CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

THỊ TRẤN TÔI -TẬP THƠ LÊ THIÊN MINH KHOA



Kính gởi:  Các tác giả, cộng tác viên, độc giả, thân hữu  qúi mến của Tạp chí TIẾNG QUÊ HƯƠNG.
Rất tiếc kính báo đến quí vị: Tạp chí TIẾNG QUÊ HƯƠNG  trên blogspot. com đã gặp sự cố trầm trọng trên mạng và đang tạm ngừng hoạt động. Chúng tôi đang tìm hướng khắc phục. Và khi Tạp chí TIẾNG QUÊ HƯƠNG  hoạt động trở lại trên địa chỉ mới, chúng tôi sẽ thông tin đến quí vị ngay.
Chúc quí vị vui khỏe và luôn là người yêu văn thơ và cuộc sống.

Thân ái

Lê Thiên Minh Khoa
Từ: tap chi TIENG QUE HUONG lethienminhkhoa@yahoo.com
 tới lamngoc

 


 

Thơ lê thiên minh khoa -Tiếng thơ mang hương vị một vùng quê





Tap chí TUỔI HOC TRÒ,Số 02,tháng 4/2002 Tuần báo Giác Ngộ, Số 115,tháng 4/2002(PL 2545)

ĐỌC SÁCH:
THỊ TRẤN TÔI (*)- TIẾNG THƠ MANG HƯƠNG VỊ MÔT VÙNG QUÊ
 KIM THANH 

Mỗi miền quê, - dường như đã thành thông lệ muốn cho mọi người cảm nhận được mình, nghĩ nhớ
đến mình, nó phải trở nên dễ dàng đồng cảm, trở nên đẹp đẽ, thiết tha qua một làn điệu dân ca hay những câu thơ của những tâm hồn gắn bó yêu thương, vui buồn cùng xứ sở ấy. Nói cách khác, chỉ khi vùng đất ấy hun đúc nên được nhà thơ, cất lên được tiếng thơ về nó, vùng đất ấy mới thực sự được định danh, mới nên thơ, thành nỗi niềm rung động trong lòng người đọc .Bà Rịa với sông Dinh, núi Dinh từng nổi tiếng trong lịch sử, nay là một trong những trung tâm phát triển của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về du lịch và công nghiệp dầu khí. Nhiều người biết như vậy và chỉ như vậy mà thôi – quan trọng nhưng trừu tượng với những người sống cách nó hàng trăm, ngàn cây số. . Thế nhưng, Bà Rịa sẽ trở nên cụ thể hơn, gần gũi hơn biết bao khi ta đọc được những câu thơ sống động của Lê Thiên Minh Khoa trong bài Thị trấn tôi :
Đằng sau vài ba dãy phố
là cánh đồng êm ả cò bay…
những cánh chim từ rừng, những cánh chim từ bể
sóng gió bạt ngàn lặng lẽ về đây…

Nó như bao thị trấn, thị xã khác của tôi, của anh hay như cái nơi tôi đã từng, anh đã từng…, cho nên nó gợi cho tôi, cho anh nhớ đến bóng dáng thân thương một thị trấn, thị xã của mỗi người đã từng… ấy, mà nó vẫn có nét dung dị riêng :
Thị trấn tôi đêm đêm
những chiếc xe bò đóng bánh xe hơi lăn qua
mèo hoang khóc giữa đám dân hè phố
Từ những chuyện ngoài phố, cảm hứng thơ đề cập đến cả những chuyện vợ chồng trong cuộc sống hàng ngày – cứ thế, cái thị trấn ấy hiện rõ dần lên, cảm nghĩ ngày một sâu hơn, mật thiết hơn với người đọc:
Sông núi là vợ chồng tên gọi trùng nhau
chồng là núi, chiều đỏ gay men rượu
hai bên sườn xương xẩu xanh xao
vợ là sông khi trong khi đục
khi mặn nồng, khi ngọt, khi chua…
Thế nên dù có đi đâu, ở đâu, cái không gian mới ấy chỉ là những cái cớ, những liên tưởng, đối sánh để nhà thơ quay trở lại với cái không gian quen thuộc của mình, bộc bạch lòng mình với “thị trấn tôi “. Chính khi ra tới Bình Tuy, tác giả “chợt nhận ra ta” và thấy rõ hơn nét vui đẹp của Bà Rịa:
 Bà Rịa giờ này đổ hết ra đường
Ngoại ô thóp mình dồn về nhà hát
Quán cà-phê chật ních
Nhịp guốc – tiếng đời dồn dập
Nhạc dập dìu mời gọi yêu thương...
(Đêm Bình Tuy nhớ về Bà Rịa)
Từ Bà Rịa, cảm xúc của tác giả mở rộng theo các tuyến khác nhau, từ Vũng Tàu tới lộ 2 với các nông trường cao su, những ngôi trường ở vùng sâu vùng xa – nơi đồng bào Ch’ro sinh sống,qua sông Rây tới Hòa Bình ,Bàu Lâm-nơi chiến khu vang bóng một thời, rồi hướng Long Điền, Long Đất - quê hương anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu... Điều đó chứng tỏ tác giả đã đi thực tế khá nhiều, đã sống, đã thông hiểu nhiều vùng khác nhau thuộc địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu . Đây là một trong những phẩm chất đáng quý ở một người viết, nhất là trong những năm gần đây, người ta ít quan tâm đến việc đi và tìm hiểu, cảm thông với cuộc sống của những người dân lao động cơ sở (điều mà các nhà văn lớp trước như Nguyễn Tuân … đã làm rất tốt), kết quả là hành trang của nhiều người viết hiện nay không chỉ nghèo nàn về văn hóa mà còn thiếu hụt cả vốn sống. Lê Thiên Minh Khoa đã tránh được tình trạng “nghèo hóa” này bởi ngoài việc hiếu học, anh rất chịu khó đi. Đó là những chuyến đi thực tế gian khổ nhưng hào hứng, vô tư tới các vùng sâu, vùng xa, suốt những năm bảy mươi, tám mươi …Và những bài thơ như Ngọn đèn dầu, Khoa nhi, Cây đa ở một nông trường mới,Nghe em hát đêm văn nghệ nông trường, Bệnh viện Long Đất, Thăm ngôi trường mới ở Ngãi Giao, Đợi bạn ở quán cà phê v.v…ra đời trong thời điềm đó.Những bài thơ ấy có chỗ thích, chỗ chưa thích nhưng chúng đầy ắp những tình tiết hiện thực,sâu lắng chất suy tưởng và bay bổng chất lãng mạn ,do đã được thu vào ống kính tâm hồn tác giả trong những chuyến đi, chúng toát lên hơi thở sống động của một thực tế đang khắc phục hậu quả chiến tranh , gây dựng cuộc sống mới những năm sau Giải phóng, toát lên vẻ đẹp của những con người (giáo viên, thầy thuốc, công nhân, văn nghệ sĩ, bà mẹ…) trong hoàn cảnh bị bủa vây bởi cơ man là khó khăn, thiếu thốn. Cảm động đến thế hình ảnh Ngọn đèn dầu hay hình ảnh Cây đa ở một nông trường mới:
Trai gái thương nhau thương cả chỗ hẹn hò
(nông trường mới công viên làm chi có)
Bóng đa tỏa mái nhà câu lạc bộ
Gió hát thầm trong tiếng lá đêm rơi..
Có đi, có nghe, có thấy, đồng cảm với “những phận đời bên hình khối đơn sơ”, tác giả mới viết được những câu thơ đẹp và giàu sức sống:
Giữa xanh mát sắc trời sắc lá
Aó trẻ con trắng nõn buổi tan trường
Trắng nguyên sơ mủ đầy thùng sóng sánh
Hắt hạt nắng hồng run rẩy môi thơm.
(Ký họa một nông trường)
Bốn câu thơ không hề nói tới màu đỏ, song nó được viết trên cái nền son của vùng cao su “đất đỏ miền Đông” – và chỉ khi đặt trên cái nền son thực tế ấy, những màu sắc được dùng trong bài thơ (sắc trời sắc lá, sắc áo học trò, sắc mủ cao su và sắc nắng…) mới nổi lên đẹp đến thế nào! Bài thơ không dùng tới thính giác nhưng náo nức thanh âm, và cái “run rẩy “ kia cũng chính l à cái run rẩy xúc động của tâm hồn tác giả trước sự trưởng thành của cuộc sống mới…
Thơ Lê Thiên Minh Khoa có những cái tứ rất mới và đặc biệt thật chắc,thật chặt .Chính chúng đã nâng những câu văn xuôi bàng lảng, bay bồng lên thành thơ đích thực và tạo thêm chất trí tuệ cho thơ.Rồi cái giọng thơ nhỏ nhẻ,”hiền hoà,giản dị,đằm thắm”(NS ĐạiĐoàn kết -3/2001) “luôn ẩn chứa những trăn trở đời thường”(VTCN-20/11/2001) cả khi nhà thơ thể hiện “cái tôi” trữ tình công dân: Trang giáo án cũng từ trang giấy trắng
Có dáng thân thương nho nhỏ ngọn đèn dầu ( Ngọn đèn dầu)
Chỉ là trang giáo án hay là cả những trang thơ của Khoa?…
Phần thơ thứ hai góp phần đa dạng hóa sáng tác của tác giả khi nó nhấn mạnh hơn tới “niềm riêng”, tuy nhiên, tác giả cũng tỏ ra có cân nhắc nên những câu thơ về tình bạn, tình yêu, những cảm nghĩ về thân phận con người có được độ lắng và thấm thía :
Phải chi phẳng lặng cuộc đời
Niềm riêng đừng viết nên lời thì hơn
Ở mảng thơ này, Lê Thiên Minh Khoa cũng có nhiều tìm tòi, thể nghiệm, từ việc áp dụng những lối thơ truyền thống như lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn… tới những lối thơ hiện đại, thơ nước ngoài như thơ haiku, thơ siêu thực, thơ văn xuôi, lối thơ “đời thường” của Jacques Prévert… Trở lại với “Lối xưa” để cảm nhận “Đất rì rầm chuyện cũ-Mây chiều xưa nổi trôi”viết lên những vần thơ ước lệ mà đẹp trong “Nhói lặng một góc trời”:
Nhìn ngọn Chứa Chan chan chứa nhớ
Trông dòng Thương Bạc bạc thươngđau ( Cảm hoài)


Trở lại với “lối xưa” cũng là dịp trở lại với chính mình một thuở, từ việc nhớ lại em với “ Những bức tường rêu phủ màu rêu phủ” mà thấy mình nay “Chữ câu đi luống cuống đời người”…
Đại thi hào Nguyễn Du từng viết “Nỗi riêng lớp lớp sóng dồi”, trở lại với những “nỗi riêng”,thấy ra “lớp lớp sóng dồi” của nó thật không đơn giản, mà đó dường như lại là việc cần yếu của mỗi người trong việc nhận thực chính mình, việc của thơ ca đích thực. Trở lại với “niềm riêng”, Lê Thiên Minh Khoa đã viết được Tự thú đêm ba mươi – một trong những bài thơ có giá trị nhất của tập thơ này. Như người “ngủ quên”, tỉnh lại thấy “như cuộc đời anh nhiều lầm lỗi…thấy rõ cuộc đời như đếm”, bèn “thú tội trước em” một cách chân thành:
Anh là một người nhiều đam mê và hay chán nản.Được gì cho em với người trí thức dở Tây dở ta nửa Âu nửa Á…
Được làm kiếp con người song ai dám bảo mình suốt đời không hề có lỗi? Con người ta chỉ khác nhau ở chỗ lỗi nhiều ít, nặng nhẹ, đặc biệt ở chỗ có thấy lỗi của mình và can đảm sám hối hay không. Khi con người biết hối lỗi, anh ta đã vượt qua chính mình và tiến tới sự hoàn thiện nhân cách đạo đức. Ở bài thơ trên, tác gỉa đã làm được điều đó và bài thơ đã trở thành một nghi thức thiêng liêng trong đạo làm người với câu kết phát “Bồ Đề tâm” dành cho cả tập:
Xin chúc an lành cho cả nhân gian
Tp. Hồ Chí Minh đầu xuân Nhâm Ngọ,2002.
K.T.

(*)Thị Trấn Tôi -Thơ Lê Thiên Minh Khoa-NXB Thanh Niên,2002


8 nhận xét:

hienmai nói...

Chị NHAMY trở thành nhà phê bình văn học mất rồi ! Hihi...

NHAMY nói...

Bài này không phải do NM viết là của tg KIM THANH viết hồi năm 2002 HM ạ NM copy từ bên TC TQH qua

huongphan nói...

Em qua thăm chị , chúc chị thật vui khỏe và an lành !
Em thích câu này :" Được làm kiếp con người song ai dám bảo mình suốt đời không hề có lỗi? Con người ta chỉ khác nhau ở chỗ lỗi nhiều ít, nặng nhẹ, đặc biệt ở chỗ có thấy lỗi của mình và can đảm sám hối hay không."

Mộng Bình nói...

Em sang thăm và chúc chị luôn vui khỏe chị nhé !

NHAMY nói...

Cảm ơn em nhiều

NHAMY nói...

Rất vui khi HP ghé nhà đọc bài và ghi lại nhận xét Chúc HP thật vui và nhiều tốt đẹp nhe

Nặc danh nói...

Cám ơn Nhã My nhé!
Mấy hôm nay, Minh Khoa và Tiếng Quê Hương đang nghỉ để khắc phục sự cố.
Khi khắc phục được hoặc phải chuyển qua trang mới, điều trước tiên mà Tiếng Quê Hương và MK nghĩ đến là cập nhật lại 'thương hiệu" Lục bát Nhã My đó! (Đang "ăn khách" trên Tiếng Quê Hương mà!)
Chúc Nhã My và gia đình đầm ấm, tươi vui trong kỳ nghỉ cuối tuần.
Hẹn gặp lại.
Tình thân
Lê Thiên Minh Khoa

NHAMY nói...

NM có nhờ HD gọi hỏi thăm MK xem tình hình ra sao TQH gặp sự cố ai cũng buồn Rất mong gặp lại và cảm ơn MK cùng các độc giả bên ấy đã ưu ái ủng hộ lục bát NM
Chúc MK và gia đình vui khỏe
Thân quí