CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2025

ĐỌC THƠ PHƯƠNG TẤN "BÓNG MẸ BÀNG BẠC NHƯ THƠ" - PHAN NI TẤN

 


Đọc thơ Phương Tấn

BÓNG MẸ BÀNG BẠC NHƯ THƠ

Bài thơ tám chữ Thưa Mẹ gồm 30 câu mở đầu tập thơ Thưa Mẹ của nhà thơ Phương Tấn là một tứ thơ lạ và hay. Lạ ờ cách dùng từ, hay ở cách diễn đạt, nhất là những động từ chạm thành tiếng kêu lạ tai, vang đi rất xa:
Con lột mũ cởi giày và tháo mép
Những chua ngoa xin mắc lại cho đời
Nay trở ngựa rầu rầu qua lưng mẹ
Thân cũng tàn con gõ lấy mà chơi
Xin đừng hỏi e một lời cũng mỏi
Tương tàn kia bòn mót hết xương da
Con ngồi gỡ trăng phơi trong mắt lạnh
Lấy nắng chiều hong một chút sầu khuya
Cho được thở hơi bay trong kẽ lá
Chút lòng vui đậu xuống mép sương chiều
Chút gió nổi lay hồn trong bãi đá
Hồng ghêu ngao cùng bầy lệ chắt chiu
Cho được nói lời bay trong kẽ nón
Lời reo vui lách tách vỗ quanh vành
Chân bập bỗng xin quỳ trong mắt mẹ
Thân đã vàng hay nắng đã vàng hanh
Con sẽ thở hơi con trong vú mẹ
Tí bi ai khẽ đọng mé chân đời
Chim lẻ bạn chơi một mình quạnh quẽ
Chạm tiếng kêu, ngại Chúa cũng chơi vơi
Thôi đà mỏi con vui lòng trở ngựa
Thân tong teo dắt dạ chắt chiu về
Thêm chút gạo chút lửa cười trong bếp
Chút bao dung lốp bốp nổ trong con
Mẹ so đũa gắp lòng con trong mắt
Gắp một đời rót xuống chén cơm con.
(Thưa Mẹ)
Có thể nói tập thơ Thưa Mẹ là một sự kết hợp đặc biệt giữa khả năng thiên phú về thi ca của Phương Tấn viết về mẹ và lòng thương yêu vô bờ của người mẹ đã một đời tận tụy vì con. Phương Tấn thể hiện một thái độ, một cung cách nối liền người thơ với đời sống con người, là tiếng nói của nghệ thuật nhân bản, là vẻ đẹp của tình người.
Trong lịch sử nền thi ca Việt Nam, hình tượng Mẹ đã hiển hiện trùng trùng. Phương Tấn ý thức rõ điều này nên tác giả không dừng lại ở những hình tượng quen thuộc đó, cũng như không giẫm chân lên lối mòn của những người đi trước. Chính vì vậy cảm hứng trong thơ Phương Tấn viết về mẹ, về con người và đời sống đã bừng lên nhiều sắc điệu, phong phú hơn, nồng nàn hơn, da diết hơn.
Từ đó, trải qua suốt những trang thơ trong tập Thưa Mẹ, người đọc càng nhận thấy, từ lâu rồi, nhà thơ Phương Tấn vẫn miệt mài vẽ ra những chân dung thơ mới lạ về người, về bóng mẹ để mẹ được bàng bạc suốt một còi thơ. Ở đó, thơ gợi lên phẩm chất cao quí, nặng tình yêu thương, biểu hiện sự tương ứng về chữ hiếu, về sự tương quan của tình mẫu tử. Còn gì vời vợi hơn, cao cả hơn, hy sinh đến thê thảm hơn trong cơn ngã giá tình người:
Gặp bạn thời bạc phước
Khuyên mẹ bán bớt con
Mẹ ôm con khóc mướt
"Bán Mẹ không bán con"
(Cuốn Trôi Giấc Mơ Tiên)
Thi ca Việt Nam nghĩa mẹ thương con như biển hồ lai láng biết trả ơn làm sao cho vẹn cho tròn. Trên đời này, cái gì có thể so sánh được lòng mẹ. Biển Thái Bình chỉ là một cách nói, vẫn có sự giới hạn của biển vỗ bờ. Chân dung mẹ bao la hơn, bát ngát hơn nên lòng mẹ trải về vô hạn. Khi tác giả tâm tình riêng với người em vừa lập gia đình, cũng là môt chiến sĩ đã hy sinh một phần thân thể ngoài mặt trận, vẫn không thể thiếu hình bóng thân yêu của mẹ lồng trong bóng mình:
Em biết đó, anh thân tàn ma dại
Một sớm kia em ngỡ xác trăng khô
Đất sẽ hé cùng thịt da sẽ trải
Cho lòng anh khẽ đậu ở hư vô
Em cũng biết Mẹ mỗi ngày một yếu
Cha thì đi một thuở nọ chưa về
Bốn thằng con sống chung cùng manh chiếu
Cùng chút xương người mẹ róc cho con…
(Thư Cho Em Trai Ở Bệnh Viện Nguyễn Huệ, Nha Trang)
Thi ca, như chúng ta đều biết, kết tinh từ ba yếu tố ngôn từ, hính ảnh và âm thanh. Ba yếu tố quan trọng đó là vườn hoa gieo trồng, nuôi dưỡng theo năm tháng mà thành thế giới của thi ca.
Riêng thế giới thơ trong tập Thưa Mẹ của Phương Tấn đã gợi cho người đọc một sự xúc động khi ngẫm nghĩ những gì nhà thơ muốn tìm về kỷ niệm qua hình ảnh người mẹ.
Thơ Phương Tấn thường nặng về kỷ niệm. Có một chút hơi hướm ấm lạnh hắt ra và phả xuống từ những kỷ niệm khiến người đọc dễ nhận thấy những gì mộc mạc mà thấm thía, hơn là những mỹ từ bóng bẩy, chãi chuốt như một số nhà thơ khác thích dùng.
Tập thơ Thưa Mẹ, ngoài các thể thơ 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ, thơ tự do, còn có những bài lục bát, tác giả viết tại Sài Gòn năm 1997, khóc ngày Mẹ mất nên bài thơ nào cũng thốt lên tiếng kêu thê thiết, móm mém, bùi ngùi.
Bài "Ầu Ơ, Con Ẵm Bóng Theo Tạ Đời" là một thí dụ:
Mẹ cười, bưng bát cơm thiu
Ấu ơ, móm mém hắt hiu phận nghèo
Mặc lòng, trời đất cheo leo
Ấu ơ, con ẵm bóng theo tạ đời
Bài "Con Cười Bên Mộ Vui Cùng Nỗi Đau" cũng hắt hiu, ảm đạm không kém:
Mót tàn hơi, níu thời gian
Đất trời chết điếng trần gian mịt mùng
Mông lung cát bụi mông lung
Con cười bên mộ vui cùng nỗi đau
Thơ Phương Tấn có nhiều tiếng động, nhưng những tiếng động trong phần thơ về Mẹ lại vắng tiếng cười, ngoài nỗi buồn. Thật ra cũng có tiếng vui, tiếng cười đấy, nhưng người ta chỉ có thể nghe được tiếng cười khô khốc như gỗ ván, như vết đạn thức dậy trong thơ:
"Gõ chiếc thân lép kẹp. Như gõ vào áo quan. Nào cười như xé ruột. Xin cười cho Mẹ vui. Con cười như gỗ ván. Giữa đất trời trống huơ. Con cười như vết đạn. Chết sững giữa cơn mơ"
(Con Buồn Mẹ Có Vui)
Hoặc:
"Đêm một mình bó gối. Ngồi cú xụ Phật ơi. Đêm mỗi mình bó gối. Lắc chuỗi cười trong tay"…
(Giữa Chiếc Quan Tài Trống)
Và:
"Tôi kể làm sao hết. Những chuyện thật đau lòng. Như tiềng kêu của Mẹ. Nở giữa vòm thinh không" (Reo Vui Giữa Huyệt Đời).
Cái vui nghe đã buồn huống hồ cái buồn càng nặng như cái chết:
"Ta giẫm qua mặt mình. Giẫm qua cơn lệ lớn. Ta giẫm lên mặt người. Chân vắt giữa cành răng. Cổ dài như ngực mỏng. Khóc mù mắt ta khóc. Nơi biển đời mưa mai. Sao cắn hoài những mũ
Thèm được nói tiếng người…" (Vào Những Ngày Có Kinh Nguyệt).
Sao lại "có kinh nguyệt" ở đây? Kinh nguyêt của thơ hay của người? Hãy nghe nỗi niềm của người thơ thưa với Mẹ:
"Suốt từ năm 1961 đến năm 1968 và sau đó nữa, con mất ngủ triền miên. Mẹ đã đau khổ dường nào khi biết con bị bệnh biến giọng, làm mũ trong cổ họng thông qua cả hai lỗ mũi. Đàm thường chảy theo thức ăn ra đầy miệng. Chữ "mũ" trong nhiều bài thơ của con những năm ấy là do từ căn bệnh này.
Những ngày mũ và đàm ứa ra từ miệng và mũi nhiều quá. Thưa Mẹ, "Vào những ngày có kinh nguyệt" là chuỗi ngày khốn cùng của con".
Ngoài tiếng động, thơ Phương Tấn còn có cả cái không tiếng động. Ta hãy đọc để lắng nghe tiếng "vô thanh" trong bài "Tát Hoài Mỗi Bể Dâu":
Ôi, con thèm đi học. Như khi còn thainhi.Thầm thì trong bụng mẹ".
Hoặc bài "Giữa Chiếc Quan Tài Trống":
Này một con chim sẽ. Thiếp trong lòng mắt em. Này một đôi chim sẽ. Chết trong lòng ngực anh.
Thơ Phương Tấn lại có cái hay ở câu hỏi bất ngờ đầy thú vị. Thí dụ hai câu trong bài thơ "Reo Vui Gữa Huyệt Đời": Này cô đơn quá đỗi. Tuổi trẻ làm sao ăn. Không ăn cơm, ăn quà, ăn bánh, kể cả ăn đòn, ăn đạn hay ăn năn, nhà thơ lại đòi "ăn tuổi trẻ" thì quả thật làm sao ăn, chẳng phải là một câu hỏi ngông nghênh, đáo để đến bất ngờ đó sao.
Đọc Phương Tấn, xuyên qua những trang thơ Phương Tấn viết về mẹ, hầu như không thấy chỗ nào vui. Mà cho dù có nghe thấy loáng thoáng niềm vui ở đâu đó trong thơ, thì cái vui, thay vì "líu xíu" tuôn trào, lại âm thầm ứa ra từ người dì, người chị được người thơ ví như loài chim bạc phước:
Kinh thưa chị đôi lần em chợt hỏi
Đời có cái chi vui quá là vui
Vui đến khóc dù mình chưa kịp khóc
Thèm chút vui lại một chút ngậm ngùi…
Kính thưa chị, nhà có bé Lan bé Phụng
Có dì Chuyền vui líu xíu như chim
Mỗi sáng dậy em lại mừng trong bụng
Em mừng em được sống nốt một ngày…
(Khoai Lang Vỏ Đỏ Lòng Vàng)
Ngoài những dòng thơ thổn thức về Mẹ. về cuộc đời làm người bạc phận, Phương Tấn còn xót xa về quê hương đất nước của mình:
"Xuân ở quê nội con. Chúc nhau mà lại khóc. Phòng mai mình chết đi. Không còn người để khóc. Xuân ở quê nội con. Xuân sao buồn chi lạ. Buồn như thể chiến tranh. Buồn như năm buồn bã…" (Mẹ ơi, Con Không Về Kịp Tết).
Bài "Nắng Hạn" cũng có chút nỗi niềm quê:
Ai ngóng bên kia sông. Ai ngóng bên này sông. Một con thuyền mắc cạn. Một nỗi đau bềnh bồng.
Đi tìm quê hương trong thơ Phương Tấn đâu cần tìm đâu xa. Ở đâu có mộc mạc, giản dị, ở đâu có hiền lương, chất phác, kể cả ở đâu có đắng cay, tũi nhục, có máu và nước mắt, ở đó có quê hương đau thương:
Thôi chịu dại như một loài tầm gửi
Xin ở đây ăn bưởi trổ sau vườn
Ngủ trên cây xướt mía lùi trong bếp
Buồn cưỡi trâu mà tìm được quê hương
A, cưỡi trâu mà tìm được quê hương
(Khoai Lang Vỏ Đỏ Lòng Vàng)
Nhưng cái tình chí hiếu của người thơ với bậc sinh thành vẫn không thiếu bóng mẹ khi chiến tranh tràn vào trong thơ:
Trâu nhớ cày, dồng trống thênh thang
Ruộng vườn xưa mộ dãi bom cán
Bắc với Nam như khoai với sắn
Bao nhiêu năm một dạ sầu mang
Có hơi thở trong từng chút đất
Co` thịt xương trong mỗi con đường
Tóc mẹ bạc những ngày bám đất
Lá xanh thêm như mắt con thơ…
(Đạp Bóng Đêm Hướng Về Phía Chân Trời)
Nhìn chung, tập thơ Thưa Mẹ của Phương Tấn được tác giả chia làm hai phần: Mẹ ở phần vào tập; phần còn lại viết về thân phận con người trong chiến tranh.
Còng lưng thay trâu cáy qua luống đất
Qua những luống đời ròng rã chiến chinh
Ngưng bắn nghe đâu riêng cho thành thị
Chỉ có thị thàng không có đao binh…
Giựt đất cắm cờ cắm cờ giựt đất
Cờ của hận thù đất của Việt Nam
Bom đạn cho ai vì ai lường lật
Đâu phải người ngoài giết nhau cho cam…
(Thương Cây Nhớ Cội)
Chiến tranh trong thơ Phương Tấn có nhiều cảnh điêu linh, tang tóc đến thảm hại của con người và đất nước. Suốt ba mươi năm chiến tranh, cơn sinh tử đã đẩy dân tình vào lầm than, đất nước vào khốn khó, cho nên quê hương là đất sống của niềm hạnh phúc vô biên mà cũng là nỗi đau vô lượng của kiếp người. Sự sống và sự chết hòa trộn vào nhau chính là vẻ đẹp oan khiên Phương Tấn đổ ào xuống trang giấy:
… Con báu mặt con tưởng mình xa lạ
Buồn đong đưa buồn đọng xuống hoang mang
Nỗi chết đó đột nhiên thàng ân huệ
Quê hương kia ôi màu máu kinh hoàng
Con dại con ngu cam mình bất hạnh
Xin quay về chong đôi mắt xanh xao
Đừng ngó tổ tiên ngó cùng dân tộc
Ngó xuống hồn thân bỗng úa mênh mang.
Thơ Phương Tấn viết ra là để giải bày tâm sự, với người đã đành, mà còn để đối thoại với những con thú bé nhỏ bằng tư tưởng nghệ thuật riêng mình:
… Thơ ta giã, ướp cùng sương khói
Ướp xương da và máu ở hai miền
Nhắp một ngụm nghe lòng đỡ đói
Nhắp cho qua thời buổi đảo điên
Ta bẻ kiếm khi quanh thành lửa cháy
Khi cần lao mất cả ruộng vườn
Bom đạn đã nhiều hơn thóc lúa
Hận thù nhiều hơn cả tình thương
Này anh kiến chị dơi và chú muỗi
Thịt ta thơm xin cắn chút làm duyên
Ca91n như đạn như bom nhu8 lửa dữ
Như xác anh em như máu hai miền…
(Chuyện Trò Cùng Anh Kiến Chị Dơi Và Chú Muỗi)
(Thư Gửi Cha Bên Kia Sông Bế Hải).
Đời vốn nhiêu khê nên đời trôi nổi theo sinh động. Thơ Phương Tấn vì thế mà sinh động. Cũng chính vì thế, sáng tác của Phương Tấn trong tập thơ Thưa Mẹ là tiếng nói ngậm ngùi, là tiếng kêu trầm thống, là nơi ấp ủ tình thương và nỗi buồn, cũng là nơi lưu giữ đời đời sức mạnh của nhân tính và vẻ đẹp của bóng Mẹ bàng bạc trong thơ nên hình tượng Mẹ trở nên bất tử.


PHAN NI TẤN

CHÙM ẢNH LÀM ĐIỆU VỚI KHĂN (2025)
































 




















Thứ Hai, 30 tháng 6, 2025

PHIẾM VỀ CHỮ VỊ - ĐỖ CHIÊU ĐỨC


 


Tạp Ghi và Phiếm Luận :
                              Phiếm về chữ VỊ

        VỊ 未 là Chưa, VỊ 味 là Mùi, VỊ 位 là Chỗ, VỊ 胃 là Dạ dày, VỊ 謂 là Bảo rằng, VỊ 爲 là Bởi vì, VỊ 彙 là Tập họp... Tất cả có đến 31 kết quả về chữ VỊ. Trong phạm vi bài viết nầy ta chỉ đề cập đến 7 chữ VỊ nêu trên mà thôi. Nào, ta bắt đầu bằng chữ VỊ là CHƯA nhé !

        VỊ 未 là CHƯA. Theo "Chữ Nho... Dễ Học" VỊ thuộc dạng chữ Tượng Hình, có diễn tiến chữ viết như sau :


                          Giáp Cốt Văn         Đại Triện              Tiểu Triện            Lệ Thư
                          
   Ta thấy :
           Giáp Cốt Văn là hình tượng của một cây mầm, phía dưới là phần rể chôn dưới đất, phía trên là hình dáng của các lá mầm mới nhú CHƯA phát triển thành cành lá ; Nên, VỊ có nghĩa đầu tiên là CHƯA, như VỊ LAI 未來 là Chưa đến, Chưa tới. Ta có thành ngữ QUÁ KHỨ VỊ LAI 過去未來 có nghĩa : Những việc đã qua và những việc chưa đến, như câu :"Ông ta là thầy bói giỏi, biết được cả những chuyện QUÁ KHỨ VỊ LAI!". Nên...

       VỊ 未 là CHƯA. Thường dùng để phủ định quá khứ và hiện tại, không phủ định được việc ở tương lai. Như câu nói :"Hôm qua đến nay tôi CHƯA ăn cơm", chớ không ai nói :"Ngày mai tôi CHƯA ăn cơm" cả ! Câu nói nầy không sai về nghĩa, nhưng sai về "Tập quán ngôn ngữ", vì nếu muốn phủ định cho một việc ở tương lai thì phải dùng từ BẤT 不 là KHÔNG, câu nói sẽ thành ra câu phủ định với nghĩa khẳng định hẵn hoi :"Ngày mai tôi KHÔNG ăn cơm". Ta thấy, chữ VỊ và chữ BẤT của chữ Nho cũng giống như là chữ CHƯA và chữ KHÔNG của ta trong tiếng Nôm vậy. Nên ta cần phân biệt cho rõ nghĩa các từ sau đây :
       - VỊ LAI 未來 là CHƯA đến; còn BẤT LAI 不來 là KHÔNG đến.
       - VỊ TẰNG 未曾 là CHƯA từng; còn BẤT TẰNG 不曾 là KHÔNG từng.
       - VỊ TẤT 未必 là CHƯA chắc; còn BẤT TẤT 不必 là KHÔNG Chắc. BẤT TẤT còn có nghĩa là "Không cần thiết, Không cần phải". Trong bài thơ 《Ngô Cung Hoài Cổ 吴宫懷古》của Lục Quy Mông 陸龜蒙 đời Đường có câu :

                    吴王事事須亡國,   Ngô vương sự sự tu vong quốc,
                    未必西施勝六宫.    VỊ TẤT Tây Thi thắng lục cung !
       Có nghĩa :
            - Ngô vương Phù Sai làm việc gì cũng đưa đến mất nước cả, chớ...
            - CHƯA CHẮC là tại Tây Thi đẹp hơn cả phi tần của sáu cung (mê hoặc) đâu !
                           Ngô vương mất nước tại mình,
                Tây Thi CHƯA CHẮC nghiêng thành sáu cung !   

                                    VỊ TẤT Tây Thi thắng lục cung

       Còn thơ của Trịnh Bách Xương 鄭百昌 đời Minh thì có hai câu như sau :

                    富貴不必羡,   Phú quý BẤT TẤT tiện,
                    貧賤不必嘆。   Bần tiện BẤT TẤT thán.
       Có nghĩa :
              - Giàu sang cũng KHÔNG CẦN PHẢI hâm mộ tự hào;
              - Nghèo hèn cũng KHÔNG CẦN PHẢI than van oán trách.  

       VỊ 未 là CHƯA. VỊ HÔN 未婚 là Chưa kết hôn, VỊ HÔN PHU 未婚夫 là Chồng chưa cưới, VỊ HÔN THÊ 未婚妻 là Vợ chưa cưới; VỊ VONG 未亡 là Chưa chết, VỊ VONG NHÂN 未亡人 là "Người chưa chết" : Đây là lời tự xưng của những bà những cô chết chồng ngày xưa; Ý là : Chồng chết thì phải chết theo cho trọn đạo, nhưng vì phải nuôi dạy con thơ... nên phải sống hờ, chứ đáng lẽ thì phải chết theo chồng rồi, cho nên mới xưng là "Người Chưa Chết"(VỊ VONG NHÂN). Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, nàng cung phi thất sủng tự ví mình phòng không chiếc bóng như là kẻ đã bị chết chồng vậy :

                          Suy di đâu biết cơ trời, 
                Bỗng không mà hóa ra người VỊ VONG.

       Còn VỊ NGỘ 未遇 là "Chưa gặp", ý nói là chưa gặp thời cơ, như một câu trong bài hát nói "Kẻ Sĩ" của Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ là :               

                 Lúc VỊ NGỘ hối tàng nơi bồng tất,
                 Hiêu hiêu nhiên điếu Vị, canh Sằn.
Có nghĩa :
      - Lúc CHƯA GẶP THỜI thì giấu mình trong các gian nhà cỏ; và 
      - Thanh thản như là Lã Vọng câu trên sông VỊ 渭 (tên một con sông ở Thiểm Tây) và Y Doãn cày ruộng ở đất Sằn vậy !
       
       VỊ 未 khi được đặt ở cuối câu thì lại trở thành một Nghi Vấn Tự dùng để hỏi, như bài "Tạp Thi" của Thi Phật Vương Duy 王維 đời Đường sau đây :

              君自故鄉來,     Quân tự cố hương lai,
                  應知故鄉事。     Ưng tri cố hương sự.
                  來日綺窗前,     Lai nhựt ỷ song tiền,
                  寒梅著花未?     Hàn mai chước hoa VỊ ?
      Có nghĩa :
           Bạn từ cố hương, từ quê nhà đến đây, chắc chắn là rất rành về chuyện ở quê nhà. Vậy, xin được hỏi bạn rằng, cái ngày mà bạn rời quê hương đến đây, thì chậu hàn mai bên song cửa sổ đẹp (ỷ song) đã nở hoa CHƯA ?  

                      Bạn từ quê nhà đến,
                      Chắc rõ chuyện nắng mưa.
                      Ngày đi bên song đẹp,
                      Mai vàng nở hoa CHƯA ?  

                            
                                              
                              "Tạp Thi" của Thi Phật Vương Duy 

       Trong một ngữ cảnh nào đó thì VỊ và BẤT đều có nghĩa phủ định như nhau, như trong bài "Dương Liễu Chi 楊柳枝" của Ôn Đình Quân đời Đường như sau :

                  織錦機邊鶯語頻,    Chức cẩm cơ biên oanh ngữ tần,
                  停梭垂淚憶征人。    Đình thoa thùy lệ ức chinh nhân.
                  塞門三月猶蕭索,    Tái môn tam nguyệt do tiêu tác,
                  縱有垂楊未覺春。    Túng hữu thùy dương VỊ GIÁC xuân !
       Có nghĩa :
                    Dệt gấm bên khung oanh hót vang,
                    Nhớ người chinh chiến lệ hai hàng.
                    Tháng ba biên tái còn xơ xác,
                    Liễu rũ nhưng nào thấy dáng xuân !

       Câu "縱有垂楊未覺春 Túng hữu thùy dương VỊ GIÁC xuân" có nghĩa : Dù cho có liễu rũ vẫn CHẲNG CẢM THẤY (VỊ GIÁC) có mùa xuân. Nếu VỊ GIÁC đổi thành BẤT GIÁC thì câu thơ có nghĩa :"Dù cho có liễu rũ vẫn KHÔNG CẢM THẤY có mùa xuân". Trường hợp nầy thì VỊ GIÁC và BẤT GIÁC có nghĩa "sem sem" như nhau.
       VỊ 未 là CHƯA, nên VỊ SINH 未生 là "Chưa được sanh ra đời", như một giai thoại văn chương Việt Nam lý thú sau đây :
       Dưới thời Tự Đức, Nguyễn Phúc Hồng Bảo 阮福洪保 (1825-1854), hay Hường Bảo; là con trưởng vua Thiệu Trị, nhưng không được truyền ngôi. Sau hai lần mưu sự (1851 và 1854) để giành lại ngôi vị không thành, ông bị giam và chết thảm trong ngục. Người đương thời cho là vua Tự Đức có ý giết anh để trừ hậu hoạn. Sau đó, nhân một buổi ngự thiện với quần thần, Tự Đức đang dùng cơm vô ý cắn phải lưỡi, bèn nổi hứng lấy đầu đề "Răng cắn Lưỡi" ra cho đình thần làm thơ, nhưng trong thơ không được dùng chữ "Răng" chữ "Lưỡi". Nguyễn Hàm Ninh 阮咸寧 ( 1808-1867) là một danh sĩ trong lịch sử Văn học Việt Nam thời nhà Nguyễn, dâng lên một bài tứ tuyệt như sau :

                 Sinh ngã chi sơ, nhĩ VỊ SINH,               生我之初爾未生,
                Nhĩ sinh chi hậu, ngã vi huynh.             爾生之後我為兄。
                Như kim cộng hưởng trân cam vị,          如今共享珍甘味,
                Hà nhẫn tương thương cốt nhục tình ?   何忍相傷骨肉情?
Có nghĩa :
              "Răng nói với Lưỡi" rằng :
    * Khi ta mới sinh ra thì MI chưa được sinh ra. (Con người sinh ra đã có sẵn cái lưỡi rồi, nhưng răng thì chưa mọc).
    * MI sinh ra sau ta, nên ta là anh của MI. (Lưỡi nói mình là anh của răng, vì răng mọc sau khi đã có lưỡi).
    * Nhưng nay, chúng ta cùng hưởng trân cam hải vị, cùng được ăn món ăn ngon. (ý là : Cùng hưởng vinh hoa phú quý).
    * Sao MI nở nhẫn tâm làm tổn thương tình cốt nhục vậy ? (Lưỡi nói với Răng : Cùng được ăn ngon, sao mi nở cắn cho ta bị thương vậy ?)
 
                        Khi ta sinh ra mi chưa sinh,
                        Mi sinh sau ta, ta là huynh.
                        Nay cùng chung hưởng đồ ngon ngọt,
                        Sao nở cắn ta chẳng nể tình ?! 

      Vua Tự Đức xem thơ xong, khen hay, thưởng cho mỗi câu một lạng vàng vì lời thơ qúa hay, nhưng lại phạt mỗi câu một roi vì ý thơ có ẩn ý xỏ xiên phạm thượng.



                       Vua Tự Đức và Bia mộ của danh sĩ Nguyễn Hàm Ninh
       Ngoài ra...
       VỊ 未 còn được mượn đọc là MÙI. Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi. MÙI là  ngôi thứ 8 của Thập nhị Địa Chi, cầm tinh con Dê, giờ MÙI là từ 1 đến 3 giờ chiều, sát sau giờ Ngọ, nên dân thích đổ bác trong dân gian lại có câu : Những người mê cờ bạc thì thường "Giàu giờ Ngọ, khó giờ Mùi". Ý muốn nói, mới thấy giàu đó thì lại nghèo đó liền. Cờ bạc mà !


        
       Theo phép Hài Thanh chữ VỊ 未 thêm vào bộ KHẨU 口 là cái miệng ở bên trái để chỉ Ý, thì vẫn đọc theo thanh VỊ 味. Nhưng VỊ 味 nầy là KHẨU VỊ 口味, là VỊ GIÁC 味覺, tức là Mùi Vị do lưỡi cảm nhận được mà ra, là một trong Ngũ Giác Quan của con người. MÙI VỊ chữ Nho là KHÍ VỊ 氣味. Có "Năm Mùi Vị" trong đời sống hằng ngày của ta, được gọi chung là ... 
      NGŨ VỊ 五味. Đó chính là : "Toan 酸" là chua, "Điềm 甜" là ngọt, "Khổ 苦" là đắng, "Lạt 辣" là cay, "Hàm 鹹" là mặn. Nhưng...
      NGŨ VỊ HƯƠNG 五味香 thì lại là Năm mùi thơm của dược thảo được chế biến và cà nhuyễn thành bột để làm gia vị. Đó là 5 vị : Quế Chi 桂枝, Bát Giác 八角(còn gọi là Đại Hồi), Hoa Tiêu 花椒, Đinh Hương丁香 và Tiểu Hồi 小茴. Bột NGŨ VỊ HƯƠNG có bán tại các siêu thị và tiệm tạp hóa khắp nơi, thường dùng làm gia vị để nấu các món thịt "phá lấu", khìa, hầm...


                                      NGŨ VỊ HƯƠNG 五味香
                  
      VỊ là Cái Mùi, mùi hôi mùi thối thì gọi là XÚ VỊ 臭味, mùi thơm tho thì gọi là HƯƠNG VỊ 香味. HƯƠNG VỊ còn là cái mùi vị đặc trưng cho... cái gì đó khó quên và dễ đánh động lòng người, như...
      - Hương Vị của món Canh chua cá kho...
      - Hương Vị khó quên của những món ăn quê hương...
      - Hương Vị ngọt ngào của tình yêu dễ làm ngây ngất lòng người...
      HƯƠNG VỊ được nâng lên một mức độ cao hơn nữa là...

      PHONG VỊ 風味 chỉ một sự thích thú đặc sắc, cao nhã đẹp đẽ của một sự việc hay một động thái trong cuộc sống chung quanh ta, như... 
      - Phong Vị cao nhã của Làng Nho...
      - Hàn Nho Phong Vị Phú của Uy Viễn Tướng Công...
      - Phong Vị ngày Tết cổ truyền của những mùa xuân xưa...

       HƯƠNG VỊ và PHONG VỊ luôn luôn làm cho người ta cảm thấy cuộc sống ngày càng THÚ VỊ 趣味 hơn. THÚ VỊ là Thích thú và Ý vị, nên THÚ VỊ còn có nghĩa là Vui Thích thỏa mãn về môt việc gì đó rất hay ho. THÚ VỊ còn được nói thành HỮU VỊ 有味 là Có thú vị về vấn đề gì đó. Như trong bài thơ "Tương phó Ngô Hưng đăng Lạc Du Nguyên 將赴吳興登樂遊原" của nhà thơ Đỗ Mục 杜牧 ở buổi Tàn Đường :

                    清時有味是無能,   Thanh thời HỮU VỊ thị vô năng,
                    閒愛孤雲靜愛僧;   Nhàn ái cô vân tịnh ái tăng;
                    欲把一麾江海去,   Dục bả nhất huy giang hải khứ,
                    樂遊原上望昭陵.    Lạc Du Nguyên thượng vọng Chiêu Lăng !
      Có nghĩa :
         - Thời thanh bình dù có hứng thú cũng vô phương thi thố tài năng,
         - Nhàn rỗi thì thích đám mây cô độc, yên tịnh thì thích được như nhà sư;
         - Muốn phất cờ lệnh đi về hướng sông biển (để làm nên việc lớn...) 
         - Nhưng chỉ đứng trên Lạc Du Nguyên nầy mà ngắm về phía Chiêu Lăng (nơi có lăng mộ của nhà vua, để bày tỏ tấm lòng và ý chí của mình mà thôi !). 

                    Có hứng thanh bình chẳng khả năng, 
                    Nhàn như mây nổi lặng như tăng.
                    Phất cờ giang hải toan ra sức...
                    Trên Lạc Du Nguyên ngóng Chiêu Lăng.  


                   Tương phó Ngô Hưng đăng Lạc Du Nguyên

       Trái với HỮU VỊ 有味 là VÔ VỊ 無味 là Không có hứng thú gì cả, là nhạt nhẽo vô duyên; Nghĩa đen là : Không có mùi vị gì cả, không ngon lành gì hết, giống như là "Tào Tháo ăn gân gà" vậy !...
       Theo《Tam Quốc Chí. Ngụy Chí. Võ Đế kỹ 三国志·魏志·武帝纪》: Tào Tháo và Lưu Bị đóng quân đối đầu nhau ở Hán Trung, không phân thắng bại. Gặp lúc mưa dầm, lương thảo lại cạn kiệt mà không có kế sách để thắng đối phương. Còn đang lo lắng thì nhằm lúc binh sĩ đến xin mật khẩu để gát đêm, nhìn vào cái chân gà trên tay đang ăn dở, Tào Tháo buộc miệng nói :"Gân Gà!". Quan Chủ Bộ là Dương Tu nghe thấy bèn nói với các binh sĩ rằng :"Thừa Tướng sắp ban sư rồi, lo mà chuẩn bị hành trang đi". Khi Tào Tháo đi tuần thấy binh sĩ đều lo chuẩn bị hành trang bèn ngạc nhiên hỏi lý do, biết rõ là do Dương Tu gợi ý, bèn hỏi Dương Tu. Tu đáp rằng :"Chân gà phần nhiều là gân gà, ăn thì VÔ VỊ, không ngon lành gì cả, mà liệng bỏ thì thấy cũng tiếc,(Thực chi Vô Vị, khí chi khả tích 食之無味,棄之可惜) Nhưng ăn không vô thì cũng đành bỏ thôi; nên đoán là Thừa Tướng sẽ ban sư về triều." Tào Tháo nghe nói đúng tim đen của mình, bèn nổi giận ra lệnh chém đầu Dương Tu với tội danh "làm rối loạn lòng quân". Rồi... ra lệnh rút quân ban sư về triều... 
      Thông minh mà quá ỷ lại vào sự thông minh của mình thì cũng rất dễ đưa đến họa sát thân như Dương Tu vậy. Trở lại với từ...
      VÔ VỊ là Nhạt nhẽo, ăn không thấy ngon, ta có thành ngữ "THỰC NHI BẤT TRI KỲ VỊ 食而不知其味" Có nghĩa là : Ăn mà không thấy được mùi vị của nó, không thấy ngon chút nào cả ! Muốn NGON thì sao ? Dễ thôi, bỏ vào một chút VỊ TINH 味精 là sẽ Ngon ngay ! Vì...
      VỊ TINH 味精 là Chất tinh túy của mùi vị, là "Bột Ngọt" đó. Từ nầy được  Bộ đội miền Bắc đọc theo âm Quảng Đông là "MÌ CHÍNH".  Và tất cả những món ăn ngon ở trên đời nầy được gọi chung là SƠN TRÂN HẢI VỊ 山珍海味, ta gọi là SƠN HÀO HẢI VỊ 山餚海味.

                      VỊ TINH 味精 là "Bột Ngọt", là "MÌ CHÍNH"

      VỊ 位 là CHỖ, theo "Chữ Nho... Dễ Học" VỊ nầy thuộc dạng chữ Hội Ý, được ghép bởi bộ NHÂN 亻 là Người ở bên trái và chữ LẬP 立 là ĐỨNG ở bên phải. Nên VỊ 位 nghĩa gốc là "Chỗ Đứng của một người trong triều đình khi chầu vua". Dùng rộng ra để chỉ "Chỗ đứng của một người" mà thôi. Nói chung VỊ là "Cái Chỗ" mà người đó đang sở hữu. Ta có từ kép VỊ TRÍ 位置 là "Cái Chỗ..." của một con người đang, ngủ, đứng, nằm ngồi, là không gian của một sự vật đang chiếm hữu, như VỊ TRÍ của căn nhà nầy là ở chân núi; VỊ TRÍ của nước Việt Nam là ở bên bờ Thái Bình Dương của vùng Đông Nam Á chẳng hạn. VỊ TRÍ nhiều khi còn chỉ một chức vụ, chức sắc của một người nào đó trong một tổ chức, một đoàn thể, như : VỊ TRÍ của anh ta là Trưởng phòng Tổ chức của Công ty chẳng hạn... Trong trường hợp nầy thì VỊ TRÍ có nghĩa tương đương với...
      ĐỊA VỊ 地位 nghĩa gốc là "Mảnh đất đứng" của một người nào đó. Nghĩa phát sinh là chức vụ hay sự thành đạt của một người trong xã hội; còn chức quan chính thức của các triều đại ngày xưa thì gọi là TƯỚC VỊ 爵位, CHỨC VỊ 職位. Nhà vua tiếp nối ngôi vua thì gọi là TỨC VỊ 即位; Đang làm vua hay đang giữ chức vụ nào đó thì gọi là TẠI VỊ 在位, hay ĐƯƠNG VỊ 當位; Còn bị người khác cướp ngôi hay cướp ngôi của người khác, thì gọi là SOÁN VỊ 篡位, hay SOÁN VỊ ĐOẠT QUYỀN 篡位奪權. Còn cởi áo bào ra để nhường ngôi cho người khác thì gọi là "THOÁT BÀO THOÁI VỊ 脫袍退位", hay "THOÁT BÀO NHƯỢNG VỊ 脫袍讓位". Còn cái danh tiếng do mình tạo ra mà được mọi người biết đến là cái DANH VỊ 名位... 
      VỊ 位 là CHỖ, nên Đổi Chỗ thì gọi là HOÁN VỊ 換位, Hoán Vị còn là một từ chuyên môn trong Toán Học; Vượt qua chỗ đứng hoặc phạm vi trách nhiệm của mình thì gọi là VIỆT VỊ 越位, và đây cũng là một từ chuyên môn, một luật chơi trong môn thể thao Túc Cầu, còn gọi là môn Bóng Đá vì người ta... đá vào trái bóng ! Từ phát sinh gần đây nhất nhờ vào khoa học kỹ thuật tiên tiến là từ ĐỊNH VỊ 定位, là Xác định Vị trí một cách chính xác của người, vật, sự vật... nhờ vào Hệ thống Ra đa Vệ tinh Định vị Toàn cầu.


                VỊ TINH 味精 là  VIỆT VỊ 越位  và  ĐỊNH VỊ 定位

      VỊ 位 còn là Danh từ dùng để tôn xưng người khác, như :
      - Xin hỏi, VỊ nầy là ai ?
      - CÁC VỊ từ đâu đến và định đi về đâu ?
      - Kính thưa QUÝ VỊ quan khách có mặt trong hội trường hôm nay.
     Ngoài ra..
        VỊ còn là PHƯƠNG VỊ 方位 là "Cái phương hướng của một vị trí nào đó". PHƯƠNG VỊ cơ bản là bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Tám Hướng là thêm bốn hướng Đông Nam, Đông Bắc, Tây Bắc và Tây Nam nữa, như trong bài hát "Nếu một mai anh biệt Kinh Kỳ" của Minh Kỳ và Hoài Linh :

                Tám hướng bốn phương trời mây,
                Thôi nhé anh đi từ đây...

          Bấm vào link dưới đây để nghe nhạc :

       VỊ còn là ĐƠN VỊ 單位 một chuẩn tắc độc lập của sự vật, sự việc, như Đơn Vị Hành chánh, Đơn Vị trong toán học... Trong Số Học 數學, ta còn có các : 
       - Hàng Đơn Vị chữ Nho là CÁ VỊ 個位, 
       - Hàng Chục là THẬP VỊ 十位, 
       - Hàng Trăm là BÁCH VỊ 百位, 
       - Hàng Ngàn là THIÊN VỊ 千位...

       Cuối cùng, về các chuẩn mực tiền tệ quốc tế, ta còn có các từ như KIM BẢN VỊ 金本位, NGÂN BẢN VỊ 銀本位... Như :
       KIM BẢN VỊ 金本位 còn gọi là BẢN VỊ VÀNG, là chế độ tiền tệ mà phương tiện tính toán kinh tế tiêu chuẩn được ấn định bằng hàm lượng vàng.   




       VỊ 胃 là Dạ Dày, là Bao Tử, là cái Mề (gà, vịt, chim...), là nơi chứa và tiêu hóa thức ăn cho cơ thể, là một trong "Ngũ Tạng Lục Phủ" của động vật và con người. VỊ cũng là chữ Tượng Hình và Hội Ý trong phép tạo chữ của "CHỮ NHO... DỄ HỌC" Có diễn tiến chữ viết như sau :

               Giáp Cốt Văn       Đại Triện        Tiểu Triện            Lệ Thư
                         
    Ta thấy :
         Từ Giáp Cốt Văn đến Đại Triện, Tiểu Triện là hình tượng của một cái Dạ dày, trên nhỏ dưới tròn, chia làm 4 ngăn, 4 chấm là tượng trưng cho thức ăn; Phần dưới là hình tượng của bụng và ruột. Đến Lệ Thư thì đã giống như chữ viết hiện nay 胃, phần trên diễn tiến thành chữ Điền 田 và phần dưới là bộ Nhục 肉 là Thịt, được viết biến thể như hình chữ Nguyệt 月. VỊ 胃 là Dạ Dày, là Bao Tử, ta có các từ thường gặp như :
       VỊ TẠNG 胃臟 tên chữ của Dạ dày, gọi theo từ chuyên môn của y khoa, vì là một trong ngũ tạng lục phủ của con người, nên Bao Tử còn được gọi là VỊ TẠNG. Tương tự, ta có các từ như TÂM TẠNG 心臟 để gọi trái Tim; THẬN TẠNG 腎臟 để gọi quả Thận...
       VỊ BỆNH 胃病 là Bệnh đau bao tử, đau dạ dày.
       VỊ TOAN 胃酸 là nồng độ muối a-cít (chất chua) do các tuyến trong dạ dày tiết ra để trợ giúp tiêu hóa thức ăn.       
       VỊ KHẨU 胃口 nghĩa đen là : Cái miệng của Bao tử; Bao tử mở miệng là muốn có thức ăn vào; nên VỊ KHẨU có nghĩa là Muốn Ăn, là Thèm Ăn. Khác với từ KHẨU VỊ 口味 là cái Mùi Vị mà ta cảm nhận được bằng Vị Giác, cái mùi vị mà ta thích ăn. Vì VỊ KHẨU 胃口 là Muốn Ăn, là Thèm Ăn, nên ta lại có từ...
       KHAI VỊ 開胃 là mở dạ dày ra, mở bao tử ra để đón thức ăn vào. Nên "Món ăn Khai vị" là món ăn mở màn khích thích dạ dày chuẩn bị sẵn sàng để đón các món ăn chính ngon lành vào bụng. Ngược lại, ta có từ...
       PHẢN VỊ 反胃 là Ngược lại với dạ dày, là lợm giọng, là không muốn ăn, ngửi phải là thấy muốn buồn nôn ngay.
       VỊ NHAM 胃癌 là bệnh Ung thư dạ dày, VỊ VIÊM 胃炎 là dạ dày bị viêm loét... Ngoài ra, VỊ còn là...
       VỊ TÚ 胃宿 là ngôi sao thứ 3 trong "Tây phương Bạch hổ Thất Tú" của "Nhị thập bát tú", thuộc hành Thổ, có hình dáng của con Trĩ.


                            VỊ TÚ 胃宿 trong Nhị thập bát Tú
  
       Theo phép Hình Thanh, vẫn giữ VỊ 胃 làm Âm, thêm vào bộ NGÔN 言 là Lời nói vào bên trái để chỉ Ý, ta vẫn có từ VỊ 謂 có nghĩa là : NÓI, Nói rằng, Nói với, Bảo, Bảo là... Như 2 câu thơ cuối trong bài kệ "Cáo Tật Thị Chúng 告疾示眾" của Mãn Giác Thiền Sư 满覺禪師 là :
                 莫謂春殘花落盡,   Mạc VỊ xuân tàn hoa lạc tận,
                 庭前昨夜一枝梅。   Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
       Có nghĩa :
                      Chớ BẢO xuân tàn hoa rụng hết,
                      Đêm qua sân trước một cành mai !

       謂 là NÓI, SỞ VỊ 所謂 là :"Cái mà... được nói tới". Như trong bài thơ《KIÊM HÀ-Tần Phong-trong Kinh Thi 詩經·秦風·蒹葭》rất nên thơ như sau :

                     蒹葭蒼蒼,   Kiêm hà thươg thương,
                     白露為霜。   Bạch lộ vi sương,
                     所謂伊人,   SỞ VỊ y nhân,
                     在水一方。   Tại thủy nhất phương !
         Có nghĩa :
                        Lau sậy xanh xanh,
                        Sương trắng rơi nhanh.
                        Người mà ta nói,
                        Bên dòng nước quanh !
         Lục bát :
                            Xanh xanh lau sậy ven bờ,
                    Sương rơi trắng xóa mập mờ bến sông.
                            Cái người ta nhớ ta mong,
                    Ở bên phương ấy bên dòng nước kia !

        Bài Kinh Thi trên đây đã gợi cảm hứng cho nữ văn dĩ Quỳnh Dao 瓊瑤 viết nên quyển tiểu thuyết nổi tiếng "TẠI THỦY NHẤT PHƯƠNG 在水一方"(1975) đã được quay thành phim (40 tập) và dịch ra tiếng Việt với tựa đề "BÊN DÒNG NƯỚC". Bấm vào link dưới đây để xem phim, nếu thích !

                       https://www.youtube.com/watch?v=ATthwsHaqmM


                         Nữ sĩ Quỳnh Dao và tác phẩm TẠI THỦY NHẤT  PHƯƠNG

       VỊ 謂 là NÓI, nên trong văn phạm ngữ pháp, VỊ NGỮ 謂語 là phần Nói lên hình dáng tính cách hoặc động tác của Chủ Ngữ. VỊ còn dùng để gọi và chào hỏi nhau, gọi là XƯNG VỊ 稱謂, ta nói là XƯNG HÔ 稱呼. Trong tiếng Việt thuần túy của miền Bắc, ta còn bắt gặp từ...
       VỊ CHI 謂之 vốn nghĩa "NÓI là , BẢO là..." được Việt hóa theo "Tập quán ngôn ngữ" của ta nên có nghĩa như "Tổng cộng" vậy, như : "2 với 3 với 5, VỊ CHI là một Chục chẵn"...
       VỊ 謂 còn có nghĩa là : Nói lên cái gì đó, việc gì đó... như hai câu trong chương Thử Ly 黍離 của Kinh Thi :

                   知我者謂我心憂,    Tri ngã giả VỊ ngã tâm ưu,
                  不知我者謂我何求?  Bất tri ngả giả VỊ ngã hà cầu ?
       Có nghĩa :
          - Người hiểu ta, thì NÓI là trong lòng ta lo âu buồn bã,
          - Người không hiểu ta, thì BẢO là ta còn muốn cầu mong được gì nữa đây?!
                          Người hiểu ta, BẢO ta sầu, 
                  Người không hiểu BẢO ta cầu chi đây ?!
  Còn...
       VÔ VỊ 無謂 hay VÔ SỞ VỊ 無所謂 là : Không nói lên được cái gì cả ! Như 2 câu thơ trong bài Tạp Thi 雜詩 của Hàn Dũ 韓愈 đời Đường :

                  蛙黾鳴無謂,    Oa mẫn minh VÔ VỊ,
                  閤閤祇亂人。    Cáp cáp chỉ loạn nhân.
        Có nghĩa :
                      Ếch kêu CHẲNG NÓI LÊN GÌ...
                  Cáp cáp cạp cạp quấy rầy người nghe !

      VÔ VỊ 無謂 nầy là Không nói lên được điều gì cả; Khác với VÔ VỊ 無味 là  nhạt nhẽo vô duyên; Nghĩa đen là : Không có mùi vị gì cả, không ngon lành gì hết, đã trình bày ở trên.


                                           Oa mẫn minh VÔ VỊ

       VỊ 爲(為) giản thể 为, vốn là chữ VI(không có dấu Nặng) có nghĩa là LÀM, theo phép Giả Tá được mượn làm Trợ từ đọc là VỊ(có dấu Nặng) có nghĩa là VÌ, như trong bài thơ Thất ngôn Tứ tuyẹt rất diễm tình và rất nổi tiếng của Lý Thương Ẩn 李商隱 đời Đường, có tựa là VỊ HỮU 為有 (Vì Có) như sau :

                 VỊ HỮU vân bình vô hạn kiều,             爲有雲屏無限嬌,
                 Phụng thành hàn tận phạ xuân tiêu.    鳳城寒盡怕春宵.
                 Vô đoan giá đắc kim quy tế,                無端嫁得金亀婿,
                 Cô phụ hương khâm sự tảo triều          辜負香衾事早朝.
   Có nghĩa :                            
          VÌ CÓ bức bình phong vẽ mây ngũ sắc đẹp vô vàn, nên ở đất Kinh thành nầy lúc cuối đông hết lạnh, lại thấy lo sợ cho những đêm xuân, vì  khi khổng khi không lại lấy phải ông chồng làm quan lớn thế nầy, nên chi sáng xuân (là thời khắc mặn nồng nhất của đôi lứa) ông ta lại phụ rãi bỏ mặc nệm ấm chăn êm thơm phức để đi chầu Vua buổi sáng sớm.!.                                              
                                Vì có bình phong đẹp lắm mầu,
                                Kinh thành xuân đến sợ canh thâu.
                                Khéo xui lấy phải ngài quan lớn,
                                Phụ bạc gối chăn, sớm phải chầu !
            Lục Bát :
                                   Bình phong đẹp đẽ yêu kiều,
                            Phụng thành đông hết, xuân tiêu đêm dài.
                                   Vô duyên lấy phải quan ngài,
                              Gối chăn bỏ hết mặc ai... đi chầu !

       Rõ ràng là cái nũng nịu hết sức "dễ cưng" của những nàng mệnh phụ trẻ trung còn tràn trề nhựa sống !  

           
                                   Gối chăn bỏ hết mặc ai... đi chầu !

       VỊ 爲 là Vì, Vì bản thân mình thì gọi là VỊ KỶ 爲己, vì người khác thì nói là VỊ THA 爲他, vì tình yêu thì nói là VỊ TÌNH 爲情, vì nước nhà thì gọi là VỊ QUỐC 爲國... Ta thường nghe câu nói khuyên răn mà có chút hơi hám mỉa mai là :"Vì nước mà bỏ mình, còn hơn vì tình mà bỏ mạng !". "Vì nước bỏ mình" chữ Nho gọi là "VỊ QUỐC VONG THÂN 爲國亡身"; còn "Vì tình bỏ mạng" thì nói là "VỊ TÌNH TUẪN MỆNH 爲情殉命. Còn liều bỏ thân mình để làm tay sai cho giặc, giúp cho kẻ ác hại người, bán linh hồn cho quỹ dữ, thì gọi là VỊ HỔ TÁC TRÀNH 為虎作倀 là "Vì cọp mà làm con ma Trành" :

       Thành ngữ VỊ HỔ TÁC TRÀNH 為虎作倀 có xuất xứ từ Quyển 430 của sách Thái Bình Quảng Ký đời Đường《太平廣記》卷四百三十. Theo truyền thuyết thì TRÀNH 倀 là hồn ma của người bị cọp ăn thịt không thể siêu sinh phải vấn vít mãi quanh mình cọp và phải dẫn dụ người khác cho cọp ăn thịt để thay thế cho mình làm con ma TRÀNH thì mới giải thoát và siêu sinh được, và mãi cho đến khi con cọp đó chết thì những con ma TRÀNH mới được giải thoát hoàn toàn. Nên, con ma Trành hại người là để giải thoát cho mình, nhưng thành ngữ "VỊ HỔ TÁC TRÀNH 為虎做倀" đi vào văn học với ý nghĩa: Giúp cho kẻ ác làm ác, giúp cho kẻ xấu hại người; làm tay sai để nối giáo cho giặc, là những người hại dân hại nước !


                                     VỊ HỔ TÁC TRÀNH 為虎作倀

       Chữ VỊ 彙 cuối cùng cho bài viết nầy có nghĩa là PHÂN LOẠI, TẬP HỌP; và VỊ nầy chỉ có một từ thông dụng mà ta thường gặp nhất, đó là từ...
       TỰ VỊ 字彙 là "Quyển sách phân loại và tập họp chữ nghĩa lại với nhau" mà ta quen gọi là TỰ ĐIỂN 字典 hay TỪ ĐIỂN 詞典.
       Nhờ có TỰ VỊ bằng sách hay trên mạng, ta mới có được đầy đủ tài liệu để tra cứu về ngữ căn, ngữ nghĩa và vì thế mà mới có được bài viết nầy qua các TỪ VỊ 辭彙 (còn được đọc là TỪ VỰNG) đã tìm thấy ở trên mạng. 
 
     

                       
         Hẹn bài viết tới !

                                                    杜紹德
                                              ĐỖ CHIÊU ĐỨC