CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2024

NHỮNG ĐÊM GIĂNG CÂU VÀ MÓN CHÈ HỘT VỊT - TỪ KẾ TƯỜNG




 

NHỮNG ĐÊM GIĂNG CÂU VÀ MÓN CHÈ HỘT VỊT

Dạo đó tôi chỉ là đứa trẻ con lên 10-12 tuổi, khi ngủ thì ngủ mê mệt, lại thích đi giăng câu nên chiều tối, ngoài nhiệm vụ đào bắt ít nhất 200 con trùn đất, bỏ vào cái thùng nhựa ém đầy đất cho trùn không chết để làm mồi câu. Tôi cũng không quên mang theo mấy cuốn tập để học bài lên chòi vịt của đứa bạn học cùng lớp trên kênh Nhỏ để đi giăng câu với nó. Trong lúc chờ nước lớn, tôi với nó tranh thủ học bài dưới ngọn đèn dầu tù mù, mắt đã mỏi vì thiếu ánh sáng và buồn ngủ, còn bị cay sè vì khói đốt con cúi un muỗi. Chòi vịt của đứa bạn thấp lè tè, chật hẹp, đã nhiều muỗi, tay phải đập lia lịa để xua bầy muỗi đói lại còn tiếng vịt đẻ kêu inh tai nên học câu được, câu mất. Nhưng được cái, đứa em gái của nó thường nấu chè hột vịt cho ăn nên dù bài học bữa đực, bữa cái nhưng tôi vẫn thích. Chè hột vịt nhỏ em gái đứa bạn nấu vô cùng đơn giản, chỉ là đường thốt nốt bỏ vào nước mưa nấu sôi lên, đập chừng 5-6 trứng hột vịt, vài lát gừng thơm thơm, cay cay. Thế mà thành món chè hột vịt ngon tuyệt cú mèo tới bây giờ tôi vẫn con nhớ món chè dân dã này.

Một đêm như thường lệ, ăn chè xong, nghe nước đổ ào ào sau chòi, bầy vịt đẻ lại kêu vang theo quáng tính, tôi và đứa bạn đứa xách cây đèn soi, đứa xách thùng trùn nhảy xuống xuồng. Bỗng nhỏ em gái của nó chạy theo đòi cùng đi giăng câu, tình tiết bất ngờ này làm tôi bối rối lẫn khó chịu, vì trên xuồng có thêm một đứa con gái sẽ làm không khí mất tự nhiên, bởi lẽ tôi có thói quen sau khi móc mồi, thả câu xong thường nằm vắt chân, đầu gối lên mũi xuồng ngắm sao trời, ngắm trăng hát nghêu ngao mặc cho đứa bạn muốn chống chèo thế nào tùy thích. Nếu có thêm em gái nó chắc chắn tôi sẽ mất tự nhiên. Thấy tôi có vẻ không bằng lòng, đứa bạn lại cười khì bảo có thêm em gái nó có khi lại được việc vì nhỏ em nó chèo xuồng rất giỏi, biết cách móc mồi rất “nhạy”, con cá nào ăn cũng dính. Anh nó nói thế thì tôi đành chịu.

Quả đúng như thế, sau khi lên xuồng, đứa bạn trao mái dầm cho nhỏ em. Giữa lúc tôi tưởng “con bé” sẽ loay hoay chèo chống thì chỉ vài cái động tác quậy nước, chiếc xuồng băng băng lướt trên cánh đồng rộng. Nhờ có nhỏ em chèo xuồng, tôi và thằng bạn đứa móc mồi đứa thả câu rất nhanh. Đêm đó tôi mất tự nhiên và…mất hứng, không nằm vắt chân, tựa đầu lên mũi xuồng hát nghêu ngao nữa, nhưng bù lại được một đêm gỡ cá mệt xỉu vì được nhỏ em đứa bạn “dạy” cho kinh nghiệm móc mồi trùn dụ cá mà lâu nay tôi không biết. Mồi trùn phải móc nguyên con và không bao giờ để cho bị đứt, cũng như lúc nào cũng phải chừa khúc đuôi con trùn ở đầu lưỡi câu cho nó “loe ngoe” thì cá mới thấy. Thật đơn giản, nhưng không phải ai cũng biết cách móc mồi trùn sao cho con cá nó “thấy”, vì thường tôi móc hết con trùn, móc luôn khúc đuôi của nó vào mũi lưỡi câu để giấu. Như thế là mồi “tĩnh” chứ không phải mồi “động” theo cách nói của nhỏ em thằng bạn. Một bài học của nghề…giăng câu mà tôi còn nhớ mãi đến bây giờ.

Bao nhiêu năm rồi, quê tôi mỗi năm vẫn một mùa nước nổi vào tháng bảy Âm lịch theo như câu nói dân gian: “Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”. Nhưng cánh đồng mùa nước nổi ngày xưa có còn nhiều người giăng câu như chúng tôi thủa đó? Riêng tôi vẫn nhớ những đêm giăng câu ngủ trong căn chòi chật hẹp, cheo leo trên bờ kênh Nhỏ của đứa bạn học cùng lớp ngày xưa. Nhớ như in lúc tranh thủ học bài, tay đập mũi, mắt cay sè vì khói con cúi, tai nghe tiếng bầy vịt đẻ kêu ồn ào báo con nước lớn và món chè hột vịt nấu đường thốt nốt thơm vị gừng cay của “cô bé” đã dạy tôi bài học móc mồi trùn câu giăng ngày nào. “Cô bé” ấy đã bao nhiêu năm rồi tôi không gặp, thời gian cũng không giống như con nước vơi đầy mà nó trôi nhanh rồi mất tăm. Chỉ còn người ở lại nhớ mãi về những đêm giăng câu trên cánh đồng nước nổi và món chè “hột vịt” tuyệt vời thời tuổi nhỏ.


TỪ KẾ TƯỜNG


Không có nhận xét nào: