CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

ĐÓI SÁCH - THƠ NGUYỄN KHÔI









  ĐÓI SÁCH
 (Tặng Ngộ Không)
                   -----
"Vạn khoảnh lương điền
 Thiên kim dụng tử
 bất như nhất Kinh " (1)
                   Gia ngữ
                         
Đói Sách,
Mình mò lên Nguyễn Xí  (2)
Sách chui, sách lậu bán vỉa hè
Bạn đùa :
-" Sách ai xuất bản, Người ấy đọc
Ai đứng giảng Đạo, Người ấy nghe" !
Này nhé :
-Sách Nga Xô Viết bày hoành tráng
thỏa mãn mấy Cụ nhớ Liên Xô,
Sách phía cụ Mao sao vắng hẳn ?
toàn truyện Sử Tàu bán như cho,
Tử vi - Tướng số tha hồ mở
"Ngôn tình" câu bọn nhóc ngây thơ,
"Thơ mới" được phen đua tái bản
"Tự lực Văn đoàn" thỏa xuất kho ,
"Kinh điển Mác- Lê" thành xưa- hiếm
dễ mua là "Nhật ký trong tù" v.v...
Nhơ mơ : sách đã thành hàng hóa
"Nhã Nam", "Nhà Trẻ" ...(3) phất ăn to
"Văn Hóa Thông Tin" (4) chừng đã chết ?
"Đông Tây" (5) khôn khéo lựa ra lò...
Chao ôi,
Thời buổi "Thế giới phẳng"
Quá thừa "Dân chủ" với "Tự Do"
cứ vào @ là đủ thứ
Tây, Ta, Tàu ,Nhật ...ĐỌC tha hồ ? !
Ấy thế,
xem ra còn ĐÓI SÁCH
-Sách "Dạy làm Người"
kiếm chẳng ra...
a , ha...!!!

                       Hà Nội 19-5-2015
                           Nguyễn Khôi
----
(1)Vạn thửa ruộng tốt và nghìn vàng
để lại cho con,không bằng để lại một cuốn Sách.
(2)Phố sách Nguyễn Xí bên cạnh phố Tràng Tiền- Hà Nội.
(3) (4) (5) tên các Nhà Xuất bản Nhã Nam, Nxb Trẻ, nxb Văn Hóa Thông Tin,
nxb Đông Tây...

Nguồn: từ email của nhà thơ Nguyễn Khôi gửi lamngoc
NM cảm ơn anh Nguyễn Khôi thường uên chia ẻ những baì viết hay.

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

THƠ ĐƯỜNG XƯỚNG HỌA - LÊ ĐĂNG MÀNH VÀ CÁC THI HỮU









 BÀI XƯỚNG



VÔ THƯỜNG!
                Thể song điệp

Lấn lấn chen chen cũng nực cười
Thay thay đổi đổi giống mây trời
Trông kìa trẩm trẩm khanh khanh đó
Ngoảnh lại lăng lăng tẩm tẩm rồi
Được thế khom khom cúi cúi hốt
Mất thời khới khới xoay xoay bươi
Chi bằng ngáo ngáo ngơ ngơ vậy
Đến đến - về về thưởng lãm chơi!

LÊ ĐĂNG MÀNH



BÀI HỌA



QUA NGÀY

song điệp

Quê quê tỉnh tỉnh đố ai cười.
Tục tục tiên tiên mặt ngạo trời.
Cũng đảo cũng điên điên đảo vậy.
Cùng say cùng đắm đắm say rồi.
Cay cay đắng đắng vì đâm thọc,
Chát chát chua chua bởi hốt bươi,
Có lúc được thời thời hát hát,
Qua ngày có chán chán chơi chơi.

NHAT THUYH



LỐI SỐNG!
Thể song điệp

Tô tô trát trát đã gây cười
Đỏ đỏ xanh xanh hệt ráng trời
Vượn vượn hươu hươu vừa hót đó
Lươn lươn chạch chạch lẩn mô rồi ?
Thưa thưa bẩm bẩm tha hồ vét
Dạ dạ vâng vâng mặc sức bươi
Xin đừng láo láo lơ lơ nhé
Rờ rờ rửng rửng có mà chơi!

PHAN TỰ TRÍ



THẢNH THƠI!
Thể song điệp

Nghèo nghèo khó khó mặc ai cười
Khổ khổ đau đau chẳng trách trời
Giận giận hờn hờn đà mệt đấy!
Nhường nhường nhịn nhịn thế vui rồi
Công công đức đức năng bồi đắp
Lỗi lỗi lầm lầm chớ mải bươi
Thảnh thảnh thơi thơi lòng nhẹ nhõm
Ao ao ước ước được rong chơi!

NHƯ THU


CHUYỆN ĐỜI
song điệp

Nắng nắng mưa mưa chuyện của trời
Vui vui vẻ vẻ thản nhiên chơi
Được thời chảnh chảnh kênh kênh vậy
Thất thế đau đau khổ khổ rồi
Kẻ xạo vâng vâng  dạ dạ hốt
Người ngay  xót xót chua chua bươi
Cầm bằng  sách sách thơ thơ vậy
Thả thả thong thong miệng cứ cười

 NHÃ MY



CHỬI TRỜI

song điệp

Nhỡ nhỡ ngưng ngưng chẳng thể cười
Căm căm ghét ghét chửi ông trời.
Bỗng nhiên nắng nắng chang chang đó
Chợt lại mưa mưa trút trút rồi.
Giữ nghiệp cào cào cùng cuốc cuốc
Chuyên nghề xúc xúc với bươi bươi.
Lầy lầy lội lội làm sao được
Đói đói no no cũng tại chơi !

TRẦN NHƯ TÙNG


VỚI MÌNH

song điệp

Cơm cơm, cháo cháo dõi mây trời
Sáng sáng, chiều chiều lặng cuộc chơi
Rượu rượu, bia bia nào thích nữa
Phây phây, mạng mạng cũng vui rồi
Đường đường, tiểu tiểu mềm chân bước
Thuốc thuốc , tiền tiền mỏi sức bươi
Tập tập, chăm chăm gìn gối vững
Lên lên . xuống xuống vẫn tươi cười

PHẠM DUY LƯƠNG


Nguồn: từ email của TG Lê Đăng Mành gửi lamngoc để chia xẻ với blog NM


NM cảm ơn Lê huynh và các thi hữu đã đáp họa những bài thơ hay



                            *****
NM cảm ơn Tác Gỉa Giác Minh đã góp bài họa hay


SUY ĐỜI

Vui vui nhớ nhớ có chi cười 
Được được thua thua cũng để chơi
Vợ vợ , chồng chồng âu yếm đó
Bia bia, mộ mộ   tiếc thương rồi
Đời người dục dục si si đắm
Kiếp sống ân ân ái ái bươi
Lợi lợi danh danh qua chóng vánh
Tan tan tụ tụ thoáng mây trời!!

GM.NGUYỄN ĐÌNH DIỆM


Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

CỖNG TRE - THƠ NGUYỄN KHÔI ,NHÃ MY

      


 



CỔNG TRE
          (Tặng : Lê Bình)
                   -----
  Lâu ngày, về với Cổng Tre
Thân thương Người đứng bên hè chờ ta
  Bóng Cau rực ánh chiều tà
Cái mùi khói bếp tỏa ra nồng nàn.
                     *
  Lại về tựa gốc Ngọc Lan
Soi vào chum nước thấy ngàn mây trôi
  Kìa ai nón trắng bên trời
Đi ngang đồi Cọ để rồi bặt tăm.
                     *
  Lại về ra giếng rửa chân
Ngồi lên cái bệ đá Ong mơ màng
  Kể từ xa lũy tre làng
Thực / mơ... thấm thoát mười năm não nề.
                     *
  Chen chân Phố thị ...thèm về
Thênh thênh ngõ rộng, chân đê...bồi hồi
  Cổng Tre nào khác Cổng Trời (1)
Đưa ta vào XỨ CON NGƯỜI  mát xanh.

-----
(1) Vào Cổng tre  trung du Phú Thọ , NK lại nhớ "Cổng trời" trên cao nguyên đá Hà Giang...
   Hạ Giáp, Hạc Trì, Phú Thọ 14-5-2015

         NGUYỄN KHÔI

Nguồn: từ email của nhà thơ Nguyễn Khôi gửi lamngọc
NM cảm ơn TG Nguyễn Khôi đã chia xẻ một bài thơ hay





BÓNG TRE

(Cảm tác và kính tặng anh Nguyễn Khôi)

Lâu rồi chẳng thấy bóng tre
Cầu ao, đường đất phủ che mát lòng
Gió đêm thổi nhẹ bên sông
Vi vu lả ngọn tre lồng bóng trăng
Mẹ già quang gánh khó khăn
Đường đê lồi lõm tháng năm ruộng đồng
Tre xanh bao bọc trường làng
Tre tàn, măng lớn thênh thang nẻo đường
 Mẹ thì một nắng hai sương
Cho con ăn học rộng đường công danh
Phận nghèo chiếc áo mong manh
Thương con non trẻ lòng thành chở che 
Chỏng tre mẹ ngủ trưa hè
Tiếng ru bên võng còn nghe thấm tình
'' Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi…’’
Con qua đã mấy trường thi
Trường đời may mắn mẹ thì gian lao
Chiều nay tiếng gió xôn xao
Xa quê chợt nhớ  hàng rào tre xanh
Tiếng gà còn gáy tàn canh?
Bóng tre còn có phủ quanh quê nghèo…?

 NHÃ MY


NM cảm ơn anh Lê Ngọc Trác, trang Văn nghệ Quảng Trị và  Đất Đứng đã đăng tải bài thơ này
http://lengoctrac.com/?655=5&658=32&657=7119&654=4

Hôm nay, ngày 26/5/2015
BÓNG TRE - Thơ NHÃ MY
Chiều nay tiếng gió xôn xao
Xa quê chợt nhớ hàng rào tre xanh
Tiếng gà còn gáy tàn canh?
Bóng tre còn có phủ quanh quê nghèo…?
( NHÃ MY)

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

PHÙ VÂN - THƠ HOÀNG YÊN LYNH






           PHÙ   VÂN . . .


Ở nơi đó có gì vui không em
Có nắng hoe tròn nghiêng đổ bên thềm
Còn dấu con đường quanh co xóm nhỏ
Ngọn đèn vàng hiu hắt bước chân đêm .

Những đêm buồn biết ai đàn em hát
Như thuở nào ta ngóng mãi cơn mưa
Chẳng bao giờ mơ ước chuyện xa xôi
Tình một nửa , chia đời nhau một nửa .

Năm tháng chôn vùi chuyện đời dâu bể
Nơi xứ người tuyết lạnh bước chân đêm
Vầng trăng nào như trăng xưa lặng lẽ
Có chạnh lòng để ai lại buồn thêm . . .

Chuyện cuộc đời cũng tựa áng phù vân
Được mất đời nhau xanh , rụng lá vàng
Còn nghĩ về nhau mỏi mòn cánh hạc
Cũng ấm lỏng khi gió lộng chiều đông .


                HOÀNG YÊN LYNH


Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

THƠ ĐƯỜNG XƯỚNG HỌA - LÊ ĐĂNG MÀNH VÀ CÁC THI HỮU



 

PHOTO:NBV




BÀI XƯỚNG


NHÀ QUÊ!
Vĩ tam thanh

Phương đông bừng ánh mở mờ mơ
Thuyền đã ra sông họ hỏ hò
Bến nước vịt kêu cap cáp cạp
Bãi bờ trâu hả hở hờ hơ
Thanh bình vật cảnh vân vần vận
Yên ả xóm làng thợ thở thơ
Xướng họa  quê nhà khoe khọe khỏe
Mà Thành nội cứ ngỡ ngờ ngơ

LÊ ĐĂNG MÀNH




PHOTO:NBV


BÀI HỌA


NHÀ NÔNG
vĩ tam thanh

Cánh cửa buồng đêm mở mợ mơ
Bên giường ai hát họ ho hò
Lời ru con ngủ hô hồ hộ
Lẩn giọng đò chiều hờ hợ hơ
Hiên trước tao nhân vần vẫn vận
Sau thềm mặc khách thở thờ thơ
Xuôi dòng ai nấy khoe khoè khoẻ
Ngọt nước tâm hồn ngợ ngỡ ngơ

TRẦN NGỘ Lâm Đồng



CHẲNG LẼ…!
Vĩ tam thanh

Ủ giấc mai nồng mợ mớ mơ
Canh khuya vọng tiếng họ ho hò
Dùng dằng thỏ ngọc them thèm thém
Thiêm thiếp yếm đào hớ hở hơ
Vỡ mộng lom khom bò bỏ bọ
Tàn cơn hổn hển thở thờ thơ
Này ai đã lỡ dom dòm dỏm
Chẳng lẽ cầm bằng ngỡ ngớ ngơ ?

NGUYỄN GIA KHANH



SAY NGỦ!
Vĩ tam thanh

Như sấm bên tai mợ mớ mơ
Vẫn êm như tiếng hỏ ho hò
Răng long mới nguyện quên quền quện
Đầu bạc chưa thề hợ hớ hơ
Ý lạc vào bài vân vẩn vận
Tình quăng lên thớt thợ thờ thơ
Thôi đành thức giấc trơ trờ trớ
Giụi mắt làm thinh ngỡ ngớ ngơ.

PHAN TỰ TRÍ Biên Hòa



THƠ HAY CHÉN TỐT
Vĩ tam thanh

Năm sao quán nhậu mở mờ mơ
Vồ lấy thực đơn họ hỏ hò.
Vịt luộc nhớ về cap cạp cáp
Trâu hầm nghĩ tới hở hờ hơ
Ngâm câu tứ tuyệt vân vần vận
Kể khúc ba chai thợ thở thơ.
Tới tấp đũa vung khoe khọe khỏe
Nhìn mâm ráo sạch ngớ ngờ ngơ !

TRẦN NHƯ TÙNG Phú Thọ



CẢNH QUÊ
Vĩ tam thanh

Vi vu tiếng sáo hở hờ hơ
Giọng hát xa đưa hỏ họ hò
Gió thổi rì rào nhe nhẻ nhẹ
Hương bay thoang thoảng thở thờ thơ
Mây trôi đầu núi  châm chầm  chậm
   Áo lụa qua đường ngỡ ngợ ngơ                            

 Lạc đạo an bần khoe khỏe khọe
Đêm về giấc mộng mỡ mờ mơ

NHA MY USA



Nguồn : từ email của TG Lê Đăng Mành gửi lamngoc
NM cảm ơn Lê huynh và các thi hữu đã góp họa 

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

BÁT PHỐ - THƠ NGUYỄN KHÔI

 






  BÁT PHỐ
            (Tặng:BNN)
                  -----
     "Ta như mây trắng giữa trời
Ngắm nhìn thiên hạ đang ngồi máy bay"
                     -thơ Bảo Sinh
                      *
Sớm nay một mình đi "bát Phố" (1)
Lòng vòng thơ thẩn ngắm Hồ Gươm
Một trời Phượng đỏ in bóng nước
Tỏa một màn sương mát phố phường.
                      *
Ừ nhỉ, sao không đợi tiếng Ve ?
-Còn đâu Tàu Điện nữa mà về !
Thôi thì cuốc bộ , ta thủng thẳng
Ra lối Hàng Tre thưởng chén Chè...
                       *
Bát Phố một mình đi bát Phố
Một nình thủ thỉ với đất trời
Tháp Rùa đứng lặng soi kim cổ
Mặc trời vần vụ đám mây trôi...     

 

   Hà Nội 19-5-2015


                     NGUYỄN KHÔI


 

(1) "bát" xuất xứ từ chữ passer = qua, đi qua..."bát Phố" là đi lên Phố chơi, một thứ  :
       Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
       Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.
thơ Trần Hữu Quang (1952-2000) quê Cần Thơ.
                    
            
Nguồn ; từ email của TG Nguyễn Khôi gửi lamngoc
NM cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khôi đã thường xuyên chia xẻ những bài hay.

 

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

MÙA VẢI CHÍN -THƠ NGUYỄN KHÔI



Kết quả hình ảnh cho ảnh chùm trái vải


 MÙA VẢI CHÍN

    (Tặng : Mai An)
             -----
"Nhật đạm lệ chi tam bách khỏa
Bất từ trường túc Lĩnh Nam nhân" (1)
                  - thơ Tô Đông Pha
              *
Nghe tiếng chim Tu Hú
Lòng dội sóng sông Thương
Tháng tư nắng đổ lửa
Vải đỏ ngợp phố phường...
              *
Ai thương về Lục Ngạn ?
Nắng hạn đất kêu trời
Để có vườn Vải chín
Đồi ướt đẫm mồ hôi.
              *
Người ơi, ăn quả Vải
Ngỡ thần dược dưỡng sinh,
"Lệ chi"... nhớ Nguyễn Trãi
Mai mình về Bắc Ninh (2).


 Hà Nội 1-4-Ất Mùi
         NGUYỄN KHÔI

(1) Ngày ăn Vải ngọt ba trăm quả
    Không ngại mãi làm người Lĩnh Nam.
(1) Vụ án Lệ chi viên (Trại Vải) ở Đại Lai, Gia Bình, Bắc Ninh.
       Nguồn: từ email của nhà thơ Nguyễn Khôi gửi lamngoc
NM cảm ơn nhà thơ NK thường xuyên chia xẻ những baì hay.

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

MỘT ĐỜI CŨNG CHỈ TÌNH THƠ VỚI NGƯỜI - THƠ HOÀNG YÊN LYNH






 MỘT ĐỜI… 

       CŨNG CHỈ TÌNH THƠ VỚI NGƯỜI 
* Gởi ĐH và tiếng hát ngày xưa
.

 Ai nghiêng vành nón chiều nghiêng                   
Bên chiều phố vắng làm duyên với người
Chạnh lòng tiếc tuổi đôi mươi
Ngày xưa – áo trắng môi cười – hương bay
Em ngọt ngào tôi đắm say
Con đường nắng đổ trao tay thư tình
Đời qua trăm nẻo chông chênh
Chuyện ngày xưa với khối tình nặng vương
Áo ai  trắng cả sân trường
Còn tôi ngơ ngẫn bên đường – chờ ai …
                        ****                        

Vẫn ngỡ đời quên sao bắt nhớ
Em  lại về xao xuyến  trang thơ
Tình xa ngái , ngày xưa vụng dại
Chợt nao lòng , em thực hay mơ .
Thế mới hiểu tình không dấu kết
Đời trăm năm tình ngát hương đời
Chẳng ai biết , chỉ hai ta biết
Đêm sẽ dài , mộng vẫn đầy vơi .
                      * * * * * *
Khi nhớ về em tôi hỏi lòng tôi
Giọng hát liêu trai , ánh mắt môi cười
Qua năm tháng , rừng biếc xanh lá mới
Trăng  không già tình sâu lắng nôn nao . .
Và như thế thôi cũng là hạnh phúc
Em ngọt ngao , em  khúc hát dịu êm
Gọi đời nhau qua trùng khơi biển lộng
Tôi chỉ là thi sĩ của riêng em .


                          HOÀNG YÊN LYNH


Nguồn: từ email của Tác Giả Hoàng Yên Lynh gửi lamngoc
NM cảm ơn nhà thơ HYL thường xuyên chia xẻ những bài thơ hay.

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

THƠ ĐƯỜNG XƯỚNG HỌA - VẮNG LẶNG CỦA LÝ ĐỨC QUỲNH và CÁC THI HỮU








VẮNG LẶNG

Trôi lòng về gặp lúc chiều mưa
Trời đất đang cơn trở chuyển mùa
Thảng thốt theo niềm thương vắng đợi
Bàng hoàng chạnh nỗi nhớ xa đưa
Con tằm sợi kéo đìu hiu cuộn
Cái nhện mành giăng lất phất lùa
Nơi chốn tương phùng tình mở hội
Nay màu phế tích đã hoang xưa !
                           
LÝ ĐỨC QUỲNH


XA VẮNG

Lối nhỏ  chiều tàn lất phất mưa
Lá rơi hoa rụng gió giao mùa
Mây đan sợi nhớ trời mong đợi
Sóng phủ niềm thương biển vọng đưa              
 Bến vắng mênh mang   sương  khói   bện
 Thềm hoang lay lắt    bóng trăng lùa
Cô phòng gối chiếc sầu  hiu quạnh
Thao thức tìm đâu giấc mộng  xưa….


NHÃ MY



VỀ THĂM HUẾ
Ta về với Huế phải ngày mưa
Phố lạnh lòng se lúc đổi mùa
Sóng vỗ sông Hương thuyền vắng nhớ
Mây giăng Bến Ngự chốn buồn đưa
Theo lòng vội kiếm hương mơ cũ
Thả dạ mong tìm sắc mộng xưa
Cánh nhạn chừ xa mờ bóng đợi 
Nghe đêm thổn thức gió đau lùa


Giác Minh NGUYỄN ĐÌNH DIỆM

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

ĐỌC LẠI THƠ TÀO TÙNG - NGUYỄN KHÔI








Thân gửi : Các Bạn thơ yêu quý của tôi,

Kỷ niệm 30/4  ( Tháng 4 đỏ/ tháng 4 đen) lại nhói lên con tim Việt Nam với bao cảm xúc khôn tả...
NK xin chép 1 bài  thơ tặng các Bạn để chia sẻ nỗi lòng của 1 lão già 78 tuổi ,đang trên đường hành quân vào "Đài hóa thân hoàn vũ"


CỘNG THỦY TRANH TUẾ NGUYỆT
DOANH ĐẮC MẤN NHƯ TY

(Thân mình đua chen cùng năm tháng
Cái lãi chính là mớ tóc bạc này đây)
 bắt đầu từ 19-12-1946 (đang học lớp 3 trường Làng) đã nếm mùi bom đạn , phải "chạy loạn" (ngoài Bắc gọi là chạy Tản cư) hết Pháp, lại Mỹ, nội chiến, đánh Polpot, đánh Đặng Tiểu Bình... gia đình có vài người "hi sinh"/ thương binh... những nỗi đau không ai đau hộ...


   MỘT THỜI ĐỊCH / TA

Người rằng Địch địch / Ta ta
Nồi da xáo thịt con nhà cả thôi
Địch / Ta là chuyện một thời
Cộng Hòa / Việt Cộng tơi bời "bắn" nhau
Cấp trên thăng chức ngôi cao
Toi thân thằng lính hố sâu chôn vùi.
                   *
40 năm vẫn ngậm ngùi
Địch / Ta,  hai phía chẳng ngồi với nhau
Vài chàng Thi sĩ tào lao
Dân "vô chính trị" gặp nhau vui đùa :
-Tau/ Mi -bên thắng,  bên thua
Chén anh chén chú cốc Bia giải hòa
                    *
Trời cao ngó xuống cười xòa :
"chúng bay vẫn một con nhà Việt Nam".

            Hà Nội 30-4-2015
              NGUYỄN KHÔI
                     ***



ĐỌC LẠI THƠ TÀO TÙNG
(Tặng : Lê Xuân Quang)
          --------
Tào Tùng (830- ?), tự Mộng Trưng, quê Thư Châu (An Huy), lúc trẻ ở Sơn Hồng Châu nương nhờ Thứ sử Kiên Châu Lý Tần. Lý chết, Tào lưu lạc giang hồ. Năm Quang Hòa thứ 4 đời vua Đường Chiêu Tông, Tào thi đỗ Tiến sĩ. Vua Chiêu Tông khi ấy vừa bình xong nội loạn, hứng khởi mở khoa thi lấy một loạt tân Tiến sĩ, đặc cách cho Tào Tùng làm chức Hiệu thư lang trong Bí thư sảnh (cỡ Vụ trưởng) làm công việc trứ thuật, soạn văn bản cho nhà Vua.
  Thơ Tào Tùng là lối thơ "lữ du" học theo phong cách  thơ Giả Đảo, ý thâm u, hay ở chỗ "thôi xao", luyện câu, chọn chữ. Tào Tùng thi tập gồm ba quyển. Tào Tùng cũng như Thôi Hiệu (nhưng ở dưới một tầm) :sáng tác không ít, nhưng chỉ có một bài tuyệt tác, để đời, đó là bài tứ  tuyệt :


  KỶ HỢI TUẾ - HY TÔNG QUẢNG MINH NIÊN-KỲ 1

Trạch quốc giang sơn nhập chiến đồ
Sinh nhân hà kế lạc Tiều tô
Bằng quân mạc thoại phong hầu sự
Nhất tướng công thành vạn cốt khô.

Chú thích :
-Kỷ hợi tuế (năm 897) là năm thứ 6 hiệu Công Phù, đời Đường Hy Tông. Năm đó
Trấn Hải Tiết độ sứ Cao Biền (đã từng sang Giao Chỉ- An Nam ta xây thành Đại La "Thăng Long- Hà Nội", diệt quân Nam Chiếu) thống lĩnh một dải Chiết Giang- Giang Nam (xưa là Trạch Quốc) đã giết hại tàn khốc quân Nông dân khởi nghĩa Hoàng Sào...bài thơ Tào Tùng là nói  sự kiện này.
-Tiều tô : tiều phu, người kiếm cỏ- chỉ nơi yên hàn.
-Bằng quân...là xin anh chớ nói chuyện "phong hầu" (đề xuất với nhà Vua chuyện khen thưởng, thăng cấp cho các Tướng nữa) vì đó là "Giãi thây trăm họ nên công một người"- đó là câu thơ cảnh báo lên án tội ác của chiến tranh.
  Về nghệ thuật thơ ca thì chữ "cốt" ở đây là chữ mắt (nhãn tự) đặt đúng chỗ(đắc địa) đọc nghe thật rợn người.
Dịch nghĩa :
Vùng đất thấp (Giang Nam) vướng vào bản đồ chiến tranh
Dân chạy vào rừng đốn củi, cắt cỏ để sống
Như vậy (anh) còn nói chuyện phong Hầu (khanh tướng) làm gì (trong lúc người dân đang khốn khổ) ?
Một tướng thành công (trạng) thì có cả vạn hộ (gia đình) xương khô.

Dịch thơ :

NĂM KỶ HỢI  (897)
Non nước can qua lửa ngút trời
Dân đen khó nổi sống trên đời
Cậy ông bỏ giúp lòng khanh tướng
Một tướng nêu công chết vạn người.
               (Cao Tự Thanh)
Giang Nam cuộc chiến đã bùng
Dân đen nào biết đến vùng nào yên ?
"Phong Hầu" thôi chớ rùm beng
Một anh nên Tướng, vạn tên rơi đầu.
                (Nguyễn Khôi)
  Ngày 30-4-2000 nhân vào viếng Nghĩa trang Đường 9- Nam Lào, tìm mộ người thân...NK có cảm khái 4 câu :


  NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN

"Những bia mộ không tên"...-chiến sĩ vô danh
"Người" đã thăng quân hàm cho các Tướng
mau đã đổ :-(1) "không có bao giờ uổng" ?
Ơi đất trời Quảng Trị nhuốm...màu xanh.
---
(1) chỗ này có thể thêm 2 chữ "ai bảo" thì thật là đau đớn quá chừng !

       Hà Nội 30-4-2009
        NGUYỄN  KHÔI


Nguồn : từ email của TG Nguyễn Khôi gửi lamngoc
NM cảm ơn anh Nguyễn Khôi thường xuyên chia xẻ những bài viết hay.


Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

DANH NHÂN BẾN TRE: PHAN THANH GIẢN

      LỜI DẪN : 

 Tôi sinh ra và lớn lên ở Bến Tre , một vùng đất địa linh nhân kiệt ,nơi xuất thân của nhiều vị danh nhân như : Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký , Trương Tấn Bửu, Nguyễn Ngọc Thăng, Nguyễn Thị Định....
Thời học Trung học Kiến Hòa , nhà trường có tổ chức thăm viếng mộ các danh nhân ở BaTri ,nhưng vì lúc đó tôi còn học ở lớp cấp nhỏ nên không được tham dự , cho đến khi lên cấp 3 chiến tranh căng thẳng và cũng vì phải lo việc kiếm tiền thêm nên tôi đã bỏ qua việc thăm viếng đền thờ và mộ của các vị .Qua năm 75 khi hòa bình tái lập, cụ Phan Thanh Giản bị kết tội , trường (nam tiểu học ) mang tên cụ ở thị xả Bến Tre , tên đường và ảnh tượng của cụ đều bị phá bỏ , sách sử không được nhắc đến tên cụ nữa .Thế là cái hẹn về đất BaTri của tôi không thực hiện được .BaTri là quê của bà ngoại tôi , thời còn nhỏ tôi thường được nghe bà kể rất nhiều chuyện về vùng đất đó. Những địa danh như '' dinh Bà Tú'', đình Phú Lễ, Tân Xuân , rừng Giá , bãi Ngao....gợi cho tôi sự tò mò và thôi thúc một ngày đến nơi đó để biết nơi xuất thân của tổ tiên .Và đặc biệt bà ngoại tôi , tuy hoàn toàn không có đến trường, không biết chữ, nhưng lại thuộc nằm lòng truyện Lục Vân Tiên , bà thường '' đọc thơ'' cho con cháu nghe và '' bình luận '' về các nhân vật trong truyện của Đồ Chiểu...
      Mãi cho đến mùa xuân năm 2015 này , khi tôi đưa ý định muốn đi BaTri một chuyến thì được một người bạn ở Tiền Giang tán thành và anh đã cùng tôi làm một chuyến '' về nguồn'' đến tận nơi để thăm viếng đền thờ và mộ các vị danh nhân cuả đất Bến Tre . (thật ra trong những lần trở về BếnTre tôi cũng có ''rủ ren'' các chị trong gia đình cùng đi nhưng ai cũng bận việc và vì không biết rõ nơi chốn nên tôi chưa đến đuợc).
       BaTri là một quận  ở phần đất cuối cùng của cù lao Bảo có vị trí  giáp biển cách thị xã Bến Tre khoảng 35 cây số về hướng nam .Do địa thế gần biển thuận lợi trong việc giao thông nên là nơi có dân cư sớm nhứt của BếnTre ( đình Phú Lễ được xem như một ngôi đình cổ xưa nhứt của vùng đồng bằng sông Cửu Long).
Ngày nay đường xá giao thông được sửa sang nên việc đi lại rất nhanh chóng , nhưng vì mới đến lần đầu nên chúng tôi không rành địa điểm , thế là sau khi rời đền thờ và mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu , chúng tôi  phải hỏi dò đường để đến mộ cụ Phan Thanh Giản và Võ Trường Toản.
 Đầu tiên tới chợ Batri thấy có mấy ngã đường, không biết đi về hướng nào nên  '' chạy đại'' vào một đoạn thì ghé hỏi 2 lão trượng địa phương , ông lão chỉ '' Chạy thẳng đường tới Bảo Thạnh,mộ cụ PTG ở đó ''  .Chúng tôi cảm ơn lão trượng và chạy thêm một đoạn lại hỏi một thanh niên ở tiệm sửa xe thì anh nói '' Trở lại chợ BaTri hỏi người ta chỉ cho dễ hơn , trên đó có đường đi'' -'' Thế sao 2 ông lão kêu đi đường này ?"-" Cũng được nhưng phải vòng ngược lên Bảo Thạnh xa lắm'' - '' Xa là bao nhiêu?'' -'' Xa nhiều so với đi hướng kia''. Sau khi cảm ơn người chỉ dẫn chúng tôi trở lại chợ BaTri và hỏi đường đi Bảo Thạnh thì được một người địa phương tận tình chỉ dẫn. Chạy được một đoạn  lại vượt lên chiếc xe cùng chiều hỏi lại cho chắc ăn ! Đi thêm một đoạn nữa thì gặp một nhóm học sinh nam nữ  ''- Bác hỏi đường PTG hay là mộ ông PTG?'' . Sau một hồi chỉ ...dài dài thấy người nghe hơi lúng túng một đứa trong bọn trẻ nói '' -Hay là bác chờ một chút mua đồ xong tụi con dẫn bác ra ngoài đó " - '' Thế các cháu có tới nơi không ?''- "' Không, tụi con đi tới ngã ba thì chỉ cho bác " .Từ giã các bạn trẻ nhiệt tình chúng tôi lại tiếp tục đi , đường ở quê vắng người nên có lúc '' đón đầu '' xe ngược chiều hoặc vượt lên xe cùng chiều để hỏi thăm !Người cuối cùng mà chúng tôi hỏi là một chị phụ nữ nông dân ,ý chừng mới đi ruộng về , áo quần ướt sủng nước , đội chiếc nón lá cũ , sau yên xe đạp còn chở bó mạ .Chị vui vẻ trả lời '' Tới nơi rồi ,chừng một đoạn ngắn nữa , trong đó có ghi bảng ''.
Từ Batri về Bảo Thạnh khoảng 10 cây số  , khi chúng tôi đến nơi thì thấy một cây cột nhỏ trên gắn 2 mũi tên bằng gỗ , một bên mộ và đền thờ cụ Phan , bên kia là khu di tích cụ Võ Trường Toản. 
Kể lại chuyện này với một niềm vui là chúng tôi nhận thấy người dân BaTri từ già đến trẻ gần như ai cũng biết tên và địa điểm đền thờ cụ Phan Thanh Giản . Bảo Thạnh  ngày nay vẫn còn là một vùng quê nghèo hẻo lánh , tôi mường tượng cách đây hơn một thế kỷ , di hài kinh lược sứ họ Phan từ Vĩnh Long mang về đây an táng hẳn là phải nhiêu khê lắm !
Một cái '' duyên'' nữa là hôm đó chúng tôi lại gặp được một người đàn ông trung niên người BaTri , anh tự giới thiệu là '' một nông dân , ngày tết tới viếng thắp nhang cho các cụ" .Điều đặc biệt là anh khá thông thạo chữ Hán và rành về lịch sử , anh đã đọc chữ ''SẠ" và giải nghĩa là '' thình lình'' trong câu đối treo trên cột cổng vào mộ cụ Phan ''SẠ QUAN GIAI THÀNH THIÊM TÂN SẮC'' . Câu đối này tối nghĩa mà theo anh thì mới làm sau này .Tôi có vào mạng để tra cứu tìm hình ảnh mộ cụ Phan trước năm 75 để chứng minh nhưng không tìm thấy (có lẻ vì thời đó kỹ thuật nhiếp ảnh và mạng net chưa thông dụng như bây giờ) .Anh cũng cho biết là chúng tôi '' hên'' đến đúng ngày đền thờ mở cửa (vì tết năm rồi không có mở cửa và đền thờ chỉ mở cửa vào ngày giỗ cụ hoặc khi có các đoàn thể , cơ quan đông người đến tham quan ).
Vào bên trong đền thờ , chúng tôi thấy có lẳng hoa của ủy ban Nhân Dân huyện ủy Ba Tri viếng , và tôi  ghi hình bàn thờ , tượng cùng di ảnh của cụ.
Trên đường trở về tôi miên man suy nghĩ  lịch sử thăng trầm , kẻ kết tội , người ghi công , kết rồi giải  ,giải rồi lại kết ...đúng là một bi kịch đời người !
        Hôm nay nơi mảnh đất quê hương '' góc Trời Nam'' này , khu mộ khiêm nhường ,giản dị của một bậc danh nhân là vị tiến sĩ đầu tiên của xứ Nam Kỳ ,  một đại quan làm việc trải qua 3 triều nhà Nguyễn ,tác giả của nhiều tác phẩm văn học giá trị , một trăm năm chục năm sau ngày cụ tạ thế , điều quan trọng là người dân BaTri vẫn còn  trọng vọng  và biết đến tên  cũng như nơi an nghĩ của Cụ.

 (Năm 2011 tôi có đến Vĩnh Long và thăm Văn Thánh Miếu có ghi ảnh tấm bia bằng đá cẩm thạch trắng khắc chữ rất đẹp là văn bia ghi công đức của Khổng Phu Tử do cụ Phan Thanh Giản soạn . Tiếc là hôm đó Tụy Văn lầu , nơi đặt bài vị , sắc phong và di ảnh của cụ Phan  không mở cửa và sau đó máy computer của tôi bị virus nên hình ảnh lưu giữ bị mất Xin hẹn ngày trở lại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long để nghiên cứu kỹ hơn)

NHÃ MY




TÀI LIỆU VỀ ĐẠI THẦN PHAN THANH GIẢN
(TỪ WIKIPEDIA)

Phan Thanh Giản (chữ Hán: 潘清簡; 1796 - 1867), tự Tĩnh Bá, Đạm Như (淡如), hiệu Ước Phu, Lương Khê; là một danh sĩ, một đại thần triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Phan Thanh Giản xuất thân trong một gia đình nghèo khổ. Tương truyền tổ phụ Phan Thanh Giản là Phan Thanh Tập, hiệu Ngẫu Cừ, sống thời nhà Minh[1]. Sau khi nhà Minh bị nhà Mãn Thanh tiêu diệt, Phan Thanh Tập di cư sang phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (Việt Nam). Nơi đây ông cưới vợ tên Huỳnh Thị Học, sinh được một trai tên là Phan Thanh Ngạn tục gọi là Xán.

Năm 1771, gia đình ông Ngạn vào Nam tạm cư ở Thang Trông, thuộc tỉnh Định Tường Sau dó lại dời về Mân Thít, trấn Vĩnh Thanh (thuộc Vĩnh Long ngày nay), rồi lại dời về ở huyện Bảo An, phủ Hoằng Trị, cũng thuộc tỉnh Vĩnh Long. Cuối cùng ông Ngạn đến lập nghiệp tại thôn An Hòa, làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thạnh (nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).

Ở đây, ông cưới người vợ tên Lâm Thị Bút. Ngày 11 tháng 11 năm 1796, bà hạ sinh được một trai tên Phan Thanh Giản. Năm Phan Thanh Giản lên 7 (1802), thì mẹ qua đời, cha cưới người vợ nữa tên Trần Thị Dưỡng để có người chăm sóc con. Bà mẹ kế này rất thương yêu con chồng Đến tuổi đi học, ông theo học với nhà sư Nguyễn Văn Noa ở chùa làng Phú Ngãi.

Năm 1815, vì sự cáo gian của kẻ có thù riêng với gia đình [2], cha Phan Thanh Giản lúc ấy đang làm Thủ hạp (một viên chức nhỏ), phải ngồi tù.

Nóng lòng vì cha bị hàm oan, ông đệ đơn lên Hiệp trấn Lương (không rõ họ) ở Vĩnh Long xin được thay cha vào tù. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo, viên quan này đã cho ông ở gần nơi cha bị giam cầm, để vừa trao giồi kinh sử, vừa có cơ hội thăm cha mỗi ngày [1]. Sau khi cha được mãn tù, nghe lời Hiệp trấn Lương, Phan Thanh Giản ở lại Vĩnh Long để tiếp tục học và chờ đợi khoa thi. Tại đây, ông gặp một người đàn bà nhân hậu tên Ân. Bà này đã giúp ông tiền và cơm, áo...để tiếp tục theo đuổi việc đèn sách.

Năm 1825, ông đậu Cử nhân khoa Ất Dậu. Sau đó một năm, ông đậu đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1826), vào năm 30 tuổi. Ông là người đậu Tiến sĩ khai khoa ở Nam bộ.

Từ đấy, ông làm quan trải ba triều, là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
Dưới triều Minh Mạng, ông lần lượt giữ các chức vụ: Hàn lâm viện biên tu, Lang trung bộ Hình (1827), Tham hiệp tỉnh Quảng Bình (1828), Hiệp trấn tỉnh Quảng Nam (1828), Quyền nhiếp Tham hiệp tỉnh Nghệ An (1829), Lễ bộ tả thị lang và tham gia nội các (1830), Hàn lâm viện kiểm thảo sung Nội các hành tẩu và Hộ bộ viên ngoại lang (1832), Đại lý tự khanh sung Cơ mật viện đại thần (1834), Kinh lược trấn Tây (1835), Tuần phủ Quảng Nam (1836), Thống chánh sứ và Phó sứ rồi Hộ bộ thị lang (1839). Dưới triều Minh Mạng, ông đã ba lần bị giáng chức, trong đó có lần ông phải làm "Lục phẩm thuộc viên", tức giữ việc quét dọn, sắp đặt bàn ghế ở chốn công đường (1836).
Dưới triều Thiệu Trị, ông làm Phó chủ khảo trường thi Thừa Thiên (1840), Phó đô ngự sử Đô sát viện (1847).
Dưới triều Tự Đức, ông phụ trách giảng dạy và điều khiển trường Kinh Diên, Thượng thư bộ Lại, sung Cơ mật viện đại thần (1849). Năm 1850, ông được cử vào trấn nhậm miền Tây Nam Kỳ cùng với tướng Nguyễn Tri Phương. Sau đó, được phong làm Kinh lược sứ Nam Kỳ.
Ông được vua Tự Đức giao làm Tổng tài Quốc sử quán coi việc biên soạn bộ Khâm định Việt sử Thông giám cương mục phụ tá có một Phó Tổng tài, 6 Toản tu góp tài liệu, viết lên, 6 Khảo hiệu xét lại và 6 Đằng tả viết chữ ngay ngắn. Sách soạn trong 3 năm 1856-1859, dâng lên Tự Đức coi lại các lần 1871, 1872, 1876, 1878 và có lời phê bên trên.


Năm 1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha đổ bộ và tấn công tại cửa biển Đà Nẵng rồi lần lượt đánh chiếm các tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Ông Phan Thanh Giản với vai trò là Chánh sứ và Lâm Duy Hiệp là Phó sứ được cử đi điều đình với Pháp, sau đó đại diện cho triều đình Tự Đức ký kết hiệp ước hòa bình và hữu nghị Hòa ước Nhâm Tuất ngày 5 tháng 6 năm 1862 tại Sài Gòn.

Hiệp ước gồm 12 khoản, theo đó, ba tỉnh Biên Hòa Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn (Côn Đảo) được nhượng cho Pháp (Khoản 3 Hiệp ước); triều đình phải trả cho Pháp và Tây Ban Nha một khoản bồi thường chiến phí là 4 triệu piastre trong 10 năm, mỗi năm 400.000 đồng (quy ra bạc là 288 nghìn lạng-Khoản 8 hiệp ước); đổi lại, người Pháp sẽ trả lại tỉnh Vĩnh Long cho triều đình Huế, nhưng kèm theo điều kiện là triều đình phải có biện pháp chấm dứt các cuộc khởi nghĩa chống lại người Pháp ở các tỉnh (Khoản 11 hiệp ước). Do hành động này mà dân gian có câu truyền "Phan Lâm mãi quốc, triều đình thí dân" (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước; triều đình bỏ dân chúng). Theo nhà sử học Phan Huy Lê, nguồn gốc và xuất xứ của câu này chưa được làm rõ, theo ông câu này không thấy ghi chép lại trong những tác phẩm viết về Trương Định của những tác giả đương thời, như Nguyễn Thông.


Tuy việc thương nghị với phía Pháp, vua Tự Đức có cho ông tùy nghi tình thế mà định đoạt nhưng về việc cắt đất, nhà vua có căn dặn Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ráng sức chuộc lại ba tỉnh với giá 1.300 vạn lạng, còn nếu phía Pháp đòi cắt đất luôn thì kiên quyết không nghe, nhưng Phan Thanh Giản đã phải cắt đất lại còn bồi thường chiến phí. Do đó mà hai ông khi trở về đã bị quở trách nặng nề [3].

Việc chuộc ba tỉnh không thành, Phan Thanh Giản bị cách lưu làm Tổng đốc Vĩnh Long, nhưng rồi lại được cử làm Chánh sứ (Phó sứ là Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản) sang nước Pháp để điều đình một lần nữa về việc chuộc lại ba tỉnh miền Đông (1863), nhưng cũng không đạt được kết quả. Năm 1865, ông được phục chức Hiệp biện đại học sĩ, Hộ bộ thượng thư, sung Kinh lược sứ ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) và được tha tội cách lưu.

Ngày 20 tháng 6 năm 1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long (vốn đã được trao trả triều đình Huế ngày 25 tháng 5 năm 1863), yêu cầu ông gửi mật thư cho thủ thành An Giang và Hà Tiên buông súng đầu hàng. Trước sức mạnh áp đảo của Pháp về mặt quân sự, biết thế không thể giữ nổi, nên để tránh đổ máu vô ích, Phan Thanh Giản đã quyết định trao thành, không kháng cự, với yêu cầu người Pháp phải bảo đảm an toàn cho dân chúng. Thế là chỉ trong 5 ngày (20-24 tháng 6 năm 1867), Pháp chiếm gọn ba tỉnh miền Tây không tốn một viên đạn. Sau khi thành mất ông tuyệt thực suốt 17 ngày, rồi uống thuốc độc tự tử vào ngày 4 tháng 8 năm 1867, hưởng thọ 72 tuổi.

Đền thờ Phan Thanh Giản hiện ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, Bến Tre. Và từ rất lâu, nhân dân ở vùng núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang vẫn coi ông là một vị thần Thành Hoàng. Ngoài ra ông còn được thờ tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long


Phan Thanh Giản được nhiều người kính trọng vì tính cương trực, khẳng khái, hiếu nghĩa, thanh liêm[4]. Tuy nhiên, trong cơn nước biến, thái độ ôn hòa của ông khiến không ít người đã phàn nàn. Tháng 11 năm 1868, vì làm mất Nam Kỳ, triều đình Huế đã xử ông án "trảm quyết" (nhưng vì chết nên được miễn), lột hết chức tước và cho đục bỏ tên ông ở bia tiến sĩ. Mãi đến 19 năm sau (1886) ông mới được vua Đồng Khánh khôi phục nguyên hàm Hiệp tá đại học sĩ và cho khắc lại tên ở bia tiến sĩ.[5].

Ngược lại, cũng có nhiều trí thức đương thời đã tỏ lòng thông cảm cho ông. Như Nguyễn Thông đã từng dâng sớ lên vua Tự Đức để giãi bày nỗi oan cho ông. Và nhà thơ đương thời Nguyễn Đình Chiểu cũng đã tỏ thái độ thương tiếc, trân trọng ông qua bài thơ điếu:
Minh tinh chín chữ lòng son tạc,Trời đất từ rày mặc gió thu.
Trong bài "Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong", một lần nữa Nguyễn Đình Chiểu lại nêu cao tinh thần của Phan Thanh Giản:
Ý người đặng xem tấm bản phong trần, Phan học sĩ hết lòng cứu nước.
Hai con trai của ông, Phan Tôn (1837 - 1893), Phan Liêm (1833 - 1896), nổi lên chống Pháp tại tỉnh Vĩnh Long.

Một sĩ quan Pháp là Reunier, người đã từng tham gia chiến tranh ở Trung Quốc và Nam Kỳ, đã nhận xét về ông như sau:
Sống trong 4 tháng gần vị lão thành cao thượng ấy, chúng tôi có thể đánh giá các đức tính của ông ta...trong thời gian vượt biển này (chuyến đi sứ sang Pháp) ông không ngớt được khuyến khích bởi lòng nhiệt thành ái quốc của ông, và thúc đẩy bởi nguyện vọng thực hiện được công chuyện hữu ích cho nước nhà...[6]
Năm 1963, hành động giao nộp ba tỉnh miền Tây, được Trần Huy Liệu đem ra bàn luận, và đã kết tội ông là kẻ "bán nước" [7].

Sau 1975, nhiều đường phố ở miền Nam Việt Nam mang tên Phan Thanh Giản đã bị đổi thành tên khác[8][9].

Cho tới những ngày đầu năm 2008, Viện Sử học Việt Nam mới thống nhất kết luận rằng "Phan Thanh Giản là người nổi tiếng về đạo đức, có nhiều đóng góp trong lịch sử dân tộc; nên đề nghị tôn vinh ông, cho khôi phục, tôn tạo những di tích và những gì gắn liền với ông"; và đã được giới có thẩm quyền chấp thuận...[10]

Trong sách Đi & ghi nhớ của Sơn Nam (xuất bản năm 2008), một lần nữa, nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản lại được đề cập trong một đoạn viết như sau:
Hồi xưa, lúc còn nhỏ, tôi (lời thuật của một giáo viên lớn tuổi đi cùng với Sơn Nam) được dạy cẩn thận, khi đi ngang qua miếu Văn Thánh, học trò phải giở nón, cúi đầu để chào ông Phan. Chào ông Phan, (được xem như) là lời thề rửa hận cho ông, cho chớ không phải để bắt chước ông...Người có công nghiên cứu về Phan Thanh Giản là Lê Thọ Xuân, đăng báo Đồng Nai đâu từ năm 1931...với những chi tiết thú vị. Tuy làm quan to nhưng ông tự xem mình như người dân thường ở nông thôn, đối xử như người bình dân, không bao giờ phô trương quyền lực. Xin đề nghị: Trong chương trình Sử học cho học sinh, nên có một bài nói về ông, đủ lý đủ tình...Ông đã để lại cho đời sau chút gì khó quên, khó xóa nhòa, gọi là tâm linh, phóng khoáng, thơ mộng. [11]


Ở Thành phố Hồ Chí Minh trước năm 1975 (lúc đó gọi là Sài Gòn và Gia Định) có tới 2 con đường mang tên Phan Thanh Giản. Đường Phan Thanh Giản của Đô thành Sài Gòn cũ hiện nay là đường Điện Biên Phủ (đoạn từ vòng xoay cầu Điện Biên Phủ đến vòng xoay Ngã 7), còn đường Phan Thanh Giản của tỉnh Gia Định cũ nay là đường Nguyễn Thái Sơn ở quận Gò Vấp. Ngoài ra trước năm 1976, quận 10 còn có phường Phan Thanh Giản, ngày nay là địa bàn các phường 10 và 11 của quận 10.

Còn ở thành phố Cần Thơ trước năm 1975 có ngôi trường trung học Phan Thanh Giản (dành cho nam sinh) tọa lạc ngay trên đường Phan Thanh Giản. Sau đó, trường này bị đổi tên thành trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm, còn tên đường bị đổi tên thành đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.


Phan Thanh Giản là một nhà văn lớn với nhiều tác phẩm giá trị.
Lương Khê thi thảo
Lương Khê văn thảo
Sứ Thanh thi tập
Tây phù nhật kí
Ước Phu thi tập
Tích Ung canh ca hội tập
Sứ trình thi tập
Việt sử thông giám cương mục (Chủ biên)
Minh Mạng chính yếu (Chủ biên).


CHÚ THÍCH

1. Phan Thanh Giản (1796 – 1867). Trang chủ chính thức tỉnh Vĩnh Long. Truy cập ngày 6 tháng 3, năm 2008.
2. Theo GS. Trịnh Vân Thanh, sách dẫn bên dưới. Còn website tỉnh Vĩnh Long thì cho biết: "Phan Thanh Ngạn, đang làm thủ hiệu Phòng Công chánh Vĩnh Long bị lỗi vì chuyện thuế má phải chịu một năm tù" [1].
3. Tập san Sử Địa, số chuyên khảo về Phan Thanh Giản, tr 91
4.Năm 1852, Phan Thanh Giản được vua Tự Đức ban thưởng một tấm kim khánh trên khắc 4 chữ: "Liêm, Bình, Cần, Cán"
5.Theo Đại Nam thực lục, t.37, Hà Nội 1997, tr.223, 225.
6. Tập san Sử Địa số 7-8 Đặc khảo về Phan Thanh Giản tr26.
7. Trần Huy Liệu: Chúng ta đã nhất trí về việc nhận định Phan Thanh Giản. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 55, tháng 10 năm 1963, tr. 18-19.
8. Tường Chân (1 tháng 5 năm 2005). “Xuân thanh bình đầu tiên và mãi mãi”. Báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2009.
9. “Con Đường Cổ Thụ”. Việt Báo. 27 tháng 1 năm 2003. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2009.
10.Xem thêm
11. Sơn Nam, Đi & ghi nhớ, Tạp chí Xưa & Nay – Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2008, tr. 152-153.



ẢNH CỦA NMSL


HÌNH ẢNH PHÍA TRONG ĐỀN THỜ







CÁC CÂU ĐỐI Ở MỘ









CÂU ĐỐI Ở CỔNG LĂNG MỘ



LĂNG MỘ CỤ PHAN THANH GIẢN