星期 là Kỳ hạn giữa các vì sao, vốn để chỉ đêm mùng bảy tháng bảy là đến kỳ hạn gặp gỡ giữa sao Ngưu và sao Nữ. Sau dùng rộng ra chỉ chung những ngày có các vì sao tốt để trai gái kết hôn. Nên TINH KỲ là ngày lành tháng tốt đã được chọn sẵn để cưới hoặc gã. Như khi Thúy Kiều đã bán mình cho Mã Giám Sinh và khi "Tiền nong đã có việc gì cũng xong" thì :

                     Việc nhà đã tạm thong dong,
                  TINH KỲ giục gĩa đã mong độ về.

     Còn TINH KỲ 星期 hiện nay có nghĩa là TUẦN LỄ, Nhất Cá Tinh Kỳ 一個星期 là Một Tuần lễ. Tinh Kỳ Nhật 星期日 là ngày Chúa Nhật; Tinh kỳ Nhất 星期一 là ngày Thứ Hai; Tinh Kỳ Nhị 星期二 là ngày Thứ Ba... cho đến Tinh Kỳ Lục 星期六 là ngày Thứ Bảy.

     TINH SƯƠNG 星霜 : TINH 星 là chỉ các vì sao di chuyển theo mùa; SƯƠNG 霜 là mù sương, mỗi năm chỉ có một mùa sương giáng; Nên TINH SƯƠNG 星霜 cũng như TUẾ NGUYỆT 歲月 chỉ Ngày tháng lần lữa trôi qua, như trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan :

                   Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
                   Đến nay thắm thoát mấy TINH SƯƠNG.
                   Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
                   Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

      TINH SƯƠNG 星霜 cũng được dùng như TINH KỲ 星期 và TIN SƯƠNG chỉ "Ngày lành tháng tốt" để tiến hành giá thú cưới gã, như trong Truyện Tây Sương :

                          Bước vào làm lễ tức thì,
                 Giải tình vân thụ, tính kỳ TINH SƯƠNG.

      TINH SƯƠNG 星霜 còn là SAO với SƯƠNG, là SƯƠNG SAO, như trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của nữ sĩ Đoàn Thị Điễm diễn Nôm, tả người chinh phụ nhớ thương trông ngóng chồng hết năm nầy qua năm khác :

                     Nhớ chàng trải mấy SƯƠNG SAO,
                   Xuân từng đổi mới, đông nào có dư !



      
        TINH VỆ 精衛 : Tên một loài chim ngoài biển. Theo thần thoại Trung Hoa thời thượng cổ :
        Con gái của Viêm Đế 炎帝 thuộc Thần Nông Thị 神農氏 là Nữ Oa 女娃 (Trung Hoa cổ xưa gọi các cô gái chưa chồng là Nữ Oa, như ta gọi các cô gái con của vua Hùng là Mỵ Nương vậy). Trong một lần đi chơi ở biển đông, Nữ Oa đã bị chết đuối bởi một trận ba đào cuồng nộ. Ức lòng vì chết trẻ, hồn Nữ Oa đã hóa thành con chim Tinh Vệ, hàng ngày tha sỏi đá cỏ cây để lắp bằng biển đông cho hả giận.
      Trong Truyện Kiều lúc lập đàn tế Thúy Kiều trên sông Tiền Đường, cụ Nguyễn Du cũng đã mượn tích nầy để tả nỗi oan khiên của Thúy Kiều:

                          Tình thâm bể thảm lạ điều,
                   Nào hồn TINH VỆ biết theo chốn nào?

      Trong truyện Sãi Vãi, khi bàn về chữ Muốn, cụ Nguyễn Cư Trinh cũng cho ông Sãi nói rằng:

                          Đá TINH VỆ  sãi muốn lắp sao cho cạn biển,
                          Đất nghỉ phù sãi muốn đắp để nên non.       
  



       
       TÒNG QUYỀN 從權 : là nói gọn lại của thành ngữ PHẢN KINH TÒNG QUYỀN 反經從權. PHẢN Có nghĩa là Đi ngược lại; KINH là Cái mẫu mực thông thường mà ta phải theo. TÒNG là Theo, QUYỀN là Quyền biến. Nên PHẢN KINH TÒNG QUYỀN có nghĩa là thay đổi khác với đạo thường lúc gặp cơn nguy biến. Nên lúc ngộ biến thì phải tòng quyền, tức là gặp lúc khó khăn ngặt nghèo thì phải biết ứng phó cho qua chớ không cố chấp câu nệ tiểu tiết gì cả ! Như trong truyện thơ Nôm khuyết danh NỮ TÚ TÀI, Cảnh Tiểu thư phải lòng Tú Tài Tuấn Khanh, nhưng không biết phải hành xử như thế nào :

                       Ruột tằm bối rối nào yên,
               Bồi hồi chưa định KINH QUYỀN làm sao.

      Sau đó thì Phú Ông, chú của Cảnh Tiểu thư đã nói với Tuấn Khanh :

                      "Thấy chàng công tử sĩ hiền,
               "Dám xin hạ cố TÒNG QUYỀN nên chăng ?

      Và Tuấn Khanh đã đưa tín vật để đính hôn với Cảnh Tiểu thư :

                  "Gọi là tiểu lễ TÒNG QUYỀN,
            "Trao người đành dạ, tôi xin khởi trình.

      Tuấn Khanh đi gặp Ngụy Soạn Chi để nói rõ sự tình nữ cải nam trang của mình :

                Tuấn Khanh việc rõ TÒNG QUYỀN,
                Đổi thay quần áo như in mọi ngày.

      Cuối cùng là lời giải thích của Tuấn Khanh với Cảnh Tiểu thư :

                  Tuấn Khanh rằng :"phận nữ nhi,
           "CHẤP KINH QUYỀN cũng phải tuỳ mới thông...

      Còn trong Truyện Kiều, sau khi sai nha đã trói Vương Viên Ngoại và Vương Quan lại để khảo tra, thì Thúy Kiều đã cân nhắc :
 
                     Sao cho cốt nhục vẹn tuyền,
             Trong khi ngộ biến TÒNG QUYỀN biết sao?




      
      Trở lại với truyện TÔ VÕ MỤC DƯƠNG 蘇武牧羊 là TÔ VÕ CHĂN DÊ dùng để chỉ những ai dù trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào cũng vẫn giữ lòng trung thành và giữ vững lập trường không thay đổi. Trong văn học cổ của ta gọi TÔ VÕ là TÔ CÔNG như trong thơ của nhà vua Trần Trùng Quang :

                   Thói tinh chiên Hồ tặc chỉn hăm,
                   Gan thiết thạch TÔ CÔNG dễ đổi !?

      Còn danh sĩ Hoàng Sĩ Khải trong Tứ Thời Khúc Vịnh thì gọi là TÔ KHANH :

                   Chí khí trai TÔ KHANH thờ Hán,
                   Mười chín thu một cán cờ không.

      Còn trong "Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh" của cụ Nguyễn Du thì lại gọi là TÔ LANG :

             TÔ LANG nằm lỗ giá ăn sương, ruột sầu rười rượi;
             Châu Dị thấy hột cơm bám má, lòng tiếc ngùi ngùi.

      TÔ TẦN 蘇秦 (? - 284 Trước Công Nguyên) tự là Qúy Tử 季子. người đất Lạc Ấp thời Đông Châu ( Lạc Dương, Hà Nam ngày nay). Ông là học trò của Qủy Cốc Tử. Sau khi học thành tài, đi du thuyết các nước mấy năm đều thất bại. Trở về nhà, vợ vẫn ngồi dệt trên khung cửi không mừng đón; Chị dâu không dọn cơm cho ăn; Cha mẹ không thèm ngó ngàn hỏi han gì tới. Tô Tần cảm thán rằng :"Vợ không xem ta là chồng, Chị dâu không xem ta là em chồng; Cha mẹ không xem ta là con; lỗi đều tại Tô Tần ta hết thảy !". Bèn đóng cửa lấy hết sách ra để học lại, khổ đọc sách Âm Phù của Thái Công; Mỗi khi buồn ngủ, bèn dùng cây dùi nhọn đâm vào đùi cho tỉnh ngủ để học tiếp. Sau ba năm lại đi du thuyết các nước, đưa ra phép "Hợp Túng" liên kết 6 nước Yên, Triệu, Hàn, Ngụy, Tề, Sở lại để chống nước Tần. Tô Tần được 6 nước phong làm Túng Ước Trưởng 縱約長 đeo ấn Tể Tướng của 6 nước. Vinh quy bái Tổ với tiền hô hậu ủng khí thế chẳng thua một bậc vương hầu nào cả. Cha mẹ nghe tin đi đón ngoài ba mươi dặm đường; Chị dâu bò bên lề đường để tiếp đón; Còn vợ thì hổ thẹn cúi gầm mặt xuống không dám nhìn thẳng mặt chồng. Tô Tần lại rất cảm khái mà nói rằng :"Nếu ta có được hai khoảnh ruộng ở Lạc Dương (thì đã sống yên thân rồi), làm sao có được Ấn Tướng Quốc của sáu nước ?! Bần cùng thì đến cha mẹ cũng không nhìn con, còn phú qúy rồi thì đến thân thích cũng đâm ra nể sợ". Tích nầy đưa đến thành ngữ TIỀN CỨ HẬU CUNG 前倨後恭; Có nghĩa " Trước thì khinh khi ngạo mạn, sau thì khép nép cung kính". Trong thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu :

                     Kia nẻo TÔ TẦN xuân thuở trước,
                     Chửa đeo tướng ấn ai chào ?!

      Trong tác phẩm SÃI VÃI của cụ Nguyễn Cư Trinh, khi cho ông SÃI luận về chữ SỢ có những câu như sau :

           ... Sợ sắc tốt, hại người Sùng phải luỵ; 
               Sợ báu kỳ, vu gã Viện mắc nàn.
               Chị dâu sợ em vì sáu cái ấn vàng;
               Tôi hiền sợ giặc vì một đôi ngọc trắng.




      
       TỐ NGA 素娥 Còn gọi là HẰNG NGA 姮娥, THƯỜNG NGA 嫦娥. Có xuất xứ từ bài Nguyệt Phú 月賦 của Tạ Trang 謝莊 đời Tống; có câu : Thường Nga thiết dược bôn nguyệt, nguyệt sắc bạch, cố vân TỐ NGA 嫦娥竊藥奔月,月色白,故云素娥. Có nghĩa : Thường Nga vì trộm thuốc mà bay lên cung trăng, vì trăng màu trắng, nên gọi là TỐ NGA (TỐ là màu trắng, là tinh khiết, là nguyên chất). Nên...
       TỐ NGA 素娥, HẰNG NGA 姮娥, THƯỜNG NGA 嫦娥 vừa dùng để chỉ MẶT TRĂNG, vừa dùng để chỉ NGƯỜI ĐẸP. Như trong Truyện Kiều để giới thiệu hai chị em Thúy Kiều Thúy Vân là người đẹp, cụ Nguyễn Du đã viết :

                        Đầu lòng hai ả TỐ NGA,
                  Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.



        Hẹn bài viết tới :

                                 TÔN, TỐNG, TƠ, TÚ, TUYỀN


                                                           杜紹德
                                                 ĐỖ CHIÊU ĐỨC



Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

THỊ TRẤN TÔI - THƠ LÊ THIÊN MINH KHOA

 



THỊ TRẤN TÔI.

Bên núi bên sông bên biển cả
Cũng ồn ào suốt ngày, vắng lặng canh khuya
Đằng sau vài ba dãy phố
Là cánh đồng êm ả cò bay...
Thị trấn tôi những hàng cây không cao
bình thường như người dân ở đó
những cánh chim từ rừng những cánh chim từ bể
sóng gió bạt ngàn lặng lẽ về đây
Con đường bò giữa hai hàng cây
mặt sỏi đá từng xước da em nhỏ
cứa bàn chân mẹ lưng còng gánh nặng
trăn trở oằn cong khuất nếp ngói xưa
Thị trấn tôi đêm đêm
thị trấn tôi đêm đêm những chiếc xe bò đóng bánh xe hơi lăn qua
mèo hoang khóc giữa đám dân hè phố
khấp khểnh vào đêm, khập khễnh tìm ngày
Sông núi là vợ chồng tên gọi trùng nhau (*)
chồng là núi chiều đỏ gay men rượu
hai bên sườn xương xẩu xanh xao
vợ là sông khi trong khi đục(**)
khi mặn nồng, khi ngọt, khi chua
Thị trấn tôi là nơi tôi ở
tất tả bao cuộc đời xuôi ngược lướt qua
thị trấn tôi như là quán trọ
mà tôi xa lại gọi tôi về...

Bà Rịa, 1981
LÊ THIÊN MINH KHOA


Đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai & Tuần báo Văn Nghệ TP HCM đầu thập niên 80.
In trong tập thơ “Thị trấn tôi” – Lê Thiên Minh Khoa, NXB Thanh Niên, 2002
(*): Sông Dinh, núi Dinh
(**) DỊ BẢN: Khi dạy trong trường Phổ Thông, câu thơ nầy được sửa lại (tác giả đồng ý) cho phù hợp với tâm lý lứa tuổi và môi trường học đường: “vợ là sông khi ròng khi rặc”
ẢNH:
Nhà Tròn Bà Rịa, biểu tượng của “Thị trấn tôi”, nay là biểu tượng của TP Bà Rịa và tỉnh BR-VT

“HOÀI THU”, BẢN NHẠC ĐƯỢC CẢM TÁC TỪ TÙY BÚT “CẢM THU” –LA THUỴ

 



“HOÀI THU”, BẢN NHẠC ĐƯỢC CẢM TÁC TỪ TÙY BÚT “CẢM THU” –

La Thụy


Bài tùy bút của thi sĩ Đinh Hùng (lúc đó mang bút danh là Hoài Điệp Thứ Lang) mang tên là CẢM THU, được đăng trong giai phẩm “Mùa Gặt Mới” xuất bản tại Hà Nội năm 1940. Đây cũng là sáng tác đầu tiên của Đinh Hùng được đăng trên báo. Lời bài “Cảm thu” êm mượt như thơ nên nhiều người gọi là “thơ văn xuôi”


CẢM THU

Tùy bút Đinh Hùng




Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ… Nước trong như một cặp mắt tuyệt vời. Những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng Cung nữ thời xưa, và trong vườn nhà ai thấp thoáng, hoa phù dung nở trắng như một linh hồn còn trẻ?

Nắng ở đây vẫn là nắng vàng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước. Tôi vẫn ngờ như không sự thay đổi, vì lại thấy mình đi trên con đường này, thu năm nay, giữa lúc cây vàng rơi lá. Đường này hiu hắt, tôi đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớ cũ, và nay cũng thấy thu về để nước hồ xanh. Chân ai đi xa vắng đằng kia, hay đó chỉ là gió thoảng mong manh? Và gió nào vương vấn hồn tôi, hay cũng chỉ là dư thanh của một ngày xưa cũ? Chao ôi! Buồn lại nhiều rồi, nhưng chỉ buồn như năm trước. Lòng tôi chẳng biết tìm ai mà nhớ, hôm nay nhớ lại buồn qua mới thấy nắng kia nhiều dĩ vãng.

Tôi nhớ một người lữ khách nào xưa, ra đi từ một mùa thu… Thế rồi cũng một mùa thu trở lại những bước đầu tiên trên con đường bạn, mắt buồn như nước, mảng tìm hồn mình hiu hắt trong hồn thu mới… Thu đã về đây, tôi làm lữ khách đi hết sông này, sông khác, cả núi, cả đèo và lại cả rừng cả suối, bây giờ tôi cũng về đây để buồn thêm một ít, nhớ thêm một ít, và yêu thêm rất nhiều.

…Từ hôm rời chân ở bến sông vàng.

Từ biệt con thuyền phiêu bạt, tôi đã hết nhớ dãy núi xanh phơn phớt đằng xa và bâng khuâng trở lại con đường quê thân mật.


Đi trên đất đó, giữa hai ruộng ngô thơm nghe ngào ngạt… Hương này có phải hương xưa? Ôi! Những dây đậu vẫn còn non mà luống khoai lang đã xanh tươi rồinhỉ? Đi trên đất đỏ, bên những luống rau cải cúc và dẫm lên cỏ may vàng. Đây là những con bướm cũ, những cánh hoa xưa. Và này đây tất cả Ngày xưa: từng cơn gió nhỏ, từng sợi dây buồn…


Thôi! Thôi! Tôi không còn trẻ thơ nữa để say sưa đuổi bắt bướm đồng, và chẳng ngắm gió sầu mây, chỉ hoa lòng nở cũng nhiều bông trắng!

Thương nhớ vì sao! Tôi sớm giã từ hồn niên thiếu, hôm nay đi giữa cánh đồng lại thấy tuổi nhỏ của mình tản mạn trên từng cánh bướm, sắc hoa, và chân bước đi những bước ngậm ngùi, bởi chưng lòng tưởng con đường tan tác cánh hương của đóa xuân hồng thuở cũ.


ĐINH HÙNG


Trong bài tùy bút CẢM THU không có một từ nào nhắc đến Đà Lạt. Bài tùy bút man mác niềm hoài niệm của thi sĩ Đinh Hùng “đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớ cũ, và nay cũng thấy thu về để nước hồ xanh. Chân ai đi xa vắng đằng kia, hay đó chỉ là gió thoảng mong manh? Và gió nào vương vấn hồn tôi, hay cũng chỉ là dư thanh của một ngày xưa cũ? Chao ôi!

Buồn lại nhiều rồi, nhưng chỉ buồn như năm trước. Lòng tôi chẳng biết tìm ai mà nhớ, hôm nay nhớ lại buồn qua mới thấy nắng kia nhiều dĩ vãng”.

Tác giả thương nhớ về một vùng quê miền Bắc Việt Nam thời niên thiếu thơ mộng:

“Đi trên đất đó, giữa hai ruộng ngô thơm nghe ngào ngạt… Hương này có phải hương xưa? Ôi! Những dây đậu vẫn còn non mà luống khoai lang đã xanh tươi rồi nhỉ? Đi trên đất đỏ, bên những luống rau cải cúc và dẫm lên cỏ may vàng. Đây là những con bướm cũ, những cánh hoa xưa. Và này đây tất cả Ngày xưa: từng cơn gió nhỏ, từng sợi dây buồn…

Thôi! Thôi! Tôi không còn trẻ thơ nữa để say sưa đuổi bắt bướm đồng, và chẳng ngắm gió sầu mây, chỉ hoa lòng nở cũng nhiều bông trắng!

Thương nhớ vì sao! Tôi sớm giã từ hồn niên thiếu, hôm nay đi giữa cánh đồng lại thấy tuổi nhỏ của mình tản mạn trên từng cánh bướm, sắc hoa, và chân bước đi những bước ngậm ngùi, bởi chưng lòng tưởng con đường tan tác cánh hương của đóa xuân hồng thuở cũ”.


Bài tùy bút êm mượt như thơ này của thi sĩ Đinh Hùng được nhạc sĩ Văn Trí cảm tác thành bản nhạc với nhan đề là “Hoài Thu”


Mùa thu năm ấy

Trên đường đến miền cao nguyên

Đà Lạt núi rừng thâm xuyên

Thác ngàn nước bạc thiên nhiên


Chạnh lòng tôi thấy

Lá vàng rơi nhẹ say mơ

Trong rừng thu đẹp nên thơ

Lưng trời đàn chim bơ vơ


Mùa thu năm nay

Tôi lại thấy lòng lâng lâng

Khi nhịp bước nhẹ đôi chân

Trong rừng vắng lạnh bâng khuâng


Bầy nai ngơ ngác

Lá vàng rơi đầy miên man

Trên bờ cỏ rộng thênh thang

Nghe mùa thu đi ngỡ ngàng


Đóa hoa phù dung trắng xóa

Ngàn cây hiu hắt tiếng nhạc

Mảnh linh hồn tôi thu nay

Là linh hồn tôi thu nào


Nắng đây vẫn là nắng ấm

Mùa thu thương nhớ mơ màng

Gió thu về đây mơn man

Hồ thu xanh biếc tràn lan


Đồi thông vi vút

Nghe chừng lá động muôn phương

Đà Lạt những chiều mây vương

Có mùa thu vàng dâng hương


Nhịp chân ai đấy

Hay là gió thoảng xa xôi

Gió làm rung động tim tôi

Hay là dư âm thu rồi?


Bản nhạc HOÀI THU được cho là của nhạc sĩ Văn Trí, viết về vùng cao nguyên Đà Lạt mộng mơ. Bản nhạc mượn ý trong bài tùy bút CẢM THU như: nắng vàng, nắng ấm, cây vàng rơi lá, nước hồ xanh, sợi dây buồn, đóa hoa phù dung, gió sầu mây, chân ai đi xa vắng hay đó chỉ là gió thoảng mong manh, gió nào vương vấn hồn tôi hay chỉ dư thanh của một ngày xưa cũ, nắng ở đây vẫn là nắng vàng ngày xưa, linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước...”


Riêng những hình ảnh đặc trưng vùng cao nguyên như bầy nai ngơ ngác, đồi thông vi vút, Đà Lạt những chiều mây vương, Đà Lạt núi rừng thâm xuyên, thác ngàn nước bạc thiên nhiên… hoàn toàn là do nhạc sĩ cảm tác nên. Ta thấy trong cả hai bản nhạc tờ còn lưu giữ được đến ngày nay, thì đều ghi nhạc và lời của Văn Trí, chứ không ghi tên Đinh Hùng.


Sau khi tôi post bài này lên facebook, nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên vào ghi cảm nhận, anh cho biết:

“Thưa anh Phú Đoàn, sau khi liên hệ với nhạc sĩ Sông Trà (tên thật Trần Hữu Châu), sinh năm 1937, hiện đang ở quận Tân Phú thì đượcnhạc sĩ cho biết bài Hoài Thu là của nhạc sĩ nhưng đã bán đứt cho anh Văn Trí. Kể từ đó trên bản in đều ghi tên nhạc sĩ Văn Trí. Anh này có học nhạc với thầy Hoàng Lan. Sau đó không còn liên lạc nữa nên không biết bài thứ hai.”


          LA THUỴ


Ghi chú:

Thơ văn xuôi (tiếng Pháp: poème en prose) là một hình thức của thơ được viết bằng văn xuôi. Thơ văn xuôi khác thơ tự do ở chỗ không phân dòng, không dùng hình thức dòng thơ (cũng gọi là “câu thơ”) làm đơn vị nhịp điệu, không có vần.

Chất thơ của thơ văn xuôi được tạo nên bởi cấu tứ và suy tưởng giàu sức khơi gợi, bất ngờ, chất triết lý thâm thúy, thơ mộng.

Thơ văn xuôi có thể có hình thức đối thoại như "Hoàng tử bé" của Antoine de Saint-Exupéry. Tập thơ "Dâng" tập hợp 103 bài thơ sáng tác theo thể thơ văn xuôi do chính Rabindranath Tagore sáng tạo ra vẫn được người Ấn Độ gọi là Rabindra Sangeet được giải Noben văn chương năm 1913. Cuốn sách The Prophet (tiên tri)

năm 1923 của Kahlil Gibran bao gồm một loạt các bài tiểu luận triết học được viết bằng thơ văn xuôi tiếng Anh.


Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

NGƯỜI H' MÔNG - THƠ NGUYỄN KHÔI

 





NGƯỜI H ‘ MÔNG


Như con ngựa phi trên đỉnh núi
Chân người H’ Mông không biết mỏi bao giờ
Như con Gấu ở đầu ngọn suối
Nhà người H’ Mông ở giữa sương mù
Như mặt trời cất trong hàng tối
Đời người H’ Mông xưa bếp lửa âm u.
Đã đi cày phải cày lật đất
Đã đi săn phải bắn được Nai
Đã đi chợ phải ăn “thắng cố “
Đã yêu ai phải “ cướp “ được ai .
Đã đi học phải hay con chữ
Đi đó đây
Kể cả Nước ngoài...
Cãi lý với người H ‘ Mông phải mệt
Một ông Đồ Nghệ hoá thành hai .
Người H’ Mông mình hiên ngang lắm chứ
Vai đeo lù cở
Tay súng dài
Đã trèo dôc
Đá tai mèo phải vỡ
Đã xay Ngô
thành bột mới thôi
Tay kéo bễ khoan nòng súng thép
Rèn lưỡi gươm
Chẳng sợ cường quyền
Với đồng chí, bà con thân thiết
Người H’ Mông ta khẳng khái dịu hiền
Cắt khúc nứa cất thành tiếng Sáo
Chúm làn môi thành một tiếng Đàn
Đưa ánh mắt dang vòng tay thành múa
Chắp những đoạn tre thổi rộn rã tiếng Khèn...
Người H’ Mông mình bỏ cây Thuốc phiện
Tìm cái cây Đổi Mới cuộc đời
Đuổi ma đói , xây Mường bản mới
Vườn cây xanh điện sáng ngang trời.
Ôi mường bản quê hương Mèo Vạc
Từ Bắc Hà đi tới Quế Phong
Ở đâu xanh cánh rừng mới mọc
Ngựa hí vào mường bản người H’ Mông.


Lào Cai 1995
NGUYỄN KHÔI


( đã in trong “ Tuyển tập thơ Dân tộc & miền núi “ nxb Giáo Dục ,
- “ Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1975 “ Nxb Hội Nhà văn Việt Nam ,
- Đã được Thào Seo Sình ở Ban Dân tộc Đài TNVN dịch ra chữ H’ Mông, được in 10.000 bản trong Bản tin TTXVN tiếng H’ Mông) .