CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

ĐỌC VĂN TẾ CỤ VÕ TRƯỜNG TOẢN- NGUYỄN PHÚC VĨNH BA






Ảnh lưu niệm : NM và TG Vĩnh Ba chụp ở Huế.
                                           


.
LỜI THƯA:

Hôm mồng bốn tết  Ất Mùi 2015 Nhã My và một người bạn trong chuyến đi BaTri viếng mộ các danh nhân BếnTre có ghé viếng nhà lưu niệm , đền thờ và mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu , sau đó đi Bảo Thạnh (BaTri) viếng mộ  ,đền thờ cụ Phan Thanh Giản và cụ Võ Trường Toản . Mộ cụ Võ Trường Toản nằm trong phần đất cùa giòng họ ông Phan Thanh Giản gồm 3 phần mộ (hình voi phục) là mộ của ông , bà và con gái (cụ Võ Trường Toản chỉ có một con gái chết lúc còn nhỏ ). NM thấy ở phía sau mộ có một tấm bia viết mấy dòng chữ (theo thể thảo) và đọc không ra nên ghi ảnh và đã posted lên facebook . Rất may mắn và hân hạnh là được anh Vĩnh Ba đã nghiên cứu và viết bài này NM cảm ơn anh Vĩnh Ba và  xin  đăng lại bài viết để chia xẻ với bạn đọc blog NM đồng thời nhớ ơn một nhà nho uyên bác của đất Nam kỳ.

Ảnh của NM SL
(Theo một người ở địa phương thì tấm bia có từ lâu đời ̣̣tương truyền là do cụ Phan Thanh Giản soạn , đền thờ và tượng cùng các chi tiết bên trong thì mới được trùng tu sau này khoảng sau  năm 1995)
















ĐỌC VĂN TẾ CỤ VÕ TRƯỜNG TOẢN

(Bài viết này để trả lời thắc mắc của chị Nhã My về tấm bia ở lăng cụ VTT. Riêng tặng chị NM. Đã đăng ở tạp chí VHPG số 324 ngày 1.5.2015)

1. Một người bạn từ xa về, ghé Ba Tri, Bến Tre thắp hương cho cụ Võ Trường Toản. Sau mộ cụ kiểu voi phục, người bạn chúng tôi còn thấy có một tấm bình phong với một số chữ Hán viết thảo, nét chữ rất sắc sảo. Tìm quanh chẳng thấy có bản giải thích và cũng không biết hỏi ai, người bạn chụp lại hình và gởi cho chúng tôi. Chúng tôi thiết nghĩ rằng danh nhân nước nhà như cụ Võ Trường Toản nào có mấy người, công đức cho con cháu đời sau dày dặn, mấy câu văn này hẳn có ý nghĩa thâm sâu, thế nên chúng tôi bỏ công tìm hiểu. Việc làm nho nhỏ này vì một để bày tỏ lòng tri ân của đám hậu sinh đối với bậc tiên hiền, hai để giúp các người du khách khác đến đây viếng mộ hiểu biết thêm mà sinh lòng mến mộ cụ. Âu cũng là một việc nên làm lắm ru!


2. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia và sách Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển của GS Trịnh Vân Thanh, cụ Võ Trường Toản (武 長 纘 ? - 1792), hiệu Sùng Đức; là một nhà giáo nổi tiếng "học rộng, có đức hạnh hơn người" ở Gia Định vào thế kỷ 18. Tổ tiên ông vốn là người Hoa lánh nạn Mãn Thanh sang cư trú ở Đàng Trong. Về sau, họ từ miền Trung vào miền Nam lập nghiệp.
Về tiểu sử của cụ đã được đại thần Phan Thanh Giản tóm tắt trong một bài văn bia bằng chữ Hán soạn năm Đinh Mão (1867), tạm dịch ra như sau:
"Tiên sinh họ Võ, húy Trường Toản. Đời trước hoặc nói là người Thanh Kệ (Quảng Đức), hoặc nói người Bình Dương (Gia Định), trước thọ nghiệp cùng ai chưa biết rõ. Chỉ biết sở học của tiên sinh đã tới bậc dày dặn, đầy đủ, chất thật có thuật nghiệp thâm uyên thông đạt. Xảy hồi loạn Tây Sơn, tiên sinh ở ẩn mở trường dạy họ, thường học trò đến mấy trăm. Ông Ngô Tùng Châu là môn sinh cao đệ nhất. Thứ đến là các ông Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhơn Tịnh. Bậc danh sĩ là ông Chiêu, ông Trúc đều ẩn dật. Ngoài ra không kể hết được...Các ông ấy đều gặp hồi phong vận, thời trung hưng triều Gia Long đức bậc tôi hiền, có người hoặc sát thân để làm nên điều nhân, hoặc quên mình để trọng tiết nghĩa, thảy đều nên công nghiệp lớn... Lúc ngự vào Gia Định, đức Thế Tổ Cao Hoàng đế hằng triệu tiên sinh tới đối ứng… Tiên sinh không khứng ra làm quan, nên đại khái không thấy được sự nghiệp. Từ thuở tiên sinh lấy lối học nghĩa lý để giáo hóa, chẳng những đương thời đào tạo được nhiều bậc nhân tài, mà còn truyền thuật, giảng luận, trau dồi về sau"...
Cụ Võ Trường Toản mất ngày mồng 9 tháng 6 năm Nhâm Tý (tức 27 tháng 7 năm 1792).
Hài cốt của nhà giáo Võ Trường Toản lúc đầu được chôn tại làng Hòa Hưng, là nơi ông từng ngồi dạy học. Chuẩn theo lời tâu của Phan Thanh Giản, năm 1852, vua Tự Đức đã ban chỉ "lập đền thờ, hiến ruộng để phụng sự, mỗi năm xuân thu cúng tế" cho ông.
Để tưởng nhớ công đức của thầy, học trò cũ của ông cũng có câu đối tưởng niệm:
Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử
生 前 教 訓 得 人, 無 子 而 有 子
Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong giả bất vong.
没 後 盛 名 在 世,  雖 亡 者 不 亡
Dịch nghĩa:
Lúc sống, dạy dỗ được nhiều người, không con mà cũng như có
Khi chết, tên  còn để lại đời, tuy mất mà hoá ra chẳng mất.

Quả là rất chí lí và đúng mãi với thời gian.
Hiện trong Tụy Văn lâu nằm trong khuôn viên Văn Thánh Miếu Vĩnh Long có đặt bài vị thờ ông.
Sau khi quân Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1862), Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông (đốc học Vĩnh Long), Phạm Hữu Chánh (hiệp trấn An Giang), hiệp cùng nhiều sĩ phu khác đã cải táng di cốt của Võ Trường Toản (cùng vợ và con) về làng Bảo Thạnh (Ba Tri, Bến Tre), với ý nghĩa là không để mộ thầy nằm trong vùng cai quản của quân xâm lược. Ngày cải táng (28 tháng 3 âm lịch năm 1867), Nguyễn Thông đã thay mặt các nho sĩ đứng làm chủ lễ.
Vì thế, hiện nay trong nhà thờ cụ Võ Trường Toản ở Bến Tre có treo hai câu đối sau:
Gia Định sinh tiền, thân bần tiết mạc bại, xử sĩ thiên thu xán tiết
嘉 定 生 前, 身 貧 節 莫 敗, 處 士 千 秋 燦 節
Trúc Tân táng hậu, cốt khô danh bất hủ, lương sư vạn tải lưu danh.
竹 津 葬 後, 骨 枯 名 不 腐, 良 師 萬 載 留 名.

Dịch nghĩa: Lúc còn sống ở Gia Định, nhà nghèo nhưng khí tiết vẫn hiên ngang, không chịu ra làm quan ngàn năm sáng ngời khí tiết đó.
Chết rồi chôn ở Bến Tre (Trúc Tân) xương khô song danh tiếng không lu mờ, mãi mãi là bậc thầy giỏi vạn năm còn để lại  tuổi tên.
Khu mộ của Võ Trường Toản được người ở Bảo Thạnh gọi là "khu mộ ông Hậu Tổ", vì ông là người có công truyền dạy luân lý Khổng Mạnh ở vùng đất Đồng Nai - Gia Định.
3.  Đọc tiểu sử của cụ Võ Trường Toản rồi mới thấy cái tài hoa của người viết mấy hàng văn tế ngắn ngủi ở bình phong trên. Bản văn đó như sau:
Hà Phần xử sĩ
河 汾 處 士
Nhạc Lộc lương sư
嶽 麓 良 師
Quốc vận hưng, dân hoá thịnh.
國 運 興, 民 化 盛
Hà hạc nhạc băng
河 涸 嶽 崩
Y!

(Người ở ẩn tại ngả ba sông Hoàng Hà, sông Phần
Vị thầy giỏi nơi chân núi Nhạc Lộc
Vận nước hưng lên
Phong hoá trong dân tốt hẳn.
Nay sông cạn rồi, núi lở rồi.
Than ôi!)

Ngay câu đầu trong bài văn tế ngắn gọn trên, tác giả đã gọi cụ Võ Trường Toản là xử sĩ thì hẳn rồi vì  “Tiên sinh không khứng ra làm quan” như lời cụ Phan Thanh Giản nhưng gọi cụ là Hà Phần xử sĩ thì là một cách ca tụng rất sâu sắc. Hà Phần xử sĩ là cụm từ chỉ bậc đại nho Vương Thông vào đời Tuỳ mạt. Cụ Vương Thông không ra làm quan, chỉ mở trường dạy học ở ngả ba sông Hoàng Hà và sông Phần, dạy hơn cả ngàn môn đồ, trong đó có những danh đồ như Phòng Huyền Linh (tể tướng, khai quốc công thần đời Đường), Nguỵ Trưng, Lý Tĩnh, Đỗ Như Hối, Trình Nguyên,…. Học trò ông đều toàn là đại công thần của triều Đường thuở mới khai lập.1

Võ tiên sinh được so sánh với bậc đại nho Vương Thông vì hai vị có nhiều điểm rất giống nhau. Hai cụ đều không tha thiết việc làm quan, chỉ thích đem sở học dạy người. Học trò của cụ Võ Trường Toản, như chúng ta biết, cũng là các lương đống của triều Gia Long như Ngô Tùng Châu (Lễ bộ thượng thư, Thái tử Thái bảo), Trịnh Hoài Đức (tác giả Gia Định thành thông chí), Lê Quang Định (Thượng thư bộ Binh rồi bộ Hộ), Ngô Nhơn Tịnh (một trong Gia Định tam gia),…  Cả hai đều đào tạo nhân tài cho một triều đại mới để thế chân một triều đại cũ đã đến thời mục ruỗng.

Các bậc công thần giúp sức những đấng quân vương trị nước hẳn đều do danh sư dạy dỗ. Việc ấy cũng thường, thế nhưng ở trong sách sử nước ta xưa thì có cụ Chu Văn An, rồi cụ Võ Trường Toản là được nhắc nhở đến nhiều nhất thôi.

Trong câu tiếp theo, cụ Võ Trường Toản lại được so sánh với một bậc lương sư ở núi Nhạc Lộc: Chu Hi. Nhạc Lộc thư viện là tên của một trong 4 thư viện2 (thực chất là trường học) lớn đời Tống tại núi Lộc, ở chân núi Hành Sơn, phía tây sông Tương, huyện Hành Sơn, phủ Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Ông Chu Hi (1130 – 1200) đã cùng với Trương Thức hội giảng tại Nhạc Lộc thư viện và chấn hưng nền Lí học Trung Hoa. Quan điểm triết học và giáo dục của Chu Hi có ảnh hưởng lớn các triều đại sau và các nước lân cận như Việt Nam, Nhật Bản,… Sau khi từ quan, Chu Hi về dạy học ở Lô Sơn, tỉnh Giang Tây. Ông dành hết thời gian cho việc giáo dục và viết sách. Theo ông, học nên tuần tự từ từ, không nên tham lam gấp vội. Học tập tất phải kết hợp với suy nghĩ. Học tập phải bao quát hai phương diện là đọc sách và thực hành. Ông được xem như người mở đầu học phái Tống Nho sau này và là một bậc thầy mẫu mực của nền giáo dục Trung Hoa ngày xưa.

Với sự so sánh như trên3, tác giả bài văn tế ngắn ngủi này đã cho chúng ta thấy tầm vóc vĩ đại của bậc hàn nho Võ Trường Toản. Đời dạy học của cụ đã đem lại một cái kết quả vô cùng quí giá cho quê hương tổ quốc: đó là vận nước thạnh lên và dân hoá tốt đẹp.

Ngẫm lại, có được cái kết quả trên cũng dễ hiểu thôi. Giáo dục chân chính là đào tạo nhân tài mà nhân tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí tốt ắt quốc gia cường thịnh. Cho nên, một nền giáo đục đúng đắn tất vận nước phải lên, dân hoá phải thịnh. Nói không ngoa, cứ nhìn vào nền giáo dục của một quốc gia thì biết quốc gia đó sẽ tàn lụi đi hay cường thịnh lên.

Ôi thôi, nay cụ phải qui tiên thì đâu có khác gì sông cạn núi lỡ. Tiếc thương có lẽ biết chừng nào cho đủ. Thế mới hay, bậc sĩ phu đức trọng tài cao là cần thiết cho đời xiết bao!

Cụ Phan Thanh Giản là tác giả bài văn bia và cũng là người có mặt trong ban cải táng Võ tiên sinh về Bến Tre. Vì thế, chúng tôi đoán rằng Phan học sĩ là tác giả bài văn tế tuyệt vời và súc tích này.

4. Làm kẻ sĩ ở đời dù không “tiến vi quan” mà “thoái vi sư” như cụ Võ Trường Toản thì mãi mãi vẫn là một vốn quý cho dân tộc, một tấm gương sáng cho con cháu muôn đời. Điều đặc biệt là cụ Võ Trường Toản lại không đỗ đạt khoa bảng gì, không làm quan quyền gì, cụ chỉ có thực tài là vốn hiểu biết uyên thâm để giảng dạy cho học trò. Điều cụ làm được thì lại là quá lòng mong mỏi của vua cũng như dân Thế mới hay, thực tài là cái vốn cực kỳ quan trọng. Nay nước ta tiến sĩ đến vài chục vạn, trường đại học đến hàng trăm mà dân hoá ngày càng đi xuống: giết chóc tràn lan từ trong gia đình đến ngoài xã hội, cướp giật tưng bừng từ trong lễ hội đến ngoài đường phố, gian dối đầy rẫy từ trong công đường đến ngoài thị trường,… Bậc sư biểu đại diện cho đạo lý nhân nghĩa muôn đời chẳng thấy đâu. Ngó vào đấy cũng thấy được nguyên khí đất nước đang tổn thương trầm trọng và chua xót cho nền giáo dục nước nhà.

Chúng tôi tự xét mình trước vong linh cụ và lấy làm hổ thẹn vô cùng.

Ghi chú:
1. Trong văn học cổ điển có  thành ngữ “Hà Phần môn hạ” để chỉ các nhân tài kiệt xuất vốn là học trò của các danh nho.
2. Ba thư viện kia là Bạch Lộc động thư viện ở Lô sơn, Giang Tây; Ứng Thiên thư viện ở Thương Khâu, Hà Nam; Thạch Cổ thư viện tại Hành Dương, Hồ Nam.
3. Liên hệ đến điển tích Nhạc Lộc, Hà Phần, theo GS Trịnh Văn Thanh thì Võ tiên sinh còn được vua Gia Long ban cho câu đối:

“Triều hữu nguyên huân, bán thuộc Hà phần cựu học
Đẩu nam  phong giáo, tề khâm Nhạc lộc dư uy.

Đại ý hai câu này tỏ lòng mến thương cái công đức của Võ tiên sinh đã đem sự giáo hoá của ông Vương, ông Chu mà làm rực rỡ trong triều ngoài quận.” (Sđd, tập 2, tr.1451)
       
          Chúng tôi đồng ý với cách hiểu đại khái câu đối trên như thế. Giá mà GS Thanh phụ chú Hán ngữ cho câu đối này thì dễ dàng cho chúng ta hiểu nó tường tận hơn. Vế đầu là “Triều đình lập nên nhiều công đầu, một nửa là nhờ vào công lao của các văn quan học rộng tài cao”. Về sau thì chúng tôi không dám dịch mò.


NGUYỄN PHÚC VĨNH BA
Tháng 4.2015

Nguồn:

11 nhận xét:

Lý Lãng nói...

Qua bài của anh NPVB,được hiểu thêm về Cụ Võ Trường Toản.Chúc chị cuối tuần vui khỏe !

Hoàng Anh 79 nói...

Bài viết ý nghĩa. Em chúc chị vui ạ.

Lý Viễn Giao nói...

Cảm ơn NHAMY giới thiệu chùm ảnh và bài viết để mọi người biết sâu hơn về một địa danh !

Unknown nói...

sang đọc bài ĐỌC VĂN TẾ CỤ VÕ TRƯỜNG TOẢN- NGUYỄN PHÚC VĨNH BA
chúc bạn luôn vui khỏe nhiều

Lanrung nói...

LR vắng blog rất lâu hôm nay sang thăm Bạn hiền và đọc bài của Bạn ! Thanks
Mến chúc Bạn hiền luôn vui và nhiều sức khỏe nhé !

Lanrung nói...

LR vắng blog rất lâu hôm nay sang thăm Bạn hiền và đọc bài của Bạn ! Thanks
Mến chúc Bạn hiền luôn vui và nhiều sức khỏe nhé !

Nguyên Sơn nói...

Giáo làng Chiềng chưa đến đây lần nào, hy vọng sẽ có ngày được đặt chân đến

Bâng Khuâng nói...

Bài viết có ích cho việc tham khảo tư liệu về các danh nhân Việt Nam ngày càng mai một với thời gian. Mình hoàn toàn nhất trí khi bác Vĩnh Ba nêu tên hai danh sĩ Chu Văn An và Võ Trường Toản : "Các bậc công thần giúp sức những đấng quân vương trị nước hẳn đều do danh sư dạy dỗ. Việc ấy cũng thường, thế nhưng ở trong sách sử nước ta xưa thì có cụ Chu Văn An, rồi cụ Võ Trường Toản là được nhắc nhở đến nhiều nhất thôi".
Mình nghĩ La Sơn Phu Tử NguyễnThiếp - một danh nhân khác cũng có sự đóng góp lớn cho nền giáo dục nước nhà, nhưng do sinh bất phùng thời nên dù sống qua 3 triều đại (Lê, Tây Sơn, Nguyễn), may mắn lắm mới giữ mạng sống nên công nghiệp ít được nhắc hơn. Học trò của ông vì làm quan dưới "ngụy triều Tây Sơn", nên dù là văn quan võ tướng lương đống triều đình, cũng chỉ là quốc phạm nên sử sách không đề danh:

Trong lịch sử nước nhà có hai nhân vật được tôn hiệu là phu tử (bậc hiền triết) đó là Tuyết Giang phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm và La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Hai nhân vật cách nhau gần 200 năm. Tuyết Giang phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đỗ đạt tuyệt đỉnh: Trạng Trình và Trình Quốc công còn La Sơn phu tử chỉ đỗ cử nhân (Hương giải), lận đận trong đường khoa cử và chỉ làm quan triều Lê tới tri huyện rồi giữa chừng treo ấn từ quan về sống ẩn dật trên núi Thiên Nhẫn (nay thuộc Hà Tĩnh). Cả hai đều là nhân vật trung tâm của thời đại, chủ yếu do thời cuộc biến loạn tạo nên một nhân cách đặc biệt. Tuyết Giang phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ trạng nguyên ở đời Mạc rồi ra làm quan thời Mạc, cuối đời trở về mở trường dạy học bên dòng Tuyết Giang, vừa đào tạo nhân tài, vừa tu luyện tâm đức bằng sấm ký để đời soi sét. La Sơn phu tử cũng vậy, sau khi từ quan lại mở trường dạy học trò, vui thú điền viên và ngao du sơn thuỷ. Điểm chung thứ 2 là cả hai bậc hiền triết đều được các đời vua chúa trọng nể, hỏi xin ý kiến. Việc vua Lê, vua Mạc rồi chúa Trịnh, chúa Nguyễn với Nguyễn Bỉnh Khiêm tới hỏi về hậu vận đã được sử sách chép truyền. Với La Sơn phu tử cũng vậy, năm 1789 chúa Trịnh Sâm khi muốn thoán đoạt ngôi vua Lê đã vời cụ ra để dạm hỏi ý cụ, cụ đã can ngăn chúa Trịnh đừng tiếm ngôi vua. ở thời thế ấy hiếm có ai dám thẳng ngay ngăn chúa như vậy!
Mặc dù là một “ẩn sĩ” nhưng uy danh của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp vẫn lan tỏa khắp nước. Chính vì vậy, Nguyễn Huệ nhiều lần quyết tâm chiêu mộ Nguyễn Thiếp về nhà Tây Sơn. Tháng 4/1788, Nguyễn Huệ trên đường ra Thăng Long, có gặp Ông ở Phù Thạch (Nghệ An). Sau đó, Ông đã nhận lời giúp Nguyễn Huệ xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô.

Bâng Khuâng nói...

La Sơn phu tử đã trải qua 3 triều đại, đặc biệt là giai đoạn hợp tác với nhà Tây Sơn. Nổi tiếng là chuyện La Sơn phu tử đã góp một câu nói giúp Quang Trung đại phá quân Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789: "Việc quân phải chóng". Sau ngày thắng trận trở về Phú Xuân, qua Nghệ An, vua Quang Trung lại vời ông tới để ban khen: "Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ". Từ lúc thi đậu cử nhân khi mới 20 tuổi, La Sơn phu tử đã tỏ chí ẩn dật, không ham hố quan trường. Nét đặc biệt của La Sơn phu tử nổi rõ trong một hoàn cảnh éo le khi nhà Tây Sơn nổi lên và triều Lê mạt vận, giặc Thanh theo gót vua Lê Chiêu Thống tràn sang. Cũng giống các sỹ phu thời bấy giờ, La Sơn phu tử cũng ngóng thờ vua Lê mà thôi, nhưng với nhãn quan thời thế xa rộng, cụ đã hợp tác với nhà Tây Sơn như một lẽ tự nhiên. Ban đầu là vì nghĩa cử, khi có giặc ngoại xâm thì sẵn sàng dẹp bỏ mọi niềm riêng vì nghĩa nước. Điều đó thể hiện ở câu nói giúp vua Quang Trung phá tan quân Thanh nhanh chóng. Nhưng khi vua Quang Trung phá tan quân Thanh ngỏ ý vời cụ ra làm quan 3 lần thì đều bị cụ từ chối. Cuối cùng mới nhận chức đứng đầu Sùng Chính Viện - như Thượng thư bộ học - góp phần cải cách nền giáo dục ở triều đại mới.
Năm Tân Dậu (1801), vua Cảnh Thịnh (con vua Quang Trung) có mời ông vào Phú Xuân để hỏi việc nước. Đang ở nơi ấy, thì kinh thành mất vào tay chúa Nguyễn Phúc Ánh (sau là vua Gia Long). Nghe vị chúa này tỏ ý muốn trọng dụng, ông lấy cớ già yếu để từ chối, rồi xin về.
Công lao lớn nhất của Ông là thực hiện chủ trương của Quang Trung: chấn hưng, đề cao chữ Nôm, dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước Việt. Đồng thời, La Sơn Phu Tử còn là một nhà giáo có công lớn đối với nền giáo dục nước nhà cuối thế kỷ thứ XVIII.

Sau ngày đỗ đại khoa (Tiến sỹ - 1898) Nguyễn Văn Trình có đến nhà thờ Nguyễn Thiếp (ở xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cúng tặng câu đối:

六 年 夫 子 興 中 國

三 世 曾 孫 拜 外 家

Phiên âm:

Lục Niên phu tử hưng trung quốc

Tam thế tằng tôn bái ngoại gia

Phỏng dịch:

Phu tử sáu năm chấn hưng đất nước

Cháu chắt ba đời kính bái ngoại gia

nguyenanh1963@gmail.com nói...

Em chào chị Nha My
Sang thăm chị đọc bài viết được hiểu thêm về lịch sử nước nhà chúc chị khỏe vui

NHAMY nói...

cảm ơn bạn LA Thụy đã ghi lại tài liệu về La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp