CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Ô LÂU GIANG PHÚ- LÊ ĐĂNG MÀNH



Ô LÂU GIANG PHÚ
Từ Châu Hoan, Châu Hóa thiên di tạm dừng chân
Đến Châu Rí, Châu Ô lập nghiệp còn tiếp bước
Chim đậu dất lành xứ Ô Lâu
Người nương suối ngọt miền sông nước
Trộm nghe nên nay!
Kẻ Hậu Bối-Giam thân trích lục cùng miền xuôi
Bậc Tiền nhân- Gợi ý sao tìm khắp mạn ngược
Bao bận- manh nha đứng chờ cung tay để nâng nghiên
Đôi phen- thắc thỏm ngồi đợi dỏi mắt mong mài mực
Vẫn còn đó-cây đa gió gom nghĩa ngày xưa
Mãi lưu đày-bến cộ trăng gọi tình thuở trước
Vinh quang thay!





Miền Câu Lãm - Bùi Dục Tài Tiến Sĩ khai khoa”1”
Xứ Vân Trình - Trần Văn Kỷ Trung thư phục quốc”2”
Làng Vĩnh Cố- Ngyễn Quang Vệ Uý đã tới vinh quang
Quê An Thơ –Lục Sự Hoàng Từ lui về tủi nhục.
Hào hoa Kẻ Vịnh -Thượng quan Nguyễn Đức Trứ giữ dạ thanh liêm
Lịch lãm An Thư- Tuần phủ Nguyễn Đức Hoan gìn lòng chính trực.
Không hẳn Nam tử- Bút tung phượng múa rồng bay
Mà còn Nữ lưu - Chữ động quần là áo lượt
Qua Mỹ Chánh - Lừng danh thứ thiếp “3”Quang Trung- một dạ thương nòi
Về Hội Kỳ - Ngát tiếng Cửu Giai “4” Thành Thái - chung lòng yêu nước.
Trang võ tướng- Đôi bờ còn tán tụng giỏi binh thư
Đấng văn quan-Muôn bến mãi biểu dương tài thao lược
Nơi hiểm trở- Quân Tây Sơn không ngại Đá giăng cồn
Chỗ khó khăn- Tướng Nguyễn Huệ chẳng tày Bà Đa vực.*

 Thương kính quá!
Bờ Hà Lỗ - Thể phách Văn Sở Tướng Quân- đất gói oan khiên
Bến Ưu Điềm -Thuyền tang Tài Nhân Thị Ngọt-sóng trào sướt mướt”5”

Lẫm liệt thay!

Tráng Liệt Tử- Hồng Lô Tự Khanh vua Minh Mạng tặng phong
Nguyễn Tri Phương- Quân Kỳ Thạc Phụ đời Miên Tông ban tước « 6 »
Phò Mã- Kết duyên với công chúa Đồng Xuân
Nguyễn Lâm - Tử trận gìn non sông Tổ Quốc
Xã Chánh Lộc- Từ đường Phụ Tử muôn thuở khói bay
Làng Chí Long- Miếu mộ Đệ Huynh nghìn thu bia tạc.

Nghệ nhân Mặc khách -Mỹ Xuyên còn nức tiếng tợ Kế Môn
Quân Tử Trượng phu- Phò Trạch mãi lừng danh như Đại Lược.

Nam Quảng Trị bao kẻ chợ- Mỹ Chánh Hà Lộc Kẻ Lạng Hà Lỗ Câu Nhi,
An Thơ Phú Kinh Kẻ Văn Kẻ Vịnh sử xanh không quên,
Bắc Thừa Thiên bấy làng quê - Phước Tích Mỹ Xuyên Trạch Phổ Ưu Điềm Hòa Viện,Vĩnh An Vân Trình Phú Nông Điền Hương con đỏ còn thuộc. « 7 »
Thời Minh Mạng –Lừng danh An Thơ Nguyễn Đức Hoạt Thượng Thư Nguyễn Đức Tư Tri Phủ vọng tộc thế phiệt trâm anh,
Thuở Miên Tông- Vang tiếng Kẻ Vịnh Tri Phủ Nguyễn Đức Dĩnh  Viên Ngoại Nguyễn Đức Giãn thế gia vương tôn đài các.
Đất Văn Qũy - công thần Nguyễn Văn Vịnh Tri phủ Viện Sỹ Hàn Lâm
Xứ Câu Nhi-Danh tướng Hoàng Tự Bôi Tam Phẩm Phụng Sắc Triều Mạc. « 8»
Làng cổ Phước Tích-Họa sư Lê Văn Miến màu đọng lung linh « 9»
Giáo xứ Kẻ Văn-Thánh đạo Lê Đăng Thị hương bay ngào ngạt « 10».
Đôi bờ Nam bắc- Cử nhân Tiến sĩ như lá lay bay
Hai dải Trị Thiên-Khanh Tướng công hầu tợ sương lác đác.
Uy nghiêm Phạm vũ-Gia trì khuya sớm ngân tiếng u huyền
Lồng lộng Giáo đường - Cầu nguyện chiều hôm lắng lời trầm mặc.
Cội nguồn sông suối - Hợp lưu cùng sóng nước quần tụ mênh mông
Mạng mạch Ô lâu - Chung thủy với Tam giang tương phùng bát ngát.

Ngẫm nay !
Mây vạn thuở- lang thang đổi sắc giữa trời xanh
sóng muôn đời- lãng đãng thay màu bên nước bạc.
Ngày xuống- ngồi đong cuộc có-không
Sáng lên- đứng lường thời được mất.
Thô thiển - Đôi dòng tâm niệm tiếc thương
Bùi ngùi – mấy chữ lòng hoài cảm tác !

                                 Mùa đông Giáp Ngọ

                                        LĐM Phụng Bút

GHI CHÚ :

1-Câu Lãm : Bùi Dục Tài người đỗ tiến sĩ thời vua Lê Tiển Tông là vị khai khoa của xứ Đàng Trong , ông được thăng quan đến chức Tả thị lang Bộ Lại:
2- Vân Trình: Trần Văn Kỷ, người làng Vân Trình (tục gọi là làng Rào), tổng Vĩnh Xương, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa (nay thuộc xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). vốn có văn học, là bậc danh sĩ ở Nam Hà.  Được Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ tin dùng, phong đến chức Trung Thư Phụng Chính, tức chức quan chuyên lo việc dự thảo chính lệnh cho nhà vua.
3-Mỹ Chánh :Nguyễn Thị Bích-người vợ thứ hai của anh hùng Nguyễn Huệ - Hoàng Đế Quang Trung
4- Dương Thị Ngọt ở làng Hội Kỳ, xã Hải Chánh ,Với vẻ đẹp đoan trang và phẩm hạnh cao quý, cô gái Dương Thị Ngọt đã trở thành “cửu giai tài nhân” của vị vua yêu nước Thành Thái. Được vua Thành Thái hết mực yêu thương và sủng ái, bà phi Dương Thị Ngọt đã không tránh khỏi sự ghen ghét, đố kỵ vẫn thường xảy ra ở chốn hậu cung mà kết cục là bà bị giáng tội khi quân và phải lãnh án hình xử chém. Tiếc thương ái phi Dương Thị Ngọt, vua Thành Thái đã cho cử hành tang lễ của bà theo nghi lễ của triều đình đối với một hoàng phi và dùng thuyền rồng đưa Linh cửu bà về Cặp bến Uu Điềm và đưa lên yên nghỉ tại quê nhà thân yêu ở thôn Hội Kỳ bên dòng Ô Lâu.
5- Tướng Ngô Văn Sở, một người có công đối với nhà Tây Sơn, nhưng không may bị tội, phải dìm xuống nước sông Hương cho đến chết, thi hài chôn ở gần chùa Linh Mụ. Sau đó hai năm, ông được triều đình phục chức và cho cải táng đưa ra chôn ở làng Hà Lỗ bên bờ sông Ô Giang.
*Địa danh đoạn  Sông ở Hội Kỳ có tên:vực Bà Đa và Bãi Đá giăng.
6- Nguyễn Tri Phương tên cũ là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu là Đồng Xuyên, sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân(1800), quê làng Đường Long (Chí Long), xã Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông xuất thân trong một gia đình làm ruộng và nghề thợ mộc. Nhà nghèo lại không xuất thân từ khoa bảng nhưng nhờ ý chí tự lập ông đã làm nên công nghiệp lớn.
Năm Quý Mùi (1823), vua Minh Mạng đề bạt ông hàm Điển bộ (Bí thư ở Nội điện), năm sau thăng Tu soạn, rồi Thừa chỉ ở Nội các, hai năm sau thăng Thị độc, Thị giảng học sĩ, năm 1831 thăng Hồng Lô tự khanh.
Tháng 5 năm 1847, ông được triệu về kinh, thăng hàm Chánh Hiệp biện đại học sĩ, lãnh Thượng thư bộ Công đại thần Cơ mật viện, tước Tráng Liệt tử và được ban một Ngọc bài có khắc bốn chữ "Quân kỳ thạc phụ", được chép công trạng vào bia đá ở Võ miếu (Huế)
Con trai Nguyễn Tri Phương là Phò mã Nguyễn Lâm bị trúng đạn chết tại trận Nguyễn Tri Phương cũng bị trọng thương. Ông được lính Pháp cứu chữa, nhưng ông khảng khái từ chối và nói rằng: "Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa Sau đó, ông tuyệt thực gần một tháng và mất vào ngày 20 tháng 12 năm 1873 (1 tháng 11 Âm lịch), thọ 73 tuổi. Thi hài ông và Nguyễn Lâm được đưa về an táng tại quê nhà. Đích thân vua Tự Đức  tự soạn bài văn tế cho ba vị công thần (Nguyễn Duy, Nguyễn Lâm, Nguyễn Tri Phương) và cho lập đền thờ Nguyễn Tri Phương tại quê nhà.
7- Tên làng chữ đậm
8-Hoàng Bôi Người  xã Câu Nhi, thôn Câu Lãm Hải Lăng!Triều Mạc ,được dự vào hàng 5 bậc tước,Quan vào hàng Tam Phẩm
9- Lê Văn Miến (1874-1943) là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris, là hoạ sĩ đầu tiên ở Việt Nam.
10- Giuse Lê Đăng Thị, sinh năm 1825 tại Kẻ Văn, Quảng Trị. Làm Cai Đội dưới thời vua Tự Đức, xử giảo ngày 24-10-1860 tại An Hòa, phong Chân Phước ngày 02-5-1909 do Đức Piô X, phong hiển thánh.




Nguồn; từ email của tác giả Lê Đăng Mành gửi lamngoc
NM cảm ơn Lê huynh đã chia xẻ một bài phú hay


11 nhận xét:

Hoàng Anh 79 nói...

http://img.tamtay.vn/files/2008/06/12/kh0ctr0ngmu4_vjnh04nh/photos/192521/4870ab1f_475ffa17_6.jpg

Cafe nhé chị!

Lãm Nguyệt Hiên nói...

Chân thành cảm ơn Nhã MY!
Chúc an vui:-h

ngô hà băng nói...

Rất tuyệt chị ạ!
Mấy ai viết được?
Cảm phục!

Unknown nói...

"Mây vạn thuở- lang thang đổi sắc giữa trời xanh
sóng muôn đời- lãng đãng thay màu bên nước bạc."
Cuối tuần nhiều vui nha chị !

NHAMY nói...

NM xin lỗi Lê huynh vì khi copy phần ghi chú bị lổi màu nền chỉnh sửa mấy lần không xong nên phải bổ túc sau ạ (vẫn còn một phần bị lỗi!)

NHAMY nói...

Cảm on HA nhé Chúc vui

NHAMY nói...

Đúng là bây giờ có rất ít TG viết được thể phú em à NM may mắn được 2 anh KTL và LĐM thường xuyên chia xẻ những bài phú hay...

NHAMY nói...

cảm ơn HoaTím thân yêu

Lý Viễn Giao nói...

Ôi ! Đọc rồi nhớ Bạch Đằng Giang phú quá đi !

NHAMY nói...

cảm on Lý huynh đã chia xẻ đồng cảm

Nguyễn Vũ Song Thu nói...

Một thể văn cổ nay thật hiếm có người viết được thể này. Đọc thấy rất cảm khái!