THƠ ĐƯỜNG XƯỚNG HỌA
TÁC GIẢ :LA THỤY-HẢI ĐĂNG- LÊ ĐĂNG MÀNH
Bài 1
TRẦN NHÂN TÔNG
Mở mang bờ cõi -Dẹp Mông Nguyên
Tiêu sái Nhân Tông giũ đế quyền
Gột sạch tục căn ngời đuốc tuệ
Thấm nhuần Phật tánh rạng tâm thiền
Trúc Lâm khai sáng dày ân tổ
Yên Tử pháp truyền đẹp cảnh tiên
Bát nhã thuyền xuôi về bến giác
Sắc không vô ngại định tâm yên
Bài 2
PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG
Hào khí Đông A: đuổi giặc Nguyên
Nhân Tông thanh thản nhượng vương quyền
Ta bà gạn đục theo đường Phật
Tục lụy khơi trong dựng lối thiền
Tài,đức rạng ngời danh thánh chúa
Ý, tâm cao vợi pháp thần tiên
Hoa Đàm đuốc tuệ bừng khai ngộ
Đất Việt ngàn năm đẹp núi Yên
LA THỤY
BÀI HỌA
PHẬT HOÀNG NHÂN TÔNG
Họa bài 1
Khai biên định quốc thắng Hung Nguyên
Thanh thản Phật Kim bỏ lực quyền
Nhập đạo nhường ngôi cao trí tuệ
Xuất gia tu đức vững căn thiền
Trúc Lâm mở phái công sơ tổ
Yên Tử lập truyền đất Phật Tiên
Thuyết giảng tâm kinh ngời bến giác
Nước dân thịnh trị cõi bờ yên
Họa bài 2
Sơn hà mở cõi đuổi Hung Nguyên
Điều Ngự Giác Hoàng giã đế quyền
Thoái vị trao ngai ngời mẫn tuệ
Qui y nhập định tỏ tham thiền
Trúc Lâm khai phá ân sơ tổ
Yên Tử đạo hành đắc địa tiên
Thuyết pháp tâm kinh truyền giác ngộ
Bất sanh bất diệt ngự Vân Yên
HẢI ĐĂNG
VÔ TẬN ĐĂNG
Ngự hàn lẫm liệt thuở bình Nguyên
Vang dội đông tây tam pháp quyền
Phi tướng buông ngôi tìm gốc đạo
Vô tâm thấy tánh dụng nguồn thiền
Đầu đà* bất động xa trần tục
Khổ hạnh chơn thường vượt cõi tiên
Rừng trúc sơ khai trăng bát nhã
Truyền đăng vô tận chấn non Yên
LÊ ĐĂNG MÀNH
* Đầu đà: phép tu khổ hạnh ,không cực đoan,không phải để ép xác, mà để giải thoát thân tâm nhằm mục đích diệt trừ đào thải hết phiền não
Sách ''Trần triều dật tôn Phật điền luc' chép:''Niên hiệu Hưng Long thứ 7(1300)tháng 10, vua trần Nhân Tông vào núi Yên tử ,chuyên cầu tu đạo theo hạnh thập nhị đầu đà ,tự lấy danh hiệu là''Hương Vân Đại Đầu Đa'' thập nhị đầu đà là 12 phép tu khổ hạnh như: khất thưc, chỉ dùng 3 bộ áo,ăn mỗi ngày 1 lần,ở nơi rừng vắng, ngủ gốc cây...
SƠ TỔ TRÚC LÂM
Kim thân* long thể thuở uyên nguyên
Thắng giặc lánh xa mộng bá quyền
Nhập thế tinh thần bừng cội đạo
Xuất gia cốt cách tỏa chơn thiền
Nhìn đời bất tịnh không cầu tục
Rõ pháp vô thường chẳng trụ Tiên**
Đối cảnh- như thiên tâm bất động
Nhân Tông Sơ Tổ rạng trời Yên
LÊ ĐĂNG MÀNH
*Khi sơ sanh thân Ngài da tỏa sắc vàng óng
**Tiên vẫn còn chịu nhân quả luân hồi
Trần Nhân Tông (chữ Hán: 陳仁宗; 1258 – 1308), tên thật là Trần Khâm (陳昑) là vị vua thứ ba của nhà Trần (sau vua cha Trần Thánh Tông và trước Trần Anh Tông) trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi 15 năm (1278 – 1293) và làm Thái Thượng hoàng 15 năm.
Ông là người đã thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy pháp hiệu là Đầu đà Hoàng giác Điều ngự. Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam, có vai trò lãnh đạo quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ 2 và thứ 3. Trần Nhân Tông là vị hoàng đế nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất của Việt Nam.
-
<Bách khoa toàn thư mở Wikipedia >
Thiền lâm thiết chúy ngữ lục(ngữ lục về độc thiết chủy trong rừng thiền)
Tăng già toái sự(Chuyên vụn vặt của sư tăng)
Thạch thất mỵ ngữ(lời nói mê trong nhà đá)
Đại hương hải ấn thi tập(Tập thơ ấn chứng của biển lớn nước thơm)
Trần Nhân Tông thi tập(Tập thơ Trần Nhân Tông)
Trung Hưng thực lục(2 quyển chép việc bình quân Nguyên xâm lược)
Các tác phẩm đều đã thất lạc, chỉ còn lại 25 bài thơ chép trong Việt âm thi tập và Toàn Việt thi lục
Xin giới thiệu một bài thơ của ngài
XUÂN HIỂU
Thụy khởi khải song phi
Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ điêp
Phách phách sấn hoa phi
BUỔI SỚM MÙA XUÂN
Ngủ dậy ngó song mây
Xuân về vẫn chửa hay
Song song đôi bướm trắng
Phất phới sấn hoa bay
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)