Truyện ngắn
TẾT TRUNG THU CỦA NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI
Kha Tiệm Ly
Tôi còn nhớ lúc còn ở tiểu học, cứ vào đầu tháng tám âm lịch thì trường tôi, quý thầy đều cho học sinh làm thủ công chiếc lồng đèn trung thu với hình thức tự do: Ông sao, cá chép… hoặc xếp bằng giấy cũng được. Thế là chúng tôi hăm hở vào cuộc. Từng nhóm hẹn nhau ra vườn lấy nhánh trúc làm sườn. Trong bọn bốn đứa, tôi vụng về nhất nên làm đèn ông sao; ba người còn lại, ai cũng khéo tay; người thì làm cá chép, làm con bướm; đặc biệt nhất là anh Long nếu gọi theo từ bây giờ, anh xứng đáng là một “nghệ nhân”: Anh làm con rồng tỉ mỉ, công phu vô cùng! Khi dán giấy lên, rồi dùng màu nước vẽ thêm bờm, thêm vảy nên càng sống động. Nhìn hai cái râu rồng bằng hai cọng kẽm mà trên đầu được gắn bằng hai trái mù u non, nó đong đưa hết sức vui mắt. So ông sao của tôi và con rồng của anh là một trời một vực!
Có lẽ vì bận bịu trong cuộc chiến tranh đánh Pháp, nên trừ những người “ở chợ” như tôi, còn hầu hết các bạn ở “vùng sâu vùng xa” đều đến trường rất trễ: Có người chín mười tuổi mới được vào lớp năm (lớp 1 bây giờ), cho nên khi ngồi lớp nhứt (lớp năm bây giờ) thì bạn trai đã có người “ nổi giò”, “bể tiếng”, còn các bạn gái thì “trỗ mã” đi vào tuổi dậy thì! Sau khi “tốt nghiệp” tiểu học, bậc cao nhất của huyện thời đó, đa phần các bạn đều nghỉ học luôn, về giúp việc nhà, để rồi chỉ vài năm sau, họ có vợ có chồng là chuyện rất thường. Trai 18 có vợ, gái 16 có chồng coi như là thông lệ!
- Đẹp thật!
Đang mãi mê làm việc, chúng tôi không để ý đến người thứ 5 là nhỏ Nhãn đã có mặt tại đó tự bao giờ. Cả bọn mất tự nhiên, và không ai bảo ai, chúng tôi đều nhanh chóng đổi lại thế ngồi. (vì sợ… “gió… lái!”).
Nhỏ Nhãn hai tay chấp sau mông:
- Mấy anh làm đẹp lắm!
Tôi hỏi để che đi bối rối:
- Nhỏ làm thủ công chưa?
Nhãn lắc đầu:
- Tui hỏng biết làm! Tui sợ đứt tay!
Chúng tôi nhìn nhau, có lẽ đều cùng cảm thông với người bạn gái. Vốn hào hiệp, tôi đưa cái đèn ông sao của tôi cho Nhãn:
- Tui cho nhỏ cái nầy. Tui làm cái khác.
Tưởng “anh hùng” nhận được sự vui mừng của “mỹ nhân”; nào ngờ Nhãn do dự một thoáng rồi nói:
- Ư… ư… đèn ông sao của anh dở lắm! Tui muốn đèn con rồng như của anh Long vậy đó!
Không biết sao tôi lại xụ mặt vì lời nói rất thật đó. Mọi người cũng bất ngờ vì câu nói của Nhãn; anh Long ngước lên nhìn Nhãn:
- Đèn con rồng làm ba bốn ngày mới xong, ngày mai thầy chấm điểm rồi, làm sao kịp? Đèn ông sao làm lẹ hơn.
Tôi dồn bực tức vào Long, gọi anh là “mầy” chứ không là “anh” như mọi khi; nói mát:
- Thì mầy tặng con rồng cho nhỏ đi!
Anh Long còn do dự, thì Nhãn lắc đầu lia lịa:
- Tui không nhận đâu! Vậy mấy anh làm giùm tui cái đèn ông sao đi nhen!
Chữ “mấy anh”, tức là trong đó có tôi, làm tự ái tôi được vuốt ve, tôi tươi tỉnh lại. Thế là kẻ chuốt tre, người cột dây, rồi phết hồ, phủ giấy, trang trí. Vì cả bốn người cật lực làm, nên chẳng mấy chốc chiếc đèn ông sao “có tầm cỡ” hoàn tất!
Nhãn đón lồng đèn từ tay anh Long, miệng cười cười chúm chím, má khoét sâu thêm hai đồng tiền, trông thật dễ thương! Nhãn vụt chạy đi sau khi buông một câu:
- Cám ơn bốn anh nhen!
Cả bọn ngớ người, tôi còn bình tĩnh nói vói theo:
- Nhớ tối mai rước đèn nhe!
Con rồng của anh Long đẹp đến nỗi khi chấm điểm, thầy cứ xoay qua xoay lại, nghi ngờ hỏi anh: “ Em làm hay mượn người lớn làm?”. Tất nhiên, anh được điểm cao nhất (10 điểm), Tôi tự chấm đèn mình tệ nhất; y chang!
Tối hôm đó chúng tôi rước đèn. Một dọc hơn mười đứa, mỗi người một đèn; có mấy em nhỏ chưa đi học thì lấy đèn cầy cắm bên trong gáo dừa, tháp tùng đi theo, cùng hát tới hát lui : “Ánh trăng trắng ngà có cây da to, có thằng cuội già ôm một mối mơ. Cuội ơi! Ta nói cho Cuội nghe! Ở trong trăng mãi làm chi?....
Đó là mùa trung thu cuối cùng của tuổi thơ chúng tôi.
*
Trong bọn chỉ có tôi là lên thành tiếp tục đi học, còn tất cả đều nghỉ để phụ việc nhà, và năm ba năm sau ai cũng có vợ có chồng! Nhãn theo chồng vào tuổi mười sáu. Được tin, tự dưng lòng tôi cảm thấy ngùi ngùi khó tả. Chồng Nhãn là anh Long, “nghệ nhân” làm đèn con rồng năm xưa.
Bão đời dồn dập, mười năm sau tôi mới có dịp về thăm quê vào dịp trung thu. Tôi đến thăm Nhãn, mới biết anh Long đã là liệt sĩ! Nhãn chào tôi bằng nụ cười thật buồn và ánh mắt như ươn ướt lệ, giây lâu mới lí nhí:
- Lâu quá không gặp anh!
Ba đứa nhỏ vây quanh mẹ, ngơ ngác nhìn tôi. Tôi mở bọc lấy ra mấy chiếc lồng đèn “hiện đại” xinh xắn tặng cho chúng. Hai đứa lớn nét vui mừng hiện rõ trên gương mặt thơ ngây; còn đứa nhỏ nhất lại “chạy trốn”, đưa hai tay đòi mẹ bế! Tôi vò đầu chúng; làm quen:
- Hai cháu thích không?
Một đứa gật đầu:
- Đẹp lắm, nhưng cháu thích đèn ông sao hơn!
Anh mắt tôi và Nhãn gặp nhau. Một thoáng kỉ niệm xưa nhanh chóng trở về. Tôi lại ngộ ra rằng, dù những chiếc lồng đèn “hiện đại” có xinh hơn, có đắt tiền hơn, nhưng chúng lại thiếu cái gì mang tính cách trẻ thơ!
Nhãn tiễn tôi bằng cái chào mệt mỏi, với nụ cười héo hắt trên môi, với ánh mắt thắm thiết mang nỗi buồn sâu thẳm. Bước vài bước, tôi luyến lưu quay lại, chợt bắt gặp Nhãn nhanh chóng lấy tay quẹt mắt. Tôi buốt cả lòng.
Gió thu nhẹ nhàng nhưng cũng đủ làm rơi nhiều chiếc lá . Vài con bướm vàng đậu trên nhánh mù u cho trời thu buồn hơn; nhưng cũng không buồn bằng đôi mắt lạc loài của Nhãn, nhỏ bạn ngày xưa.
KHA TIỆM LY
Nguồn: từ email cùa TG KTL gửi lam ngọc
Nguồn: từ email cùa TG KTL gửi lam ngọc
NM CẢM ƠN Kha huynh với một truyện ngắn hay.
4 nhận xét:
Bao giờ trở lại ngày xưa?....Những kỷ niệm mà ở tuổi chúng ta ai cũng có. cám ơn tác giả và em gái.
Bài viết hay với nhiều kỷ niệm rất đẹp và hồn nhiên...
của một thời hoa niên nhiều niềm vui...và ít suy nghĩ...
HN thăm NM.Chúc bạn ngày mới nhiều niềm vui nhé.
Em thăm chị đọc truyện anh KTL.
Luôn an lành chị nhé.
Ở trong trăng mãi làm chi?.... Cháu nghe lạ cô à, bối cảnh và tình huống của truyện xảy ra bất chợt quá và hơi thiếu liên kết với nhau.
Với cháu lồng đèn truyền thống của dân tộc vẫn là nhất, là độc đáo.
Cháu chúc cô luôn vui.
Đăng nhận xét