CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

CHIỀU BÊN RỪNG VẮNG - MẶC PHƯƠNG TỬ

 



CHIỀU BÊN RỪNG VẮNG

Ngày muộn chiều lên phai vạt nắng
Chim ngàn bạt gió cuối trời xa.
Mây nghiêng bóng xuống miền hoa cỏ
Thoảng với hương rừng hương cỏ thoa.

Rộn tiếng muôn chim, rừng cổ thụ
Mây viền lưng núi, sóng chiều trôi
Thời gian rót xuống màu sương khói
Ta rót lòng ta giữa cuộc đời.

Gió động hiên rừng xào xạc lá
Âm vang vọng lại cõi ngàn xưa
Ai hay một thoáng xa xôi ấy
Vẫn suối nguồn reo, vẫn bốn mùa.

Chiều nay ngồi cạnh bên rừng vắng
Nghe đời trải bao cuộc tồn sinh
Câu thơ thả xuồng dòng tâm sự
Chợt thấy hình ta với bóng mình.


Viết tại Tu viện Thuần Tám
Houston, Wills, ngày 30/12/2023.
MẶC PHƯƠNG TỬ


Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

XUÂN THA HƯƠNG - THƠ KHÊ KINH KHA

 


XUÂN THA HƯƠNG

xuân này là mấy xuân rồi
mà sao hoang lạnh giăng đầy trong tôi
nhìn quanh chỉ thấy tuyết rơi
tuyết rơi hay lệ tuôn rơi vào hồn
bao năm rồi chẳng mai vảng
chỉ bao thương nhớ với ngàn đắng cay
nhớ quê hương – nhớ tình người
nhớ sông nhớ núi nhớ trời mây bay
nhớ vầng trăng – giữa đêm dài
nhớ mưa nhớ nắng nhớ ngày tháng xưa
nhớ ruộng lúa – nhớ bờ đê
nhớ con đường đất hàng tre rũ mềm
nhớ cây đa đứng đầu đình
nhánh sông nhỏ bé gập ghềnh cầu tre
nhớ ai xõa mái tóc thề
dáng mềm như bóng trăng khuya đáy hồ
nhớ đêm tác nước, ai hò:
“trăng em mười tám nỏn nà như hoa
chàng về trình với mẹ cha
tràu cau trà bánh sang nhà thiếp đây
à ơi duyên phận lứa đôi
chàng chàng thiếp thiếp trọn đời có nhau”
nhớ biển xanh nhớ núi cao
bóng chim mỏi cánh qua đèo lẻ loi

nhớ bay theo cánh gió trời
gió ơi đưa chút tình này về quê
vượt trùng dương, vạn sơn khê
lênh đênh tìm lại lối về quê hương

phận người viễn xứ lưu vong
dù thân héo úa nhưng lòng sắt son

KHÊ KINH KHA
12/23/23

Thứ Tư, 27 tháng 12, 2023

VĂN TẾ UY VIỄN TƯỚNG CÔNG. - KHA TIỆM LY



Ảnh  tác giả KHA TIỆM LY (bìa phải )



Ngày 14.11 âl vừa qua (26/12/2023), bài văn tế ngài Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ đã chính thức được chấp nhận, và được UBND huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho đọc trước đền thờ cụ qua giọng đọc của nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Trọng Tuấn, (người đã đọc Văn Tế Đại Thì Hào Nguyễn Du 3 năm trước)
***


VĂN TẾ UY VIỄN TƯỚNG CÔNG

Mảng nghe,
1. Nôi địa linh luôn phát sinh người anh kiệt, bảo quốc an dân thanh sử rạng ngời,
Chốn hàn môn thường xuất hiện bậc cao hiền, múa bút khoa nghiên phương danh chói lọi.
2. Khí thiêng Lam Hồng cho ra đời Năng Văn nữ sĩ (1), nào thủy chung, nào hiền đức, vua ban “Trinh Tiết Khả Phong”, một chữ “HẠNH” vạn tải không mờ,
Đất linh Nghi Xuân hun đúc ngài Uy Viễn Tướng Công, là võ tướng, là văn quan, sắc phong “Lao Năng Khả Tướng”, một chữ “TÀI” thiên thu sáng chói.
3. Làng xuất khanh tướng, huyện xuất khanh tướng; làng có thanh quan, huyên có thanh quan, chuyện khó thấy nhưng trang sử dễ tìm,
Cha đoạt giải nguyên, con đoạt giải nguyên; cha thọ bát tuần, con thọ bát tuần, sự lý thú cổ kim khó gặp (2)
Nhớ Cố Lớn quê ta,
4. Nếp nho phong luôn nhường trên kính dưới, dùng văn chương, dùng lời biếm, đấng trượng phu hiên ngang với bạo lực cường quyền,
Tuổi thanh xuân muốn giúp nước phò vua, tự lập chí, tự lập thân, cội tùng bách ngất ngưởng cùng mây trời nước cõi.
5. Ba mươi năm cân đai áo mão, một tiếng thanh liêm,
Hết nửa đời cửa khuyết sân chầu, vạn lời ca ngợi.
6. Thương dân nghèo nên quai đê lấn biển, mở huyện Kim Sơn, mở huyện Tiền Hải ,… mở tới đâu, đời muôn người hạnh phúc ấm no,
Nhận lịnh vua liền dẹp loạn điều binh, dẹp Phan Bá Vành, dẹp Nông Văn Vân,…dẹp tới đâu, dân quân vui mừng hồ hởi.
7. Mũi Can -Tương (3) rạch ngang biên địa, phá loạn quân mang cuộc sống yên bình,
Bút Văn Khuê (4) xoẹt thẳng lưng trời, xé mây đen che vùng trời tăm tối.
8. Dâng vua mười thuật “Thái Bình Thập Sách”, là trí tuệ, là bản lĩnh, là tâm huyết, là niềm tin một lòng vì ích nước lợi dân,
Ngự ban bốn chữ “Lao Năng Khả Tướng”, là mồ hôi, là nước mắt, là xương máu, là công trạng cả đời cho gia an quốc thái.
9. Đời làm quan chịu bể dâu thăng giáng, công lao tỏa rạng mấy miền, mưa ân đức tràn trề dưới biển trên non,
Thân làm tướng luôn trên dưới nghiêm minh, đức độ lưu truyền bao thuở, gương liêm khiết sáng trưng trong triều ngoài nội.
10. Làm quan không vinh, làm lính không nhục, chất kiêu bạc oai hùng như ngọn núi một cõi nghinh mây,
Khinh phường siểm nịnh, khinh kẻ ngu trung, tính uy vũ hiên ngang tựa cội tùng bốn bề thách gió.
11. Bậc đại thần khinh tài trọng nghĩa, màng chi xuống thấp lên cao, một lời một tiếng, bề trên lớp dưới hân hoan,
Dòng Nho gia lãnh ấn tiên phong, dốc lòng đánh Nam dẹp Bắc, trăm trận thắng trăm, ba quân muôn nhà hồ hởi.
Nào ai hay?
12.Thời thư sinh bạch diện đã đành bữa đói bữa no,
Khi đắc lộ phong vân lại phải ba chìm bảy nổi!
13. Lúc còn thắp đèn đọc sách, trên bạn dưới bè đã tuyệt thế phong lưu,
Đâu chờ múa bút giương cung, ngoài quận trong triều mới hồng nhan đắm đuối?
14. Có những lúc thanh gươm yên ngựa, cũng không quên bên chén rượu cuộc cờ,
Dù bao phen nón dấu giáo dài (5), vẫn luôn nhớ thú ả đào hát nói!
15. Đường hoạn lộ bốn mươi năm trọng trách, dù võ dù văn, vẫn ngất ngưởng, tự tại, thong dong,
Cõi phù sinh hưởng tám chục tuổi trời, lúc vinh lúc nhục, luôn bản lĩnh, trung can, khí khái.
16. Chí nam nhi đã xong ý nguyện, miền tiêu dao thưởng quạt gió, đèn trăng, nghĩ công danh như sóng vỗ bập bềnh,
Chuyện quan trường gởi lại triều ca, thú điền viên nhấp rượu cúc, trà thông, buông thế sự mở miệng cười sảng khoái!
17. An nhiên cưỡi bò vàng lạc ngựa, lấy mo cau che “miệng thế gian”! (6)
Lếch thếch theo dăm đứa tiểu đồng, (7) buông thế sự vui đời khoáng dật.
Tướng công ta,
18. Tại giang hồ vốn là kỳ sĩ ngông nghênh,
Tra sử sách mới thấy công lao lồ lộ!
19. Giữa đồng liêu dở dở ương ương, đấng anh hùng tựa sao Tâm, sao Chấn (😎, rực rỡ cùng soi đêm trường tăm tối âm u,
Trước giông bão vùi vùi dập dập, đại trượng phu như cội bách cội tùng, sừng sững đứng cạnh non ngàn vút cao vòi vọi.
20. Sống làm tướng, thác làm thần, bao công trạng, muôn đời thanh sử đã ghi,
Thương cho nước, nghĩ cho dân, lắm nghĩa ân, thiên thu đá bia còn chói!
21. Ai công hầu? Ai khanh tướng? Đâu hùng binh? Đâu tuấn mã? Ngẫm mấy người được dựng miếu đình, dưới trên một dạ phụng thờ?
Ai cánh chuồn? Ai giáp trụ? Đâu đại công? Đâu thần chước, đếm bao vị được lập sinh từ, gần xa bốn mùa hương khói?
22. Dằn chén rượu, tuốt lưỡi gươm chính khí, xung phong ra trận tiền vào lúc tuổi tám mươi,
Thắng yên cương, phất cờ soái oai hùng, cương quyết diệt Lang sa dù còn vài hơi thở. (9)
23. Tướng công bình Nam phạt Bắc, để bốn phương cuộc sống yên bình, ơn so như biển như non,
Thành Hoàng lấn biển quai đê, cho vạn dân cơm no áo ấm, đức sánh bằng sông bằng suối.
24. Sử xanh đâu chỉ ba triều chép,
Cương thường tất cả ánh sao soi! (10)
Cố Lớn ôi!
25. Nhớ Dinh Điền Sứ đâu riêng Kim Sơn, Tiền Hải sụt sùi,
Khóc Đức Thành Hoàng nào chỉ Uy Viễn , Nghi Xuân nức nở!
26. Ý từ long phi phụng vũ, trác tuyệt văn chương, chúng hậu sinh nguyện chung tay năm tháng đắp bồi,
Vó ngựa đông chiến tây chinh, lẫy lừng võ nghiệp, phận cháu con thề góp sức cả đời vun xới.
27. Xa gần vọng bái, chốn đền thiêng nghi ngút khói trầm bay,
Nhỏ lớn khiêm cung, miền linh địa đớn đau dòng lệ nhỏ!
Nay kẻ hậu sinh chúng con,
28. Muôn kiếp không quên ân sâu bất tận, kính tiễn đấng hùng anh hổ bộ đăng trình,
Trăm họ khắc ghi đức lớn vô cùng, cầu xin đại tướng quân thần uy chiếu cố.
29. Một nén hương thơm tỏa thấu trời cao,
Vạn tấm lòng thành tưởng về Cố Lớn.
Ngài vốn hiển linh,
Niệm tình thụ bái!


KHA TIỆM LY phụng bút


Chú thích:
(1) Năng Văn nữ sĩ: Tên thật là Nguyễn Thị Muội, người chị cùng cha khác mẹ với cụ Nguyễn Công Trứ; Bà là người phụ nữ xinh đẹp, phẩm hạnh, chữ tốt văn hay. Chồng mất lúc bà mới 20 tuổi, bà thủ tiết ở vậy, sau đó bà đi tu. Bà được vua Minh Mạng ban cho bốn chữ “ Tiết Hạnh Khả Phong”.
(2) Đức Ngạn Hầu Nguyễn Công Tấn là thân sinh của cụ Nguyễn Công Trứ, đỗ Giải Nguyên trước Nguyễn Công Trứ 80 năm. Cả hai đều thọ 80 tuổi
(3).Can -Tương: Tên hai thanh gươm quý thời Đông Châu
(4).Văn Khuê: ngôi sao chủ về văn chương
(5). Nón dấu giáo dài: Chỉ người lính xưa
(6). “Che miệng thế gian”: Giai thoại kể rằng, khi về hưu, Nguyễn Công Trứ thường cưỡi bò vàng có đeo lạc ngựa, bên sau là dăm đứa tiểu đồng, ngao du sơn thủy. Thấy người, cụ liền lấy mo cau che trôn ngựa. Hỏi: “Cố Lớn làm gì đấy?” – “Ta che miệng thế gian”
(7) Trộm ý thơ Cố Lớn: “Dăm ba đứa tiểu đồng lếch thếch. Tiêu dao nơi cùng cốc thâm sơn”
(😎. Sao Tâm sao Chấn: Hai vì sao trong nhị thập bát tú
(9) Khi giặc Pháp tấn công Đà Nẵng, Cụ Nguyễn Công Trứ xin vua đi đánh Pháp. Cụ nói: “…Dù là chiếc lọng rách, dù chỉ còn vài hơi thở, ta cũng quyết dẹp giặc”
(10) Trộm ý câu: “Vạn cổ cương thường thiên địa đại/Cửu trùng luân bột nhựt tinh lâm” (Muôn thuở cương thường trời đất rộng/Chín tầng ơn sáng ánh sao soi)


Thứ Ba, 26 tháng 12, 2023

NHỮNG BÀI CA NOEL ĐI QUA TÔI TRONG CHIẾN TRANH - TRẦN HỮU NGƯ

 


NHỮNG BÀI CA NOEL ĐI QUA TÔI TRONG CHIẾN TRANH

Tôi như gắn chặt những trang viết của mình vào Chiến tranh. Trước 1975, thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn có một tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và tôi”. Riêng tôi, sau 75, tôi có tập tùy bút “Những bài ca đi qua tôi trong Chiến tranh”. Và tôi đã xuất bản 6 tập sách của tôi, không thiếu “mùi Chiến tranh”.
Vì sao?
Theo cạn nghĩ của tôi, chỉ riêng về lĩnh vực âm nhạc: Nếu không có Chiến tranh sẽ không có nhạc hay và nhiều thứ quý hiếm khác mà sau Hòa bình đốt đuốc đi tìm cũng không thấy.
Chiến tranh là chất liệu để người nhạc sĩ viết nên những bài tình ca quê hương, những mối tình của đôi lứa dang dở, những hợp tan, những đau khổ xé trời, những niềm vui không trọn vẹn, những nỗi chết không rời, dù tương lai có xa, dù cái chết có gần, vẫn cam lòng mà chịu vì coi đó như định mệnh đã an bài!
Nhạc miền Nam trước 75, nhất là nhạc Boléro là những tiếng lòng, trong đó có đôi khi là những tiếng kêu bi thương giữa anh và em - giữa chúng ta - giữa tất cả những người mang chung một số phận, một thứ định mệnh đã an bài, đứng trước đôi bờ sinh tử…
Có điều làm mọi người yêu mến nhạc miền Nam là, nó được sinh ra trong Chiến tranh, nhưng lại rất Thanh bình, vì đó là bản chất của người miền Nam hiền như cây lúa, thật như đếm, cỡi lòng để trao đi, mà không cần nhận lại, không triết lý ba xu, không nịnh bợ, nâng bi…
Bây giờ là Hòa bình, nhưng không có nhạc Thanh bình, vì giữa Hòa bình và Thanh bình, tưởng gần, nhưng còn cách xa một trời một vực! Có người bạn nói với tôi:
-Hòa bình rồi mà nhạc gì mà như giặc, hát như tiếng nổ AK? Can đảm lắm mới nghe hết bài!
Ô, nghe nhạc mà phải can đảm!
Trở lại “Những bài ca Noel đi qua tôi trong Chiến tranh”.
Tôi là người ngoại đạo, nhưng những đêm Noel tôi cũng quần áo chỉnh tề đến nhà thờ như một con chiên ngoan đạo để… xem người ta làm lễ! Và biết đâu, trong giờ phút “Cao cung lên” này, tôi để lòng mình trôi theo tiếng nhạc bất tận, êm đềm, tiền kiếp thoáng hiện và “tôi như được hóa sinh”:
“… Cao cung lên khúc nhạc thiên thần chúa
Hòa trong làn gió nhè nhẹ vấn vương
Ôi linh thiêng lắng nghe thoang thoảng cung đàn…”
Những bài hát Noel của một thời Chiến tranh đã làm cho con người ngoại đạo như tôi khó mà quên được. Những bài nhạc Noel còn đó, Chiến tranh hay Hòa bình, Noel vẫn là nhạc Noel. Thời gian là Giáng Sinh, không gian là đêm, thời cuộc là Chiến tranh, vậy mà có những cặp tình nhân, vợ chồng tay trong tay dìu nhau đến nhà thờ. Bây giờ nhớ lại, tôi tiếc nhớ những mùa lạnh đêm Noel thời của Chiến tranh:
“… Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời
Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa
Trong Hang Bê Lem ánh sáng tỏa ra tưng bừng
Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng…”
Nhạc Noel nổi đình nổi đám là những liên khúc Happy Christmas, Christmas Time… có một bài “đinh” là Silent Night mà một linh mục nghèo tên là Mohr viết năm 1816.
Silent Night như là hành khúc mở đầu đêm Noel, về sau được nhạc sĩ Hùng Lân (người nổi tiếng với ca khúc “Khỏe vì nước” ) viết lời Việt có tên là “Đêm thánh vô cùng”:
“… Đêm thánh vô cùng
Giây phút tưng bừng
Đất trời se chữ Đồng…”
Nhưng tôi vẫn thích những bài ca Noel Việt Nam như: “Bài thánh ca buồn” (Nguyễn Vũ), “Bóng nhỏ giáo đường” (Phượng Linh, tức Nguyễn Văn Đông), “Chiều bên giáo đường” (Lê Trọng Nguyễn), “Cao cung lên” (Hoài Đức - Nguyễn Khắc Xuyên), “Hang Bê Lem” (HảiLinh – Minh Châu) “Trong giáo đường đêm Noel ấy” (Nguyễn Thiện Tơ), v.v…
Và bài viết này, tôi muốn hỏi rằng :
-Cô bé Bạch Quyên, một giọng ca thần đồng trong băng nhạc “Sơn ca 3”, trong ca khúc “Lá thư trần thế” của nhạc sĩ Hoài Linh, ngày ấy, bây giờ là ai? Còn sống và đã trôi dạt phương nào? Tam ca cất giọng trong “Lá thư trần thế” gồm Duy Khánh, Thanh Tuyền và Bạch Quyên.
Duy Khánh, một làn hơi dài như có lửa ấm, trịnh trọng đầy tự tin:
“… Lạy Chúa, con là lính trận ngoài biên
Vì xa thành phố xa quá nên quên
Đêm nay ngôi hai trời xuống
Ánh sao lung linh muôn màu
Con tưởng hỏa châu soi tuyến đầu…”
Rồi…Thanh Tuyền, như tiếng sáo diều cao vút, để nén khổ đau mới thốt nên lời:
“… Lạy Chúa con là thiếu phụ miền quê
Chồng con vì nước nên đã ra đi
Hai ba năm chưa thỏa chí
Hết Thu qua Xuân sang Hè
Con đợi tàn Đông mới tin về…”
Rồi… cô bé Bạch Quyên thơ ngây, trong trẻo thốt ra như một tiếng lòng :
“… Lạy Chúa con còn lứa tuổi học sinh
Vì cha là lính con thiết tha xin
An vui cho người đầu tuyến
Tuổi thơ yên tâm sách đèn
Để mẹ hiền con hết ưu phiền…”
Một bài ca đẹp quá, dễ thương quá ! Một hiện thực của Chiến tranh dằn xé giữ sống và chết trong một bi ca quên làm sao được!
Khó có ai làm lu mờ hình ảnh ấy, cho dù người ấy là ai. Nhưng “Lịch sử Chiến tranh” vẫn còn đó, chỉ khác ở chỗ tô hồng hay nhuốm màu đau thương mà thôi. Bài hát cũng là lịch sử, nếu không ưa vì ganh tỵ cũng được, cà nanh cũng được, nhưng xin đừng ngộ nhận mà chụp mũ nó! Những bài ca mang vết thương Chiến tranh đều vô tội. Xin mượn lời của cố nhạc sĩ Lê Thương, dù ông nói đến nhạc “Tiền chiến”, nhưng tôi thấy nó giống nhạc “trước Chiến tranh 1975”:
“… Nhiều người (nhạc sĩ) đã chết trong thời binh lửa hoặc đang sống đó đây không bạn bè. Hát lên nhạc phẩm xanh mướt của tuổi thanh xuân, chắc sưởi ấm được tâm hồn họ ngoài xa cách…” (Trích trong Văn hóa Xưa & Nay trang 32 số 82b tháng 12 năm 2000).
Làm sao mà quên được “Lá thư trần thế”, bài hát khi vừa mới ra đời, đã ra được công chúng đón nhận từ năm 1968 cho mãi đến bây giờ, và biết đâu là cho mãi đến ngàn sau, dù cho nhạc sĩ Hoài Linh đã qua đời từ năm 1995.
Dù thời gian đã đi quá xa, nhưng những bài hát Noel vẫn gần gũi chúng ta khi mỗi năm Noel về. Và những chia ly lòng đau như cắt, những cách trở xa xôi, những lòng người đổi thay, dù cho xa cách một đại dương muôn trùng hải lý, kẻ Bắc người Nam, ly hương ngay trên quê hương mình, và nay chúng ta đã già, nhưng làm sao quên được “Bài Thánh ca buồn – Nuyễn Vũ”, một ca khúc mang nhiều kỷ niệm của một thời Noel Chiến tranh:
“… Bài thánh ca đó còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần
Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân…
Rồi những đêm thánh đường đón Noel
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu…”
Tôi, một người ngoại đạo, nương theo hồi chuông thánh lễ, xin thành kính đốt nén nhang tưởng nhớ Hoài-Linh, và “Lá thư trần thế” sống mãi trong tôi, cho dù Chiến tranh đã chấm dứt từ lâu.
Và:
-Lời nguyện cầu Chúa có nghe không, sao bây giờ mình hoài xa vắng? (Lời Bài thánh ca buồn.


TRẦN HỮU NGƯ


ĐÂU RỒI HUẾ XƯA - NHẠC & LỜI LÊ HỮU NGHĨA






ĐÂU RỒI HUẾ XƯA

Nhạc : LÊ HỮU NGHĨA
Ca sĩ : BẢO YẾN
Hòa âm & Video : SONAR PRODUCTION


THẮP LÊN NẾN SÁNG ĐÊM ĐÔNG - THƠ NHẬT QUANG

 




THẮP LÊN NẾN SÁNG ĐÊM ĐÔNG

Chuông ngân...
thanh thót giọt trời
Phong vân réo rắt ru lời kinh xa
Nắng gieo hồng phúc chan hòa
Giáng sinh Cứu độ, câu ca an lành
Tuyết rơi
phủ lạnh đêm xanh
Tinh cầu ngời sáng long lanh diệu huyền
Đêm Đông huyền nhiệm thánh thiêng
Nguồn ơn mưa móc thấm miền đợi trông...
Thắp lên
nến sáng đêm Đông
Mừng con Chúa đến ấm nồng nhân sinh
Thiên đường rạng ánh quang vinh
Thế trần tâm thiện an bình khắp nơi.


Jos NHẬT QUANG

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2023

NÔI XƯA - THƠ MẶC PHƯƠNG TỬ

 



NÔI XƯA


Ta ngồi dưới phố chiều đông

Nghe lành lạnh gió, giữa mông mênh chiều.

Bên trời hoang tái cô liêu,

Thầm nghe lời cát bụi đìu hiu qua.

Chuông nhà thờ vọng lan xa

Hoà trong điệp khúc Thánh ca dâng đời.


Nôi xưa nào thuở xa xôi,

Giáng Sinh xưa, vãn vạn đời Giáng sinh.

Xưng danh Thiên Chúa an bình

Nơi trần thế dứt đao binh, khổ nàn.

Đường hoa cỏ, đẹp nhân gian,

Người đi theo bóng hào quang muôn trùng.


New Orleans, Mùa Giáng sinh 2023.

MẶC PHƯƠNG TỬ


Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2023

MERRY CHRISTMAS AND HAPPY NEW YEAR 2024

 









NM THÂN KÍNH CHÚC QUÝ THÂN HỮU CỦA TRANG BLOG NHÃ MY,TRANG FACEBOOK SUONGLAM VÀ GIA QUYẾN MÙA GIÁNG SINH VUI VẺ ,AN LÀNH, HẠNH PHÚC CÙNG NĂM MỚI 2024 AN KHANG THỊNH VƯỢNG


Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2023

ĐỌC '' ÁC MỘNG'' THƠ TUỆ SỸ - CHÂU THẠCH

 



                  ĐỌC “ÁC MỘNG” THƠ TUỆ SỸ

                    

ÁC MỘNG

                 

Lại ác mộng bởi rừng khuya tàn bạo đấy

Thịt xương người vung vãi lối anh đi

Nhưng đáy mắt không căm thù đỏ cháy

Vì yêu em trên lá đọng sương mai

 

Anh chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại

Thoảng trông em tà áo mỏng vai gầy

Ôi hạnh phúc anh thấy mình nhỏ bé

Chép tình yêu trên trang giấy thơ ngây

 

Đời khách lữ biết bao giờ yên nghỉ

Giữa rừng khuya nằm đợi bóng sao Mai

Để một thoáng giấc mơ tàn kinh dị

Dáng em buồn bên suối nhỏ mây bay

                        Rừng Vạn Giã 76

                       TUỆ SỸ

 

Lời bình: Châu Thạch

 

Có một nhà văn đã viết về Tuệ Sỹ rằng:

“Trong số những sáng tác của Thiền sư Thích Tuệ Sỹ, một số lớn được sáng tác trong thời gian một năm tác giả rút về sống cô độc làm rẫy trong rừng Vạn Giã từ 1976 đến 1977. Những bài thơ này được gom lại trong tập “Giấc mơ Trường Sơn”. Ngoài những bài thơ về núi rừng, về vũ trụ, về kiếp nhân sinh, còn có một số không ít bài về tình yêu, rất tha thiết và truyền cảm, là một điều khá ngạc nhiên khi tác giả là một thiền sư”. “Ông biết rất rõ tâm lý con người để có thể diễn tả một cách thuyết phục những lối đi thơ mộng của tình yêu, những tâm tư thầm kín của lòng người, mà không nhất thiết biểu lộ những tình cảm của riêng mình. Mặt khác, trong những câu thơ nói về tình yêu, chúng ta nghĩ là tình yêu thơ mộng nam-nữ, nhưng thật ra có thể đó chỉ là biểu hiện trong thi ca của một tình rộng lớn hơn là tình người.”

 

Những lời nhận định trên quả rất đúng. Tuệ Sỹ chính là kẻ sĩ trong truyền thống của Đông phương. Thiền sư Tuệ Sỹ đã thể hiện tinh thần “uy vũ bất năng khuất” của kẻ sĩ không phải chỉ bằng hành động, mà còn bằng những tác phẩm. Qua văn tự, ngài đã viết tác phẩm đó bằng sự hy sinh quên mình, để chia xẻ sự đau khổ với quê hương đất nước. Một trong những bài thơ như thế là bài thơ “Ác Mộng” ngài viết trong rừng Vạn Giã năm 1976, viết trong túp lều tranh do tự tay mình dựng lên, nơi mà đêm xuống nơi đó chẳng có gì cả, ngoài ngọn đèn dầu leo lét trong túp lều tranh và bóng tối mịt mù giữa núi rừng mênh mông.

 

Bây giờ xin mời quý vị và tôi cùng mang hai bản chất để đi vào bài thơ “Ác Mộng”. Có như thế chúng ta mới có thể hiểu được một phần nào ý sâu xa trong bài thơ của ngài. Trước hết hãy mang bản chất của tình yêu nam nữ để cảm thụ tiếng thơ tình say đắm, sau đó tùy theo mỗi người, hãy thử mang ít hay nhiều bản chất của một tu sĩ, của người đã xa lánh bụi trận gian để cảm nhận huyền vi trong câu thơ của Tuệ Sỹ.

 

Xin hãy bước vào khổ thơ đầu tiên:

 

Lại ác mộng bởi rừng khuya tàn bạo đấy

Thịt xương người vung vãi lối anh đi

Nhưng đáy mắt không căm thù đỏ cháy

Vì yêu em trên lá đọng sương mai

 

Đọc hai câu thơ đầu ta thấy ngay nhà thơ mơ một giấc mơ hải hùng giữa rừng. Nhà thơ đã thấy “Thịt xương người vung vãi lối anh đi”. Tác giả cho biết “Lại ác mộng” nghĩa là đã từng có ác mộng nhiều lần trong khu rừng ấy. Tác giả cho biết thêm, lại ác mông bởi vì “rừng khuya tàn bạo đấy”. Như thế ác mộng của tác giả có nguyên nhân rõ tàng là do “rừng khuya tàn bạo” mà gây nên. Vậy câu thơ đầu tác giả đã chỉ ngay chủ thể gây ra ác mông là “Rừng khuya tàn bạo”. Chủ thể là gì? Chủ thể là cá nhân, tổ chức tồn tại hiện hữu, nhận diện được qua hành động. Rừng khuyu không thể là chủ thể. Vậy “rừng khuya” trong thơ dùng để ám chỉ một chủ thể nào đó đã gây ra ác mộng cho tác giả.

 

Qua hai câu thơ sau “Những đáy mắt không căm thù đỏ cháy/ Vì yêu em trên lá đọng sương mai” là bức tranh vẽ lá trong rừng Vạn Giã . Câu thơ thứ 3 “Những đáy mắt không căm thù đỏ cháy” cho ta đoán được ác mộng xảy ra vào mùa thu trong rừng Vạn Giã, vì mùa thu thì lá úa vàng, nhìn như đỏ cháy. Nhà thơ dùng cụm từ “Những đáy mắt” để chỉ về phần nội tâm, sâu trong nội tâm những chiếc lá không biết căm thù trước sự tàn bạo gây ra. Ta hiểu rừng trong thơ đại diện cho một chủ thể thì lá trong thơ cũng đại diện cho một tầng lớp trong xã hội đương thời,

 

Qua câu thơ thứ 4, nhà thơ đột nhiên dùng chữ “Yêu em”. Để hiểu nghĩa rõ hơn hai câu thơ nầy ta có thể viết lại như sau: Những đáy mắt không căm thù đỏ cháy/ Đỏ cháy vì yêu em trên lá đọng sương mai. Ta để ý cụm từ “yêu em trên lá đọng sương mai”. Vậy em trong câu thơ nầy là ai? Là “lá đọng sương mai”, nghĩa là em là những chiếc lá đọng sương mai. Hiểu như thế ta sẽ không còn thắc mắc tại sao thiền sư lại viết “em” trong thơ của ngài.

 

Qua khổ thơ đầu ta có thể thấy tuy nhà thơ viết về ác mộng, nhưng đó không phải là giấc mơ khi ngủ mà là ác mộng khi ngài đang thức, bởi vì ngài vẫn thấy rõ lá đỏ đọng sương mai trước mắt mình.

 

Tóm lại trong khổ thơ đầu, Tuệ Sỹ viết về một cơn ác mông do xã hội đem đến cho ngài. Ngài thấy cảnh đau khổ trên từng lối đi, ngài cũng thấy tầng lớp bị đè nén thơ ngây như những chiếc lá không biết hận thù, tâm hồn họ đẹp như những giọt sương đọng trên lá mà ngài yêu quý. Vậy lá đại diện cho lớp người bị áp bức được nhà thơ gọi là “Em” và “sương mai” chính là tâm hồn của họ.

 

Bây giờ xin mời quý vị đọc tiếp khổ thơ thứ hai:

 

Anh chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại

Thoảng trông em tà áo mỏng vai gầy

Ôi hạnh phúc anh thấy mình nhỏ bé

Chép tình yêu trên trang giấy thơ ngây

 

Câu thơ đầu “Anh chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại” nói về thế lực của Tuệ Sỹ và ý chí của Tuệ Sỹ. Thế lực của nhà thơ yếu đuối như cỏ dại, nhưng ý chí nhà thơ luôn kiên cường chiến đấu. Trước bạo lực Tuệ Sỹ như cỏ dại nhưng cỏ dại vẫn chiến đấu. Ngài chiến đấu cho ai, chiến đấu vì sao? Câu trả lời rất rõ ràng, chiến đâu cho “em tà áo mỏng vai gầy”, nghĩa là chiến đấu vì tầng lớp yếu đuối và nghèo khó. Hiểu như thế ta sẽ thấy “em” ở đây không là cô gái nào cả mà em ở đây là những giai tầng bị áp bức.

 

Hai câu thơ tiếp theo nói về sự thỏa lòng trong tình yêu của nhà thơ và cách bày tỏ tình yêu của nhà thơ. Tất nhiên ta đã biết rõ tình yêu nầy không phải là tình yêu nam nữ, mà là thứ tình yêu cao rộng cho tha nhân, cho người yếu đuối, người chịu sự bất công đè nén: “Ôi hạnh phúc anh thấy mình nhỏ bé/Chép tình yêu trên trang giấy thơ ngây”

 

“Ôi hạnh phúc anh thấy mình nhỏ bé”: Tuệ Sỹ hạnh phúc trong sự nhỏ bé thật, bởi vì chính sự nhỏ bé ấy mà ngài thành tượng đài vĩnh viễn không chối cải được trong lương tâm thời đại.

 

“Chép tình yêu trên trang giấy thơ ngây”: Quả đúng như vậy. Ngày nay mặc dầu Tuệ Sỹ đã đi xa nhưng thơ ngài, văn ngài, kinh kệ của ngài là thứ tình yêu vô đối còn để lại trên trang giấy vĩnh viễn, rất thơ ngây nhưng vô cùng giá trị, là cảo thơm cho văn học sử, là lời dạy của thiền sư trọng vọng trong đạo Phật, là văn tự của hiền sĩ cho lịch sử Việt Nam.

 

Bây giờ xin mời qúy vị đọc khổ thơ cuối của bài thơ:

 

Đời khách lữ biết bao giờ yên nghỉ

Giữa rừng khuya nằm đợi bóng sao Mai

Để một thoáng giấc mơ tàn kinh dị

Dáng em buồn bên suối nhỏ mây bay

 

Đây là một khổ thơ ước mơ và hy vọng. Đạo Phật quan niệm đời người như một lữ khách lang thang qua ngàn vạn kiếp: “Hỡi người khách lữ hành trên cõi thế/Đi lang thang vô định đã bao đời/Vòng tử sinh, sinh tử, nẽo luân hồi/Trong tam giới xoay đi rồi chuyển lại”. Đời đã buồn như thế nhưng Tuệ Sỹ càng buồn hơn vì đời nầy của ngài đang sống giữa rừng khuya mờ mịt không biết bao giờ trời sáng lại. Tuy thế nhà thơ vẫn nuôi một hy vọng lớn lao, ngài chờ đợi bóng sao Mai báo hiệu mặt trời sẽ lên, ánh sáng sẽ đến. Lúc đó giấc mơ kinh dị của ngài sẽ tàn và ngài sẽ thấy được “Dáng em buồn bên suối nhỏ mây bay”, nghĩa là em đang đứng trong khung cảnh bình an. Tất nhiên dáng em vẫn còn buồn vì ngày đó đến bất ngờ em chưa nhận thức được.

 

Như trên ta đã biết, em của Tuệ Sỹ không phải người con gái, Em của Tuệ Sỹ trong thơ là lớp người gánh chiu nhiều hệ lụy trong cuộc đời, là những người chịu nhọc nhằn đau khổ, những người bị áp bức, chịu bất công hay có thể ngài quan niệm “Em” là tất cả những người còn xa lìa với đạo Phật là con đường mà ngài đang tu tập.

 

Thơ Tuệ Sỹ không chỉ như bông hoa nở trước mắt ta mà còn như ngôi sao lấp lánh trên trời cao. Như bông hoa nở trước mắt ta là vì màu sắc tươi đẹp, hương thơm ngọt ngào ta cảm nhận được ngay. Như ngồi sao lấp lánh trên trời cao là vì những ý siêu đẹp, những tứ siêu phàm lấp lánh, ta cũng có

thể thấy tùy theo mắt mỗi người, nhưng ai cũng phải ngước lên cao để tìm và phải điều tiết mắt mình để thấy rõ hơn.

 

Thấy thì có thấy nhưng kể lại thì chắc chi ai giống ai, vì thơ Tuệ Sỹ là loại thơ siêu thực. Châu Thạch tôi cũng vậy, chỉ thấy thơ ngài trong đôi mắt trần tục, suy nghĩ về thơ ngài trong cái đầu dốt nát của mình, và viết về thơ ngài chỉ để mua vui cho mình và cho những ai có tấm lòng độ lượng. Mong được tha thứ nếu thấy sai trật điều gì. Kính cảm ơn qúy vị!

                                                                      

             CHÂU THẠCH

 

TÌNH ĐÃ PHAI TÀN, NHẠC LÊ HỮU NGHĨA , LỜI NHÃ MY






TÌNH ĐÃ PHAI TÀN
NHẠC LÊ HŨU NGHĨA
LỜI NHÃ MY
CA SỸ TÂM THƯ
HOÀ ÂM & VIDEO PHAN ĐÊ


NM CHÂN THÀNH CẢM ƠN NHẠC SỸ LÊ HỮU NGHĨA CÙNG PHẦN HOÀ ÂM THẬT HAY  CỦA PHAN ĐÊ VÀ TIẾNG HÁT TRUYỀN CẢM CỦA TÂM THƯ ĐÃ HOÀN CHỈNH MỘT CA KHÚC HAY.


CẢM ƠN NS LÊ HỮU NGHĨA ĐÃ VIẾT TẶNG BÀI THƠ HAY.

Tình Đã Phai Tàn
Tiếc hoài tình cũng đã tan
Khi xa mới quí lúc đang cận kề
Lối xưa sánh bước đi về
Bây giờ đơn bóng lê thê đường dài
Gió thu lạnh gót heo may
Cung đàn lỡ nhịp tháng ngày chùng tơ
Rừng thu vàng lá hững hờ
Thu tàn tình cũng bơ vơ ngậm ngùi .
LHN

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2023

RƯỢU, TRĂNG VÀ EM , MẸ Ạ - THƠ KHÊ KINH KHA

 





RƯỢU, TRĂNG VÀ EM


                                               ô hay đêm sáng như trăng
mà trăng lại sáng như gương
ô hay trong rượu có ngàn ánh trăng

lung linh rượu cũng như trăng
tang tình trăng rượu, rượu trăng
nào trăng, nào rượu miên man cõi lòng

ô hay rượu cũng như em
mà em tha thướt như trăng
đêm nay trăng rượu với em trọn tình

ô hay rượu ngát hương em
mà em thơm đóa quỳnh lan
men nồng hòa với trăng, em ngọt ngào

ô hay lòng có say đâu
mà mình như gío lao chao
tình như cánh bướm khoe mầu tơ vương

ô hay rượu đã là trăng
và trăng cũng đã là em
em ơi, trời đất giao tình em ơi




MẸ Ạ

mẹ ạ, chiều nay mưa nhiều lắm
những giọt buồn lạnh buốt cả tim con
mẹ biết không, nơi đây đêm rất vắng
nên con thường úp mặt nhớ quê hương

mẹ ạ, bàn tay con nhỏ bé
mà cuộc đời sao rộng lớn hoang vu
con vẫn thường ngồi đếm từng kĩ niệm
chút mặn nồng của năm tháng xa xưa

mẹ ạ, hồn con như lá úa
như gió trời lạc bước giữa Trường Sơn
như âm u đời người trên mây nổi
lệ cũng nhiều và tức tủi cũng mênh mông

mẹ ạ, mai này con không khóc nữa
chỉ âm thầm khẻ gọi tên Việt Nam

 

 

KHÊKINH KHA

10/2005