CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2024

XUỐNG ĐÒ NGƯỜI DƯNG | PHÚC DUY | OFFICIAL MUSIC VIDEO | - THƠ NHÃ MY, NHẠC & LỜI 2 PHAN NI TẤN.





Music Video: XUỐNG ĐÒ NGƯỜI DƯNG
■ Thơ: NHÃ MY - Nhạc và lời 2: PHAN NI TẤN
■ Trình bày: PHÚC DUY
■ Đạo diễn - Quay phim: Huỳnh Tấn Sang
■ Hòa âm: Lê Hùng
■ Thu Âm: HTS Recordings 
■ Mix & Master: Đông Nguyễn Studio 
■ Hậu kỳ | Graphic Design: Team Phúc Duy
■ Sản xuất: PHÚC DUY ENTERTAINMENT




Thứ Hai, 18 tháng 3, 2024

CHUYỆN PHIẾM VỀ MỘT BÀI CA DAO VIỆT NAM ĐƯỢC CHUYỂN SANG HÁN NGỮ - LA THUỴ

 


La Thụy đọc trên báo SỐNG của Chu Tử trước 1975 một bài viết ngộ nghĩnh. Bây giờ chỉ còn nhớ một đoạn ngắn về việc chuyển ngữ bài ca dao Việt Nam sang chữ Hán. Post lên chia sẻ anh chị em đọc cho vui...
Bài ca dao nói về “sự đời em cái lá đa” đó mà...
 
“Sáng trăng em ngỡ tối trời
Em ngồi em để sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời.”
 
Bài ca dao được “dịch” sang chữ Hán như sau:
 
“Minh nguyệt ngộ u dạ
Ngã tọa phô thế sự
Thế sự như đa diệp
Hắc như khuyển khẩu
Trảm phụ thế sự...”
 
明月悞幽夜
我坐舖世事
世事如栘叶 
黑如犬口
斬父世事

(Ghi lại theo trí nhớ bài viết của Chu Tử đăng trên báo Sống trước 1975)
*
Bài ca dao chỉ gồm 4 dòng lục bát (28 chữ), nhưng “được” chuyển sang thể ngũ ngôn đến 5 dòng (trong đó 2 dòng cuối chỉ có 4 chữ mỗi dòng), nên chỉ gọn 23 chữ thôi. Chữ “đa” (trong cụm từ “lá đa”) chỉ có trong tiếng Việt nên người dịch mượn chữ  (đa) trong Hán tự có nghĩa là “nhiều” rồi thêm bộ mộc để viết thành . Âm Nôm chữ đọc đúng là “đa”, nhưng  có âm Hán Việt là “di” nghĩa là cây “đường lệ” 棠棣 (theo truyền thuyết).
Người dịch chỉ cà rỡn dịch thôi. Khi chữ Hán không có từ ngữ viết về lá đa, nên chúng ta tạm chấp nhận vậy.


*
Công Tử Hà Đông Hoàng Hải Thủy cho rằng:
 
“Chỉ trong 4 câu thấy có ba hình ảnh gợi cảm: Sự đời, Lá Đa, Mõm Chó. Chuyện théc méc là ‘Sự đời, Lá Đa, Mõm Chó’ ba cái có tội gì mà chúng bị người đe dọa ‘chém cha.’ Oan thay cho Lá Đa.
Em phải mặc váy thì khi em ngồi, sáng trăng suông em tưởng tối trời, em mới để cái sự đời của em ra được. Em mặc quần thì vô phương. Phải viết rõ là em gái quê em mặc váy, em ‘không để nó ra’, nó là ‘cái sự đời’ của em, nó vẫn ở trong đó nhưng vì em ngồi hớ hênh - ngồi bệt mà dạng háng, tức banh hai chân ra - nên người ta nhìn vào, người ta thấy ‘nó’. Viết lại: Em mặc quần thì vô phương. Em mặc váy mà em đứng em cũng không thể để cái sự đời của em ra được.
Đến đây có vấn đề ‘Váy và Quần Con Gái, Đàn Bà’. Sử ghi: Ngày xưa, đàn bà Bắc kỳ mặc váy. Bắc Kỳ đây là từ Ải Nam Quan vào đến tỉnh Quảng Bình. Viết cách khác: từ Sông Gianh trở ra bắc. Từ Quảng Bình vào nam, đàn bà mặc quần. Ngày xưa đây là thời Thực Dân Pháp chưa đến nước Việt Nam. Cũng Sử ghi: Năm 1882 Vua Minh Mạng hạ chiếu, tức ra lệnh:
‘Cấm đàn bà mặc váy’, lại tức: Đàn bà Bắc kỳ phải mặc quần.
 
Tháng Sáu có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông.
Đi thì bóc lột quần chồng, sao đang.
 
Lệnh của Vua Minh Mạng không được nữ thần dân Bắc kỳ tuân theo. Vua cấm đàn bà mặc váy, đàn bà Bắc kỳ vẫn cứ mặc váy. Những năm 1947 đến 1950, kẻ viết những dòng chữ này sống trong những làng quê ba tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên, thấy tận mắt 90/100 đàn bà miền quê mặc váy. Chỉ môt số cô gái trẻ, sinh sau năm 1930, mới mặc quần.
 
Nhắc lại và nhấn mạnh: Chỉ khi mặc váy đàn bà, con gái mới để cho người đời nhìn thấy cái ‘Sự Đời Lá Đa’. Phụ nữ Á, Phụ nữ Âu Mỹ mặc váy cũng để hở ‘Sự Đời’ như nhau. Chỉ có khác là phụ nữ Âu Mỹ mặc slip, phụ nữ Á châu ở trần. Bà Hillary Clinton khi là First Lady có lần – mặc váy – ngồi hớ hênh bị anh Phó Nháy chụp ảnh bà để lộ cái slip. Từ đó người ta thấy bà Hillary Clinton chuyên mặc quần.
                                      (Theo Công Tử Hà Đông Hoàng Hải Thủy)
 
Nhà nho như Tam Nguyên Yên Đỗ cũng mần thơ nói về cái “sự đời” đó
 
“Đàn bà con gái sắn quần lên
Cái gì trăng trắng như con cúi”
(Nguyễn Khuyến, Chỗ Lội Làng Ngang)
 
Không biết Bùi Giáng vì đọc bài ca dao này nên mới phóng bút chăng:
 
“Bây giờ em để quần đâu
Cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao”
 
Hàn Mặc Tử cũng mần thơ như ri:
 
“Tiếng ca ngắt. Cành lá rung rinh
Một nường con gái trông xinh xinh
Ống quần vo xắn lên đầu gối
Da thịt, trời ơí trắng rợn mình…”
          (Thi tập Gái Quê, bài Nụ Cười)
 
Bích Khê cũng không thua chi:
 
“Và ô kìa một tòa hoa nghiêm động
Tay run run hãm lại cánh tình si
Hai tay nàng đã nở ngọc lưu ly
Hai chân nở màu sen ẻo lả
Cho tôi nàng, hãy cho tôi tất cả !…”
                        (Tranh Lõa Thể)
 
Viết lông bông cho vui. Quý bác nào không thích thì bỏ qua nhé!
 
                                                     
        LA THUỴ


Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2024

SẠCH TRONG CHO TRỌN - THƠ MẶC PHƯƠNG TỬ



 

SẠCH TRONG CHO TRỌN.

Bên trời muôn dặm tha phương
Áo vai nhuốm bạc màu sương gió đời
Thời gian rót một dòng trôi
Nhân tình tỏ mặt ngọt, Bùi, đắng , cay .

Tấn tuồng sân khấu xưa nay
Xếp trang đạo nghĩa bên đài đỉnh chung.
Đường muôn nẽo
Người muôn trùng,
Đó đây , Trong đục xoay vòng ảo hư .

Sắc màu dù đến bao giờ
Vẫn là màu sắc tung hô rộn ràng
Vẫn là lắm nỗi thế gian
Một phen vở mộng bên ngàn khói sương .

Ta đâu đợi bước Xuân phương
Ngoài kia hoa cỏ đưa hương bốn mùa
Mai này nắng đẹp quê xưa
Thong dong đời vẫn sớm trưa an bình
Theo nguồn đạo nghĩa tồn sinh
Sạch trọng cho trọn hành trình cuộc chơi .


New Jersey (USA) 15/3/2024
MẶC PHƯƠNG TỬ .


Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2024

TÌNH CỜ GẶP NHAU - TỪ KẾ TƯỜNG



 Tranh Đỗ Duy Tuấn


TÌNH CỜ GẶP LẠI NHAU

Tôi vốn không tin ở số mệnh mà chỉ tin vào chính mình. Và cũng chỉ tin vào chính mà có những việc còn nằm ngoài ý muốn, hay sự mong đợi tưởng đã ở trong tầm tay. Bởi thế tôi chơi Facebook không mong cầu một điều gì, chẳng muốn sân si với ai trên thế giới mạng vốn không có bờ bến, không có điểm dừng và chuẩn mực của ứng xử. Tôi chơi Facebook như minh có trong tay một trang viết, viết cái gì mình thích và nó thuộc về mình. Đồng thời mình chịu trách nhiệm với những gì mình đưa lên dù đó là lúc ngẫu hứng thơ, văn, tạp bút, ghi chép…
Nhưng Facebook luôn có những thú vị và luôn bất ngờ. Thỉnh thoảng tôi lại nhận được một tin nhắn trong inbox của một người có tên rất lạ. Nhưng nội dung tin nhắn thì dường như rất thân quen khiến tôi đặc biệt quan tâm và không khỏi tò mò nên mở trang của người nhắn lên. Thật xúc động và ngậm ngùi khi nhận ra tấm ảnh đại diện người vừa nhắn tin. Hóa ra đó là người rất quen nhau giờ đã ở nước ngoài, cách xa nhau nửa vòng trái đất, bên kia bờ Thái Bình Dương. Rồi từ những dòng tin nhắn kỷ niệm ùa về… những năm tháng sống lại từ dưới tro than.
Ngày ấy em hãy còn rất trẻ, tôi cũng chưa tuổi trung niên, giờ em đã có gia đình, cuộc sống tốt hơn, con 2-3 đứa. Tôi thì vẫn đi về như chiếc bóng, liêu xiêu đường nhỏ, vai gánh nhọc nhằn, lẻ loi mưa nắng, xáo động nhân tình thế thái. Hẹn gặp lại một lần nào nữa chăng? Dẫu là bạn cũ, dẫu là người xưa, dẫu là một lần đã quen nhau? Tôi bỗng nhớ lại bài hát "Tình cờ gặp lại nhau" của anh bạn tôi là cố NS Trần Quang Lộc. Dẫu không đàn cũng ngồi hát: "Tình cờ gặp lại nhau/Dường như lâu lắm rất quen nhau/Gặp lại nhau mắt vương niềm đau/Gặp lại nhau lúc sắp xa nhau/Gặp lại nhau tóc xanh phai màu..."
Tôi tin rằng, dù ai đó không phải là nhà văn. Mà cứ gì phải là nhà văn mới có tâm hồn lãng mạn? Chúng ta đều có trái tim người, sống bằng chính nhịp đập của trái tim mình, từng khoảnh khắc mà cuộc sống đã cưu mang, đều sẽ có những giây phút chạnh lòng với kỷ niệm, với ký ức. Người có trái tim nhạy cảm thì luôn da diết với những bất thành, với những ước mơ không toại nguyện.
Ai cũng thế, đã từng đi qua một cuộc tình bằng bước chân rụng vỡ yêu thương, tan nát da thịt thành những dấu tích. Tôi tin, đều có những lúc phải nghẹn ngào giữa nhớ và quên như mưa và nắng sáng lòa lên một hình bóng tưởng cũ xưa nhưng không bao giờ thôi tồn tại.
“Hỏi người, người về đâu/Đường đi ai biết chứ nông sâu/Gặp lại nhau mắt vương niềm đau/Gặp lại nhau lúc sắp xa nhau/Ngoãnh nhìn nhau trước khi qua cầu”…
Facebook là một thế giới ảo mà thật, thật mà ảo. Nó là một nhịp cầu bắc qua thời gian, không gian để khoảng cách nghìn trùng gần lại. Và hãy dừng lại ở ký ức, kỷ niệm của thuở ban đầu chứ không nên tái hiện cuộc gặp gỡ trong hiện tại. Bởi chắc chắn ta sẽ không chịu đựng được sự thất vọng, tan vỡ của cơn mơ không giống như ta mong muốn. Facebook thật cũng chết người mà ảo cũng chết người nên tốt nhất cứ đứng ở hai bờ khoảng cách nghìn trùng để hy vọng cánh hoa lưu ly tím ấy sẽ trôi ngược dòng trở về. Và chỉ thế thôi.
Đã có những lúc “Tình cờ gặp lại nhau” giữa tôi và em ngày ấy. Tôi cứ nghĩ rằng ta sẽ chữa lành vết thương cho nhau sau bao năm tháng trong khoảng cách nghìn trùng. Nhưng thật ra, vết thương đã không lành mà có vẻ như đã đau thêm một lần nữa. Em ạ.


TỪ KẾ TƯỜNG

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2024

EM CHỜ ANH TRỞ LẠI - TRẦN HỮU NGƯ




EM CHỜ ANH TRỞ LẠI

“Em chờ anh trở lại” là một nhạc phẩm nổi tiếng của Hoàng Nguyên.
Lại một bài Boléro xuất hiện trong thời chiến đã một thời hát vang. Boléro, người bạn thân mến của toàn dân miền Nam trong những năm Chiến tranh, đi trong đoàn quân không vũ khí: Tango, Valse, Rumba, Modérato, Slow, Cha cha cha… Boléro giàu tính nhân văn, mang lời ca chan chứa nghĩa tình, những mối tình đẹp như tranh vẽ, những hẹn hò đầu ghềnh cuối bãi, xóm trên, thôn dưới…, những chia ly ước hẹn ngày về, những đợi chờ thương nhớ khôn nguôi dù Hòa bình còn xa lắm! Nhưng hy vọng đã làm cho người ta sống được, cho dù hy vọng ở cuối đường hầm chưa được soi rọi ánh sáng.
“Em chờ anh trở lại” do Hoàng Nguyên tự xuất bản và giữ bản quyền. Tôi có bản nhạc này, nhưng tiếc rằng “không đề ngày tháng kiểm duyệt và xuất bản”, cho nên, tôi cho vào nhóm nhạc “hình như lâu lắm”.
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên, thì người nghe đã biết anh qua nhiều nhạc phẩm đã đi theo cùng năm tháng dài của thời kỳ đầu Chiến tranh, cho đến khi Hòa bình sắp ló dạng.
Nhân bài hát “Em chờ anh trở lại”, tôi cũng thật lòng nói rằng:
-Tôi đã viết cảm nhận về Boléro nhiều rồi, định không viết nữa, nhưng một ngày, một buổi, cất công đi tìm nhạc hay lại gặp Boléro! Những bài hát hay thường rơi vào giai điệu Boléro: Ủa, sao kỳ lạ vậy?
Và cũng mong bạn đọc thông cảm, viết nhiều, không tránh khỏi những ý tưởng trùng hợp. Khi viết, tôi mang trong đầu câu nói của ai đó: Đại khái rằng, đừng lập lại chính mình. Viết cảm nhận về nhạc thật khó tránh khỏi điều này, nhất là Boléro.
Tôi cũng đã từng nói về Boléro:
-Chỉ có Boléro mới diễn tả trọn vẹn những mối tình, giai điệu Boléro như dìu nhẹ những ca từ trong nỗi yêu thương, oán trách, than vãn, tan hợp, đợi chờ…, những cung bậc nhịp nhàng thăng trầm theo từng nốt và cũng chính Boléro đã thách thức thời gian qua những nhạc phẩm: Đường xưa lối cũ, Những bước chân âm thầm, Những đồi hoa sim, Hàn Mặc Tử, Xóm đêm…
Nghe Boléro, Gamme Đô Thứ buồn trong “Em chờ anh trở lại”…, tôi nhớ lại, ngày đó có những chuyện của chúng mình. (Có một sự đổi ngôi: Nam ca sĩ thì hát “Em chờ anh trở lại, còn Nữ ca sĩ thì hát “Anh chờ em trở lại! Một sự đổi ngôi đến buồn cười, vậy mà vẫn hát được kể cả những ca sĩ “hạt giống!”. Và ngày xa xưa ấy, nhạc sĩ Hoàng Nguyên ở không gian và thời gian nào để viết “EM CHỜ ANH TRỞ LẠI”?:



“… Hôm nào chúng mình ngồi với nhau
Vầng trăng lặng lẽ soi hai mái đầu
Có vì sao lạc vào mắt biếc
Ngước lên nhìn nhau, anh thì thầm:
Nghìn năm sau mắt em còn sâu
Bây giờ, bây giờ mình cách chia
Vì đâu, vì đâu lứa đôi chia lìa
Bây giờ ai một mình chiếc bóng
Vẫn mong chờ ai nhớ thương nhiều
Nhìn đăm đăm thấy đâu người yêu…”
Đến ĐK, Boléro chuyển tải những ca từ “liên ba” không ngắt:
“… Ngày anh ra đi đường nắng chưa phai màu
Dòng sông chia ly lờ lững chưa hoen sầu
Ngờ đâu chân anh lạc bước khi qua cầu
Chiều nay bâng khuâng chợt nhớ thương đời nhau
Ngày anh ra đi rặng liễu chưa xanh màu
Mà nay bên sông liễu khuất bên giang đầu
Mười mấy năm qua rồi
Còn gì đâu
Còn gì đâu
Có chăng là đớn đau…
Em chờ anh trở vào chốn đây
Đường xưa còn đó sánh đôi vai gầy
Em chờ anh tìm về lối cũ
Có em còn đây, bên sông này đợi chờ ai đến trong vòng tay…”
Nghe bài nhạc này, tôi vẫn thắc mắc:
-Nhạc sĩ Hoàng Nguyên sáng tác bài hát nhằm ca ngợi một đêm chia tay của hai người yêu nhau, nhưng con sông này ở đâu, Bến Hải hay Cà Mau? Anh đi về phía nào mà em phải chờ anh trở lại?
Tai sao lại: “… Ngày anh ra đi đường nắng chưa phai màu/ Dòng sông chia ly lờ lững chưa hoen màu/ Ngờ đâu chân anh lạc bước khi qua cầu?...”
Để rộng đường dư luận, tôi xin trân trọng mời các bạn nghe lại nhạc phẩm này, và cho biết ý kiến. Vì dù sao “Em chờ anh trở lại” là một bài hát nổi tiếng được nhiều ca sĩ miền Nam hát và được nhiều người thuộc. Nếu không nghe được thì đọc lời trên đây, vì tôi đã trích nguyên bài hát.
Từ sau 1975, có một số những bài Boléro miền Nam không sống được nơi nó sinh ra, thì bất đắc dĩ nó phải sống ở đất khách quê người, vì âm nhạc là những lời ca không biên giới! Những ca sĩ Việt Nam sống ở nước ngoài cũng lần lượt về quê nhà hát hò để nhớ một thuở, và biết đâu một số bài hát cũ ở miền Nam sẽ được hát lại dù nó đã một thời bị cấm hát?
Tôi chọn “Em chờ anh trở lại” vì một câu hay nhất trong bài hát để làm câu kết trong bài viết ngắn này:
-Chiều nay bâng khuâng chợt nhớ thương đời nhau!


TRẦN HỮU NGƯ 


Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

ALBUM NHỮNG CA KHÚC PHỔ THƠ NHÃ MY CỦA NHẠC SỸ NGUYỄN HỮU TÂN


TƯỞNG NHỚ CỐ NHẠC SỸ NGUYỄN HỮU TÂN MỘT ĐỜI ĐAM MÊ ÂM NHẠC. TIẾNG HÁT CÒN ĐÂY MÀ NGƯỜI ĐÃ VĨNH VIỄN ĐI XA...





CD TRĂNG XƯA
THƠ NHÃ MY
PHỔ NHẠC NGUYỄN HŨU TÂN
HOÀ ÂM NGUYỄN HỮU TÂN, TRẦN NHÀN
TIẾNG HÁT NGUYỄN HŨU TÂN, NHƯ LOAN ,QUÓC DUY, CAO HUY THẾ
THIẾT KẾ ALBUM CD PHÚC DUY