CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2024

NHỮNG ĐÊM GIĂNG CÂU VÀ MÓN CHÈ HỘT VỊT - TỪ KẾ TƯỜNG




 

NHỮNG ĐÊM GIĂNG CÂU VÀ MÓN CHÈ HỘT VỊT

Dạo đó tôi chỉ là đứa trẻ con lên 10-12 tuổi, khi ngủ thì ngủ mê mệt, lại thích đi giăng câu nên chiều tối, ngoài nhiệm vụ đào bắt ít nhất 200 con trùn đất, bỏ vào cái thùng nhựa ém đầy đất cho trùn không chết để làm mồi câu. Tôi cũng không quên mang theo mấy cuốn tập để học bài lên chòi vịt của đứa bạn học cùng lớp trên kênh Nhỏ để đi giăng câu với nó. Trong lúc chờ nước lớn, tôi với nó tranh thủ học bài dưới ngọn đèn dầu tù mù, mắt đã mỏi vì thiếu ánh sáng và buồn ngủ, còn bị cay sè vì khói đốt con cúi un muỗi. Chòi vịt của đứa bạn thấp lè tè, chật hẹp, đã nhiều muỗi, tay phải đập lia lịa để xua bầy muỗi đói lại còn tiếng vịt đẻ kêu inh tai nên học câu được, câu mất. Nhưng được cái, đứa em gái của nó thường nấu chè hột vịt cho ăn nên dù bài học bữa đực, bữa cái nhưng tôi vẫn thích. Chè hột vịt nhỏ em gái đứa bạn nấu vô cùng đơn giản, chỉ là đường thốt nốt bỏ vào nước mưa nấu sôi lên, đập chừng 5-6 trứng hột vịt, vài lát gừng thơm thơm, cay cay. Thế mà thành món chè hột vịt ngon tuyệt cú mèo tới bây giờ tôi vẫn con nhớ món chè dân dã này.

Một đêm như thường lệ, ăn chè xong, nghe nước đổ ào ào sau chòi, bầy vịt đẻ lại kêu vang theo quáng tính, tôi và đứa bạn đứa xách cây đèn soi, đứa xách thùng trùn nhảy xuống xuồng. Bỗng nhỏ em gái của nó chạy theo đòi cùng đi giăng câu, tình tiết bất ngờ này làm tôi bối rối lẫn khó chịu, vì trên xuồng có thêm một đứa con gái sẽ làm không khí mất tự nhiên, bởi lẽ tôi có thói quen sau khi móc mồi, thả câu xong thường nằm vắt chân, đầu gối lên mũi xuồng ngắm sao trời, ngắm trăng hát nghêu ngao mặc cho đứa bạn muốn chống chèo thế nào tùy thích. Nếu có thêm em gái nó chắc chắn tôi sẽ mất tự nhiên. Thấy tôi có vẻ không bằng lòng, đứa bạn lại cười khì bảo có thêm em gái nó có khi lại được việc vì nhỏ em nó chèo xuồng rất giỏi, biết cách móc mồi rất “nhạy”, con cá nào ăn cũng dính. Anh nó nói thế thì tôi đành chịu.

Quả đúng như thế, sau khi lên xuồng, đứa bạn trao mái dầm cho nhỏ em. Giữa lúc tôi tưởng “con bé” sẽ loay hoay chèo chống thì chỉ vài cái động tác quậy nước, chiếc xuồng băng băng lướt trên cánh đồng rộng. Nhờ có nhỏ em chèo xuồng, tôi và thằng bạn đứa móc mồi đứa thả câu rất nhanh. Đêm đó tôi mất tự nhiên và…mất hứng, không nằm vắt chân, tựa đầu lên mũi xuồng hát nghêu ngao nữa, nhưng bù lại được một đêm gỡ cá mệt xỉu vì được nhỏ em đứa bạn “dạy” cho kinh nghiệm móc mồi trùn dụ cá mà lâu nay tôi không biết. Mồi trùn phải móc nguyên con và không bao giờ để cho bị đứt, cũng như lúc nào cũng phải chừa khúc đuôi con trùn ở đầu lưỡi câu cho nó “loe ngoe” thì cá mới thấy. Thật đơn giản, nhưng không phải ai cũng biết cách móc mồi trùn sao cho con cá nó “thấy”, vì thường tôi móc hết con trùn, móc luôn khúc đuôi của nó vào mũi lưỡi câu để giấu. Như thế là mồi “tĩnh” chứ không phải mồi “động” theo cách nói của nhỏ em thằng bạn. Một bài học của nghề…giăng câu mà tôi còn nhớ mãi đến bây giờ.

Bao nhiêu năm rồi, quê tôi mỗi năm vẫn một mùa nước nổi vào tháng bảy Âm lịch theo như câu nói dân gian: “Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”. Nhưng cánh đồng mùa nước nổi ngày xưa có còn nhiều người giăng câu như chúng tôi thủa đó? Riêng tôi vẫn nhớ những đêm giăng câu ngủ trong căn chòi chật hẹp, cheo leo trên bờ kênh Nhỏ của đứa bạn học cùng lớp ngày xưa. Nhớ như in lúc tranh thủ học bài, tay đập mũi, mắt cay sè vì khói con cúi, tai nghe tiếng bầy vịt đẻ kêu ồn ào báo con nước lớn và món chè hột vịt nấu đường thốt nốt thơm vị gừng cay của “cô bé” đã dạy tôi bài học móc mồi trùn câu giăng ngày nào. “Cô bé” ấy đã bao nhiêu năm rồi tôi không gặp, thời gian cũng không giống như con nước vơi đầy mà nó trôi nhanh rồi mất tăm. Chỉ còn người ở lại nhớ mãi về những đêm giăng câu trên cánh đồng nước nổi và món chè “hột vịt” tuyệt vời thời tuổi nhỏ.


TỪ KẾ TƯỜNG


Thứ Ba, 16 tháng 4, 2024

ĐỌC 'ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP ''TRƯỜNG THI CỦA TRẦN MẠNH HẢO. - CHÂU THẠCH







ĐỌC “ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP”  

TRƯỜNG THI CỦA TRẦN MẠNH HẢO 

                                      

-Vì sao nhà thơ Trần Mạnh Hảo dùng tia chớp đề làm hình ảnh đại diện cho đất nước? Theo tôi có lẽ bởi vì tia chớp có vẻ đẹp hùng vĩ nhất  , bởi vì tia chớp có năng lương rất lớn, và bởi vì tia chớp có đường đi sáng rực và ngoằn ngoèo. Dùng hình ảnh tia chớp làm đại diện cho đất nước, Trần Manh Hảo muốn tôn vinh đất nước, muốn hóa hình đất nước vào hiện tượng thiên nhiên kỳ vỹ,  để người đọc thấy đất nước qua 5 giác quan và qua tâm linh của mình. 

 

2-Tập trường thi của Trần Mạnh Hảo có chủ đề chung là  

“Đất Nước Hình Tia Chớp”, trong đó có 9 tiêu đề riêng, mỗi tiêu đề dùng một cụm từ khác nhau. Trong 9 cụm từ đó thì 5 cụm từ có chữ mẹ và 4 cụm từ không có chữ mẹ. Thế nhưng mở đầu các đoạn thơ có tiêu đề không có chữ mẹ đó, nhà thơ đều có nhắc đến mẹ. Như thế ta có thể hiểu được, với  trường thi “Đất Nước Hình Tia Chớp”, nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết về mẹ mình hay mẹ mối người trong chúng ta là việc nhỏ, việc lớn trong trường thi nầy là nhà thơ viết về người mẹ lớn hơn, đó là Mẹ của quê hương, hay nói chính xác hơn là Mẹ Việt Nam.  

 

3-Bây giờ mời đi vào chương một có tiêu đề: “Trong Nhà Có Mẹ” 

 

Đoạn thơ nầy Trần Mạnh Hảo viết về sự gian nan của mẹ khi sinh ra và nuôi mình lớn khôn. Tất nhiên để nuôi con lớn khôn, mẹ phải chịu nhọc nhằn, mẹ phải mò cua bắt ốc thì mẹ mới được đưa vào thơ là lẽ tự nhiên . Không mấy thi sĩ nào đưa người mẹ giàu sang phú quý vào thơ cả. Thế nhưng khác với nhiều tác giả, nhà thơ Trần Mạnh Hảo hóa hình đất nước như tia chớp vào dáng dấp tiều tụy. gầy còm của mẹ mình một cách quá ư là tự nhiên: 

 

Khi mẹ nuôi con đất nước cong hình cái cày 

Đất nước mãi là hình chữ S 

Đất nước kẽo kà kẽo kẹt 

Đất nước là mẹ đây  

 

Vậy theo thơ thì mẹ, nhỏ là cái cày, là sợi dây coi nôi,  nhưng mẹ lớn lao, chính là đất nước Việt Nạm. Từ đó ta suy ra mẹ đối với Trần Mạnh Hảo cũng mang hình tia chớp trên bầu trời quê hương yêu dấu. 

 

4- Bây giờ mời đi vào chương hai có tiêu đề “Khúc Đàn Bầu”: 

 

Biển sinh ra đã bạc đầu 

Mẹ ru một khúc đàn bầu cho con 

Một dây một trái đất tròn 

Mỗi hồn núi ngỡ một hòn vọng phu 

 

Bây giờ nhà thơ Trần Mạnh Hảo lại biến hóa tiếng hát ru con của mẹ thành tiếng đàn bầu, lồng  chiếc đàn bầu trong sự vĩ đại của sông núi và trong hình tượng hòn vọng phu chơ vơ trên vách đá.  Bằng 4 câu thơ, Trần Mạnh Hảo đã đưa mẹ trong nhạc, mẹ trong ca dao, mẹ trong văn hóa dân gian và mẹ trong huyền thoại vào thơ, khiến cho không mấy ai đọc thơ mà không nhớ đến  tình mẹ bao la, không se lòng với “Biển sinh ra đã bạc đầu” như tóc mẹ. 

 

5- Bây giờ xin đi vào chương  ba với tiêu đề “Mẹ Cho Con Trái Thị”: 

 

“Trái thị rớt bị bà già” trong chuyện dân gian Tấm Cám ngày xưa. Nay nhà thơ Trần Mạnh Hảo đưa vào trường thi của mình dể làm hình ảnh của mẹ “Từ trong giọt lệ đi ra/Gánh đau thương tưởng chẳng là đau thương”. Trái thị ngày xưa rơi vào tay bà già, bà cất chớ bà không ăn. Trái thị ngày nay rơi vào tay Trần Mạnh Hảo, và nhà thơ đã ăn trái thị, ăn để nhả ra những câu thơ tuyệt vời cho mẹ mình và cho mẹ Việt Nam: 

 

Trái thị vàng mặt trăng con ăn 

Cô Tấm đó hay là mẹ đó 

Trái đất này hay trái đất ngày xưa? 

… Lịch sử trong trái thị 

Lịch sử chín mỗi ngày 

Trái thị con cầm trên tay 

Có giống trái đất nầy dài rộng? 

Mẹ ơi qua nghìn biến động 

Mẹ lại về trồng lúa trồng dâu 

Đất nước cúa con mang hồn dây bí dây bầu. 

 

6- Xin mời đi vào chương bốn có tiêu đề “Ngọn Lửa”: 

 

Không phải lên trời ăn cắp lửa 

Không phải xin hàng xóm xa gần  

Bếp tro trấu như tấm lòng lịch sử 

Mẹ truyền lịch sử mấy ngàn năm 

 

Tiêu đề là “Ngọn Lửa” không có chữ mẹ, nhưng đoạn trường thi nầy tác giả viết về mẹ đẹp không khác gì tia chớp ngoằn ngoèo rực sáng chứa đầy năng lượng. Nhà thơ  viết; “Mẹ mặc áo xanh mẹ mặc áo chàm/Đất nước bỗng mang dáng hình tia chớp”, hay nhà thơ viết: “Mẹ ơi, mẹ hãy ngắm nhìn đất nước/ Sao giống vô cùng ngọn lửa con soi?”. Ngọn lửa con soi là ai? Đó chính là mẹ. Với hai câu thơ nầy nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã đồng hóa đất nước và mẹ mình là một. 

 

7- Xin mời đi vào chương 5 có tiêu đề “Thương Nhau Cởi Áo Cho Nhau”. 

 

Đọc cái tiêu đê, tất nhiên ta biết ngay đoạn trường thi nầy nhà thơ viết cho tình yêu. Em trong “Thương Nhau Cởi áo cho Nhau” thật đẹp, vừa nhu mì vừa dịu hiền, mang hình ảnh của những mỹ nhân trong cổ tích Việt Nam: “Là khi chàng Tú Uyên mơ/Dáng Kiều người đẹp bao giờ hiện ra”, “Là khi Từ Thức đi qua/Suốt hang động biết có là yêu thượng”, “Là em con gái Hùng Vương/Sơn tình lường trước đoạn đường phải qua”. Nhà thơ tả  em đẹp với dáng hình của người trong cổ tích, và rồi cái nết đánh chết không chừa, Trần Mạnh Hảo lồng em trong khung kính của mẹ, nghĩa là cũng hóa thân em trong tia chớp hình đất nước quê hương: 

 

Biết em từ thuở Hùng Vương 

Lưng ong thắt đáy như lưng nước mình 

Dẫu từng đi suốt chiến chinh 

Mà sao đất nước vẫn hình dáng em 

 

…Chiếc khăn hoa lý bay lên 

Theo hình đất nước nằm bên biển đầy 

…Đất nước mang hình vành khuyên 

Khi em mười tám cái duyên đậm đà 

…Thương nhau thì nhớ đừng quên 

Về xin phep mẹ mà lên qua cầu 

Nước mình cởi áo cho nhau 

Thương nhau thì đến bạc đầu còn thương. 

 

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã ví tình anh và em, tình em và anh không khác chi tình chúng ta với đất nước, cởi áo cho nhau và bạc đầu còn thương. 

 

8- Bây giờ xin mời đi vào chương 6 có tiêu đề “ Những Lời Ru Mẹ” 

 

Tất nhiên trong đoạn trưởng thi nầy nhà thơ Trần Mạnh Hảo ẩn dụ lời ru của đất nước trong lời ru của mẹ. Mẹ chỉ sống trăm năm nhưng trong thơ lời ru của mẹ sống đến ngàn năm: 

 

Mẹ ru một tiếng ầu ơ 

Mà nghìn năm đến bây giờ còn ngân 

Trở mình trên võng con lăn 

Nghe như trái đất nghiêng dần một bên 

…Người hy sinh tự ngàn xưa 

Khi nằm xuống đất vẫn mơ chuyện đời 

Mẹ ru người đã khuất rồi 

Ngủ say trong đất những lời tái sinh 

 

9-Mời xem chương 7 có tiêu đề “Ngọn Gió Của Mẹ”: 

 

Trong đoạn trường thi nầy, mẹ chính là nguồn cội của gió. Con “là gió tìm về vòm cây mẹ/ Mẹ chính là nguồn cội gió khai sinh”, “Trong chiêm bao con biến thành ngọn gió”, “Hơi thở cúa đôi ta nối nhau thành ngọn gió/ Trái tim ta gõ mãi của mong chờ”. Như vậy ta thấy qua thơ, tác giả là ngọn gió đi phiêu lưu, ngọn gió của cơn mơ, của ước vọng, ngọn gió của tình yêu, tất cả phát xuất từ mẹ và sẽ tìm quay về với mẹ. Như vậy mẹ khác chi là quê hương, là đất nước, là tổ quốc, là giống nòi tiềm tàng, di truyền trong dòng máu  của ta, mà dầu ta đi bốn phương trời, cũng không quên được một lời Mẹ Việt Nam. 

 

10- Mời xem chương 8 có tiêu đề là “Thời Chúng Con Yêu Nhau” 

 

Thời chúng con yêu nhau trong trường thi nầy là thời chiến tranh ly loạn, khói lửa và đạn bon tàn khốc. Thế nhưng tình yêu của họ là thứ tình yêu “cao hơn sự chết/Hơn cả sự sông hai ta là sự sống giống nòi”. Nhà thơ ước vọng ngàn sau không có lại cái thời yêu nhau trong gian khổ nữa: 

 

Thời anh yêu em ngàn sau rồi chẳng có 

Hơn chuyện cô Tấm kia, hơn cách trở Kim Kiều 

Hàng vạn người đi không trở về thành phố 

Dãy Trường Sơn sừng sững tạc phù điêu 

 

Đoạn trường thi nầy không thấy nói về mẹ nhưng đọc thơ, trong chúng ta ai cũng biết lòng mẹ lúc nầy đau đớn biêt bao. 

 

11- Mời xem chương thứ 9 có tiêu đề “Mẹ Sinh Nhiều Con Trai”; 

 

Đây là chương cuối của trường thi, như là kết luận làm sáng tỏ chủ ý của người cầm bút, nhà thơ viết về mẹ Âu Cơ, viết về con cháu Lạc Hồng và khẳng định, và hứa hẹn  trung thành, hãnh diện về VIệt Nam, tổ quốc mà “Mẹ đã tìm ra dãi đất mang hình  tia chớp/Chọn vùng tâm bão để sinh con”: 

 

Mẹ ơi, bất kỳ từ điểm nào trên trái đất 

Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai 

Khi đất nước VIệt Nam dáng hình tia chớp 

Rạch chân trời một lối đến tương lai 

 

12- Kết Luận:  Trường thi “Đất Nước Hình Tin Chớp” in trên gần 100 trang giấy, có đến ngàn câu thơ, người viết bài nầy chỉ trích ra vài chục câu và viêt trên vài trang giấy thì chỉ như phi ngựa xem hoa cũng chưa thật là đúng. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo là bóng núi trong nền văn học hiện nay, Châu Thạch viết về ông chỉ như là tên hầu trà đứng vòng tay nói leo vào bàn nghị luận. Vậy sự sai trật chắc chắn là có, mong được mọi người thứ lỗi. 

 

Vói tôi, trường thi “Đất Nước Hình Tia Chớp” của Trần Mạnh Hảo là một anh hùng ca. Anh hùng ca bởi vì đó là một bản trường thi có đủ tính chất là một tác phẩm tự sự có dung lượng lớn, bộc lô tính tịch cực, có chủ đề mang tính chất toàn dân tộc Việt Nam.  

 

Đọc trường thi của Trần Mạnh Hảo, từng câu thơ hùng hồn, lời thơ gói trọn hình ảnh bình dị của con người, của cuộc sống, nhưng lại chứa trong đó ý nghĩa cao vời  của non sông, của đất nước, của niềm kiêu hảnh  dân tộc. Tiếng thơ như tiếng gió bay qua trùng dương, bay qua đại ngàn, bay trên sa mạc, trên sự thăng trầm của lịch sử, sáng như tia chớp trên bầu trời. Mỗi câu thơ trong “Đất Nước Hình Tia Chớp” như một xúc tu của hình tia chớp ấy tỏa sắc màu trên không gian.  

 

Thật tình tôi viết về thơ Trần Mạnh Hảo, cố lắm thì cũng chỉ như thằng mù tả voi mà thôi. Thế nhưng tôi vẫn viết, vì đọc thơ Trần Mạnh Hảo, tôi thấy mình trẻ lại như thời xa xưa còn cầm sung./. 

 

                                             CHÂU THẠCH                                                     

 

NGƯỜI XƯA VẪN VỀ - NHẠC LÊ HỮU NGHĨA , LỜI BÓNG MÂY






NGƯỜI XƯA VẪN VỀ
NHẠC LÊ HỮU NGHĨA
LỜI BÓNG MÂY
CA SỸ NGỌC QUY
HOÀ ÂM VIDEO PHAN ĐÊ


Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

THÁNG TƯ - THƠ PHẠM QUANG TRUNG

 


credit Bocciola di P


THÁNG TƯ


tháng Tư theo tàu ra biển
hoàng hôn nhuộm cánh hải âu
buồm nâu úa màu nắng lụn
biển hát bằng lời nguyện cầu

xa rồi ừ xa xôi mãi
mạn thuyền nhịp vỗ sóng xô
trùng dương ra khơi viễn xứ
vì đâu trôi lạc bến bờ

tháng Tư bỏ trong túi áo
một vốc nắm đất quê nghèo
hành trình trống không thế đấy
còn gì có thể mang theo

ngó tới là màu biển xanh
trên cao mặt trời lên xuống
hết ngày rồi lại là đêm
sau lưng quê mẹ tan dần

tháng Tư tôi đi dưới phố
mùa xuân hoa nở trên đầu
bao nhiêu lần qua năm tháng
nơi lòng còn vết thương sâu

cánh chim bay về phố quận
viết vội mấy dòng hỏi thăm
người em tóc thề năm cũ
còn nhớ tôi không âm thầm


PHẠM QUANG TRUNG


Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2024

TẠP GHI VÀ PHIẾM LUẬN : CHỮ TÂM - ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 


Tạp Ghi và Phiếm Luận : 
                          Chữ TÂM
                 

      TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể, nên TÂM còn có nghĩa là Lòng Dạ con người. TÂM là một Bộ 4 nét trong 214 Bộ Thủ của "CHỮ NHO... DỄ HỌC" theo diễn tiến chữ viết Tượng Hình như sau :


                 Giáp Cốt Văn     Đại Triện       Tiểu Triện        Lệ Thư           Khải Thư          
                

Ta thấy :
            Hình Trái Tim được vẽ có 4 ngăn hẵn hoi, lần lần chuyển biến như hình cái bụng nhọn bên dưới, qua chữ Triện thì thành những nét cong queo chỉ cuốn tim ở bên trên, đến Lệ Thư thì lại được kéo thẳng thành một nét dài và 3 chấm, và kịp đến chữ Khải như hiện nay (心) thì mới giống như là cụ Nguyễn Du đã diễn tả khi cho Thúy Kiều nhớ đến Thúc Kỳ TÂM, tức là chàng Thúc Sinh khi đang về thăm vợ cả là Hoạn Thư, như sau :

                            Đêm thu gió lọt song đào,
                   Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời !

        Cụ Nguyễn Du đã thi vị hóa chữ TÂM 心 giống như là "Nửa vành trăng khuyết  ba sao giữa trời !". Rõ khéo ví von chữ TÂM 心 một cách vô cùng nên thơ thi vị !

                         


       Chữ TÂM tuy chỉ đơn giản có 4 nét, nhưng lại hàm chứa rất nhiều ý nghĩa đối với con người và cuộc sống. Trước tiên...
      - TÂM 心 là Trái Tim, là một trong Ngũ tạng 五臟 : Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận 心,肝,脾,肺,腎 của con người, tương ứng với Ngũ hành 五行 là Hoả, Mộc, Thổ, Kim, Thuỷ 火,木,土,金,水, và lại ứng với Ngũ thanh 五聲 là Năm thanh sắc của con người. Đó là Tiếu, Hô, Ca, Khốc, Thân 笑, 呼, 歌, 哭, 呻 (là Cười, Hét, Hát, Khóc, Rên). TÂM ứng với hành Hỏa và thanh Tiếu là Cười, nên trong truyện võ hiệp của nhà văn Kim Dung, những người bị trúng phải Thôi Tâm Chưởng 推心掌, tuy trái tim bị dập nát mà chết nhưng trên gương mặt co rúm lại như đang nở một nụ cười. Sự thật khi tim bị nhói đau thì nét mặt lộ những vết nhăn như đang cười chứ không phải là cười thật.
     - TÂM 心 là Lòng Dạ của con người và của cả những động vật sống chung quanh con người, nên ta lại có các thành ngữ như : Lang Tâm Cẩu Phế 狼心狗肺 là "Tim của con sói, phổi của con chó". Ta dịch Nôm na là "Lòng Lang Dạ Sói"; và Xà Hiết Tâm Trường 蛇蝎心腸 là "Tim và ruột của rắn và bọ cạp". Ta thường nói là "Lòng Dạ Rắn Rết". 
     - TÂM 心 là phần giữa của sự vật và thực vật, như : Giang Tâm 江心 là Giữa lòng sông; Địa Tâm 地心 là Giữa lòng đất; Chưởng Tâm 掌心 là lòng bàn tay; Hoa Tâm 花心 là giữa lòng hoa, là Nhụy hoa... 
        Nhắc đến HOA TÂM 花心 là Trong Lòng Hoa, ta lại nhớ về một giai thoại điển tích rất thú vị giữa Tô Đông Pha và Vương An Thạch như sau...

        Vương  An Thạch 王安石(1021—1086,tự là Giới Phủ 介甫,hiệu là Bán Sơn 半山 là Tể Tướng đương triều thời Bắc Tống, chẳng những giỏi văn thơ mà còn giỏi về chính trị nữa (Vương An Thạch Tân Pháp, là cải cách chính trị nổi tiếng của ông lúc bấy giờ, ở đây, ta chỉ nói về văn thơ của ông mà thôi). còn Tô Đông Pha tên thực là Tô Thức 蘇軾(1037—1101)tự là Tử Chiêm 子瞻, là một quan Hàn Lâm, rất giỏi văn thơ.(Trong Đường Tống Bát Đại Gia thì cha con Tô Đông Pha chiếm hết 3 ghế rồi). Có lẽ vì thế mà ông cũng có hơi hợm mình, nên mới dám cả gan sửa thơ của Tể Tướng, vì ông cho là Vương An Thạch đã nhầm lẫn khi viết 2 câu thơ sau đây :

                明月當頭叫,    Minh nguyệt đương đầu KHIẾU, 
                黄狗卧花心.    Hoàng cẩu ngọa HOA TÂM .         
Có nghĩa :
              Trăng sáng KÊU ngay ở trên đĩnh đầu, và...
              Con chó vàng nằm ở giữa LÒNG HOA.

       Ông cho là Tể Tướng đã lẫm cẫm nên nhầm, mới sửa lại thành :

                明月當頭照,    Minh nguyệt đương đầu CHIẾU,   
                黄狗卧花陰.    Hoàng cẩu ngọa hoa ÂM.             
Có nghĩa :
               Trăng sáng SOI ngay trên đĩnh đầu, và... 
               Con chó vàng nằm DƯỚI BÓNG HOA.



        Vương giận, cho là ông làm tài khôn sửa bậy thơ của người khác, mới đày ông xuống miền Mân Nam (Vùng Phúc Kiến, Quảng Đông ngày nay).               
        Một hôm, Tô Đông Pha đi dạo trong vùng Hợp Phố để thăm hỏi dân tình thì thấy một con chim lạ rất đẹp, mới hỏi thăm dân làng đó là con chim gì ? Dân làng đáp rằng : Đó là con chim Minh Nguyệt !. Tô nghe nói giật mình. Dân lại nói tiếp là, loài chim nầy chuyên tìm ăn loại sâu bọ màu vàng nằm giữa lòng hoa. Tô hỏi là loại sâu gì ?. Dân bèn tìm ngắt một đóa hoa thật đẹp, nhưng ở giữa nhụy hoa có một con sâu màu vàng nằm cuốn tròn, mõm dài và mình đầy lông trông như một con chó con bé xíu, dân bảo con sâu đó tên là Hoàng Cẩu !. Tô bèn thở dài và chép miệng : "Thật đáng kiếp !". Ông trách cho sự dốt nát và hợm hĩnh của mình. Từ đó, mới chịu phục Tể Tướng Vương An Thạch là giỏi....
        Thì ra hai câu thơ của Tể Tướng là để nói về 2 loài vật nầy :

              Con CHIM Minh Nguyệt đang hót ở trên đĩnh đầu, và...
              Con SÂU Hoàng Cẩu nằm rút mình trong lòng hoa.

          Cho hay kiến thức ở trên đời là bao la, nếu cứ chấp nê bất ngộ tưởng mình là tài giỏi nhất thiên hạ, thì có ngày cũng phải hối tiếc cho sự hợm hĩnh của mình như là Tô Đông Pha vậy !


                             Vương An Thạch  và   Tô Đông Pha

     - TÂM 心 còn là cái tư tưởng ý niệm trong lòng con người, như : Nội Tâm 内心 là những suy nghĩ và ẩn ức sâu kín ở trong lòng; Động Tâm 動心 là Lòng bị lay động nên chú ý đến việc gì đó; Từ Tâm 慈心 là Lòng nhân từ, hiền lành; Ác Tâm 惡心 là Lòng dạ nham hiễm độc ác...
     - ĐỘNG TÂM 動心 ta nói là ĐỘNG LÒNG trước một việc gì đó. Như khi biết Thúc Sinh chuộc Thúy Kiều từ lầu xanh về, Thúc Ông đã thưa lên quan Phủ để bắt Thúy Kiều về lại lầu xanh. Quan phủ cũng đã phán :" Một là cứ phép gia hình, Một là lại cứ lầi xanh phó về". Nhưng Thúy Kiều thà chịu "gia hình" chứ không chịu về lại lầu xanh, nên bị gia hình đến nỗi "Đào hoen hoẹn má liễu tan tác mày", làm cho chàng Thúc "Đứng xa trông thấy lòng càng xót xa" vừa khóc vừa tự trách mình :

                               Cạn lòng chẳng biết nghĩ sâu.
                               Để ai trăng tủi hoa sầu vì ai.
  ... khóc than đến nỗi :
                             Phủ đường nghe thoảng vào tai,
                         ĐỘNG LÒNG lại gạn đến lời riêng tây.

        Nhờ Quan Phủ ĐỘNG LÒNG mà Thuý Kiều được tha, lại còn được quan đứng ra làm chủ hôn để kết hợp cho đôi lứa nữa.

     - TÂM là Tim, nên TÂM SỰ 心事 : là Chuyện của Trái Tim, là chuyện chất chứa ở trong lòng : Chuyện về tình yêu, công danh, sự nghiệp... đang ấp ủ trong lòng. Nên Thổ Lộ Tâm Sự 吐露心事 là bày tỏ nỗi lòng của mình với ai đó.
      
     - TÂM PHÚC 心腹 : Tâm là Lòng, Phúc là Bụng. Nên TÂM PHÚC là Bụng Dạ, là Lòng Dạ. Người Tâm Phúc là Người mà ta hết lòng hết dạ tin tưởng. Nỗi lo Tâm Phúc là Nỗi lo cứ canh cánh mãi bên lòng.

      Nói chung, TÂM là trái tim, là chủ tễ của sinh mạng. Không có tim thì con người sẽ chết. TÂM còn là Lòng dạ và Tư duy của con người. Cái Tâm làm nên con người tốt hay xấu, phải hay trái, đúng hay sai và làm nên tất cả đời sống yên vui hạnh phúc hay trắc trở lầm than của con người... Tất cả đều là do cái TÂM mà ra cả ! Cụ thể như...
      Đối với cha mẹ thì phải có Hiếu Tâm 孝心 là Lòng hiếu thảo; Làm việc thì phải Tận Tâm 盡心 là hết lòng hết dạ; Làm thuộc cấp của người khác thì phải Trung Tâm 忠心 là phải có lòng trung thành; Làm xếp làm lãnh đạo thì phải có Nhân Tâm 仁心 là lòng nhân từ, không qúa hà khắc với nhân viên; Học hành hay làm việc gì đó thì phải có Quyết Tâm 決心; Tìm hiểu một ngành nghề nào đó thì phải Chuyên Tâm 專心; Giao tiếp ngoài xã hội thì luôn luôn phải Lưu Tâm 留心 để ý học tập và phòng ngừa bất trắc; Đối nhân xử thế thì luôn phải Tiểu Tâm 小心 Cẩn thận; Sửa sai việc gì đó thì phải có Thành Tâm 誠心 và cả Dũng Tâm 勇心 nữa; Đối diện với cuộc sống luôn luôn phải Tín Tâm 信心 là có Lòng tin về cuộc sống trước mắt; và nhất là phải luôn giữ cho mình cái Lạc Quan Tâm 樂觀心, là giữ được cái lòng luôn vui vẻ để đối mặt với cuộc sống !


                    
                            
                                Các Dạng của chữ TÂM  心

        Ngoài NHÂN TÂM 心 là lòng nhân từ ra; ta còn có NHÂN TÂM 人心  là Trái tim của người ta, cũng là Lòng Dạ của con người; mà lòng dạ con người thì vô chừng : Khi tốt khi xấu, khi thì nhân từ, lúc lại nhẫn tâm; có lúc thánh thiện từ ái như lòng Bồ tát, khi lại nhẫn tâm hiễm độc tựa ác ma. Nên ta có thành ngữ là Nhân Tâm Nan Trắc 人心難測, có nghĩa : Lòng người khó mà đoán biết được.  Cụ Nguyễn Du khi diễn tả sự nham hiễm của Hoan Thư cũng đã hạ câu :

                              Bề ngoài thơn thớt nói cười,
                      Mà trong nham hiễm giết người không dao.

     Không làm gì được trước cô vợ qúa quắc, Thúc Sinh đành phải khuyên Kiều bỏ trốn "Liệu mà xa chạy cao bay, Ái ân ta có ngần này mà thôi !". Chàng đã nhận xét :

                        Sinh rằng: Riêng tưởng bấy lâu,
                  Lòng Người nham hiểm biết đâu mà lường.

      "Lòng Người nham hiểm biết đâu mà lường" là nói theo câu chữ Nho "Thâm uyên chung hữu đễ, Nhân tâm bất khả trắc 深淵終有底, 人心不可測" Có nghĩa : Vực sâu còn có đáy, chớ lòng người thì không thể đo lường được".

      Trong Bi Thiếp Văn 碑帖文 đời nhà Minh có mấy câu viết về nhân tình thế thái rất hay, rất sâu sắc như sau :

               登天難,求人更難;        Đăng thiên nan, cầu nhân cánh nan;
               黃連苦,窮人更苦;        Huỳnh liên khổ, cùng nhân cánh khổ;
               春冰薄,人情更薄;        Xuân băng bạc, nhân tình cánh bạc;
               江湖險,人心更險;        Giang hồ hiễm, nhân tâm cánh hiễm.
               知其難,食其苦,           Tri kỳ nan, thực kỳ khổ,      
               耐其薄,驗其險;           nại kỳ bạc, nghiệm kỳ hiễm,
               可以應變而處世為人也!  Khả dĩ ứng biến nhi xử thế vi nhân dã !
Có nghĩa :
         - Lên trời đã khó, cầu cạnh người ta càng khó khăn hơn;
         - Huỳnh liên đắng, người nghèo khổ càng cay đắng hơn;
         - Băng sáng xuân rất mỏng, tình người càng mỏng hơn nữa;
         - Giang hồ hiễm ác, lòng người càng hiễm ác hơn;
         - Biết được cái khó khi cầu cạnh người khác; Nếm trải được cay đắng của sự nghèo khổ; Từng chịu đựng qua sự bạc bẽo của tình người; Có thể trải nghiệm được sự hiễm ác của lòng người là như thế nào...
        - thì ta đã có thể ứng biến để đối phó với mọi tình huống trong việc xử thế và làm người rồi đó !
       Nghe có vẻ bi quan nhưng lại rất thực tế trong đời sống của con người.



        Ông bà ta xưa cũng thường hay nhắc câu :

                     長途知馬力,    Trường đồ tri mã lực,
                     事久見人心 !     Sự cửu kiến Nhân Tâm !
Có nghĩa :
             - Đường dài mới biết được sức ngựa  (bền hay không bền),
             - Chuyện gì đó lâu dần mới thấy được lòng người  (tốt hay không tốt).

      Trong Tăng Quảng Hiền Văn thì lại ghi là :

                     路遥知馬力,    Lộ diêu tri mã lực,
                     日久見人心 !    Nhựt cửu kiến Nhân Tâm !  
Có nghĩa :
             - Đường có xa xôi mới biết được sức ngựa  (hay hay không hay),
             - Ngày tháng lâu dần mới thấy được lòng người  (tốt hay không tốt). 

          Nghĩa cũng tương đương như câu nói trên mà thôi !  

              

 
       TÂM còn là TÂM Ý 心意, mà Tâm Ý là lòng dạ, là ý nghĩ, ý định ở trong lòng ai đó. Đôi khi Tâm Ý còn chỉ những mong mỏi ước muốn ở trong lòng. Ta có thành ngữ "Tâm Ý Hợp Nhất 心意合一" để chỉ những ý nghĩ và mong muốn đều giống như nhau của hai người hoặc của một nhóm người nào đó. Để chỉ những người cùng chung chí hướng với nhau, ta có thành ngữ "Tâm Ý Tương Đồng 心意相同". Còn thành ngữ "Tâm Ý Tương Thông 心意相通" thì thường dùng để chỉ hai người bạn thân hoặc hai kẻ yêu nhau cùng đoán và hiểu được ý nghĩ và ước muốn của nhau.

      TÂM TÌNH 心情 là Tâm Tư Tình Cảm. Nói chuyện Tâm Tình là bày tỏ với đối phương về tâm tư và tình cảm của mình. Tôi lớn lên trong xóm bình dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, nên hồi nhỏ thường nghe bà con lối xóm hát nghêu ngao :

           ... Bà già "lấy le" ông già, chiều chiều dắt ra bờ sông...
               Hai người nói chuyện "Tâm Tình", ôm nhau... lọt xuống xình!... 

     Còn người Hoa hiện nay thì dùng từ TÂM TÌNH 心情 để chỉ cái Trạng Thái tâm tư tình cảm vui buồn của con người, như "Hôm nay Tâm Tình không tốt(心情不好)nên nó hay nổi giận với mọi người !".  Cụ thể nhất để chỉ trạng thái tâm lý của con người là từ...
     TÂM THẦN 心神 : là Tâm tư và Tinh thần, thường chỉ cái dáng vẻ và thần thái bên ngoài của con người. Ta có thành ngữ TÂM THẦN BẤT ĐỊNH 心神不定 để chỉ cái dáng vẻ bồn chồn lo lắng hay ưu tư hoảng hốt của ai đó.

     TÂM HỎA 心火 là Lửa ở trong tim, lửa ở trong lòng. Theo Phật giáo, cơ thể con người là do Tứ Đại : Phong Thủy Hỏa Thổ 風水火土, tức là Đất Nước Gió Lửa kết hợp lại mà thành, nên bản thân con người đã có một phần tư là lửa ở trong đó rồi, ngọn lửa đó cứ âm ỉ mãi trong tim tạo nên sự ham muốn mãnh liệt mà ta gọi là Lửa Dục Vọng. Trong văn chương Phật giáo thì gọi nhẹ nhàng hơn : Lửa Lòng. Như cụ Nguyễn Du đã diễn tả tâm trạng của Thúy Kiều khi tu ở Quan Âm Các :

                          Cho hay giọt nước cành dương  
                    Lửa Lòng tưới tắt mọi đường trần duyên …

   ... và như lời của Thúy Kiều đã phân bua với Vương Viên Ngoại khi ông muốn nàng từ giả sư Giác Duyên để theo mọi người về nhà đoàn tụ :

                            Sự đời đã tắt Lửa Lòng,
                    Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi ?!

      Trong Cung Oán Ngâm Khúc Nguyễn Gia Thiều cũng đã gọi ngọn lửa âm ỉ đốt trong lòng người cung nữ là TÂM HỎA với các câu :

                     Ngọn TÂM HỎA đốt dàu nét liễu, 
                     Giọt hồng băng thấm ráo làn son. 
                     Lại buồn đến cảnh con con, 
                     Trà chuyên nước nhất, hương đùn khói đôi !

                     

       Còn trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du cũng mượn chữ TÂM HỎA nói thành “LỬA TÂM” để tả ngọn lửa ghen tuông trong lòng của Hoạn Thư là:

                         LỬA TÂM càng dập càng nồng,
                    Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa.
                         Ví bằng thú thật cùng ta,
                    Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên !    

      TÂM HUYẾT 心血 : Không phải là từ dùng để chỉ trái tim và máu, hai thực thể sống còn không thể thiếu của cơ thể con người, mà là dùng để chỉ những gì được ấp ủ trong tim trong lòng được hình thành bằng bầu nhiệt huyết qua bao gian lao khổ nhọc trắc trở, qua bao thời gian vật vả mới hình thành làm nên một kế hoạch, một dự án, một công trình nào đó... Như : Cơ ngơi đồ sộ nầy là Tâm Huyết suốt cả đời của ông ta đó ! Nhưng...
     Khi là Tính từ, thì Tâm Huyết cũng có nghĩa như là Nhiệt Huyết. Con người Tâm Huyết là con người rất nhiệt tình với chức trách của mình. Lời Tâm Huyết là lời nói rất thực tình từ trong lòng mà ra.

                       

     TÂM là Trái Tim, là Tấm Lòng, là Lòng Dạ... Câu đầu tiên của Huấn Mông Tam Tự Kinh đã dạy ta : Nhân chi sơ, Tính bổn thiện 人之出,性本善. Cái "Tính bổn Thiện" đó là "Cái trái tim liền lành của con người, là cái LƯƠNG TÂM 良心 mà khi cha sanh mẹ đẻ ra thì Trời đã phú sẵn cho mỗi con người rồi ! Nếu ai không khéo giữ, làm trái với Lương Tâm, làm những điều thương luân bại lý hay ác đức sát nhân thì sẽ bị "Cái Lương Tâm" đó theo đuổi cắn rứt và dằn dật suốt cả cuộc đời, không sao sống yên ổn được. Nên...
     Nho Giáo thì dạy ta phải có NHÂN TÂM 仁心 là lòng nhân từ khoan dung, như trong Tăng Quảng Hiền Văn đã khuyên :

                 責人之心責己,   Trách nhân chi tâm trách kỷ,
                 恕己之心恕人。   Thứ kỷ chi tâm thứ nhân.
     Có nghĩa :
             - Lấy cái lòng mình trách người ta để trách mình, và...
             - Lấy cái lòng mình tha thứ mình để tha thứ cho người khác !

     Phật Giáo thì khuyên ta phải có TỪ TÂM 慈心 là lòng từ bi hỉ xả. Vì Từ Bi Tâm 慈悲心 tức là Phật Tâm 佛心 đó. Phật dạy là chúng sinh đều có sinh mạng nên đều được xem bình đẵng như nhau; Vì thế mà ta không được sát sinh, mà còn phải cứu sinh, phóng sinh nữa, và cũng vì thế mà ta phải ăn chay ăn lạt. Làm được ba điều trên thì tự nhiên "Từ Bi Tâm" sẽ phát sinh. 
     TỪ 慈 là Nhân từ; BI 悲 là Thương xót; HỈ 喜 là Vui vẻ; XẢ 捨 là buông bỏ, là thả ra; Nên TỪ BI HỈ XẢ 慈悲喜捨, nói một cách Nôm na dễ hiểu là : Vì lòng nhân từ xót thương mà vui vẻ buông bỏ thả ra; chớ không phải hối tiếc con gà giò không "xé phai" được vì hôm nay phải ăn chay, nếu không thì đã cho nó vô nồi với bó rau răm rồi !

     Công Giáo thì đề cao THIỆN TÂM 善心. Thiện Tâm là lòng hướng thiện một cách thuần thành. Người Thiện Tâm là người có đạo đức, có lý tưởng, sống để phụng sự Thiên Chúa và yêu thương con người. Trong các ngày lễ Chúa Nhật và trong các ngày lễ Trọng, lễ Kính, nhất là trong đêm Chúa giáng sinh nơi máng cỏ lừa trong hang đá ở xứ Bê-lem ta thường nghe câu hát ngợi ca :

                        Vinh Danh Thiên Chúa trên trời,
                    Bình an dưới thế cho người Thiện Tâm.



      Như trên đã nói, bản thân chữ TÂM đã lương thiện rồi, nên từ HỮU TÂM 有心 là Có Lòng, cũng có nghĩa là "Có Lòng Tốt" đó ! Trong bài thơ Tặng Biệt 贈別 nổi tiếng của thi nhân Đỗ Mục ở buổi Tàn Đường, có hai câu thơ rất hay như sau :

                  蠟燭有心還惜別,   Lạp chúc HỮU TÂM hoàn tích biệt,
                  替人垂淚到天明。   Thế nhân thùy lệ đáo thiên minh !
Có nghĩa :
      - Ngọn nến như cũng CÓ LÒNG (tốt), nên cũng tiếc cho sự biệt ly, mà...
      - Thay thế người cứ nhỏ lệ nến mãi cho đến tận trời sáng tỏ !

                  Nến cũng CÓ LÒNG thương ly biệt,
                  Thay người nhỏ lệ suốt canh thâu !

      Ta thấy, bản thân chữ LÒNG đã có hàm ý là "LÒNG TỐT" rồi. Nên CÓ LÒNG là "Có Lòng Tốt" đó. Trong rất nhiều ngữ cảnh, như :"Cám ơn bác đã CÓ LÒNG đến thăm tôi"."CÓ LÒNG" ở đây cũng có nghĩa là "CÓ LÒNG TỐT" đó. Khi Từ Hải giúp Thúy Kiều Báo ân báo oán; Thúy Kiều đã nói với Thúc Sinh rằng :

                 ... Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng,
                     Tại ai, há dám PHỤ LÒNG cố nhân ?
                     Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân,
                     TẠ LÒNG dễ xứng, báo ân gọi là !

     "Tại ai, há dám PHỤ LÒNG cố nhân ?". "PHỤ LÒNG cố nhân" là "PHỤ LÒNG TỐT của cố nhân" đó; hay như câu :" TẠ LÒNG dễ xứng, báo ân gọi là". "TẠ LÒNG" là "Cảm tạ Lòng Tốt của Thúc Sinh đó"... 



       THỐNG TÂM 痛心 hay THƯƠNG TÂM 傷心 đều chỉ Đau Lòng, nhưng THỐNG TÂM hay TÂM THỐNG 心痛 thì thường chỉ đau về thể xác, về những việc cụ thể như bị mất người thân chẳng hạn; còn THƯƠNG TÂM hay TÂM THƯƠNG 心傷 là đau về mặt tinh thần, là nỗi đau của tâm hồn vì tâm lý bị tổn thương. Như Thúy Kiều gặp gia biến phải bán mình chuộc tội cho cha, phải đau lòng mà lìa nhà lìa cửa lìa bỏ người yêu để đi theo Mã Giám Sinh :

                              Đau Lòng tử biệt sinh ly,
                     Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên !

      Đó là nỗi đau cụ thể hiễn hiện trước mắt, còn khi ở lầu xanh "Mặc người mưa Sở mây Tần, nhưng mình nào biết có xuân là gì" mới là nỗi Thương Tâm đáng thương của đời kỹ nữ :

                             Nỗi lòng đòi đoạn xa gần,
                      Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau !

     Như ta đã biết, TÂM vốn Thiện, nên rất dễ bị mê hoặc, gọi là MÊ TÂM 迷心, mà Tâm Mê thì Ý Loạn, không còn tỉnh táo để phân biệt phải trái, thị phi trắng đen gì nữa cả, nên cần phải làm cho TÂM sáng lên để biết phán đoán phân biệt cái nào đúng cái nào sai, cái nào nên theo, cái nào không nên làm... Vì thế mà tiền nhân đã soạn ra quyển "Minh Tâm Bửu Giám 明心寶鑑" gom góp những lời vàng tiếng ngọc của các bậc Thánh nhân Hiền triết hoặc Danh Nho thời xưa đã nói trong các kinh điển hay sách vở, ngõ hầu để cho người đời sau học lấy và xem đó như là tấm gương báu để soi sáng lòng người.
     MINH TÂM 明心 có chữ MINH 明 được ghép theo phép Hội Ý, gồm có bộ NHẬT 日 bên trái là nguồn sáng ban ngày, ghép với bộ NGUYỆT 月 bên phải là nguồn sáng ban đêm, nên MINH 明 là Sáng sủa, khi là Động từ thì có nghĩa là Làm cho Sáng Tỏ. BỬU GIÁM hay BẢO GIÁM 寶鑑 có chữ BẢO 寶 là Báu vật quý giá; GIÁM 鑑 có bộ KIM 金 là Kim loại bên trái và chữ GIÁM 監 là Giám sát bên phải, nên có nghĩa là Tấm gương soi (Ngày xưa chưa có pha lê, nên người ta mài kim loại cho sáng bóng lên để làm gương soi). Vì thế MINH TÂM BỬU GIÁM 明心寶鑑 có nghĩa là Tấm gương soi quý báu để cho người ta soi sáng lòng dạ của mình.
     Ta còn có một từ MINH TÂM nữa... 
     MINH TÂM 銘心: chữ MINH 銘 nầy được ghép theo phép Hài thanh, gồm có bô KIM 金 là kim loại bên trái chỉ ý, bên phải là chữ DANH 名 chỉ âm (Vì âm Quan thoại DANH được đọc như MINH:"míng"); Nên MINH 銘 nầy có nghĩa Khắc, là Trạm, là Tạc. Vì vậy mà MINH TÂM 銘心 có nghĩa là "Tạc vào trong tim, khắc vào trong lòng". Ta có thành ngữ MINH TÂM KHẮC CỐT 銘心刻骨 là Tạc vào trong tim, khắc vào trong xương, mà tiếng Nôm ta nói thành "Ghi Lòng Tạc Dạ". Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du nói là "Chạm Xương Chép Dạ" khi cho Thúy Kiều ngỏ lời cám ơn Từ Hải đã giúp mình trả ân trả oán :

                      ... Trộm nhờ sấm sét ra oai,
                     Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi.
                        CHẠM XƯƠNG CHÉP DẠ xiết chi,
                      Dễ đem gan óc đền nghì trời mây !

       Khi chàng Kim trở về vườn Thúy để tìm Kiều, thì mới biết Thúy Kiều đã bán mình cho Mã Giám Sinh. Vương viên ngoại đã kể lể với Kim Trọng rằng : "Trót lời hẹn với lang quân, Cậy con em nó Thúy Vân thay lời" và sau :

                          Mấy lời ký chú đinh ninh,
                     GHI LÒNG ĐỂ DẠ cất mình ra đi !...


     Trong đời sống con người, có rất nhiều điều ta phải Khắc Cốt Ghi Tâm, dù cho có tài cao bát đấu cũng phải biết hồi tâm chuyển ý, khiêm tốn đối nhân, không làm tổn thương lòng tự trọng của người chung quanh mà phải biết trân trọng tâm ý của tất cả mọi người, như cụ Nguyễn Du đã từng khuyên răn :"Có TÀI mà cậy chi TÀI, Chữ TÀI liền với chữ TAI một vần". Và cụ đã kết thúc Truyện Kiều bằng lời khích lệ nhắc nhở :

                           Thiện căn ở tại lòng ta,
                    Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI!

     Mong rằng tất cả mọi người đều biết trân trọng cái TÂM của mình và cả cái TÂM của người khác nữa !

     Hẹn bài viết tới !


                                        杜紹德
                                ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2024

BÓNG LẠNH - THƠ TỪ KẾ TƯỜNG

 

Tranh Đỗ Duy Tuấn


BÓNG LẠNH

Thời gian không kịp dài sợi tóc
Đã bạc màu nhanh lúc tiễn đưa
Em đi để lại ta hồn phách
Như cánh buồm xiêu chẳng cặp bờ

Đêm ngủ chập chờn treo bóng lạnh
Nghe cơn mưa tạt thấm chân tường
Không ai nhẹ bước cầu thang trống
Gõ mấy lần lên cửa cô đơn

Đừng tiếc hàng cây dài bóng nắng
Một ngã ba trưa đã đợi chờ
Nụ cười hôm ấy thành mây trắng
Nghiêng hết bờ vai, áo cũ xưa

Câu nói thương nhau thành bụi mỏng
Cuốn theo lốc xoáy lúc se trời
Một mảnh trăng buồn treo buổi sớm
Nay thềm nguyệt quế trắng cho ai

Ta về ngồi dựa màu rêu xũ
Đốt lại trầm hương để lãng quên
Con dế sầu ai lên tiếng gáy
Hồn ta trăm nẻo cũng ưu phiền

Chập choạng dơi bay ngày tháng cạn
Ta như con nước dạt xa bờ
Bìm bịp kêu khan chiều lẻ bạn
Hồn ta treo bóng lạnh - Nằm trơ.



TỪ KẾ TƯỜNG