CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

DỊCH THỦY TỐNG BIỆT - LẠC TÂN VƯƠNG , ĐỖ CHIÊU ĐỨC DỊCH


Chieu Duc
14:49, Th 7, 1 thg 6 (16 giờ trước)


ĐƯỜNG THI TUYỂN ĐỘC :

                               DỊCH THỦY TỐNG BIỆT

                         Inline image

         Sau khi đọc Giai Thoại Văn Chương : NGA, NGA, NGA ! Kính mời đọc tiếp 1 bài thơ tiêu biểu nữa của Lạc Tân Vương, một trong Tứ Kiệt ở buổi Sơ Đường :

     易水送別         DỊCH THỦY TỐNG BIỆT

    此地別燕丹,      Thử địa biệt Yên Đan
    壯士髮衝冠。      Tráng sĩ phát xung quan.
    昔時人已沒,      Tích thời nhân dĩ một,
    今日水猶寒。      Kim nhật thủy do hàn !
              駱賓王                    LẠC TÂN VƯƠNG

* Xuất Xứ của Bài thơ :

       Năm nghi Phụng thứ 3 đời Đường Cao Tông (678), Lạc Tân Vương đang giữ chức Thị Ngự Sử, ông nhiều lần dâng sớ can gián làm phật lòng Võ Hậu, nên bị giam vào ngục. Mùa thu năm sau (679), ông được xá tội. Mùa đông năm đó ông đi về đất Yên (thuộc tỉnh Hà Bắc niện nay) làm Tham Quân trong một doanh trại, quyết lòng ra sức lập công báo quốc. Bài "Dịch Thủy Tống Biệt" được làm trong khoảng thời gian nầy khi ông đưa bạn qua dòng sông Dịch.
                              
        Inline image
                         Cảnh đưa tiễn Kinh Kha trong phim ảnh

* Chú Thích :
    - DỊCH THỦY 易水 : Còn gọi là Dịch Hà 易河, tên một con sông nằm ở phía tây của Dịch Huyện thuộc tỉnh Hà Bắc, chia làm Nam Dịch Thủy và Bắc Dịch Thủy, là ranh giới phía nam của nước Yên thời Chiến Quốc, nơi mà thái tử Đan tiễn biệt Kinh Kha qua sông để đi thích khách Tần Thủy Hoàng.
    - YÊN ĐAN 燕丹 : là Thái tử Đan của nước Yên.
    - PHÁT XUNG QUAN 髮衝冠 : là Tóc dựng đứng đội cả mão trên đầu lên. Chỉ sự bi tráng khảng khái.

* Nghĩa Bài Thơ :

                TIỄN ĐƯA TRÊN SÔNG DỊCH
        Ta đưa bạn ở nơi nầy, nơi mà Kinh Kha đã từng vẩy tay ly biệt với thái tử Đan của nước Yên. Người tráng sĩ ra đi (thích khách Tần Thủy Hoàng) bi hùng cảm khái đến nổi tóc dựng đứng đội cả mão lên. Bây giờ, người xưa tuy đã mất rồi, nhưng dòng nước nơi đây vẫn còn toát hơi lạnh lẽo.

        Bài thơ vừa tả thực (tiễn bạn), vừa hoài cổ (nhớ lại chuyện xưa), vừa như Vịnh Sử (nhắc ại một thiên lịch sử bi tráng hào hùng của Kinh Kha qua sông Dịch) và hàm súc cảm khái một cách bi hùng với hình ảnh "Tích thời nhân dĩ một, Kim nhật thủy do hàn !". Cái lạnh của dòng sông Dịch như làm sống lại cảnh đưa tiễn ngày xưa, và cũng làm cho ta nhớ đến bài ca của Cao Tiệm Ly đã hát trên bờ sông khi đưa tiễn bạn :

            Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn,     風蕭蕭兮易水寒,
            Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn !  壯士一去兮不復還.
Có nghĩa :
            Gió hắt hiu ôi, bờ sông Dịch lạnh,
            Tráng sĩ một đi ôi, không còn trở lại !

  ... và lại làm cho ta nhớ đến bài TỐNG BIỆT HÀNH của nhà thơ Thâm tâm thời Tiền Chiến :

            Đưa người ta không đưa qua sông
            Sao có tiếng sóng ở trong lòng ?
            Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
            Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?

    ... và trong bài VỌNG NHÂN HÀNH cũng của Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình :

            Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch
            Ta ghét hoài câu “nhất khứ hề”...

                   Inline image
  
* Diễn Nôm :

                      DỊCH THỦY TỐNG BIỆT

                      Nơi đây biệt Yên Đan,
                      Tráng sĩ giận căm gan.
                      Người xưa tuy đà mất,
                      Nước sông vẫn toát hàn !
        Lục bát :
                     Yên Đan giả biệt nơi nầy,
                     Anh hùng tóc dựng toát đầy bi ca.
                     Người xưa tuy đã lìa xa,
                     Hôm nay dòng nước la đà lạnh căm !

                             ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Không có nhận xét nào: