CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH : CÁ - ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Chieu Duc
09:00, Th 2, 5 thg 8 (4 ngày trước)


THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH  : 

                                                    CÁ


                                  Inline image
     
       Trong bài BÓNG, ta đã có thành ngữ BÓNG CHIM TĂM CÁ để chỉ tin tức hay sự việc gì đó rất mơ hồ xa vời không nắm bắt được rõ ràng chắc chắn; như khi Kim Trọng thi đậu làm quan, định đi tìm Thúy Kiều, nhưng :
                       Nghĩ điều trời thẳm vực sâu,
                     BÓNG CHIM TĂM CÁ biết đâu mà tìm !?

       Mở đầu bài nầy ta có một thành ngữ lấy chữ CÁ làm đầu là "CÁ CHẬU CHIM LỒNG". Cá trong chậu chỉ biết có nước ở trong chậu; Chim trong lồng chỉ biết có cái không gian nhỏ hẹp của cái lồng. Thành ngữ nầy thường dùng để chỉ những hạng người tầm thường với chí khí nhỏ bé hạn hẹp, như lời Từ Hải đã bày tỏ một cách tự hào khi gặp Thúy Kiều :

                          Bấy lâu nghe tiếng má đào,
                     Mắt xanh chẳng để ai vào có không ?
                          Một đời được mấy anh hùng,
                     Bõ chi CÁ CHẬU CHIM LỒNG mà chơi ?!

       Từ Hải đã tự hào cho mình là anh hùng hơn người, muốn làm việc lớn, chớ không phải tầm thường an phận với những cái có sẵn như hạng CÁ trong CHẬU, CHIM trong LỒNG, chỉ có mình mới đáng cho Thúy Kiều để vào Mắt Xanh mà thôi ! Và qủa nhiên Từ Hải đã lọt vào mắt xanh của Thúy Kiều.

       CÁ CHẬU CHIM LỒNG còn dùng để chỉ cảnh tù túng trong một không gian hạn hẹp hay còn dùng để chỉ cảnh bị tù tội giam cầm. Theo trang "Văn học Việt Nam" : Giải thích Thành ngữ - Tục ngữ kể rằng : Có anh nhà giàu thích nuôi chim trong lồng để nghe chim hót và nuôi cá trong chậu để xem cá lội tung tăng. Cá trách chim ở trong lồng bộ vui lắm sao mà hót; chim trách cá ở trong chậu bộ thích lắm sao mà cứ bơi lội tung tăng. Con mèo gần đó bèn lên tiếng rằng : Thân CÁ CHẬU CHIM LỒNG chẳng biết lo còn trách cứ lẫn nhau ! Nên câu thành ngữ nầy cũng dùng để ám chỉ cảnh sống bó buộc, tù túng, mất tự do, như trong ca dao dân gian ta :

                                Ai ơi CÁ CHẬU CHIM LỒNG,
                          Một ngày bằng cả năm gông ngồi tù !


              Inline image Inline image

 
       CÁ chữ Nho là NGƯ 魚, Nước chữ Nho là THỦY 水, nên ta có từ CÁ NƯỚC là NGƯ THỦY. Ta thường nói mừng như Cá gặp Nước, chữ Nho gọi là Ngư Thủy Tương Phùng 魚水相逢, là Cá nước gặp nhau, dùng để chỉ sự hòa hợp giữa đôi lứa. Theo tích trong sách Quân Tử thời Chiến Quốc như sau :

      Tề Hoàn Công phái Quản Trọng đi hỏi ý của Nịnh Thích. Thích đáp :"Hạo hạo hồ ! 浩浩乎!". Quản Trọng không hiểu là ý gì, đến bữa ăn không vô, cứ ngồi trầm ngâm. Người tì thiếp thấy thế hỏi rằng : Vì cớ gì mà lo lắng ? Trọng đáp " Là chuyện mà nàng không thể biết và lo nổi ! Người tì thiếp thưa rằng :" Xưa nước Ngô và nước Can đánh nhau, quy định ai chưa sạch răng sửa thì không thể tham gia quân ngũ. Có thiếu niên tên Quốc Tử, tài sức hơn người, nhổ bỏ răng sửa để được ra trận, sau đó lập nên rất nhiều chiến công. Còn Bá Lý Hề là người chăn trâu ở nước Tần, được Tần Mục Công biết tài trọng dụng làm Tể Tướng, giúp Tần Mục Công xưng bá chư hầu. Cho nên, người tuổi trẻ không thể xem thường, người nghèo hèn không thể coi rẻ được. Sao thiếp không thể giúp tướng công được chứ ?. Quản Trọng nghe xong ngẩn người ra đáp rằng :" Được ! Ta phụng mệnh Tề Vương hỏi ý Nịnh Thích, nhưng hắn chỉ nói có ba chữ HẠO HẠO HỒ, nên ta không biết là có ý gì ?!. Người tì thiếp đáp rằng :" Chương Bạch Thủy trong Kinh Thi có bài : 浩浩者水,育育者鱼,未有室家,而安召我居?Hạo hạo giả thủy, Dục dục giả ngư, Vị hữu thất gia, Nhi an chiêu ngã cư ?. Có nghĩa : Mênh mông là nước, thung thăng là cá, chưa thành gia thất, kêu ta ở nơi đâu đây ? Chắc là ông ta muốn Tề Vương cưới vợ cho ông ta để ông ta yên lòng theo phò tá mà thôi !

       Trong Truyện Kiều, khi Từ Hải đã xưng vương, rước Thúy Kiều về đoàn tụ, cụ Nguyễn Du cũng đã cho Từ Hải nói với Thúy Kiều :

                                  Cười rằng : CÁ NƯỚC DUYÊN ƯA,
                               Nhớ lời nói những bao giờ hay không ?
                                   Anh hùng mới biết anh hùng,
                               Giờ xem phỏng đã cam lòng ấy chưa ?!

                              Inline image
             
       CÁ NƯỚC DUYÊN ƯA nói theo chữ Nho là NGƯ THỦY DUYÊN HÀI 魚水緣諧. Trong truyện Nôm khuyết danh Hoàng Trừu 皇儲 (Công Chúa Đội Đèn) tả tình duyên giữa hoàng tử Hoàng Trừu và công chúa Nam Việt có câu :

                       Trước là NGƯ THỦY DUYÊN HÀI,
                    Sau là hai nước muôn đời giao thông.
     
        Trong truyện Tam Quốc Chí, khi được Khổng Minh Gia Cát Lượng về phò giúp, Lưu Bị cũng đã nói rằng : "Ta mà có được Khổng Minh như là cá mà gặp nước vậy !". Nên trong văn học cổ thường dùng để chỉ sự tương đắc giữa hai người với nhau, như trong bài thơ "Ngoạ Long Cương vãn" của cụ Đào Duy Từ đã thoát dịch thật hay hai câu thơ trong bài Vịnh Vũ Hầu của Bạch Cư Dị là :
             
                            CÁ MỪNG GẶP NƯỚC Nam dương,
                        Rồng bay thiên hán vội vàng làm mưa.                   

                       Inline image
       
       Theo ý của một bài thơ xưa thời Lục Triều, thì CÁ còn là con vật dùng để đưa tin, nên trong văn học cổ của ta có các từ như CÁ NHÀN hay CÁ NHẠN, CÁ ĐI NHẠN LẠI ... Như ta nói Thư Đi Tin Lại vậy. Trong thơ của Chiêu Lỳ Phạm Thái có câu :

                         Bao nhiêu những kẻ bất tài,
                    CÁ NHÀN hãy lánh ra ngoài cho xa.

       Hay như trong truyện Quan Âm Thị Kính cũng có câu :

                        CÁ ĐI NHẠN LẠI tin hay,
                   Đủ năm lễ đã đến ngày thừa long.

       Tin Cá là do một vế trong bài thơ cổ trong Chiêu Minh Văn Tuyển có tựa là 飲馬長城窟行 Ẩm Mã Trường Thành Quật Hành như sau :

                 ... 客從遠方來,  Khách tòng viễn phương lai,
                     遺我雙鯉魚。  Di ngã song lý ngư.
                     呼兒烹鯉魚,  Hô nhi phanh lý ngư,
                     中有尺素書。  Trung hữu xích tố thư...
Có nghĩa :
          ... Khách từ phương xa đến,
              Để lại cho ta hai con cá chép,
              Bảo trẻ nấu cá chép,
              Trong cá có lá thư ...
  Còn ...
      Tin Nhạn là theo sách Hán Thư, Tô Vũ đi sứ Hung Nô. Chúa Hung Nô bắt chăn dê ở Bắc Hải. Khi Hung Nô hòa với nhà Hán, vua Hán hỏi tin Tô Vũ. Chúa Hung Nô nói dối là Tô Vũ đã chết. Vua Hán bèn sai sứ sang nói với chúa Hung Nô là Tô Vũ còn sống, đã viết thư buộc vào chân chim nhạn rồi thả cho bay về Hán. Chúa Hung Nô đành phải thả Tô Vũ về.
      CÁ là loài có vảy, nên gọi là LÂN 鱗 (Vảy cá), còn chim NHẠN là HỒNH NHẠN 鴻雁, nên còn gọi là HỒNG. Nên tin tức do Cá và Chim mang đến còn được gọi là SỨ LÂN HỒNG. Trong truyện Nôm Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng có câu :

                           Phỏng sau điện yết tướng công,
                     Truyền thư sai SỨ LÂN HỒNG nên chăng ?

               Inline image
                     
       Ngoài thành ngữ CÁ ĐI NHẠN LẠI, ta còn có thành ngữa CÁ LẶN NHẠN SA mà chữ Nho gọi là TRẦM NGƯ LẠC NHẠN 沉魚落雁. Thành ngữ nầy có xuất xứ từ thiên Tề Vật Luạn của Trang Tử như sau : 毛嫱、丽姬,人之所美也;鱼见之深入,鸟见之高飞,麋鹿见之决骤,四者孰知天下之正色哉?Mao Tường ,Lệ Cơ. nhân chi sở Mỹ dã; ngư kiến chi thâm nhập, điểu kiến chi cao phi, mi lộc kiến chi quyết sậu. Tứ giả thục tri thiên hạ chi chính sắc tai? Có nghĩa : Hai nàng Mao Tường và Lệ Cơ, người đời đều cho là đẹp. Nhưng cá gặp thì lặn sâu, chim gặp thì bay cao, hươu nai gặp thì chạy xa. Bốn thứ đó đâu có con nào biết được cái sắc đẹp chính thức của thiên hạ đâu ? Ý của câu nói là : Cái mà người đời cho là đẹp thì phi cầm tẩu thú đâu có biết đó là đẹp; cái mà giống nầy cho là đẹp thì giống kia đâu có biết đó là đẹp ! Cái triết lý sâu xa của Trang Tử lại bị người đời sau hiểu lầm thành ý ngược lại. Người đời cho là cái đẹp của Mao Tường, Lệ Cơ (những người cùng thời với Tây Thi) đẹp đến nỗi cá thấy phải lặn sâu và chim thấy phải bay cao, thậm chí còn đem áp dụng vào Tứ Đại Mỹ Nhân 四大美人 của Trung Hoa cổ điển ngày xưa là: Trầm ngư, Lạc nhạn, Bế nguyệt, Tu hoa 沉魚,落雁,閉月,羞花 như sau :

 
                               Inline image                                                                        Tem Tứ Đại Mỹ Nhân của Trung Hoa cổ đại

           * TRẦM NGƯ là Tây thi, đẹp đến nỗi khi ra suối giặt lụa, cá thấy phải thẹn thùa mà lặn sâu xuống nước.
           * LẠC NHẠN là Vương Chiêu Quân, khi ra cửa ải Nhạn Môn Quan, chim nhạn thấy nhan sắc của nàng đều rơi cả xuống sa mạc không bay lên nổi.
           * BẾ NGUYỆT là Điêu Thuyền, khi nàng bái nguyệt lúc đêm trăng, chị Hằng đã phải thẹn thùa mà trốn vào trong mây không dám hé mặt ra.
           * TU HOA là Dương Qúy Phi, khi đi dạo trong ngự hoa viên, đẹp nhất các loài hoa là hoa Mẫu Đơn cũng phải rủ xuống mà không dám khoe sắc trước mặt Dương Qúy Phi.

       Trong Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng đã tả sắc đẹp của nàng cung phi dựa vào những tiêu chuẩn trên :

                    ... Chìm đáy nước CÁ lờ đờ LẶN,
                        Lửng da trời NHẠN ngẩn ngơ SA,
                        Hương trời đắm nguyệt say hoa,
                      Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình !...

       Trong truyện Nôm Hoàng Trừu Công Chúa Đội Đèn thì gọi là CÁ GIÃY NHẠN SA :

                           Nào người cợt nguyệt cười hoa,
                      Nào người CÁ GIÃY NHẠN SA đâu rày ?!

        Inline image Inline image       
                                        Trầm Ngư Lạc Nhạn  沉 魚 落 雁
       
Nói thêm ...
        Trong Tứ Đại Mỹ Nhân thì ba người Tây Thi, Vương Chiêu Quân và Dương Qúy Phi là người có thật, có sử sách để khảo cứu. Còn ĐIÊU THUYỀN là nhân nhân vật hư cấu của La Quán Trung trong Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa theo dạng tiểu thuyết lúc bấy giờ, chính sử không thấy nhắc đến tên.
     
       Con CÁ cuối cùng trong văn học cổ Việt Nam mà ta thường gặp là CÁ LONG DƯƠNG; không phải là con cá của ông vua dưới biển mà là của một người được phong là Long Dương Quân thời Chiến Quốc theo tích sau đây :

       Long Dương Quân cùng Ngụy Vương ngồi chung thuyền câu cá. Long Dương Quân câu được cá nhỏ cá lớn mấy chục con, rồi ngừng câu, ngồi buồn mà khóc. Ngụy Vương lấy làm lạ hỏi vì nguyên do gì mà khóc. Long Dương Quân đáp rằng :" Vì thần câu được nhiều cá cho đại vương mà buồn khóc". Ngụy Vương càng lấy làm lạ hơn hỏi vì sao, thì đáp rằng :" Lúc đầu thần câu được cá thì rất vui, càng về sau cá câu được càng lớn, thì thần lại muốn vứt bỏ số cá nhỏ câu được trước đó. Nay thần là kẻ tài hèn nhan sắc bình thường lại được đại vương trọng dụng, nhưng kẻ tài giỏi hơn, đẹp trai hơn trong thiên hạ lại rất nhiều, họ sẽ kéo đến mà quy thuận đại vương. Lúc đó thì chắc thần sẽ như là số phận của các con cá nhỏ chờ bị dứt đi mà thôi. Nghĩ thế, nên thần cảm thấy buồn mà khóc !". Ngụy Vương đáp :" Nhà ngươi nghĩ thế sao không nói cho ta biết ? Từ nay ta sẽ không tuyển dụng người đẹp khác nữa !". Nên ...

       CÁ LONG DƯƠNG là chỉ nhân tình thế thái, lòng người hay thay đổi, nay trọng mai khinh, có mới nới cũ như lời thơ trong Hoài Cổ Khúc :

                                   Nửa miếng đào chưa thương đã ghét,
                                   CÁ LONG DƯƠNG ai xét cho chừ ?!

         Inline image  Inline image
                     Long Dương Quân người yêu của Ngụy An Ly Vương trong điện ảnh

 Nói thêm ...
           Long Dương Quân là câu truyện đồng tính luyến ái nổi tiếng trong lịch sử được ghi chép lại trong Ngụy Thư của Chiến Quốc Sách : Long Dương Quân là người đẹp trai nhất hậu cung, cả những cung phi đẹp gái nhất cũng phải ganh tị với anh chàng đẹp trai nầy vì anh ta rất được Ngụy An Ly Vương yêu qúy. Có lẽ đây là mối tình đồng tính luyến ái sớm nhất trong lịch sử Trung Hoa cổ đại.
       
         Trở lại với con CÁ trong văn học dân gian, ta có các thành ngữ tục ngữ về CÁ như :

        - Cá Hóa Long : là con cá hóa thành con rồng, chỉ sự đổi đời hay sự thành công vượt bực mà khó ai ngờ trước được. Nhưng đối với cô gái Nam bộ chất phác nặng tình nặng nghĩa thì... tình nghĩa vẫn trên hết với câu ca dao :
                    Tiếc thay con cá hóa long,
                Hóa long không hóa hoá lòng thương anh !

        - Cá lớn nuốt cá bé : chỉ Quy luật của sự cạnh tranh, hay còn chỉ sự chèn ép ức hiếp của kẻ mạnh đối với kẻ yếu như : " Nước trong leo lẻo cá đớp cá !".
        - Cá mè một lứa : Chỉ sự ô hợp hay cùng một hoàn cảnh đẳng cấp xã hội.
        - Bắt cá hai tay: Chỉ sự tham lam muốn ôm đồm tất cả.
        - Chim trời cá nước: Chỉ hình ảnh của sự tự do phóng khoáng không bị gò bó.
        - Binh tôm tướng cá: Chỉ những người làm tay sai hay trợ thủ tầm thường.

  ... Và ví von với những câu ca dao :

                        Cá không ăn muối cá ươn,
                    Con cải cha mẹ trăm đường con hư !

  ... hay như anh học trò nghỉ hè về quê đi câu... không có cá :

                  Con cá không ăn câu...mồ cha con cá dại !
                  Cần câu tay anh cầm...nghĩ lại...con cá khôn !

           Inline image  Inline image
           
        Còn một con CÁ của phương Tây được thả vào xã hội phương Đông mà lại rất được mọi người hâm mộ, nhất là ở Việt Nam ta, đó chính là con ... CÁ THÁNG TƯ : Theo công bố của Ủy ban Khảo sát Phát triển Thế giới của Liên Hiệp Quốc ngày hôm qua : Năm 2020, VIỆT NAM sẽ là con Rồng GIÀU nhất, MẠNH nhất của các nước vùng Đông Nam Á !

        Hẹn bài viết tới !

                                                                                               

 ĐỖ CHIÊU ĐỨC

Không có nhận xét nào: