CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC SỬ DỤNG PHƯƠNG NGỮ NAM BỘ...


TÁC GIẢ LÊ XUÂN

VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC SỬ DỤNG PHƯƠNG NGỮ NAM BỞ CÁC TRƯỜNG HỌC ĐBSCL HIỆN NAY

Lời phi lộ:
Phương ngữ là ngôn ngđặc biệt (cá biệt) ở một sđịa phương ở VN Với một địa lý trải dài từ bắc xuống nam và sự kết hợp sinh sống của nhiều dân tộc gần như mỗi vùng ,mỗi khu vực chúng ta có một số khẩu ngữ khác nhau về cách phát âm hay nhiều tngữ cùng nghĩa mà dùng từ khác để diễn đạt Đó cũng là một sắc thái độc đáo của ngôn ngữ nhiều vùng địa phương, không những lưu hành trong dân gian mà còn được các nhà văn hóa đưa vào văn chương sách vỡ .Chúng ta đã có rất nhiều tác phẩm văn chương sử dụng ngôn từ  giọng bắc (Tự Lực văn đoàn)giọng Huế ,giọng nam bộ...

Xin mời đọc một bài biên khảo công phu của TG Lê Xuân

Nguồn :TC Tiếng Quê Hương.blogspot.com


 VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC SỬ DỤNG PHƯƠNG NGỮ NAM BỘ  Ở CÁC TRƯỜNG HỌC ĐBSCL HIỆN NAY  





Ảnh Tác Giả LÊ XUÂN


         Hiện nay nhiều Sở GD-ĐT ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã biên soạn được chương trình giảng dạy Ngữ văn địa phương. Một số tỉnh có công trình nghiên cứu, in thành sách phục vụ giảng dạy như Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ… Phần lớn các công trình này đều chỉ ra được cái sai trong cách phát âm của địa phương mình, đồng thời góp phần bổ sung vốn từ ngữ Nam Bộ vào kho từ vựng chung của nước nhà mà các vùng miền khác không có được.



1-     Đặt vấn đề:

     “Ngôn ngữ là thứ của cải vô cùng quý báu và lâu đời của dân tộc” (Hồ Chí Minh). Vì thế việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền… một bộ phận ngôn ngữ cũng được biến đổi theo chiều hướng có lợi. Đặc biệt phương ngữ của mỗi vùng, chỉ rõ hơn bản sắc dân tộc của vùng, miền ấy và góp phần làm giàu hơn kho tàng từ vựng tiếng Việt.

       Ở khu vực ĐBSCL phương ngữ thể hiện khá rõ trong lời ăn tiếng nói của nhân dân và trong các tác phẩm văn học. Nó làm nên bản sắc riêng của người dân nơi đây. Xét trên các bình diện ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa và phong cách diễn đạt thì phương ngữ Nam Bộ cũng như phương ngữ ở địa phương khác đều có sự giao thoa, tiếp thu, cải biến giữa các vùng miền mà cư dân mang theo trong quá trình đi “mở cõi”. Các thầy cô giáo từ trường mẫu giáo tới THPT ở ĐBSCL đã sử dụng phương ngữ Nam Bộ trong giao tiếp và giảng dạy, nhất là trong các giờ Ngữ văn, Tiếng Việt. Vấn đề là làm sao vừa cung cấp vốn từ ngữ phổ thông cho học sinh, vừa chỉ ra cái hay, cái đẹp và cả những hạn chế của phương ngữ đó.

      Về mặt địa lí, Nam Bộ được tính từ các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh đến Cà Mau. Nét nổi bật của phương ngữ Nam Bộ so với phương ngữ Bắc Bộ hay Trung Bộ là ở tính nhất thể. Nếu ở Bắc Bộ tiếng Hà Nội khác tiếng Thanh Hóa, khác tiếng Nghệ An, Hà Tĩnh… thì ở Nam Bộ tiếng Sài Gòn và tiếng 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL nói chung không khác nhau mấy. Nếu phần lớn các tỉnh miền Bắc gọi cái bát, Nghệ An, Hà Tĩnh gọi là cái đọi, thì ở Nam Bộ gọi là cái chén. Nếu ở các tỉnh phía Bắc nơi thì gọi cha - mẹ, bố - mẹ, thầy - u, nơi gọi là cậu - mợ, bố - bầm, thầy - bu, ải - êm (người Thái)… thì ở Nam Bộ gọi là ba - má, tía - dú.  Ngược lại, có một số từ ngữ ở miền Bắc, miền Trung gọi bằng một tên, như: thuyền hay đò thì ở Nam Bộ lại có nhiều tên gọi khác nhau để chỉ rõ đặc trưng, công dụng, kích cỡ của mỗi loại khi tham gia giao thông thủy, như: tàu, ghe. Riêng loại “ghe” có tới hơn chục tên gọi:  ghe chài, ghe be, ghe bầu, ghe cui, ghe cửa, ghe giàn, ghe lồng, ghe lườn, ghe ngo, ghe tam bản, rồi xuồng ba lá, vỏ lãi, tắc ráng, trẹt… Nhìn cách trang trí màu sắc ở mũi ghe, lườn ghe là người ta có thể biết ngay đó là ghe ở địa phương nào. Ghe thương hồ của người Gia Định có đặc điểm:

                                  Ghe ai đỏ mũi xanh lườn

                      Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em.  (Ca dao).

      2- Những phát âm địa phương dẫn đến viết sai chính tả của học sinh khu vực ĐBSCL:

Nhiều thầy cô giáo rất băn khoăn, trăn trở vì học sinh nơi đây phát âm sai quá nhiều so với tiếng phổ thông. Phát âm sai ở phụ âm đầu nhiều nhất ở là phụ âm “r”. Người Nam Bộ phát âm: “Con cá (rô) bỏ trong gổ (rổ) nhảy gồ gồ (rồ rồ), hoặc Gau găm, gau ghém, gau gừng (rau răm, rau ghém, rau vừng). Cách phát âm này gần như phổ biến ở ĐBSCL.

     Từ Tây Ninh qua Long An, xuống Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… thường phát âm “r” thành “d”. Ví dụ: rau răm thành dao dăm, cá rô thành  cá dô rõ ràng thành dõ dàng. Đặc biệt tỉnh Bến Tre (trừ 2 huyện Chợ Lách và Bình Đại), phụ âm “tr” phát âm thành “t”. Ví dụ: cây tre, cây trúc thành cây te, cây túc. Phải chăng người dân nơi đây có cách phát âm gần giống với cách phát âm của dân một số vùng ở Hà Tây, Sơn Tây (cũ). Ví dụ: Vùng Quốc Oai (Sơn Tây) nói: Con tâu tắng buộc gốc te tụi  (Con trâu trắng buộc gốc tre trụi)

     Vùng Gò Công cũ (bao gồm các huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang và Cần Đước, Cần Giuộc tỉnh Long An) có cách phát âm “ng” thành “qu”. Ví dụ: ông ngoại thành ông quại.

      Vùng Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh có cách phát âm “th”  thành “kh”. Ví dụ: cái thùng thành cái khùng,  đi thẳng  thành đi khẳng.

      Ở ĐBSCL còn có hiện tượng phát âm mất âm đệm hoặc mất nguyên âm chính, chỉ giữ lại nguyên âm đệm. Chẳng hạn đoàn viên, đoàn kết thành đòn viên, đòn kết hoặc đàn viên, đàn kết. Đặc biệt vùng Tây Ninh và khu vực Long An giáp biên giới Campuchia có cách phát âm “ê” thành “i”. Chẳng hạn cơm nếp, cái đệm thành cơm níp, cái địm. “ươ” thành “ơ”; trái mướp thành trái mớp, ăn cướp thành ăn cớp,  đám cưới  thành đám cứ,  tức cười  thành tức cừ

      Ở ĐBSCL phát âm phụ âm cuối không phân biệt “n” và “ng”, “c” và “t”. Ví dụ: cục than thành cục thang, cái thang thành cái than; lụtlục, langlanPhát âm bán âm cuối i và y không phân biệt. Ví dụ: mái và  máy . Tất cả những cách phát âm ấy, nhiều học sinh viết y chang vào bài. Một trang A4 bài văn của học sinh THCS có tới mấy chục lỗi chính tả kiểu trên. Chúng ta phải từ từ uốn nắn và phân tích rõ sự khác nhau giữa văn nóivăn viết để các em thấy được nội dung, ngữ nghĩa của từ ngữ chứa đựng trong cái “vỏ âm thanh” của từ ngữ ấy, thì các em mới cócách viết đúng chính tả.

       Phương ngữ Nam Bộ là một biến thể của ngôn ngữ chung và mang sắc thái riêng. Từ đặc điểm nước lên xuống ngày 2 lần ở ĐBSCL mà người ta có nhiều tên gọi về nước. Gọi nước lên hay xuống, ở Nam Bộ có tới mấy chục từ ngữ để diễn tả, như: nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém, nước đứng, nước nhửng, nước ương, nước đổ, nước ngập, nước nổi, nước quay, nước lụt, nước giựt, nước rút, nước chảy, nước trôi, nước nhảy, nước bò… Riêng nước ròng còn được phân biệt: nước ròng cạn, nước ròng sát, nước ròng rặc, nước ròng kiệt, hay còn gọi tắt là nước cạn, nước sát, nước rặc, nước kiệt…  Thời điểm nước đứng phương ngữ Nam Bộ gọi là “nước nhửng”. Thời gian từ đỉnh triều cường đến đỉnh triều nhược, gọi là nước ròng; từ đỉnh triều nhược đến đỉnh triều cường gọi là nước lớn. “Nước lớn chảy vô, nước ròng chảy ra đó là câu thành ngữ mô tả hiện tượng thiên nhiên ở DBSCL, có nghĩa phái sinh là người ta chỉ biết dựa vào thiên nhiên chớ không biết chinh phục thiên nhiên, tới đâu hay tới đó. Tại đỉnh triều nhược nước chuẩn bị lớn gọi là nước nhửng lớn, tại đỉnh triều cường có nước nhửng ròng.  Ở ĐBSCL có 2 mùa gió Tây Nam và Đông Nam, phương ngữ gọi là gió Nồm và gió Chướng (Nồm xuôi dòng Cửu Long, Chướng ngược dòng Cửu Long). Cửa sông, Nam Bộ gọi là vàm.

     Có những cách nói đi sâu vào tiềm thức người dân. Nếu bạn hỏi người Long An: “Quê bạn có nhiều lúa không?” Câu trả lời là: “Hằng hà!” Còn người Vĩnh Long sẽ trả lời: “Nhốc luôn!” (với nghĩa rất nhiều). Từ “cà” có thể thêm vào nhiều từ kết hợp để tạo ra sắc thái biến động không ngừng: cà nhúng, cà nhắc, cà chớn cà cháo, cà khịa, cà rịch cà tang…

       ĐBSCL là vựa lúa, thuỷ sản, trái cây… vì thế những danh từ liên quan đến nông sản, nông cụ, thuỷ sản cực kì phong phú. Đơn cử những từ liên quan tới cây lúa thôi, chưa chắc một học sinh thành phố hay thị xã trong vùng biết hết: gốc lúa gọi là rạ, thân lúa thu hoạch xong gọi là rơm, nơi hạt lúa dính vào gọi là gié. Lúa tròn mình gọi là trỗ đòng đòng. Vỏ lúa: trấu. Hạt gạo bị mẻ ra: tấm. Chất bột vàng bao quanh hạt gạo: cám. trấu nhỏ gọi là trấu càng, tấm nhỏ gọi là tấm mẳn. Thành ngữ: “lo chuyện tấm mẳn”. . Nhiều em ở TP Hồ Chí Minh còn chưa biết con trâu con bò thế nào mà chỉ mới thấy trên phim. Có em khi về vùng quê, thấy người ta chặt cả cây chuối để lấy buồng đã hỏi: Sao không để nó sống sang năm sanh ra buồng khác? (Nhưng thôi, đó là chuyện về kiến thức thực tế). Ngay chuyện con cá quả trong ngôn ngữ cả nước, Nam Bộ gọi là cá lốc. Nhưng khu vực Long An, Tiền Giang, cá lốc nhỏ cỡ cổ tay trở xuống gọi là tràu, giống như miền Trung gọi tên cá quả vậy. Cá lốc nhỏ quá thì Nam Bộ gọi là tràu cửng.

        Trong quá trình giao lưu giữa các vùng, miền, các dân tộc, một số phương ngữ Nam Bộ đã có sự vay mượn làm phong phú thêm vốn từ ngữ của cộng đồng cư dân ở xen lẫn với nhau, như: nói “sáng say, chiều xỉn, tối xà quần” thì đều chỉ người say rượu ở những mức độ khác nhau (người Kinh gọi là say, người Hoa gọi là xỉn, người Khmer gọi là xà quần). Nhưng nói “say” chỉ là ở mức độ thấp, còn “xỉn” nặng hơn “say”, nói “xà quần” thì say tới mức không biết gì nữa…
2-
Cái hay cái đẹp của phương ngữ Nam Bộ đã được các nhà văn nhà thơ đưa vào tác phẩm:

     Có học sinh thắc mắc: “Tại sao trong một số tác phẩm văn học nhiều tác giả Nam Bộ lại viết đúng với cách phát âm của phương ngữ như vây? Liệu có phải tác giả cố ý viết sai chính tả?”. Đây là một câu hỏi lí thú. Có thể tạm thời lí giải đơn giản thế này: Để tác phẩm đậm đà bản sắc dân tộc, khắc họa được đúng tính cách, tâm lí nhân vật ở mỗi vùng miền, nhà văn, nhà thơ  đã lựa chọn những phương ngữ của vùng miền nhất định để đưa vào tác phẩm. Khi đọc lên ta có thể thấy ngay đó là người miền Nam, miền Trung hay miền Bắc. Đó là người Hà Nội, Huế hay Cần Thơ… Chính điều này làm nên bản sắc riêng, đọc đáo của tác phẩm, là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của tác giả.

      Khi dạy một số tác phẩm của các tác giả Nam Bộ như: Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng... được đưa vào sách giáo khoa thì chúng ta cần chú ý chỉ ra cái hay cái đẹp của phương ngữ Nam Bộ. Nhưng ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kì lịch sử, từ ngữ này dùng cũng khác nhau. Một số từ ngữ trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh những năm đầu thế kỷ XX nay ít dùng. Ví dụ: Ông miêu tả cảnh ngoài đồng ruộng chỉ bằng vài nét đơn sơ mà gây ấn tượng: Một bữa nọ nhằm tiết tháng bảy, trời mưa lu ầm, lu ỳ. Ngoài đồng nông phu làm lăng xăng, người thì phát cỏ, kẻ thì lo trục đất. Mấy đám mạ gió thổi dợn sóng vàng vàng, trong hào ấu trái già cuống đỏ đỏ (Phụ nữ Tân văn – số 32, trang 31). Và đây là cảnh ngoài đồng với bao màu sắc âm thanh ở một vùng quê Nam Bộ cách ta gần thế kỉ: Mặt trời chen lặn, ếch uệch oạc kêu vang mé hào, trâu no nần đi lần về xóm. Lúa cấy đã giáp đông hết rồi, đám nào chưa bén thì coi vàng khè, đám nào đã nở thì coi xanh mướt. (Phụ nữ Tân văn số 35, trang 30).

        Trong các câu hò, điệu lí Nam Bộ thì phương ngữ khi chân chất, mộc mạc, khi gồ ghề, gai góc. Hãy nghe lời một chàng trai Nam Bộ chọc ghẹo cô gái: Con cò nó mổ con lươn/ Bớ chị ghe lườn muốn tía tôi hôn?  Hay: Anh thương em từ đầu tới đít/ Đêm anh  muốn nằm khít bên em.  Hoặc: Gió đưa buồn ngủ lên bờ/ Mùng em có rộng cho qua ngủ nhờ một đêm? Hay: Xắn quần em lội qua lung/ Quần em lỡ tụt anh hun chỗ nào?/ Anh hun thì hun má đào/ Quần em lỡ tụt cắm sào ngủ luôn.

       Vào những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI việc sử dụng phương ngữ Nam Bộ mang sắc thái hiện đại hơn. Nhà văn trẻ  Nguyễn Ngọc Tư là người thành công hơn cả. Cũng tả cảnh, tả người và sự việc nhưng ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Tư trong các truyện ngắn đã khác xa thời Hồ Biểu Chánh và các anh chị trước mình. Phương ngữ Nam Bộ được Tư đưa vào đúng lúc đúng chỗ, khắc họa chiều sâu tâm lí nhân vật và cảnh sắc thiên nhiên vùng sông nước. Đến với văn của Nguyễn Ngọc Tư, độc  giả có thể hình dung rất rõ về vùng đất Nam Bộ. Từ những mé đìa lục bình, đám trâm bầu, chòm quao, trái giác nấu canh chua bông súng đến cách gọi tên nhân vật: anh Hai Nhớ, dì út Thu Lý, dì Tư, út Thà, Sáu Tâm… hay lời ăn tiếng nói thường ngày: trời đất, chèn ơi, đúng chóc hà, nói gì lãng xẹt vậy ta, nói chơi hoài, như vầy, chút đỉnh, mình ên… đều gợi lên dáng hình thiên nhiên, con người xứ sở miền Nam. Có lần chị đã tự bộc bạch về văn mình một cách rất thật thà trước các đối tượng độc giả  Đôi lúc ví văn của mình như quả sầu riêng, người thích thì nói nó thơm, người không thích thì chê rằng thúi.

       Văn của Nguyễn Ngọc Tư có nhiều so sánh, liên tưởng độc đáo. Tả dòng sông như một người bạn tâm tình với nhiều từ láy: Đêm sông trăng, ngồi trên nhà có thể nhìn thấy một dòng chảy líu ríu, sáng loáng. Ban đêm, con sông trước nhà tôi không ngủ, nó thức theo những chiếc tàu rầm rì chảy qua, theo tiếng mái chèo quẩy chách bụp rất đều. Có những câu văn kể xen tả thật ấn tương, gợi cảm: Bây giờ, gió chướng non xập xòe trên khắp cánh đồng bất tận. Ven các bờ ruộng, bông cỏ mực như những đường viền nhỏ liu riu làm dịu lại mảng rực vàng của lúa.

       Chất giọng đặc sệt của miệt vườn Nam Bộ không lẫn vào đâu được: Buổi chiều đi làm mướn về, họ tụt xuống ao tắm táp thứ nước chua lét vì phèn, rồi xối lại đúng hai gàu. Nước vo cơm dùng để rửa rau, rửa rau xong dành rửa cá.

      Cảnh sắc Nam Bộ tràn vào trong tác phẩm gần gũi, tự nhiên như chính vùng đất ấy: Cù lao Mút Cà Tha nằm gần cuối sông Dài, trên nó một chút có một nhánh sông khác rẽ về phía mặt trời, rộn rịp được đoạn đó rồi thôi.

     Còn đây là miêu tả tâm lý nhân vật có số phận  hẩm hiu, éo le: Bữa kia mới ác, thấy Bi lon ton chơi một mình ngoài sân, bỗng không kìm được, Xuyến xốc Bi lên chạy một đoạn rồi thất thần dừng sững lại, kêu lên hai tiếng, trời ơi, mình làm khổ nó rồi, mình nghèo như vầy(Duyên phận so le)

          Ở “Cánh đồng bất tận” giọng văn của Tư thật day dứt, trăn trở: Sau giấc ngủ dài, bản năng nó không trở dậy. Trái tim nó chỉ là hòn than nhỏ, không thể hâm nóng lại cơ thể đã ngã màu tro. Sợi dây xúc cảm như lối đi lâu lắm không người lui tới, cỏ dại mọc bít mất, đường đứt, cầu gẫy. Ở đó luôn  ẩn chứa những trăn trở, suy tư và nỗi niềm yêu thương: Đàn bà, với cha, càng trải nghiệm càng chán chường. Càng gieo rắc càng đau. Vết thương cũ mở miệng toang hoác, không da thịt nào có thể lấp đầy

      Nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét về văn Nguyễn Ngọc Tư: Mấy năm nay chúng ta đều rất thích Nguyễn Ngọc Tư. Cô ấy như một cái cây tự nhiên mọc lên giữa rừng tràm hay rừng đước Nam Bộ vậy, tươi tắn lạ thường, đem đến cho văn học một luồng gió mát rợi, tinh tế mà chân chất, chân chất mà tinh tế, đặc biệt “Nam Bộ” một cách như không, chẳng cần chút cố gắng nào như các tác giả Nam Bộ đi trước…

      Nói đến phương ngữ Nam Bộ ta không thể không nhắc đến tác giả viết kí xuất sắc Võ Đắc Danh trong những năm gần đây. Hãy chầm chậm đọc một đoạn văn trong bài kí “Mẹ tôi” của anh để thưởng thức chất Nam Bộ ấy:  Mẹ tôi phải ra đồng từ lúc hừng đông cho đến khi hàng xóm lên đèn, tấm thân gầy lần mò trên bờ mẩu giữa tiếng nhái bầu đồng thanh một khúc nhạc buồn trên đồng nước bao la khi trời chạng vạng. Đêm đêm, tôi ngủ bằng điệu ru của tiếng ống bả chấp chân trong căn nhà dột nát, mẹ phải che cho tôi bằng những tấm lá chầm.

     Còn thơ thì nhiều tác giả đưa phương ngữ Nam Bộ vào khá thành công. Trong đó phải kể đến các nhà thơ: Lê Chí, Nguyễn Bá, Kim Ba, Vũ Hồng, Trịnh Bửu Hoài, Phù Sa Lộc, Lê Thanh My, Đinh Thị Thu Vân, Song Hảo, Thu Nguyệt, Thai Sắc, Trương Trọng Nghĩa, Lê Ái Siêm, Thái Hồng, Huỳnh Thúy Kiều… Xin dẫn đôi câu thơ Vũ Hồng trong bài “Người phương Nam” để bạn đọc rõ hơn một nét tính cách của người Nam Bộ rất hào phóng, hào hiệp, điệu nghệ, bao dung:

                                  Người phương Nam khá sắc

Người phương Nam ngày xưa áo tơi

Dòng Hàm giang cuộn sóng không lời

Đêm sâu đối ẩm tràn chung rượu

Rượu say tim bốc đến tận trời
Người phương Nam say thì say trọn

Người phương Nam buồn thì buồn sâu.



   Và đây là những câu thơ đầy ám ảnh của nhà thơ trẻ Huỳnh Thúy Kiều ở Cà Mau:

     Cá lìm kìm rượt nhau xé dòng vọng tưởng 
  
Châu thổ buồn thèm vực khúc đỗ quyên.
                                (Theo em về vùng cổ tích)

Con dế nhủi khóc đêm thanh vắng  
Lẻ bạn tình nước mắt chảy trăng non.
                                  (Nói với quê hương)

3- Một số điều cần tránh: 

        Khi quá lạm dụng phương ngữ Nam Bộ sẽ làm cho câu văn, câu thơ thêm rối rắm, khó hiểu đối với nhiều người ở những vùng, miền  khác, làm giảm sự trong sáng của tiếng Việt. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong phương ngữ Nam Bộ nói riêng và ngôn ngữ nói chung là một điều cần thiết trước sự xâm thực của ngôn ngữ ngoại lai trong thời hội nhập. Ngày nay, trước sự bùng nổ về thông tin trên các phương tiện truyền thông như báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử… nhiều người dùng “ngôn ngữ lóng” để buôn bán, hay “ngôn ngữ chát” của giới trẻ để giao lưu, và sáng tác trên các website, blog làm mất đi bản sắc của ngôn ngữ Việt. Đây là một đoạn thơ có một số từ là ngônngữ tin học: “Miền domain anh vẫn mãi đi tìm/ Lạc chốn nào trong hàng triệu website/ Đến thăm em bằng địa chỉ email/ Niềm thương nhớ trải dài trên keyboard/ Chân tình em chẳng thể nào download…” (Tình yêu tin học - Văn Thông đăng trên báo QĐND). Đó là điều đáng báo động!

      Tóm lại:  Việc giao tiếp với học sinh và việc giảng dạy Ngữ văn địa phương của các thầy cô giáo khu vực ĐBSCL hiện nay vẫn còn nhiếu bất cập. Hiện tượng học sinh và giáo viên ĐBSCL nói sao viết vậy còn rất nhiều. Viết sai chính tả, ngữ pháp làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Nếu ta biết đưa phương ngữ Nam Bộ vào bài giảng đúng lúc, đúng chỗ để so sánh cho học sinh thấy được cái hay cái đẹp cũng như những mặt còn hạn chế của phương ngữ đó sẽ tạo được dấu ấn riêng làm cho bài giảng thêm sinh động.  Một số từ ngữ Nam Bộ tuy không hề có trong tiếng miền Trung hay miền Bắc nhưng nó sẽ góp phần làm phong phú vốn từ vựng tiếng Việt. Việc nghiên cứu cách phát âm sai của từng địa phương để đưa vào giảng dạy giúp học sinh nói và viết theo chuẩn tiếng Việt là việc làm rất cần thiết. Vấn đề này nếu được các địa phương nghiên cứu đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông sẽ góp phần nâng cao chất lượng kĩ năng giao tiếp, làm giảm tối thiểu hiện tượng học sinh viết sai chính tả. Từ đó nâng cao một bước chất lượng dạy và học văn ở khu vực ĐBSCL.



                                                                                               LÊ XUÂN

                                                                          Hội viên Hội Ngôn ngữ học VN



            (Bàì tham luận tại Hội thảo Ngữ học toàn quốc -  Hà Nội ngày 17 - 4 - 2010)

Nguồn: Mail của tác giả.


Tài liệu tham khảo:

- Từ điển Từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín – NXB Chính trị Quốc gia - Hà Nội 2009

- Cảm nhận bản sắc Nam Bộ - Huỳnh Công Tín - NXB Văn hóa - Thông tin 2006.

- Từ điển phương ngữ Nam Bộ - Nguyễn Văn Ái chủ biên- NXB TP HCM, 1984

- Tự vị Tiếng Việt miền Nam – Vương Hồng Sển - NXB Văn học 1993

- Từ điển Tiếng Viê t- Trung tâm Từ điển Ngôn ngữ (Hà Nội - Việt Nam năm 1992)

- Từ điển Văn học - Tập I & II – NXB Khoa học và Xã hội  1983 - Biên khảo của Sơn Nam (Nói về miền Nam, Cá tính miền Nam, Thuần phong mỹ tục Việt Nam) - NXB Trẻ 2007.

- Phương Ngữ Nam Bộ - Trần Ngọc Lang- NXB KHXH, Hà Nội 1995

- Văn hóa sông nước Cần Thơ - Nhiều tác giả - NXB Văn Nghệ  2009

- Ca dao - dân ca  Đồng bằng sông Cửu Long -  Khoa Ngữ văn Đại học  Cần Thơ, NXB Văn Nghệ 2001

- Một số truyện ngắn và tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Lê Văn Thảo, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khai Phong, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Diệp Mai, Anh Động, Anh Đào, Trầm Nguyên Ý Anh…

-  Ký của Trần Thanh Giao, Võ Đắc Danh, Phan Trung Nghĩa...

- Một số tập thơ của các tác giả: Lê Chí, Phù Sa Lộc, Vũ Hồng, Kim Ba, Trịnh Bửu Hoài,  Nguyễn Bá, Thai Sắc,  Huỳnh Thúy Kiều…

- Một số bài viết  trên báo, internet của các tác giả:  Phạm Văn Tình, Đông La, Võ Tấn Cường, Ngô Khắc Tài, Nguyễn Thị Hoa, Bùi Thị Ngọc Ánh, Hồ Trường, Lê Văn Thảo, Tiểu Quyên, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Trương Trọng Nghĩa, Phạm Đình Minh, Tiêu Đình, Thái Phan Vàng Anh , Nguyễn Ngọc Tấn
Tieng Que Huong Tap chi 
      
                       Ảnh chợ nổi Cần Thơ
    

18 nhận xét:

HAT CAT DIẸUEI SINH nói...

Tem đã ... đọc lướt thôi. Chiều về đọc lại. Cám ơn cả người viết lần người tải cho Mình được ngó và mở mang đầu óc.

TP nói...

Bài viết hay lắm Đọc xong lại nhớ nhà thêm

LLPHẠM nói...

CHỊ ƠI TIẾNG MIỀN NAM CŨNG ''NGỘ'' GHÊ HE...

NHAMY nói...

Bông bần nở tím bờ sông
Gió đưa con nước lớn ròng bao la
Trời đày chi cuộc phong ba
Cho cơn lũ dữ kéo qua quê nghèo...
(thơ Nhã My)
Tặng anh vài hình ảnh quê nhà

Unknown nói...

Rêu sang thăm bạn SL !Rêu đọc và thấy thú vị lắm về bài viết phân tích những từ ngữ "nam bộ" của các tác giả..Cám ơn bạn nhiều nhé.Rêu chúc bạn luôn có thật nhiều ấm áp và vui vẻ.
.
Nên thơ nam bộ hữu tình
Nước ròng nước lớn lục bình dần trôi
Gió đưa thiếp gặp bên đời
Bên dòng sông Hậu đất trời mênh mang
Ví như chẳng đặng tình tang
Nhặt hoa điên điển nhớ chàng mình "ên" ( đây là từ của miền nam bộ, để chỉ một mình)

HuyTHanh nói...

Một bài khảo luận công phu, tỉ mỉ, rất có giá trị văn học và ngôn ngữ học. Là một người dân Nam Bộ tôi vô cùng thích thú khi đọc Entry nầy . Cám ơn tác giả bài viết Lê Xuân và người sưu tầm giới thiệu Nhã My đã giới thiệu bài viết nầy với các bạn đọc Blog để hiệu thêm về ngôn ngữ địa phương tại VN . Cuối tuần anh Chúc Nhã My vui . Thân.

Unknown nói...

Wa thăm cô đây . Chúc cô đêm cuối tuần thật vui và thật ngon giấc

Trần đình Hoàng nói...

Nếu tác giả làm thêm 1 bảng so sánh
cách phát âm của cả 3 miền thì
hay quá.
Thanks !

thanhthuoczvolen nói...

Bài viết thú vị quá nhưng Nhã My để phông chữ gì mà khó đọc quá vì nó cứ chèn chữ A vào...Chúc nữ sỹ tràn ngập hồn thơ!

NHAMY nói...

Dạ khi NM mở bằng trình duyệt explorer thì thấy chữ bị lỗi nên vào bản thảo để sữa thì lại không thấy lỗi anh ạ còn mở bằng firefox và safari thì không bị lổi sorry anh là do lỗi kỹ thuật đã khiến anh khó đọc Cảm ơn anh đã chia xẻ Chúc anh và gia đình vui khỏe nhiều tốt đẹp

NHAMY nói...

hiiii...NM nhớ mỗi vùng có ngôn ngữ đặc thù riêng cũng hay anh nhỉ và làm phong phú thêm văn chương chữ nghĩa Chúc anh và gia đình vui khỏe nhiều hạnh phúc tốt đẹp nhé

NHAMY nói...

Cảm ơn HĐ nhiều nhé Mùa hè đi chơi nhiều vui vẻ và nhớ chụp nhiều ảnh đẹp nghe

NHAMY nói...

Cảm ơn anh đã đọc bài và chia xẻ chúc Anh thật vui và công việc thuận lợi nhé

NHAMY nói...

hiiii tặng bạn Rêu mấy câu vè của NM nè
Khoan khoan ở lợi (lại) đừng dìa(về)
Để em khiêu (khêu) ngọn đèn khuya đón chàng
Đúng là mình thiệt (thật) xóm làng
Nhưng người thiên hạ nói quàng nói xiêng
Canh khuya chỉ có mình ên
Hỏi người quân tử có nên dô(vào)nhà...

NHAMY nói...

Bậu chê cái cảnh qua nghèo
Bỏ qua ở bến chèo queo một mình
Bậu ơi qua nói thiệt tình
qua đi chưn (chân) đất mà tình thủy chung
Tham chi bậu lại đèo bồng
Mà nay tham phú phụ bần bậu ơi
hiiiii tặng em mấy câu vè phong cách nam bộ của NM nhé

NHAMY nói...

hiiii...về miền nam sông nước nghe tiếng nói địa phương cũng thấy vui và hay hay đó chị

Unknown nói...

hi..thơ bạn viết hay quá và dễ thương nữa..cám ơn bạn SL nhé!
.
Anh dô (vào) đã mấy mùa trăng
Thương người con gái thẹn thùng mình ên
Đường anh dìa (về) lại gian nan
Nên anh xin ở cùng nàng hái thơ
Những đêm trăng sáng ngẩn ngơ
Anh xin chải tóc xuân mơ một đời...( RP tặng bạn vài vần nha..Chúc bạn ngày nghỉ thật vui khỏe)

NHAMY nói...

Bây giờ vàng đá thủy chung
Cùng trăng thề hẹn tương phùng có đôi
Sông kia bên lỡ bên bồi
Xin ai chớ có quên lời đó nghe hiiiii....