CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

CAMPUCHIA DU KÝ KỲ 3


KÝ SỰ DU LỊCH CAMPUCHIA
Ảnh và bài của Suong Lam
VÀI ĐIỂM DU LỊCH Ở THỦ ĐÔ PHNOM PENH
Đã hơn 4 giờ rưởi chiều ,đoàn khách rời Hoàng Cung hăm hở ra xe về khách sạn nhận phòng. Cô hướng dẫn lại thông báo số khách trong đoàn sẽ được phân chia vào ở hai khách sạn Một ở khách sạn sòng bài Na Ga và số còn lại vào ở một khách sạn bốn sao khác Thế là lại một phen các khách hàng tiếp tục la ó !Người thì kêu công ty du lịch phân biệt khách ,kẻ thì nói cùng đóng tiền như nhau sao lại không được ở như nhau Ai nấy nhốn nháo người nào cũng muốn vào ở khách sạn sòng bài lớn nhứt Nam Vang hết Nhưng vì số phòng đăng ký được ở đây có hạn nên công ty du lịch đã sếp sẵn danh sách rồi! Số xui xẻo còn lại có gia đình chúng tôi , nhưng tôi thì không quan trọng mấy tôi chỉ mong vào phòng để tắm rửa ,nghỉ mệt là được rồi Không biết ở Cao Miên thế nào chứ như các sòng bài khác thì giá khách sạn tại sòng bài thường rất rẻ ,có khi lại cho không để dụ khách đánh bạc nhưng mọi người trong đoàn thì ai cũng thích ở khách sạn sòng bài (không biết vì ham vui hay …khoái đánh bài hiiiii)
Cô hướng dẫn thông báo sau một giờ ở khách sạn đoàn sẽ được thăm viếng quảng trường sông bốn mặt ,tượng đài độc lập ,song bài và du thuyền trên sông Chương trình ngày mai sẽ đi mua sắm ở chợ Mới Phnom Penh rồi lên đường đi Siemreap



Công viên phía dưới chùa Bà Penh
Ở Phnom Penh còn có một ngôi chùa khá nổi tiếng là chùa Bà Penh(Wat Phnom)

Chùa được xây cất trên một đồi cao giữa một quảng trường lớn có các bậc thang để đi lên hai bên bậc thang có tạc hình rắn NaGa Trước sân chùa có có tháp trống Bên trong chùa thờ Phật ,Khổng tử và thờ thần Vishnu Sau chùa là một tháp cao trong đó chứa tro cốt của vị vua đầu tiên lấy Phnom Penh làm thủ đô là vua Ponhea Yat Chùa cũng là một trung tâm văn hóa và tín ngưỡng thu hút rất nhiều khách du lịch  Vì không đủ thì giờ nên xe chỉ chạy ngang qua chùa Theo lời cô hướng dẫn thì người ta có thể tới chùa cầu tài lộc may mắn nhưng không cầu được tình duyên Các cặp tình nhân tới đây trở về đều tan rã (nghe sao giống chùa Thiên Mụ ở VN vậy)


Chùa Bà Pênh
Sau đó chúng tôi viếng thăm tượng Đài Độc Lập  Tượng đài này được xây cất năm 1958 để tưởng niệm những nạn nhân chiến tranh Tượng đài giống như một ngôi tháp nhỏ hình hoa sen có nhiều tầng

   Tượng đài Độc Lập
Ở Thủ đô còn tượng đài Hữu nghị được xây cất  để nhớ ơn các bộ đội VN đã giải phóng Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot  Tượng đài này có hình ảnh hai người chiến sĩ và một cô gái bồng con tay chỉ về hướng VN Cô hướng dẫn nói đùa ai đã từng đi bộ đội ở Cao Miên thì nhớ tới xem coi phải là con rơi của mình không (hiiii)

  Tượng đài  chiến sĩ Hữu Nghị Việt Cam
Sau khi chạy một vòng thành phố và nghe cô hướng dẫn '' chỉ chỏ'' vài điểm nữa cả đoàn dừng ở một nhà hàng phía bờ sông để ăn tối Bửa  ăn cũng khá ngon với món lẩu  rất dư dã (người Miên ăn lẩu có cơm ,mì sợi và miến) Vừa ăn vừa thưởng thức  các bài nhạc tiếng …Miên do các ca sĩ trình diễn trên sân khấu 
Sau đó cô hướng dẫn lại đề nghị mua vé để đi chơi du thuyền trên sông nhưng không ai hào hứng cả  Ai nấy đang hồ hởi chờ đợi được tham quan sòng bạc miễn phí hấp dẫn hơn 
Chương trình tham quan sòng bạc  được ấn định trong vòng một tiếng  cho đoàn khách không ở tại khách sạn này Mỗi du khách được sòng bài tặng một coupon trị giá 10 đô la nhưng nếu muốn chơi bài thì phải bù tiền túi thêm vô 10 đô la nữa  Tôi vốn không thích và không biết đánh bài nên chỉ đi vòng vòng quan sát Trong song có rất nhiều máy kéo(hiiii ai muốn chơi thì cứ bỏ tiền vào máy  ''ăn'' tiền nhanh lắm và chẳng bao giờ khổ chủ lấy lại được vì họ đã set sẵn tỷ lệ trúng  thường thì vài chục ngàn người thua mới có một người may mắn trúng!) Bà chị tôi vốn tò mò nên réo tôi chơi thử, tôi thử bỏ cái coupon vào thì máy không nhận Bà Mỹ ngồi chơi kế bên bảo coupon này chỉ là mua phỉnh để chơi bài thôi! ..(Quê xệ !)

Phía trước sòng bài NaGa

Phía trong sòng bài

Bỏ mặc cho các khách khác đi thử thời vận  tôi vòng qua chỗ sân khấu coi nhạc sau đó tìm chỗ ngồi  mở máy (ipad ) chat với gia đình chờ cho hết giờ tham quan để về khách sạn ngủ Sau hơn một tiếng đoàn khách trở ra xe còn thiếu lại 4 người vì mê đánh bài nên phải tự túc kêu xe tuk tuk về sau ! Nhìn chung thì song bài ở đây (so với con mắt những người đã đến Lasvegas và Macao ) thì không lớn lắm khách vào chơi cũng thưa thớt nhưng dù sau cũng là một địa điểm được nhiều người mong muốn được vào!
Tôi trở về khách sạn xong thì chợt nhớ mấy trái xoài đã mua ở bến phà(xoài ở Miên rất là ngon)  nên mang xuống phòng ăn nhờ phục vụ gọt hộ Nhân viên phục vụ người Miên nói tiếng anh rất giỏi và rất vui vẻ Tôi chỉ biết cảm ơn vì quên…mang theo tiền tip (tôi vẫn thường tip cho nhân viên phục vụ ở nhà hàng họ rất vui khi nhận được tiền đô lẻ) Trở về phòng muốn nói chuyện với bạn và gia đình nhưng tuy là chỉ ở tầng ba nhưng không có Wi Fi (Wi Fi chỉ có ở tầng một tiếp tân và tầng hai phòng ăn mà thôi) ,đành chịu không lẽ mang máy xuống tầng tiếp tân ngồi một mình sợ …ma chết !Thôi thì cứ mở tivi xem đài VN vậy !
Sáng hôm sau  được lịnh phải mang hành lý xuống tập trung ở một chỗ dưới nhà và sau đó lên ăn sáng Bữa ăn điểm tâm cũng theo kiểu tự chọn  nhưng thức ăn rất ít (chẳng bằng những khách sạn thấp ''sao '' hơn ở VN bữa ăn  sáng món ăn rất là nhiều ! )
Đoàn khách sau đó được đưa đến chợ Mới Nam Vang để mua sắm Sau khi cho biết giá cả những món hàng cô hướng dẫn dặn dò nên mua hàng ở đây vì giá rẻ hơn ở Siemreap 

    Hàng hoa ở chợ Mới Nam Vang
   Chợ Mới Phnom Penh

Tuy có tên là chợ Mới nhưng thật ra chợ rất cũ vì được xây cất vào năm 1937  từ thời thuộc Pháp Chợ khá to và cũng có bốn cửa như chợ  Bến Thành Đoàn khách được dặn là sau khi mua sắm trở ra cửa chính là một khu chợ bán hoa và có treo nhiều cờ Nhìn khu hàng hoa thì có rất nhiều loại hoa quen thuộc không biết là trồng tại Miên hay nhập từ VN qua  Phía trong chợ hàng hóa buôn bán cũng xấp xếp nhiều gian hàng giống như chợ ở VN Đa số là các hàng bán đồ lưu niệm ,quần áo ,giầy dép,bóp xách…Người bán hàng có cả người VN  và nhận các loại tiền đô la, tiền VN ,tiền Miên  ( nhưng họ thích nhận đô la hơn) Khách mua không cần phải trả giá gắt gao vì họ cũng không nói thách nhiều Các cô bán hàng người Miên nói tiếng anh lưu loát và cũng nói được chút ít tiếng Việt  Nhìn chung cũng có vẻ quen thuộc như các ở chợ VN Thấy có mấy loại hàng hiệu nhưng hỏi ra thì giá khá rẽ nên chắc là hàng nhái Vốn nghe lời một người bạn là tay du lịch cừ khôi khuyến cáo đừng nên mua đồ lưu niệm nhiều nên tôi chỉ mua mấy cái dĩa có chạm khắc hình Angkor Wat và một chuổi các móc khóa  thế là khi về tới SG ai cũng khen đẹp và …không đủ chia (hic)
KHỞI HÀNH ĐI SIEMREAP

Sau khi rời khỏi chợ đoàn du lịch bắt đầu khởi hành đi Siemreap Từ thủ đô tới Siemreap đường dài khoảng 300 cây số và xe sẽ chạy khoảng hơn 5 tiếng  Trên đường đi đoàn cũng sẽ còn ghé vài địa điểm nữa như cửa hàng đá quí, chợ côn trùng ,cầu Rồng…Tới chiều tối về tới Siem reap nhận phòng khách sạn ,ăn tối và đi chơi đêm tại thành phố du lịch này Xe ra ngoại ô thành phố PhnomPenh thì đã trưa ,xe chạy qua một khu kỹ nghệ mà đa số là hãng may Công nhân đang giờ ăn trưa Họ ra ngoài một khu chợ nhỏ lộ thiên, cô hướng dẫn chỉ các màu khăn đội trên đầu của các nữ công nhân là '' đồng phục '' cho từng phân xưỡng. Lại thấy một loại xe có cái thùng rất dài được xe gắn máy kéo giống như xe tuk tuk  ,trong thùng xe lót hai bên là hai tấm ván mỗi bên chứa 15 người ngồi ,xe không có mui (thấy mà thương cho người dân Miên quá nghèo trong  khi các loại xe ''xịn'' hơn như xe lam thì  ở VN đã dẹp từ lâu rồi!) 
Chúng tôi được dừng lại tại một cửa hàng bán các loại đá quí Cửa hàng trưng bày các loại nữ trang rất là đẹp với đủ màu đá Mỗi màu đá cũng có nhiều cấp độ khác nhau .Màu đá rất lạ mắt nhứt là màu xanh lục nhưng giá cả các loại hàng ở đây rất đắc nên ai nấy chỉ nhìn chứ không ai mua Điều  đặc biệt là các nhân viên bán hàng đều là người Việt ,cô thuyết trình viên nhìn vóc dáng và màu da thì không phải VN ,cô rất đẹp  và nói tiếng Việt rất lưu loát Cô trình bày  cách thức lấy đá từ trong quặng mỏ ,cách mài dũa đá cũng như bản đồ những mỏ đá lớn Trong khu vực còn có một cửa hàng bán đồ lưu niệm  bằng gỗ quí với những tượng Phật chạm trỗ rất đẹp Tôi hỏi thử một pho tượng nhỏ bằng gỗ trầm hương có mùi thơm ,anh chàng bán hàng nói giá 800 đô! Sau đó cứ nài nỉ mãi Tôi tìm cách từ chối là vì đi du lịch nên không có đem tiền mặt ,anh chàng trả lời nhận thè nhà băng ,tôi hoảng quá đành tháo lui .Công nhận người Miên nói tiếng anh rất là giỏi và cũng dẻo miệng lắm nhưng(tiền đâu mà mua một món hàng giá đắc như vậy chứ )
Trên đường đi xe chạy qua nhiều vùng nông thôn có ruộng lúa nhưng thấy rất khô khan vì ít sông ngòi Ruộng ở Miên còn canh tác theo lối cổ truyền chỉ trồng lúa một mùa , người dân Miên chỉ xạ hạt giống và bón phân thiên nhiên  nên là loại lúa sạch .Thức ăn ở Miên rất tốt từ các loại động vật đều nuôi không có thức ăn công nghiệp , cá tôm cũng đánh bắt từ thiên nhiên nên không có hại cho sức khỏe con người Một phần vì Campuchia dân ít không thiếu thực phẩm phần khác vì dân Miên còn lạc hậu chưa áp dụng được các phương pháp  nuôi trồng công nghiệp Âu đó cũng là tốt vì ngày nay người ta có khuynh hướng tẩy chay các loại thực phẩm có chất hóa học và các loại organic thì giá rất đắc ! Hai bên đường chúng tôi bắt gặp nhiều nhà sàn xây cất trên đất khô  Biết đây không phải là vùng bị ngập lụt và cô hướng dẫn giải thích vùng này trước kia là rừng nên phải cất nhà sàn (thấy rất là cao) để tránh thú dữ Tuy ngày nay không còn là rừng nữa nhưng người Miên vẫn giữ truyền thống xây nhà như cũ Lại còn được nghe một điều thú vị nữa là cứ nhìn những rèm cửa ở mỗi nhà ,nhà nào treo rèm màu hồng là có con gái đang kén chồng Xe chạy một quảng đường quá xa mà tôi nhìn thấy đa số nhà đều treo rèm hồng chỉ có một ít nhà treo rèm vàng ,xanh ,trắng mà thôi Bà chị tôi nói thời buổi này mà còn kén vợ kén chồng lạc hậu như trong chuyện cổ tích chắc chỉ có ở đất Miên.Theo tập tục của người Miên con gái đến tuổi trưởng thành thì ở nhà không làm công việc bên ngoài (Cha mẹ nuôi) để cho da dẻ mịn màng xinh đẹp chờ người đến cưới ! Vì dân số ít và bị diệt chủng thời Khmer đỏ  nên chính phủ Miên khuyến khích tăng thêm dân số , người phụ nử Campuchia cứ …tha hồ đẻ con Ở Miên tình trạng y tế rất tồi tệ riêng đối với trẻ con thì được đặc biệt chăm sóc Bịnh viện quốc tế do ngoại quốc viện trợ nuôi các sản phụ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em miễn phí tới 18 tuổi !
  Nhền nhện chiên dòn đây!

Chạy một đoạn đường nữa thì tới chợ côn trùng Gọi là chợ nhưng thật ra chỉ là mấy gian hàng nhỏ bán thức ăn làm sẵn như trứng vịt luộc chín(vịt ở Miên nuôi tự nhiên nên tròng đỏ rất đỏ và béo mới nhìn qua tưởng lầm là trứng vịt muối)  bánh kẹo ...Theo lời giải thích của cô hướng dẫn thì trước kia dân Cam không biết ăn côn trùng nhưng vào thời Khmer đỏ vì quá đói người ta cứ gặp con gì cũng ăn cho đỡ đói từ đó họ khám phá ra nhiều loại côn trùng và là thức ăn  "đặc sản " của người Miên Thật ra chợ này chỉ bán hai loại côn trùng …chiên sẳn là dế và nhền nhện mà thôi Nhện ở đây là con nhện đất lớn hơn nhện nhà nghe nói phải đào sâu dưới đất mới bắt được và có tính trị bịnh suyển và đau nhức còn dế thì là đủ loại dế chứ không ăn dế cơm như VN.Bà chị tôi tò mò kêu tôi đưa tiền ria để mua thử mấy con nhện ,ăn thử thì thấy vị của đồ ướp chiên dòn chứ con nhện này không có thịt  hiiii Sau đó đoàn ghé một nhà hàng Miên ăn cơm trưa Nói chung thức ăn ở đây đều khá ngon và bữa ăn có rất nhiều món
Chúng tôi ghé điểm tham quan tiếp theo trên đường đi là cầu Rồng Không hiểu vì  sao có tên là cầu Rồng  (tên tiếng Miên là Cầu Kong pong Kdei) Cầu được xây cất vào khoảng thế kỷ 12 hoàn toàn bằng đá  đã gần một ngàn năm mà cầu vẫn còn nguyên vẹn  Cầu dài khoảng 84 mét  cao 14 mét và mặt cầu rồng rộng 14 mét Hai bên cầu là hình rắn Naga 7 đầu lan can cầu là thân hình con rắn này Ngày nay cầu không cho các loại xe lớn chạy qua ,đây cũng là một di tích lịch sử niềm tự hào của người dân Miên trên đồng tiền Miên mệnh giá 5000 ria có hình cầu này Ở chân cầu có một cửa hàng nhỏ bán đồ lưu niệm và phía sau có xây cầu vệ sinh cho du khách sử dụng (lấy tiền) Chỗ gốc cây cổ thụ có vợ chồng người Miên bán chè thốt nốt và trái thốt nốt ướp đá lạnh rất đắc hàng Một hộp trái thốt nốt khoảng 8 trái giá 3000 ria và một ly chè nhỏ giá 2000 ria Chè nấu bằng trái thốt nốt xắt thành cọng nhỏ với bột bán và nước cốt dừa Trái thốt nốt có vị ngọt nhạt mềm  giống như trái dừa nước nhưng lớn hơn và ăn ngon hơn

Mặt trên của Cầu Rồng
Phía dưới chân Cầu Rồng

Xe chạy thẳng vào thành phố Siemreap khoảng 7 giờ tối  Vì là một thành phố du lịch mới được đầu tư xây dựng nên Siemreap trông sạch sẻ và mới hơn thủ đô Phnom Penh .Đường xá rộng rãi nhà cửa khách sạn khang trang nhưng theo lời cô hướng dẫn thì tất cả các công trình kiến thiết ở đây đều không được cao hơn đền Angkor Wat  Do đó khách sạn chỉ ở độ cao ba hoặc bốn tầng mà thôi Đoàn chúng tôi vào nhận phòng ở khách sạn có tên là CITY ANGKOR HOTEL là một khách sạn 4 sao  tương đối mới  Ang kor trong tiếng Miên có nghĩa là thủ đô nên nhiều khách sạn ở đây đều có tên Angkor  chỉ khác ở chữ đầu Ở Siemreap còn có nhiều khách sạn cao cấp khác mà giá cả có từ vài trăm đến vài ngàn đô một đêm! Thành phố đang trên đà phát triển vì có rất nhiều du khách quốc tế tham quan kỳ quan thế thế Angkor.Nhận phòng xong đi ăn tối rồi ra chợ đêm

Đoàn xe du lịch trong sân khách sạn



Khách sạn CITY ANGKOR HOTEL





Bữa ăn tối ở một nhà hàng rất lớn và rất đông du khách Món ăn theo kiểu tự chọn cũng nhiều vì phục vụ khách du lịch nhiều nước nên cũng có nhiều loại thức ăn khác nhau đồ Mỹ ,Tàu ,Nhật …Nhà hàng có một sân khấu trình diễn múa Apsara các vũ công lần lượt múa trên sân khấu nhiều vũ điệu Đây là vũ điệu cung đình của vương quốc Campuchia ngày xưa Chính mẹ của nhà Vua Sihanouk và công chúa Norodom Buppha Devi là người có công đem vũ điệu này phổ cập ra ngoài công chúng và năm 2003 vũ điệu apsara đã được Unesco công nhận là văn hóa phi vật thể của thế giới Các vũ công phải qua thời gian  tập luyện rất khắc khổ ngay từ hồi nhỏ Họ múa khá điêu luyện và ăn mặc sặc sỡ Điệu múa apsara có các động tác chậm chạp và mỗi động tác đều có ý nghĩa riêng của nó thí dụ đưa ngón tay lên trời có nghịa là "hôm nay " đặt ngón tay ngang ngực là  "hạnh phúc " …Có các vũ điệu mô tả những mối tình dân gian mộc mạc, những vũ điệu của ngư dân vùng biển bắt ca giăng câu  hoặc những vũ điệu mô phỏng theo truyền thuyết Ramayana với Vua Khỉ ,Vua Quỉ …Nói chung so với các vũ điệu bốc lửa của Tây Phương thì vũ điệu cổ truyền apsara không hấp dẫn lắm nên khi cô hướng dẫn đề nghị đóng tiền mua vé (lại đóng tiền) vào xem vũ ở nhà hát lớn thì khách trong đoàn đều từ chối 



Vũ điệu apsara trên sân khấu nhà hàng






   Vũ Điệu  Apsara



    Du Khách chụp hình chung với các vũ công Apsara

Sau bửa ăn đoàn chúng tôi được xe chở ra ngoài chợ đêm để mua sắm Thành phố Siemreap ban đêm rất vui, rất nhộn nhịp với phố đêm và khu chợ đêm rất rộng lớn với rất nhiều gian hàng Cũng thấy bán những mặt hàng lưu niệm giống như ở chợ Phnom Penh nhưng đa số chủ hàng ở đây là người Miên ít thấy ngưởi Việt và có chỗ cũng không nhận tiền Việt nhưng lại có một ban nhạc của Người Miên hát bằng tiếng Việt khi thấy có nhiều du khách VN họ ca bài ''Như có bác Hồ trong ngày vui giải phóng ''Trong chợ có mấy cửa hàng massage chân và body lộ thiên khách rất đông Trong khi chờ đợi đoàn người đi chung vào chợ mua sắm chúng tôi tạt vào một tiệm massage chân ,tiệm này có phòng phía trong nhà kín đáo sạch sẽ nhưng lại vắng khách Giá tiền cho nửa giờ massage chân là 2 đô la và …(dưới con mắt của người hành nghề có bằng cấp ở mỹ là tôi) thì cái chân tội nghiệp của tôi bị cô ngưởi Miên tha hồ đấm ,đập ,ngắt véo (đau gần chết !hic !) …Tôi trả tiền xong tip cho cô  phục vụ 10000 tiền Việt và qua một vài câu chuyện bằng tiếng anh không mấy giỏi tôi biết cô ấy ở thôn quê lên đây hành nghề tuy còn trẻ tuổi (21) mà đã có hai con….
Sau khi đi chơi ngoài chợ đêm trở về khách sạn ,điều vui mừng của tôi là  có WiFi trên phòng ngủ tuy phải xuống phòng tiếp tân xin pw  Hiiii vậy là đêm nay có thể tán dóc với bạn bè và gia đình được rồi …
(Kỳ tới ANKOR HUYỀN BÍ )

Angkor Wat( ảnh tải từ net )

Không có nhận xét nào: